Diễn giải về mối tương quan của tâm lý học với nghiên cứu văn học - Nguyễn Mạnh Tiến

Từ hướng nhìn khoa học vật lý hiện đại, với truyền thống kinh nghiệm của khoa học chính xác, như đã biết, luôn giữ một khoảng cách an toàn đối với triết lý. Cái khoa học dựa vào để thiết lập hệ hình nhằm hướng đến một khoa học chuẩn định (nói theo T. Kuhn) là kết quả thực nghiệm. Cái lí trí đã qua kiểm chứng (kết quả thực nghiệm ấy) sẽ quyết định cho nền tảng tư duy khoa học. Do đó, khi vật lý lượng tử xác định nên nguyên lý hạt vừa là sóng vừa là hạt tuỳ vào mục đích, ý muốn của chủ thể thí nghiệm (nguyên lý bất định của Heisenberg), mô hình vật lý lượng tử đã loại trừ quan niệm giản đơn của vật lý cổ điển với quan niệm hạt chỉ có thể là hạt hoặc sóng. Thế nhìn của vật lí hiện đại cho thấy một cấu trúc cơ bản (hạt) thì không cố định mà là bất định [5]. Từ đó, cho phép di động hệ nghĩa (bằng cách di động thế nhìn ngắm để tạo sinh nghĩa) trên cùng một cấu trúc để mở ra các cách tiếp cận thế giới. Đến đây chúng ta thấy điểm gặp gỡ lí thú giữa vật lí hiện đại với hiện tượng học; mà như đã biết, hiện tượng học chính là triết hệ nền tảng cho cuộc các mạng của khoa văn học hiện đại lấy văn bản làm đối tượng trung tâm và hậu hiện đại để mối quan tâm vào tiếp nhận. Tâm lí học vì thế tuỳ thuộc tia nhìn (các quan niệm tâm lí học khác nhau) mà chạm vào hữu thể văn học ở những yếu tính khác nhau. Nói theo A. Einstein, khi chấp nhận một tia nhìn Thế giới như tôi thấy (một tác phẩm thời danh của ông) nghĩa là đã chấp nhận tính tương đối trong cách quan sát về thế giới. Mệnh đề Thế giới như tôi thấy của Einstein giống hệt với cảm quan về thế giới trong thế nhìn hiện tượng luận: Thế giới ấy là thế giới được cấp nghĩa bởi tôi. Mở rộng ra, thì đấy chính là thế giới mang tính biện chứng, hay tính phức hợp như cách hiểu của E. Morin. Đứng lại ở nhận định này, như vậy không tồn tại một khoa học văn học xây dựng cho nó thuần tuý trên một nền tảng mà phải là nhiều nền tảng. Bởi với bài học của Kant, cái thuần tuý (pur) thì cần phải phê phán (critique). Do đó, khoa học văn học phải được xây dựng từ nhiều nền tảng tâm lý học, mở rộng ra là ngôn ngữ học, xã hội học, chính trị học. Trong đó, chỉ có mỹ học văn học thì mới hướng đến những giá trị nội tại (nghệ thuật) của văn học. Nên từ những ý hướng đã diễn giải ở trên, khai mở ra những “chân trời” cho việc đưa tâm lí học vào nghiên cứu văn học./.

pdf8 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 580 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Diễn giải về mối tương quan của tâm lý học với nghiên cứu văn học - Nguyễn Mạnh Tiến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(18)/2011: tr. 57-64 DIỄN GIẢI VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA TÂM LÝ HỌC VỚI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC NGUYỄN MẠNH TIẾN Viện Văn học Tóm tắt: Mối tương quan của tâm lý học với nghiên cứu văn học là mối tương quan tỷ lệ thuận. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa văn học hơn một thế kỷ qua, tâm lý học văn học cũng đã có những chuyển biến kịp thời để đáp ứng việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu của khoa văn học. Bác bỏ quan niệm tâm lý học đã trở nên tụt hậu sau khi đã hoàn thành “sứ mạng” nghiên cứu tâm lý sáng tạo tiền hiện đại. Tâm lý học với những thành tựu của ngữ học phân tâm đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu văn học từ chính văn bản. Và trong thời hậu hiện đại, khi tiếp nhận trở nên vấn đề số một của nghiên cứu văn học, một lần nữa tâm lý học lại đảm nhận vai trò dẫn đạo trong nghiên cứu tâm lý tiếp nhận. 1. Tiếp cận trực tiếp từ tâm lý học để nghiên cứu văn học, hay nói cho thật chính xác là từ mỹ học đặt cơ sở ở tâm lý học để thông hiểu khoa học văn học. Một đường hướng làm việc mà nếu nhìn từ tư duy lý luận văn học hiện đại và hậu hiện đại thì đã rơi vào thế nhìn văn học theo lối cổ điển (với mô hình phản ánh), và do đó là đầy hạn chế mà quan niệm hiện đại về văn học (bắt đầu từ các nhà hình thức Nga đặt mối quan tâm vào văn bản) đã cảnh báo và phân tích rất cụ thể về nguy cơ làm tụt hậu văn học, vì nền mỹ học xuất phát từ tâm lý học thì tất yếu bỏ quên các phẩm tính nội tại của văn học. Do đó, đúng như N. Lajos nhận định: Jakovson phê phán lối nghiên cứu văn học (truyền thống) với phương pháp tiếp cận văn học như là những tài liệu tâm lý học, triết học. Tynianov thì gọi lối nghiên cứu văn học như vậy là “số phận thuộc địa” do khoa văn học đã đánh mất đi tính độc lập của chính nó [3, tr. 27]. Hiểu theo cách khác như quan niệm của Wellek và Warren thì việc khảo sát văn học từ tâm lý học là lối nghiên cứu văn học đến từ bên ngoài, do đó chỉ có thể tiếp xúc được với cấu trúc bề nổi mà đánh mất cấu trúc ngầm ẩn, cấu trúc bề sâu của hữu thể văn học. Đây là vấn đề nhận thức luận mang tính nền tảng của khoa văn học hiện đại và hậu hiện đại. Ngay chính các nhà tâm lí học cũng thừa nhận điều này, C. G. Jung khi bàn về văn học nghệ thuật đã viết: “chỉ là bộ phận của nghệ thuật bao trùm quá trình sáng tạo hình tượng nghệ thuật mới có thể là đối tượng của tâm lí học, chứ không phải là bộ phận tạo thành bản chất riêng của nghệ thuật; bộ phận thứ hai này của nó cùng với vấn đề nghệ thuật đích thực là gì chỉ có thể là đối tượng của phân tích thẩm mỹ - nghệ thuật chứ không phải tâm lí” [4, tr. 44]. Nhà nghệ thuật học M. Cagan, tương tự, cũng đưa ra quan niệm: “Cơ sở phân loại các nghệ thuật phải là những tiêu chí bản thể học, chứ không phải là những tiêu chí tâm lí học” [2, tr. 79]. Bởi vậy, trong những hoàn cảnh cụ thể khi nghiên cứu văn học, chúng tôi tự giới ước phạm vi quan tâm mà tâm lí học hướng tới nghiên cứu văn học là đến từ các yếu tố bên ngoài (diễn giải nội dung tư tưởng) của tác phẩm văn học. NGUYỄN MẠNH TIẾN 58 2. Nhưng từ một bình diện khác của nghiên cứu văn học, chúng ta cũng nhận thấy rằng việc tách biệt một cách quyết liệt hai yếu tố bên trong và bên ngoài, nội dung và hình thức một cách cứng nhắc sẽ làm thực thể văn học trở nên rã rời và thiếu khuyết. Vì thế, nền nghiên cứu văn học hoàn bị phải xuất phát từ cả hai chiều nội tại và ngoại tại, cấu trúc bề mặt và cấu trúc bề sâu của tác phẩm, cùng tác động khiến hữu thể ngôn từ bộc lộ nên những yếu tính làm thành chính hữu thể ngôn từ. Vì thế, phương pháp tiếp cận văn học từ tâm lý học vẫn có thế đứng chắc chắn của nó khi nghiên cứu văn học. Nên quan niệm như Wellek và Warren thì dù rất ý thức đến những bình diện nội tại của văn học nhưng vẫn không quên nguyên tắc “cần chú ý đến giá trị tâm lý học của tác phẩm văn học” [10, tr. 50]. Vả lại, xét cho đến cùng, phương pháp nào cũng có giới hạn của nó. Điều khác biệt khiến một phương pháp trở nên tối ưu là trong các phẩm tính tự nội của chính phương pháp cho phép tồn tại sai số ít nhất khi tiến hành khái quát nên bản chất của đối tượng. Từ đó, một phương pháp nghiên cứu văn học bác bỏ đi những yếu tố đến từ bên ngoài văn học, chỉ xem xét văn học như một cấu trúc nội tại tự trị của các “thủ pháp” (ví như quan niệm của nhà hình thức Nga) thì đồng thời cũng làm nghèo nàn đi những thuộc tính mà một hữu thể ngôn từ buộc phải mang theo. Nên, quay trở lại để thấy phương pháp tiếp cận văn học từ tâm lý học vẫn mở ra những khả thể để khám phá bản chất của nghệ thuật văn học. Và, những thành tựu nghiên cứu văn học hiện đại và hậu hiện đại ra đời không có nghĩa loại trừ nền nghiên cứu văn học tiền hiện đại. Ngược lại, chúng bổ túc cho nhau, khiến khoa học văn học nói chung trở nên hoàn chỉnh hơn trong việc khái quát nên các cấp độ bản chất của văn học. Trong đó, khoa nghiên cứu văn học tiền hiện đại với mối quan tâm đến tâm lý sáng tạo, tức nghiên cứu loại hình tác giả vẫn có vị trí của nó. Những công trình nghiên cứu của M. Arnauđôp hay L. Vưgôtxki ngày nay vẫn còn ý nghĩa lớn trong nghiên cứu tâm lý sáng tạo nghệ thuật. Để có thể nắm bắt thuộc tính của mô hình phản ánh, các nhà tiền hiện đại trong nghiên cứu văn học buộc phải tiến hành phân tích tâm lý sáng tạo của nhà văn. Mỹ học văn học tiền hiện đại do vậy có mối quan hệ mật thiết với tâm lý học, cụ thể là tâm lý học sáng tạo. Vưgốtxki quan niệm: “Nếu cần gọi tên cái biên vực đã phân chia mọi trào lưu mỹ học hiện nay ra thành hai hướng lớn, thì đấy chính là tâm lý học” [9, tr. 25]. Quan niệm của Vưgốtxki cho thấy vị thế và vai trò của tâm lý học còn quan trọng hơn rất nhiều, không chỉ với văn học (và nghệ thuật) mà còn quyết định số phận của mỹ học. Cho dù sau này, mối quan hệ giữa tâm lý học và văn học sẽ còn được điều chỉnh từ nhiều hướng khác nhau, nhưng trước sau, quan niệm của Vưgốtxki vẫn cho thấy tâm lý học có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với mỹ học (văn học). Thật vậy, tầm quan trọng của tâm lý học đưa vào nghiên cứu nghệ thuật biểu hiện ít nhất từ ba cấp độ: giải thích quá trình sáng tạo, giải thích cảm thụ nghệ thuật và phân tích tâm lý tác phẩm (mà trọng tâm là phân tích tâm lý nhân vật). Ở đây, có điều cần chú ý, vấn đề phân tích cảm thụ nghệ thuật mà quan niệm tiền hiện đại đặt ra, về bản chất, khác hoàn toàn với quan niệm hậu hiện đại về phân tích cảm thụ nghệ thuật (thường được gọi là nghiên cứu tiếp nhận). DIỄN GIẢI VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA TÂM LÝ HỌC VỚI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC 59 Quan niệm tiền hiện đại về cảm thụ, tiếp nhận nghệ thuật bao giờ cũng thừa nhận ở tác phẩm nghĩa đơn nhất. Tức là cái nghĩa ổn định, bất biến là ý đồ nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm đến độc giả thông qua tác phẩm của mình. Độc giả đọc văn bản nghĩa là tiến hành một quá trình (mà các nhà lí luận nói đến bằng một hình ảnh rất hay là) “khảo cổ học văn bản” nhằm “khai quật” lên lớp nghĩa chủ ý của nhà văn. Quan niệm cảm thụ nghệ thuật tiền hiện đại do đó không tồn tại sự thừa nhận những “nghĩa khác” với nghĩa “gửi gắm” của tác giả. Nó chỉ thừa nhận nghĩa “đúng” hoặc “sai” với nghĩa mặc định mà tác giả thiết lập rồi “gài” vào tác phẩm. Điều này khác hoàn toàn với mỹ học tiếp nhận hậu hiện đại quan niệm / thừa nhận nghiễm nhiên chân lí không tồn tại cái “đúng” hay “sai” trong “đọc” tác phẩm, mà chỉ thừa nhận sự tồn tại nghĩa “khác” với tư cách là một kiểu “diễn giải” về tác phẩm ấy. Quan niệm từ mỹ học tiếp nhận không loại trừ quan niệm tiền hiện đại mà thừa nhận kiểu giải thích tác phẩm tiền hiện đại với tư cách cũng chỉ là một cách đọc, nên ngang hàng với các cách đọc khác. Mỹ học tiền hiện đại vì thừa nhận nghĩa duy nhất đúng là nghĩa tác giả, nên nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là nghiên cứu chủ thể sáng tạo. Từ đó, nó đặt ra vấn đề cần phải “hiểu biết” tác giả với tất cả những yếu tố nội tại lẫn ngoại tại tác động nhằm làm nên bản sắc của chủ thể tác giả. Qua đấy, “mưu toan” hệ thống nên thông điệp mà tác giả (sau khi đã được hiểu rõ) kí thác vào tác phẩm. Với nghiên cứu văn học tiền hiện đại, nghiên cứu tâm lý sáng tạo phải là nhiệm vụ hàng đầu. M. Arnauđốp trong công trình đồ sộ Tâm lí học sáng tạo văn học đã tiến hành nghiên cứu tâm lý sáng tạo trên hầu khắp các bình diện. Công trình nghiên cứu công phu và mạch lạc của Arnauđốp là một nỗ lực đáng kể để thiết lập hệ hình nghiên cứu chủ thể sáng tạo. Với mười hai chương khác nhau, tuy nhiên chúng ta có thể chia công trình nghiên cứu tâm lý sáng tạo của Arnauđốp thành hai chặng chính. Chặng một (gồm chín chương đầu) nghiên cứu về những điều kiện chuẩn bị cho sáng tạo nhà văn, chặng hai (ba chương cuối) đi vào nghiên cứu cụ thể quá trình sáng tạo [1]. Cho dù cả Arnauđốp và Vưgốtxki đều tính đến (và đặt ra nghiên cứu) cả yếu tố ý thức và vô ý thức tác động lên quá trình sáng tạo, nhưng sự phức tạp của vấn đề (nhất là vô thức sáng tạo) được các nhà lý thuyết ý thức rất rõ nên nói tới nhiều lần. Arnauđốp (và phần lớn những nhà tâm lý Mácxít, ví như Liônchiep) đi theo hướng cố gắng tổ chức lý thuyết tâm lý theo hướng duy lí nghiêm ngặt. Vưgốtxki theo chúng tôi, rất khác biệt, có một nỗ lực xuất sắc trong công trình Tâm lí học nghệ thuật khi ông đã cố gắng sử dụng (có phê phán) phân tâm học Freud để nghiên cứu vô thức sáng tạo bên cạnh nghiên cứu cái ý thức trong sáng tạo của nhà văn. Theo đó, tâm lý sáng tạo nhà văn bị chi phối mạnh bởi cái vô thức, nhưng quan trọng hơn, anh ta còn thuộc về cái xã hội. Đúng như Wellek và Warren viết: “Bất kỳ một nghiên cứu hiện đại nào về quá trình sáng tác cũng phải chú ý yếu tố ý thức và vô thức” [10, tr. 146]. Trong khi, quá trình tâm lý sáng tạo xét như một chỉnh thể bao giờ cũng rơi vào trong trạng thái xối trộn nhiều chiều tâm lý, cả cái ý thức và vô thức cùng hoạt động trong tâm thức. Điều này đẩy nhà nghiên cứu tâm lý học văn học vào một tình thế hết sức khó khăn và yêu cầu phải có sự thận trọng cần thiết, không thể vội vã trong những kết luận. Việc tiến hành NGUYỄN MẠNH TIẾN 60 bóc tách tâm lý sáng tạo sao cho mạch lạc, thứ lớp như yêu cầu của “khoa học văn học” đặt ra cho thấy nỗ lực phi thường của các nhà nghiên cứu trong việc cố gắng nhận thức chủ thể sáng tạo. Dù cho Wellek và Warren đã viết rất đúng: “một nền nghệ thuật vĩ đại sẽ lật nhào nền tâm lý học” [10, tr. 155]. Chân lý trong câu nói của Wellek và Warren không có nghĩa nên chấm dứt tâm lý học văn học, thay vào đó, chúng ta nên nỗ lực nhiều hơn nhằm vén mở thêm nhiều những “chân trời” mới bằng việc đưa tâm lý học vào nghiên cứu văn học. 3. Từ một thế nhìn khác về sử tính của khoa tâm lí đưa vào nghiên cứu văn học [mà đặc biệt là ngành phân tâm học (psychoanalysis)], chúng ta thấy phát lộ những viễn tượng mới trong việc khái quát nên bản chất văn học từ tâm lý học. Freud với phương pháp liên tưởng tự do dựa trên sự tập hợp và phân loại các câu nói vô nghĩa của người bệnh để tìm ra nguyên nhân bệnh lí là một phát kiến lớn của ngành phân tích tâm lí. Phương pháp liên tưởng tự do, do đó đưa lại thế giới quan: những vết tích tâm thần thì hiển lộ qua ngôn ngữ. Jacques Lacan sau này với sự kết hợp phân tâm học và ngôn ngữ học Saussure đã đẩy những kinh nghiệm tiên khu của phân tâm học Freud về ngôn ngữ lên những bệ phóng mới trong cách thức tri giác và giải quyết những vấn đề của thế giới tâm thần. Với Lacan, cách thức ông ứng xử với thế giới vô thức con người thì giống như ứng xử với một ngôn ngữ. Luận đề nổi tiếng của phân tâm học Lacan là vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ. Như vậy, từ đây, thay vì lối làm việc của phân tâm học văn học cổ điển là dựa trên những dữ kiện tiểu sử tác giả để lí giải cơ chế sáng tạo thì phân tâm học hiện đại và hậu hiện đại có thể giải quyết vấn đề ngay trên chính văn bản, bởi mỗi thực thể văn bản là một chỉnh thể ngôn ngữ mà vết tích tâm lí in hằn lên từng con chữ. Nhà phân tâm học văn học lí giải cơ chế sáng tạo bằng dữ kiện ngôn ngữ đưa lại từ văn bản do đó sẽ khắc phục được tính lỏng lẻo của phương pháp tiểu sử vốn tương đối mơ hồ (nhất là với tác giả quá khứ xa xôi). Như vậy, phương pháp tâm lí học cũng xuất phát từ chính cấu trúc nội tại của văn bản đó là ngôn ngữ. Nhìn từ sử tính phân tâm học văn học, nỗ lực vượt qua phân tâm học tiểu sử Freud để đưa phân tâm học đi vào văn bản bên cạnh J. Lacan còn phải kể đến G. Bachelard và J. P. Sartre. G. Bachelard, người coi mỗi tác phẩm văn học là một hoạt động ý hướng tính trọn vẹn trong hành vi “mơ về” (rêver à) thế giới vật chất. Nên, trong phân tâm học chất liệu của Bachelard, mỗi một tác phẩm là một cấu trúc hoàn chỉnh. Tác phẩm với tư cách tự trị là ý hướng sáng tạo, mơ mộng về thế giới sẽ cung cấp một hệ thống các hình ảnh, biểu tượng mà thông qua đó có thể lý giải các mẫu cổ (archétypes) nào đã quy định tâm lý sáng tạo nhà nghệ sỹ từ trong vô thức, đồng thời lý giải ý nghĩa tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, có thể hiểu về tác phẩm ngay từ chính bản thân tác phẩm mà không cần phải viện dẫn bất cứ một yếu tố nào bên ngoài nó. Còn với J. P. Sartre, sáng tạo là một tình thế hiện sinh. Vì thế, J. P. Sartre đã viết trong Chữ nghĩa: “Khi viết tôi hiện hữu”. Ở một chỗ khác Sartre lại viết: “Mỗi bức tranh mỗi cuốn sách là một cuộc thu hồi toàn vẹn sinh tồn” [7, tr. 78] Quan niệm của Sartre như DIỄN GIẢI VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA TÂM LÝ HỌC VỚI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC 61 vậy đi ngược lại các quan niệm vô thức sáng tạo khởi động từ Freud, bởi vì, hiện sinh thì bao giờ cũng bắt đầu với ý thức phản tỉnh, nghĩa là hoạt động có ý thức. Quan trọng hơn nữa, quan niệm của Sartre còn đi ngược lại với quan niệm tiền hiện đại hiểu sáng tạo như là một hình thức chịu sự quy định của môi trường văn hoá, xã hội. Với Sartre, sáng tạo không đơn giản là hệ quả của môi trường bên ngoài, sáng tạo trước hết là nhằm để thể hiện cho hành vi hiện sinh của chủ thể sáng tạo. Chống lại quan niệm coi con người là một tha thể của các thế lực bên ngoài, hiện sinh (cũng như toàn thể nền triết học chủ thể) quan niệm về tính vô hạn của con người, xem xét con người trước hết là một sinh thể tự do nên nó có toàn quyền tự quyết nhằm kiến tạo nên bản ngã của riêng mình. Sáng tạo là một cách thế được lựa chọn của con người dựa trên một lập trường (postitionnel) kiên định. Do đó, sáng tạo về bản chất phải là để nhằm biểu hiện ý hướng hiện sinh của kẻ sáng tạo. Và tác phẩm nghệ thuật, không phải là gì khác ngoài hình thức thể hiện hiện sinh con người. Nói khác, tác phẩm nghệ thuật là một cấu trúc thu hồi hiện sinh của kẻ sáng tạo đã phóng mình vào tác phẩm. Nếu như vậy, tác phẩm văn học từ chối tất cả mọi hành vi cắt nghĩa nó như là sản phẩm bên ngoài thuộc về lịch sử, xã hội, tôn giáo. Tác phẩm văn học chỉ chấp nhận hành vi hiểu về nó như một hình thức hiện sinh. Tác phẩm văn học là một cấu trúc hiện sinh mang tính tự trị. Một nhà lý luận tiểu thuyết hiện sinh khác là M. Blanchot phát triển ý kiến của Sartre trong chiều sâu mới. Blanchot chống lại mô hình lí luận cổ điển đặt “người sản xuất” và “người tiêu thụ” đối diện nhau. Blanchot nêu lên một sự kiện hiện sinh (un fait existentiel): một hợp đề không thể phân lý được giữa người viết, tác phẩm và người đọc. [6, tr. 115-116]. Nói đơn giản, mỗi cấp độ văn bản, tác giả hay người đọc đều là một sự kiện hiện sinh, và tổng thể đời sống văn học: Tác giả - Văn bản - Người đọc cũng là một sự kiện hiện sinh trong ý nghĩa bao gồm các sự kiện hiện sinh bé hơn. Nên như Sartre quan niệm, khi đã hiểu tác phẩm là một cấu trúc hiện sinh cụ thể thì đồng thời hiểu luôn mọi lựa chọn thủ pháp trong sáng tạo nghệ thuật cũng mang tính hiện sinh. Nói khác đi, nghệ thuật chính là hiện sinh. Nên Sartre viết: “Chúng tôi không còn lấy hình thức cũng chẳng lấy cả chất liệu mà lấy mật độ sống để định nghĩa cái đẹp” [7, tr. 290]. Thể loại anh ta lựa chọn, thủ pháp anh ta sử dụng, cách tạo dựng hình ảnh, dấu ấn chất liệu nghệ thuật đều mang tính hiện sinh bởi nó chở theo một lập trường về thế giới thông qua sáng tạo nghệ thuật của nghệ sỹ. Vì thế, không hề ngẫu nhiên mà các nhà hiện sinh chọn tiểu thuyết làm thể loại dấn thân để bày tỏ lập trường thế giới của mình. J. P. Sartre đã phân tích rất cụ thể điều này ở đầu sách Văn học là gì? Hay I. Vectxman trong những phân tích của mình về mỹ học hiện sinh cho thấy triết hiện sinh và tiểu thuyết hiện sinh gắn vào nhau như một thực thể song trùng [8]. Cả Bachelard và Sartre đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương pháp hiện tượng luận trong quan niệm triết học về chủ thể và phạm trù ý hướng tính nổi tiếng. Hiện tượng luận với tư cách là triết học về chủ thể - lấy chủ thể làm trung tâm nhận thức chính là cơ sở của hệ hình phê bình chủ thể nhuốm màu hiện tượng luận trong văn học ra đời. Như vậy, phân tâm học văn bản hiện đại cho phép nghiên cứu các bình diện tâm lý nghệ thuật ngay chính từ cấu trúc văn bản. Tâm lý học văn học đã tự tạo ra cho mình một số NGUYỄN MẠNH TIẾN 62 phận độc lập, không cần phải viện dẫn đến tiểu sử nhà văn mà xuất phát ngay từ chính văn bản văn học. 4. Đẩy tiếp sang một thế nhìn khác để tiếp cận tâm thức hiện sinh (hay phân tâm học hiện sinh chủ nghĩa Sartre) không chỉ như một mô hình tâm lý học như đã trình bày, mà tiếp cận hiện sinh như một mô hình có tính phương pháp về hiện tượng luận đưa vào phân tích chủ thể hiện sinh (hình thành nên trường phái hiện tượng luận hiện sinh). Nghĩa là, bắt đầu từ hiện tượng luận và hiện tượng luận hiện sinh đi vào diễn giải về những đặc điểm của khoa học văn học lại mở tiếp ra cho chúng ta những khả năng mới trong nghiên cứu văn học. Thông qua đó, sẽ lý giải từ cội rễ triết học về cuộc cách mạng dịch chuyển từ hệ hình tư duy văn học cổ điển quan niệm văn học như một thực thể tĩnh sang hệ hình tư duy văn học hiện đại và hậu hiện đại đặt cơ sở nền tảng ở mỹ học tiếp nhận xem văn học như một thực thể động (Eco gọi là tính chất mở). Nới rộng phạm vi quan tâm, cuộc cách mạng của hiện tượng luận (sang hiện tượng luận hiện sinh, đồng thời là hiện tượng luận thông diễn Heidegger, Gadamer sau này) đã bác bỏ tính nhân quả, làm biến đổi hoàn toàn cấu trúc tư duy cổ điển về thế giới tĩnh tại (A là A hoặc phi A) theo kiểu Aristote. Hiện tượng luận với tư cách là nền triết học dẫn đạo cho tư duy thế kỷ XX đã có một ảnh hưởng ghê gớm đến khoa văn học. Với tư cách là nền triết học chủ thể, triết học hiện tượng luận đã trình ra một thế nhìn (thế giới quan) cách mạng về thế giới với mệnh đề: sự vật thế giới đã có rồi đó, nhưng chúng không có nghĩa, thế giới chỉ có được ý nghĩa khi có hoạt động ý hướng tính mang màu sắc tâm lý của chủ thể người cấp cho thế giới đã có ấy một quy chế nghĩa nhất định. Khi ấy, thế giới mới hiện hữu. Những người học trò xuất sắc của Husserl như R. Ingarden, trường phái Constance, M. Heidegger, J. P. Sartre, H. G. Gadamer đã nới rộng rất nhiều cách hiểu về khoa văn học, đưa hệ hình văn học chuyển từ tiền hiện đại qua hiện đại, và lần nữa sang hậu hiện đại. Triết học hiện tượng học với tư cách là học thuyết triết học nhuốm màu tâm lý học vì thế là suối nguồn của nhiều ngã đường mở lối vào khoa văn học hiện và hậu hiện đại. Hiện tượng học đã trình hiện một thế giới động, đa cấu trúc, xuất phát từ hoạt động tạo lập ý nghĩa đến vô tận của chủ thể người về một thế giới đã tồn tại sẵn (hiện thực khách quan). Chiếu sang khoa văn học, đó là hoạt động cấp nghĩa đến vô tận khi tiến hành “đọc” văn bản nghệ thuật. Mỹ học tiếp nhận vì thế có căn nguyên tồn tại sâu xa từ triết học hiện tượng luận. Việc nắm bắt vấn đề từ chiều sâu nhận thức như vậy giúp chúng ta giải quyết những nhiệm vụ phức tạp mà khoa học văn học ngày nay đặt ra trong tính hệ thống, gắn bó chặt chẽ với tư duy nền tảng là triết học. Điều này cho phép tránh được những suy diễn tuỳ tiện và thiếu hệ thống về nhận thức lí luận văn học (vốn được xem là nền tảng triết mỹ cho khoa văn học) đã rất phức tạp trong tình thế hiện thời. 5. Như đã trình bày ở trên, phương pháp làm việc của chúng tôi, trong phẩm tính tự nội của nó có mâu thuẫn với nhau hay không khi vừa quan niệm về tâm lí học như là phương pháp nghiên cứu văn học đến từ bên ngoài (với trụ đỡ tâm lý học truyền thống hướng vào xã hội), đồng thời lại như là phương pháp nghiên cứu văn học đến từ bên trong (với trụ đỡ là phân tâm học)? Điều này có vẻ trái ngược hẳn với quy luật nhận DIỄN GIẢI VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA TÂM LÝ HỌC VỚI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC 63 thức thông thường theo kiểu loại trừ (và do đó sẽ sai lầm?), bởi từ cùng một mô hình nhận thức lại thuộc về hai nền tảng tư duy có tính loại trừ nhau? Chúng ta có hai nền tảng nhận thức để giải quyết những nghi vấn trên. Hướng nhìn từ khoa học nhân văn với chính khoa học văn học và hướng nhìn từ khoa học chính xác với khoa học vật lý. Từ hướng nhìn khoa học văn học, sau hai thế kỷ đi đường, khoa học văn học ngày nay đã kiện toàn chỉnh thể văn học đặt trong tương quan biện chứng chặt chẽ: Chủ thể sáng tạo - Văn bản - Chủ thể tiếp nhận. Do đó, phương pháp làm việc của lí luận văn học với tư cách một siêu khoa học của khoa học văn học, hiển nhiên khi đặt mối quan tâm vào chỉnh thể văn học thì không thể loại trừ những yếu tố làm nên bản chất của chỉnh thể văn học ấy gồm chủ thể sáng tạo, đồng thời là văn bản và chủ thể tiếp nhận. Từ đấy cho thấy tính hỗ tương mật thiết không thể tách rời của hai phương thức tiếp cận văn học bên ngoài và bên trong nhằm hướng đến nghiên cứu văn học như là chỉnh thể. Từ hướng nhìn khoa học vật lý hiện đại, với truyền thống kinh nghiệm của khoa học chính xác, như đã biết, luôn giữ một khoảng cách an toàn đối với triết lý. Cái khoa học dựa vào để thiết lập hệ hình nhằm hướng đến một khoa học chuẩn định (nói theo T. Kuhn) là kết quả thực nghiệm. Cái lí trí đã qua kiểm chứng (kết quả thực nghiệm ấy) sẽ quyết định cho nền tảng tư duy khoa học. Do đó, khi vật lý lượng tử xác định nên nguyên lý hạt vừa là sóng vừa là hạt tuỳ vào mục đích, ý muốn của chủ thể thí nghiệm (nguyên lý bất định của Heisenberg), mô hình vật lý lượng tử đã loại trừ quan niệm giản đơn của vật lý cổ điển với quan niệm hạt chỉ có thể là hạt hoặc sóng. Thế nhìn của vật lí hiện đại cho thấy một cấu trúc cơ bản (hạt) thì không cố định mà là bất định [5]. Từ đó, cho phép di động hệ nghĩa (bằng cách di động thế nhìn ngắm để tạo sinh nghĩa) trên cùng một cấu trúc để mở ra các cách tiếp cận thế giới. Đến đây chúng ta thấy điểm gặp gỡ lí thú giữa vật lí hiện đại với hiện tượng học; mà như đã biết, hiện tượng học chính là triết hệ nền tảng cho cuộc các mạng của khoa văn học hiện đại lấy văn bản làm đối tượng trung tâm và hậu hiện đại để mối quan tâm vào tiếp nhận. Tâm lí học vì thế tuỳ thuộc tia nhìn (các quan niệm tâm lí học khác nhau) mà chạm vào hữu thể văn học ở những yếu tính khác nhau. Nói theo A. Einstein, khi chấp nhận một tia nhìn Thế giới như tôi thấy (một tác phẩm thời danh của ông) nghĩa là đã chấp nhận tính tương đối trong cách quan sát về thế giới. Mệnh đề Thế giới như tôi thấy của Einstein giống hệt với cảm quan về thế giới trong thế nhìn hiện tượng luận: Thế giới ấy là thế giới được cấp nghĩa bởi tôi. Mở rộng ra, thì đấy chính là thế giới mang tính biện chứng, hay tính phức hợp như cách hiểu của E. Morin. Đứng lại ở nhận định này, như vậy không tồn tại một khoa học văn học xây dựng cho nó thuần tuý trên một nền tảng mà phải là nhiều nền tảng. Bởi với bài học của Kant, cái thuần tuý (pur) thì cần phải phê phán (critique). Do đó, khoa học văn học phải được xây dựng từ nhiều nền tảng tâm lý học, mở rộng ra là ngôn ngữ học, xã hội học, chính trị học... Trong đó, chỉ có mỹ học văn học thì mới hướng đến những giá trị nội tại (nghệ thuật) của văn học. Nên từ những ý hướng đã diễn giải ở trên, khai mở ra những “chân trời” cho việc đưa tâm lí học vào nghiên cứu văn học./. NGUYỄN MẠNH TIẾN 64 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Arnauđôp M. (Hoài Lam và Hoài ly dịch) (1978). Tâm lí học sáng tạo văn học. NXB Văn học, Hà nội. [2] Cagan M. (Phan Ngọc dịch) (2004). Hình thái học của nghệ thuật. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. [3] Đỗ Lai Thuý biên soạn (2004). Sự đỏng đảnh của phương pháp. NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. [4] Đỗ Lai Thuý biên soạn (2004). Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật. NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. [5] Heisenberg W. (Pham Văn Thiều - Trần Quốc Tuý dịch) (2009). Vật lý và triết học. NXB Tri thức, Hà Nội. [6] Nadeau M. (Trần Nhựt Tân dịch) (2002). Tiểu thuyết Pháp từ thế chiến thứ hai. NXBVăn học, Hà Nội. [7] Sartre J. P. (Nguyên Ngọc dịch) (1999). Văn học là gì?. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. [8] Vectxman I. (Trần Đức Thảo dịch) (1973). Những nhận xét về mỹ học của chủ nghĩa hiện sinh. Tư liệu Thư viện Quốc gia, Hà Nội. [9] Vưgôtxki L. X. (Hoài Lam - Kiên Giang dịch) (1995). Tâm lý học nghệ thuật. NXB Khoa học xã hội, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. [10] Wellek R. và Warren A. (Nguyễn Mạnh Cường dịch) (2009). Lý luận văn học. NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Title: TO INTERPRET THE RELATIONSHIP OF PSYCHOLOGY AND LITERARY RESEARCH Abstract: The relation between psychology and literary research is directly proportional. With the rapid development of the literature over the past century, literary psychology literature has also changed in time to meet the demand of approaching the object of literary research. Rejecting the concept of psychology has become out of date after having completed "mission" of studying pre-modern creative psychology. Psychology with the achievements of linguistics and psychoanalysis has met the needs of the literary research from the text. And in the post - modern time, as reception is the leading element in literary research, once again psychology takes the leading role in receive psychological research. ThS. NGUYỄN MẠNH TIẾN Viện Văn học, 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 0914.449.880

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf15_221_nguyenmanhtien_11_nguyen_manh_tien_405_2021005.pdf
Tài liệu liên quan