Xuân diệu (1916 – 1985)

XUÂN DIỆU ( 1916 – 1985) 1 – Vài nét về tiểu sử và con người Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu; sinh ngày 02 - 2 - 1916 tại Tùng Giản - Tuy Phước - Bình Định. Quê quán: Đại Lộc - Can Lộc – Hà Tĩnh. Xuân Diệu học tiểu học ở Quy Nhơn, sau đó ra học trung học ở Hà Nội và Huế. Năm 1940, ông thi đỗ Tham tá thương chính và vào làm việc tại Mĩ Tho. Một thời gian sau ông xin thôi việc ra Hà Nội kết bạn thơ với Huy Cận. Xuân Diệu tham gia cách mạng từ năm 1944. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, thư kí tòa soạn Tạp chí Tiên phong. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I; năm 1948 là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ 1957 cho đến khi qua đời,Xuân Diệu luôn được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1949. Năm 1983, ông được công nhận là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1985, Xuân Diệu lâm trọng bệnh và qua đời. Xuân Diệu để lại một di sản văn học đồ sộ với nhiều thể loại: - Trước Cách mạng tháng Tám: + Thơ : Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945). + Văn xuôi : Phấn thông vàng (1939) - Sau Cách mạng tháng Tám: + Thơ : Ngọn quốc kì (1945), Hội nghị non sông (1946), Dưới vàng sao (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954), Ngôi sao (1955), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau- Cầm tay ( 1962), Khối hồng (1964), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Hồn tôi đôi cánh (1976), Thanh ca (1982). + Văn xuôi, tiểu luận, phê bình : Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng (1958), Ba thi hào dân tộc (1959), Phê bình giới thiệu thơ (1960), Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966), Đi trên đường lớn (1968), Và cây dời mãi mãi xanh tươi (1971), Mài sắt nên kim (1977), Lượng thông tin và những kĩ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam ( hai tập; 1981& 1982).

docx17 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2156 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xuân diệu (1916 – 1985), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
XUÂN DIỆU ( 1916 – 1985) 1 – Vài nét về tiểu sử và con người Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu; sinh ngày 02 - 2 - 1916 tại Tùng Giản - Tuy Phước - Bình Định.  Quê quán: Đại Lộc - Can Lộc – Hà Tĩnh.  Xuân Diệu học tiểu học ở Quy Nhơn, sau đó ra học trung học ở Hà Nội và Huế.  Năm 1940, ông thi đỗ Tham tá thương chính và vào làm việc tại Mĩ Tho. Một thời gian sau ông xin thôi việc ra Hà Nội kết bạn thơ với Huy Cận.  Xuân Diệu tham gia cách mạng từ năm 1944. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, thư kí tòa soạn Tạp chí Tiên phong. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I; năm 1948 là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ 1957 cho đến khi qua đời,Xuân Diệu luôn được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1949. Năm 1983, ông được công nhận là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1985, Xuân Diệu lâm trọng bệnh và qua đời.  Xuân Diệu để lại một di sản văn học đồ sộ với nhiều thể loại:  - Trước Cách mạng tháng Tám:  + Thơ : Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945).  + Văn xuôi : Phấn thông vàng (1939)  - Sau Cách mạng tháng Tám:  + Thơ : Ngọn quốc kì (1945), Hội nghị non sông (1946), Dưới vàng sao (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954), Ngôi sao (1955), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau- Cầm tay ( 1962), Khối hồng (1964), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Hồn tôi đôi cánh (1976), Thanh ca (1982).  + Văn xuôi, tiểu luận, phê bình : Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng (1958), Ba thi hào dân tộc (1959), Phê bình giới thiệu thơ (1960), Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966), Đi trên đường lớn (1968), Và cây dời mãi mãi xanh tươi (1971), Mài sắt nên kim (1977), Lượng thông tin và những kĩ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam ( hai tập; 1981& 1982).  + Dịch và giới thiệu thơ nước ngoài của các nhà thơ như : Targo, Puskin, Maiacốpxki, Đimitrôva,...  Một số điểm cần lưu ý :  + Xuân Diệu là nhà thơ lớn của dân tộc, ông luôn là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, dẻo dai, giàu sức sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu lớn trong sáng tác.  + Xuân Diệu là người giới thiệu, phê bình thơ rất tinh tế và sắc bén. Ông có được những thành công lớn không chỉ ở việc giới thiệu, phê bình thơ cổ điển, thơ ca hiện đại, mà còn ở cả thơ ca nước ngoài. Ông thường chỉ ra được cái hay, sự độc đáo ở mỗi nhà thơ qua tác phẩm của họ.  + Cuộc đời và thơ của Xuân Diệu gắn với quê hương đất nước. Ông có khát vọng hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình cho dân tộc, ông không ngại khó khăn, gian khổ, hăng hái, nhiệt tình, đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc để phục vụ nhân dân … Chính vì lẽ đó, Xuân Diệu được tất cả độc giả trong nước yêu mến, ngưỡng mộ không chỉ ở thơ, mà còn ở tấm lòng say sưa và chân thành của ông trước cuộc đời.  2 – Xuân Diệu với thơ 2.1 – Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám :  Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu có hai tập thơ: Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Ông là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới cả về nội dung lẫn hình thức. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã khẳng định: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại”.  Khác với các nhà thơ cùng thời kì, Xuân Diệu gắn bó thiết tha với cuộc sống, “Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”. Khát vọng mãnh liệt đến với cuộc đời, giao cảm với đời là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của thơ Xuân Diệu.  Cảm hứng về tình yêu là cảm hứng nổi bật trong thơ Xuân Diệu. Với ông, tình yêu đã trở thành lẽ sống, “làm sao sống được mà không yêu”, mặc dầu ông cảm nhận :“ Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Bởi thế, ông luôn có tâm trạng Vội vàng, Giục giã . Ông sợ thời gian, ông muốn vũ trụ ngưng đọng :  Tôi muốn tắt nắng đi  Cho màu đừng nhạt nắng  Tôi muốn buộc nắng lại  Cho hương đừng bay đi.  (Vội vàng)  hay là:  Mau với chứ, vội vàng lên với chứ  Em em ơi, tình non sắp già rồi  Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai  Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.  (Giục giã)  Tình yêu được Xuân Diệu diễn tả với nhiều cung bậc, từ Gặp gỡ rồi Yêu, cho đến khi Xa cách , Biệt li êm ái và với những tâm trạng và hành động khác nhau: Có khi là sự “dại khờ”, “mời yêu” hay “ngẩn ngơ”, “nhớ mông lung”,“sầu”, … Cũng có khi “ rạo rực” khát vọng :  Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối  Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm .  Xuân Diệu đã thể hiện được một tình yêu đích thực, không e ấp ngượng ngùng khi bày tỏ tình yêu. Ông muốn tạo nên một không gian thấm đẫm tình yêu để gửi gắm niềm khao khát về tình yêu vô biên và tuyệt đích :  Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ  Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần  Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân  Đem chim bướm thả trong vườn tình ái.  (Phải nói)  Dẫu tình yêu có nồng cháy, mãnh liệt nhưng nó vẫn không được cuộc đời đón nhận, khiến “cái tôi” phải cầu xin:  Mở miệng vàng.. và hãy nói yêu tôi  Dầu chỉ là trong một phút mà thôi!...  (Mời yêu)  Càng yêu cuộc đời bao nhiêu, Xuân Diệu càng tự đày ải trái tim của mình và càng thất vọng bấy nhiêu… Điều đó đã tạo nên sự “cô đơn muôn lần muôn thuở cô đơn” cho nhà thơ. Đặc biệt, có khi “ cái tôi” đã lên đến đỉnh cao của sự cô đơn, nhỏ nhen, tầm thường:  Ta là Một, là Riêng là thứ Nhất  Không có chi bè bạn nổi cùng ta !  “Cái tôi” gục xuống, sợ hãi, thốt lên lời rên rỉ trước cuộc đời thờ ơ, lạnh nhạt, hay đau đớn van xin : “Chớ đạp hồn em”, “Chớ để riêng em phải gặp lòng em” và rơi vào tâm trạng tuyệt vọng :  Xao xác tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt  Mắt run mờ, kỉ nữ thấy trăng trôi  Du khách đi, du khách đã đi rồi .  (Lời kĩ nữ)  Cũng vì thế, tình yêu trong thơ Xuân Diệu gắn liền với nỗi cô đơn và sự hoài nghi. Ngay cả khi “ được yêu” nhưng “ cái tôi” vẫn lo sợ vì cảm nhận sự biệt li, tan vỡ đang dần đến. Cho dù cùng người yêu dạo bước dưới ánh trăng “cái tôi” vẫn cảm thấy:  Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá  Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.  hay là:  Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ  Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết  Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt  Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài…”  ( Giục giã)  Có thể nói, tình yêu trong thơ Xuân Diệu thời kì này rất nồng cháy, “vô biên” để rồi rơi vào bi kịch của một trái tim hiến dâng nhầm chỗ và “say khướt đau thương”.  Về nghệ thuật: Xuân Diệu cảm nhận cuộc sống bằng nhiều giác quan mà đặc biệt là cảm giác ( Thơ duyên, Vội vàng, Nhị hồ,… ). Ông sử dụng ngôn ngữ thơ rất sáng tạo, và luôn có sự tìm tòi mới mẻ, độc đáo nhằm tạo nên sức gợi tả, truyền cảm mạnh mẽ cho thơ (Đây mùa thu tới, Khi chiều giăng lưới, Vội vàng). Xuân Diệu đã sử dụng thành công sự tương quan giữa các màu sắc, âm thanh nhịp điệu để tạo nên âm hưởng trong thơ ( Nguyệt cầm, Thơ duyên,… ).  Tóm lại: Thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám biểu hiện rõ tấm lòng của một con người nặng tình với đời song bế tắc. Tình yêu nam nữ trong thơ Xuân Diệu thời kì này được diễn tả với tất cả cung bậc của nó qua những vần thơ uyển chuyển giàu âm thanh, màu sắc, hình ảnh…, để lại âm vang mạnh mẽ trong lòng người đọc.  2..2 – Thơ Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám:  2.2.1 - Thời kì đầu sau Cách mạng tháng Tám:  Xuân Diệu hướng về cuộc sống cách mạng của dân tộc , tự hào, phấn khởi trước sự thành công của Cách mạng tháng Tám. Ông bộc lộ khát vọng “Mở lòng ra ôm đón lấy sao vàng” và “Đi theo tiếng gọi nước non thiêng”.  Thơ ông ở thời điểm này thể hiện cảm xúc mạnh mẽ trước hiện thực cuộc sống cách mạng với ý thức, trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc. Lần đầu tiên viết về cách mạng, Xuân Diệu đã có được những vần thơ trong sáng, yêu đời. Điều đó được biểu hiện rõ ở Ngọn quốc kì (1945) và Hội nghị non sông (1946). Ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ đỏ sao vàng được nhà thơ cảm nhận :  Cờ như mắt mở thức thâu canh  Như lửa đốt hòai trên chót đỉnh.  Cờ như nắng mãi ấm luôn luôn,  Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh.  Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng,  Bay mãi trên trời, treo sứ mệnh.  (Ngọn Quốc kì)  Có thể nói, so với nhiều nhà thơ khác, thơ Xuân Diệu ra đời kịp thời, mang tính thời sự nhưng cũng giàu chất lãng mạn. Âm hưởng hùng tráng, đằm thắm thiếr tha toát lên từ tác phẩm của ông đã góp phần tạo nên sức cuốn hút, cổ vũ mạnh mẽ bạn đọc nhanh chóng vững lòng tin đến với đời sống cách mạng.  2.2.2 - Thời kì kháng chiến chống Pháp  Xuân Diệu hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, gắn bó với cuộc sống nhân dân. Càng ngày ông càng hiểu hơn về những con người giản dị mà vĩ đại. Đó chính là điều kiện thuận lợi giúp ông có được vốn sống và nguồn cảm hứng sáng tạo để viết nên các tập thơ: Dưới vàng sao (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954).  Cảm hứng chủ đạo ở các tập thơ trên là niềm tin yêu, niềm lạc quan trước hiện thực đời sống cách mạng. Ông cảm nhận cuộc đời như :  Một sớm mai hồng, một bình minh  Xanh mắt trẻ con,  Hồng môi thiếu nữ.  ( Trở về)  Cuộc đời hiện tại dù còn bao gian truân thử thách nhưng đối với nhà thơ “Bà mẹ đời du dương tay mở rộng” và Hương đời luôn thấm đượm. Nhà thơ cho rằng:  Đời đáng yêu – nhiều lúc có gì đâu…  Như đôi lứa mình lặng lẽ nhìn nhau…  Một cái nắm tay, một đầu thuốc dở,  Một tiếng vang trong một mái đầu.  (Hương đời)  Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc cuộc sống cao đẹp của quần chúng và cảm thông với nỗi khổ đau của họ. Hình ảnh quần chúng lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Xuân Diệu chính là một nét mới về đối tượng phản ảnh, nó đánh dấu cho bước chuyển quan trọng về tình cảm nhận thức trên con đường thơ của ông (Tặng làng Còng, Bà cụ mù lòa…). Trên cơ sở đó, nhà thơ đã viết nên nhiều vần thơ giản dị mà thấm nặng nghĩa tình:  Hạt cơm ăn của bà con  Là tình, là nghĩa, là ơn thấm nhuần.  ( Tặng làng Còng)  Vẻ đẹp của hình ảnh của bà mẹ nghèo trong kháng chiến đã được nhà thơ thể hiện sinh động qua nhiều bài thơ và rõ nét nhất là tình yêu thương của mẹ. Cũng vì thế, khi giã từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội nhà thơ không thể nào quên được hình ảnh của mẹ vào những tháng năm đó:  Mẹ nghèo vẫn cố nuôi con:  Khi bùi măng nứa, khi ngon củ mài.  Sẻ từng hạt muối cắn đôi  Nhà sàn chung ở, chăn sui đắp cùng.  (Ta chào Việt Bắc, về xuôi)  Bên cạnh đó, Xuân Diệu cũng bày tỏ được một cách chân thành nỗi trăn trở và sự kính yêu của mình khi viết về Bác. Ông đã tìm được cách thể hiện riêng và rất thấm thía:  Trên đầu tóc Bác sương ghi  Chắc đôi sợi bạc đã vì chúng con.  ( Sáng)  Dù còn có hạn chế song các tập thơ trên đã thể hiện được bao nỗi niềm, tình cảm của Xuân Diệu trước hiện thực đời sống cách mạng. Thơ Xuân Diệu thời kì này đánh dấu một bước chuyển biến lớn về tư tưởng, tình cảm, giọng điệu… , trên con đường thơ của ông.  2.2.3 - Thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mĩ  - Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc bước vào cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hiện thực sôi động đó, với sự nhạy cảm, lòng tin yêu cuộc đời mới, thơXuân Diệu có sự vươn lên mạnh mẽ, đề cập đến nhiều vấn đề trong cuộc đời mới, biểu hiện rõ ở ba tập thơ: Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau- Cầm tay (1962), Khối hồng (1964).  Xuân Diệu say sưa ngợi ca cuộc đời mới với những đổi thay mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của dân tộc, và rồi ông trăn trở nghĩ về mình, bày tỏ chân thành niềm vui hạnh phúc qua nhiều bài thơ như : Ngói mới, Lệ, Chào Hạ Long... Ông nguyện nhìn đời bằng Đôi mắt xanh non, bởi vì, ở khắp mọi nơi, từ các làng quê vùng đồng bằng đến vùng núi Mã Pí-Lèng, hay hải đảo Chòm Cô Tô mười bảy đảo xanh, cuộc sống bao giờ cũng “xanh non”, và“mãi mãi tươi dòn”. VớiXuân Diệu, cuộc sống giờ đây chính là những trang đời đẹp nhất, “những trang tốt lành”, để rồi ông khao khát :  Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh,  Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành  Ngói mới.  (Ngói mới)  Không chỉ vui say mà nhà thơ còn tự hào khi đã qua rồi nỗi đau tê tái, “vị buồn ghê mặn chát”, “mực mài nước mắt gửi người thương”, “vũ trụ tưởng tàn, thế gian tưởng hết”…, và giờ đây hạnh phúc đến với mọi người. Vì lẽ đó, ở bài thơ Lệ nhà thơ có được cách nhìn, cách nghĩ rất thấm thía về quá khứ và hiện tại:  Xưa lệ ta sa oán hận đất trời,  Nay lệ òa, ta lại thấy đời tươi!  - Giọt nước mắt ta  Chan chứa tình người.  Trong cảnh đất nước chia cắt ông Nhớ quê Nam, với “vườn xoài trưa nắng”, “gió biển Quy Nhơn”, “mảnh vườn Sa Đéc, con kênh Tháp Mười”, nhớ “bà má Năm Căn bỏm bẻm nhai trầu”, nhớ “trăng lam Đèo Cả, mây hồng Hải Vân”; nhớ điệu bổng trầm “… qua nhớ thương em bậu”, nhớ sông Thu Bồn, Trà Khúc, sông Hương, và Gửi sông Hiền Lương bao nghĩa tình sâu nặng :  Gửi ngàn mến với muôn thương trong ấy  Gửi lời về xin bớt nhớ, khoan thương  Gửi kiên trinh một tấm lòng vàng.  Càng đến với cuộc sống, tình đất nước, tình người trong thơ Xuân Diệu càng đằm thắm thiết tha, càng mang ý nghĩa khái quát sâu sắc.  Khi cả nước có chiến tranh, Xuân Diệu nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống chiến đấu của dân tộc, ông không ngại khó khăn gian khổ đến với nhiều vùng đất nóng bỏng, ác liệt nhất với tâm nguyện :  Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,  Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu,  Tôi sống với cuộc đời chiến đấu  Của triệu người yêu dấu gian lao.  (Những đêm hành quân)  Rất dễ nhận thấy, thơ viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của Xuân Diệu xuất hiện đều đặn trên báo chí vàcó khả năng ứng chiến nhạy bén trước những sự kiện của đời sống kháng chiến. Điều đó được phản ánh rõ nét qua ba tập thơ: Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Hồn tôi đôi cánh (1976).  Hơn lúc nào hết, nhà thơ nhận thức rõ hơn về sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong chiến tranh. Ông khẳng định Sự sống chẳng bao giờ chán nản, và “chúng ta yêu sự sống bền dai, vĩnh viễn, bao la!”.  Xuân Diệu có ý thức mở rộng thi đề để phản ảnh mọi mặt của đời sống. Có những cảnh như : Các cháu đi sơ tán, hay cảnh Vợ chuẩn bị hành trang cho chồng đi vào hỏa tuyến đã gợi lên cho người đọc biết bao niềm xúc động mạnh mẽ.  Nét mới của thơ Xuân Diệu ở thời kì này là vừa giàu chất trữ tình vừa chứa đựng tính triết lý biểu hiện rõ trong bài Quả sấu non trên cao và Sự sống chẳng bao giờ chán nản. Mặt khác, thơ ông còn có thêm chất trào phúng (Con chim và xác chiếc tàu bay Mĩ) .  2.2.4 - Từ sau 1975 đến khi qua đời  Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Xuân Diệu viết về Miền Nam quê ngoại, lòng dạt dào vui sướng khi Đi giữa Sài Gòn trong ngày chiến thắng và ông bồi hồi nhớ về quê ngoại sau bao năm xa cách.  Ông có khát vọng: Tôi muốn đi thăm khắp cả miền Nam, Nghe nhạc Nam để “thức mãi cùng thương nhớ”, đến Phan Thiết “thăm kinh đô cá mắm”, hay Tâm sự với Quy Nhơn sau hơn ba mươi năm trở lại với quê ngọai, nơi chan chứa kỉ niệm của tuổi thơ và tự hào hơn về vẻ đẹp của miền đất này:  Ôi! Biển Quy Nhơn, biển đậm đà  Thuyền đi rẽ sóng, sóng viền hoa.  Cảm ơn quê má muôn yêu dấu  Vẫn ấp iu hoài tuổi nhỏ ta.  Nhiều vần thơ của ông ở thời kì này thể hiện sự đằm thắm nghĩa tình đối với miền Nam. Có thể nói: “Viết về miền Nam là Xuân Diệu đã khơi dậy những tình cảm, những kỉ niệm sâu sắc của mình, những hình ảnh được chắt lọc qua nhiều năm tháng để chỉ còn lại những gì thực sự là máu thịt, là rung động cho thơ”( Mã Giang Lân ).  2.2.5 - Thơ tình của Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám  Với thơ tình, Xuân Diệu đã đạt được những thành công rất đặc sắc. Ở mảng thơ này bản lĩnh nghệ thuật của Xuân Diệu bộc lộ rõ nét nhất.  Trước Cách mạng tháng Tám, thơ tình Xuân Diệu giãi bày niềm khao khát được ban phát tình yêu, hiến dâng, vồ vập nhưng rồi như Nước đổ lá khoai, và kết cục rơi vào bi kịch của một trái tim hiến dâng nhầm chỗ. Còn sau Cách mạng tháng Tám, thơ tình của ông có được một nguồn mạch mới, đó là tình yêu bền chặt, gắn bó không thể gì chia cắt nổi bời tình yêu của lứa đôi bao giờ cũng nồng nàn, đến “ngàn năm không thỏa”. Dù “anh không xứng là biển xanh / nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng” để có thể :  Hôn mãi cát vàng em  Hôn thật khẽ, thật êm  Hôn êm đềm mãi mãi.  ( Biển )  Còn nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của tình yêu được nhà thơ cảm nhận :  Uống xong lại khát là tình  Gặp rồi lại nhớ là mình của ta  ( Uống xong lại khát)  Xuân Diệu cảm nhận sự xa cách của tình yêu “một khắc là thế kỉ”. Bởi vậy, càng yêu nhau họ càng mong muốn gần nhau, gắn bó với nhau để rồi hiểu nhau hơn. Họ khao khát mãi bên nhau để san sẻ cả niềm vui hạnh phúc, cũng như nỗi buồn. Nhà thơ cảm nhận cho rằng :  Vai anh khi để đầu em tựa  Cân cả buồn vui của một đời  (Tình yêu san sẻ)  Ông cũng nói đến nỗi đau trong tình yêu, nỗi đau đó nhức nhối vò xé tấm lòng ho, nó là Cái dằm, là“vết thương trong cõi tinh thần” của lứa đôi. Nhưng nỗi đau rồi sẽ qua đi, họ nhanh chóng “ làm lành” với nhau vì “ em là nhân của hồn anh”. Có thể nào anh lại thiếu vắng em giữa cuộc đời, khi anh hiểu rằng :  Mang em trong dạ như mầm  Ngày đi suy nghĩ đêm nằm nhớ thương  ( Quả trứng và lòng đỏ)  Tình yêu trong thơ Xuân Diệu càng trở nên cao đẹp hơn khi lứa đôi hiểu rõ giữa họ với cuộc đời có mối quan hệ thắm thiết. Hạnh phúc lứa đôi gắn liền với hạnh phúc của dân tộc, nhà thơ cho rằng:  Của đời ta nhận ấm êm  Hồn trao âu yếm ta thêm tặng đời  ( Tình yêu muốn hóa vô biên).  Khác với trước Cách mạng tháng Tám, giờ đây tình yêu ít có nỗi buồn mà thấm đượm niềm vui. Tình yêu đã làm trỗi dậy niềm vui, giúp lứa đôi “cởi hết ưu phiền gửi gió mây”, và khi đó giọng nói của em dù chỉ là “giọng nói thường” nhưng “anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn”, vẫn ngập tràn hạnh phúc trong cảnh :  Em cười ríu rít ở sau xe  Em nói lòng anh mãi lắng nghe  Thỉnh thoảng tiếng cừi em lại điểm  Đời vui khi được có em kề.  ( Giọng nói )  Ngoài ra, thơ tình Xuân Diệu thời kì này bên cạnh tình yêu còn có thêm tình vợ chồng. Tuy viết về tình vợ chồng nhưng vẫn quyện hòa, chan chứa tình yêu, vẫn là thơ tình yêu. Điều này biểu hiện rõ qua các bài thơ như : Anh thương em khi ngủ, Đứa con của tình yêu, Vợ chuẩn bị hành trang cho chồng vào hỏa tuyến, Dấu nằm, Đứng chờ em,...  Có thể nói, đến với thơ tình của Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta nhận thấy: tóc Xuân Diệu dù đã hoa râm nhưng ông vẫn giữ được chất thanh xuân của tâm hồn để cùng tuổi trẻ nói chuyện tri âm, chuyện tình yêu, hẹn thề, nói chuyện say đắm … Bởi thế, nhà thơ Trần Lê Văn đã viết :  “ Bởi quá yêu đời nên nặng lòng ấp ủ  Bởi không muốn già, nên bền chí thanh xuân”  ( Dây đàn bỗng đứt).  Mảng thơ tình của Xuân Diệu, chính là món quà tặng người đời mãi mãi, như ở bài thơ Đề tặng ông đã viết :  Tặng lòng con trai  Tặng lòng con gái  Tặng hoa tặng trời  Tặng tình mãi mãi  ……….  Tặng hương - tặng Đời”.  3 – Xuân Diệu với văn xuôi, tiểu luận, phê bình Cần lưu ý các điểm sau :  - Sự quan tâm của Xuân Diệu đối với các nhà thơ lớp kế cận và lớp trẻ. Không ít nhà thơ trẻ đã đạt được sự thành công trong sáng tạo phần nào có sự giúp đỡ, quan tâm của Xuân Diệu.  - Xuân Diệu giới thiệu thơ quần chúng. Ông chịu khó tìm kiếm, chắt lọc cái hay, cái đẹp trong những sáng tác của họ để giới thiệu một cách trân trọng.  - Xuân Diệu khám phá, phát hiện cái hay, cái đẹp trong thơ của các nhà thơ hiện đại ưu tú như : Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên …  - Giới thiệu thành tựu của các nhà thơ lớn trong thơ ca dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương …  - Xuân Diệu dịch và giới thiệu một số nhà thơ lớn ở nước ngoài đối với người đọc Việt Nam và đồng thời giới thiệu một số bài thơ Việt Nam tiêu biểu sang các nước khác.  4 – Phong cách nghệ thuật của Xuân Diệu  Xuân Diệu là một nhà thơ luôn gắn bó với cuộc sống và sống hết mình cho cuộc sống. Xuân Diệu luôn có mặt trong cuộc sống, ông đặt tên cho một tập thơ của mình là Tôi giàu đôi mắt. Ông hăm hở, say mê sáng tạo với trách nhiệm của một công dân trước cuộc sống. Thơ ông bám lấy thực tại của cuộc sống, đưa sự vật, hiện tượng vào thơ, muốn mở rộng cánh cửa thơ cho cuộc sống tràn vào, do vậy trong thơ ông có sự bề bộn của những chi tiết hiện thực cuộc sống. Ông muốn thơ phải có sức chứa lớn và sức phản ảnh rộng lớn phong phú.  Xuân Diệu là nhà thơ giàu sức sáng tạo, luôn có ý thức tìm tòi, thể nghiệm trên nhiều phương diện (cách xây dựng hình tượng, nhịp điệu, ngôn ngữ … ). Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên thơ hay và thơ trung bình ở mỗi tập thơ của ông.  Tâm hồn thơ Xuân Diệu luôn có sự tinh tế và nhạy cảm. Đó là yếu tố bền vững trong thơ Xuân Diệu trước và sau cách mạng. Nói cách khác, sức thanh xuân luôn tràn đầy trong tâm hồn thơXuân Diệu. Tươi trẻ, hăng say như cái thuở ban đầu yêu và đang yêu là nét nổi bật trong thơXuân Diệu. Sự nhạy cảm của tâm hồn đã tạo cho thơ ông thêm giàu hương vị của cuộc đời, tác động mãnh liệt đối với nhận thức của người đọc.  Thơ Xuân Diệu có khi còn nặng về kể, giải bày, ít ẩn ý, thiếu hàm súc, dễ dãi, dài dòng trong nhạc điệu, từ ngữ . Điều đó tạo nên sự hạn chế phần nào về sức truyền cảm và hấp dẫn của thơ ông đối với người đọc.  5 – Kết luận chung  Xuân Diệu là một nhà thơ cần mẫn,sung sức trong sáng tạo nghệ thuật và đã có những cống hiến to lớn cho văn học Việt Nam nói chung, thơ ca Việt Nam nói riêng, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị đặc sắc, mà đặc sắc nhất là thơ tình yêu nam nữ.  Nghĩ về Xuân Diệu là chúng ta nghĩ về một tài năng, một tấm gương lao động nghệ thuật giàu sức sáng tạo, xứng đáng để các nghệ sĩ noi theo.  Nhà thơ Xuân Diệu (Hoài Thanh-Hoài Chân) Nhà thơ Xuân Diệu Họ Ngô, sinh ngaỳ 2-2-1917. Người làng Trảo Nha, huyện Can Lộc( Hà Tĩnh). Học ở Qui Nhơn, Huế, Hà Nội. Có bằng tú tài Tây. Hiện làm tham tá Thương chánh ở Mỹ Tho(Nam kỳ). Có chân trong Tự lực văn đoàn.Đã viết giúp: Phong Hoá, Ngày nay, Tinh hoa.Đã xuất bản: Thơ thơ(Đời nay, Hà Nội 1938).  Bây giờ khó mà nói dược cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng. Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta.  Đọc những câu: Nếu hương đêm say dậy với trăm rằm, Sao lại trách người thơ tình lơi lả?  Hay là: Chính hôm nay gió dại tới trên đồi, Cây không hẹn để ngày mai sẽ mát; Trời đã thắm, lẽ đâu vườn cứ nhạt? Đắn đo cho lỡ mộng song đôi!  Ta thấy cái hay ở đây không phải là ý thơ, mà chính là cái lối làm duyên của Xuân Diệu, cái vẻ đài các rất hiền lành của điệu thơ.  Nhưng thơ Xuân Diệu chẳng những diễn đạt được cái tinh thần cố hữu của nòi giống. Vả chăng tinh thần một nòi giống có cần gì phải bất di dịch. Sao lại bắt ngày mai phải giống hệt ngày hôm qua? Nêu ra một mớ tính tình, tư tưởng tục lệ, rồi bảo: người Việt Nam phải như thế, là một điều tối vô lý.  Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng , sống cuống quít, muốn tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết. Nhưng sự sống muôn hình thức mà trong những hình thức nhỏ nhặt thường lại ẩn náu một nguồn sống dồi dào. Không cần phải là con hổ ngự trị trên rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một làn chín vạn dặm mới là sống. Sự bồng bột Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi. Sau khi đọc đi đọc lại nhà thơ có tâm hồn phức tạp này, sau khi đã tìm kiếm Xuân Diệu hoài, tôi thấy đây mới thực là Xuân Diệu.  Trong cảnh mùa thu rất quen với thi nhân Việt Nam chỉ Xuân Diệu mới để ý đến Những luồng run rẩy rung rinh lá... cùng cái Cành biếc run run chân ý nhi. Nghe đàn dưới trăng thu chỉXuân Diệu mới thấy Lung linh bóng sáng bỗng rung mình và mới có cái xôn xao gửi trong mấy hàng chữ lạ lùng này: Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời; Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi. Long lanh tiếng sỏi vang vang hận Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người. Cũng chỉ Xuân Diệu mới tìm được nơi đồng quê cái cảnh:  Mây biếc về đâu bay gấp gấp Con cò trên ruộng cánh phân vân  Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay màcánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một nghìn nămvà của hai thế giới.  Cho đến khi Xuân Diệu yêu, trong tình yêu của người cũng có cái gì rung rinh. Người hồi tưởng lại: Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử; Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây; Và nhạc phấn dưới chân mừng sánh bước Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi; Tà áo mới cũng say mùi gió nước; Rặng mi dài xao động ánh dương vui.  Còn rất nhiều câu có thể tiêu biểu cho lối xúc cảm riêng của Xuân Diệu. Tôi chỉ dẫn một thí dụ này nữa. Trong bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Vịnh có hai câu: Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt Một vừng trăng trong vắt lòng sông  Tả cảnh chung quanh thuyền sau khi người Tỳ bà phụ vừa đánh đàn xong. Một cái cảnh lặng lẽ, lạnh lùng ẩn một mối buồn âm thầm, kín đáo. Thế Lữ có lẽ đã nhớ đến hai câu ấy khi viết: Tiếng diều sáo nao nao trong vắt, Trời quang mây xanh ngắt màu lơ.  Mặc dầu hai chữ" nao nao" có đưa vào trong câu thơ một chút rung động, ta vẫn chưa xa gì cái không khí bình yên trên bến Tầm Dương. Với Xuân Diệu cả tình lẫn cảnh trở nên xôn xao vô cùng. Người kỹ nữ của Xuân Diệu cũng bơ vơ như người tỳ bà phụ nhưng nàng không lặng lẽ buồn ta thấy nàng run lên vì đau khổ: Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo; Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da. Ngay từ khi trăng mới lên, nàng đã thấy: Gió theo trăng từ biển thoáng qua non; Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.  Chỉ có trong thơ Xuân Diệu mới có những thoáng buồn rờn rợn như vậy.  Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ nhưng cái dáng thơ bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy khuôn khổ câu văn phải lung lay.  Nhưng xét rộng ra, cái náo nức, cái xôn xao của Xuân Diệu cũng là cái náo nức xôn xao của thanh niên Việt Nam bây giờ. Sự đụng chạm với phương tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố. Người thanh niên Việt nam được dịp ngó trời cao đất rộng, nhưng cũng nhân đó mà cảm thấy cái thê lương của vũ trụ, cái bi đát của kiếp người. Họ tưởng có thể nhắm mắt làm liều, lấy cái cá nhân làm cái cứu cánh cho cá nhân, lấy sự sống làm mục đích cho sự sống. Song đó chỉ là một cách dối mình. "Chớ để riêng em phải gặp lòng em", lời khẩn cầu của người kỹ nữ cũng là lời khẩn cầu của con người muôn thuở. Đời sống của cá nhân cần phải vịn vào một cái gì thiêng liêng hơn cá nhân và thiêng liêng hơn sự sống bởi Xuân Diệu đã gửi trong thơ của người lẫn với một chút hương xưa của đất nước bao nhiêu nỗi niềm riêng bây giờ - Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê.  Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời. Xong những ai chê Xuân Diệu, tưởng Xuân Diệu có thể trả lời theo lối Lamartine ngày trước: "Đã có những thiếu niên, những thiếu nữ hoan nghênh tôi".Với một nhà thơ còn gì quý hơn cho bằng sự hoan nghênh của tuổi trẻ. Nguồn: Thi nhân Việt Nam-Hoài Thanh, Hoài Chân Like "Cổ kim hận sự thiên nan vấn, Phong vận kỳ oan ngã tự cư" Trả lời   Trả Lời Với Trích Dẫn    Thanks   CommentBlog this Post        The Following User Says Thank You to Dĩ Vãng 10 For This Useful Post: emkuty (04-14-2011) 03-31-2010, 06:50 PM#3 Dĩ Vãng 10  Thành viên Join Date May 2009 Bài gởi 1,555 Thanks 0 Thanked 712 Times in 437 Posts  Thơ Xuân Diệu và tình yêu cuộc sống, yêu nhân dân Thơ Xuân Diệu và tình yêu cuộc sống, yêu nhân dân GS.Hà Minh Đức Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Xuân Diệu đến với cuộc đời mới trong niềm vui chào đón, hồ hởi. Một chặng đường mới, những đóng góp mới tiêu biểu nhất trong những năm đầuCách mạng tháng Tám là Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông. Xuân Diệu gọi đó là những trường ca “viết bằng hồn”, khi tâm hồn gắn với đất nước và nhân dân, và đất nước đã bước sang trang sử mới. Tứ thơ, lời thơ toả sáng mà ấm áp với bao cảm xúc yêu thương, trân trọng, ngợi ca những biểu tượng về cuộc sống, con người của đất nước mới hồi sinh. Xuân Diệu cảm kích với ngày hội non sông “Giòng giống Việt thật hả lòng, hả dạ!” và tác giả thắm thiết ngợi ca:  Hội này đây mặt trời dọi với trăng  Cả dân tộc đứng hiên ngang nhật nguyệt  Đất trường cửu ngắm với trời với đất  Nói vô cùng còn mãi  nước muôn năm  (Hội nghị non sông)  Ngoài ra phải kể đến những bài thơ đả kích. Càng thiết tha yêu cuộc đời mới càng căm thù những kẻ phá hoại cuộc sống yên lành. Bọn Quốc dân đảng đảo điên tìm mọi cách phá hoại cách mạng. Cách mạng được dân bảo vệ. Chúng hô hào tổng đình công nhưng chợ vẫn họp, cửa hàng vẫn mở. Xuân Diệu viết bài Tổng... bắt đình công để phản đối bọn phản động.  Tổng đình công đấy, nghĩ mà thương  Phố đóng sao mà cửa mở toang?  Tàu điện long cong ra vẫn chạy  Đồng Xuân ầm ĩ họp như thường!  Tổng đình công hỡi, tổng đình công!  Dân chúng sao mà xỏ chúng ông?  Tưởng chắc được dân nên mới tổng  Mà dân không được thế là tong.  (Tổng... bất đình công)  Xuân Diệu vốn không phải là nhà thơ châm biếm. Trước Cách mạng chủ yếu là nhà thơ của tình yêu, tình thương, nỗi buồn nhưng trong một số bài văn viết về người cạo giấy ở văn phòng, viết về một số kẻ lang thang cơ nhỡ kể cả viết về loài vật cũng đã mang ít nhiều chất châm biếm. Có sống những ngày tháng Tám ở Hà Nội mới thấy hết không khí cách mạng của quần chúng và cả thái độ của bọn phản cách mạng. Nhưng cách mạng đã vững bước đi lên, trái tim của Xuân Diệu rạo rực tuổi thanh niên. Chào đón cách mạng ở tuổi 27 nhưng tấm lòng Xuân Diệu đã đến với cách mạng từ phong trào Việt Minh những năm 1943-1944. Anh chứng kiến không khí chuẩn bị chiến tranh của Hà Nội và càng cảm phục:  Đất đào xuống cho biết lòng mỗi phố  Sắt trồng lên, cây ngã xuống ngang tàng,  Đây rầm rầm đêm 19 hiên ngang  Hà Nội đứng với cả lòng biển lửa  (Thủ đô đêm mười chín)  Xuân Diệu thiết tha yêu cuộc sống. Nếu trước đây là lòng yêu đời qua tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên thì nay tình yêu cụ thể hơn, yêu đất nước, cuộc sống, con người. Bài thơ Trở về viết nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám mang không khí yêu đời đó, rất thiết tha và tươi thắm:  Cũng bởi vì tôi nhớ, tôi mong  Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại  Giữa vũ trụ nhân gian trong gia đình xã hội  Giữa quốc gia nhân loại trong thế giới hoà bình  Một sớm mai hồng, vắng một bình minh  Xanh mắt trẻ em  Hồng môi thiếu nữ.  ... Tôi phải về nghe dự nhạc đoàn viên  Nhân loại mới nói cười như trẻ nhỏ.  (Trở về)  Xuân Diệu thích nói đến nhân loại mới với niềm hân hoan chào đón:  Trong lúc tầm lên nhân loại mới  Lòng tôi như thể chiếc nong xanh.  Nhân loại mới như lúa tằm đang lên; nhân loại mới nói cười như trẻ nhỏ... cũng chính là nói một phần cho mình. Mình như trẻ lại, hoà nhập với số đông. Và có những câu thơ của Xuân Diệuchân tình đến vồ vập:  Trời ơi quần chúng hóa tình nhân  (Mê quần chúng)  Xuân Diệu đến với quần chúng từ những ngày đầu cách mạng và cảm thấy chất thơ phải được khơi nguồn từ cuộc đời mới:  Có một suối thơ chảy từ gần gũi  Ra xa xôi và lại đến gần quanh  Một suối thơ lá ngọt với hoa lành  Nói trong xóm và giỡn cười dưới phố  (Nguồn thơ mới)  Và Xuân Diệu yêu cái bình dị của cuộc đời. Chẳng có gì thật cao xa mà sao gần gũi: Đời đáng yêu nhiều lúc có gì đâu  Miếng ván chênh vênh giữa nhịp cầu  Một buổi chiều sương nghe chó sủa  Sân hè thóc trải lượn bồ câu.  Và thật đáng yêu hương vị của làng quê:  Cái nắng ồ lên trong tiếng lá  Một làn gió nhẹ thoảng hương cau.  Và điều quan trọng nhất là cách nhìn cuộc sống. Phải nhìn đời với con mắt tin yêu lòng không u ám, trí không mất phương hướng.  Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non  Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo  Hãy để cho bà nói má thơm của cháu  Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu  (Đôi mắt xanh non)  Sau Cách mạng tháng Tám được sống với tư cách công dân, tấm lòng nghệ sĩ là tấm lòng công dân nên cảm hứng với đất nước không làm sao nói hết được:  Việt thanh thanh, Việt sắc sảo mặn mà:  Miền Trung Bộ như vòng cung sắp bắn  Dáng em Nam mềm mại chiếc chân giò  Chị Bắc bộ cánh quạt xoè tươi tắn  Ba vẻ cùng biêng biếc một màu tơ  (Việt muôn đời)  Đó là những lời ca, tiếng nói buổi đầu đến với cách mạng. Có một cái gì đó gần gũi, non tơ, đằm thắm như mối duyên đầu:  Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy  Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên!  Và tình cảm ban đầu ấy ngày càng sâu đậm thiết tha qua năm tháng. Đi vào kháng chiến là quá trình quần chúng hoá của Xuân Diệu. Mỗi nhà thơ có một cách quần chúng hoá. Tố Hữu từ Từ ấy đã bộc lộ xu hướng quần chúng hoá trong Từ ấy với dân nghèo thành thị. Với Tiếng hát trên đê, anh đã quần chúng hoá với nông dân và càng gắn bó với nông dân cách mạng qua Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc và cao nhất là trong bài Việt Bắc. Xuân Diệu quần chúng hoá với chùm thơ phát động. Xuân Diệu đến với quần chúng sớm nhưng giai đoạn sau có chững lại. Chùm thơ phát động là chùm thơ viết với tấm lòng thương cảm chân tình với người nông dân, với tấm lòng cảm phục. Bà cụ mù loà tìm đến được với ánh sáng mới:  Mẹ dù đau đớn mù loà  Ánh xuân sẽ dọi chan hoà tâm can.  Có lẽ trong những bài thơ viết về phát động quần chúng và cải cách ruộng đất thì những bài thơ của Xuân Diệu vẫn đứng lại được. Trở về với nhân dân là quá trình chuyển biến về nhận thức và tình cảm của tất cả các nhà thơ mới. Mỗi người quần chúng hoá theo một cách riêng. Huy Cận tiến hành quá trình quần chúng hoá từ những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Huy Cận đi chậm hơn nhưng lại có nhiều thành tựu đáng kể. Về với vùng mỏ, gắn bó với đời thơ, Huy Cận đã có một mùa thơ bội thu với các tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa và Bài thơ cuộc đời. Còn Chế Lan Viên thì bắt đầu quá trình quần chúng hoá trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Theo Xuân Diệu thì “trước Cách mạng, thơ của Chế Lan Viên lạnh, không ấm bằng Hàn Mạc Tử. Có một số bài tình cảm ấm áp nhưng Chế Lan Viên vẫn dựa chủ yếu vào óc! Thơ của Chế Lan Viên là thơ của óc”. Ánh sáng và phù sa là tập thơ bộc lộ rõ rệt nhất quá trình đi từ chân trời một người đến chân trời tất cả”. Chế Lan Viên nói lên nỗi buồn cô đơn và quyết tâm “Phá cô đơn ta hoà hợp với người”. Chế Lan Viên hiểu rõ ngọn nguồn, ánh sáng đã soi rọi và phù sa bồi đắp cho tâm hồn tác giả trong cuộc đời mới. Với Xuân Diệu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có một giai đoạn bế tắc, khó viết khoảng từ 1949-1953. Lúc này,Xuân Diệu cảm thấy đứng trên lập trường cái tôi không ổn nữa. Bị khủng hoảng. Tập Dưới sao vàng cũng chìm chìm không gây ấn tượng gì:  Kéo dài tâm trạng lênh đênh  Sống mà lắm lúc như mình bỏ đi.  Khu 4 lúc đó không khí sáng tác có màu sắc riêng đô hội. Cuộc chỉnh huấn 1953 của văn nghệ sĩ đã đem lại cho Xuân Diệu ánh sáng mới:  Bước đầu tuy chưa là bao  Nhưng nghe đã rộng đã cao vô ngần  Tập Riêng chung ghi nhận những bước phát triển về tư tưởng của Xuân Diệu. Xuân Diệu chân tình ngợi ca cuộc sống mới “tôi thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính”. Xuân Diệu muốn đấu tranh chống lại con người xưa cũ của mình, con người hay bi luỵ, bùi ngùi, con người chạy theo hư danh, lá mặt lá trái “hai mặt người trên một mặt người ta”. Tấm lòng của nhà thơ với cuộc đời mới như trái tim hồng.  Một khối hồng đau đáu trong tim  Những câu thơ đẹp của Xuân Diệu ngợi ca đất nước và nhân dân:  Lòng yêu cuộc sống với nhân dân  Mạnh mẽ vươn xa lại toả gần  Đêm hoá làm sương ôm mặt đất  Ngày là nắng ấm giục mùa xuân.  Theo dõi bước đi của nhà thơ cách mạng càng thấy nhà thơ với quần chúng cách mạng là một, ngày càng gắn bó. Như một phương châm, một tâm sự có tính chất tuyên ngôn:  Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi  Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu  Tôi sống với cuộc đời chiến đấu  Của triệu người yêu dấu gian lao  Cuộc đời thơ của Xuân Diệu mở đầu là những trang thơ lãng mạn nhưng bộc lộ sâu sắc khát vọng tự do và tình yêu vươn tới cái đẹp mộng tưởng. Nửa chặng đường sau thơ Xuân Diệu trở về với cuộc đời thực, gắn bó với Tổ quốc, nhân dân và mang những phẩm chất mới cao đẹp mà thơ Xuân Diệu chưa thể có được trong trường thơ lãng mạn./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxXuân diệu ( 1916 – 1985).docx