Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tỉnh Nghệ An

Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế hộ gia đình trong nông thôn Nghệ An đã có bước phát triển đáng kể. Cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của các hộ cũng tăng lên. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, kinh tế hộ ở nông thôn Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn do quy mô đất đai hạn hẹp, thiếu vốn đầu tư, thiếu trình độ khoa học kĩ thuật,. . . Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, vốn, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực,. . . nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình trong nông thôn Nghệ An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.

pdf8 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 25/03/2022 | Lượt xem: 353 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tỉnh Nghệ An, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 138-145 PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ GIA ĐÌNH Ở NÔNG THÔN TỈNH NGHỆ AN Nguyễn Thị Trang Thanh Khoa Địa lí, Trường Đại học Vinh Tóm tắt. Hộ gia đình ở nông thôn vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế ở Nghệ An. Trong thời gian qua, kinh tế hộ nông thôn ở Nghệ An đã phát triển đáng kể, cơ cấu ngành nghề được đa dạng hóa, thu nhập hộ gia đình tăng lên,. . . Tuy nhiên, kinh tế hộ nông thôn Nghệ An vẫn đang gặp nhiều khó khăn do quy mô đất đai hạn hẹp, thiếu vốn đầu tư, thiếu trình độ khoa học kĩ thuật. . . Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, vốn, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực,. . . nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Nghệ An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Từ khóa: Kinh tế hộ gia đình, nông thôn Nghệ An, giải pháp đồng bộ. 1. Mở đầu Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn nước ta vẫn đóng vai trò quan trọng khi nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế. Kinh tế hộ nông thôn là cơ sở để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, là tiền đề để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn. Hiện nay, ở Nghệ An, dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm 88% dân số toàn tỉnh. Vì vậy, kinh tế hộ nông thôn ở Nghệ An vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, kinh tế hộ nông thôn Nghệ An đã phát triển đáng kể, cơ cấu ngành nghề được đa dạng hóa, thu nhập hộ gia đình tăng lên,. . . Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn đang trong tình trạng sản xuất tự cấp, tự túc. Vì vậy, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế hộ nông thôn ở Nghệ An trong những năm qua và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Nghệ An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững là việc làm thiết thực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Nghệ An. Ngày nhận bài 5/2/2012. Ngày nhận đăng 25/7/2013. Liên lạc Nguyễn Thị Trang Thanh, e-mail: trangthanhdl@gmail.com 138 Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tỉnh Nghệ An 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thực trạng phát triển kinh tế hộ nông thôn ở Nghệ An 2.1.1. Số lượng và cơ cấu hộ nông thôn Tổng số hộ ở khu vực nông thôn của tỉnh Nghệ An năm 2011 là 633.799 hộ, tăng 8,8% so với năm 2006 (tăng 51.273 hộ), bình quân mỗi năm tăng 10.254 hộ. Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động nông thôn năm 2011 là 1.319.958 người, giảm 0,79% so với năm 2006. Cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực. Tỉ trọng nhóm hộ nông, lâm, thủy sản (NLTS) có xu hướng giảm, tỉ trọng nhóm hộ công nghiệp và dịch vụ tăng. Tỉ trọng hộ NLTS giảm 5,4% trong giai đoạn 2006 - 2011, trong khi đó tỉ trọng hộ công nghiệp - xây dựng tăng thêm 2,1%; tỉ trọng hộ dịch vụ tăng thêm 2,2% và đạt 14,5% năm 2011 [1]. Bảng 1. Số lượng và cơ cấu hộ nông thôn tỉnh Nghệ An năm 2006 và 2011 [1] Số lượng (hộ) Cơ cấu (%) 2006 2011 2006 2011 Tổng số 582.526 633.799 100,0 100,0 Hộ nông, lâm, thủy sản 456.192 460.072 78,3 72,6 Hộ công nghiệp – xây dựng 25 .038 40.535 4,3 6,4 Hộ dịch vụ 64.761 91.937 11,1 14,5 Hộ khác 36.490 41.255 6,3 6,5 Mặc dù đã có những chuyển biến theo hướng tích cực về cơ cấu hộ trong thời gian qua, nhưng tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chênh lệch giữa các vùng. Tỉ trọng hộ NLTS giảm chủ yếu ở các huyện đồng bằng, giảm 8,1% trong giai đoạn 2006 - 2011, trong khi đó các huyện miền núi, tỉ trọng này giảm rất ít (giảm 2,0% cùng giai đoạn). Tỉ lệ hộ NLTS ở các huyện đồng bằng năm 2011 trung bình là 67,9%, trong đó một số huyện có tỉ lệ hộ NLTS thấp như Thành phố Vinh 34,0%, huyện Nghi Lộc 67,0%, huyện Quỳnh Lưu 65,7%, huyện Hưng Nguyên 64,6%,. . . Các huyện miền núi còn mang nặng về sản xuất thuần nông, kinh tế nông thôn vẫn còn phổ biến, tỉ trọng hộ NLTS lớn. Các huyện miền núi vùng cao có tỉ lệ hộ NLTS trung bình 88,7%, trong đó có một số huyện có tỉ lệ hộ nông nghiệp cao như huyện Kỳ Sơn hộ NLTS chiếm 92,3% tổng số hộ nông thôn, huyện Quế Phong 92,1% [1]. Tốc độ chuyển dịch từ hộ NLTS sang hộ phi nông nghiệp ở các huyện miền núi còn chậm. Điều đó chứng tỏ việc mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp để tăng thu nhập gặp nhiều khó khăn đối với các huyện miền núi. Trong nội bộ từng ngành, cơ cấu hộ nông thôn cũng có sự thay đổi trong giai đoạn 2006 – 2011. Cơ cấu hộ trong nội bộ nhóm ngành NLTS chuyển dịch theo hướng tỉ trọng hộ thủy sản tăng lên và tỉ trọng hộ nông nghiệp giảm tương ứng, tuy nhiên sự chuyển dịch đang còn chậm. Hộ nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất, 96,5% năm 2011 và giảm 0,4% so với năm 2006, tỉ trọng hộ thủy sản tăng 0,1%, còn tỉ trọng hộ lâm nghiệp tăng 139 Nguyễn Thị Trang Thanh thêm 0,3%. Bảng 2. Số lượng và cơ cấu hộ NLTS năm 2006 và 2011 [1]) Số lượng (hộ) Cơ cấu (%) 2006 2011 2006 2011 Tổng 456.192 460.072 100,0 100,0 Hộ nông nghiệp 442.039 443.830 96,9 96,5 Hộ lâm nghiệp 739 2.467 0,2 0,5 Hộ ngư nghiệp 13.360 13.755 2,9 3,0 Trong nhóm hộ công nghiệp và xây dựng, tỉ trọng hộ công nghiệp có xu hướng giảm, trong khi tỉ trọng hộ xây dựng đang tăng lên. Hộ công nghiệp năm 2011 là 20.800 hộ, tăng thêm 2.766 hộ so với năm 2006 và chiếm 51,3% tổng số hộ công nghiệp – xây dựng (giảm 20,6% so với năm 2006). Trong khi đó hộ xây dựng tăng từ 7.049 hộ lên 19.735 hộ trong cùng thời gian và tỉ trọng tăng tương ứng từ 28,1% lên 48,7% [1]. 2.1.2. Lao động hộ nông thôn Quy mô nhân khẩu bình quân mỗi nông hộ ở Nghệ An khá cao, trung bình mỗi hộ có khoảng 5 nhân khẩu. Nguồn lao động trong các hộ gia đình chủ yếu là nguồn lao động trực tiếp từ các thành viên trong hộ gia đình. Năm 2011, tổng số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động ở khu vực nông thôn Nghệ An là 1.199.019 người, bình quân mỗi hộ có 1,9 lao động. Trong đó số lao động NLTS là 862.575 người, chiếm 71,9% nguồn lao động của khu vực nông thôn. Lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở ngành NLTS. Năm 2011, tỉ trọng lao động NLTS của khu vực nông thôn ở Nghệ An chiếm 70,9% tổng số lao động ở vùng nông thôn, cao hơn rất nhiều so với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và trung bình của cả nước (số liệu tương ứng là 62,9% và 59,8%). Trong khi đó, lao động công nghiệp – xây dựng trong khu vực nông thôn chiếm tỉ trọng ít 10,5% và lao động dịch vụ là 18,6% tổng lao động ở khu vực nông thôn [4]. Trình độ chuyên môn kĩ thuật của lực lượng lao động nông thôn rất thấp, 88,1% lao động nông thôn ở Nghệ An chưa qua đào tạo. Tỉ trọng lao động được đào tạo chiếm 11,9% tổng số lao động nông thôn, trong đó đào tạo sơ cấp, công nhân kĩ thuật chiếm 2,9%; trung cấp 4,3%; cao đẳng 2,3% và trình độ đại học trở lên chiếm 2,4% tổng số lao động nông thôn [4]. Đây là khó khăn lớn trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Nghệ An. Nếu chỉ tính lao động NLTS, thì tỉ trọng lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 96,5% tổng số lao động NLTS. Các huyện miền núi có tỉ trọng lao động chưa qua đào tạo chiếm gần như tuyệt đối. 2.1.3. Quy mô sản xuất của hộ nông thôn Quy mô sản xuất của nông hộ nhỏ, số hộ có quy mô sản xuất lớn chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu hộ nông thôn. Quy mô diện tích nhỏ làm cho sản xuất hàng hóa bị hạn chế. Quy mô sản xuất đất đai nhỏ bé, manh mún. Tổng số hộ sử dụng đất sản xuất nông 140 Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tỉnh Nghệ An nghiệp là 553.937 hộ, trong đó 34,7% số hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha/hộ; số hộ sử dụng đất nông nghiệp từ 0,2 ha đến dưới 0,5 ha chiếm 44,8%; số hộ có quy mô từ 2 ha trở lên chỉ chiếm 1,8% tổng số hộ sử dụng đất nông nghiệp. Quy mô sản xuất nông nghiệp của hộ nông thôn Nghệ An manh mún hơn nhiều so với trung bình cả nước (tỉ lệ tương ứng của cả nước là 34,7%; 34,3% và 6,2%) [4]. Nghệ An có lợi thế về rừng, tuy nhiên, quy mô sử dụng đất lâm nghiệp của hộ nông dân cũng manh mún. Tổng số hộ sử dụng đất lâm nghiệp của Nghệ An là 103.645 hộ, trong đó 54,3% số hộ có quy mô đất lâm nghiệp dưới 1 ha; 28,9% số hộ có quy mô từ 1 đến dưới 3 ha; số hộ có quy mô đất lâm nghiệp trên 10 ha chiếm 2,4% tổng số hộ sử dụng đất lâm nghiệp [4]. Quy mô của hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng nhỏ bé. Số hộ nuôi lợn của Nghệ An là 264.370 hộ, trong đó 62,0% số hộ nuôi từ 1 đến 2 con; số hộ nuôi từ 3 đến 5 con chiếm 28,4%; số hộ nuôi từ 10 con lợn trở lên chiếm 3,9% (trong đó số hộ nuôi từ 50 con trở lên chỉ chiếm 0,1%). Tổng số hộ nuôi gà của toàn tỉnh là 461.280 hộ, trong đó số hộ nuôi dưới 20 con chiếm 46,9%; số hộ nuôi từ 20 đến 49 con chiếm 40,4%, còn lại là số hộ nuôi từ 50 con trở lên [4]. Số hộ chăn nuôi lợn, gà chủ yếu là các hộ nông nghiệp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tăng gia thêm. Số sản phẩm hàng hóa của các hộ này rất thấp, chủ yếu là tự cung, tự cấp. Quy mô hộ sử dụng diện tích nuôi trồng thủy sản cũng rất nhỏ bé. Số hộ có sử dụng diện tích nuôi trồng thủy sản là 67.346 hộ, trong đó số hộ sử dụng diện tích nuôi trồng thủy sản dưới 0,2 ha chiếm 88,6%; số hộ nuôi trồng từ 2 ha trở lên chỉ chiếm 0,7% [4]. Bên cạnh quy mô sản xuất nhỏ bé, các hộ nông thôn vốn sản xuất không nhiều. Vốn vay cho sản xuất cũng ít. Năm 2011, tổng số hộ vay vốn sản xuất là 1.830 hộ, chiếm 0,29% tổng số hộ nông thôn toàn tỉnh với tổng số vốn vay là 14,28 tỉ đồng, vốn vay bình quân mỗi hộ là 7,81 triệu đồng/hộ, trong đó bình quân vay cho sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản là 3,3 triệu đồng/hộ. Hộ vận tải có vốn vay bình quân lớn nhất là 36,3 triệu đồng/hộ, tiếp đến hộ thương nghiệp 27,1 triệu đồng/hộ, hộ lâm nghiệp 23 triệu đồng/hộ [1]. Hộ nông nghiệp có vốn vay bình quân thấp nhất 6,9 triệu đồng/ hộ. Vốn vay thấp, các hộ nông thôn khó có khả năng mở rộng sản xuất ở quy mô lớn. Tổng số hộ sản xuất hàng hóa của Nghệ An rất ít. Trong tổng số 646.781 hộ NLTS, chỉ có 159 hộ sản xuất hàng hóa, đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp và thủy sản do các trang trại đang sử dụng năm 2011 là 1.044,4 ha (bình quân mỗi hộ sử dụng 6,56 ha). Đất đai của các trang trại là đất sản xuất liền bờ, liền khoảnh, quy mô lớn nên rất thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, bảo vệ, vận chuyển sản phẩm và nhất là cơ giới hóa, thủy lợi hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng kĩ thuật. Tổng thu sản xuất, kinh doanh của các hộ trang trại đạt 252.067 triệu đồng (năm 2011), bình quân 1.585 triệu đồng/trang trại. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản bán ra là 242.247 triệu đồng, bình quân 1 trang trại 1.523 triệu đồng, tỉ suất hàng hóa đạt 96,09% [1]. 141 Nguyễn Thị Trang Thanh 2.1.4. Thu nhập và tích lũy của hộ nông thôn Tỉ trọng hộ NLTS chiếm 72,6% số hộ ở khu vực nông thôn nhưng chỉ có 65,1% số hộ (412.699 hộ) có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, tỉ trọng hộ công nghiệp, xây dựng chiếm 6,4% nhưng lại có 9,3% số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng. Hai tỉ lệ tương ứng của hộ dịch vụ là 14,5% và 15,9% [4]. Như vậy, tỉ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cao hơn tỉ trọng hộ công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong tổng số hộ ở nông thôn. Đối với hộ NLTS thì có xu hướng ngược lại. Điều đó chứng tỏ sự đa dạng về hoạt động kinh tế trong mỗi hộ và hiệu quả sản xuất của các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ cao hơn hẳn so với các hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Giá trị tích lũy bình quân của hộ nông nghiệp ở nông thôn thấp, bình quân năm 2011 là 8,75 triệu đồng/hộ. Trong đó hộ thủy sản có tích lũy bình quân lớn hơn cả là 12,59 triệu đồng năm 2011. Nhìn chung, sản phẩm của kinh tế hộ gia đình chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung, tự cấp, còn sản xuất hàng hóa rất ít. So với các hộ khác, tích lũy của hộ nông nghiệp thấp (hộ vận tải 36,88 triệu đồng/hộ; hộ thương nghiệp 33,45 triệu đồng/hộ; hộ công nghiệp 22,15 triệu đồng/năm) chứng tỏ hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao [1]. Vì vậy, xu hướng chuyển dịch cơ cấu hộ từ hộ sản xuất nông nghiệp sang hộ sản xuất phi nông nghiệp ngày càng nhiều. Hiện nay, hộ gia đình đang ngày càng đa dạng hóa sản xuất với những mô hình phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng. Các hộ gia đình ở vùng đồi núi (huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong,. . . ) thường phát triển theo mô hình nông – lâm kết hợp (chăn nuôi gia súc, trồng trọt kết hợp với trồng rừng); Các hộ ở đồng bằng chủ yếu là mô hình nông nghiệp: trồng trọt kết hợp với chăn nuôi (chủ yếu là nuôi lợn và gia cầm) như các hộ ở huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên,. . . ; các hộ vùng ven biển phát triển theo mô hình nông – ngư kết hợp, nhiều hộ phát triển nuôi trồng thủy sản mạnh (các hộ ở huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu); một số hộ chuyên về sản xuất muối kết hợp với đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (huyện Quỳnh Lưu). 2.2. Những khó khăn của kinh tế hộ nông thôn Nghệ An - Nguồn lực sản xuất của kinh tế hộ, đặc biệt là đất đai rất hạn hẹp. Số hộ sử dụng diện tích đất sản xuất nông nghiệp dưới 0,5 ha chiếm đến 79,5% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp. Quy mô đất đai của hộ nông dân đã nhỏ lại rất manh mún, mỗi hộ có nhiều mảnh khác nhau ảnh hưởng tới phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách phát triển công nghiệp và đẩy mạnh đô thị hóa đã chuyển phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. - Mặc dù nhóm hộ thuần nông đã giảm, nhưng không nhiều, trong khi số hộ lâm nghiệp và thủy sản tăng lên không đáng kể. Tỉ trọng hộ nông nghiệp vẫn chiếm gần như tuyệt đối. Như vậy, cơ cấu hộ nông thôn vẫn nặng về thuần nông. Số lượng hộ nông thôn sản xuất hàng hóa rất ít. Phần lớn số hộ còn trong tình trạng sản xuất tự cung, tự cấp, sản 142 Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tỉnh Nghệ An phẩm làm ra chưa gắn với thị trường. - Kinh tế hộ thiếu vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều hộ có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại cho nông dân vay chủ yếu mới đến các hộ trung bình và có kinh tế khá giả. Mức vay cũng thấp so với nhu cầu đầu tư và chủ yếu là vay ngắn hạn. Nhiều hộ nông dân không đủ điều kiện theo quy định hiện nay của ngân hàng để được vay vốn. - Kinh tế hộ rất khó khăn trong tiếp cận tiến bộ kĩ thuật và kinh nghiệm sản xuất mới. Trong nông thôn chưa hình thành hệ thống cung cấp thông tin về công nghệ kĩ thuật phù hợp với sự thay đổi của điều kiện sản xuất, chẳng hạn sử dụng giống mới, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi này sang loại cây trồng, vật nuôi khác. . . Vì thiếu thông tin kinh tế và kĩ thuật nên đa số kinh tế hộ đã không mạnh dạn đầu tư sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn do sợ rủi ro. Năng lực quản lí và tay nghề của người lao động và áp dụng công nghệ - kĩ thuật vào sản xuất của hộ nông dân còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp. - Chất lượng lao động của kinh tế hộ nông thôn thấp. Tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo rất thấp, trong khi đó hệ thống đào tạo nghề ở các vùng nông thôn còn yếu, chưa thu hút được lao động tham gia vào đào tạo. Bản thân người nông dân chưa quen với tác phong sản xuất công nghiệp, kỉ luật lao động thấp, chưa có nhận thức về cách thức sản xuất hàng hóa, nên gặp khó khăn lớn trong phát triển nông nghiệp hiện đại và ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn. - Lao động nông thôn thiếu việc làm, việc làm thu nhập thấp còn rất phổ biến. Thu nhập bấp bênh đang diễn ra rất phổ biến ở nông thôn hiện nay. Tình trạng này đang thúc đẩy nông dân di chuyển ra thành thị kiếm việc làm không có tổ chức và gặp nhiều rủi ro. Mặt khác, lực lượng lao động trẻ không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, thường đi nơi khác tìm việc làm, nên sản xuất nông nghiệp hiện nay của Nghệ An thiếu lực lượng lao động trẻ. Nhìn chung, khả năng tích lũy của các hộ nông dân thấp, thiếu vốn cho sản xuất, trình độ lao động thấp, tiếp cận khoa học kĩ thuật hạn chế, làm cho thu nhập và mức sống của hộ nông dân thấp, đặc biệt ở các huyện miền núi cao. Phần lớn các hộ nông dân sản xuất tự cung, tự cấp là chính. 2.3. Một số giải pháp phát triển kinh tế hộ nông thôn ở Nghệ An Kinh tế hộ vẫn là hình thức tổ chức sản xuất phổ biến ở nông thôn Việt Nam về lâu dài, ngay cả khi khu vực công nghiệp, dịch vụ và đô thị đã phát triển và rút nhiều lao động từ đô thị chuyển sang. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế hộ nông thôn ở Nghệ An phát triển cần chuyển nhanh kinh tế hộ từ phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. - Phát triển kinh tế hộ gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ từ thuần nông sang các hộ kiêm nghề và chuyên nghề phi nông nghiệp. Bên cạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, cần đa dạng hóa 143 Nguyễn Thị Trang Thanh các ngành nghề khác để mang lại thu nhập cao hơn cho hộ và gia tăng năng suất lao động trong điều kiện hạn hẹp về các nguồn tài nguyên đất phục vụ cho phát triển kinh tế nông thôn. - Phát triển kinh tế hộ theo hướng hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác mới trong nông nghiệp, nông thôn. Để có thể tham gia và tham gia nhanh vào thị trường hàng hóa, các hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ rất khó thành công, vì vậy họ cần phải hợp tác, liên kết để tăng khả năng cạnh tranh, khả năng tự vệ và duy trì được trong bối cảnh cạnh tranh của quá trình hội nhập. Cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tự nguyện thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư thích đáng vào xây dựng kết cấu hạ tầng để thực sự tạo động lực phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong khai thác và sử dụng các nguồn lực của địa phương. - Phát triển kinh tế hộ theo hướng kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp chỉ có thể có sức cạnh tranh cao khi quy mô hộ mở rộng trên phạm vi nhất định để có thể áp dụng cơ giới, thủy lợi, công nghệ. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại thích ứng với điều kiện và khả năng thực tế của địa phương. Phát triển các trang trại phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. - Cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích tích tụ và tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với các quyền của người sử dụng đất. Khuyến khích các hộ nông dân hoặc lao động nông nghiệp làm ăn có hiệu quả tiếp tục làm nông nghiệp lâu dài. Đối với các lao động nông nghiệp khác, không đủ điều kiện làm nông nghiệp hàng hóa thì hỗ trợ và thúc đẩy họ chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp một cách nhanh chóng và thuận tiện. - Đào tạo để nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Tăng tỉ lệ lao động nông thôn được đào tạo lên trong những năm tới bằng việc áp dụng chủ yếu các hình thức đào tạo ngắn ngày, đào tạo tại chỗ, vừa học, vừa làm. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tại các huyện trong tỉnh, đặc biệt ưu tiên các huyện miền núi, với những hình thức như phổ biến kĩ thuật mới, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, cách sử dụng phân bón hóa học an toàn,. . . Việc phổ biến kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư không nhất thiết phải tổ chức theo trường lớp, mà có thể thực hiện ngay tại các xí nghiệp, các trang trại hay có thể thực hiện ngay trên đồng ruộng. - Vấn đề đào tạo và dạy nghề có vị trí hết sức quan trọng. Đầu tư dạy nghề cho nguồn lao động trẻ, để nguồn lao động này có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, hoặc các hoạt động dịch vụ, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần chú ý dành vốn ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng và có chính sách để những người được đào tạo về làm việc ở nông thôn. - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất của hộ nông dân. Tăng cường sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp để thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, cung ứng vốn và các dịch vụ cho nhà nông, đảm 144 Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tỉnh Nghệ An bảo khâu chế biến và đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. 3. Kết luận Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế hộ gia đình trong nông thôn Nghệ An đã có bước phát triển đáng kể. Cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của các hộ cũng tăng lên. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, kinh tế hộ ở nông thôn Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn do quy mô đất đai hạn hẹp, thiếu vốn đầu tư, thiếu trình độ khoa học kĩ thuật,. . . Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, vốn, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực,. . . nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình trong nông thôn Nghệ An phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục Thống kê Nghệ An, 2011. Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Nghệ An [2] Cục Thống kê Nghệ An, 2012. Niên giám thống kê Nghệ An năm 2011. Nghệ An. [3] Chu Tiến Quang (chủ biên), 2009. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Tổng cục Thống kê, 2012. Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Nxb Thống kê, Hà Nội. ABSTRACT The development economy of rural households in Nghe An Rural households in Nghe An play an important role in economic development and the economic status of rural households in Nghe An has improved significantly. House- hold income derived from industrial activities has increased. However, incomes of rural household in Nghe An are constrained due to the small land holdings, a lack of capital and an unfamiliarity with scientific principles and the use of modern technology. What is needed is a synchronized solution that will increase people’s land holdings, put capital into their hands, make them aware of modern science and technology, teach them work skills. If all of the rural households in Nghe An could experience such comprehensive improvements, they might then be capable of a sustainable production of goods. 145

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfphat_trien_kinh_te_ho_gia_dinh_o_nong_thon_tinh_nghe_an.pdf