Phân tích Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước

I. Đặt vấn đề. Cùng với xu thế phát triển của xã hội, nhiều vấn đề về quản lý hành chính nhà nước của nước ta hiện nay cũng có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, đến đời sống pháp luật, một trong số đó là vấn đề về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo. Sở dĩ vấn đề về khiếu nại, tố cáo lại có diễn biến phức tạp vì cơ chế quản lý của nhà nước ta, đặc biệt là cơ chế hành chính đang chưa theo kịp sự phát triển chung, chưa có sự điều chỉnh cho phù hợp và đặc biệt là đội ngũ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ phía nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, chưa có kiến thức về nghề nghiệp vững vàng, phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Xuất phát từ thực tại đó, ta nhận thấy rằng việc khiếu nại, tố cáo từ phía nhân dân, các cơ quan, đoàn thể là có cơ sở, để lên án những hành vi bất hợp pháp. Bên cạnh đó, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cán cân công lý đứng ra để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho chủ thể bị xâm phạm, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi gây tác động xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp đó, hai mặt này đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, cụ thể vai trò đó thể hiện như thế nào sau đây là phần phân tích cụ thể.

doc12 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 3463 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cấu trúc bài luận trang I. Đặt vấn đề. 2 II. Nội dung vấn đề. 2 1/ Khái niệm Khiếu nại, tố cáo. 2 2/ Khái niệm giải quyết khiếu nại, tố cáo. 2 3/ Khái niệm quản lý hành chính nhà nước. 3 4. Mối quan hệ giữa khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo với hoạt động quản lý hành chính nhà nước 4 4.1. Mối quan hệ giữa khiếu nại, tố cáo với hoạt động quản lý hành chính nhà nước. 4 4.2. Mối quan hệ giữa giải quyết khiếu nại, tố cáo với hoạt động quản lý hành chính nhà nước. 4 5. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. 5 5.1. Vai trò của khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. 5 5.2. Vai trò của giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. 8 6. Phương hướng tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động QLHCNN và giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo của công dân. 11 III. Tổng kết. 11 I. Đặt vấn đề. Cùng với xu thế phát triển của xã hội, nhiều vấn đề về quản lý hành chính nhà nước của nước ta hiện nay cũng có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, đến đời sống pháp luật, một trong số đó là vấn đề về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo. Sở dĩ vấn đề về khiếu nại, tố cáo lại có diễn biến phức tạp vì cơ chế quản lý của nhà nước ta, đặc biệt là cơ chế hành chính đang chưa theo kịp sự phát triển chung, chưa có sự điều chỉnh cho phù hợp và đặc biệt là đội ngũ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ phía nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, chưa có kiến thức về nghề nghiệp vững vàng, phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Xuất phát từ thực tại đó, ta nhận thấy rằng việc khiếu nại, tố cáo từ phía nhân dân, các cơ quan, đoàn thể là có cơ sở, để lên án những hành vi bất hợp pháp. Bên cạnh đó, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cán cân công lý đứng ra để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho chủ thể bị xâm phạm, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi gây tác động xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp đó, hai mặt này đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, cụ thể vai trò đó thể hiện như thế nào sau đây là phần phân tích cụ thể. II. Nội dung vấn đề. 1/ Khái niệm Khiếu nại, tố cáo. Trước hết, xét về khái niệm khiếu nại: theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo(được sửa đổi, bổ sung năm 2004 và 2005) tại Điều 2: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Bên cạnh khái niệm mà luật quy định còn có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khiếu nại, vì khiếu nại là một hiện tượng xã hội phản ánh ý chí phản đối của chủ thể khiếu nại đối với các hành vi của chủ thể bị khiếu nại. Khiếu nại nó cũng là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác ghi nhận, do vậy việc sử dụng quyền cơ bản đó để bảo vệ lợi ích của mình là phù hợp với xu thế khách quan và là tất yếu, đây cũng chính là cơ sở để đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Thứ hai, cùng với khái niệm khiếu nại, Luật Khiếu nại, tố cáo cũng quy định rõ tại Điều 2 khái niệm tố cáo: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Khái niệm tố cáo này khi chiếu vào thực tế đời sống ta thấy nó được sử dụng rộng rãi, cũng như khái niệm khiếu nại thì khái niệm tố cáo được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào những ngành riêng biệt liên quan đến việc xem xét vấn đề này. Nói chung khiếu nại, tố cáo đều là hành vi của chủ thể có quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc phát hiện các quyền, lợi ích của các chủ thể khác bị xâm phạm bởi hành vi mà mình cho là không đúng. 2/ Khái niệm giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại khoản 13, Điều 2 Luật Khiếu nại, tố cáo có quy định: “Giải quyết khiếu nại là việc xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết của người giải quyết khiếu nại”. Hoạt động giải quyết khiếu nại là bước tiếp theo khi có yêu cầu giải quyết(khi có khiếu nại), hoạt động này gồm có ba giai đoạn: xác minh tình tiết, nội dung vụ việc khiếu nại; kết luận về tính đúng sai, cơ sở pháp lý của nội dung khiếu nại, của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; ra quyết định giải quyết khiếu nại. Giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước là các cơ quan này tiến hành các hoạt động thuộc thẩm quyền của mình để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và lợi ích chung của nhà nước và xã hội. Cũng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, khái niệm giải quyết tố cáo được quy định rõ tại khoản 14, Điều 2: “Giải quyết tố cáo là việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo”. Theo đó hoạt động giải quyết tố cáo cũng bao gồm ba giai đoạn. Tuy nhiên, việc giải quyết tố cáo có nhiều điểm khác biệt và phức tạp hơn so với giải quyết khiếu nại ở chỗ: giải quyết tố cáo có liên quan đến quyền lợi của nhiều chủ thể bị xâm phạm bởi hành vi trái pháp luật: lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của công dân... điều này đòi hỏi khi giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thật kỹ. 3/ Khái niệm quản lý hành chính nhà nước. Cùng với những khái niệm trên, trong phạm vi phân tích về vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước, chúng ta cũng cần chỉ rõ khái niệm quản lý hành chính nhà nước. Bởi lẽ, những vấn đề này có mối quan hệ với nhau(phần sau trình bày), liên quan đến chủ đề mà bài luận này phân tích, bàn luận. Giáo trình Luật Hành chính – Trường Đại học Luật Hà Nội có đưa ra quan điểm về quản lý hành chính nhà nước, tuy nhiên đây chỉ là những phân tích để có cái nhìn tổng quan về hoạt động này của cơ quan hành chính nhà nước, chưa phải là một khái niệm cụ thể, đó là: “Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị. Nói cách khác, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước”. Như vậy, ta thấy rằng quan điểm này đã chỉ ra được hai điểm của QLHCNN là “chấp hành” và “điều hành”. Thông qua quan điểm này của các thầy cô trực tiếp giảng dạy môn Luật Hành chính, có thể đưa ra khái niệm Quản lý Hành chính nhà nước theo quan điểm cá nhân như sau: “Quản lý hành chính nhà nước là việc các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan ấy, đặc biệt là cơ quan và cá nhân có thẩm quyền của bộ máy hành chính nhà nước(Chính phủ, Bộ, Cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp) tiến hành những hoạt động, việc làm cụ thể nhằm bảo đảm sự thi hành và chấp hành những văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền(cơ quan quyền lực nhà nước) để làm ổn định và phát triển tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa,...”. Như vậy, trên đây là khái niệm về QLHCNN, nó kết hợp với khái niệm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tạo nên mối quan hệ, chính mối quan hệ này có vai trò quan trọng cho việc phân tích vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. 4. Mối quan hệ giữa khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo với hoạt động quản lý hành chính nhà nước 4.1. Mối quan hệ giữa khiếu nại, tố cáo với hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Trước hết, khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân được Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác ghi nhận, trong khi đó mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Do vậy, khiếu nại, tố cáo chính là việc công dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia vào giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện QLHCNN. Ngược lại, hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng tạo ra môi trường tốt cho công dân thực hiện quyền hiến định của mình, từ đó bảo đảm tốt quyền lợi của công dân. Thứ hai, hoạt động QLHCNN được tiến hành xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội, từ lợi ích của nhân dân, nhằm làm cho đời sống xã hội được ổn định, quyền lợi của công dân được bảo đảm, mà trong quá trình hiện nay vấn đề liên quan đến quản lý hành chính nhà nước đang có nhiều vấn đề phức tạp, chủ yếu là khiếu nại, tố cáo. Do vậy, để bảo đảm được quyền lợi của chính mình các công dân tất yếu phải khiếu nại, tố cáo, theo đó hoạt động QLHCNN tất yếu phải bao trùm lên khía cạnh này, nhằm bình ổn các khiếu nại, tố cáo từ phía các chủ thể khác nhau. Thứ ba, khiếu nại, tố cáo càng diễn biến phức tạp, càng nhiều bao nhiêu, thì đòi hỏi hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần được đổi mới linh hoạt bấy nhiêu để kịp thời kiểm soát, điều chỉnh vấn đề này, nhanh chóng giải quyết để không xảy ra tình trạng bất ổn định trong xã hội, để bảo đảm tốt quyền lợi của các chủ thể. Nói chung, khiếu nại, tố cáo có chi phối đến hoạt động QLHCNN và ngược lại. 4.2. Mối quan hệ giữa giải quyết khiếu nại, tố cáo với hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Một là, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, trong khi đó hoạt động QLHCNN cũng là mặt chủ yếu trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, nếu tiến hành giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo thì có vai trò thúc đẩy hoạt động QLHCNN tiến bộ và phù hợp với nhu cầu của xã hội hơn, nhưng ngược lại, nếu công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không được quan tâm, giải quyết triệt để thì hậu quả kéo theo đó là hoạt động QLHCNN sẽ không theo kịp nhu cầu của xã hội, không thể làm ổn định và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó làm cho nền hành chính quốc gia không thể phát triển được, không theo kịp khu vực và thế giới. Hai là, hoạt động QLHCNN thực chất là hoạt động chấp hành và điều hành, do vậy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo một mặt, thể hiện được hoạt động chấp hành trong việc làm đúng những quy định mà các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đặt ra được các cơ quan có thẩm quyền QLHCNN áp dụng vào hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thể hiện được hoạt động điều hành, điều này thể hiện ở chỗ: khi giải quyết khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền trong QLHCNN đã trực tiếp tác động lên các hành vi bị khiếu nại, tố cáo đồng thời cũng làm thỏa mãn nhu cầu của chủ thể kiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đảm bảo được sự tồn tại và ổn định của hoạt động QLHCNN, bởi lẽ: nếu hoạt động chấp hành được sử dụng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo không được tuân thủ một cách nghiêm minh thì sẽ vi phạm những quy định của văn bản pháp luật mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, điều này dẫn đến việc những người trực tiếp tiến hành công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhằm trả lại công minh cho hoạt động QLHCNN. Mặt khác, nếu hoạt động điều hành không được tiến hành theo đúng thủ tục luật định thì khi giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ không bảo đảm được các quyền lợi của các chủ thể liên quan, một khi các quyền lợi đó, nhất là của người khiếu nại, tố cáo không được bảo đảm thì chính những người có thẩm quyền tiến hành công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật vì đã không tiến hành đúng trình tự, thủ tục giải quyết mà pháp luật đã quy định… 5. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. 5.1. Vai trò của khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Về vai trò của khiếu nại: Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, khiếu nại là quyền hiến định của công dân, việc khiếu nại chỉ phát sinh khi có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của chủ thể nào đó. Trong trường hợp này, khiếu nại có vai trò quan trọng để bảo vệ và khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm bởi quyết định hành chính hay hành vi hành chính của cơ quan hoặc người có thẩm quyền, việc này người khiếu nại không thể tự họ làm bởi họ không được sử dụng quyền lực nhà nước trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại cho nên họ phải đề nghị cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định. Thứ hai, sở dĩ vai trò thứ nhất của khiếu nại là bảo vệ quyền, lợi ích của chủ thể bị xâm phạm vì trong mỗi khiếu nại không chỉ chứa đựng thông tin về sự vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn bao hàm sự phê phán các chủ thể: những người có chức vụ, các chủ thể khác mà hành động hoặc không hành động của họ theo quan điểm của người khiếu nại dẫn đến vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Đây chính là vai trò thứ hai của khiếu nại, nhằm làm cho những người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của các chủ thể khiếu nại phải tuân theo pháp luật trong hoạt động của mình, từ đó sẽ bảo đảm được pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Thứ ba, thông qua việc khiếu nại của các chủ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chỉ được cung cấp những thông tin về những quyết định và việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức đó mà còn phê phán những cơ quan, tổ chức, cá nhân có những hành vi gây tác động xấu đến hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, mà các cơ quan này hoạt động là nhằm bảo đảm pháp chế của đời sống xã hội, cho nên việc phát hiện và xử lý những hành vi này là nhằm bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Điều này được thể hiện trong ví dụ sau: “Trước nhiều đơn thư phản ánh của người dân về vi phạm của công trình số 24. Ngày 12/5/2008, cán bộ trật tự xây dựng phường Khâm Thiên đã đến lập biên bản ghi nhận hiện tượng lún, nứt, thấm dột hộ liền kề do công trình này gây ra mà không hề có sự giải thích gì đối với gia đình ông Minh. Tiếp đến ngày 4/7/2008 ông Nguyễn Quý Tùng, phó chủ tịch UBND phường Khâm Thiên ký giấy mời ông Minh ra giải quyết đơn thư, lần này để thể hiện trách nhiệm giải quyết kịp thời đơn thư của dân, phường đã mời thanh tra xây dựng, phòng cấp phép quận Đống Đa. Tuy nhiên, người dân lại thêm một lần thất vọng: việc gây lún, nứt nhà liền kề, phường đã lập biên bản còn việc xây sai thiết kế thì UBND quận đã có kết luận nhưng đến nay phường vẫn không đình chỉ hay ra quyết định xử phạt nào, để công trình thi công ồ ạt”((),(2),(3),(4) Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Cơ chế giải quyết khiếu nại thực trạng và giải pháp, Nxb. CAND. ). Với ví dụ này, đòi hỏi không chỉ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà còn phải xử lý triệt để, không để nó tiếp diễn, mang lại lòng tin cho nhân dân. Thứ tư, khiếu nại không chỉ thể hiện yêu cầu, đòi hỏi của cá nhân mà còn thể hiện tính tích cực công dân của người khiếu nại. Khiếu nại góp phần tăng cường sự kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Sự kiểm tra của nhân dân bằng quyền khiếu nại góp phần tằng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước, điều này được thể hiện qua ví dụ sau: “về sự việc khiếu nại đất đai kéo dài của các hộ dân ở Đà Nẵng, Thanh tra chính phủ kết luận rằng: một số hộ dân khiếu nại về mức chênh lệch giữa giá đất đền bù khi thu hồi với giá đất tái định cư, tiền đền bù không đủ mua lại lô đất tái định cư”(2), việc người dân khiếu nại là nhằm bảo vệ quyền lợi của mình cũng là nhằm kiểm tra hoạt động của ủy ban nhân dân khi tiến hành QLHCNN trong lĩnh vực đất đai. Thứ năm, việc khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức... là biện pháp nhằm phát hiện ra những cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch đô thị, đền bù, giải phóng mặt bằng... có chỗ nào bất cập, bất hợp lý, chưa phù hợp thực tế, thiếu nhất quán, những yếu tố không công bằng, để từ đó thay đổi cho phù hợp với pháp luật, phù hợp với thực tế, để người dân chấp hành đầy đủ, bảo đảm được pháp chế XHCN. Hiện nay, có nhiều chính sách được hoạch định thiếu sự tham gia của người dân; không tính đến quyền lợi, nguyện vọng của người dân, gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhân dân, tạo kẽ hở cho những hành vi tiêu cực, để chấp dứt các hành vi này phải xây dựng được một chế tài xử lý phù hợp với những vi phạm đó. Thứ sáu, vai trò của khiếu nại còn thể hiện: nó là biện pháp nhằm điều chỉnh, nói đúng hơn là tiêu chuẩn để những người làm công tác chỉ đạo, QLHCNN nhận biết được những yếu kém của mình, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai và một số ngành nhạy cảm khác, để từ đó, những người này tự sửa chữa, tuân theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, điều này cũng bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng một cách triệt để, chẳng hạn như ví dụ: “khiếu nại về đất đai mà chính quyền TP Đà Nẵng hiện đang phải xử lý được coi là vấn đề lịch sử để lại – đó là việc thu hồi 1140 GCNQSDĐ do ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang thuộc Quảng Nam- Đà Nẵng cấp sai thẩm quyền, đã gây nên vụ khiếu nại đến hôm nay”(3). Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phải nắm chắc luật và thực thi một cách nghiêm minh trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân dân. Thứ bảy, khiếu nại nhằm làm cho kỷ cương trong giải quyết khiếu nại được chấp hành nghiêm chỉnh, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức- những người trực tiếp tham gia QLHCNN. Không ít nơi chính quyền chưa tập trung giải quyết khiếu nại, có hiện tượng né tránh, đùn đẩy lên cấp trên hoặc trả về cơ sở, có nơi cán bộ có thái độ cửa quyền, coi thường, làm ngơ với khiếu nại của công dân; không ít nơi giải quyết khiếu nại vi phạm trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết mà luật quy định, trong những trường hợp như vậy dân sẽ không đồng tình và tiếp tục có những khiếu nại vì chưa bảo đảm được quyền lợi của họ, nếu họ có khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn thì phải tiến hành thanh tra, kiểm tra những cơ quan có thẩm quyền liên quan đến đơn khiếu nại và trong trường hợp này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải chấp hành các quyết định thanh tra đó. Về vai trò của tố cáo: Thứ nhất, thực hiện quyền tố cáo tức là công dân tỏ rõ trách nhiệm của mình không chỉ trong việc giám sát hoạt động quản lý của nhà nước để xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng vững mạnh, trong sạch mà còn đối với cả việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thật sự là công bộc của dân, góp phần ngăn chặn, tiến tới loại trừ những hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu quần chúng nhân dân của bộ phận cán bộ, công chức. Tố cáo nhằm vạch rõ những sai trái của cơ quan nhà nước, tổ chức và của cán bộ, công chức. Từ đó, công dân đòi hỏi nhà nước phải áp dụng biện pháp giáo dục, trừng trị hợp lý, kịp thời thậm chí cả biện pháp nghiêm khắc góp phần loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm hại lợi ích xã hội, lợi ích cá nhân và để những người bị tố cáo sửa chữa khuyết điểm của mình. Thứ hai, công dân thực hiện quyền tố cáo là báo cho cơ quan nhà nước hay cán bộ nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi trái pháp luật của cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào đó thì công dân cũng có quyền đòi hỏi được thông báo về kết quả giải quyết tố cáo. Đây cũng là biểu hiện của quyền kiểm tra, giám sát của công dân đối với nhà nước trong việc thực hiện pháp luật. Đồng thời thông qua việc thực hiện quyền này, công dân đã sử dụng bộ máy nhà nước thực sự là công cụ hữu hiệu để họ làm chủ xã hội và xây dựng xã hội mới. Việc báo cho những người có thẩm quyền biết để xử lý những hành vi trái pháp luật một phần có tác dụng thúc đẩy việc tuân theo pháp luật khi các cơ quan này tiến hành giải quyết vụ việc bị tố cáo, mặt khác sử dụng pháp luật để trừng trị nghiêm minh những hành vi xâm phạm lợi ích của các chủ thể, xâm phạm trật tự công cộng trả lại trật tự pháp chế, sự nghiêm minh cho pháp luật trong QLHCNN. Thứ ba, công dân thực hiện quyền tố cáo nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích tập thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra, người tố cáo thực hiện quyền của mình theo pháp luật cũng có nghĩa người đó đã thực hiện nghĩa vụ công dân mà pháp luật đã quy định. Một người biết người khác hay cơ quan, tổ chức vi phạm pháp luật mà không tố giác thì cũng đồng nghĩa với việc che dấu người vi phạm, tức là họ vi phạm nghĩa vụ công dân. Vai trò này thể hiện bảo đảm pháp chế trong QLHCNN ở chỗ họ tuân thủ pháp luật về nghĩa vụ của mình cũng chính là họ đã làm cho pháp luật được tôn trọng (mà không bị thụ động bởi những người có thẩm quyền giúp họ bảo đảm pháp chế thông qua việc các cơ quan và nhà chức trách có thẩm quyền tự mình phát hiện ra hành vi trái pháp luật), bởi vì họ là chủ thể tham gia vào việc QLHCNN thể hiện trong quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Thứ tư, vai trò của tố cáo còn thể hiện ở chỗ: nó có tác dụng giúp các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền có cơ sở và điều kiện trong việc thu thập tư liệu, căn cứ, bằng chứng để nhanh chóng tìm ra sự thật khách quan của vụ việc. Đồng thời điều đó cũng nâng cao trách nhiệm của công dân trước những nội dung tố cáo của mình, đó cũng là yêu cầu của pháp luật, đòi hỏi sự công bằng trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân, bảo đảm cho việc tố cáo đúng sự thật và có căn cứ. Là chủ thể của QLHCNN, việc tố cáo đúng sự thật và có căn cứ còn giúp cho chủ thể tố cáo tham gia tốt vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, vì có đúng sự thật khách quan từ khâu khiếu nại, tố cáo mới có thể chỉ ra những khuyết điểm của hoạt động QLHCNN của các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó mới có phương hướng nhằm làm hoàn thiện nền hành chính quốc gia, bảo đảm sự tuân theo pháp luật, coi pháp luật là quan trọng nhất của những chủ thể có thẩm quyền QLHCNN, điều này là phù hợp với pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thứ năm, nội dung của tố cáo còn có vai trò trong việc xác định đúng thẩm quyền của cơ quan, người có nhiệm vụ giải quyết tố cáo, xác định nghĩa vụ của nhà nước là yêu cầu bất kỳ cơ quan nào khi nhận được tố cáo, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình đều phải có trách nhiệm gửi đến những cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết nhằm nhanh chóng xử lý những yêu cầu nhận được, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Pháp luật đã quy định về sự phân công công việc và thẩm quyền cho các cơ quan, việc tuân theo những quy định này là trách nhiệm của các cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền nhằm bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng, do vậy trong công tác giải quyết tố cáo việc giải quyết theo thẩm quyền là sự đề cao và làm theo những gì mà pháp luật đã quy định, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo pháp chế trong hoạt động QLHCNN. 5.2. Vai trò của giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là một hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của loại cơ quan này, việc giải quyết tốt vấn đề khiếu nại, tố cáo có vai trò thúc đẩy sự hoàn thiện về cơ chế hành chính, cụ thể vai trò đó như sau: Một là, tình hình khiếu nại, tố cáo phản ánh thực trạng nền hành chính quốc gia, phản ánh hoạt động thi hành công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Do vậy, muốn làm cho nền hành chính nói riêng nền pháp luật nói chung của nước ta được bảo đảm trở thành mẫu mực trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, không mọi chủ thể nào dám vi phạm vào những chuẩn mực đó thì phải có cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp, thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan hành chính nhà nước cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của cấp dưới, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém và xử lý hành vi vi phạm pháp luật để xây dựng một nền hành chính vững mạnh, trong sạch, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hai là, việc thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lý hành chính nhà nước mà còn bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tăng cường pháp chế XHCN trong QLHCNN. Hơn nữa hiện nay chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, trọng tâm là bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, theo đó giải quyết khiếu nại, tố cáo thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, đây cũng là đặc trưng của một nền pháp quyền. Giải quyết tốt, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo là nhân tố tích cực tác động trở lại đối với hoạt động chấp hành và điều hành của cơ quan HCNN. Ba là, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là cơ sở đảm bảo cho các cơ quan HCNN và những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo. Việc các cơ quan nhà nước và những nhà chức trách có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật về khiếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện đầy đủ chế độ trách nhiệm của mình: trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu tố thuộc thẩm quyền... Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về thẩm quyền giải quyết, thì hoạt động này sẽ đạt được hiệu quả cao, sẽ không phải tiếp tục giải quyết những khiếu nại, tố cáo lần tiếp theo nữa, từ đó sẽ giảm bớt công việc cho các cơ quan này. Thông qua ví dụ sau, ta sẽ thấy việc giải quyết khiếu tố vẫn chưa được tuân thủ một cách nghiêm ngặt về thẩm quyền, cụ thể: “Trường hợp của bà Nguyễn Thị Thắm ở Bạc Liêu: bà Thắm mua một đám đất của láng giềng, được huyện cấp sổ đỏ. Khi đất có giá, láng giềng cho rằng chưa bán cho bà và đòi lại. Huyện bác đòi hỏi vô lý, nhưng UBND tỉnh Bạc Liêu lại giải quyết kiểu ba phải là thu hồi sổ đỏ của bà Thắm và chia đôi đám đất cho hai người, nhưng đám đất ấy đã được bà Thắm cho con rể và anh ta cũng được cấp sổ đỏ. Ngày 21/3/2008, UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định thu hồi hai sổ đỏ và vẫn chia đôi đám đất, mẹ con bà Thắm khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu hủy quyết định đã ban hành vì đất đã có sổ đỏ thuộc quyền giải quyết của tòa án”(4). Với thực trạng này, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên phải tăng cường sự kiểm tra đối với cấp dưới, đồng thời phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ quan cấp dưới, để cơ quan này có sự thi hành pháp luật một cách đúng đắn bảo đảm pháp chế trong QLHCNN. Bốn là, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền còn tạo cơ sở cho việc phát hiện ra những kẽ hở của luật, sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản luật. Từ đó có những kiến nghị để kịp thời sửa đổi, bổ sung làm hoàn thiện pháp luật, triệt tiêu đi những hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Việc đấu tranh phòng chống và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo là cần thiết của việc bảo đảm pháp chế, bởi lẽ nếu ngay trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng có sự vi phạm thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan này, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Năm là, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu được thực hiện tốt sẽ có tác dụng làm giảm tình trạng tham nhũng, cửa quyền, quan liêu- một vấn đề nổi cộm trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc tổ chức các đoàn thể về từng địa phương phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân còn giúp cho các cán bộ có cơ hội gần dân, trực tiếp nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó thêm hiểu dân hơn, điều này có tác dụng làm cho cán bộ sẽ đưa ra được những phán quyết đúng đắn khi giải quyết khiếu tố(GQ khiếu nại và tố cáo) của nhân dân, ngoài ra việc tổ chức giải quyết khiếu tố tại cơ sở còn có tác dụng tạo ra những kinh nghiệm tốt để địa phương vận dụng giải quyết các vụ việc tương tự. Sáu là, khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn hiện nay có xu hướng gia tăng, đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm: đất đai, nhà ở... trong năm 2001, 2002 số lượng người khiếu kiện vượt cấp lên trung ương tăng hơn 20%, con số này đáng báo động, do đó có tác dụng thúc đẩy nhận thức và trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu tố, tạo ra tâm lý coi công tác này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài trong hoạt động QLHCNN. Qua công tác này, còn có thể đánh giá được năng lực, hiệu quả công tác của nhà chức trách có thẩm quyền, đồng thời giúp việc áp dụng pháp luật được linh hoạt, hiệu quả hơn, cũng là cơ sở để kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp và khả thi của chính sách pháp luật và quyết định quản lý do mình ban hành, cụ thể sự đúng đắn vẫn chưa được bảo đảm thể hiện: Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang ban hành quyết định số 2309 phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi kiểm tra, tuyển, luyện quặng sắt ở Hà Giang của công ty TNHH Sông Lô. Công ty này đã đầu tư vốn, nhân lực, máy móc để thực hiện dự án, trong khi đang thực hiện thì tháng 4/2006 UBND tỉnh Hà Giang ban hành quyết định số 1058 hủy bỏ quyết định trên, công ty Sông Lô khiếu nại ra tòa vì cho rằng văn bản đó là trái pháp luật, gây thiệt hại cho họ. 5/3/2007 UBND tỉnh lại ra quyết định 585 với nội dung hủy bỏ quyết định 2309, công ty Sông Lô đã khởi kiện ra tòa. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đánh giá rằng: quyết định số 585 là vượt quá thẩm quyền của UBND tỉnh, Hội đồng xét xử đã phân tích nội dung của quyết định và nhận định quyết định này là không đầy đủ và không chính xác. Tòa án ra bản án hủy bỏ quyết định số 585 của UBND tỉnh Hà Giang. Như vậy, công tác giải quyết khiếu tố có vai trò quan trọng từ việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến việc tổ chức thi hành và xử lý vi phạm cũng như ban hành và thực hiện các quyết định QLHCNN. Bảy là, hoạt động giải quyết khiếu tố(GQ khiếu nại và GQ tố cáo) được thực hiện triệt để không những nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế của Việt Nam. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới và hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu tố để có thể thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh những cam kết và pháp luật quốc tế. Cùng với quá trình hội nhập nhiều vấn đề về khiếu tố chắc chắn sẽ gia tăng, cho nên phải xây dựng pháp luật về khiếu tố đảm bảo được tính minh bạch, mặt khác phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh để đảm bảo theo kịp quá trình hội nhập, chính điều này cũng đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm pháp chế trong QLHCNN. Trên đây là những vai trò cơ bản của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với bảo đảm pháp chế trong QLHCNN, thông qua phần phân tích này, phần nào chúng ta cũng đã hình dung rõ về công việc QLHCNN, chúng ta hiểu hơn vì sao lại có khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đời sống của chúng ta ra sao (những công việc, hoạt động gần gũi với chúng ta). 6. Phương hướng tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động QLHCNN và giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Để bảo đảm được pháp chế trong QLHCNN cũng như làm giảm khiếu tố của công dân cho các cơ quan HCNN, chúng ta cần tiến hành một số hoạt động sau: Trước hết, cần phải tiếp tục rà soát để có cơ sở bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về khiếu tố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy định của pháp luật vào việc giải quyết khiếu tố khi có phát sinh. Thứ hai, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác giải quyết khiếu tố để giải quyết những công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan mình khi người dân có yêu cầu. Bên cạnh đó phải nâng cao ý thức pháp luật cho những người đứng đầu các cơ quan giải quyết khiếu tố để cho những người này có thể đưa ra những biện pháp chỉ đạo giải quyết khi cần thiết. Trong mỗi bước đi của các cơ quan này đều đòi hỏi phải có sự tuân thủ pháp luật, tránh động chạm xấu đến quyền lợi của nhân dân, các chủ thể khác, từ đó sẽ giảm đến mức thấp nhất hiện tượng khiếu tố từ phía nhân dân, các chủ thể khác. Thứ ba, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu tố cho nhân dân, để họ tự nhận thức được rằng những việc nào mình cần phải khiếu tố, những việc nào có thể tự thỏa thuận, giải quyết, từ đó làm giảm bớt công sự cho các cơ quan QLHCNN. Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giải quyết khiếu tố, để phát hiện ra những điểm chưa phù hợp trong quyết định giải quyết đó, nhằm chấn chỉnh hoạt động đó đồng thời, để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục hoàn thiện công tác tiếp dân, tránh tình trạng quan liêu, hách dịch, đồng thời phải bảo đảm sự lãnh đạo của đảng trong hoạt động QLHCNN để có những phương hướng hoàn thiện nền hành chính quốc gia..v.v... III. Tổng kết. Trên đây là phần phân tích về những vai trò của khiếu tố và giải quyết khiếu tố đối với việc đảm bảo pháp chế trong QLHCNN. Đối với những người học luật việc nhận thức rõ vấn đề này là rất cần thiết, bởi nó là cơ sở cho việc áp dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể sau này. Trong giai đoạn hiện nay vấn đề về khiếu tố có xu hướng gia tăng, vấn đề đặt ra cho nền hành chính quốc gia là rất năng nề, đòi hỏi loại cơ quan này phải có cơ chế phù hợp làm sao đó để giải quyết thật sự thấu tình đạt lý vấn đề nhạy cảm này, hơn thế nữa phải tiến tới giảm thiểu việc khiếu tố để đảm bảo cho mọi công dân, cơ quan, tổ chức... được đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, bảo đảm cho pháp chế Việt Nam XHCN được tôn trọng và thực thi đây đủ. Chỉ có làm được những vấn đề này, chúng ta mới bảo đảm cho công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam thành công, bảo đảm cho công cuộc xây dựng nền hành chính quốc gia được hoàn thiện một cách triệt để../... Danh mục tài liệu tham khảo. 1. Luật Khiếu nại tố cáo 1998 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, năm 2005 và năm 2006). 2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, Nxb. CAND, Hà Nội 2008. 3. Học vện Hành chính Quốc gia, Giáo trình Luật Hành chính và tài phán hành chính, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005. 4. Nghị định 136/2006/ NĐ – CP / 14/11/2006, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại tố cáo và các luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo. 5. Tiến sĩ Trần Văn Sơn, Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo – Nxb. Tư Pháp 2007. 6. Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển – Chủ biên. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Cơ chế giải quyết khiếu nại thực trạng và giải pháp – Nxb. CAND. 7. Phó tiến sĩ luật học Lê Bình Vọng – Tìm hiểu pháp lệnh khiếu nại tố cáo của công dân. Nxb. Pháp lý. 8. Những văn bản pháp luật về giải quyết các khiếu kiện hành chính – Nxb. CTQG. 9. Bộ Tư Pháp – Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Giải quyết khiếu nại tố cáo (tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn), Hà Nội 2000. 10. Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại tố cáo và xử lý kỉ luật, Nxb. Thống kê 2006. 11. Trường Đại học luật Hà Nội – Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam – Nxb. CAND 2008.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhân tích Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.doc