The range of the coastal plain of Thua Thien Hue is very sensitive to natural disasters
and impacts of climate change alike. Every year, Thua Thien Hue province generally and the
range of the coastal plain in particular have to bear severe consequences caused by natural
disasters. Especially in recent years, the natural catastrophes such as typhoons, floods, riverbank
erosion, coastal erosion, drought, salinization, rising sea, etc have occurred with a
significantly increasing intensity and frequency, causing a great loss of residents' lives and
property, harming the relics of the old capital which has been recognized as a UNESCO cultural
heritage of humans, as well as having a bad influence on the ecological environment.
11 trang |
Chia sẻ: huongnt365 | Lượt xem: 619 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu các tai biến thiên nhiên ở dải đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 03(19)/2011: tr. 27-37
NGHIÊN CỨU CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN
Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN THỪA THIÊN HUẾ
NGUYỄN THÁM
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
PHAN ANH HẰNG
Trường Đại học Phú Xuân, Huế
Tóm tắt: Dải đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế là nơi rất nhạy cảm với
thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu. Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên
Huế nói chung và dải đồng bằng ven biển nói riêng phải gánh chịu những
hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Đặc biệt trong những năm gần đây, các
tai biến thiên nhiên như bão lớn, lũ lụt, xói lở bờ sông, xói lở bờ biển, hạn
hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng xảy ra với cường độ và tần suất
tăng lên đáng kể, gây tổn thất lớn về tính mạng và tài sản của người dân,
xâm hại đến Quần thể Di tích Cố đô đã được UNESCO công nhận là di sản
văn hóa của nhân loại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế chiếm khoảng 16% diện tích toàn tỉnh, phân bố
thành dải hẹp dọc theo ven biển và được hình thành do quá trình bồi đắp của sông và
biển. Độ cao tuyệt đối từ 15-10m trở xuống, bao gồm bộ phận đồng bằng đồi Hương
Thủy, Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc; đồng bằng tích tụ nhiều nguồn gốc; các trảng cát
nội đồng Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang; các dạng địa hình đầm phá và các cồn
đụn cát ven biển.
Do địa hình thấp, là hạ lưu của các sông ngắn dốc, với lưu lượng nước lớn, đồng bằng
dễ bị ngập lụt về mùa mưa, hạn hán và xâm nhập mặn vào thời điểm ít mưa. Ngoài ra,
hoạt động xâm thực, xói lở bờ sông, bờ biển thường xảy ra. Đặc biệt liên tiếp trong
những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các tai biến thiên nhiên
đã xảy ra với quy mô và cường độ rất lớn với sức tàn phá ngày càng ác liệt đã gây nên
những hậu quả nặng nề đối với sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế nói
chung và dải đồng bằng ven biển nói riêng. Bài viết nhằm tìm hiểu hiện trạng các tai
biến thiên nhiên ở dải đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế (lũ lụt, xói lở bờ sông, xói lở
bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng), các nhân tố tác động gây tai
biến thiên nhiên và đề xuất một số giải pháp hạn chế tác hại do các tai biến thiên nhiên
gây ra ở dải đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế.
NGUYỄN THÁM – PHAN ANH HẰNG
28
2. HIỆN TRẠNG CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN
THỪA THIÊN HUẾ
2.1. Lũ, lụt
Lũ lụt là một trong những tai biến thiên nhiên xảy ra phổ biến và gây nhiều thiệt hại
nhất ở đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế. Trong lịch sử, đã ghi lại những năm lũ cực
lớn như: năm 1404 (mở cửa Hòa Duân lần đầu), năm 1498 (mở cửa Hòa Duân lần hai),
năm 1811 (mở cửa Vinh Hiền), các năm 1822, 1844, 1950, 1953 (mở lại cửa Vinh
Hiền), các năm 1964, 1975, 1983, 1990, 1995, 1996, 1998, 1999 (mở cửa Hòa Duân lần
ba) [5].
Trong vòng 50 năm trở lại đây, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn nửa đầu thế kỷ trước.
Theo số liệu quan trắc từ năm 1977 đến năm 2010 trên sông Hương, trung bình hàng
năm có 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng mức báo động II, năm nhiều nhất có 9 trận, năm ít
nhất có 1 trận, trong đó có 36% lũ lớn và đặc biệt lớn. Số đợt lũ và đỉnh lũ hàng năm có
liên hệ khá chặt chẽ với hiện tượng ENSO. Những năm chịu ảnh hưởng của El Nino
như 1982, 1987, 1991, 1994 và 1997 có đỉnh lũ thấp; những năm chịu ảnh hưởng của La
Nina số đợt lũ và đỉnh lũ lớn hơn rõ rệt như năm 1995, 1998 và 1999. Số liệu quan trắc
cho thấy, sự biến đổi mực nước đỉnh lũ cao nhất diễn ra theo một chu kỳ nhất định:
khoảng 4 - 6 năm có lũ vừa và nhỏ thì có 2 năm lũ lớn liên tiếp như: 1983-1984; 1988-
1989; 1995-1996; 1998-1999. Một số trận lũ tiêu biểu có đỉnh lũ cao nhất ở sông Hương
tại Kim Long như sau: 1953: 5.48m; 1975: 4.72m; 1983: 4.88m; 1990: 4.56m; 1995:
4.64m; 1996: 4.55m; 1999: 5.81m; năm 2009: 4,57m.
Hầu như năm nào mực nước ở các sông chính cũng đều lên báo động III, vì vậy toàn bộ
các thôn xã đều bị chia cắt. Nếu như ở miền núi với đặc điểm lũ lên nhanh và rút nhanh,
ở đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế, lũ thường xuất hiện sau nhưng thời gian ngập
lụt kéo dài, trầm trọng hơn nhiều so với khu vực đồi núi.
2.2. Xói lở bờ sông
Xói lở bờ sông chỉ xảy ra ở phía bờ lõm của các đoạn sông cong hay tại các vị trí bờ
sông chịu tác động trực diện của dòng chủ lưu và xảy ra chủ yếu trong những thời kỳ lũ
lớn.
Trên hệ thống sông Hương: Theo kết quả khảo sát, trên hệ thống sông Hương hiện nay
có 31 điểm xói lở, trong đó đoạn sông chảy qua vùng đồng bằng ven biển có 21 điểm
xói lở chiếm 67,7% tổng số điểm xói lở.
Trên dòng chính sông Hương: Xói lở phía bờ phải sông gồm các vị trí: thôn Lương
Quán - Thuỷ Biều - TP Huế (500 m); Đông Phước - Thuỷ Biều - TP Huế (500m);
phường Vĩ Dạ - TP Huế, dọc theo hai bên cồn Hến (3.300m); phường Vĩ Dạ - TP Huế,
dọc đường Nguyễn Sinh Cung (2.100m); Thanh Tiên - Lại Ân - Phú Mậu - Phú Vang
(1.500m); Hoà An - Phú Thanh - Phú Vang (dài 500m).
Xói lở phía bờ trái sông gồm các vị trí tại thôn Long Hồ Thượng - Hương Hồ - Hương
NGHIÊN CỨU CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TT HUẾ
29
Trà (150m); Xước Dũ - Hương Hồ - Hương Trà (dài 3.000m); chùa Thiên Mụ - Hương
Long - TP Huế (600m); thượng lưu cầu Bạch Hổ - Phường Kim Long (1.500m); Bến
Me (300m); phường Phú Cát và phường Phú Hiệp - TP Huế (2.300m); Thanh Phước -
Thuận Hoà - Hương Phong - Hương Trà (1.900m).
Xói lở đầu cồn Triều Sơn, thuộc Hương Vinh - Hương Trà, dài 750m.
Trên sông Bồ: Xói lở phía bờ phải sông gồm các vị trí tại thôn Liêu Cốc Hạ - Hương
Cần - Hương Trà (700m); Thanh Xuân - Hương Việt - Hương Trà (200m).
Xói lở phía bờ trái sông gồm các vị trí tại thôn La Vân Thương - Quảng Thọ - Quảng
Điền (2.000m); Dương Sơn - Quảng Thọ - Quảng Điền (350m); Phong An - Phong Điền
(3.000m).
Vị trí xói lở cả hai bên bờ sông thuộc Ấp Phò Nam - Quảng Thọ (600m).
Xói lở ở đầu cồn Hà Lan thuộc Bác Vọng Tây - Quảng Phú - Quảng Điền, dài 150m.
Trên sông Ô Lâu: Phong Thu - Phong Điền, nhiều nơi xói lở sâu đến 15-20m, dài
2.000m.
Trên sông Truồi: Đồng Xuân - Lộc Điền - Phú Lộc, nạn khai thác cát sạn ngày càng gia
tăng khiến nguy cơ xói lở càng trở nên nghiêm trọng, chiều dài đoạn xói lở 200m.
Trên sông Bù Lu: Cảnh Dương, Đông An, Phú Hải - Lộc Vĩnh - Phú Lộc, có nơi bờ
sông bị khoét sâu 60-70m, chiều dài đoạn sạt lở 300m.
2.3. Xói lở bờ biển
Hiện nay, hiện tượng xói lở bờ biển Thừa Thiên Huế xảy ra thường xuyên, phức tạp và
ngày càng gia tăng, nhất là đoạn bờ từ Hải Dương đến Phú Thuận. Xói lở bờ biển
thường xảy ra vào mùa đông (từ tháng 8 đến tháng 3). Từ tháng 9-12, tốc độ xói lở xảy
ra mạnh nhất, đặc biệt trong thời điểm có gió mùa Đông Bắc hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt
động.
Tốc độ xói lở lấn sâu vào đất liền trung bình năm khá lớn và được chia làm 4 cấp [1]:
+ Yếu: có tốc độ lấn sâu vào bờ trung bình dưới 5m/năm (Điền Hòa, Phong Hải
thuộc huyện Phong Điền; Quảng Công - Quảng Điền; Phú Thuận, Phú Diễn - Phú
Vang; Vinh Hải, Vinh Mỹ - Phú Lộc).
+ Trung bình: có tốc độ lấn sâu vào bờ trung bình 5 - 15 m/năm (Thuận An - Phú
Vang; Lộc Hải - Phú Lộc).
+ Nhanh: có tốc độ lấn sâu vào bờ trung bình dưới 15-30m/năm (Quảng Ngạn -
Quảng Điền; cửa Thuận An - Hương Trà; Phú Hải, Vinh An, cửa Thuận An - Phú
Vang; Lộc Vĩnh - Phú Lộc).
+ Rất nhanh: có tốc độ lấn sâu vào bờ trung bình trên 30m/năm (Hải Dương -
Hương Trà, Vinh Hiền - Phú Lộc).
NGUYỄN THÁM – PHAN ANH HẰNG
30
2.4. Hạn hán
Trong quá khứ, có những đợt hạn nặng như 1977 (nắng hạn 41 ngày từ 25/05 đến
04/07), 1993-1994, 1997-1998, 2002.
Đợt hạn năm 1993-1994, lượng mưa đo được từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1993 chỉ bằng
58% lượng mưa trung bình năm cùng thời kỳ, năm 1994 chỉ bằng 49%; nhiệt độ cao
nhất trong hai năm 1993-1994 là 39 đến 400C.
Năm 1998, hạn hán lại xảy ra khá nghiêm trọng, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối đo được
trong các đợt nắng nóng ở Huế là 39,50C, mực nước trên các sông tháng 7, tháng 8 thấp
hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 0,3m. Năm này có số ngày gió Tây khô nóng lớn
nhất, liên quan đến sự xuất hiện El Nino.
Trong đợt hạn 2002, nước mặn vượt quá Vạn Niên lên tới phà Tuần làm nhiều nhà máy,
xí nghiệp phải đóng cửa nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của tỉnh.
Gần đây, Thừa Thiên Huế lại phải đối mặt với những thách thức lớn, bởi nguồn nước
ngày càng có những biểu hiện suy giảm trong khi dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng
nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện... ngày càng cao. Có một thực
tế là, các dự án thủy điện, thủy lợi đều chặn dòng vào mùa khô, dễ làm cho vùng hạ lưu
bị thiếu nước. Điển hình là nhà máy thủy điện Hương Điền (tại Hương Vân, Hương
Trà) ngăn dòng từ ngày 27/12/2009, do tích nước sớm trong tháng 12 nên ở hạ du đã
xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cho hạ
lưu sông Bồ.
2.5. Xâm nhập mặn
Độ mặn trong các sông và tình hình xâm nhập mặn vào các cửa sông ở Thừa Thiên Huế
dao động tùy theo mùa khí hậu, tình hình đóng mở cửa biển, vị trí xa gần cửa sông và
cửa biển, độ sâu đầm phá cũng như chu kì triều. Độ mặn lớn nhất vào mùa khô, ở nơi
gần cửa biển và thấp nhất khi mùa lũ, nơi cửa sông đổ vào đầm phá. Độ mặn vào mùa
khô ở phá Tam Giang 10- 29‰, đầm Thủy Tú 20-32‰, đầm Cầu Hai 20-33‰, đầm An
Cư 30-35‰. Những năm hạn hán nặng, mặn lấn sâu về phía thượng lưu của sông (ở
Vạn Niên trên sông Hương, gần cầu An Lỗ trên sông Bồ và ở Vân Trình trên sông Ô
Lâu).
Độ mặn bình quân vùng cửa sông Hương trên 20‰, độ mặn lớn nhất xuất hiện từ tháng
6 đến tháng 8 trên 33‰. Trong 1 tháng có 2 thời kỳ mặn tương ứng với 2 thời kỳ triều,
vào những ngày đầu tháng và giữa tháng âm lịch (độ mặn đo được khoảng 20,5‰).
Trong ngày, do vùng cửa sông Hương thủy triều thuộc bán nhật triều không đều nên
mỗi ngày có 2 kỳ nước lên và 2 kỳ nước ròng, do đó mặn xuất hiện 1 đến 2 giờ sau đỉnh
triều và 2 đến 3 giờ sau chân triều.
Từ năm 2006, đập ngăn mặn Thảo Long trên sông Hương được đưa vào sử dụng đã giải
quyết được tình trạng nhiễm mặn trên sông, còn lại các con sông trên địa bàn đều ở
trong tình trạng nhiễm mặn thường xuyên.
NGHIÊN CỨU CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TT HUẾ
31
2.6. Nước dâng
Nước dâng là hiện tượng mực nước biển dâng cao hơn mực nước trung bình do hệ quả
nhiệt độ Trái đất gia tăng và khi có bão ảnh hưởng. Ở khu vực Thừa Thiên Huế, nước
dâng đã quan sát trong cơn bão CECIL 1985 ở Thuận An 1,9m, ở Lăng Cô 1,7m. Nước
dâng kết hợp triều cường làm mực nước biển cao 3-4m, tràn vào đất liền 2-3km. Theo
tính toán, trong chu kỳ khoảng 100 năm có khả năng xảy ra nước dâng ở khu vực ven
biển Thừa Thiên Huế với độ cao 2,0m. Hiện tượng nước dâng sẽ gây tác động tiêu cực
đối với các cùng đất thấp đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế có độ cao từ 3,5-4m trở
xuống do hiện tượng biển lấn, xói lở, nhiễm mặn và ngập lụt tăng cường.
3. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG GÂY TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG
BẰNG VEN BIỂN THỪA THIÊN HUẾ
3.1. Địa chất, địa hình, địa mạo
- Địa chất:
Ở vùng núi, lớp vỏ phong hóa ferosialit có bề dày mỏng, ít thấm nước, vùng hạ lưu các
bề mặt đồng bằng tích tụ sông, sông - biển, biển được cấu tạo chủ yếu bởi sét bột có bề
dày mỏng, khả năng thấm nước yếu làm tăng tỷ lệ nước chảy tràn trên mặt dẫn đến sự
gia tăng tính chất nghiêm trọng của lũ lụt.
Đoạn sông chảy qua vùng đồng bằng với địa hình tương đối bằng phẳng, bờ sông cấu
tạo chủ yếu từ đất cát, bột, sét mềm yếu, nguy cơ xói lở bờ sông rất lớn.
Bờ biển Thừa Thiên Huế cấu tạo từ các trầm tích bở rời có độ gắn kết kém, không
chống đỡ được tác động của sóng vỗ trực tiếp với áp lực dòng chảy lớn. Đây chính là
một trong những yếu tố góp phần gây xói lở bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Địa hình:
Phía Tây, Tây Nam và Nam lãnh thổ là vùng núi với độ cao dao động từ 750 đến
1.800m. Về mùa đông, tác dụng chắn gió mùa Đông Bắc của các dãy núi gây ra mưa
lớn với các tâm mưa lớn ở A Lưới, Bạch Mã. Mặt khác, các dãy núi cao gây ra hiệu ứng
phơn là nguyên nhân của thời tiết khô nóng và hạn hán trong mùa hè.
Vùng đồng bằng ven biển với địa hình thấp trũng, có hệ thống đầm phá Tam Giang -
Cầu Hai án ngữ ở phía đông. Đây là nguyên nhân làm giảm khả năng thoát lũ mỗi khi
có lũ lớn gây nên hiện tượng úng lụt kéo dài và ngập sâu của khu vực đồng bằng thấp.
Các dải cát, cồn cát, đụn cát do gió cao 5-20m kéo dài dọc theo bờ biển với bề rộng 300
- 800 m đã trở thành những đê chắn tự nhiên gây bồi lắng, xói lở, bồi lấp cửa sông, bờ
biển, phá hoại đê điều, tác động nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát lũ ra biển, làm
trầm trọng thêm tác hại của lũ lụt.
NGUYỄN THÁM – PHAN ANH HẰNG
32
3.2. Nhân tố khí tượng, khí hậu
- Mưa:
Sự phân hóa lượng mưa theo thời gian: Thừa Thiên Huế chủ yếu mưa vào mùa Thu
Đông. Mùa mưa diễn ra trong 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12) chiếm 74,4% lượng
mưa năm. Ngược lại, trong mùa ít mưa (kéo dài trong 8 tháng), lượng mưa chỉ chiếm
25,6% lượng mưa năm, lượng nước bốc hơi lớn, gây nên hiện tượng hạn hán và xâm
nhập mặn.
Biến trình của lượng mưa năm ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và dải đồng bằng ven
biển nói riêng có hai cực đại. Một cực đại vào tháng 5, 6 có thể gây lũ tiểu mãn. Cực đại
thứ hai từ tháng 8 đến tháng 12 hoặc tháng 1, gây ra một mùa lũ chính.
Tháng mưa lớn nhất trong năm là tháng 10, tổng lượng mưa tháng dao động trong
khoảng từ 600 mm đến trên 1000 mm. Sự tập trung của lượng mưa cũng như số ngày
mưa lớn làm cho khả năng xảy ra lũ lụt, xói lở bờ sông trong các tháng này rất cao.
Số ngày mưa: Hàng năm có khoảng 150-170 ngày mưa ở đồng bằng ven biển. Vào mùa
mưa, mỗi tháng có 16-24 ngày mưa. Những đợt mưa kéo dài nhiều ngày (4-6 ngày) trên
diện rộng thường gây lũ lụt, xói lở bờ sông nghiêm trọng. Ngược lại, trong mùa ít mưa
chỉ có 8 đến 15 ngày mưa/tháng. Những đợt không mưa kéo dài liên tục từ 6-7 ngày đến
19-31 ngày, gây hạn hán và xâm nhập mặn [2], [5].
Cường độ mưa: Theo số liệu quan trắc, lượng mưa lớn nhất ngày tại Huế có thể lên tới
500 đến 900 mm. Ở Thừa Thiên Huế đã từng xảy ra những trận mưa với cường độ rất
lớn và đi kèm với nó là các tai biến thiên nhiên trong đó có lũ lụt, xói lở bờ sông.
- Nhiệt độ không khí: Về mùa đông, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất là 200C. Trong
mùa hè, vào các tháng nóng nhất (tháng 6 và tháng 7), nhiệt độ trung bình có thể lên đến
28-290C [3], khi có gió mùa Tây Nam khô nóng, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 400C,
thời điểm này thường xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn.
- Độ ẩm tương đối của không khí, lượng nước bốc hơi, chỉ số khô hạn:
Khí hậu Thừa Thiên Huế rất khắc nghiệt và khác biệt nhau giữa các vùng, các mùa. Vào
thời gian bốc hơi lớn (tháng 5-8 lượng nước bốc hơi lên tới 87-150mm/tháng), độ ẩm
trong không khí thấp (từ tháng 4 đến 8 - trùng với thời kỳ hoạt động gió mùa Tây Nam
khô nóng, độ ẩm tương đối không khí hạ thấp đến 73-79%), mưa ít, nhiệt độ cao thường
xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng ven biển [4].
- Các hiện tượng thời tiết đặc biệt:
Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực có lượng mưa trung bình năm lớn nhất cả
nước. Mưa lớn ở đây thường do các hình thế thời tiết như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội
tụ nhiệt đới, không khí lạnh gây ra. Các hình thế thời tiết này khi có sự kết hợp với nhau
sẽ gây ra mưa đặc biệt lớn.
NGHIÊN CỨU CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TT HUẾ
33
3.3. Chế độ thủy văn, hải văn
- Nhân tố thủy văn
+ Hình thái sông ngòi:
Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực có mật độ sông suối cao. Do đó, tần suất
ngập lụt ở khu vực này rất lớn.
Đa số các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều dài ngắn, lòng sông
dốc và lưu vực hẹp. Đại bộ phận sông suối chính bắt nguồn từ vùng núi cao, ở thượng
nguồn lòng sông sâu hình chữ V với các vách núi dốc đứng; ở đồng bằng dòng sông uốn
khúc, có sự đổi hướng liên tục và đổ vào phá Tam Giang - Cầu Hai trước khi chảy ra
biển.
Những đặc trưng hình thái kết hợp với địa hình lưu vực các sông đã hình thành một chế
độ thủy văn phức tạp gây lũ lớn vào mùa mưa và thiếu nước trong mùa ít mưa.
+ Chế độ thủy văn:
Lượng dòng chảy, đặc biệt là dòng chảy lũ cũng tăng rất cao. Modun dòng chảy năm và
dòng chảy lũ ở đây lớn nhất lãnh thổ nước ta.
Hệ số điều tiết tự nhiên (ϕ) (quan hệ giữa nước mặt và nước ngầm) của lưu vực sông
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dao động từ 0,35-0,45 thuộc loại kém, đây là một
trong những yếu tố tác động sinh lũ và nguy cơ xảy ra lũ lớn ở khu vực này rất cao.
Sự đóng mở cửa biển không theo quy luật cụ thể mà chủ yếu phụ thuộc động lực dòng
chảy của sông vào các mùa bão lũ. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thoát lũ
của sông, đồng thời làm biến động lòng dẫn gây nên hiện tượng xói lở bờ sông.
- Nhân tố hải văn:
+ Sóng: Ở vùng bờ biển Thừa Thiên Huế, khi có bão, gió mùa Đông Bắc tác động
mạnh có thể phát sinh sóng lớn cao tới 4 - 5 m, thậm chí lớn hơn; sóng cao, tác
động gần như vuông góc với bờ biển gây ra hiện tượng xói lở.
+ Chế độ thủy triều: vùng biển ven bờ chỉ kéo dài xấp xỉ 127km nhưng chế độ thủy
triều biến đổi khá phức tạp. Từ Điền Hương đến cửa Thuận An, thủy triều thuộc
chế độ bán nhật triều không đều với hầu hết số ngày trong tháng là bán nhật triều.
Chế độ thủy triều có ảnh hưởng đến tai biến xói lở bờ biển, mực nước biển dâng
và xâm nhập mặn.
3.4. Lớp phủ thổ nhưỡng
Năm nhóm đất chủ yếu ở đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế là đất cồn cát và đất cát
biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất lầy và than bùn. Trừ loại đất cát, các loại đất
khác ở vùng đồng bằng có khả năng trữ nước từ khá đến lớn.
Do việc sử dụng đất không hợp lý, việc phá rừng đầu nguồn dẫn đến việc hình thành các
dải đất bạc màu, kém dinh dưỡng, không có khả năng thấm giữ nước ở vùng đồi núi
NGUYỄN THÁM – PHAN ANH HẰNG
34
phía tây đồng bằng. Nước mưa tự do chảy về vùng đồng bằng, dồn ứ lại ven chân các
cồn cát ở phía đông, tạo lũ lụt cục bộ.
Trên đồng bằng tồn tại các hố trũng, đầm phá, đặc biệt các cồn cát ven biển trở thành
những gờ đê tự nhiên ngăn đường thoát lũ của đồng bằng. Thêm việc cát bồi lấp cửa
sông làm cho nước lũ khó thoát được ra biển.
3.5. Lớp phủ thực vật
Rừng tự nhiên bị tàn phá trong chiến tranh và khai thác bừa bãi sau này. Diện tích rừng
giảm đi nhanh chóng, rừng giàu giảm 5951 ha mà chủ yếu là ở vành đai nhiệt đới (ở độ
cao dưới 800m), diện tích rừng trung bình và rừng nghèo cũng bị suy giảm nghiêm
trọng. Trong 4 năm 2006-2009, diện tích rừng bị cháy bình quân 33,4 ha/năm. Năm
2009, có 14 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 15,5 ha. Việc suy giảm nghiêm
trọng lớp phủ rừng là một tác nhân quan trọng làm giảm khả năng điều tiết nước và
khiến nguy cơ các tai biến thiên nhiên xảy ra ngày càng trầm trọng hơn.
3.6. Các hoạt động nhân sinh
Các hoạt động của con người như xây dựng các công trình điều tiết, sử dụng nước trên
sông; khai thác rừng bừa bãi; sử dụng đất không hợp lý như khai thác đất dốc vào mục
đích làm nương, rẫy, sự bùng nổ về nhà ở, đất ở, đất xây dựng hiện xâm phạm vào cả
vùng canh tác lúa nước, vùng đất có chức năng chậm lũ; việc ngăn bờ nuôi trồng thuỷ
sản làm thu hẹp lòng dẫn, cửa thoát lũ, vi phạm vào hành lang thoát lũ, khẩu độ cầu,
cống trên tuyến giao thông... đã tác động trực tiếp đến sự gia tăng của thiên tai lũ lụt,
xói lở bờ sông... Việc xây dựng hệ thống đường xá giao thông, đặc biệt là quốc lộ số 1
và tuyến đường sắt Bắc - Nam, thực sự đang là những vật cản lớn cho việc thoát lũ và
gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng.
4. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM HẠN CHẾ TÁC HẠI CỦA CÁC TAI BIẾN THIÊN
NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN THỪA THIÊN HUẾ
4.1. Các giải pháp công trình
* Các giải pháp công trình phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do tai biến lũ lụt gây ra:
- Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ chứa, đập thượng nguồn đa mục tiêu.
- Củng cố và duy trì hệ thống đê điều, kiên cố hóa kênh mương đảm bảo đáp ứng
phòng lũ với tần suất 10%.
- Tạo hành lang thoát lũ an toàn bằng cách nắn thẳng khúc sông cong, xác định
hành lang ổn định trên sông, tạo các cống và khẩu độ tiêu thoát.
- Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các vùng trọng yếu, phát triển, xây dựng công trình
công cộng và nhà ở kiên cố để vượt lũ.
- Cần có các giải pháp chống bồi lấp cửa sông, nạo vét lòng dẫn, khơi dòng các
kênh, hói, tăng cường khả năng thoát lũ, kết hợp giao thông thủy.
NGHIÊN CỨU CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TT HUẾ
35
- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giảm thấp cường độ lũ lụt, trồng cây chắn
sóng khu vực cửa sông, ven biển.
* Các giải pháp công trình phòng tránh thiên tai xói lở bờ sông
Tại một số khu vực đang có nguy cơ xói lở cao, cần khẩn trương xây dựng các công
trình kè bờ: Tiến hành nạo vét ở Cư Chánh - Thuỷ Xuân - TP Huế, xây kè lát mái ở bờ
trái sông Hương (tại Xước Dũ - Hương Hồ - Hương Trà, Long Hồ Hạ - Hương Hồ -
Hương Trà, gần Chùa Linh Mụ, Địa Linh - Hương Vinh - Hương Trà, Thanh Phước -
Hương Phong - Hương Trà, Thuận Hòa A - Hương Phong - Hương Trà), ở bờ phải sông
Hương (tại Phường Kim Long - TP Huế, Tiên Nộn - Phú Mậu - Phú Vang), ở hai bờ
sông Hương (Vỹ Dạ - TP Huế), ở bờ trái sông Bồ (Liêu Cốc Hạ - Quảng Thọ, Dương
Sơn - Quảng Thọ), ở bờ phải sông Bồ (Thanh Xuân - Hương Việt).
* Các giải pháp công trình phòng tránh thiên tai xói lở bờ biển
Đối với đoạn bờ từ Hải Dương (Hương Trà) đến cửa Hoàn Duân (Phú Vang) với chiều dài
đoạn bờ cần bảo vệ vào khoảng 5,2km, cần xây dựng khoảng 26 kè mỏ hàn hình chữ T.
Đối với Cửa Thuận An, để ổn định, thông luồng và thoát lũ, cần có các giải pháp: Phía
trong cửa sông cần xây kè áp mái bảo vệ bờ cửa ổn định theo tuyến luồng đã hình thành
sau lũ cuối năm 1999. Phía ngoài cửa sông cần xây dựng 2 mỏ hàn song song với tuyến
luồng nhằm ngăn cát vận chuyển từ phía Tây Bắc và Đông Nam vận chuyển vào bồi lấp
luồng.
Đoạn bờ từ cửa Thuận An đến Hòa Duân có thể áp dụng biện pháp nuôi bãi nhân tạo để
chống xói lở, tức là bổ sung cát vào vùng bờ đang bị xói lở.
* Các giải pháp công trình phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng
- Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ chứa, đập thượng nguồn đa mục tiêu. Các
hồ chứa bên cạnh nhiệm vụ chống lũ cho vùng hạ du, còn có vai trò đảm bảo
nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô, giảm bớt thiệt hại do tai biến
hạn hán, xâm nhập mặn.
- Việc đắp đê sông, biển là một biện pháp công trình phổ biến trong phòng tránh
hạn hán, ngăn mặn và hiện tượng nước biển dâng.
- Các địa phương nhanh chóng tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, lắp thêm
ống dẫn nước công suất lớn, tải nước về các trạm bơm.
- Duy tu bảo dưỡng các trạm bơm thuyền để có kế hoạch bơm chuyền nước cho
một số vùng khi mực nước sông xuống thấp.
- Vận hành tốt công trình Thảo Long, Cửa Lác.
4.2. Giải pháp phi công trình
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về thiên tai ở Thừa Thiên Huế.
NGUYỄN THÁM – PHAN ANH HẰNG
36
- Xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đồng
bộ từ tỉnh đến xã.
- Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện
tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: bão, lũ, xói lở bờ sông, xói lở bờ biển.
- Quản lý, tăng cường chức năng của lớp phủ thực vật nhằm hạn chế dòng chảy
mặt, tăng dòng thấm, hạn chế tác hại của lũ.
- Tăng cường chức năng điều tiết dòng chảy của lớp vỏ phong hóa, thổ nhưỡng.
- Ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Qui hoạch và điều chỉnh các điểm định cư, các điểm dân cư.
- Duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là ở vùng nông thôn.
- Để phòng ngừa tai biến lũ lụt, xói lở bờ sông, thường xuyên kiểm tra, đánh giá
khả năng chứa nước và mức độ an toàn của hệ thống hồ đã có.
- Cần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác,
vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật và sử dụng vật liệu mới vào phục
vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước trong lĩnh vực phòng, chống và giảm
nhẹ thiên tai.
5. KẾT LUẬN
Đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế là nơi hứng chịu nhiều tai biến thiên nhiên như lũ
lụt, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng. Dưới tác
động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các tai biến thiên nhiên diễn ra với quy mô, cường
độ và tần suất ngày càng lớn.
Các nhân tố tác động gây tai biến thiên nhiên ở dải đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế
bao gồm: nhân tố khí tượng, khí hậu; điều kiện địa chất, địa hình, địa mạo; nhân tố chế
độ thủy văn, hải văn; lớp phủ thổ nhưỡng; lớp phủ thực vật; các hoạt động nhân sinh.
Từ việc xác định được các nguyên nhân chính gây ra các tai biến thiên nhiên ở dải đồng
bằng ven biển Thừa Thiên Huế, đề xuất các giải pháp thuộc hai nhóm công trình và phi
công trình nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai biến thiên nhiên gây ra với mục tiêu lâu dài
là chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển.
NGHIÊN CỨU CÁC TAI BIẾN THIÊN NHIÊN Ở DẢI ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TT HUẾ
37
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Văn Cư, Phạm Huy Tiến (2003). Sạt lở bờ biển miền Trung Việt Nam. NXB
Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
[2] Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ (1998-2008). Đặc điểm KTTV môi trường khu
vực Trung Trung Bộ năm 1998, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006,
2007, 2008. Đà Nẵng.
[3] Sở KHCN & MT Thừa Thiên Huế (2004). Đặc điểm khí hậu thủy văn Thừa Thiên
Huế. NXB Thuận Hóa, Huế.
[4] Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế (2001). Tập số liệu khí
hậu tỉnh Thừa Thiên Huế. Huế.
[5] Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005). Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự
nhiên. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Title: A STUDY OF NATURAL CATASTROPHES IN RANGE OF THE COASTAL PLAIN
IN THUA THIEN HUE PROVINCE
Abstract: The range of the coastal plain of Thua Thien Hue is very sensitive to natural disasters
and impacts of climate change alike. Every year, Thua Thien Hue province generally and the
range of the coastal plain in particular have to bear severe consequences caused by natural
disasters. Especially in recent years, the natural catastrophes such as typhoons, floods, riverbank
erosion, coastal erosion, drought, salinization, rising sea, etc have occurred with a
significantly increasing intensity and frequency, causing a great loss of residents' lives and
property, harming the relics of the old capital which has been recognized as a UNESCO cultural
heritage of humans, as well as having a bad influence on the ecological environment.
TS. NGUYỄN THÁM
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
PHAN ANH HẰNG
Khoa Địa lý, Trường Đại học dân lập Phú Xuân, Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 14_197_nguyentham_phananhhng_07_phan_anh_hang_8495_2020980.pdf