- Mây nếp là cây chịu bóng nhẹ, đặc điểm này được thể hiện rõ qua 4 chỉ tiêu chính: (1) Mô đồng hoá có độ dày trung bình(bằng 76,28 – 78,18% chiều dày lá); (2) Cường độ thoát hơi nước của Mây nếp ở hai khu vực nghiên cứu có trị số ở mức trung bình thấp (từ 0,684 – 0,834 gH2O/dm2/h); (3) Hàm lượng diệp lục trong lá của Mây nếp có trị số trung bình thấp (trong đó hàm lượng diệp lục tổng số dao động từ 3,09 – 3,17 mg/g; tỷ lệ diệp lục a/b có trị số bằng 1,90 – 1,92); (4) Cường độ quang hợp của Mây nếp đạt mức trung bình (bằng 1,226 – 1,292 mgCO2/dm2/h).
- Mây nếp có khả năng chịu nhiệt độ cao,thể hiện rõ qua mức độ tổn thương của lá Mây nếp dưới nhiệt độ cao. Tại nhiệt độ 600¬¬¬C, mức độ tổn thương là 39,1% (đối với các cây Mây nếp xuất xứ từ Hà Giang), 37,1% (đối với các cây Mây nếp xuất xứ từ Hoà Bình). Mức độ tổn thương bình quân ở các cấp nhiệt độ (350C, 400C, 450C, 500C, 550C, 600C) đạt trị số trung bình thấp (ở khu vực Hoà Bình là 17,07%; ở khu vực Hà Giang là 15,62%). Do vậy, có thể gây trồng Mây nếp trên nhiều vùng sinh thái khác nhau mà vẫn đảm bảo tỷ lệ sống cao.
- Mây nếp là cây ưa ẩm nhưng có khả năng chịu hạn tốt, thể hiện rõ qua 2 chỉ tiêu: (1) Sức hút nước bình quân của cây Mây nếp ở mức trung bình khá (bằng 13,267 – 14,858atm);(2) Hệ số héo của Mây nếp tương đối thấp (bằng 10,090 – 11,759%).
12 trang |
Chia sẻ: tuanhd28 | Lượt xem: 2159 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số đặc điểm sinh lý, sinh thái loài mây nếp (calamus tetradactylus hance), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ, SINH THÁI LOÀI MÂY NẾP (CALAMUS TETRADACTYLUS HANCE)
Nghiên cứu đặc điểm sinh lý, sinh thái Mây nếp mọc tự nhiên và trồng tại 2 xã Bình Thanh huyện Cao phong, tỉnh Hoà Bình và xã Kim Ngọc huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Cho thấy Mây nếp là cây chịu bóng nhẹ với mô đồng hoá dày trung bình từ 76,28 – 78,18% chiều dày lá. Cường độ thoát hơi nước của loài ở hai khu vực nghiên cứu có trị số ở mức trung bình thấp từ 0,684 – 0,834 gH2O/dm2/h; Hàm lượng diệp lục trong lá của Mây nếp có trị số trung bình thấp (trong đó hàm lượng diệp lục tổng số dao động từ 3,09 – 3,17 mg/g; tỷ lệ diệp lục a/b có trị số bằng 1,90 – 1,92); Cường độ quang hợp của Mây nếp đạt mức trung bình từ 1,226 – 1,292 mgCO2/dm2/h. Mây nếp có khả năng chịu nhiệt độ cao, mức độ tổn thương bình quân ở các cấp nhiệt độ (350C, 400C, 450C, 500C, 550C, 600C) đạt trị số trung bình thấp ( Hoà Bình là 17,07%; Hà Giang là 15,62%). Do vậy, có thể gây trồng Mây nếp trên nhiều vùng sinh thái khác nhau mà vẫn đảm bảo tỷ lệ sống cao. Mây nếp là cây ưa ẩm nhưng có khả năng chịu hạn tốt: (1) Sức hút nước bình quân của cây Mây nếp ở mức trung bình khá (bằng 13,267 – 14,858atm); (2) Hệ số héo của Mây nếp tương đối thấp (bằng 10,090 – 11,759%). Ở giai đoạn trưởng thành, trong rừng tự nhiên và rừng trồng, Mây nếp có nhu cầu cao đối với các chất dinh dưỡng khoáng N, OM%, P2O5, Ca2+ Mg2+, tổng kiềm. Vì vậy, khi gây trồng Mây nếp ở những nơi có hàm lượng các chất này thấp có thể bón bổ sung để tăng sản lượng và chất lượng.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghiên cứu đặc điểm sinh lý, sinh thái loài cây rừng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp. Kết quả thu được sẽ giúp cho việc xác định bản chất, nguyên lý của các quá trình sinh học trong cơ thể thực vật, đồng thời làm rõ tác động của những yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Đây là cơ sở khoa học để lựa chọn và cải thiện điều kiện lập địa, đề xuất các biện pháp kỹ thuật nâng cao sản lượng và chất lượng của rừng trồng. Người ta không thể bảo vệ, phát triển hoặc gây trồng nếu không dựa vào đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài, không biết trồng nó như thế nào, ngay cả khi có giống tốt. Xác định những đặc điểm sinh lý,sinh thái cây Mây nếp làm cơ sở cho việc phân chia điều kiện lập địa thích hợp cho loài cây này cũng như cho việc đề xuất một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng Mây nếp.
Dưới đây là kết quả nghiên cứu về một số đặc điểm sinh lý và sinh thái loài Mây nếp làm cơ sở khoa học cho việc xác định hệ thống biện pháp kỹ thuật gây trồng loài cây này.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu
Nghiên cứu được tiến hành trên các bụi Mây nếp mọc tự nhiên và trồng tại 2 xã Bình Thanh huyện Cao phong, xã Kim Ngọc huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
(+) Cấu tạo giải phẫu lá mây nếp: Từ mẫu lá, cắt miếng nhỏ tại vị trí 1/3 phía đầu lá và quan sát các chỉ tiêu giải phẫu lá trên kính hiển vi Olympus BHS ở độ phóng đại 10 và 40.
(+) Cường độ thoát hơi nước: Sử dụng bằng phương pháp cân nhanh.
(+) Sức hút nước: Sử dụng phương pháp đơn giản của USPRUNG.
(+) Khả năng chịu hạn:Xác định lượng nước trong đất tại thời điểm cây bị héo (n) bằng trọng lượng ban đầu (Po) trừ đi trọng lượng sau khi sấy (Pt) và hệ số khô héo (H%) được tính theo công thức: H%=(n/Po)*100%
(+) Khả năng chịu nóng:xác định theo phương pháp MaxCop
(+) Nhu cầu dinh dưỡng: Mẫu lá sau khi thu thập được phơi khô trong điều kiện nắng nhẹ nhằm hạn chế khả năng thất thoát các chất khoáng đa lượng.
- Nitơ tổng số trong lá được xác định bằng phương pháp Kjeldan.
- Phospho trong lá được phân tích theo phương pháp so màu quang điện.
- Kali trong lá được xác định bằng phương pháp quang kế ngọn lửa .
- Lipit trong lá được xác định bằng máy phân tích chất béo SOXTHORM
(+) Nhu cầu ánh sáng: Nhu cầu ánh sáng của thực vật được thể hiện thông qua hàm lượng và tỷ lệ sắc tố quang hợp (chlorophyll) a và b có trong lục lạp được xác định bằng phương pháp so màu trên máy so màu quang điện Spectro 23 RS.
(+) Cường độ quang hợp:được xác định trực tiếp bằng cách đo lượng CO2 mà lá hấp thụ dựa trên nguyên lý C02 hấp thu tia hồng ngoại. Hàm lượng C02 trong một thể tích khí cố định được đo bằng máy phân tích khí hồng ngoại xách tay (Portable C02 indicator RA – 411) theo phương pháp của S.P.Long và J.E.Hallgrren, 1993).
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
(+) Cấu tạo giải phẫu lá Mây nếp
Lá là một bộ phận rất quan trọng của thực vật, là cơ quan quang hợp, bộ phận thoát hơi nước và trao đổi khí với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó lá cây còn là chỉ thị của tình trạng dinh dưỡng cũng như mức độ phù hợp của thực vật với môi trường bên ngoài.
Với Mây nếp, lá của chúng được cấu tạo từ hai lớp cutin bao phủ hai mặt lá, tiếp đến là lớp biểu bì trên và dưới, phần mô đồng hoá ở lớp giữa tương đối dầy và có màu xanh lục. Đây là loại mô đồng nhất (chỉ 1 loại), đặc điểm này khác biệt rõ nét với cây 2 lá mầm (thông thường cây 2 lá mầm có 2 loại mô mềm đồng hóa là mô dậu và mô khuyết).
Kết quả đo đếm độ dầy của từng lớp sau khi quy đổi ra đơn vị mm thu được kết quả ghi trong bảng sau.
Bảng 01. Kết quả giải phẫu lá Mây nếp
TT
Mẫu
Cutin trên
BB trên
Mô ĐH
BB dưới
Cutin dưới
Tổng
% MĐH
1
HG
0,95
8,15
55,61
7,30
0,79
72,8
76,28
2
HB
0,76
6,82
54,14
6,74
0,72
69,2
78,18
Qua bảng kết quả trên cho thấy tầng cutin ở 2 phía tương đối dày, trong đó tầng cutin trên có kích thước dày hơn so với cutin dưới, sự chênh lệch về độ dày đó phần nào phản ánh lượng ánh sáng mà mặt trên và mặt dưới của cây nhận được. Nếu so sánh tương tự, giữa biểu bì mặt trên lá với mặt dưới lá của cây cũng thấy có sự biến đổi về kích thước nhưng không nhiều. Điều này cho thấy khi điều kiện ánh sáng khác nhau và để thực hiện tốt chức năng bảo vệ, cả lớp cutin và biểu bì lá đều có những thay đổi giống nhau. Khi ánh sáng nhận càng nhiều thì cutin trên cũng như biểu bì trên đều dày lên để phản bớt nhiệt, giảm bớt đi cường độ thoát hơi nước, tăng chức năng bảo vệ. Kết quả trên một phần phản ánh rằng, cây Mây nếp có khả năng chống chịu tốt (chịu hạn, chịu nhiệt) với điều kiện môi trường.
Chiều dày mô đồng hoá thể hiện tính ưa sáng của thực vật. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mô đồng hoá có độ dày chiếm từ 76,28% đến 78,18% so với tổng chiều dày của lá cây. Điều này có thể đánh giá Mây nếp ưa sáng ở mức trung bình khá (mô đồng hoá lớn hơn 80% là cây ưa sáng) (4).
(+)Cường độ thoát hơi nước của Mây nếp
Để xác định được mức độ thoát hơi nước của lá cây trên một đơn vị diện tích trong một khoảng thời gian xác định, các nhà khoa học đã sử dụng đại lượng cường độ thoát hơi nước. Đại lượng này thường xuyên biến động và phụ thuộc vào các điều kiện môi trường ở từng thời điểm. Kết quả thí nghiệm cho thấy cường độ thoát hơi nước của Mây nếp từ hai địa phương có trị số ở mức trung bình thấp: từ 0,684 g H2O/ dm2/h (Hoà Bình), 0,834 g H2O/ dm2/h (Hà Giang) và có sự sai khác không rõ rệt. Kết quả này cho phép khẳng định, cây Mây thích hợp với cường độ ánh sáng vừa phải.
(+) Sức hút nước của tế bào và mô của Mây nếp
Đối với sản xuất lâm nghiệp vấn đề khó khăn nhất là nước tưới cho cây trồng, nhất là những tháng mùa khô, nguồn nước khan hiếm, không ổn định đã cản trở rất lớn trong việc đưa những loài cây sinh trưởng nhanh vào sản xuất. Vì vậy, việc xác định nhu cầu nước của cây để từ đó xác định được vùng trồng phù hợp là việc làm hết sức cần thiết. Với Mây nếp, khả năng hút nước của tế bào và mô cây Mây nếp ở mức trung bình khá: Hoà Bình (14,858atm) lớn hơn ở Hà Giang (13,267atm). Qua đây có thể đánh giá Mây nếp hút nước trong đất tương đối tốt, thể hiện khả năng chống chịu của loài trên các vùng sinh thái khác nhau. Kết quả trên một phần nào cho thấy, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên (S = 4.2.0 ở Hoà Bình và S = 2.0.0 ở Hà Giang) đã làm cho cây này có khả năng thích nghi khác nhau.
Kết quả nghiên cứu với 15 mẫu/1 xuất xứ ở Hoà Bình và Hà Giang cho thấy sức hút nước của nó cao hơn rất nhiều so với sức hút nước của thực vật thuỷ sinh (cây ẩm sinh) như: rong đuôi chó là 4,13atm, bèo hoa dâu là 3,19atm. Nhưng sức hút nước của Mây nếp lại nhỏ hơn sức hút nước của các cây hạn sinh hay nhóm cây chịu hạn như phi lao là 19,86atm, cây sơn là 24,08atm (4). Trên cơ sở đó có thể rút ra nhận xét ban đầu là cây Mây nếp thuộc nhóm cây trung sinh, nhóm cây này sống ở những vùng đất có độ ẩm vừa phải.
(+)Hệ số héo của Mây nếp
Đất là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho thực vật nói chung. Vì vậy, khi bị hạn, khả năng cung cấp nước cho cây bị hạn chế từ đó làm ảnh hưởng đến tất cả các quá trình sinh lý, sinh hoá diễn ra bên trong cây. Nếu hạn hán kéo dài, nguồn nước tiếp tục giảm cây sinh trưởng chậm dần và bị chết sau đó. Tuy nhiên, với mỗi loài cây khác nhau khả năng chống chịu được với điều kiện khô hạn là khác nhau.
Để xác định khả năng chịu hạn của Mây nếp, chúng tôi đã tiến hành xác định hệ số héo - đại lượng được xác định bằng số % nước còn lại trong đất mà cây không hút được (cây bắt đầu héo) của chúng. Kết quả thí nghiệm được tổng hợp là H% từ 10,090 (Hà Giang) đến 11,759% (Hoà Bình). Chứng tỏ khả năng chịu hạn của Mây nếp ở Hoà Bình thấp hơn ở Hà Giang.
Căn cứ vào số liệu khí hậu – thuỷ văn, lượng mưa trung bình năm ở Cao Phong là 1.859,3 mm, lượng mưa nhiều nhất tập trung vào tháng 8, 9 đạt tới 301,6 – 423,0mm, trong khi đó lượng mưa tháng 1, 2, 12 chỉ đạt 14,6 – 20,6mm. Ở khu vực Bắc Quang có lượng mưa trung bình năm là 1.692mm, lượng mưa nhiều nhất tập trung vào tháng 7, 8 đạt tới 331,2 – 331,6mm và tháng 2, 12 chỉ đạt 17,8 – 21,5mm (1) .Như vậy, sự phân bố không đều của lượng mưa ở hai khu vực đã làm cho một số tháng khô hạn có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Tuy nhiên hệ số héo của Mây nếp ở hai khu vực nghiên cứu đạt mức tương đối thấp nên Mây nếp vẫn có thể sinh trưởng phát triển tốt trên hai khu vực này.
(+) Hàm lượng diệp lục trong lá Mây nếp
Thí nghiệm được lấy mẫu tại hai địa điểm Hoà Bình và Hà Giang. Sau khi phân tích hàm lượng diệp lục từ hai mẫu trên thu được kết quả ghi vào bảng dưới đây:
Bảng 02: Hàm lượng diệp lục trong lá của Mây nếp
TT
Mẫu
Ca
(mg/l)
Cb
(mg/l)
Cab
(mg/g)
Ca
(mg/g)
Cb
(mg/g)
Cab
(mg/g)
Ca/Cb
1
HG
4,17
2,17
6,34
2,09
1,09
3,17
1,92
2
HB
4,05
2,14
6,18
2,02
1,07
3,09
1,90
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng diệp lục của mẫu Mây nếp ở hai địa điểm có trị số trung bình thấp. Trong đó hàm lượng diệp lục tổng số của cây Mây nếp có xuất xứ Hà Giang (3,17 mg/g) cao hơn ở Hoà Bình (3,09 mg/g). Trong đó tỷ lệ diệp lục a/b của các loài này ở hai địa điểm cũng ở mức trung bình. Điều này cho thấy Mây nếp là đối tượng chịu đựng được cường độ ánh sáng vừa phải (cây trung tính). Hàm lượng diệp lục a và b ở các cây Mây nếp có nguồn gốc khác nhau cũng có sự sai khác. Trong đó cả hai loại diệp lục a và b ở Hà Giang đều đạt trị số cao hơn ở Hoà Bình. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch nhau không nhiều.
Tỷ lệ giữa các loại diệp lục còn thay đổi tuỳ theo nhóm cây, đặc điểm sinh tháichẳng hạn như lá cây chịu bóng mỏng hơn, lục lạp to hơn, ít hơn và chứa nhiều chlorophyll hơn so với lá cây ưa sáng. Sự thích nghi với điều kiện chiếu sáng thể hiện không chỉ ở sự tăng hàm lượng chlorophyll tổng số mà còn thay đổi tỷ lệ các sắc tố trong lục lạp. Lá cây chịu bóng nhận được ánh sáng khuyếch tán giàu tia sáng sóng ngắn, nên chứa nhiều chlorophyll b. Đa số cây chịu bóng có hàm lượng chlorophyll tổng số cao, tỷ lệ chlorophyll a/b thấp (≤ 1,4), cây ưu sáng tỷ lệ chlorophyll a/b cao (5,5), cây trung tính có tỷ lệ bình thường là 1,4 – 3,0. Tỷ lệ giữa diệp lục a/b được đánh giá là khả năng chịu ánh sáng của thực vật. Theo Libbert (1976), ở thực vật thượng đẳng, diệp lục a làm nhiệm vụ quang hợp, diệp lục b làm nhiệm vụ góp năng lượng cho diệp lục a quang hợp (1). Do đó quang hợp mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào diệp lục a. Với kết quả trên so với tiêu chuẩn cho phép thì trị số đó có thể đánh giá các cây Mây nếp ở hai địa điểm đều chịu đựng được mức cường độ ánh sáng trung bình. Từ kết quả này chúng ta có thể lựa chọn Mây nếp trồng dưới tán rừng là phù hợp.
(+) Cường độ quang hợp của Mây nếp
Cường độ quang hợp là đại lượng được đo bằng lượng CO2 hấp thụ trong quá trình quang hợp trên 1 đơn vị diện tích là dm2 trong khoảng thời gian là 1 giờ. Cường độ quang hợp khác nhau ở từng loại cây, tuổi cây, từng thời điểm và phụ thuộc điều kiện môi trường. Cường độ quang hợp là yếu tố quyết định tới năng suất cây trồng, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng của thực vật (2).
Sau khi TN đo cường độ quang hợp được kết quả ghi vào bảng sau.
Bảng 03 : Cường độ quang hợp của cây Mây nếp
TT
Mẫu
I (mgCO2/dm2/h)
Đánh giá
1
Hà Giang
1,126
Trung bình
2
Hoà Bình
1,292
Trung bình
Kết quả tổng hợp trong bảng cho thấy: Cường độ quang hợp của Mây nếp đạt mức trung bình và không có sự khác biệt nhau rõ rệt giữa hai địa điểm. Ở khu vực Bình Thanh – Cao Phong do có số giờ nắng trung bình là 1.635,7 giờ, khu vực Kim Ngọc – Bắc Quang là 1.070,4 giờ nên cường độ quang hợp của cây Mây nếp lấy mẫu từ Bình Thanh là lớn hơn ở Kim Ngọc (chỉ lớn hơn 0,166 mgCO2/dm2/h). Do vậy, trong một thời điểm nhất định có thể đánh giá sơ bộ tốc độ tăng trưởng của Mây nếp ở hai khu vực là tương đối giống nhau và hoàn toàn phù hợp với tỷ lệ diệp lục ở trên.
(+)Khả năng chịu nóng của Mây nếp
Nhiệt độ môi trường luôn thay đổi, sự thay đổi về nhiệt độ trong không gian và thời gian tạo ra những nhóm sinh vật có khả năng thích nghi khác nhau với sự thay đổi nhiệt độ. Sự khác nhau này được thể hiện không những về mặt hình thái mà còn cả về tập tính sinh hoạt của sinh vật. Tác dụng bất lợi của nhiệt độ cao đối với thực vật là do trao đổi chất trong tế bào bị phá hoại. Do mỗi tế bào có màng sinh học phía ngoài, chúng có khả năng kiểm soát các chất độc xâm nhập tự do qua màng, tránh cho tế bào khỏi bị các chất độc gây hại. Nhưng khi nhiệt độ quá cao, làm phá huỷ màng tế bào thì các chất độc có thể xâm nhập tự do vào trong gây ra tổn thương hoặc gây chết tế bào. Hiện tượng này được chứng minh bằng TN là xử lý tế bào bằng nhiệt độ cao sau đó cho chúng tiếp xúc với chất độc. Loài cây nào không chịu được nhiệt độ cao thì màng tế bào bị phá huỷ, chất độc xâm nhập vào, làm cho tế bào bị chết nhiều hơn. Đề tài đã xác định khả năng chịu nóng của thực vật theo phương pháp Maxcop (4) và thu được kết quả sau:
Bảng 04: Mức độ tổn thương của lá Mây nếp sau khi xử lý nhiệt (%)
TT
Mẫu
Mức độ tổn thương trung bình ở các cấp nhiệt độ (%)
TB
35
40
45
50
55
60
1
HG
3,9
5,5
13,9
15,1
24,9
39,1
17,07
2
HB
2,9
5,4
8,1
14,3
25,9
37,1
15,62
Kết quả thí nghiệm ở bảng cho thấy: mức độ tổn thương trên lá Mây nếp có sự khác nhau rõ rệt giữa hai khu vực nghiên cứu, nhưng đều trị số trung bình ở mức thấp. Trong đó mức độ tổn thương của cây Mây Hoà Bình (15,62%) thấp hơn so với Mây Hà Giang (17,07%), tức là Mây Hoà Bình có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao tốt hơn.
(+) Hàm lượng khoáng đạm trong lá Mây nếp
Thực tế cho thấy, khi thiếu hụt một vài nguyên tố khoáng nào đó đều làm cho cây sinh trưởng không bình thường, thậm chí làm cho cây ngừng sinh trưởng và chết. Để đánh giá nhu cầu dinh dưỡng thì ngoài các phương pháp bố trí TN ở trên chúng ta có thể xác định hàm lượng khoáng đạm thông qua phân tích các mẫu lá. Kết quả phân tích được tổng hợp trong bảng 05
Bảng 05: Hàm lượng các chất khoáng - đạm trong lá Mây nếp
TT
Mẫu
Nitơ t.số (%)
P2O5 t.số(%)
K2O t.số (%)
Lipit (g/kg lá tươi)
1
HG
1,395
0,266
1,080
17,29
2
HB
2,086
0,346
1,168
24,91
Hàm lượng photpho của Mây nếp ở Hà Giang đạt trị số trung bình (0,266%), còn cây Mây nếp ở Hoà Bình đạt trị số cao (0,345%). Do đó nhu cầu về hàm lượng photpho của Mây nếp từ hai khu vực có sự khác nhau, sự biến thiên hàm lượng photpho trong cây dường như chỉ phụ thuộc vào nhu cầu sinh lý và sinh thái của cây. Mặt khác photpho còn có vai trò làm tăng tính chống chịu của cây như chịu hạn, chịu nóngDo vậy với hàm lượng photpho như trên có thể nói Mây nếp có khả năng chống chịu tương đối tốt với điều kiện môi trường.
Mây nếp ở hai địa điểm đều có hàm lượng kali ở mức tương đối thấp (nhỏ hơn 1,2%). Khi hàm lượng kali nhiều sẽ làm tăng sự tạo thành các bó mạch, làm tăng độ dài, số lượng sợi, tăng bề dày của các mô làm cho cây cứng cáp hơn. Kali làm giảm khả năng sử dụng magiê, đồng thời làm tăng sử dụng sắt – một nhân tố quan trọng trong quá trình tổng hợp diệp lục (5). Mặt khác kali làm tăng hô hấp và là nhân tố quan trọng của hàng loạt các quá trình tổng hợp trong cơ thể thông qua quá trình quang hợp mà cường độ quang hợp của Mây nếp lại ở mức trung bình. Qua kết quả phân tích cùng với những nhận xét trên cho thấy, nhu cầu về kali của Mây nếp ở mức trung bình thấp. Do đó có thể gây trồng Mây nếp ngay trên lập địa có hàm lượng kali ở mức thấp (nghèo kali).
Mỡ và lipit (chất giống mỡ) chứa trong cây thực hiện hàng loạt các chức năng quan trọng trong lớp màng trên bề mặt của tế bào từ mỡ và lipoproteit, mỡ trong các mô dự trữKết quả nghiên cứu trong bảng trên còn cho thấy, hàm lượng lipit tính theo gam/kg lá tươi ở cây Mây Hoà Bình (24,91 g/kg) đạt trị số cao hơn ở cây Mây nếp Hà Giang (17,29 g/kg).
Với những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy khả năng trao đổi chất của Mây nếp ở mức trung bình khá. Đây là loài cây dễ tính, có thể sinh trưởng phát triển trên lập địa có hàm lượng chất hữu cơ ở cấp độ trung bình. Điều này rất có ý nghĩa trong việc gây trồng và nhân rộng mô hình trồng Mây nếp trên nhiều điều kiện lập địa khác nhau.
4. KẾT LUẬN
- Mây nếp là cây chịu bóng nhẹ, đặc điểm này được thể hiện rõ qua 4 chỉ tiêu chính: (1) Mô đồng hoá có độ dày trung bình(bằng 76,28 – 78,18% chiều dày lá); (2) Cường độ thoát hơi nước của Mây nếp ở hai khu vực nghiên cứu có trị số ở mức trung bình thấp (từ 0,684 – 0,834 gH2O/dm2/h); (3) Hàm lượng diệp lục trong lá của Mây nếp có trị số trung bình thấp (trong đó hàm lượng diệp lục tổng số dao động từ 3,09 – 3,17 mg/g; tỷ lệ diệp lục a/b có trị số bằng 1,90 – 1,92); (4) Cường độ quang hợp của Mây nếp đạt mức trung bình (bằng 1,226 – 1,292 mgCO2/dm2/h).
- Mây nếp có khả năng chịu nhiệt độ cao,thể hiện rõ qua mức độ tổn thương của lá Mây nếp dưới nhiệt độ cao. Tại nhiệt độ 600C, mức độ tổn thương là 39,1% (đối với các cây Mây nếp xuất xứ từ Hà Giang), 37,1% (đối với các cây Mây nếp xuất xứ từ Hoà Bình). Mức độ tổn thương bình quân ở các cấp nhiệt độ (350C, 400C, 450C, 500C, 550C, 600C) đạt trị số trung bình thấp (ở khu vực Hoà Bình là 17,07%; ở khu vực Hà Giang là 15,62%). Do vậy, có thể gây trồng Mây nếp trên nhiều vùng sinh thái khác nhau mà vẫn đảm bảo tỷ lệ sống cao.
- Mây nếp là cây ưa ẩm nhưng có khả năng chịu hạn tốt, thể hiện rõ qua 2 chỉ tiêu: (1) Sức hút nước bình quân của cây Mây nếp ở mức trung bình khá (bằng 13,267 – 14,858atm);(2) Hệ số héo của Mây nếp tương đối thấp (bằng 10,090 – 11,759%).
- Ở giai đoạn trưởng thành, trong rừng tự nhiên và rừng trồng, Mây nếp có nhu cầu cao đối với các chất dinh dưỡng khoáng N, OM%, P2O5, Ca2+ Mg2+, Tổng kiềm. Vì vậy, khi gây trồng Mây nếp ở những nơi có hàm lượng các chất này thấp có thể bón bổ sung để tăng sản lượng và chất lượng loài cây này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Đức Diên (1986), Nghiên cứu hàm lượng diệp lục của một số loài cây rừng. Thông báo khoa học, khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập 3. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
2. Lê Đức Diên, Cung Đình Lượng (1968), Nhu cầu ánh sánh đối với một sộ cây rừng, Thông báo khoa học, khoa Sinh học – Trường ĐH tổng hợp Hà Nội, Tập 3, NXB khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
3. Hoàng Đức Cử (1993) Thực tập sinh lý thực vật. Ha Noi University Viet Nam – Holland Cooperation project VH3 – 1993.
4. Nguyễn Như Khanh (1996), Sinh lý học sinh trưởng và phát triển thực vật, Nxb Giáo dục, 1996.
5. Hoàng Minh Tấn và các tác giả (2000), Sinh lý thực vật, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội.
6. Vũ Văn Vụ (1999), Sinh lý thực vật ứng dụng. NXB Giáo dục.
7. Long S.P. and Hallgrre E. (1993), ” Measurement of CO2 assimilation by plant in a field and laboratory” Photosynthesis and production in a changing enviroment: a fileld and laboratory manual by Hall D.O. edited, hapman &Hall Publ., London.
Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Minh Thanh
Nguồn tin: Kết quả nghiên cứu của luận án Tiến sĩ năm 2010
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- sinh_ly_sinh_thai_loai_may_nep_1352.docx