Đề tài Giáo dục học sinh THPT trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm bằng phương pháp dạy học tích cực

Giáo dục học sinh là trách nhiệm chung của gia đình và nhà trường và xã hội. Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm là người phải chủ động tìm ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, áp dụng những phương pháp tích cực vào các hoạt động giáo dục đặc biệt là giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Có tổ chức được các hoạt động bổ ích thì mới lôi kéo học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội, uốn nắn, điều chình hành vi của học sinh kịp thời. Để tổ chức được các hoạt động phong phú thu hút học sinh tham gia đòi hỏi giáo viên phải chịu khó đầu tư về thời gian, tìm hiểu nhiều hoạt động. Ngoài ra, giáo viên phải thật sự có tâm huyết với những hoạt động mà mình sẽ tổ chức, kiên trì bền bỉ và phải sáng tạo năng động trong các tình huống. Vì mỗi đối tượng học sinh đều có những đặc điểm khác biệt nên phải áp dụng sao cho linh hoạt thì hiệu quả mới cao.

docx29 trang | Chia sẻ: phanlang | Lượt xem: 3134 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Giáo dục học sinh THPT trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm bằng phương pháp dạy học tích cực, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN 1: MỞ ĐẦU I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lí luận Trong giai đoạn hiện nay, để hưởng ứng phong trào xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực do bộ giáo dục đào tạo phát động, nhiều nhà trường đã tổ chức các hoạt động bổ ích nhằm tạo mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò, giữa trò với trò. Trong các hoạt động đó, giáo viên và học sinh rất quan tâm, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công của các hoạt động này. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm với những hoạt động phong phú đang được nhiều giáo viên hướng tới để tổ chức cho học sinh. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm giúp giáo viên và học sinh sơ kết lại hoạt động trong tuần, đồng thời vạch ra kế hoạch cho tuần tới, tuyên dương học sinh có biểu hiện tiến bộ, phê bình học sinh vi phạm nội quy trường lớp. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh có cơ hội cùng nhau thảo luận, trao đổi tâm tư, nguyện vọng, những ưu điểm hạn chế trong học tập và cuộc sống. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, bên cạnh việc tìm hiểu học sinh thông qua nhiều hoạt động khác nhau trong và ngoài nhà trường thì việc giáo dục học sinh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm cũng góp phần giáo dục nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Quá trình hoạt động sư phạm ở trường bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục. Hai hoạt động này có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển trong quá trình phát triển toàn diện của học sinh. Trong hai hoạt động trên, giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục, góp phần rất lớn vào sự thành công trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Ở trường phổ thông nước ta hiện nay, giờ sinh hoạt chủ nhiệm là một tiết học được phân phối trong thời khóa biểu chính khóa hàng tuần bởi nó có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục. Vì vậy đổi mới, thực hiện tốt giờ sinh hoạt chủ nhiệm là một nhiệm vụ của mỗi giáo viên chủ nhiệm, nó là một hoạt động chuyên môn thường xuyên phải được nghiên cứu trau dồi thì mới có kết quả tốt. 2. Cơ sở thực tiễn Ở nước ta, cùng với sự phát triển và hội nhập của kinh tế xã hội là những hạn chế, yếu kém, tệ nạn… đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giáo dục. Đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ vấn đề trên là giới trẻ đặc biệt là học sinh vì sức lan tỏa trong giới này rất nhanh, nhất là học sinh THPT. Ở lứa tuổi học sinh THPT ngự trị quy luật mất cân đối tạm thời, tính mâu thuẫn và quy luật về tính không đồng đều của sự phát triển thể hiện ở tất cả các lĩnh vực trong nhân cách trẻ. Đây là điều gây khó khăn nhất định cho giáo viên trong việc nhận diện, đánh giá, có tác động phù hợp đến học sinh. Theo nghiên cứu của trường đại học sư phạm Hà Nội về học sinh THPT, khi gặp khó khăn thì 22,3 % tâm sự với bạn bè, 19,7 % giữ kín và âm thầm chịu đựng… Tỉ lệ học sinh tìm đến cha mẹ rất thấp là 2,3 %. Giáo viên cần biết điều này để khai thác và tác động đúng đối tượng mới giáo dục học sinh có hiệu quả. Nếu không có sự quan tâm, dẫn dắt, tác động không phù hợp thì các em sẽ lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Bên cạnh nền tảng giáo dục của gia đình, các hoạt động tích cực của xã hội, thì nhà trường là nơi giúp các em lĩnh hội tri thức của nhân loại và rèn luyện nhân cách con người. Thực tế giáo dục ở các trường học nhất là bậc THPT cho thấy chương trình nặng nề về kiến thức, thời gian dành cho các hoạt động ngoại khóa không nhiều. Vì vậy đa số giáo viên chú trọng phần lớn đến truyền thụ kiến thức, việc giáo dục học sinh được giao trọng trách lên vai giáo viên chủ nhiệm và thực hiện chủ yếu vào tiết sinh hoạt cuối tuần. Thực hiện tốt giờ sinh hoạt chủ nhiệm giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh hành vi của học sinh phù hợp với nội quy trường lớp, ngăn chặn tình trạng vi phạm nội quy của học sinh, giúp các em ngày càng tiến bộ trong học tập và rèn luyện đạo đức. Thực tế cho thấy, đa số học sinh không thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy một vài lí do sau làm cho học sinh không hứng thú với giờ sinh hoạt chủ nhiệm: Nội dung sinh hoạt đơn điệu, khô cứng, lặp lại, nhàm chán, không gây hứng thú với học sinh Học sinh chưa thực sự được tham gia vào các hoạt động, chủ yếu là nghe một chiều. Bên cạnh các giáo viên quan tâm đến học sinh, vẫn còn một số giáo viên chủ nhiệm quá nghiêm khắc, chưa gần gũi, thân thiện với học sinh, chưa đặt mình vào vị trí của học sinh để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, chưa sáng tạo trong việc xây dựng nội dung cho các tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Trong những năm đầu khi được phân công làm công tác chủ nhiệm, tôi chưa tìm ra được những phương thức để làm phong phú giờ sinh hoạt chủ nhiệm vì vậy học sinh chưa yêu thích giờ sinh hoạt từ đó không phát huy hết năng lực tiềm ẩn của các em trong mọi hoạt động. Nhìn nhận lại kết quả công tác chủ nhiệm, tôi luôn trăn trở, tìm tòi suy nghĩ tìm ra giải pháp tốt nhất. Tôi tìm hiểu và đọc nhiều tài liệu về giáo dục học sinh, về giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; tham khảo ý kiến đồng nghiệp và các thầy cô và đã rút ra những phương pháp để áp dụng vào công tác chủ nhiệm của mình. Trong những năm áp dụng, tôi nhận thấy học sinh yêu thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm hơn; tham gia các hoạt động phong trào sôi nổi; kết quả học tập được cải thiện. Học sinh có cách đối xử, suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, có nhận thức và hành động phù hợp hơn trong các hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm trong đề tài “Giáo dục học sinh THPT trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm bằng phương pháp dạy học tích cực” mà tôi đã nghiên cứu và áp dụng tại trường trong những năm học qua. II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN NGHIÊN CỨU Đối tượng nghiên cứu: Học sinh khối trung học phổ thông. Phạm vi nghiên cứu: Hình thức và nội dung sinh hoạt chủ nhiệm. Thời gian nghiên cứu và áp dụng: Năm học 2011-2012, 2012-2013, 2013-2014. III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Thu thập thông tin từ tài liệu, internet. Quan sát các hoạt động tập thể của học sinh, trò chuyện với học sinh để hiểu rõ tâm tư nguyên vọng. Tham khảo ý kiến đồng nghiệp, thầy cô. Thử nghiệm tổ chức các hoạt động cho học sinh, tổ chức cho học sinh thảo luận cùng nhau. PHẦN 2: NỘI DUNG I. TÁC DỤNG CỦA GIỜ SINH HOẠT CHỦ NHIỆM Sinh hoạt chủ nhiệm là dạng hoạt động giáo dục tập thể, là một hình thức tổ chức tự quản cho học sinh và là một trong những biện pháp cơ bản góp phần xây dựng tập thể học sinh đoàn kết. Chính thông qua các giờ sinh hoạt lớp, các em bày tỏ, chia sẻ tâm tư, tình cảm và tự đánh giá nhận xét nhau thẳng thắn, tích cực. Các học sinh trong lớp được liên kết lại với nhau, giáo viên gắn bó với học sinh trong một cộng đồng chung để giải quyết những vấn đề của cuộc sống thực tế hàng ngày ở nhà trường, ở lớp học, ở gia đình và ngoài xã hội. Học sinh được mở rộng các mối liên hệ, tăng cường sự hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục xu hướng hẹp hòi, cục bộ, bè phái trong đời sống tập thể hàng ngày của lớp học. Đây cũng là dịp để học sinh làm quen với nhiều loại hình hoạt động khác nhau, giúp các em phát triển các kĩ năng cơ bản và cần thiết cho bản thân. Các em phải được vừa học vừa chơi, thi tài với nhau. Từ đây các em sẽ lĩnh hội được rất nhiều, góp phần phát triển nhân cách toàn diện của học sinh, tức là phát triển mọi mặt cả trí tuệ, tình cảm, đạo đức, thẩm mĩ và sức khoẻ, thể chất của học sinh. II. CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN ĐỐI VỚI GIỜ SINH HOẠT CHỦ NHIỆM Đa dạng hoá về nội dung và hình thức tổ chức tiết sinh hoạt lớp: Mỗi lứa tuổi học sinh có những yêu cầu riêng, hứng thú riêng đối với các hoạt động. Vì vậy, sự thay đổi nội dung và các hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp cho phù hợp với lứa tuổi học sinh khác nhau là đòi hỏi tất yếu đối với nhà trường. Sức hấp dẫn học sinh, sự lôi cuốn các em tham gia tích cực vào hoạt động phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi nội dung và các hình thức tổ chức. Do đó, nội dung tiết sinh hoạt tập thể hàng tuần phải cụ thể, bổ ích, phải gắn với nhu cầu và hứng thú của học sinh và những nội dung đó phải phù hợp với kinh nghiệm và trình độ hiểu biết của học sinh, huy động đến mức cao nhất trí tuệ và tình cảm tập thể của học sinh. Thu hút tối đa sự tham gia của mọi học sinh dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ, cố vấn của giáo viên nhằm tăng cường vai trò tự quản của học sinh: Sự tham gia của học sinh vào các hoạt động, công việc của lớp, của trường vừa là nhu cầu, vừa là quyền của mỗi học sinh. Sự cùng tham gia của tất cả học sinh vào giờ sinh hoạt lớp sẽ tạo ra môi trường chung để học sinh cùng trải nghiệm những xúc cảm tích cực, tăng cường giao lưu giữa các em, tạo ra môi trường lớp học mang bầu không khí tin tưởng, thân mật, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ và lắng nghe ý kiến của nhau. Từ đó tình cảm gắn bó, sự chia sẻ giữa các em được hình thành và củng cố. Nói cách khác, học sinh phải là chủ thể của giờ sinh hoạt lớp, phải được tham gia vào giờ sinh hoạt lớp từ những vai trò và nhiệm vụ khác nhau như người thực hiện nhiệm vụ được giao, người tổ chức, người khám phá và đánh giá hoạt động của mình. Tăng cường những nội dung sinh hoạt có liên quan đến các công việc chung của lớp, phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh: Mỗi lớp, mỗi tập thể đều có những công việc chung cần giải quyết, ví dụ như xây dựng các qui định riêng của lớp, xác định chỉ tiêu thi đua, xử lí các tình huống nảy sinh trong tập thể lớp, vì thế cần để cho học sinh tự thảo luận, trao đổi và quyết định. Mục đích là nhằm nâng cao bầu không khí đoàn kết, tinh thần trách nhiệm của mỗi học sinh trong lớp. Một tập thể lớp đoàn kết với từng thành viên có tinh thần trách nhiệm cao sẽ là môi trường giáo dục tốt nhất cho từng học sinh. Ngoài ra việc thường xuyên thu hút các em vào quá trình bàn bạc chung sẽ dần dần tạo ra ở các em lòng tin vững chắc rằng các em có vị trí nhất định trong lớp và các em sẽ cố gắng nỗ lực và hợp tác với mọi thành viên để hoàn thành công việc được giao. Đảm bảo giao lưu dưới hình thức đối thoại: Giao lưu giữa học sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình giáo dục. Chính thông qua giao lưu với bạn, mà năng lực hiểu người khác, hiểu bạn của mỗi học sinh được xây dựng và do đó năng lực hiểu bản thân mình được hình thành và năng lực tự ý thức, cơ sở của tự giáo dục được phát triển. Trong quá trình giao lưu, các em trao đổi với nhau những quan điểm, tư tưởng, hứng thú, tâm trạng, xúc cảm và từ đó có tác động lẫn nhau. Trên cơ sở của những hiểu biết về nhau, học sinh mới dễ dàng cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên bầu không khí lớp học đoàn kết, cởi mở và thân thiện. Trong quá trình bàn bạc các công việc chung của lớp trong tiết sinh hoạt tập thể dưới hình thức giao lưu - đối thoại sẽ phát triển được bầu không khí thuận lợi cần thiết cho giáo dục, giúp mọi học sinh tin tưởng và không sợ hãi về mặt tâm lí. Các em sẵn sàng đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình, sẵn sàng nghe và tiếp nhận những ý kiến của người khác một cách tôn trọng. Giao lưu - đối thoại sẽ phát triển ở mọi học sinh lòng tin vào sức lực cá nhân, phát triển thái độ phê bình đối với bản thân, sự tôn trọng đối với các bạn, tính sẵn sàng giải quyết có sáng tạo các vấn đề đặt ra và niềm tin vào khả năng giải quyết chúng. III. CÁC PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRONG GIỜ SINH HOẠT CHỦ NHIỆM Sau khi giáo viên tổ chức cho học sinh tổng kết thi đua, phổ biến kế hoạch, tuyên dương học sinh tiến bộ, xử lí học sinh vi phạm nội quy…thì nên tổ chức các hoạt động theo các phương pháp sau: 1. Phương pháp đóng vai a. Khái niệm Đóng vai là một phương pháp trong đó một số thành viên diễn thử tình huống như ở ngoài đời trước mặt tập thể lớp. Sau đó các nhóm trao đổi dưới sự hướng dẫn của giáo viên để rút ra những điều cần học tập, rút kinh nghiệm trong cuộc sống, trong ứng xử. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy. b. Tác dụng Kích thích sự hứng thú và tham gia tích cực của học sinh. Phát triển kỹ năng giao tiếp và diễn đạt bằng ngôn ngữ một cách dễ dàng. Giúp học sinh có kỹ năng hòa nhập với cuộc sống, sống hòa hợp với mọi người qua việc đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ. Tăng sự đoàn kết giữa các thành viên trong lớp. c. Những chú ý khi thực hiện: Mất thời gian, dễ xa rời thực tế khi đóng “kịch” quá mức. Tình huống mà học sinh đóng vai nên để mở phần kết để học sinh tự nghĩ. d. Quy trình thực hiện Giới thiệu cho học sinh tình huống mà các em sẽ đóng vai, trao đổi thảo luận để làm rõ (nên chọn tình huống ngắn). Phân vai cho các học sinh (tự nguyện hoặc chỉ định). Các “diễn viên” suy nghĩ, chuẩn bị và nhập vai. Các “diễn viên” của các nhóm lên biểu diễn trước tập thể lớp. Trao đổi rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết. Ví dụ: Tiểu phẩm “Hai con chim” Trong năm học 2013-2014, tôi chủ nhiệm lớp 10A4, là một lớp có phong trào học tập khá sôi nổi. Tuy nhiên trong lớp có hai học sinh là Trần Thị Huyền Trang và Nguyễn Tài Linh ngồi cùng một bàn không hợp tác trong tất cả các họat động nhóm mà giáo viên yêu cầu. Vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm của tuần học thứ tám, Trang xin được đổi chỗ ngồi vì lí do không thể cùng quan điểm, không thảo luận với bạn Linh được. Tôi đã nói để cô xem xét lại và tổ chức cho lớp đóng tiểu phẩm ngay vào tuần học thứ chín. Tiểu phẩm như sau: “Có hai con chim đậu trên hai cành cây vú sữa. Lá của cây vú sữa có đặc điểm là mặt trên và mặt dưới của lá rất khác nhau. Hai con chim nói chuyện với nhau: - Chim A: Này cậu, những chiếc lá mới xanh làm sao cậu nhỉ. - Chim B: Tớ thấy nó vàng vọt chứ có xanh tí nào đâu. - Chim A: Mắt cậu để đi đâu vậy, lá màu xanh mơn mởn kìa . - Chim B: Màu vàng như sắp lìa khỏi cành, vậy mà cậu cứ bảo xanh. Cậu không có mắt thì có.” Hãy đóng vai hai con chim và nghĩ ra đoạn kết để xử lí tình huống trên. Học sinh đã nghĩ ra cách xử lí tình huống như sau: Nhóm 1: Cả hai con chim cãi nhau mãi không giải quyết được đành nhờ một con chim lớn hơn giải quyết vấn đề của hai chú chim non. Các “diễn viên” của nhóm 1 Các “diễn viên” của nhóm 1 Nhóm 2: Giải quyết bằng cách hòa bình, cả hai con chim cùng bàn bạc tìm ra câu trả lời hợp lí. Các “diễn viên” của nhóm 2 Nhóm 3: Một con chim giận dỗi bay đi, con chim ở lại buồn nên bay lên bay xuống nơi bạn mình đã đậu mới nhận ra sự khác biệt của chiếc lá. Nó đã bay đi tìm bạn về và nói cho bạn hiểu về sự khác nhau đó. Các “diễn viên” của nhóm 3 Nhóm 4: Hai con chim cãi nhau, chuẩn bị đánh nhau, rồi hai con chim nhảy lên nhảy xuống ở hai vị trí khác nhau mới nhìn thấy hai mặt của chiếc là có hai màu khác nhau. Cả hai cùng hiểu ra vấn đề. Các “diễn viên” của nhóm 4 Sau đó giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận, nhận xét về cách xử lí tình huống của các nhóm, rút ra bài học qua tình huống trên, trao giải cho nhóm có diễn xuất hay nhất. Đại diện nhóm nhận phần thưởng Tình huống trên muốn gửi tới học sinh một thông điệp rất ý nghĩa. Trong cuộc sống, mỗi người có một cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, đừng đem suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác, buộc người khác phải theo ý mình một cách máy móc. Chúng ta vẫn có thể nêu lên ý kiến của mình nhưng đồng thời phải đặt mình vào vị trí của người khác khi họ bất đồng quan điểm với mình thì mối quan hệ với mọi người sẽ hài hòa hơn, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Ngoài ra, qua tình huống giúp học sinh rèn luyện khả năng giải quyết xung đột trong cuộc sống thường ngày và trong học tập. Sau khi sử dụng phương pháp này, những mâu thuẫn nhỏ trong học tập và cuộc sống thường ngày của học sinh được xử lí theo hướng tích cực. Đặc biệt hai bạn Trang và Linh đã hòa đồng với nhau, xin được ngồi vị trí cũ, tất cả các hoạt động của nhóm đều phối hợp thực hiện rất hài hòa nhịp nhàng. 2. Phương pháp kể chuyện tích cực a. Khái niệm Phương pháp kể chuyện tích cực là phương pháp giáo viên kể chuyện nhưng yêu cầu người nghe phải đặt tên cho câu chuyện và trả lời các câu hỏi có liên quan. b. Tác dụng Phát huy tính tích cực trong hoạt động và học tập. Phát triển tư duy, trí thông minh cho học sinh. Tạo không khí vui vẻ thoải mái, có tác dụng giáo dục cao nhưng nhẹ nhàng. Nâng cao vốn hiểu biết về xã hội, cuộc sống cho học sinh. c. Các bước thực hiện Chọn những câu chuyện ngắn, hấp dẫn, có nội dung phù hợp với mục đích cần đạt được. Khi kể không nói tên chuyện, có thể đặt câu hỏi có liên quan đến các tình huống trong chuyện. Kết thúc câu chuyện, yêu cầu học sinh đặt cho câu chuyện vừa nghe khoảng ba tên theo các cách thể hiện khác nhau: cụ thể, hình ảnh, khái quát theo chủ đề … d. Những chú ý khi giáo viên thực hiện phương pháp kể chuyện tích cực Lựa chọn câu chuyện có nội dung hấp dẫn, có tính giáo dục cao, phù hợp với lứa tuổi của học sinh và mục đích giáo dục. Chuẩn bị sẵn khoảng ba tên chuyện và hệ thống câu hỏi (hợp lí với các tình tiết diễn biến của câu chuyện). Khai thác những mặt tích cực của câu chuyện. Nhìn nhận đánh giá nội dung câu chuyện dưới những góc độ khác nhau. Khi kể cần lưu loát, sử dụng ngữ điệu. Sau khi kể xong cần hướng dẫn học sinh suy nghĩ tìm cách đặt tên. Ví dụ 1: Giáo viên kể một câu chuyện Trong năm học 2011-2012, tôi được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp 10A1, là một lớp có nhiều học sinh cá biệt, nhiều học sinh lưu ban, có hoàn cảnh đặc biệt. Nhận thức được sự khó khăn trong việc giáo dục những học sinh này, tôi đã tìm hiểu, sưu tầm và kể cho các em nghe một câu chuyện có thật về một học sinh cá biệt. Yêu cầu cả lớp lắng nghe và đặt tên cho câu chuyện. Trong quá trình kể cô sẽ hỏi các em về diễn biến của câu chuyện. Thời kỳ "oai hùng" của Nguyễn Vũ Xuân Trường kéo dài khá lâu nhưng "lừng lẫy" nhất là lúc học lớp 10A4 Trường THPT Hùng Vương (TPHCM). Đá banh trong sân trường, đi học trễ, cúp cua, leo tường, phá bàn ghế, đốt pháo trong nhà vệ sinh, đánh nhau... là những chuyện thường xuyên có mặt Trường. Học sinh đánh nhau không lạ, nhưng phải huy động lực lượng Cảnh sát 113 vào cuộc can thiệp thì quả thực... mới nghe lần đầu. "Mà lạ, cái gì càng cấm thì càng muốn làm bằng được", cho nên dù không muốn nhưng thầy chủ nhiệm phải đặt bút phê vào học bạ của Trường: "Vi phạm nội quy có hệ thống". Nói là lớp 10 nhưng ngay từ hồi Trường còn bé, người mẹ tội nghiệp của Trường đã nhiều lần phải tới trường với tư cách không lấy gì làm tự hào cho lắm - phụ huynh của một học sinh cá biệt. Luôn tiên phong trong các trò nghịch ngợm, Trường cũng "tiên phong" trong hàng ngũ đội sổ của lớp - một kỷ lục mà nhiều năm liền anh không chịu "nhường" cho ai. Năm lớp 10, điểm của Trường chỉ vừa đủ để không bị lưu ban, tức chỉ 3,5 điểm và hơn một tí cho tất cả các môn. Cho rằng đây là một học sinh không thể cải hóa, ban giám hiệu "mời" Trường ra khỏi trường ngay đầu năm lớp 11. Trường bắt đầu một chặng đường ba năm dang dở: nửa tháng trời phụ giữ xe ở chợ Hoàng Hoa Thám, bị đuổi khỏi trường dạy nghề Lý Tự Trọng vì đánh nhau, rồi làm sắt mỹ nghệ... (Câu hỏi 1: Theo em, sau ba năm dang dở Trường có cảm nhận như thế nào?) Một ngày nọ, khát vọng trở lại trường học cháy bỏng trong Trường. Ba năm bỏ bê đèn sách, mất kiến thức căn bản, và 20 tuổi để bắt đầu đi học trở lại... đó là những khó khăn thách thức Trường trên con đường mới. Ngay khi còn chưa biết phải làm gì thì cô Trần Thị Thân - cô giáo chủ nhiệm của anh tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, đã dìu anh những bước đầu tiên khó nhọc. Ngoài giờ học trên lớp, giờ ra chơi, sau giờ tan học, hay những buổi tối tại nhà, cô và trò đã từng bước khuất phục sự "khiêu khích" đáng ghét của môn Hóa - môn yếu nhất của Trường. Không chỉ bài vở, từ những cái nhỏ nhất như ăn mặc, đầu tóc, những trăn trở về tâm lý, cô Thân luôn là nơi mà Trường "tìm về" những lúc người mẹ tảo tần bận bịu cho việc kiếm sống. Một lần bị cô phạt đứng ở góc lớp cả tiết học vì không thuộc bài, lần đầu tiên Trường ý thức về lỗi lầm của mình. (Câu hỏi 2: Hãy dự đoán xem kết quả học tập của cậu học trò lớn tuổi này sẽ như thế nào?) Cứ thế, ngoài việc đi làm thêm, Trường lại vùi đầu vào sách vở. Một học kỳ, rồi thêm một học kỳ nấu sử sôi kinh, từ chỗ mất căn bản, anh học trò lớn tuổi nhất lớp này đã tiến thẳng lên hạng nhất của lớp, điểm số môn nào cũng cao vút, và còn đạt được số điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi bổ túc môn toán cấp thành phố. Nhưng điều mà có lẽ chưa một học sinh cá biệt nào có thể làm được chính là việc giành được số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2000 với 26,5 điểm (năm đó, Trường có điểm thi ba môn cao nhất trường chưa tính ưu tiên khu vực, đối tượng và điểm thưởng). Vừa học vừa làm thêm, giành học bổng từ Pháp, Ý... Trường vượt qua được 6 năm đại học. Được nhận về khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tương lai rộng mở trước mặt bác sĩ Trường. Dù đã từng là một học sinh cá biệt, dù học bổ túc... nhưng cánh cửa tương lai không hề đóng lại với những thanh niên đầy quyết tâm và được thầy cô tận tình dìu dắt. (Theo Hà Ánh – Báo Mực tím) Yêu cầu học sinh đặt tên cho câu chuyện: Sự thức tỉnh của một học sinh cá biệt, học sinh cá biệt trở thành thủ khoa đại học, tương lai rộng mở với những người có nghị lực… Qua câu chuyện, học sinh nhất là những học sinh cá biệt nhận thức rõ rằng, nếu mình có quyết tâm, có nghị lực thì cánh cửa tương lai sẽ rộng mở. Mình phải cố gắng thực hiện quyết tâm đó khi còn chưa muộn. Sau khi sử dụng phương pháp này, tôi đã thấy được sự chuyển biến tích cực, từ việc các học sinh cá biệt nghỉ học thường xuyên, không xin phép, đến xin phép khi vắng học và sau đó các em đi học đầy đủ. Các em đã có cố gắng học bài và làm bài đầy đủ từ đó kết quả học tập có sự tiến bộ, phong trào thi đua của lớp được nâng lên. Ngoài ra, các em cũng tự tin, cởi mở hơn khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô, mạnh dạn hỏi về những vấn đề mình chưa hiểu rõ. Ví dụ 2: Giáo viên kể câu chuyện Trong năm học 2012-2013, khi được phân công chủ nhiệm lớp 10A2, tôi đã áp dụng phương pháp này vào tuần học thứ mười. Sau khi lớp đạt hạng nhất trong thi đua của trường, như đã hứa với học sinh ở các tuần trước đó, tôi đã kể cho các em nghe một câu chuyện. Yêu cầu cả lớp lắng nghe và đặt tên cho câu chuyện. Trong quá trình kể cô sẽ hỏi các em về diễn biến của câu chuyện. Khi giáo viên thông báo như vậy sẽ tập trung được chú ý của học sinh vào câu chuyện của mình. Một buổi tối, Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo, cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang lang thang trên đường, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà. Cùng lúc đó, cô đi ngang qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền. Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quầy hàng bèn hỏi: “ Này cô bé, cô có muốn ăn một tô mì không?”. (Câu hỏi 1: Cô bé sẽ trả lời như thế nào?) “ Nhưng … nhưng cháu không mang theo tiền…” – cô thẹn thùng trả lời. “ Được rồi, chú sẽ đãi cháu – người bán nói – Vào đây, chú nấu cho cháu một tô mì”. Mấy phút sau, chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc. “ Có chuyện gì vậy?” – ông ta hỏi. “ Không có gì. Tại cháu cảm động quá!” – Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt. “ Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cháu cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu…bả ác độc quá!” – Cô bé nói với người bán mì. (Câu hỏi 2: Chủ quán sẽ nói gì với cô bé khi nghe cô nói về mẹ của mình như thế?) Nghe Sue nói, ông chủ quán thởi dài: “ Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Chú mới chỉ đãi cháu có một tô mì mà cháu đã cảm động như vậy, còn mẹ cháu đã nuôi cháu từ khi cháu còn nhỏ xíu, sao cháu lại không biết ơn mà còn dám cãi lời mẹ nữa?” Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó. “ Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bào giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ dù chỉ một chút. Chỉ vì một chuyện nhỏ, mình lại cự cãi với mẹ”. Trên đường về, cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ: “ mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con…” ( Câu hỏi 3: Các em hãy đoán xem, cô bé sẽ nhìn thấy điều gì khi về đến nhà?) Khi bước lên thềm cửa, cô nhìn thấy mẹ đang mệt mỏi và lo lắng vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô mừng rỡ nói: “ Sue, vào nhà đi con. Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong nảy giờ rồi, vào mà ăn ngay cho nóng…” Không thể kiềm giữ được cảm xúc, Sue òa khóc trong tay mẹ. Yêu cầu học sinh rút ra bài học từ câu chuyện. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích với những hành động nhỏ mà một số người xung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hy sinh của họ như chuyện đương nhiên. Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời. Cha mẹ không mong đợi chúng ta trả công nuôi dưỡng, nhưng… Liệu có bao giờ cúng ta biết quý trọng sự hy sinh vô điều kiện này của cha mẹ chúng ta chưa? Yêu cầu học sinh đặt tên cho câu chuyện: học sinh đã đặt nhiều tên khác nhau, giáo viên đều ghi lại những tên đó lên bảng, ghi cả tên chuyện mà giáo viên đã chuẩn bị: tô mì của người lạ, tình mẫu tử, chữ hiếu… Sau khi thực hiện phương pháp này, tôi nhận thấy học sinh tham gia vào việc trả lời câu hỏi và đặt tên chuyện rất tích cực. Điều này chứng tỏ các em rất chú ý vào câu chuyện tôi kể, rất hào hứng và thoải mái khi tham gia, phát huy được tính tích cực của học sinh. Qua câu chuyện, học sinh được giáo dục về tình cảm gia đình, lòng biết ơn, thái độ ứng xử với đấng sinh thành. Bên cạnh đó, khai thác một tình tiết nhỏ khi cô bé được hỏi có muốn ăn một tô mì không? Cô bé đã trung thực trả lời là cháu không mang theo tiền. Đây là tình tiết giáo dục học sinh về tính trung thực trong cuộc sống ngay cả khi mình rất cần đến nó nhưng vẫn trả lời ngay thẳng không gian dối. 3. Phương pháp tổ chức cuộc thi a. Khái niệm Là một phương pháp tổ chức cho học sinh thành các đội nhỏ thi với nhau một số nội dung mà giáo viên đưa ra theo một tiêu chí cụ thể. b. Tác dụng Tạo được sự đoàn kết trong tập thể, phát hiện những tài năng tiềm ẩn. Giúp học sinh bộc lộ tính cách trong các hoạt động. Tạo hứng thú, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, tự tin trong quá trình thể hiện. c. Những chú ý khi thực hiện Mất nhiều thời gian nên việc thực hiện những công việc chung của buổi sinh hoạt phải tổ chức nhanh gọn. Giáo viên nên quán triệt nội quy lớp cho học sinh trong thời gian 15 phút đầu giờ để dành thời gian cho cuộc thi. d. Quy trình thực hiện Thông báo trước cho học sinh biết nội dung sẽ thi từ tuần trước. Yêu cầu các nhóm chuẩn bị những vật dụng cần thiết như: giấy, bút,… Thông báo thể lệ cuộc thi. Tổ chức thi. Kết thúc, nhận xét trao giải. Ví dụ: Cuộc thi vẽ và thuyết trình logo của nhóm. Năm học 2012-2013, khi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 10A2, sau một vài tuần đầu, tôi nhận thấy tinh thần đoàn kết của lớp chưa cao, chuẩn bị có dấu hiệu chia bè phái khi trình bày ý kiến, khi tham gia các hoạt động của trường, của lớp. Học sinh trong lớp thuộc những trường khác nhau hội tụ về nên chưa có cơ hội hiểu rõ nhau, chưa hòa đồng trong các hoạt động học tập và tham gia các phong trào. Với mục đích đưa học sinh xích lại gần nhau hơn, có cách làm việc theo nhóm và phát hiện ra những năng khiếu tiềm ẩn, tôi đã tổ chức cho các nhóm thi vẽ và thuyết trình logo của nhóm. Giáo viên thông báo cho học sinh biết nội dung sẽ thi từ tuần trước. Thông báo thể lệ cuộc thi: Thời gian cho các nhóm vẽ là 15 phút. Hết giờ là tất cả các nhóm phải dán logo của nhóm mình lên bảng. Mỗi nhóm thuyết trình logo trong vòng 3 phút. Lần lượt các nhóm cử đại diện lên thuyết trình cho logo của nhóm mình. Nhóm nào vẽ đẹp và thuyết trình hay sẽ chiến thắng. Giáo viên nhận xét, đánh giá, trao giải cho nhóm đạt điểm cao nhất. Học sinh trang trí lớp trước khi bước vào cuộc thi, các thành viên nhóm 2 vẽ logo (Học sinh nam trong hình trên đã từng là học sinh cá biệt, giờ đang cùng bạn trang trí lớp để cho cuộc thi thêm phần sinh động) Các thành viên nhóm 1 vẽ logo Đại diện nhóm 2 thuyết trình logo Đại diện nhóm 1 thuyết trình logo Niềm vui khi nhận phần thưởng Đại diện nhóm 4 thuyết trình logo Các thành viên nhóm 3 vẽ logo Qua việc tổ chức cuộc thi này, những học sinh nào có năng khiếu về hội họa sẽ được bộc lộ, đây là những nhân tài lớp có thể chọn để tham gia các phong trào như làm báo tường, …Học sinh được rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng thuyết trình và trình bày trước đám đông. Từ những hoạt động như vậy, các thành viên trong lớp có cơ hội hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau và tập thể lớp ngày càng đoàn kết. 4. Phương pháp động não (phương pháp não công) a. Khái niệm về phương pháp động não Phương pháp động não được A. Osborn, người Mỹ đưa ra năm 1938. A.Osborn nhận thấy rằng: “Trong cuộc sống những người giàu trí tưởng tượng có khả năng phát nhiều ý tưởng thì thường bị hạn chế về mặt phân tích, phê phán. Ngược lại, những người giỏi phân tích, phê phán lại hay gặp khó khăn khi phải đề xuất ra những ý tưởng mới. Nếu hai nhóm người này làm việc chung thì họ thường cản trở lẫn nhau; tuy nhiên, nếu biết phương pháp phối hợp hoạt động giữa họ thì kết quả sẽ rất tốt”. Động não là phương pháp tạo ra những ý tưởng mới mẻ về một vấn đề nào đó dựa trên nguyên tắc “khoan hãy phê phán”. Hãy tập hợp tất cả các ý kiến về một vấn đề, sau đó mới đánh giá, chọn ra ý kiến hoặc phương án tốt nhất. Phương pháp này cổ vũ mọi người cùng quan tâm, cùng tham gia và suy nghĩ một cách sáng tạo. Cơ sở của phương pháp là giữa các ý tưởng khác nhau đều có mối liên kết với nhau. Khi một ý tưởng được đưa ra thì sẽ có một hay nhiều ý tưởng khác gắn với nó, cùng chiều hay ngược chiều. Toàn bộ những ý tưởng đó sẽ cho ta cái nhìn tổng thể, để từ đó chọn ra ý tưởng hay hay giải pháp tốt nhất. b. Tác dụng của phương pháp động não Động não là một phương pháp tích cực hóa hoạt động tư duy. Động não là cách tốt nhất để giờ học trở nên cuốn hút. Động não lôi cuốn học sinh tham gia sôi nổi vào quá trình suy nghĩ tích cực và sáng tạo. Động não không chỉ sử dụng trong lớp học mà còn được sử dụng trong cuộc sống mỗi khi gặp vấn đề gì vướng mắc. Động não giúp tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề trước đây chưa giải quyết được bằng các phương pháp khác. c. Ưu điểm Dễ thực hiện, không tốn kém, tạo cơ hội cho tất cả các thành viên tham gia. Huy động được nhiều ý kiến, sử dụng được hiệu ứng cộng hưởng, huy động tối đa trí tuệ của tập thể. d. Những chú ý khi thực hiện Có thể mất nhiều thời gian trong việc chọn các ý kiến thích hợp. Có thể đi lạc đề, tản mạn, nhiều ý tưởng xa rời thực tế, ít có giá trị. Dễ xảy ra tranh cãi. Có thể có một số học sinh quá tích cực, một số khác thụ động. e. Quy tắc thực hiện Không được phép đánh giá và phê phán một cách vội vã. Số lượng quan trọng hơn chất lượng. Quy tắc này có vẻ ngược với những quy tắc thông thường nhưng một ý tưởng không đúng nhiều khi lại là khởi nguồn của những ý tưởng đúng. Những ý tưởng lạ cần đặc biệt hoan nghênh. Nên ghi lại cả những ý tưởng mới nghe có vẻ như điên rồ hoặc không thực hiện được vì đó thể hiện sự tôn trọng các ý tưởng. Hãy móc nối với ý tưởng của người khác. Tất cả các ý tưởng liên quan đến chủ đề đều được ghi lại. Chỉ khi đã tập hợp được nhiều ý tưởng hay mới thực hiện hoạt động đánh giá. f. Quy trình thực hiện Hướng dẫn học sinh mục đích yêu cầu và quy tắc động não. Quy định thời gian hoạt động. Chia nhóm, chọn nhóm trưởng (thường là tổ trưởng) và thư ký. Có thể tiến hành đặt tên nhóm để tập dợt tư duy sáng tạo. Xác định vấn đề giải quyết, có thể viết ra giấy hoặc viết lên bảng để các nhóm nhìn thấy. Vấn đề phải cụ thể, thực tế, có tính thách đố. Ví dụ như: Làm thế nào để có kết quả học tập tốt? Giải pháp ngăn bạo lực học đường. Những bài học kinh nghiệm trọng việc giải bài tập khó. Làm thế nào để giải tỏa stress trong cuộc sống? Làm thế nào để tạo mối quan hệ thân thiện với mọi người?... Chọn ra những giải pháp có nhiều người đề xuất nhất (tối đa là 10 giải pháp). Mỗi học sinh đánh giá tính khả thi và hiệu quả của từng giải pháp bằng cách ghi ra giấy theo thang điểm 10). Thư ký tổng hợp kết quả. Đánh giá và chọn ra các giải pháp tốt nhất. Nếu điểm số quá chênh lệch thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân. Ví dụ: Chủ đề: “Giải pháp để có kết quả học tập tốt” (lớp 10A4 năm học 2013-2014) Để giúp học sinh có những giải pháp học tập đạt hiệu quả, tôi tổ chức cho học sinh thực hiện chủ đề não công “giải pháp để có kết quả học tập tốt” vào tuần học thứ ba. Chủ đề này không những giúp học sinh tìm ra những giải pháp bổ ích cho việc học mà còn giúp giáo viên hiểu thêm về suy nghĩ của học sinh khi đưa ra ý kiến và đánh giá các ý kiến của các thành viên trong nhóm. Bước 1: Giáo viên giới thiệu mục đích yêu cầu và quy tắc động não. Bước 2: Chọn nhóm trưởng và thư ký: 4 nhóm trưởng và 4 thư ký, ghi danh sách nhóm, phát phiếu cho từng nhóm. Bước 3: Viết tên chủ đề lên bảng cho 4 nhóm nhìn thấy. Bước 4: Tổ chức cho các thành viên của mỗi nhóm ghi ý tưởng của mình ra giấy và chọn ra giải pháp được nhiều người đề xuất. Bước 5: Đánh giá theo thang điểm và chọn giải pháp tốt nhất. Bước 6: giáo viên công bố tổng điểm và xếp hạng của các ý tưởng của mỗi nhóm cho chủ đề não công trên. Sau đây là kết quả thực hiện chủ đề não công của học sinh. Do 4 nhóm có nội dung tương tự nhau nên tôi chỉ lấy ví dụ của nhóm 1. Danh sách nhóm (nhóm 1 – tổ 1) 1, Trần Kim Dung (nhóm trưởng) 6, Trần Thị Hoài Linh 2, Phạm Thị Đoan 7, Lại Thị Bưởi (thư ký) 3, Trần Ngọc Phong 8, Trương Công Phong 4, Lý Văn Trường 9, Nguyễn Thị Tú Cầm 5, Trịnh Thị Ánh 10, Trần Thị Thùy Trang Sau khi thảo luận, nhóm đã chọn được 8 ý kiến được nhiều người đề xuất. Phiếu tổng hợp của nhóm: Giải pháp để có kết quả học tập tốt Ý tưởng Điểm đánh giá các ý tưởng của các thành viên trong nhóm: 1 Tổng cộng Xếp hạng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Lắng nghe thầy cô giảng bài 10 9 9 10 10 9 9 10 9 10 95 I Làm bài tập ở nhà đầy đủ 9 9 10 9 9 9 9 9 10 9 92 II Đọc bài mới trước khi đến lớp 8 8 9 8 8 8 8 9 8 10 84 III Đọc các bài văn tham khảo 8 7 6 8 7 8 8 9 9 9 79 IV Đi học đầy đủ, đúng giờ 7 8 7 7 8 6 6 8 8 7 72 V Thành lập đôi bạn cùng tiến 7 7 6 6 7 6 6 7 7 8 67 VI Ngiêm túc trong kiểm tra và thi cử 9 7 6 7 6 6 6 5 7 8 66 VII Hỏi thầy cô về những bài tập khó 7 7 6 6 6 6 6 6 7 8 65 VIII Sau khi thực hiện phương pháp này, học sinh tích cực hơn trong các hoạt động học tập, làm bài tập tương đối đầy đủ, không có học sinh vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử, kết quả học tập của các em được cải thiện. IV. KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CỦA ĐỀ TÀI Qua nhiều năm áp dụng đề tài, tôi và học sinh lớp chủ nhiệm đã nhận được những kết quả đáng khích lệ. Học sinh rất yêu thích và mong chờ đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em thường đoán tuần tới sẽ được tham gia những hoạt động gì cho dù phần thưởng chỉ mang tính chất động viên tinh thần. Ngay cả những học sinh cá biệt, trước đây chỉ trông chờ sao cho hết giờ sinh hoạt, thì giờ đây tham gia rất tích cực vào các hoạt động cùng các bạn, có kết quả học tập tiến bộ, thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Tôi cảm nhận được sự hào hứng của học sinh khi tham gia. Các em tự giác trang trí lớp học sôi nổi để chào đón giáo viên chủ nhiệm khi bước vào lớp. Tính năng động, sáng tạo của học sinh cũng được thể hiện trong các hoạt động, các học sinh được chọn làm giám khảo cùng giáo viên làm việc rất khách quan, nhiệt tình và có trách nhiệm. Học sinh thể hiện các tài năng của mình trong việc diễn những tình huống, khả năng thuyết trình, năng khiếu hội họa. Từ đó, tôi có nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn về học sinh của mình. Từ việc tổ chức các hoạt động phong phú, tôi đã giúp học sinh của mình có cơ hội tham gia, thể hiện bản thân, nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ đó, tình hình vi phạm của học sinh giảm đi rõ rệt so với đầu năm, chất lượng học tập cũng được cải thiện, các phong trào của nhà trường được các em đón nhận tham gia rất nhiệt tình. Tinh thần đoàn kết của lớp càng ngày càng tiến bộ. Sau đây là kết quả ba năm học vừa qua của lớp tôi chủ nhiệm: Năm học 2011-2012 2012-2013 2013-2014 (Học kỳ I) Duy trì sĩ số 33/33 32/32 37/37 Học sinh đạt trung bình trở lên 28/33 29/32 34/37 Các Phong trào học sinh tham gia trong năm học 2013 - 2014 Giải III hội thi làm lồng đèn trung thu Giải II báo tường chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 Giải III hội diễn văn nghệ mừng đảng mừng xuân Giải I thi kéo co trong các trò chơi dân gian do Đoàn trường tổ chức Giải II nhảy bao bố trong các trò chơi dân gian do Đoàn trường tổ chức Tham gia kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đoàn trường phát động Trồng và chăm sóc hai cây Lộc vừng do Đoàn trường phát động Tham gia hội diễn văn nghệ chào mừng ngày truyền thống bộ đội biên phòng và quốc phong toàn dân 3-3 tại Đồn biên phòng 797 Tham gia các phong trào nhân đạo, khuyến học do trường và địa phương phát động V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM Theo tôi, để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục học sinh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên cần phải: Xây dựng nội dung, chương trình một cách khoa học, phân công cụ thể cho các thành viên trong lớp, chuẩn bị những thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động. Lựa chọn những tuần học sinh ít vi phạm để có đủ thời gian tổ chức các hoạt động, ngoài ra, giáo viên có thể quán triệt nội quy học sinh trong mười lăm phút đầu giờ của buổi học. Tạo cơ hội cho học sinh thể hiện hết khả năng của mình, giáo viên không nên áp đặt hay khắt khe trong các tình huống, tạo một tâm thế thoải mái cho học sinh khi tham gia. Các hoạt động được tổ chức phải đa dạng, phong phú, phù hợp với thời gian của tiết sinh hoạt. Tuyên dương kịp thời, cho dù là những biểu hiện nhỏ nhặt nhất nhưng có sự tiến bộ của học sinh. Để làm được điều này, giáo viên phải thật sự quan tâm và chú ý tới học sinh của mình. Ngoài ra giáo viên phải giáo dục học sinh thường xuyên, xuyên suốt quá trình làm công tác chủ nhiệm chứ không chỉ dừng lại trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Làm được như vậy thì việc giáo dục học sinh mới đạt kết quả cao. Xây dựng quỹ nhỏ để khen thưởng cho hoạt động giáo dục, thông báo với phụ huynh về quỹ này. Làm như vậy, học sinh sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng quỹ của lớp. Sau khi tổ chức mỗi hoạt động, giáo viên nên dành thời gian để học sinh thảo luận, đánh giá, rút ra bài học trong cuộc sống, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Ngoài sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên, học sinh phải phối hợp nhịp nhàng, tích cực tham gia từ khâu chuẩn bị đến tham gia các hoạt động do giáo viên tổ chức. PHẦN 3: KẾT LUẬN Giáo dục học sinh là trách nhiệm chung của gia đình và nhà trường và xã hội. Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm là người phải chủ động tìm ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, áp dụng những phương pháp tích cực vào các hoạt động giáo dục đặc biệt là giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Có tổ chức được các hoạt động bổ ích thì mới lôi kéo học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội, uốn nắn, điều chình hành vi của học sinh kịp thời. Để tổ chức được các hoạt động phong phú thu hút học sinh tham gia đòi hỏi giáo viên phải chịu khó đầu tư về thời gian, tìm hiểu nhiều hoạt động. Ngoài ra, giáo viên phải thật sự có tâm huyết với những hoạt động mà mình sẽ tổ chức, kiên trì bền bỉ và phải sáng tạo năng động trong các tình huống. Vì mỗi đối tượng học sinh đều có những đặc điểm khác biệt nên phải áp dụng sao cho linh hoạt thì hiệu quả mới cao. Áp dụng những phương pháp dạy học tích cực để tổ chức các hoạt động giáo dục có một tác dụng to lớn trong việc làm phong phú cho tiết sinh hoạt cuối tuần, khắc phục được lối sinh hoạt truyền thống gây nhàm chán cho học sinh. Ngoài việc phát huy tính tích cực sáng tạo, chủ động, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, nó sẽ thúc đẩy phong trào thi đua học tập của lớp ngày càng tiến bộ. Trên đây là những kinh nghiệm được thực hiện trong quá trình làm công tác chủ nhiệm mà tôi cùng các đồng nghiệp đã áp dụng trong nhiều năm qua. Sáng kiến kinh nghiệm của tôi trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp, của những giáo viên chủ nhiệm, của chuyên môn để sáng kiến kinh nghiệm của tôi được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn! Tân Tiến, ngày 06 tháng 3 năm 2014 Người viết Nguyễn Thị Lánh DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1,Các phương pháp dạy học tích cực và hiệu quả - PGS.TS. Trịnh Văn Biều - Đại học sư phạm TPHCM. 2, Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông – Bộ giáo dục và đào tạo. 3, Các tài liệu tổng hợp từ internet, báo chí như: quà tặng cuộc sống, cafemuoi.net, báo mực tím, báo giáo dục thời đại… MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxgiao_duc_hs_thpt_10_3_4663.docx
Tài liệu liên quan