Vận dụng phương pháp dạy học vi mô trong quá trình rèn luyện nghiệp vụ nhằm hình thành và phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học
Micro-teaching is considered as a students-centered teaching method. The Micro-teaching method
is appropriate in the initial training for pedagogic students to understand separate skills, form the
component competences of the teaching profession. In this study, we apply micro-teaching method
to professional training course to form and develop pedagogic competence for students of
elementary pedagogy so that they are able to become qualified teachers to meet the current
requirements of educational reform.
6 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 412 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học vi mô trong quá trình rèn luyện nghiệp vụ nhằm hình thành và phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Thị Trúc Minh và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 133(03)/1: 133 - 138
133
VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VI MÔ
TRONG QUÁ TRÌNH RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ NHẰM HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC SƯ PHẠM CHO SINH VIÊN
NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC
Nguyễn Thị Trúc Minh*, Trần Thụy Hoàng Yến
Trường Đại học Đồng Tháp
TÓM TẮT
Dạy học vi mô được xem là một phương pháp dạy học lấy hoạt động của người học làm trung tâm.
Phương pháp dạy học vi mô rất thích hợp trong việc đào tạo ban đầu cho sinh viên sư phạm nắm
chắc từng kỹ năng riêng biệt, hình thành các năng lực bộ phận của nghề dạy học. Trong nghiên
cứu này, chúng tôi vận dụng phương pháp dạy học vi mô trong quá trình rèn luyện nghiệp vụ để
hình thành và phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học nhằm đào tạo ra
một đội ngũ giáo viên Tiểu học có năng lực đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Từ khóa. Dạy học vi mô, rèn luyện nghiệp vụ, năng lực sư phạm.
ĐẶT VẤN ĐỀ*
Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống
giáo dục quốc dân. Chất lượng giáo dục Tiểu
học phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ
giáo viên, vì giáo viên chính là người trực tiếp
điều khiển và tổ chức các quá trình học tập.
Năng lực sư phạm (NLSP) của giáo viên là
một trong những yếu tố quan trọng quyết định
đến chất lượng, hiệu quả của giờ học cũng
như đem lại sự thành công trong quá trình dạy
học của chính giáo viên đó. Do đó, việc đào
tạo ra một đội ngũ giáo viên Tiểu học có năng
lực là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với
các trường sư phạm. Để thực hiện nhiệm vụ
này tốt hơn, chúng tôi đã vận dụng phương
pháp dạy học vi mô (PPDHVM) trong quá
trình rèn luyện nghiệp vụ để hình thành và
phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên
(SV) ngành Giáo dục Tiểu học.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Phương pháp dạy học vi mô
Vào đầu những năm 1960, PPDHVM được
Dwight W. Allen, Ryan và các đồng nghiệp
tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) khởi xướng
nhằm đào tạo một số giáo viên trong dịp hè,
chuẩn bị cho họ đảm nhiệm một cách hiệu
quả hơn ở một lớp học thật sự vào dịp khai
giảng năm học sau. Allen và Ryan cho rằng
*
Tel: 0907 653929
cách tiếp cận tổng quát (từ một tiết học, một
lớp học hay một đối tượng phức tạp) có thể
thay thế bằng việc tiếp cận dạy học những nội
dung giảng ngắn (5 – 10 phút) cho một nhóm
đối tượng (6 – 12 học viên) sẽ kích thích năng
khiếu (tài khéo léo sư phạm của giáo viên),
việc tập giảng của SV sẽ được ghi hình lại và
sau đó được đem ra phân tích nhằm tìm ra các
năng khiếu mà người thầy cần làm chủ trong
mỗi tiết dạy [6].
Theo các nhà khoa học ở Đại học Stanford [6]
thì: “PPDHVM là phương pháp dạy học mà
trong đó tính phức tạp của việc giảng dạy tại
những phòng học bình thường được đơn giản
hóa hay nó được ví như một hệ thống những
hoạt động thực hành theo những kĩ năng
giảng dạy có tính xác định được giám sát,
đánh giá có sự quản lí”.
Theo “Tập huấn dạy và học tích cực và sử
dụng thiết bị dạy học” - Dự án Việt – Bỉ
(2006) [5]: Dạy học vi mô thực chất là dạy
học, trong đó sự phức tạp của lớp học bình
thường đã được làm đơn giản hóa đi để tập
trung huấn luyện giáo sinh hoàn thành những
bài tập đặc biệt về kĩ năng, đồng thời cho phép
tăng cường giám sát thực hành và sự đóng góp
những ý kiến phản hồi được kịp thời.
PPDHVM được tiến hành theo một qui trình
gồm 6 bước [7] như sau:
Nguyễn Thị Trúc Minh và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 133(03)/1: 133 - 138
134
Soạn giáo án (Plan): SV lựa chọn nội dung
và các kỹ năng cần rèn luyện, sau đó soạn
một kế hoạch dạy học theo một trình tự hợp lí
mà có thể thể hiện được tối đa các thành phần
của một năng lực nào đó.
Giảng dạy (Teach): SV tiến hành dạy một bài
học nhỏ theo kế hoạch đã chuẩn bị trước. Giờ
học diễn ra có sự tham dự của giảng viên
(GV) hướng dẫn và các SV khác, các SV này
đóng vai trò vừa là người dự và vừa là người
học. Quá trình này được ghi hình lại.
Đánh giá – Phản hồi (Feedback): GV hướng
dẫn cho tất cả SV xem lại giờ dạy trên băng
ghi hình (với số lần cần thiết), sau đó tiến
hành phân tích, thảo luận, đánh giá ưu điểm
và hạn chế của SV.
Soạn lại giáo án (Replan): Dựa trên những
nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm ở bước 3,
người dạy tiến hành soạn lại giáo án.
Giảng dạy lại (Reteach): SVdạy lại bài học
cũ với giáo án mới. Lần dạy này cũng được
ghi hình.
Đánh giá lại (Refeedback): SV dạy được GV
hướng dẫn và các SV dự giờ đánh giá lại
nhằm rút ra kết luận và cách ứng xử phù hợp,
dạy học có hiệu quả hơn.
Qui trình dạy học theo PPDHVM có thể mô
tả theo sơ đồ sau:
Sơ đồ. Qui trình dạy học theo PPDHVM
Vai trò của PPDHVM trong việc hình
thành và phát triển NLSP cho SV Tiểu học
Qua phân tích qui trình của PPDHVM kết
hợp với phân tích mục tiêu của nhiệm vụ rèn
luyện nghiệp vụ cho SV ngành Giáo dục Tiểu
học, chúng tôi nhận thấy vận dụng PPDHVM
trong quá trình rèn luyện nghiệp vụ cho SV
Tiểu học là thích hợp và có tính thực tiễn cao.
Điều này không chỉ góp phần đổi mới phương
pháp và hình thức tổ chức dạy học mà còn
hình thành và phát triển vững chắc NLSP cho
SV vì những lý do sau:
- Việc ghi hình và xem lại quá trình dạy học:
không chỉ giúp SV tự đánh giá được mức độ
đạt được, thấy được các điểm yếu cần rèn
luyện, tích cực chủ động trong việc điều
chỉnh NLSP của bản thân; mà còn kích thích
SV quan tâm đến cách ứng xử và tác phong
của bản thân, kịp thời điều chỉnh hành vi của
mình cho phù hợp với từng hoạt động dạy học,
điều này hình thành cho SV thói quen ứng xử
và tác phong mẫu mực của người thầy.
- Đánh giá – Phản hồi: phát triển ở SV khả
năng phân tích tình huống, khả năng tự
đánh giá, tự sửa chữa, đồng thời giúp SV
tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản
thân, tự tin hơn trong học tập và công tác
giảng dạy sau này.
- Giảng dạy lại: giúp SV có cơ hội rèn luyện
và phát triển các NLSP cần được lĩnh hội (ít
nhất hai lần) cho đến khi đạt được các năng
lực đó.
- Việc sử dụng các thiết bị hiện đại: ngoài tác
dụng kích thích SV học hỏi để biết cách sử
dụng, việc này còn làm cho SV thấy được hiệu
quả và sự cần thiết của việc ứng dụng những
phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy
học. Đây là sự trang bị kỹ năng nghề nghiệp
rất cần thiết cho SV trong thời đại ngày nay.
- Bên cạnh những yếu tố trên, PPDHVM còn
phát triển ở SV kỹ năng làm việc nhóm; thái
độ nghiêm túc trong nhận xét, đánh giá, tự
phê phán, tự sửa chữa; tinh thần đoàn kết và
giúp đỡ nhau trong học tập.
Tổ chức rèn luyện nghiệp vụ theo
PPDHVM
Sau khi tất cả SV đều được rèn luyện các kỹ
năng đơn lẻ (kỹ năng đọc, kỹ năng trình bày
Nguyễn Thị Trúc Minh và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 133(03)/1: 133 - 138
135
bảng, kỹ năng đặt câu hỏi), chúng tôi vận
dụng PPDHVM vào quá trình rèn luyện kết
hợp nhiều kỹ năng cho một lớp SV ngành
Giáo dục Tiểu học ở trường Đại học Đồng
Tháp theo 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
- GV cung cấp cho SV khái niệm, ý nghĩa
cũng như cách thức thực hiện của PPDHVM
và các kỹ năng dạy học cần được hình thành
trong quá trình rèn luyện nghiệp vụ. GV cho
SV xem một đoạn băng ghi hình mẫu và
hướng dẫn cách thức quan sát các kỹ năng
cần đánh giá trong quá trình rèn luyện.
- SV được chia thành các nhóm nhỏ từ 7 – 10
sinh viên để rèn luyện, trong đó một SV sẽ
đóng vai giáo viên các SV còn lại sẽ đóng vai
học sinh, vai trò của các SV sẽ luân phiên
thay đổi trong quá trình SV tự rèn luyện.
- GV tổ chức phân công SV chuẩn bị dạy các
bài học cụ thể một cách ngẫu nhiên.
- Một phòng học thuận lợi cho việc rèn luyện
nghiệp vụ phải được trang bị các thiết bị như:
máy quay phim, máy chiếu, màn hình, bảng
đen, phấn. Trong trường hợp thiếu máy
quay phim, máy chiếu chúng ta có thể sử
dụng các thiết bị thay thế như: máy ảnh kỹ
thuật số hay điện thoại di động có chức năng
ghi âm và ghi hình, máy tính xách tay dùng
để trình chiếu đoạn hình ảnh vừa ghi được.
- Phiếu đánh giá giờ dạy: chúng tôi thiết kế
phiếu đánh giá theo 3 lĩnh vực bao gồm kỹ
năng, phương pháp và nội dung dạy học. GV
cần hướng dẫn cụ thể các tiêu chí cần đánh giá
tương ứng với mỗi lĩnh vực, để khi đánh giá
lĩnh vực nào, SV chỉ tập trung vào các tiêu chí
đã gợi ý sẵn. Mẫu phiếu đánh giá như bên dưới.
Giai đoạn 2: Tổ chức rèn luyện kết hợp
nhiều kỹ năng theo PPDHVM
Sau khi hoàn thành giai đoạn chuẩn bị chúng
tôi tổ chức cho SV rèn luyện kết hợp nhiều kỹ
năng theo PPDHVM. Sau đây chúng tôi sẽ
minh họa trường hợp một SV tập dạy bài
“Hình hộp chữ nhật. Hình lập phương” (trang
107, Toán 5).
Mục tiêu của bài “Hình hộp chữ nhật. Hình
lập phương” là giúp học sinh:
- Hình thành được biểu tượng về hình hộp
chữ nhật và hình lập phương.
- Nhận biết được các đồ vật trong thực tiễn
có dạng hình hộp chữ nhật và hình lập
phương, phân biệt được hình hộp chữ nhật
và hình lập phương.
- Chỉ ra được các đặc điểm của các yếu tố của
hình hộp chữ nhật và hình lập phương, vận
dụng để giải các bài tập có liên quan.
PHIẾU ĐÁNH GIÁ GIỜ DẠY
Người nhận xét:
Người dạy:
Bài, mục dạy:
Các lĩnh vực Tiêu chí Ý kiến nhận xét
Kỹ năng 1. Phong cách, tư thế, tác phong, tự tin
2. Ngôn ngữ trong sáng, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc
3. Các loại câu hỏi, nội dung, tình huống, giải quyết
4. Chữ viết đúng, đẹp, trình bày bảng hợp lý
Nội dung
1. Truyền đạt kiến thức chính xác, đầy đủ, khoa học, hệ thống
2. Làm nổi bật trọng tâm kiến thức cần dạy
3. Đảm bảo tính giáo dục, tính thực tiễn
Phương pháp
1. Sử dụng, kết hợp các phương pháp đặc thù bộ môn
2. Tổ chức lớp học sinh động, phối hợp giữa hoạt động thầy và
hoạt động của trò, phát huy tích cực của học sinh, sát đối tượng
3. Sử dụng tốt và hợp lý các phương tiện dạy học
4. Xử lý tốt các tình huống trong khi dạy
Nguyễn Thị Trúc Minh và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 133(03)/1: 133 - 138
136
Bài dạy này có thể được chia thành ba hoạt
động thành phần như sau:
- Hoạt động 1: Giới thiệu hình hộp chữ nhật.
- Hoạt động 2: Giới thiệu hình lập phương.
- Hoạt động 3: Thực hành nhận diện các hình
và các yếu tố của hình.
SV dạy chỉ chọn một trong 3 hoạt động trên
để tập giảng, các hoạt động còn lại SV có thể
tự rèn luyện theo nhóm cũng bằng cách vận
dụng PPDHVM.
Quá trình tập giảng của SV theo PPDHVM
diễn ra như sau:
Bước 1. Soạn giáo án (Plan)
SV vận dụng những kiến thức đã học tự thiết
kế các hoạt động dạy học của bài “Hình hộp
chữ nhật. Hình lập phương” theo mục tiêu và
nội dung của chuẩn chương trình. Việc thiết
kế các hoạt động dạy học được SV tự chuẩn
bị trước khi đến lớp.
Bước 2. Giảng dạy (Teach)
- SV dạy đã chọn hoạt động 1 (giới thiệu hình
hộp chữ nhật) để dạy và tiến hành dạy trong
khoảng thời gian từ 10 – 15 phút theo kế
hoạch đã được chuẩn bị từ trước.
- Ở lần dạy này, kế hoạch dạy học được SV
dạy tự chuẩn bị theo năng lực của bản thân,
chưa có ảnh hưởng từ những góp ý của GV
hay các SV khác.
- Có sự tham dự của GV và các SV khác.
- Quá trình dạy học này được ghi hình lại.
- Trong hoạt động dạy này, SV dạy cần đạt
được các tiêu chí đã nêu trong phiếu giá.
Trong đó, ở lĩnh vực PPDH tiêu chí 3 là rất
quan trọng vì đồ dùng dạy học là một công cụ
quan trọng để giờ dạy đạt hiệu quả cao.
Bước 3. Đánh giá – Phản hồi (Feedback)
- GV và nhóm SV (bao gồm SV vừa dạy)
xem lại băng ghi hình, có thể phát lại với số
lần cần thiết để nhóm SV quan sát sâu sắc,
phân tích tỉ mỉ.
- Nhóm SV tổ chức trao đổi, đánh giá từng
tiêu chí theo 3 lĩnh vực trong phiếu đánh giá.
- GV theo dõi quá trình trao đổi và nhận xét
của nhóm SV sau đó góp ý, rút kinh nghiệm
và đề xuất cải tiến theo hướng vận dụng
những tri thức đã học cho cả nhóm SV.
Bước 4. Soạn lại giáo án (Replan)
Trên cơ sở đánh giá của GV và các SV khác,
kết hợp với việc tự đánh giá của bản thân về
việc dạy, SV dạy sẽ tiến hành thiết kế lại các
hoạt động dạy học của nội dung dạy ban đầu.
Bước 5. Giảng dạy lại (Reteach)
- SV dạy tiến hành dạy lại nội dung ban đầu với
giáo án mới, vẫn có sự tham dự của GV, nhóm
SV và giờ dạy tiếp tục được ghi hình lại.
- Ở bước này, sự thể hiện các NLSP của SV
dạy đã có sự chuẩn bị kỹ theo các ý kiến đóng
góp của GV và các bạn SV khác chứ không
phải chỉ trình bày theo năng lực sẵn có của
bản thân như lần dạy trước.
Bước 6. Đánh giá lại (Refeedback)
- GV và nhóm SV tiến hành đánh giá lại như
bước 2. Ở lần dạy thứ hai SV dạy đã khắc
phục được hầu hết các nhược điểm của lần
dạy trước, chỉ còn một vài lỗi nhỏ SV có thể
tự khắc phục trong quá trình tự rèn luyện của
bản thân.
- Trong lần đánh giá này GV cần chú ý tập
trung đánh giá những kỹ năng cơ bản, trọng
tâm nhằm đưa ra cách thức giảng dạy phù
hợp, hiệu quả để nhóm SV có thể học tập và
làm theo, giúp nhóm SV đạt được những
NLSP cần thiết.
Các bước 2, 3, 4 có thể được lặp lại nhiều lần,
theo nhóm hoặc từng cá nhân không cần sự có
mặt của GV, cho đến khi SV làm chủ được
các kỹ năng, NLSP cần rèn luyện. Với những
lần dạy từ thứ 2, thứ 3 trở đi có thể không cần
ghi hình để tiết kiệm thời gian.
PPDHVM rất thích hợp vận dụng trong việc
rèn luyện kết hợp nhiều kỹ năng, phương
pháp này giúp SV có thêm thời gian và điều
kiện để tự uốn nắn, sửa chữa và rèn luyện các
kỹ năng sư phạm, từng bước hình thành các
NLSP một cách vững chắc. Ngoài ra, chúng ta
Nguyễn Thị Trúc Minh và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 133(03)/1: 133 - 138
137
cũng có thể áp dụng phương pháp này trong
việc rèn luyện các kỹ năng đơn lẻ cho SV.
Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp dạy học
này GV lưu ý nên cố gắng nhận ra và củng cố
cho SV cách ứng xử cá nhân phù hợp với
năng lực cần rèn luyện, hình thành phong
cách sư phạm cho mỗi cá nhân, chứ không áp
đặt, buộc SV phải hành động theo một mẫu
rập khuôn, cứng nhắc.
Những hạn chế khi dạy học rèn luyện
nghiệp vụ theo PPDHVM
Vận dụng PPDHVM vào quá trình rèn luyện
nghiệp vụ cho SV có rất nhiều ưu điểm, song
nó cũng có một số hạn chế nhất định như:
- Nếu chia cắt quá trình rèn luyện năng lực
nghề nghiệp thành từng mảnh vụn rời rạc thì
việc rèn luyện năng lực dạy học cho SV sẽ trở
nên thiếu tính hệ thống và tính chủ định.
- Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian rèn
luyện trên lớp, trong khi thời gian thực hành
của SV còn hạn chế.
- Do mỗi lớp học bình thường được chia
thành nhiều nhóm nhỏ nên cần số lượng lớn
phòng học, đồng thời mỗi phòng học cần
được trang bị phương tiện, thiết bị hỗ trợ dạy
học hiện đại trong khi trang thiết bị của nhà
trường hiện tại chỉ đủ đáp ứng cho một số lượng
nhỏ SV thực hành rèn luyện nghiệp vụ bằng
PPDHVM .Hơn nữa, việc chia nhỏ này cũng sẽ
dẫn đến thiếu GV hướng dẫn rèn luyện.
KẾT LUẬN
Trong quá trình đào tạo SV sư phạm hiện nay
ngoài kiến thức chuyên môn còn đòi hỏi rèn
luyện những kỹ năng, NLSP. PPDHVM là
phương pháp dạy học tích cực, rất có hiệu quả
trong bước đầu hình thành và phát triển NLSP
cho SV sư phạm nói chung và SV ngành Giáo
dục Tiểu học nói riêng. Việc nhận xét đánh
giá của GV, các bạn SV khác và của chính
bản thân SV dạy không chỉ góp phần phát
triển NLSP cho SV mà còn có thể phát huy
được năng lực phân tích các tình huống sư
phạm và phát triển khả năng của SV trong
việc tự đánh giá, tự phê phán, tự sửa chữa. Do
đó, chúng tôi nhận thấy rằng nếu thực tế điều
kiện và thời gian đáp ứng thì việc sử dụng
PPDHVM trong dạy học thực hành phương
pháp giảng dạy cho SV Tiểu học là cần thiết
và phù hợp đối với việc đổi mới phương pháp
dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo giáo
viên Tiểu học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bernd Meier – Nguyễn Văn Cường (2014), Lí
luận dạy học hiện đại, Nxb ĐHSPHN.
2. Lê Đức Ngọc (2005), Giáo dục đại học phương
pháp dạy và học, Nxb ĐHQGHN.
3. Đặng Thị Oanh, Dương Huy Cẩn, Tăng cường
hoạt động tự học, tự rèn luyện kỹ năng sư phạm
cho sinh viên Hóa học bằng phương pháp dạy học
vi mô, Tạp chí khoa học ĐHSP (2006), ISSN 0868
– 3719.
4. Thiều Huy Thuật, Sử dụng phương pháp dạy
học vi mô để nâng cao năng lực sư phạm cho GV,
Tạp chí Giáo dục số 242 năm 2010.
5. Dự án Việt – Bỉ (2006), Tập huấn dạy và học
tích cực và sử dụng thiết bị dạy học, Hà Nội.
6. Dwight W. Allen (1967), Microteaching- A
Description, Stanford University.
7. https://vi.scribd.com/doc/33600876/Micro-
Teaching (A.S.Arul Lawrence, Microteaching)
Nguyễn Thị Trúc Minh và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 133(03)/1: 133 - 138
138
SUMMARY
APPLYING MICRO-TEACHING METHOD TO PROFESSIONAL TRAINING
COURSE TO FORM AND DEVELOP PEDAGOGIC COMPETENCE FOR
STUDENTS OF ELEMENTARY PEDAGOGY
Nguyen Thi Truc Minh
*
, Tran Thuy Hoang Yen
Dong Thap University
Micro-teaching is considered as a students-centered teaching method. The Micro-teaching method
is appropriate in the initial training for pedagogic students to understand separate skills, form the
component competences of the teaching profession. In this study, we apply micro-teaching method
to professional training course to form and develop pedagogic competence for students of
elementary pedagogy so that they are able to become qualified teachers to meet the current
requirements of educational reform.
Keywords: Micro-teaching, professional training, pedagogic competence
Ngày nhận bài:30/01/2015; Ngày phản biện:25/02/2015; Ngày duyệt đăng: 03/4/2015
Phản biện khoa học: TS. Trần Việt Cường – Trường Đại học Sư phạm - ĐHTN
*
Tel: 0907 653929
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- brief_51659_55491_1442016161456file21_5179_2046695.pdf