Tư tưởng Phan Bội Châu về con người trong tác phẩm Nhân sinh triết học

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại để hình thành hệ thống lý luận về định hướng phát triển đất nước, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” . Vì thế, việc tìm hiểu tư tưởng của Phan Bội Châu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc tiếp thu, kế thừa làm cho kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam thêm phong phú. Phan Bội Châu (1867 - 1940) không chỉ là một lãnh tụ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng có vị trí rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đối với các tầng lớp xã hội nước ta thời cận đại. Phong trào giải phóng dân tộc do ông lãnh đạo là phong trào lớn, tiêu biểu nhất trong những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Khi nhận định về tư tưởng Việt Nam trong giai đoạn này, Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Chủ lưu văn học Việt Nam nếu xét về nội dung tư tưởng và tác động tích cực của nó đến các tầng lớp xã hội, là văn học cứu nước mà Phan Bội Châu là ngòi bút hùng biện nhất, được tán dương nhất” . Qua đó cho thấy tư tưởng của Phan Bội Châu khá toàn diện, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó có triết lý nhân sinh, triết lý cuộc sống của ông.

docx9 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 3409 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng Phan Bội Châu về con người trong tác phẩm Nhân sinh triết học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tư tưởng Phan Bội Châu về con người trong tác phẩm " Nhân sinh triết học" TƯ TƯỞNG PHAN BỘI CHÂU VỀ CON NGƯỜI TRONG TÁC PHẨM “NHÂN SINH TRIẾT HỌC” Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại để hình thành hệ thống lý luận về định hướng phát triển đất nước, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” . Vì thế, việc tìm hiểu tư tưởng của Phan Bội Châu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc tiếp thu, kế thừa làm cho kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam thêm phong phú. Phan Bội Châu (1867 - 1940) không chỉ là một lãnh tụ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng có vị trí rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đối với các tầng lớp xã hội nước ta thời cận đại. Phong trào giải phóng dân tộc do ông lãnh đạo là phong trào lớn, tiêu biểu nhất trong những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Khi nhận định về tư tưởng Việt Nam trong giai đoạn này, Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Chủ lưu văn học Việt Nam nếu xét về nội dung tư tưởng và tác động tích cực của nó đến các tầng lớp xã hội, là văn học cứu nước mà Phan Bội Châu là ngòi bút hùng biện nhất, được tán dương nhất” . Qua đó cho thấy tư tưởng của Phan Bội Châu khá toàn diện, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó có triết lý nhân sinh, triết lý cuộc sống của ông. Theo Phan Bội Châu, nhân sinh là “cách sinh hoạt của loài người, hay loài người sở dĩ đẻ ra, cùng loài người sở dĩ được sống”. Có thể nói nhân sinh theo Phan Bội Châu là con người sinh ra có quyền sống, quyền tự do sinh hoạt và quyền làm người. Tư tưởng nhân sinh của Phan Bội Châu được phân tích, trình bày một cách hệ thống, toàn diện trong tác phẩm Nhân sinh triết học. Tác phẩm Nhân sinh triết học được viết trong điều kiện Phan Bội Châu bị quản thúc tại Huế (1925 – 1940) và bị mật thám của Pháp canh phòng nghiêm ngặt. Mặc dù tác phẩm này bị thất lạc phần cuối nhưng qua đó cho thấy tư tưởng của Phan Bội Châu đã đạt đến đỉnh cao về triết lý nhân sinh - xã hội. Trong đó, ông không chỉ phân tích để chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế của các tư tưởng triết học phương Đông và phương Tây về bản tính con người, về cách thức làm người mà còn gắn tư tưởng đó với thực tiễn xã hội Việt Nam trong điều kiện bị thực dân thống trị. Ông đã vạch ra những việc thiết thực và kêu gọi mọi người thực hiện. Đó là việc làm người và nâng cao giá trị con người.  Vấn đề thứ thất trong tác phẩm Nhân sinh triết học là vấn đề về nguồn gốc con người, về vị trí vai trò của con người. Đó là tư tưởng cao quý về việc làm người và về sự tồn tại, phát triển xã hội Việt Nam.  Về nguồn gốc con người, Phan Bội Châu giải thích: “Nguyên từ lúc vô thì chưa có gì là vũ trụ, vẫn chưa có người; vì chưa có vũ trụ, chẳng cần gì có người, mà cũng không thể có người được. Duy từ ngày thình lình mà có Trời, lại thình lình mà có đất; vì có trời đất mà bất đắc dĩ mới có người” . Bởi nhờ có trời đất, vạn vật sau mới được sinh ra; trong trời đất có vạn vật, trong vạn vật có người. Càn là cha, khôn là mẹ, loài người là do hỗn hợp càn khôn được ở chính giữa. Cho nên “người có đức tính cao minh để hợp với Trời, người có đức bác hậu để hợp với đất”. Trong trời đất, loài người được xem là “bầu tim cuống ruột của Trời đất”, là tâm của trời đất. Loài người là do quá trình biến hóa của trời đất được sinh. Phan Bội Châu mượn phạm trù nhân duyên trong triết lý Phật giáo để làm rõ hơn về nguyền gốc loài người. Ông cho rằng trong vũ trụ chỉ trừ “hư không vô vật” mới không có nhân duyên, đến lúc có tất nhiên trước đó phải có nhân duyên; sau khi có nhân duyên, vạn vật mới sinh ra dù rộng lớn như vũ trụ cũng không tránh khỏi quy luật ấy. Trời là do khí dương được thành, đất là do khí âm cấu thành. Âm dương kết hợp, dương mạnh thành trai, âm mạnh thành gái. Cho nên, nhân duyên càn khôn thấu hợp nhau loài người được sinh. Trên cơ sở triết lý phương Đông, Phan Bội Châu cho rằng trong trời đất không chỉ riêng có con người mà còn có các loài vật. Trời, đất, con người và loài vật hòa hợp nhau nhưng con người là tôn quý, tinh túy nhất. Trời đất tạo ra “nước lửa chỉ có hơi mà không sống chết, cây cỏ có chết sống mà không khôn biết, chim muôn có khôn biết mà không hay biết việc phải, người thì có khí, có sanh, có tri, lại có cả nghĩa, cho nên quý trọng nhất ở trong thiên hạ” . Trong trời đất chẳng ai giàu hơn đất, không ai thiêng hơn trời, nhóm tinh khí của trời đất mà sinh ra vạn vật không có gì quý hơn người. Loài người là “một giống thần linh ở trong vạn vật” và cũng gọi là “một vật tôn trưởng trong vạn vật”. Con người không chỉ là tôn quý trong vạn vật mà còn khác và cao hơn hẳn về chất ở bản tính xã hội. Phan Bội Châu cho rằng loài người là một thứ động vật có tính xã hội; là “một giống sanh vật có xã hội”. Con “người ở trong vũ trụ, tất phải nhận xã hội hoàn cảnh làm cái kho tàng trọng yếu, bởi vì những giống mà cung cấp tinh thần, sanh hoạt, chỉ đạo nội dung cho loài người, tất thảy ở nơi xã hội” . Sức mạnh của người không bằng trâu, chạy chẳng bằng ngựa nhưng họ vẫn có thể thuần phục và sử dụng được là nhờ có tổ chức và đoàn kết xã hội. Con người mạnh hơn các loài khác không chỉ là ở tính xã hội mà còn là vì có ý thức. Loài người có “bộ óc khôn”, có “năng lực” mà những loài khác không có. Con người biết lợi dụng sức mạnh của “óc khôn với năng lực” trong việc chinh phục vạn vật. Điều đó đẫn đến cái “tâm áp chế vạn vật” như khi vào rừng bắt hùm beo phải chết, khi xuống nước buộc kình ngạc phải chết với người. Dù các loài có sức mạnh nhưng khi gặp phải “sức khôn” của người tất phải “bấm gan nhắm mắt” chịu người “thuần phục áp chế”. Tạo hóa phú cho loài “người một bộ óc khôn, với năng lực đặc biệt là cốt để chinh phục vạn vật”; là phương tiện để “loài người được hoàn toàn tự vệ”. Còn như loài người đối với loài người lại dùng “bản năng đặc biệt ấy chinh phục lẫn nhau”, loài người trở thành cừu địch với loài người, gọi là cầm thú. Ông cho rằng con người dùng “cường quyền hại nhau” không xứng đáng làm người, phải “bài trừ họ ra khỏi loài người”, chẳng nên “so đọ với họ”. Thực chất là ông lên án, phê phán chủ nghĩa thực dân dùng cường quyền để áp bức bóc lột dân tộc ta, coi chúng như loài cầm thú mất hết tính người. Khi lý giải vai trò của con người đối với trời đất, Phan Bội Châu đã xuất phát từ đạo lý cơ bản của con người là đạo lý của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ thương con cái, “trông cho con giống mình mà gọi bằng tiểu tử, hơn nữa lại trông cho con được hơn mình”. Con hơn cha là “việc đại gia phúc”, ngược lại là “bất hiếu tử”. Đạo trời đất cũng muốn loài người ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Theo Phan Bội Châu, “công việc của trời đất tạo thiết ra, nhờ người sửa xén lại cho hoàn thành; tài liệu của trời đất sắp đặt ra, nhờ người giúp đỡ cho thỏa đáng” . Con người được trời đất tạo ra, nuôi dưỡng nhưng mang tính tự nhiên nên còn nhiều khiếm khuyết. Nhiệm vụ của con người là làm cho tự nhiên, xã hội, bản thân ngày càng hoàn thiện. Nó được xem là nghĩa vụ của con đối với cha mẹ, của loài người đối với trời đất. Phan Bội Châu cho rằng chỉ có “người sánh đôi được Trời, mà dẫu trời cũng chỉ sánh đôi được người mà thôi”. Đó là tư tưởng “thiên nhân tương hợp”, “thiên nhân tương đồng”, “thiên nhân tương ứng” được kế thừa từ tư tưởng của Nho giáo. Sức mạnh của con người trước các loài được thể hiện ở chỗ “trời có ý cho nó dài, mà người làm hại nó, thời phần dài của nó phải bớt; trời có ý bắt nó ngắn, mà người vun nuôi nó, thời phần ngắn của nó dài ra. Người chính là sức chắp nối chỗ thiếu cho trời kia nữa” . Sức mạnh của con người cao hơn cả trời đất nếu con người biết phát huy trí tuệ, “sức khôn”, năng lực của mình. Việc giải quyết mối quan hệ giữa con người đối với trời đất, Phan Bội Châu đã làm rõ tư tưởng đó thông qua khái niệm “thiên nhiên”, “Thượng đế” của phương Tây. Trên cơ sở phân tích tư tưởng của Decarter, Becon và Fichte... Phan Bội Châu nhận định: “sức làm của người có thể chiến thắng được thiên nhiên đến vô hạn lượng, và trí thức của người ta đối với thiên nhiên, quyền lực của người ta thống trị được thiên nhiên, là vì giống người ta có khoa học” . Theo đó, Phan Bội Châu cũng đồng ý với quan điểm của các nhà triết học Tây phương ở chỗ loài người tất nhiên phải tạo ra một “cảnh giới nhân vị” đối lập với cảnh giới thiên nhiên. Con người lấy tri thức cải tạo thiên nhiên, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ. Từ khái niệm trời - đất, thượng đế – thiên nhiên, Phan Bội Châu cho rằng đạo lý tiến bộ nhất là: “vua chúa nếu chuyên chế quá thậm, thời nhân dân tất phải cách mệnh mà lập lấy chính phủ khác. Thượng Đế nếu có một ngày chuyên chế thái thậm, thời nhân loại chúng ta tức khắc phải phản động mà lấy lực lượng để tự mình lập lấy một nhân quốc” . Việc làm của con người là khắc phục, sửa khuyết điểm phát huy ưu điểm làm cho tự nhiên, xã hội và con người ngày một tốt đẹp. Phan Bội Châu rất coi trọng vai trò, trách nhiệm, việc làm của con người. Quá trình trưởng thành của con người gắn liền với quá trình hoàn thiện của trời đất. Ông chia vai trò, nhiệm vụ của mỗi cá nhân gắn liền với từng giai đoạn phát triển của họ. Điều đó được Phan Bội Châu phân ra ba giai đoạn khác nhau như: khi còn bé phải học theo cha mẹ – loài người làm theo “mô phỏng trời đất”; con trưởng thành phải giúp đỡ cha mẹ – loài người giúp công sức, trí tuệ “phù trợ trời đất” và con đến tuổi lão thành nên làm cái gì đó hay hơn cha mẹ - loài người dùng sức mạnh “cải tạo trời đất”. Con người là tôn quý, cao nhất trong vạn vật vì có trí óc, năng lực và mang bản chất xã hội. Phan Bội Châu đi từ việc làm rõ mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên đến việc lý giải sinh tồn của con người, tồn vong của quốc gia. Triết lý sâu sắc ở Phan Bội Châu là ông biết dựa vào các sự vật, hiện tượng và các quy luật tự nhiên để lý giải các hiện tượng xã hội. Trên cơ sở phân tích tư tưởng Luân hồi của Phật giáo, Đạo của Đạo giáo, Vô định luận của Heisemberg, Tương đối thuyết của Einstein, Aperon của Anaximandre, Giáo lý của Giêsu, Hữu định luận của Copernic, Galille và Duy vật luận của Karl Marx, Phan Bội Châu kết luận: “Nghị luận rất phân vân, phía nào cũng có một lý do sung túc” . Xuất phát từ thực tiễn xã hội Việt Nam ở thế kỷ XX, trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc và các “nhà thánh triết Đông phương”, Phan Bội Châu đã phân tích làm rõ sự cần thiết phải có một hệ thống lý luận dẫn dắt dân tộc Việt Nam thoát khỏi “cái họa diệt chủng”. Phan Bội Châu xây dựng một quan điểm mới – “một thứ triết học chuyên về tồn chủng”. Ông đã dựa vào ba lý do để lý giải về sự tồn tại, phát triển của xã hội Việt Nam. Một, dựa vào Kinh dịch, ông luận chứng: “Kiến giả, nạn giả; vật bất khả dĩ chung nạn, cố thụ chi dĩ giải”. Kiến là khốn nạn. Nhưng con người có tri giác, có năng lực, lại có đoàn thể nên không thể “khốn nạn cùng cực”. Nếu có nạn tất sẽ có “một phương pháp, một thời kỳ giải thoát nạn ấy”. Điều đó “bảo cho chúng ta, trải qua khốn nạn tất có phép giải cứu”. Và “vật bất khả chung bĩ, cố thụ chi dĩ Đồng Nhân”. Bĩ là lấp nghẹt. Nhưng người là giống có sức hoạt động. Có sức hoạt động tất sẽ sinh tồn “không thể nào nghẹt lấp hoài”, an phận chịu đựng. Con người tất phải đoàn kết, đồng lòng dẫn dắt nhau “bước trên con đường hanh thông”. Cho nên quẻ Bí tiếp lấy quẻ Đồng Nhân là “chung cộng tất thảy người làm một đoàn thể”. Theo Kinh dịch, Phan Bội Châu cho rằng xã hội Việt Nam gặp khi loạn lạc, cùng cực, bế tắc tất yếu sẽ có phương pháp giải cứu. Tính tất yếu đó không chỉ được thể hiện ở chỗ người Việt Nam có tinh thần yêu nước, có tri giác và năng lực, có đoàn thể, mà còn có sức hoạt động, không an phận, cam chịu trước kẻ thù xâm lược tất sẽ đoàn kết, đồng lòng dẫn dắt nhau tiến lên. Hai, trên cơ sở phân tích Tiến hóa luận của Darwin, Phan Bội Châu cho rằng: “Vật với vật cạnh tranh nhau, nào ưu nào liệt, nào thắng nào bại đã có công luật của thiên nhiên kén chọn; chỉ duy giống nào ưu thích hợp với hoàn cảnh hiện tại để chinh phục được thế lực ngoại lai thời giống ấy mới được sinh tồn” . Sự tồn tại phát triển xã hội Việt Nam là tất yếu, phản ánh quy luật sinh tồn, quy luật cạnh tranh của tự nhiên. Con người Việt Nam vốn đã thích nghi với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tinh thần yêu nước tất nhiên sẽ tạo ra thời, thế và lực đưa dân tộc Việt Nam tiến lên. Ba, thực tiễn lịch sử đã chứng minh sự tồn vong, lớn mạnh của dân tộc Việt Nam từ “Bắc đến Nam Quan, Nam đến Cà Mau, Tây đến bờ sông Cửu Long, Đông đến mé Nam Hải, tựu chung có nhiều nước nhỏ: nào Giao Chỉ, nào Việt Thường, nào Lạc Việt, Chiêm Thành, Lâm Ấp, nào Ai Lao, Cao Miên, Vạn Tượng… mà đến bây giờ trải qua mấy cuộc cạnh tranh ở trung gian, hoặc nước thời thực mất mà danh còn, hoặc nước thời danh mà thời thực đã mất ráo. Bao nhiêu nước kể trên hiện chỉ còn Việt Nam” .  Như vậy, qua phần thứ nhất của tác phẩm Nhân sinh triết học cho thấy, thế giới quan và nhân sinh quan ở Phan Bội Châu được trình bày một cách hệ thống chặt chẽ. Nó không chỉ thể hiện một tư tưởng tiến bộ, sâu sắc về vị trí, vai trò của con người mà còn dựa vào các hiện tượng của tự nhiên để lý giải những quy luật khách quan, xu hướng tất yếu của sự tồn tại xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị tích cực, yếu tố khoa học thì tư tưởng Phan Bội Châu còn mang tính siêu hình, duy tâm về lịch sử và quan điểm thần bí về Trời, Thượng đế. Vấn đề thứ hai trong tác phẩm Nhân sinh triết học là vấn đề về sinh lý cơ thể, về bản chất con người, về lòng ham muốn, về cách thức làm người và những việc làm để thở thành một con người. Tư tưởng đó của Phan Bội Châu được làm rõ qua năm phạm trù: nhân thể, nhân tính, nhân dục, nhân cách và nhân sự. Trong đó, nhân thể là yếu tố cơ bản nhất của con người. Nó là cơ sở, tiền đề vật chất cho sự hình thành nhân tính, nhân dục, nhân cách và nhân sự. Về nhân thể, “thân thể của loài người, nhất thiết những cơ quan ở trong thân thể người ta mà thuộc về phần xác, thảy gọi là nhân thể”. Theo Phan Bội Châu, vũ trụ chia làm hai thế giới là “thế giới cảm giác” và “thế giới lý trí”. Hai thế giới ấy là Đại vũ trụ. Theo đó, nhân loại cũng có hai thế giới là “thế giới linh hồn” và “thế giới nhục thể”. Hai thế giới ấy là tiểu vũ trụ”. Nhục thể có hai phần: ngũ quan hình hiện ra bên ngoài là “ngoại thể” và ngũ tạng lục phủ giữ kỹ bên trong là “nội thể”. Trong ngũ quan, quan mắt là mục chi quan chủ chức việc “xem, dòm” phân biệt được việc tốt xấu; quan tai là nhĩ chi quan chủ việc “nghe, lắng” phân biệt được âm thanh của vật xa hay vật gần; quan mũi là tị chi quan chủ chức việc “ngửi, hít” phân biệt hơi mùi thơm hay thối; quan miệng là khẩu chi quan chủ chức việc “ăn nếm, nhai nhuốt” phân biệt được mùi ngon hay dở và quan tay chân, da vỏ là xúc chi quan chủ chức việc động chạm, hoạt động. Ngũ quan có vai trò giúp con người nhận thức và phân biệt được “thế giới cảm giác”. Trong năm quan trên, quan tay chân da vỏ là trọng yếu. Bởi tay chân da vỏ không chỉ để con người cảm biết các sự vật hiện tượng mà để hoạt động cải tạo tự nhiên.  Từ việc phân tích vai trò của ngũ quan, Phan Bội Châu cho rằng con người phải siêng làm, ham hành động là đúng với đạo trời, đúng với quy luật tự nhiên. Theo ông, tai mắt có hai nhưng miệng lại có một là vì tai mắt có làm mà không có ăn và miệng có công dụng ăn mà không làm. Nếu miệng có hai cái tất đồ ăn thức uống trong vũ trụ không thể cung cấp đủ. Trời đất sinh ra con người có một miệng nhưng tai mắt cho mỗi thứ hai cái là ý tạo hóa muốn cho chúng ta bớt phần ăn mà siêng phần làm. Những loài hay ăn mà không hay làm tất yếu sẽ bị ghét bỏ. Hơn nữa, “loài người sở dĩ có tài năng tri thức là nhờ ở tai nhiều sức để nghe, mắt nhiều sức để thấy; chứ lỗ miệng chỉ dùng để nói phô, nói phô thời càng ít càng quý” . Đó là tư tưởng coi trọng thực tiễn, nói ít làm nhiều.  Ngũ tạng gồm: “Tâm là quả tim; can là gan; tỳ là mô; phế là phổi; thận là trái cật”. Ngũ quan và ngũ tạng có quan hệ mật thiết với nhau. Ngũ tạng nắm vị chủ soái chi phối ngũ quan. Ngũ quan hoạt động phải nhờ sức chủ động của ngũ tạng. Vậy nên tỳ mạnh miệng mới ngon ăn; can mạnh mắt mới tinh; tai với mũi nhờ ở sức tâm thận; thanh âm nhờ ở sức phổi. Phan Bội Châu khuyên “các nhà vệ sinh học, bệnh lý học” nên quan tâm chú ý đến sự thống nhất giữa ngũ quan và ngũ tạng. Trong ngũ tạng, tâm tạng là bộ phận trọng yếu. Công dụng của nó không những khử được xác thịt mà lại tích lũy được tinh thần. Tai mắt không biết suy xét nên thường bị vật chất làm lu mờ, che lấp “kéo dài tai mắt đi theo nó”. Tâm của con người chuyên về việc xét đoán, suy tính tất sẽ thấu hiểu được đạo lý làm người, phân biệt được tốt xấu, thiện ác, đúng sai… Chức quan ở tâm là lớn nhất. Nhân tâm là một quan ở chính giữa hư không lại thống trị được ngũ quan. Phan Bội Châu cho ngũ quan không chỉ là phương tiện để nhận thức mà còn là cơ sở cho việc điều chỉnh hành vi của con người. Ông phê bình cả tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo cho ngũ quan, xác thịt là “tướng giặc”. Triết học nhân sinh của Phật giáo và Đạo giáo cho rằng ngũ quan cung cấp tài liệu cho loài người làm việc ác như mắt ham dâm sắc, tai ham dâm thanh, mũi ham mùi hương, lưỡi ham ăn ngon và thân ham làm tội ác là “lũ giặc của loài người”. Ông nói: “Chúng ta bài xích thuyết Phật, Lão thời trước nên lo làm sao cho ngũ quan của ta chỉ thấy là chủ nhân mà không phải là lũ giặc” . Qua đó cho thấy, tư tưởng của Phan Bội Châu về vai trò và công dụng của ngũ quan đối với việc nhận thức là tiến bộ, sâu sắc. Trên cơ sở phân tích tâm sinh lý con người, Phan Bội Châu còn chỉ ra các loại khí chất của con người được hình thành trên cơ sở lục phủ. Lục phủ gồm vị, đại trường, đởm trái, bàng quang và tam tiểu. Trong lục phủ, đởm có công dụng rất lớn là tạo ra và tích trữ lòng can đảm của con người. Người nào không sợ hãi gọi là “đại đởm”; ai hăng hái tích cực làm việc nghĩa gọi là “can đởm”; người nào dũng cảm lại có mưu mẹo gọi là “đởm lược hay đởm thức” và ai đó nhát gan, sợ hãi thấy việc nghĩa không làm gọi là “người đởm chết cũng như vô đởm”.  Như vậy, ngũ quan, ngũ tạng và lục phủ, tổng chi là thể chất của con người. Nhưng sở dĩ nuôi được thể xác của con người là nhờ có mạch máu. Mạch máu có bốn thứ gọi là tứ dịch. Tâm sinh lý, thể chất là cơ sở để con người có điều kiện phát triển toàn diện về tinh thần, ý thức. Theo ông, “tạo vật đúc thân thể cho ta, có ngũ quan để sử dụng ở bề ngoài; có ngũ tạng để tính toán sắp đặt ở bên trong; có lục phủ để tiêu nạp những đồ ăn uống; lại có tứ dịch để dùng mà thấm nhuần ngũ tạng, mà ngũ tạng cũng nhờ nó mà đầy đủ sức nuôi… Quý trọng nhất là ngoài xác thịt ra, tạo hóa lại phú cho ta cái linh hồn (linh hồn ở đây là thay cho chữ tinh thần). Bởi vì có linh hồn thời xác thịt mới thành ra giống có tri giác” . Nhân thể là cơ sở hình thành nhân tính. Nhân tính là tính người, nhờ đó con người hơn hẳn các loài khác. Phan Bội Châu cho rằng bản tính của con người là vốn có, sinh ra đã có sẵn. Tính là cái vốn có trên cơ sở của ngũ quan, ngũ tạng, lục phủ không phải do trời phú như một số nhà triết học trước quan niệm. Trên cơ sở kế thừa có phê phán tư tưởng của các nhà triết học phương Đông như Mạnh Tử, Tuân Tử, Lưu Hướng, Đổng Trọng Thư, Dương Hùng, Vương Sung và từ việc phân tích bản tính con người của các nhà triết học phương Tây như Socrate, Platon,… Phan Bội Châu nhận định: “học thuyết về tính người vô luận Đông hay Tây thảy có các thuyết mâu thuẫn nhau” . Nhưng ông rất tâm đắc với tư tưởng của Khổng Tử về bản tính con người ở “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã; duy thượng trí, hạ ngu bất di”. Lòng người ta khi mới sinh ra được gọi là tính. Tính của con người giống nhau không “ai tuyệt đối hơn” chẳng “ai tuyệt đối kém”. Tính của mỗi người bị “tập tục của xã hội” hoặc “tập quán của hoàn cảnh” chi phối làm cho tính biến đổi nên gọi là tập. Tập tốt sẽ làm cho tính con người tốt hơn; tập xấu tất sẽ làm cho tính con người xấu đi. Thông qua tập, con người mới có trình độ, tâm tính cách xa nhau. Cho nên, con người có thiện có ác là do “cái tập hay dời đổi được người”. Còn hai hạng người: “thượng trí là tuyệt đối thiện” và “hạ ngu là tuyệt đối ác” có tập luyện cũng không thay đổi, theo Phan Bội Châu, “ở trong loài người thật rất hiếm hai hạng người ấy”.  Bản tính con người sở dĩ tốt là “nhờ có công phu luyện tập” và “phải nhờ vào xã hội hoàn cảnh” tốt. Phan Bội Châu vạch rõ: “chúng ta muốn cải lương cá nhân, trước phải lo cải lương hoàn cảnh với xã hội”. Trong điều kiện bị thực dân Pháp thống trị, “xã hội hoàn cảnh đã có ác liệt như thế, nếu chúng ta chẳng gấp lo tìm cách cải lương, mà cứ ngày ngày đêm đêm muốn cho cá nhân tốt đẹp, dầu lý luận hay thế nào” cũng không thể làm cho tính của con người tốt được. Chúng ta muốn cho tính người được tốt đẹp, trước phải lo “cải lương ở chốn tập rồi sau mới cải lương được tính”. Nhân thể và nhân tính là cơ sở, tiền đề sinh ra nhân dục. Nhân dục là lòng ham muốn của con người. Lòng ham muốn bắt nguồn từ bản tính vốn có của con người, gọi là tình người. Phan Bội Châu cho rằng làm người gốc ở tính, đã có tính tất có tình. Tình ấy có bảy thứ gọi là thất tình như: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét và ham muốn. Những yếu tố ấy sẵn có trong lòng người không cần học đã biết. Phan Bội Châu cho rằng ham muốn là nguồn gốc dẫn đến mừng, giận, thương, sợ, yêu và ghét. Ham muốn được như ý thì mừng; ham muốn không như ý thì giận; sẵn ham muốn bỗng chốc mất đi thì thương; cái chẳng ham muốn đột ngột đưa đến thì sợ; cái ham muốn sẵn được thấy thì yêu và cái không ham muốn phải thấy thì ghét. Tình dục là động cơ và kết quả của thất tình. Nhân dục “bao bọc được hết tình cảm của người”.  Tuy nhiên dục có hai loại tốt và xấu. Ham muốn điều thiện, thực hiện điều nhân trở thành thánh nhân, quân tử là dục tốt. Ham muốn lợi ích cá nhân, thỏa mãn lòng tư dục là dục xấu. Theo ông, dục xấu cần tẩy rửa và phát triển dục tốt làm cho “kho tàng của muôn việc lành” ngày một lớn mạnh. Phan Bội Châu kế thừa tâm nguyện của Khổng Tử là “muốn cho tất cả người già thảy được an toàn, tất cả bạn bè với mình thảy đều tin thật nhau, tất cả trẻ thơ bé đều được mình ôm ấp” . Hơn nữa, mọi người phải “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”. Đó là tư tưởng về đạo làm người. Mình muốn thành đạt nên giúp người thành đạt. Mình muốn hiểu biết, thông suốt nên chỉ dẫn, dạy bảo cầu người được hiểu biết thông suốt. Theo Phan Bội Châu, điều đó làm cho dục tốt của con người ngày được rộng lớn hơn. Trên cơ sở phân tích Thuyết ái kỷ chủ nghĩa của Aristippus, Thuyết vị ngã của Dương Chu, Thuyếát ái tha chủ nghĩa của Auguste Comte, Thuyết Kiêm ái của Mặc Tử… Phan Bội Châu nhận định có hai loại dục: “trông mong vào hạnh phúc, lợi lớn của mình gọi bằng lợi kỷ chủ nghĩa mà cũng gọi bằng ái kỷ chủ nghĩa; một phương diện lại trông mong cho tăng tiến hạnh phúc của tất cả mọi người gọi là lợi tha chủ nghĩa hay là ái tha chủ nghĩa” . Từ hai dục trên, Phan Bội Châu đã phân tích và yêu cầu con người cần phải biết kén chọn, phân biệt rõ nên chọn loại dục nào để theo đuổi. Cuộc “sống vẫn là lòng ta muốn, việc nghĩa lại cũng là lòng ta muốn; nếu đụng một trường hợp giữ được sự sống, thời hỏng mất nghĩa, giữ được nghĩa thời hỏng mất sống, ta mới cân nhắc trong hai lẽ ấy, nhất định bỏ xác thịt sống mà lấy nghĩa” . Như vậy, nhân dục được Phan Bội Châu quan tâm làm rõ nhằm hướng lòng ham muốn của con người đến việc “giúp đỡ cho tất thảy nhân dân”, dùng hết sức mình để mọi người được “vui vẻ về sự sống”. Trong lịch sử, các bậc vĩ nhân, quân tử, anh hùng tất cả vì lòng ham muốn, dụng vọng tốt mà xuất hiện. Lòng ham muốn của các vị ấy đã giúp cho dân tộc họ được tự do, độc lập, tự chủ xây dựng nhà nước cộng hòa dân chủ. Về phần ông, Phan Bội Châu tự trách mình, than ngắn thở dài “Nhân cách ta ở đâu?”. Phan Bội Châu đã phân tích quan điểm của Khổng Tử và Mạnh Tử về cách thức làm người. Cách làm người phải thực hiện từng bước từ dễ đến khó tất sẽ đạt được ham muốn việc thiện và thực hiện nó sẽ trở thành người có đạo đức. Đạt được đức tính tốt đẹp phải giữ cho bền, tu cho trọn, khiến cho điều tốt đẹp ấy trở thành sở hữu của mình. Có đạo đức lại tích lũy thêm điều thiện thì lòng ham muốn điều lành của con người sẽ sung túc. Có chất lại có văn, có thể lại có dụng là người có tài tốt, đức lớn. Đạt được bậc đại nhân lại biến hóa đủ mặt khôn lường là bậc thánh nhân. Thánh nhân đạt đến tột bậc là nhần nhân. Thần nhân là nhân cách cao đẹp vào bậc nhất trong loài người. Nho giáo chú trọng đề cao việc giáo dục đạo đức, nhân cách nên không tránh khỏi hạn chế. Để khắc phục hạn chế tư tưởng Nho giáo về giáo dục con người, Phan Bội Châu kế thừa tư tưởng “Tây triết” và xã hội học đểø chỉ ra rằng “lao động cho gỏi là Thánh thần”. Con người muốn đạt được bậc thánh nhân phải nhờ vào hoạt động thực tiễn của con người. Phan Bội Châu ca ngợi việc con người tham gia vào lao động để hoàn thiện mình. Ông viết: “Từ hữu hằng mà tiến lên loài người, lao động cũng làm đến thánh thần, từ thiện, tín mà tiến lên hoài thời lao động cũng làm đến Thánh nhân. Tuy bốn chữ Lao Động Thánh Thần, ở trong xã hội học, vẫn bảo lao động là hạng người rất hữu công với xã hội, nhưng suy diễn cho hết lẽ thời bảo lấy sức lao động mà làm đến Thánh Thần cũng chẳng phải là nói khoác” . Người ham lao động và thực hiện nó một cách đúng nghĩa tất sẽ trở thành thánh thần. Thực dân Pháp thống trị, áp bức, bóc lột nhân dân Việt Nam làm cho quyền cơ bản của con người bị tước đoạt. Phan Bội Châu khuyên đồng bào ta nên tham gia vào “trường lao động” rồi nhắm “đường Thánh Thần mà bước lên”. Nếu 25 triệu dân Việt Nam trở thành Thánh thần tất quyền làm người sẽ được lấy lại từ tay thực dân đế quốc. Lúc đó Thần Tạo hóa cũng phải khôi phục lại danh hiệu quyền làm người của dân tộc Việt Nam. Đó là con đường cơ bản cho việc giành lại quyền tự chủ độc lập, lấy lại quyền sống, quyền tự do sinh hoạt và quyền làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Để thực hiện nhân dục tốt đẹp, Phan Bội Châu trình bày quan điểm của ông về nhân cách. Nhân cách là “phẩm cách của con người” cao hơn con vật; là “một người có tư cách” sống “chiếu theo pháp luật của nghĩa vụ, quyền lợi, được tự chủ độc lập” và là “cách thức để làm cho nên một con người”.  Nhân cách là phẩm cách con người được Phan Bội Châu chỉ rõ nhờ nhân cách mà con người khác và hơn hẳn các loài thảo mộc, thổ thạch, côn trùng, cầm thú. Sở dĩ các loài ấy thua con người vì nó là “loài hoàn toàn vô thức”, “năng lực quá bạc nhược” lại không “phân biệt được phải trái, đúng sai, năng lực chật hẹp, mỗi giống chỉ có một việc như ngựa chạy mà không bay, trâu cày không dệt, tính tình của nó lại hẹp hòi theo kiểu “mạnh hiếp yếu, lớn nhuốt nhỏ”. Cho nên Tạo hóa chỉ “chấm đến quyền của loài người” là vì trí thức của loài này rất cao lại đầy đủ, việc gì đụng đến đều làm được hết. Năng lực của loài người lại mạnh mẽ tất thảûy sẽ thành công. Vì vậy, nếu xét về thi thố loài người đậu tên thứ nhất. Theo nghĩa đó, Phan Bội Châu nhận định: “nhân cách theo về thiên nhiên bày đặt ra, chúng ta làm được loài người vinh diệu biết chừng nào! Chúng ta thật đáng làm đại phúc mà mừng cho tổ ấm ta” . Xét về tài năng, trí tuệ, “thể chất với tinh thần” người Việt Nam trong trường thi thố của tạo hóa “vẫn chân chính là loài người” có nhân cách.  Nhân cách là người có tư cách sống trong mối quan hệ với pháp luật, nghĩa vụ, quyền lợi công dân và được tự chủ độc lập. Như vậy, nhân cách “chiếu theo lịch sử loài người ở thế giới hiện tại thời người nước ta bây giờ là người vong quốc. Quyền nước ta không trơn, thời có đâu là quyền người, mà chẳng ai chịu thừa nhận cho ta có quyền lợi tự chủ độc lập. Chẳng qua chúng ta ngày nay như con hầu đứa ở, đã bị cha mẹ mình bán từ bao giờ. Bản thân của mình chỉ là một giống phụ thuộc của người khác. Như thế thời gọi bằng mất nhân cách. Nghĩa là người tuy vẫn còn, nhưng tư cách làm người thời đã mất trụi” . Mất nhân cách là mất quyền làm người. Quyền cơ bản của con người Việt Nam bị thực dân tước đoạt.  Nhân cách là cách thức trở thành con người. Phan Bội Châu luôn hy vọng, tin tưởng vào đạo lý sống, tinh thần yêu nước vốn có ở người Việt Nam. Đó là tài sản vô giá và duy nhất còn lại để người dân Việt Nam có nhân cách và được làm người. Tài sản quý báu ấy không một kẻ thù nào có thể xóa bỏ. Mọi người Việt Nam chỉ cần chuyên tâm rèn luyện, tu dưỡng, nung nấu tất yếu tài sản quý báu ấy ngày một giàu mạnh. Phan Bội Châu kêu gọi mọi người “làm cho đúng cách thức làm người như trung tín, liêm sỉ, đạo đức, luân lý v.v… cho đến lỗ tai nghe cho tỏ, con mắt thấy cho sáng, bộ óc thấy cho sâu, sức phấn đấu cho mạnh dạn, gan mạo hiểm tiến thủ cho bền dai” . Nó được xem như một “khuôn mẫu làm người” và được gọi là nhân cách. Đồng bào ta còn bấy nhiêu về mặt tinh thần là có giá trị. Nếu người Việt Nam không tự rèn luyện, tích trữ tài sản còn giá trị ấy mà lại “bỏ ráo” thì sớm hay muộn tất sẽ “trụy lạc với loài cầm thú côn trùng”. Nhân cách của Phan Bội Châu không phải là lý luận suông trên sách vở mà nó được thể hiện qua việc làm. Những công việc thiết thực được Phan bội Châu gọi là nhân sự. Nhân sự là những việc phải dùng sức người cải tạo “thiên nhiên giới”; cải tạo “ngoại vật giới” thu phục các giống vật và là việc giao thiệp, vãng lai, thù báo, ứng phó v.v… “đối với con người”.  Theo ông, trời đất có công sinh ra loài người nhưng việc thỏa mãn nhu cầu của họ, trời không làm thay. Như đói cần ăn, rét cần mặc, phòng ngự gió mưa phải có chốn ở, mở rộng giao thông là cần có đường đi, trời đất tuy có thương người nhưng không thể làm việc thay người. Con người cần phải làm việc như dùng sức người để cày ruộng, khẩn đất có mà ăn, may vá chăm dệt có mặc, làm nhà xây ngõ có chốn ở, biết đắp đường để đi, chẳng chịu bó tay “cho thiên nhiên đưa mình vào chốn chết”. Con người phải dùng đến trí khôn, năng lực đặt ra nhằm lợi dụng ngoại vật. Nhờ đó con người có nghề “câu chài” bắt cá, có nghề săn bắn bắt muông chim, có nghề “rìu búa cày bừa” lợi dụng các “loài cây loài lúa”. Vì những cái ăn, mặc, chỗ ở “cung cấp sự sống” con người làm hại đến tất cả “giống vật” đã là “một điều bất nhân”. Nhưng vì “bất đắc dĩ vì bảo toàn loài người mà cực chẳng đã phải tàn hạ đến loài vật”. Con người “muốn cho đầy đủ sở nhu, thỏa thích sở nguyện, tất phải bóc lột xâu xé đến ngoại vật”.  Loài người với loài người tất cả đều là con chung của trời đất. Trời đất đặt ra phép con người phải thương yêu nhau có lẽ nào lại bóc lột, xâu xé nhau. Con người bóc lột, xâu xé nhau hóa ra là ác hơn loài loài vật, nhân sự có khác gì việc của cầm thú. Phan Bội Châu cho rằng “ý của Thần Tạo hóa cốt muốn để dành mặt trái đất cho con thương yêu quý hóa của ngài ở chung. Âu châu có dấu chân người, thời Á châu cũng có dấu chân người. Tây bán cầu có mặt người, thời Đông bán cầu cũng có mặt mũi người” . Triết lý nhân sinh của Phan Bội Châu mang tính nhân văn sâu sắc. Ông viết: “người với người là anh em một nhà, có lẽ nào mà chẳng thăm hỏi nhau, giao tiếp thân mật với nhau. Nhân thế, mà đã có loài người tất phải có xã hội; đã có xã hội tất phải có tụ tập vãng nghinh lai, kết xã tập hội: lớn thời kết thành đoàn thể lớn, nhỏ thời kết thành đoàn thể nhỏ, đã thành một đoàn thể thời những việc giao tế thù báo càng ngày càng phiền phức thêm. Tựu trung có hạng người rất xấu, mặt người lòng thú, họ chẳng nhận một loài người làm anh em, họ lại thả những ngón cú sói hùm beo đối đãi với người, thời những kẻ chân chính loài người cũng vạn bất đắc dĩ phải liệu cách đối phó. Vì vậy mà ở trong trường hợp nhân sự, thường xảy ra những việc giết người ác diệt người thù” là lẽ tự nhiên. “Châu Võ Vương giết độc phu là Trụ”; “đảng cách mạng nước Pháp đưa Lộ Địch thứ 16 lên máy chém”… là việc đại bất hạnh nhưng không thể thiếu việc ấy trong nhân sự. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử “vì bọn bất nhân kia họ đã cừu địch với loài người vì chính thức tự vệ cũng phải cừu địch với họ”. Dân tộc Việt Nam phải dùng bạo lực để đánh đổ chủ nghĩa thực dân là điều bất đắc dĩ và cũng là điều tất yếu của lịch sử. Về cách thức để trở thành một con người, Phan Bội Châu chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện hai việc là “việc riêng theo cá nhân và việc chung theo đoàn thể loài người”. Nhân sự riêng là “công việc đáng làm trong thân ta” như hình dáng tướng mạo, lời nói, xem dòm, lắng nghe, suy tư. Năm điều ấy gọi là ngũ sự. Muốn ngũ sự được hoàn mỹ tất tướng mạo phải cẩn thận, lời nói thuận theo lẽ phải, xem dòm phải phát hiện tốt xấu, phải trái; nghe phải phân biệt được âm thanh chính tà, chân ngụy; suy tư phải khôn ngoan sáng suốt. Nếu thực hiện được ngũ sự thân đạt được việc tốt. Khi thực hiện được nhân sự riêng tiến lên thực hiện nhân sự chung. Nhân sự chung gồm ba việc lớn trong nhân sự: một là chính đức, hai là lợi dụng và ba là hậu sinh. Trời đất tạo ra kho tàng thiên nhiên có nước, lửa, vàng, cây, đất, lúa cung cấp cho loài người dùng. Nếu có sản vật tự nhiên mà không có việc làm của người “té ra có giống sanh mà không có giống thành, hoặc chỉ đủ phần dưỡng mà thiếu phần giáo” kết quả hóa ra là vô dụng. Vì thế, việc cấp thiết của loài người là “giáo dục, khiến cho chính đức tính” gọi là chính đức; “bách công, khiến cho cách thức khí dụng của loài người, càng ngày càng tăng tiến”, gọi là lợi dụng; “kinh tế, khiến cho tất thảy sanh sản phẩm không chốn thừa, không chốn thiếu, để cho sự sống của loài người ai nấy cũng đầy đặn”, gọi là hậu sinh. Đủ ba việc trên là lấy nhân vi bổ trợ thiên nhiên tất yếu nó trở thành kho vàng vô tận của nhân loại. Như vậy, qua phần hai của tác phẩm Nhân sinh triết học cho thấy tư tưởng của Phan Bội Châu về nhân thể, nhân tính, nhân dục, nhân cách và nhân sự cấu thành làm nên một con người là sâu sắc, khoa học. Phan bội Châu không chỉ trình bày và phân tích những cơ sở, điều kiện hình thành bản chất, tâm lý, tính cách con người mà ông còn đưa ra những giải pháp giáo dục con người cả về phẩm chất, đạo đức, trình độ, lý tưởng để giải phóng con người. Đó là tư tưởng nhân văn sâu sắc mà Phan bội Châu chắt lọc được. Tính nhân văn ấy trong tư tưởng Phan Bội Châu là tư tưởng về quyền làm người, quyền được sống, được tự do sinh hoạt làm chủ bản thân và làm chủ quốc gia. Tóm lại, qua việc tìm hiểu tác phẩm Nhân sinh triết học của Phan Bội Châu cho thấy, ông không chỉ là nhà văn, nhà thơ, nhà yêu nước mà còn là nhà tư tưởng, nhà triết học, xã hội học… Thế giới quan và nhân sinh quan ở ông được thể hiện một cách hệ thống, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Sự hiểu biết và kiến thức của ông là uyên bác, toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: triết học, sinh học, y học, lịch sử, văn chương, đạo đức, giáo dục… Thực chất triết lý nhân sinh của Phan Bội Châu được hình thành trên cơ sở kế thừa có sáng tạo từ tinh hoa văn hóa phương Đông và Phương Tây; tiếp thu truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của dân tộc ta và được xuất phát từ thực tiễn xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói tác phẩm Nhân sinh triết học là bước chuyển tư tưởng ít nhiều mang tính cách mạng trong lịch sử Việt Nam. Nó không những làm rõ vai trò của con người, cách thức để con người làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội mà còn chỉ ra những phương pháp nâng cao giá trị con người cả về năng lực, phẩm chất, lý tưởng sống. Nhưng do thiếu quan điểm về duy vật lịch sử, lập trường giai cấp, tư tưởng của Phan Bội Châu không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Hạn chế đó có thể do bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm. Chính vì thế, tư tưởng của ông trong tác phẩm này thể hiện sự mâu thuẫn: một mặt ông muốn chỉ rõ con đường giải phóng dân tộc phải dùng bạo lực đánh đổ chủ nghĩa thực dân Pháp nhưng mặt khác ông rất e ngại khi bàn về nó. Sự mâu thuẫn đó còn thể hiện ở chỗ Phan Bội Châu luôn tin vào năng lực, phẩm chất, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, tin vào quy luật tất thắng của dân tộc Việt Nam nhưng ông lại bi quan, dao động đến mức phải than thân, trách phận trước lịch sử. Nếu bỏ qua những yếu tố bảo thủ, duy tâm, siêu hình và khắc phục được sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Phan Bội Châu thì đó là tư tưởng tiến bộ, khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối việc giáo dục con người toàn diện cả về nhân thể, nhân tính, nhân dục, nhân cách và nhân sự.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxTư tưởng Phan Bội Châu về con người trong tác phẩm Nhân sinh triết học.docx
Tài liệu liên quan