Tác động của điều kiện địa lý đến tập quán cư trú của người H'mông ở miền núi Nghệ An

- Tập quán cư trú trên núi cao của người H’Mông ở MNNA, ngoài nguyên nhân có liên quan đến lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc H’Mông, còn bị tác động bởi điều kiện địa lý, cả địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội. - H’Mông là tộc người xuất xứ từ phương Bắc có lịch sử tồn tại và phát triển gắn liền với tập quán hay di dời này đã dừng lại ở MNNA, không tiếp tục đi về phương Nam là do địa hình và khí hậu từ Hà Tĩnh trở vào không còn phù hợp; chỉ sống trên các ngọn núi cao dọc biên giới Việt - Lào, ngoài lý do chịu tác động của khí hậu, còn do muốn sống cạnh cộng đồng cùng tộc người người H’Mông ở Lào và miền núi Thanh Hóa.

pdf7 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 346 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác động của điều kiện địa lý đến tập quán cư trú của người H'mông ở miền núi Nghệ An, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(13)/2010: tr. 73-79 TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ ĐẾN TẬP QUÁN CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI H'MÔNG Ở MIỀN NÚI NGHỆ AN ĐÀO KHANG Đại học Vinh Tóm tắt: Người H'Mông có nguồn gốc từ Trung Quốc thiên di về phương Nam đến miền núi Nghệ An thì dừng lại. Mặc dù chung sống trên cùng địa bàn đã hàng trăm năm nay nhưng người H’Mông có tập quán cư trú, canh tác và sinh hoạt khác với các dân tộc ít người khác do tác động của điều kiện địa lý, cả điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện địa lý kinh tế - xã hội. Bài viết đề cập đến tác động của điều kiện địa lý đến tập quán cư trú của người H'Mông ở miền núi Nghệ An. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ H'Mông, tộc người từ phương Bắc phải biệt xứ, thiên di đến miền núi Nghệ An (MNNA), đến nay đã hàng trăm năm vẫn lưu giữ những tập quán: cư trú, canh tác, sinh hoạt rất đặc trưng. Tập quán cư trú trên đỉnh núi cao và làm nhà trệt bằng gỗ pơmu có chịu ảnh hưởng của điều kiện địa lý? Khoa học địa lý có vai trò gì trong việc góp phần làm rõ nguyên nhân này? Nội dung bài viết hy vọng phần nào làm rõ mối quan hệ giữa điều kiện địa lý và tập quán cư trú của người H’Mông ở MNNA. 2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 2.1. Một số nét cơ bản về người H’Mông 2.1.1. Người H’Mông trên thế giới Thế kỷ VII trước Công nguyên, một cộng đồng người Trung Hoa cổ đại được gọi là Tam Miêu. Tam xuất xứ từ 3 màu hồng, bạch, thanh của trang phục; Miêu nghĩa là "mầm" được viết bằng bộ "thảo" đặt trên chữ "điền". Người Hán dùng chữ Miêu để chỉ tộc người sống trên đồng bằng với nghề trồng lúa nước [1]. Ở Việt Nam, khi phiên âm chữ Miêu, người xưa đọc thành Mieo, quen gọi thành Mèo. Người Nghệ An phát âm thành Mẹo. Bản thân tộc người này tự nhận mình là H'Mông có nghĩa là "người" [3]. Đến thế kỷ IX, người H’Mông quy tụ đông đúc ở Quý Châu và có mâu thuẫn với triều đình Trung nguyên. Từ thế kỷ IX - XVI, người H'Mông di cư sang miền Tây Nam (Mộ ông vua H'Mông cuối cùng là Trương Tu Mi hiện còn ở thành phố Quý Dương tỉnh Quý Châu). Thế kỷ XV, khi chiếm được Quý Châu, Minh Anh Tông đã ra lệnh hoạn (thiến) hàng ngàn trẻ em Miêu nhằm thôn tính dần tộc người này [2]. Bị xua đuổi, một bộ phận người H'Mông ở lại Trung Quốc (theo tổng điều tra dân số Trung Quốc năm 1990 là 7.383.622 người, chiếm 0,65% dân số). Một số thiên di đến nhiều vùng đất mới (Lào ĐÀO KHANG 74 313.000 ngàn người (6,1% dân số); Thái Lan 124.000 người (0,21%); Mianma 2.656 người (0,01%); Việt Nam 787.604 người (1% theo Tổng điều tra dân số năm 1999). Ngoài ra còn có gần 200.000 người H'Mông sống rải rác ở 25 quốc gia: Mỹ 170.000 người; Pháp 15.000 người; Guyana 1.800; Ôxtrâylia 1.600; Canađa 1.200; Achentina 250; Niu Dilơn 150 người... (Gary Lee và Nick Tapp 2005 - dẫn theo Bùi Minh Thuận, Đại học Vinh, 2008). 2.1.2. Người H’Mông ở Việt Nam Thế kỷ XVII, người H’Mông nổi dậy chống nhà Hán nhưng thất bại ở lưu vực sông Hoàng Hà. Sau khi Thái Bình thiên quốc thất bại, người H’Mông bị đàn áp rất dã man. Tình thế đó buộc người H’Mông phải lần theo núi cao xuống Đông Nam Á và đến Việt Nam vào các thời điểm cách nay khoảng 300 năm, 200 năm và 150 năm [1]. Một số ý kiến ít được nhắc đến về nguồn gốc của người H’Mông: - Theo F.M. Savina, trong cuốn Lịch sử dân tộc Mèo (1924) thì một bộ phận người H'Mông cổ đại có quê hương ở Trung Âu, trên cao nguyên Inan và vùng Caucase, thiên di qua Sibir, lưu vực sông Hoàng Hà; đến Việt Nam từ 300 năm trước. Ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang hiện nay vẫn có một số người H'Mông mắt xanh, tóc vàng, da trắng. F.M. Savina còn chú ý đến dáng đi khi đèo gùi bước trên đường núi dốc ở Hà Giang rất giống với các cô gái miền sơn cước Hungari. - Một số ý kiến cho rằng người H’Mông có nguồn gốc từ tộc người Sáng. Tộc người Sáng về sau chia thành các nhánh Dao, H'Mông, Hán, Tạng. Người Dao và người H'Mông có quan hệ gần hơn, được tách làm hai vào khoảng thế kỷ VII - IX (về sau 2 tộc người này cùng vào Việt Nam). Người H’Mông ở Việt Nam có nguồn gốc từ tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) trên vùng đất giữa hồ Bành Lãi và Động Đình. Người H’Mông ở Việt Nam có 4 nhóm: H’Mông Đơ (các tên gọi khác là H’Mông Trắng, Mèo Trắng, Mán Trắng); H’Mông Lềnh (H’Mông Hoa, H’Mông Sỹ, Mèo Hoa); H’Mông Đen (có nơi gọi là H’Mông Đỏ) và H’Mông Súa (H’Mông Hán) [1]. 2.1.3. Người H’Mông ở Nghệ An Người H’Mông vào Việt Nam bằng 2 đường: qua Hà Giang và qua Lào Cai. Một bộ phận của nhóm qua Lào Cai đã đến MNNA sau khi phần lớn đã đi qua Lào. Tính đến tháng 8 năm 2005, ở MNNA có 4.053 hộ, 28.488 người H’Mông gồm 2 nhóm H’Mông Đơ và H’Mông Lềnh thuộc 12 dòng họ: Lầu, Vừ, Và, Lỳ, Già, Xồng, Mùa, Hạ, Hờ, Thò, Cự, Giênh [3]. Bốn dòng họ Lầu, Vừ, Và, Lỳ đến Nghệ An sớm nhất [1]. 2.2. Tác động của điều kiện địa lý đến tập quán cư trú của người H’Mông ở MNNA Lịch sử từng bị những tộc người khác bức bách đến phải rời quê biệt xứ đã tạo nên một số khác biệt của người H’Mông ở Việt Nam nói chung, người H’Mông ở MNNA nói riêng. Trong phạm vi bài báo này chỉ bàn đến nét đặc trưng trong tập quán cư trú. TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ ĐẾN TẬP QUÁN CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI H’MÔNG... 75 2.2.1. Tác động của điều kiện địa lý tự nhiên 2.2.1.1. Tác động của địa hình và khí hậu đến vị trí cư trú Ở MNNA có 6 dân tộc ít người: Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai, Thổ, Thái và H’Mông. Người Khơ Mú sống lưng chừng núi, người Ơ Đu và người Đan Lai sống trong rừng sâu, người Thổ sống cạnh núi đá vôi, người Thái sống ở chân núi [4]. Người H’Mông sống trên núi cao [1;4]. Theo chúng tôi, người H’Mông chọn địa hình núi cao trên 1.200 mét làm nơi cư trú, ngoài nguyên nhân mang tính lịch sử (bị xua đuổi trong quá khứ, đến MNNA muộn nên các thung lũng màu mở đã có chủ, sợ đụng chạm với các tộc người khác) thì khí hậu ở địa hình núi cao mát mẻ quanh năm đã làm cho họ - tộc người xuất xứ từ xứ lạnh - bằng lòng với vị trí cư trú này. 22.1.2. Tác động của vị trí địa lý, khí hậu và địa hình đến phạm vi cư trú - Tác động trực tiếp Ở MNNA, người H’Mông chỉ sống tại 3 huyện rẻo cao dọc biên giới Việt - Lào: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Kỳ Sơn có 5 xã thuần H’Mông là Mường Lống, Huổi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn, Đoọc Mạy và 3 xã gần thuần H’Mông là Bắc Lý, Na Ngoi, Mường Típ. Tương Dương có 6 xã có người H’Mông là Nhôn Mai, Tam Hợp, Mai Sơn, Lưu Kiền, Xá Lượng và Hữu Khuông. Quế Phong có 5 bản thuần H’Mông ở xã Tri Lễ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người H’Mông chỉ sống ở đây là do: + Ba huyện trên ở MNNA, phía Tây đều giáp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, riêng Quế Phong có phía Bắc giáp Thanh Hóa. Tại Lào và Thanh Hóa đều có người H’Mông sinh sống. Ngoài yếu tố có nhiều núi cao trên 1.200 m, khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp với tộc người xuất xứ từ vùng ôn đới, thì đây là điều kiện để người H’Mông ở MNNA giao lưu, và ở chừng mực nhất định, củng cố sự tự tin vì bên cạnh có cộng đồng dân tộc mình. + Ở MNNA, người H'Mông vẫn giữ tập quán hay di dời, tìm những vùng đất mới để canh tác sau khi rẫy cũ bạc màu. Thế nhưng họ không tiếp tục tiến về phía Nam là do điều kiện địa lý không còn phù hợp. Hà Tĩnh, tỉnh tiếp giáp với Nghệ An về phía Nam, không có các ngọn núi đủ cao để có khí hậu mát mẻ thích hợp với họ. Điều kiện địa lý tự nhiên với địa hình thấp và nhiệt độ cao đã thay đổi hướng di chuyển của người H’Mông khi đến MNNA: từ hướng Bắc - Nam (Trung Quốc - miền núi Bắc Bộ - MNNA) sang hướng Đông - Tây (nội vùng và qua Lào). - Tác động gián tiếp (từ tập quán canh tác) Khí hậu khu vực núi cao ở MNNA rất thích hợp với tập quán đốt rừng làm rẫy. Từ tháng V đến tháng VIII thịnh hành gió Tây Nam (từ khối không khí Vịnh Ben Gan) bị biến tính qua dãy Trường Sơn trở nên khô nóng [5]. Đây là thời điểm người H'Mông đốt rẫy. Tháng IX thịnh hành gió Đông Nam ẩm (từ luồng tín phong) mưa nhiều [5] là thời điểm thuận lợi để người H'Mông gieo trồng. Tháng XII đến tháng I năm sau trời khô hanh. Đây là thời điểm người H’Mông thu hoạch, ăn Tết H’Mông (trước đây) và Tết Nguyên đán (hiện nay). ĐÀO KHANG 76 2.2.1.3. Tác động của khí hậu đến kiểu nhà và chất liệu làm nhà Các dân tộc ít người ở MNNA đều ở nhà sàn. Riêng người H’Mông ở nhà trệt bằng gỗ pơmu. Khí hậu núi cao buộc người H’Mông phải chọn kiểu nhà trệt. Tại đây gió rất mạnh, nhà sàn không chống chịu được. Nhà trệt của người H’Mông có nhiều cột chôn sâu vào nền đất. Nhà rộng nhưng thấp để chống gió và giữ ấm. Kiểu nhà trệt còn thích hợp với một số thói quen của người H’Mông rất coi trọng nghề rèn, không để bếp tắt lửa; trong một nhà sống chung nhiều thế hệ nên mỗi lần con cái lập gia đình phải nối nhà dài ra,... Như thế, nhà trệt tiện hơn nhà sàn. Nguyên liệu làm nhà trên núi cao phải không mối mọt để có tuổi thọ cao; mềm để dễ thi công; nhẹ để dễ vận chuyển; dễ chẻ để phù hợp với dụng cụ thô sơ; có mùi thơm dễ chịu đối với người nhưng lại có khả năng xua đuổi ruồi muỗi,... Gỗ pơmu có đủ các đặc tính đó, lại sẵn trên núi cao (ảnh 1). Không chỉ nhà ở mà cả các ngôi trường cho con em, người H’Mông cũng làm nhà trệt bằng gỗ pơmu (ảnh 2). 2.2.2. Tác động của yếu tố lịch sử và điều kiện kinh tế - xã hội đến tập quán cư trú 2.2.2.1. Tác động của yếu tố lịch sử đến lối sống tách biệt với các tộc người khác Các dân tộc ít người ở MNNA, kể cả những dân tộc có rất ít người (thể hiện sự ít hòa huyết trong lịch sử) vẫn sống xen kẽ nhau. Ở Tương Dương, người Tày Poọng (chỉ có 553 nhân khẩu) sống lẫn với người Kinh và người Thái; người Ơ Đu (chỉ có 459 nhân khẩu/tính đến 31/12/2002) sống xen với người Khơ Mú và người Thái. Ở Con Cuông, người Đan Lai trước đây sống trong rừng sâu nay đã dời ra gần các bản Thái và Kinh. Ảnh 2. Ngôi trường 5 phòng học 10 gian của người H’Mông ở bản Mường Lống xã Tri Lê huyện Quế phong (100% gỗ pơmu). Ảnh 1. Đàn ông H’Mông bên căn nhà gỗ pơmu TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ ĐẾN TẬP QUÁN CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI H’MÔNG... 77 Nhìn chung, các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Đan Lai, Ơ Đu đều sống cạnh nhau. Riêng người H’Mông đến nay vẫn sống tách biệt trên núi cao. Thậm chí khi người Thái đốt rừng gần rẫy của mình, người H’Mông ở bản Mường Lống xã Tri Lễ huyện Quế Phong đã dời bản lùi sâu vào rừng để cách xa người Thái [4]. Theo chúng tôi, tập quán sống tách biệt với các tộc người khác của người H’Mông gắn liền với lịch sử đấu tranh của tổ tiên họ với các tộc người khác mà thất bại của người H’Mông thường kéo theo các cuộc bị thảm sát: thế kỷ XV bị nhà Minh đàn áp; thế kỷ XVII bị người Hán trả thù; sau phong trào Thái bình Thiên quốc bị truy đuổi,... Tình thế đó buộc người H’Mông phải lần theo núi cao mà chạy về Đông Nam Á, một bộ phận vào Việt Nam sống “cố thủ” trên núi cao. Hiện nay, người H’Mông ở MNNA vẫn giữ phong tục chôn người chết: đàn ông chết được mặc giả gái (để hồn người chết không bị coi là chiến binh - đối tượng bị trả thù sau các cuộc chiến); xé quần áo (để không bị đối phương cướp làm chiến lợi phẩm); bắn súng tiễn đưa (để xua đuổi kẻ thù). Người H’Mông sống cẩn trọng, cảnh giác, ít quan hệ với các tộc người khác ở trên cùng địa bàn MNNA. 2.2.2.2. Tác động của yếu tố địa lý kinh tế - xã hội - dân cư đến thói quen hay di dời - Di dời truyền thống: Hay di dời là tập quán rất đặc trưng của người H'Mông. Theo chúng tôi, tập quán này của người H’Mông hình thành và kéo dài cho đến tận ngày nay, ngoài yếu tố lịch sử như đã trình bày ở trên, còn là do: + Cuộc sống du canh du cư thiếu hiểu biết kỹ thuật chăm bón, lại canh tác trên núi cao làm cho đất sớm bạc màu, năng suất giảm nhanh, người H’Mông phải di dời đến vùng đất mới màu mỡ hơn để canh tác. Tập quán hay di dời đã ăn sâu vào bản chất của người H’Mông. Hiện tại một số gia đình, thậm chí có nơi cả một bản người H’Mông vẫn kiên trì cuộc sống du canh du cư, kể khi được tạo điều kiện về ăn ở và cấp đất sản xuất [4]. + Thú rừng là nguồn thực phẩm dễ kiếm nên người H'Mông rất chú trọng săn bắn. Khi bầy thú hoang cạn, họ dời bản đến vùng săn mới nhiều thú hơn. + Vật nuôi của người H’Mông gồm: trâu bò (giết thịt vào ngày lễ đặc biệt), ngựa (phương tiện vận tải), lễ cúng ma (lợn, gà). Tất cả đều nuôi thả rông. Khi bãi chăn thả gia súc cạn thức ăn, người H’Mông tìm các bãi mới và chuyển nhà đi theo. + Một loại cây trồng quan trọng (trước đây) của người H'Mông là anh túc để chế luyện thuốc phiện, phải trồng trên rẫy mới đốt có nhiều tro. Người H’Mông rất cần rẫy mới đốt. Rẫy xa dần nên phải chuyển nhà đi theo. + Việc di dời của người H'Mông được tiến hành cẩn trọng: những người khoẻ mạnh đến khu rừng mới, làm lán hoặc nhà tạm, phát rẫy, trồng sẵn cây lương thực, rau quả, đến mùa thu hoạch về bản cũ đưa cả nhà đến. Theo cách đó, an ninh lương thực tương đối đảm bảo nên người H'Mông không ngại di dời. + Có khi việc di dời là do hiềm khích với các tộc người khác hoặc do dịch bệnh. ĐÀO KHANG 78 - Di dời theo cơ chế + Di dời theo chủ trương của chính quyền cơ chế chính sách: Từ năm 1993, chính quyền Nghệ An có chủ trương đưa người H’Mông “xuống núi”. Thí điểm đầu tiên là chuyển một số gia đình từ bản Pù Quạc (độ cao trên 1.500 m) về bản Lưu Thông xã Lưu Kiền huyện Tương Dương (độ cao 500 m). Sau một thời gian, chỉ có một số gia đình ở lại, phần lớn quay về bản cũ hoặc chuyển đi nơi khác. Lý do chính là người H’Mông khó thích nghi về độ cao. Tuy được hướng dẫn đào ao thả cá, sản xuất lúa nước,... đem lại hiệu quả khá cao nhưng các loại cây trồng truyền thống của người H’Mông: nếp Mẹo, rau cải Mẹo (H’Mông), khoai sọ Lào,... kém phát triển ở bản mới. Điều kiện địa lý đã tác động đến chủ trương của chính quyền về cư trú của người H’Mông. Với người H’Mông ở MNNA, sản phẩm truyền thống rất được coi trọng, kể cả nông sản. + Di dời theo cơ chế thị trường: Kinh tế thị trường còn rất xa lạ với người H'Mông ở MNNA. Chỉ đến cuối năm 2008, một gia đình người H'Mông ở huyện Kỳ Sơn có tư tưởng hoạt động kinh doanh. Cự Bá Chạ, một thanh niên ở xã vùng sâu Huổi Tụ đã dời nhà đến Cửa khẩu Nậm Cắn chuẩn bị dựng một khách sạn lớn bằng gỗ. Tuy nhiên việc đầu tiên của anh khi đến đây là phát rẫy để có lương thực. Như vậy, hiện tượng di cư này đã bị biến tính: trong du canh du cư của người H’Mông ở MNNA, du cư là hệ quả của du canh (phát rẫy trước, chuyển nhà sau), còn ở đây du canh lại là hệ quả của du cư (chuyển nhà trước, phát rẫy sau). 3. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT 3.1. Kết luận - Tập quán cư trú trên núi cao của người H’Mông ở MNNA, ngoài nguyên nhân có liên quan đến lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc H’Mông, còn bị tác động bởi điều kiện địa lý, cả địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội. - H’Mông là tộc người xuất xứ từ phương Bắc có lịch sử tồn tại và phát triển gắn liền với tập quán hay di dời này đã dừng lại ở MNNA, không tiếp tục đi về phương Nam là do địa hình và khí hậu từ Hà Tĩnh trở vào không còn phù hợp; chỉ sống trên các ngọn núi cao dọc biên giới Việt - Lào, ngoài lý do chịu tác động của khí hậu, còn do muốn sống cạnh cộng đồng cùng tộc người người H’Mông ở Lào và miền núi Thanh Hóa. 3.2. Đề xuất Tập quán cư trú trên núi cao gây ra một số trở ngại trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho chính người H'Mông ở MNNA. Các biện pháp tương thích để cải thiện đời sống khó khăn nhiều mặt của người H’Mông ở MNNA hiện nay cần tôn trọng các yếu tố địa lý, cả tự nhiên và kinh tế - xã hội: - Không đưa người H’Mông “xuống núi” để phát triển kinh tế, tiếp cận kinh tế thị trường mà đưa các biện pháp phát triển kinh tế, đưa kinh tế thị trường đến với TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ ĐẾN TẬP QUÁN CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI H’MÔNG... 79 người H’Mông trên núi cao. Phát triển giao thông miền núi là vấn đề cấp thiết và cơ bản nhất để cải thiện và nâng cao dần đời sống của người H’Mông ở MNNA. - Hình thành các vùng sản xuất tương đối tập trung các loại nông sản truyền thống có giá trị cao và đang rất dễ tiêu thụ với số lượng lớn: gà ác, lợn nít, nếp Mẹo, đào Lào, khoai sọ Lào,... - Tăng tiền thù lao cho các hoạt động sản xuất, trước hết là tiền bảo vệ, tái sinh phục hồi rừng (hiện tại là 100.000 đ/ha/năm). Do tiền thù lao thấp, không đảm bảo cuộc sống thường nhật nên người H’Mông phải di dời đến vùng đất mới hy vọng có cuộc sống no đủ hơn, chưa kể có lúc còn bị lôi kéo vượt biên giới, gây nhiều phiền phức cho cả 2 phía Việt Nam và Lào. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ninh Viết Giao (2003). Địa chí huyện Tương Dương. NXB Khoa học Xã hội. [2] Thái Hư (biên dịch) (2005). Tản mạn chuyện phòng the Phương Đông. Tri thức trẻ, 150. [3] Đào Khang (2008). Lý giải một số tập quán của người H'Mông ở Nghệ An theo quan điểm địa lý. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP Hà Nội, 8(53), 85-91. [4] Đào Khang (2006). Nghiên cứu tập quán du canh của đồng bào dân tộc ít người ở miền núi Nghệ An và xây dựng các mô hình sản xuất Nông Lâm kết hợp gắn với phát triển bền vững theo quan điểm địa lý tổng hợp. Đề tài cấp Bộ. [5] Vũ Tự Lập (1999). Địa lý tự nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục. Title: THE EFFECTS OF GEOGRAPHIC CONDITIONS TO CUSTOM OF H'MONG PEOPLE IN NGHE AN PROVINCE Abstract: H’Mong people originatinged from China who emigrated to the South and stopped in the mountainous region of Nghe An province. Although having already lived in the same locality hundreds of years up to now, H’Mmong people have different practices of residing, farming and other activities from other ethnic minority groups due to geographical conditions, natural geography and economic - social geography conditions. This article refers to the impact of geographical conditions to the practices of the H’Mong residing in mountainous region of Nghe An. TS. ĐÀO KHANG Khoa Địa lý, Trường Đại học Vinh. ĐT: 0912.627198. Email: daokhang2009@yahoo.com.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf19_294_daokhang_13_dao_khang_1084_2021141.pdf