Quan hệ xã hội và vốn xã hội: nghiên cứu so sánh Việt Nam và Hàn Quốc

Từ những đặc trưng giống và khác về mạng quan hệ xã hội nêu trên, Việt Nam và Hàn Quốc có những phương thức khai thác vốn xã hội riêng của mình. Vốn xã hội từ quan hệ gia đình, họ hàng vẫn luôn đóng vai trò quan trọng và được khai thác triệt để trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của cả người Hàn và người Việt. Song tính cố kết và tính tôn ty quá chặt chẽ trong mối quan hệ gia đình của người Hàn Quốc đôi khi lại tạo ra những phản chức năng.

pdf11 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 1395 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan hệ xã hội và vốn xã hội: nghiên cứu so sánh Việt Nam và Hàn Quốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 35 QUAN HỆ XÃ HỘI VÀ VỐN XÃ HỘI: NGHIÊN CỨU SO SÁNH VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC NGUYỄN QUÝ THANH* CAO THỊ HẢI BẮC** 1. Đặt vấn đề Hàn Quốc là một quốc gia đã trải qua một quá trình công nghiệp hóa dồn nén (compressed industrialization) cao độ. Trước những năm 60, kinh tế Hàn Quốc rơi vào tình trạng trì trệ do phụ thuộc chủ yếu vào sự viện trợ của Mỹ. Từ năm 1961, một chính sách kinh tế mới đã được đưa ra theo hướng “chính phủ chủ đạo” nhằm thực hiện ba mục tiêu: phát triển công nghiệp nặng tập trung cho xuất khẩu (hướng ngoại, mở cửa), ổn định kinh tế vĩ mô lấy các tập đoàn kinh tế lớn trong nước làm nòng cốt, đầu tư vốn con người và vốn xã hội. Đặc biệt, phong trào làng mới được phát động ở nông thôn theo phương thức chính phủ chỉ đạo đường lối, phát huy tinh thần nội lực, hợp tác và thi đua giữa các làng, đào tạo và cử cán bộ chủ chốt đi học ở trung ương và nước ngoài, phát triển mô hình nông hội (hợp tác xã) ở nông thôn đã tạo nên những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nền kinh tế Hàn Quốc cũng tồn tại nhiều vấn đề. Những mối quan hệ thiếu minh bạch giữa chính phủ, ngân hàng và công ty đã tạo điều kiện cho các công ty đầu tư thoải mái mà không hề nghĩ đến những gánh nặng nợ khổng lồ. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Sau cuộc khủng hoảng, Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét lại phương thức kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế để đưa ra một chính sách kinh tế mới theo định hướng thị trường từ thời tổng thống Kim Dae Jung đến nay. Cũng từ sau khủng hoảng năm 1997, nhiều nhà doanh nghiệp và giới nghiên cứu quan tâm hơn đến vấn đề vốn xã hội đối với sự phát triển bền vững. Trong đó chú trọng đến tính minh bạch trong quản lý, giảm bớt sự cố kết, thiếu minh bạch giữa chính phủ và doanh nghiệp. Bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc trước kia. Sau năm 1986, chính phủ Việt Nam cũng thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và tăng cường mở cửa với bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam phải đối mặt với nhiều hệ quả tiêu cực, đe dọa tính bền vững của sự phát triển. Do đó, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa như Hàn Quốc trong việc xây dựng và huy động hiệu quả vốn xã hội vào phát triển bền vững. Có thể phân chia các nghiên cứu về vốn xã hội và quan hệ xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất chuyên nghiên cứu về các quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội và vốn xã hội của người Hàn như Lee Jae Yeol (2000), Kim Yong Hak * PGS.TS, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. ** ThS, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 36 (1996), Cha Jae Ho (1994), Lee Jae Hyeok (2005), Na Eun Young, Min Kyeong Hwan (1998), Yu Jae Won (2000), Lee Seon Mi (2004), Cheon Hyun Sook (2004), Han Do Hyun (2007, 2010) v.v... Nhóm thứ hai chuyên nghiên cứu về các quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội và vốn xã hội của người Việt như Regina Abrami (1997), Lê Ngọc Hùng (2008), Hoàng Bá Thịnh (2009), Nguyễn Ngọc Bích (2006), Nguyễn Vạn Phú (2006), Nguyễn Quang A (2006), Phan Chánh Dưỡng (2006), Phan Đình Diệu (2006), Trần Hữu Quang (2006), Trần Hữu Dũng (2003, 2006), Nguyễn Duy Thắng (2007), Nguyễn Tuấn Anh (2010) v.v...Nhóm thứ ba là nhóm nghiên cứu so sánh các khía cạnh liên quan đến vốn xã hội và quan hệ xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc như Nguyễn Quý Thanh (2005), v.v... Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc, trong đó có kinh nghiệm xây dựng và phát huy hiệu quả vốn xã hội. Bởi vậy, những nghiên cứu so sánh về quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội và vốn xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc là rất cần thiết. Nhưng, các nghiên cứu về chủ đề này ở cả Việt Nam và Hàn Quốc còn tương đối ít. Tác giả Nguyễn Quý Thanh (2005) đã so sánh vai trò của nguồn lực gia đình trong việc hỗ trợ các giao dịch kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ đề cập đến một loại hình của vốn xã hội là vốn có được từ các quan hệ gia đình và chỉ dừng lại ở việc phân tích vai trò của vốn gia đình trong khía cạnh kinh tế. Những nghiên cứu so sánh khai thác các khía cạnh khác nhau về vốn xã hội, quan hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc còn ít và đang cần thiết cho Việt Nam trong quá trình học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của nước bạn. Như vậy, việc nghiên cứu so sánh về những chủ đề khác nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc để tìm ra những bài học là cần thiết. Bài báo này sẽ so sánh tổng quát về qui mô và đặc tính quan hệ xã hội và vốn xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc. Câu hỏi nghiên cứu đặt ra là qui mô mạng lưới quan hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc thế nào? Các quan hệ xã hội và vốn xã hội của người Việt và người Hàn có đặc tính ra sao? Bằng việc khảo sát, phân tích một số nghiên cứu đi trước so sánh với những kết quả nghiên cứu mới nhất, các tác giả sẽ trả lời các câu hỏi nêu trên. 2. Mạng quan hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc Ở phần này chúng tôi sẽ khái quát đặc trưng về qui mô và đặc tính các mạng quan hệ xã hội của người Việt Nam và người Hàn Quốc thông qua một số kết quả khảo sát của một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. 2.1. Qui mô mạng quan hệ xã hội Trong bài viết này qui mô mạng quan hệ xã hội (network size) được hiểu là số người mà đối tượng được phỏng vấn có thể tìm đến như nguồn hỗ trợ đầu tiên khi cần giúp đỡ các vấn đề trong cuộc sống. Trong các nghiên cứu xã hội học về mạng quan hệ xã hội, qui mô thường được khảo sát cùng với biến số mật độ (network density). Qui mô là nói đến độ rộng hay hẹp còn mật độ là nói đến độ đậm đặc của mạng quan Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 37 hệ xã hội. Mật độ là tỷ lệ những trường hợp có mối quan hệ thực tế trong toàn bộ những mối quan hệ có khả năng xảy ra. Theo Lee Jae Yeol (2000: 4), qui mô mạng quan hệ xã hội trung bình của người Hàn là 3,74 người1. Con số này được phân bố từ 0 đến 35 người. Mật độ trung bình các mạng quan hệ xã hội là 50 và hệ số tương quan giữa mật độ và qui mô là -0,211 (mức ý nghĩa thống kê là 0,001). Điều này có nghĩa là khác với lý luận về mạng quan hệ xã hội thường dự đoán rằng qui mô thường tỷ lệ nghịch với tần số do thời gian và khả năng đầu tư để duy trì các mối quan hệ của mỗi cá nhân là có hạn. Nhưng, kết quả nghiên cứu của Lee Jae Yeol trong cuộc điều tra nói trên cho thấy một kết quả ngược lại rằng mật độ và qui mô mạng quan hệ xã hội của người Hàn tương đối cân bằng. Điều này cho thấy trung bình người Hàn đầu tư khá nhiều thời gian và nguồn lực để duy trì các mối quan hệ cá nhân của họ. Nghiên cứu này cũng cho biết rằng người Hàn có mạng quan hệ xã hội tương đối rộng và đậm đặc hơn người Mỹ. Một nghiên cứu tương tự về qui mô mạng quan hệ xã hội của người Việt của tác giả Nguyễn Quý Thanh (2012) cho biết qui mô trung bình mạng quan hệ xã hội của người Việt là 5,9 (độ lệch chuẩn là 6)2. Tức là trung bình một người Việt có khoảng 6 người bạn được coi là bạn thân3 với khoảng dao động sau khi loại bỏ các giá trị ngoại lai là từ 0-50. Nhìn chung, những người được hỏi ở nông thôn có số người bạn thân nhiều hơn các đối tượng được hỏi khác. Từ kết quả khảo sát nêu trên có thể thấy rằng người Việt có qui mô mạng quan hệ xã hội rộng hơn người Hàn. Điều này phản ánh một thực tế là người Việt Nam sống trong một môi trường đa văn hóa hơn, do đó, dễ tiếp nhận và kết bạn với người khác hơn. 2.2. Đặc tính mạng quan hệ xã hội Để nghiên cứu xem mạng quan hệ xã hội của người Hàn và người Việt có những đặc tính cơ bản nào, chúng ta cần xem xét các biến số về tính thứ bậc, tính đồng nhất (Homogeneity) hay không đồng nhất (Heterogeneity) của các quan hệ xã hội về giới tính, độ tuổi, trình độ giáo dục, quê quán, nghề nghiệp v.v... Bảng 1: Đặc tính những người bạn thân trong mạng quan hệ xã hội của người Việt và người Hàn 1 Số liệu dựa trên kết quả điều tra 800 người Hàn cả nam và nữ thuộc các giai tầng khác nhau từ 20 tuổi trở lên trên toàn quốc của Viện Nghiên cứu khoa học xã hội, Đại học Seoul tháng 8 năm 1998, trích theo Lee Jae Yeol. 2000. Social networks oF Koreans, a draft of a paper to be presented at the panel on „Too modern too soon?: Dualism in civil society, everyday life, and social relations in contemporary Korea‟, the 52 nd Annual Meeting of the Association for Asian Studies, San Diego, March 9-12, 2000, 0-24. 2 Số liệu dựa trên kết quả điều tra 1430 người Việt Nam tại Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương trong khuôn khổ đề tài “Sự hình thành và phát triển của vốn xã hội ở Việt Nam” do quỹ Nafosted tài trợ 2011-2013. 3 Chúng tôi định nghĩa “bạn thân đó là người chia sẻ về tình cảm hoặc giúp đỡ tiền bạc, công sức, hoặc thông tin quan trọng khi ông/bà cần và ngược lại. Tuy nhiên, không tính bố mẹ, con cái và anh chị em ruột trong trường hợp này”. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 38 Người Việt Nam4 Người Hàn Quốc5 Tính đồng nhất Họ hàng 9% 10,1% Đồng môn (cùng học) 52% 17,5% Đồng nghiệp 31% 9,8% Đồng hương 69% 2,2% Tính thứ bậc Không chặt chẽ Chặt chẽ Về tính đồng nhất của mạng lưới quan hệ xã hội, Lee Jae Yeol (2000: 5) chỉ ra rằng người Hàn có khuynh hướng lựa chọn những người đồng nhất với mình về giới tính hay độ tuổi để hình thành quan hệ xã hội với họ. Trong xã hội truyền thống, tôn ty thứ bậc và giới tính là những yếu tố quan trọng trong mọi quan hệ xã hội và là thước đo cho sự thăng tiến và chế độ khen thưởng trong các công ty Hàn Quốc. Nhưng kết quả nghiên cứu của Lee Jae Yeol cho thấy khoảng cách xã hội giữa các thế hệ và khoảng cách về giới tính đang có chiều hướng giảm song chưa đáng kể trong đời sống xã hội hiện đại. Trung bình khoảng cách độ tuổi trong một mạng quan hệ xã hội của người Hàn chỉ là 7.78 tuổi. Tính đa dạng về trình độ giáo dục trong các mạng quan hệ xã hội của người Hàn là 57.14% so với tính không đồng nhất của toàn bộ dân số Hàn. Điều này cho phép kết luận rằng người Hàn có khuynh hướng kết bạn với những người đồng nhất với mình về một yếu tố nào đó. Lee Jae Yeol đã chia quan hệ xã hội của người Hàn thành bốn loại hình như sau:6 Loại hình 1(mối quan hệ lâu dài và chắc chắn – strong and long ties): mối quan hệ được duy trì trong thời gian dài và tần số tiếp xúc thường xuyên. Các quan hệ gia đình thuộc vào loại này. Loại hình 2 (mối quan hệ lâu dài nhưng lỏng lẻo – weak but long ties): mối quan hệ được duy trì trong thời gian dài nhưng tần số tiếp xúc không thường xuyên. Nó ứng với các quan hệ như họ hàng, đồng hương, đồng học v.v... Loại hình 3 (mối quan hệ lâu ngắn nhưng chắc chắn – strong but short ties): mối quan hệ được hình thành tương đối mới nhưng tần số tiếp xúc thường xuyên. Quan hệ hàng xóm, đồng nghiệp v.v... thuộc vào loại hình này. Loại hình 4 (mối quan hệ ngắn và lỏng lẻo – weak and short ties): mối quan hệ mới hình thành và số lần tiếp xúc cũng ít. Các mối quan hệ như hội cùng sở thích, nhân viên 4 Số liệu khảo sát 2011-2012 của đề tài “Sự hình thành và phát triển của vốn xã hội ở Việt Nam” do Nguyễn Quý Thanh chủ trì. 5 Lee Jae Yeol. 2008. Quan hệ xã hội của người Hàn Quốc. Trong sách Xã hội Hàn Quốc hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 250. 6 Lee Jae Yeol. 2000. Social networks oF Koreans, a presented at the panel on „Too modern too soon?: Dualism in civil society, everyday life, and social relations in contemporary Korea‟, the 52nd Annual Meeting of the Association for Asian Studies, San Diego, March 9-12, 2000. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 39 công sở nhà nước, đoàn thể xã hội và các quan hệ khác thuộc về loại hình này. Theo kết quả nghiên cứu của Lee Jae Yeol, loại hình 4 chiếm tỷ lệ nhỏ nhất. Bảng 1 cho thấy 10,1% số người được hỏi trả lời có quan hệ họ hàng với những người bạn thân. Nếu tính cả quan hệ gia đình vào phạm trù này thì tỷ lệ phần trăm lên đến là 46,5%. Như vậy, loại hình 1 chiếm tỷ lệ cao nhất và tiếp ngay sau đó là quan hệ đồng học thuộc loại hình 2 chiếm tỷ lệ 17%. Quan hệ đồng nghiệp và quan hệ đồng hương chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ tương ứng là 9,8% và 2,2%. Ngoài số liệu trong bảng 1, Lee Jae Yeol còn chỉ ra rằng các mối quan hệ mở và mới hình thành như quan hệ nhân viên công sở (1,5%), đoàn thể xã hội(1,6%) của người Hàn còn tương đối hạn chế. Hầu hết người Hàn vẫn tin vào các mối quan hệ truyền thống lâu dài như gia đình, họ hàng để giải quyết các vấn đề của mình. Mặc dù tính khép kín trong các gia đình Hàn Quốc ở đô thị hiện đại ngày càng rõ nét hơn do cuộc sống công nghiệp bận rộn, nhưng một điều đáng ngạc nhiên là sợi dây liên hệ bền chắc bao quanh người dân đô thị vẫn giữ nguyên những thuộc tính cơ bản của sinh hoạt gia đình, họ hàng truyền thống. Lee Jae Yeol (2008: 214) trong bài viết về “Quan hệ xã hội của người Hàn Quốc” đã trích dẫn một đoạn viết trên báo về hình ảnh một người đàn ông sinh sống ở đô thị nhưng hàng ngày, hàng tuần vẫn luôn bận rộn với việc tham gia tiệc cưới hay đám tang của gia đình, bạn bè hay họ hàng. Những chuẩn mực đạo đức truyền thống vẫn được duy trì tương đối vững chắc trong gia đình Hàn Quốc hiện đại. Và đây cũng là điểm tương đồng với các gia đình hiện đại ở Việt Nam. Tuy nhiên, càng ngày số lượng các tổ chức dân sự càng tăng lên trong xã hội Hàn Quốc. Theo thống kê của trung tâm hoạt động tình nguyện thành phố Seongnam của Hàn Quốc cho thấy năm 2001 ở thành phố Seongnam, số đoàn thể hoạt động tình nguyện là thanh niên gồm 60 tổ chức và số đoàn thể hoạt động tình nguyện là người dân thường gồm 63 tổ chức thì đến năm 2005, số tổ chức của 2 loại hình này lần lượt là 67 và 162 (Han Do Hyun, 2007: 50-56). Đặc biệt đáng chú ý là trong 4 năm số đoàn thể hoạt động tình nguyện là người dân thường đã tăng 2,57 lần. Một thống kê khác trên phạm vi cả nước cho thấy năm 2003 có 11.180 tổ chức dân sự tại Hàn Quốc thì đến năm 2005 con số này là 23.517 tổ chức, tăng hơn 2 lần trong 2 năm (Jung Keun Sik. 2008: 152-153). Số tổ chức dân sự tăng lên cũng đồng nghĩa với việc số người tham gia vào các tổ chức này ngày càng nhiều hơn hay nói cách khác các quan hệ đoàn thể xã hội thuộc loại hình 4 đang tăng lên nhanh chóng trong xã hội Hàn Quốc. Các thuộc tính cá nhân cũng khiến cho qui mô mạng quan hệ xã hội của các đối tượng được hỏi khác nhau. Những người có trình độ giáo dục cao hơn thì qui mô mạng quan hệ xã hội rộng hơn và những người càng cao tuổi thì qui mô mạng quan hệ xã hội càng nhỏ. Không có sự khác biệt đáng kể về qui mô mạng quan hệ xã hội theo yếu tố giới tính là nam hay nữ. Những người có trình độ giáo dục thấp hơn tin tưởng nhiều hơn vào gia đình và họ hàng và ngược lại. Tóm lại, người Hàn có khuynh hướng kết bạn với những người đồng nhất với mình đặc biệt là quan hệ gia đình, họ hàng và bạn đồng học. Nhìn vào kết quả nghiên cứu so sánh ở bảng 1 có thể thấy tính đồng nhất về quan hệ gia đình, họ hàng của người Việt Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 40 thấp hơn người Hàn với 9%. Trong khi đó, tính đồng nhất về các quan hệ xã hội khác như đồng học (52%), đồng nghiệp (31%), đồng hương (69%) tương đối cao và cao hơn tính đồng nhất trong các mối quan hệ xã hội của người Hàn. Bên cạnh số liệu trong bảng 1, nghiên cứu của Nguyễn Quý Thanh (2012) còn cho thấy 86,9% những người bạn thân có vị trí công việc và chức vụ ngang bằng với người được hỏi, 86% những người bạn thân có cùng giới tính với người trả lời. Có thể giải thích về sự khác nhau về tính đồng nhất trong mạng quan hệ xã hội của người Việt và người Hàn như sau. Như chúng ta đều biết, Hàn Quốc là một quốc gia đơn dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo. Do vậy yếu tố thuần Hàn và tính khép kín của hệ tư tưởng Nho giáo trong người Hàn khá mạnh. Ngược lại, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc nên bản thân người Việt đã sẵn có tính đa dạng và cởi mở trong việc giao lưu, mở rộng các quan hệ xã hội. Mặt khác, trong thời đại công nghiệp hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam thì xu hướng di cư trong nước và sang nước ngoài của người Việt tương đối cao. Xu hướng này phản ánh phần nào lý do người Việt thích hình thành các quan hệ xã hội đa dạng hơn là chỉ gắn chặt với các quan hệ gia đình, họ hàng như người Hàn Quốc. Về tính thứ bậc, người Hàn duy trì tính tôn ty thứ bậc chặt chẽ trong mọi mối quan hệ xã hội. Trong quan hệ gia đình, mặc dù vai trò người phụ nữ đã được đề cao nhưng tư tưởng Nho giáo đề cao hơn vai trò của nam giới vẫn còn ít nhiều tồn tại. Trong các quan hệ đồng nghiệp, đồng hương, đồng học v.v...tính thứ bậc vẫn được nhấn mạnh. Ví dụ trong quan hệ đồng nghiệp nhấn mạnh sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên hay trong quan hệ đồng học, khóa dưới luôn phải giữ thái độ kính trọng lễ phép với khóa trên từ lời nói đến hành động. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Ngay cả khi uống nước lạnh cũng phải có trên có dưới”7 hay “Nhiều người ngồi ở vị trí cao thì nồi vỡ”8 đã phản ánh rõ nét tính tôn ty và thứ bậc này trong mọi mối quan hệ xã hội (Trần Ngọc Thêm, 2005: 340). Quan hệ xã hội của người Việt cũng duy trì tính thứ bậc nhưng đó là một thứ tôn ty kiểu dân chủ, không chặt chẽ như tính tôn ty của người Hàn Quốc. Trong quan hệ gia đình, phụ nữ Việt Nam dường như được đề cao hơn phụ nữ Hàn Quốc. Vai trò của người vợ, người mẹ trong các gia đình Việt Nam không bao giờ bị tách khỏi nền sản xuất, là “tay hòm chìa khóa” của gia đình, là “nội tướng” nên có một vị trí ẩn tàng nhưng vững chắc (Trần Thúy Anh, 2004: 43-44). Trong xã hội Việt Nam hiện đại cũng xuất hiện nhiều quan hệ hội đoàn như hội 7 Chanmuldo wi arae itda, 찬 물도 위 아래 있다, trích theo Trần Ngọc Thêm. 2006. Vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Korea: Từ truyền thống đến hội nhập. Trong sách Văn hóa phương Đông – truyền thống và hội nhập, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 340. 8 Sangjoaga maneulmyeon gamasoteul ggaeteurinta, 상좌가 많으면 가마솥을 깨드린다, trích theo Trần Ngọc Thêm. 2006. Vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Korea: Từ truyền thống đến hội nhập. Trong sách Văn hóa phương Đông – truyền thống và hội nhập, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 340. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 41 đồng hương, hội đồng học, các NGO,1 v.v... nhưng so với các quan hệ hội đoàn của người Hàn thì khác nhiều về chất lượng. Ví dụ, quan hệ giữa học sinh khóa trên với khóa dưới ở Hàn Quốc đã được đúc kết thành văn hóa Seonbe – Hube2 phổ biến rộng rãi trên các sách báo, phim ảnh và trong đời sống thường nhật. Trong khi ở Việt Nam, mối quan hệ này chưa được phổ biến đến mức thành một hiện tượng văn hóa. Hay như về số lượng các tổ chức phi chính phủ, theo thống kê của Hàn Quốc năm 2005, năm này có 5.556 tổ chức phi chính phủ được thành lập hoạt động ở các lĩnh vực đa dạng như môi trường, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người lao động nước ngoài v.v...(Jung Keun Sik, 2008: 154). Theo kết quả khảo sát của Nguyễn Quý Thanh (2012), tỷ lệ số người được hỏi tham gia các quan hệ đoàn thể xã hội khác không cao bằng tỷ lệ tham gia vào các quan hệ đồng học, đồng hương nói trên. Các tỷ lệ tham gia vào các đoàn thể xã hội khác lần lượt tương ứng như sau: đoàn thành niên (10,8%), hội nông dân (14,4%), hội khuyến học (8,5%), câu lạc bộ văn nghệ (0,1%), công tác từ thiện (0,1%) v.v... Tóm lại, về qui mô mạng quan hệ xã hội, người Việt đang duy trì một qui mô rộng hơn người Hàn. Về đặc tính mạng quan hệ xã hội, cả người Hàn và người Việt đều thích hơn việc duy trì các mối quan hệ đồng nhất. Trong đó, người Hàn đặc biệt thích lựa chọn mạng quan hệ xã hội đồng nhất như gia đình, họ hàng, còn người Việt có xu hướng tiếp xúc thường xuyên hơn với các quan hệ đa dạng khác ngoài gia đình, họ hàng như đồng học, đồng nghiệp, đồng hương. Một đặc tính chung nữa trong mạng quan hệ xã hội giữa người Việt và người Hàn là tính thứ bậc. Tuy nhiên, tính thứ bậc được thể hiện chặt chẽ hơn trong các mạng quan hệ xã hội của người Hàn so với người Việt. 3. Vốn xã hội của người Việt và người Hàn Khi chúng ta huy động các nguồn lực từ các mạng quan hệ xã hội có được để đạt được mục đích của mình có nghĩa là vốn xã hội đang được sử dụng. Vốn xã hội phát huy vai trò rõ nét nhất khi người sở hữu vốn lâm vào tình trạng khủng hoảng hay cần giúp đỡ về tìm việc làm, phát triển kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, hiếu hỉ, làm nhà v.v...Bài viết này chỉ đề cập đến vai trò của vốn xã hội trong một số trường hợp then chốt của cuộc sống như làm ăn kinh doanh, tìm kiếm việc làm, chia sẻ tâm sự. Về hoạt động làm ăn kinh doanh, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Quý Thanh (2005) về “sự giao thoa giữa vốn xã hội với các giao dịch kinh tế trong gia đình” đã khẳng định rằng gia đình đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các chủ doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc vay vốn khởi sự kinh doanh, vay vốn luân chuyển, vận hành kinh doanh hàng ngày và đảm bảo lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy 37% người Việt Nam được hỏi cho biết họ nhận được sự giúp đỡ vay vốn khởi sự kinh doanh từ gia đình họ và ngoài ra không còn nguồn nào khác, 41% chủ doanh nghiệp Việt Nam dựa hoàn toàn vào vốn tự tích lũy, 55% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát được cung 1 Không có một thống kê chính thức và đầy đủ về các hiệp hội, tổ chức, nhóm phi chính phủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số ước tính thì con số này lên đến vài chục ngàn (xem 2 Trong tiếng Hàn, Seonbe nghĩa là đàn anh(đàn chị), Hube nghĩa là đàn em. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 42 cấp vốn lưu động từ nguồn lực của gia đình, chỉ khoảng 4% dựa vào nguồn bên ngoài (Nguyễn Quý Thanh, 2005: 110 – 113). Các doanh nghiệp nhỏ của cả Việt Nam và Hàn Quốc nếu sống gần gia đình, họ hàng thì đều có thể nhận được sự giúp đỡ của họ trong quản lý công việc nội bộ, đối ngoại hay đảm bảo lao động phụ giúp các công việc kinh doanh. Không những thế, bạn bè thân thiết cũng là nguồn mà các cá nhân tìm đến khi họ rơi vào những tình huống cần sự trợ giúp như khi mua, xây dựng nhà cửa, tổ chức các nghi lễ như tang ma, hiếu hỉ, ốm đau v.v. Kết quả khảo sát của Nguyễn Quý Thanh (2012) cho thấy 97,6% người được hỏi cho biết họ có nhận được ít nhất một sự giúp đỡ nào đó từ bạn thân khi họ cần đến. Ngược lại, 96,9% người được hỏi cũng cho biết là họ có giúp đỡ lại bạn họ khi những người này cần. Như vậy, sự giúp đỡ về cơ bản mang tính đối xứng – có đi có lại.3 Như vậy, trong thời hiện đại, gia đình tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh doanh nhỏ ở Việt Nam và Hàn Quốc. Hơn thế, tại Hàn Quốc những quan hệ gia đình là rất quan trọng đối với các tập đoàn lớn như Chaebol. Một doanh nhân Hàn Quốc có thể kì vọng nhiều hơn so với các đồng nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm vốn khởi nghiệp và vốn lưu động từ các thành viên trong gia đình họ, trong khi doanh nhân Việt Nam có thể dựa vào gia đình như là nguồn lao động (Nguyễn Quý Thanh, 2005: 119) Về lĩnh vực tìm kiếm việc làm, tác giả Lê Ngọc Hùng (2003) đã nghiên cứu về mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm của sinh viên. Nghiên cứu này đã cho thấy trong xã hội truyền thống, việc tìm kiếm các thông tin về việc làm chủ yếu dựa vào hai kiểu mạng lưới xã hội là mạng lưới kiểu truyền thống đặc trưng bởi các mối quan hệ gia đình, họ hàng và mạng lưới kiểu hiện đại đặc trưng bởi quan hệ chức năng của cá nhân với các cơ quan, tổ chức, thiết chế chính thức. Nhưng trong điều kiện quá độ sang kinh tế thị trường hiện nay, nhiều người trong đó có sinh viên chủ yếu phải dựa vào mạng lưới xã hội hỗn hợp của hai kiểu loại trên bao gồm các quan hệ gia đình, quan hệ thân quen và quan hệ chức năng với các tổ chức chuyên môn để đạt được những mục đích nhất định trong đó có tìm kiếm việc làm. Một nghiên cứu khác của Đặng Nguyên Anh (1998) về mạng lưới xã hội của người di cư cho thấy người di cư chủ yếu sử dụng mạng lưới quan hệ xã hội truyền thống gồm người nhà, người thân quen, bạn bè để giao dịch kinh tế như tìm việc làm, vay tiền, gửi tiền về nhà. Có thể giới thiệu khái quát thêm một số nghiên cứu như Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2000 về vai trò của các loại vốn trong xóa đói giảm nghèo, Lê Ngọc Hùng (2003) về mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm của sinh viên, Nguyễn Duy Thắng (2007) về sử dụng vốn xã hội của nông dân ven đô dưới tác động của đô thị hóa. Tiêu biểu cho nhóm thứ hai nghiên cứu về quan hệ xã hội và vốn xã hội ở Việt Nam có thể kể đến nghiên cứu của Regina Abrami (1997). Tác giả nghiên cứu về mối quan hệ xã hội và chiến lược sống của những người bán hàng rong và người lao động lưu động ở Hà Nội. Nghiên cứu này đã phát hiện ra sự biến đổi mạng lưới xã hội của người 3 Tuy nhiên, phân tích sâu cho thấy sự đối xứng này không có ở tất cả các loại hình giúp đỡ. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 43 lao động từ mô hình thủ công sang mô hình đồng nghiệp và mô hình thứ bậc. Nghiên cứu này cũng cho thấy vốn xã hội có thể chứa đựng những rủi ro tức là “phản chức năng” trong những điều kiện nhất định. Ở Hàn Quốc, theo nghiên cứu của Lee Jae Yeol (2008), khi cần tìm kiếm việc làm người Hàn thường tìm đến sự giúp đỡ của các quan hệ như họ hàng, đồng hương, đồng học, đồng nghiệp v.v...Từ cuối những năm 1990 trở lại đây, với sự gia tăng nhanh chóng của số lượng các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tình nguyện người lao động trong nước và nước ngoài, người lao động làm việc ở Hàn Quốc lại có thêm một mạng quan hệ xã hội mới vô cùng hữu ích trong việc tìm kiếm thông tin việc làm. Nghiên cứu của Han Do Hyun (2010: 120) về hoạt động của trung tâm hỗ trợ người lao động ở Seongnam cho biết chỉ tính riêng năm 2008, vấn đề tìm kiếm việc làm đã chiếm 15% trong số danh mục các vấn đề cần tư vấn của người lao động tương ứng với 281 vụ, chỉ xếp sau lĩnh vực tư vấn về vấn đề chậm tiền lương(20% tương ứng với 398 vụ). Về lĩnh vực chia sẻ tâm sự, nghiên cứu của Lee Jae Yeol (2008: 254) cho biết trong quan hệ gia đình, nội dung chia sẻ tâm sự chuyện vui buồn chiếm tỷ lệ cao nhất 46%. Trong quan hệ với bạn cùng học, nội dung tâm sự chia sẻ chuyện vui buồn cũng chiếm tỷ lệ áp đảo là 66, 3%. Tỷ lệ của nội dung này cũng tương đối cao trong quan hệ với hàng xóm và đồng nghiệp. Điều này chứng tỏ gia đình, bạn cùng học, hàng xóm, đồng nghiệp được sử dụng như một kênh quan trọng để chia sẻ tâm sự những chuyện vui buồn của người Hàn Quốc. Tóm lại, vốn xã hội có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của cả người Việt Nam và người Hàn Quốc. Vốn xã hội phát huy những hiệu quả khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau. Gia đình, họ hàng vẫn luôn là nguồn vốn xã hội quan trọng nhất trong việc giúp đỡ giải quyết những khủng hoảng về tinh thần, tình cảm. Bên cạnh đó gia đình còn hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ ở Việt Nam và các tập đoàn kinh tế lớn ở Hàn Quốc. Các quan hệ hội đoàn đa dạng như đồng học, đồng hương, đồng nghiệp, tổ chức tình nguyện... ngày càng tỏ rõ ưu thế trong việc đem lại những giúp đỡ về tìm kiếm việc làm, làm nhà, hiếu hỉ v.v...Tuy nhiên, vai trò của các quan hệ hội đoàn như các tổ chức tình nguyện, tổ chức phi chính phủ nêu trên dường như được thể hiện rõ nét hơn trong xã hội Hàn Quốc. 4. Kết luận Có thể tổng kết một số đặc trưng cơ bản về mạng quan hệ xã hội của người Việt và người Hàn như sau: Về qui mô mạng quan hệ xã hội, người Việt có qui mô rộng hơn người Hàn. Tuy nhiên, khuynh hướng giữ vững qui mô quan hệ xã hội với những quan hệ truyền thống lâu đời như gia đình, họ hàng của người Hàn rõ nét hơn người Việt. Về đặc tính mạng quan hệ xã hội, cả người Việt và người Hàn đều mang 2 đặc trưng cơ bản: tính đồng nhất và tính thứ bậc trong quan hệ. Tuy nhiên, tính thứ bậc được biểu hiện chặt chẽ hơn trong quan hệ xã hội của người Hàn so với người Việt. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 44 Từ những đặc trưng giống và khác về mạng quan hệ xã hội nêu trên, Việt Nam và Hàn Quốc có những phương thức khai thác vốn xã hội riêng của mình. Vốn xã hội từ quan hệ gia đình, họ hàng vẫn luôn đóng vai trò quan trọng và được khai thác triệt để trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của cả người Hàn và người Việt. Song tính cố kết và tính tôn ty quá chặt chẽ trong mối quan hệ gia đình của người Hàn Quốc đôi khi lại tạo ra những phản chức năng. Sự móc ngoặc trong nội bộ các tập đoàn kinh tế và sự kết nối giữa chính phủ với các tập đoàn lớn đã tạo ra tính không minh bạch trong kinh doanh và cản trở việc tiếp nhận những tiến bộ từ bên ngoài gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Bên cạnh những thành tựu kinh tế xã hội đáng nể phục từ việc huy động hiệu quả vốn xã hội, những sai lầm của Hàn Quốc trong lĩnh vực này cũng luôn là bài học kinh nghiệm quí báu cho Việt Nam trong giai đoạn quá độ sang nền kinh tế thị trường. Tài liệu trích dẫn Han Do Hyun. 2007. Phân bố đoàn thể xã hội và mạng lưới xã hội trong cộng đồng địa phương. Trong sách Đoàn thể địa phương và cộng đồng, NXB Paeksanseodang, Seoul. Han Do Hyun. 2010. Người lao động nước ngoài và hoạt động hỗ trợ người lao động nước ngoài của nhà người lao động nước ngoài ở Seongnam. Trong sách Quyền lợi của người lao động nước ngoài và cộng đồng. NXB Paeksanseodang, Seoul, 101-156. Jung Keun Sik. 2008. Xã hội dân sự Hàn Quốc và NGO. Trong sách Xã hội Hàn Quốc hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội. Lee Jae Yeol. 2000. Social networks oF Koreans, a draft of a paper to be presented at the panel on „Too modern too soon?: Dualism in civil society, everyday life, and social relations in contemporary Korea‟, the 52nd Annual Meeting of the Association for Asian Studies, San Diego, March 9-12, 2000, 0-24. Lee Jae Yeol. 2008. Quan hệ xã hội của người Hàn Quốc. Trong sách Xã hội Hàn Quốc hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 213-259. Nguyễn Quý Thanh. 2005. Sự giao thoa giữa vốn xã hội với các giao dịch kinh tế trong gia đình: so sánh gia đình Việt Nam và gia đình Hàn Quốc. Tạp chí Xã hội học, số 2(90), 108-121. Nguyễn Quý Thanh. 2012. Sự hình thành và phát triển của vốn xã hội ở Việt Nam. Quỹ Nafosted tài trợ 2011-2013. Trần Ngọc Thêm. 2006. Vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Korea: Từ truyền thống đến hội nhập. Trong sách Văn hóa phương Đông – truyền thống và hội nhập, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 335-349. Trần Thúy Anh. 2004. Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc bộ qua một số ca dao – tục ngữ. NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 43-44. Xã hội học số 3 (119), 2012 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 45

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso3_2012_nguyenquythanhcaothihaibac_9845.pdf