3. KẾT LUẬN
Có thể nói, cùng với các công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực văn học khác, các
công trình nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực văn học dân gian, văn học
trung đại Việt Nam từ 1930 đến 1945 đã cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về toàn
bộ hoạt động nghiên cứu văn học giai đoạn này. Quan trọng hơn, là qua đó, chúng ta
nhận ra sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn học nói chung
và nghiên cứu văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam từ 1930 đến 1945 nói riêng
trong tiến trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX.
Trong nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, nếu tác phẩm Tục ngữ phong dao của
Nguyễn Văn Ngọc chỉ được xem như một công trình sưu tầm thì Kinh thi Việt Nam của
Nguyễn Bách Khoa đã ghi một cột mốc trong bước chuyển biến mạnh mẽ của hoạt động
nghiên cứu về mảng văn học này với việc áp dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học
văn học, đặc biệt táo bạo là dùng lý thuyết phân tâm học Freud để giải mã yếu tố dâm
tục trong văn học dân gian Việt Nam dù còn mang tính áp đặt.
Ở mảng nghiên cứu văn học trung đại, lần đầu tiên, Trần Thanh Mại đã áp dụng phương
pháp tiểu sử học để nghiên cứu về Tú Xương qua Trông dòng sông Vị. Trong khi đó, về
một tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam là Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng
đã được hai nhà nghiên cứu tên tuổi là Đào Duy Anh và Nguyễn Bách Khoa nghiên cứu
một cách khá toàn diện. Nếu công trình của Đào Duy Anh là lối nghiên cứu thực chứng
nghiêm túc, hết sức coi trọng giá trị tư liệu để giải thích văn học nhưng vẫn còn ít nhiều
nghiêng về cảm xúc, tâm sự của kiểu nghiên cứu trung đại thì ở các công trình của
Nguyễn Bách Khoa, ông đã táo bạo kết hợp vận dụng đa dạng phương pháp nghiên cứu
mới, các lý thuyết mới của phương Tây và để giải mã một tác phẩm văn học trung đại
Việt Nam. Nếu cách quan niệm nghiên cứu theo cảm xúc, tâm sự chỉ là phần bề nổi,
phần hữu thức chủ quan của con người thì việc nghiên cứu tác phẩm đặt trong mối quan
hệ với cá tính tác giả là phần bề chìm, phần vô (tiềm) thức quan trọng của “tảng băng”.
Dựa vào bối cảnh thời đại, cùng việc dùng các phương pháp chủng tộc - địa lý học của
Taine, phân tâm học của Freud và xã hội học (ở công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn
Công Trứ) thật sự là những đóng góp có giá trị của Nguyễn Bách Khoa. Dù còn nhiều
áp đặt (như một tất nhiên của việc vận dụng phương pháp mới), các công trình nghiên
cứu của Nguyễn Bách Khoa vẫn để lại những giá trị khai phá ban đầu khá quan trọng
trong tiến trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học nước nhà./
9 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 518 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những thành tựu trong nghiên cứu văn học Dân gian và văn học Trung đại Việt Nam giai đoạn từ 1930 đến 1945 - Dương Thu Thủy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 04(12)/2009: tr. 72-80
NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN
VÀ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ 1930 ĐẾN 1945
DƯƠNG THU THỦY
Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
Tóm tắt: Cùng với các công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực văn học khác,
các công trình nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực văn học dân
gian (Kinh Thi Việt Nam - Nguyễn Bách Khoa) và văn học trung đại Việt Nam
(Trông giòng sông Vị - Trần Thanh Mại; Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn
chương truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Bách
Khoa; Khảo luận về Kim Vân Kiều - Đào Duy Anh) từ 1930 đến 1945 đã cho
chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn học
giai đoạn này. Quan trọng hơn, là qua đó, chúng ta nhận ra sự chuyển biến
mạnh mẽ của toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn học nói chung và nghiên cứu
văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam từ 1930 đến 1945 nói riêng
trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX vận động theo quỹ đạo
hiện đại hóa của nền văn học dân tộc và phân ra làm hai giai đoạn: từ đầu thế kỷ XX
đến năm 1930 và từ sau năm 1930 đến 1945, nhưng vẫn là một hành trình tiếp nối liên
tục. Những công trình nghiên cứu trong giai đoạn đầu không chỉ thể hiện sự nỗ lực của
những nhà nghiên cứu mở đường trong việc tiên phong áp dụng các phương pháp mới
của phương Tây vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam mà còn góp phần quan trọng
trong việc giới thiệu những tinh hoa văn hóa, văn học của dân tộc đến với độc giả
đương thời. Từ sau năm 1930, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam mới được đẩy
lên một bước mới - một bước nhảy vọt về cả chất và lượng. Cùng với hoạt động sáng
tác, nghiên cứu văn học trở thành một hoạt động chuyên môn và đã thực sự khẳng định
sự có mặt của mình trong đời sống văn học nước nhà bằng sự xuất hiện hàng loạt các
công trình nghiên cứu từ văn học dân gian đến văn học hiện đại; nghiên cứu lý luận văn
học, nghiên cứu văn học sử; nghiên cứu văn học trong nước lẫn nghiên cứu văn học
nước ngoài. Trong đó, nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại là một trong
những bộ phận quan trọng của hoạt động nghiên cứu văn học nói chung và văn học Việt
Nam nói riêng.
1. TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ, ca dao là một trong những thể loại
có số lượng nhiều và nội dung vô cùng phong phú. Tuy nhiên, tìm hiểu về loại hình này,
đến thời điểm bây giờ, có thể khẳng định chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu một
cách toàn diện về nội dung, nghệ thuật của ca dao, tục ngữ, ngoại trừ công trình Tục ngữ
phong dao (1928) của Nguyễn Văn Ngọc. Trong công trình vừa nêu, theo như tác giả
viết trong lời tựa, do sợ “cái kho vàng chung của nhân loại” mỗi ngày một lưu lạc đi nên
“Chúng tôi (Nguyễn Văn Ngọc - DTT) chỉ vụ thu thập cho được nhiều câu” chứ “không
NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN...
73
dám kén chọn, lựa lọc, san thi gì”. Vì vậy, Kinh Thi Việt Nam (1940) của Nguyễn Bách
Khoa ra đời có thể được xem là công trình đầu tiên nghiên cứu văn học dân gian có
phương pháp nhất từ trước tới nay.
Nội dung công trình, ngoài Thay lời tựa, trước khi Vào đề và Kết luận, cuốn sách có ba
phần: 1- Phần Kinh Thi Trung Hoa giới thiệu hai mục: Vì lẽ gì Khổng Tử san Kinh
Thi?, Kinh Thi một tài liệu xã hội học. 2- Phần Kinh Thi Việt Nam giới thiệu các mục:
dân chúng Việt Nam và Nho giáo, xã hội Việt Nam xây dựng trên nền kinh tế nông
nghiệp, gia tộc phụ hệ, chống nam quyền, đời sống tình cảm, đời sống bản năng, thực
trạng xã hội quyết định ý thức con người. 3- Phần cuối giới thiệu lai lịch phong dao:
Một giả thiết về lai lịch các phong dao, những thể cách phô diễn của người Việt Nam.
Trong Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Bách Khoa xuất phát từ quan niệm của Paul Lafargue
trong công trình Bàn về ca dao, dân ca về hôn lễ và lễ tục (1886): ca dao, dân ca phản
chiếu đúng đắn tâm lý người sáng tác ra nó để tìm hiểu ca dao Việt Nam. Phần “Trước
khi Vào đề”, tác giả Kinh thi Việt Nam khẳng định cách nghiên cứu của mình sẽ trải qua
hai bước: thứ nhất, tìm hiểu những cội rễ tâm lý và xã hội của nền thơ bình dân Việt
Nam; thứ hai, từ đó, tìm hiểu, san định và chú thích Kinh thi Việt Nam. Khi nghiên cứu
sự phản chiếu tâm lý của người bình dân Việt Nam trong ca dao, Nguyễn Bách Khoa đã
thấy được tinh thần chống Nho giáo trong Kinh thi Việt Nam là điểm khác biệt với việc
thể hiện tinh thần Nho giáo trong Kinh thi Trung Hoa do Khổng Tử san định. Nhà
nghiên cứu cũng thấy được: nội dung của ca dao thường phản ánh đời sống nông
nghiệp, tinh thần gia tộc phụ hệ, địa vị thấp kém của người phụ nữ, tinh thần chống nam
quyền, đời sống tình cảm của người bình dân, nhu cầu bản năng và kết luận thực trạng
xã hội quyết định ý thức con người. Căn cứ vào những nội dung của ca dao, cũng như
khảo sát sự biến hóa vần điệu của nó, Nguyễn Bách Khoa đưa ra ba giả thiết về lai lịch
phong dao đáng chú ý: Tất cả những bài phong dao nào chưa phải là lục bát, vần điệu
còn rộng rãi, tự do thì đều xuất hiện vào khoảng đầu lịch sử của dân tộc; Những bài nào
tuy vần điệu còn hỗn độn mà hình tượng thô thiển, có xu hướng tiến đến thể lục bát thì
đều xu hướng trong thời kỳ Bắc thuộc là thời kỳ kết tinh của ý thức dân tộc; Những bài
nào theo thể lục bát thì đều xu hướng [chữ dùng của Nguyễn Bách Khoa - DTT] trong
thời kỳ độc lập dân tộc [13, 766]. Ông cũng nêu ra ba thể cách đặc biệt để phô diễn tình
ý trong ca dao Việt Nam là: thể tương phản; thể trào phúng; thể trữ tình, ta thán.
Nguyễn Bách Khoa còn cho rằng trong ca dao, người Việt thường hay mượn cảnh vật,
sự việc để diễn tả tình cảm, chứ “không bao giờ phô diễn một cách trực tiếp”.
Có thể nói, với một chủ trương rõ ràng về phương pháp, một thái độ khoa học nghiêm
túc, Kinh thi Việt Nam ra đời đã khẳng định sự nỗ lực ở buổi đầu của Nguyễn Bách
Khoa trong việc áp dụng phương pháp khoa học vào việc nghiên cứu văn học dân tộc.
Đây có thể coi là công trình đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam, giải
thích văn học bằng nội dung xã hội. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng máy móc thuyết
phân tâm học của Freud cho rằng “dâm dục là cơ sở tâm lý con người. Nó ra lệnh cho
các ý muốn khác” [13, 478], Nguyễn Bách Khoa đã đưa ra một kết luận thiếu cơ sở
khoa học: tính hiếu dâm là đặc tính của người Việt Nam.
DƯƠNG THU THỦY
74
2. TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
Cùng với việc nghiên cứu văn học dân gian, các nhà nghiên cứu trong giai đoạn này
cũng tập trung vào việc nghiên cứu các hiện tượng văn học viết tiêu biểu của thời trung
đại. Các công trình Trông giòng sông Vị (1935) của Trần Thanh Mại; Nguyễn Du và
Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1945), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công
Trứ (1945) của Nguyễn Bách Khoa; Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943) của Đào Duy
Anh lần lượt ra đời.
Trần Thanh Mại là một trong những nhà nghiên cứu văn học gây được ấn tượng cho độc
giả đương thời ngay từ tác phẩm đầu tay Trông giòng sông Vị (1935). Đây là công trình
nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Trần Tế Xương. Cuốn sách được chia
làm 14 chương, lần lượt đề cập đến hoàn cảnh lịch sử của thời đại Tú Xương, các mối
bang giao, tính tình tư tưởng, khung cảnh gia đình xã hội, cuộc đời Tú Xương, văn
nghiệp Tú Xương Bằng giọng văn mang chất kể chuyện, Trần Thanh Mại đã dựng lại
bức tranh thời Tú Xương đang sống, cũng như đã khắc họa được chân dung Tú Xương
từ những bài thơ mà tác giả cho là của thi sĩ. Chính điều này đã giúp cho độc giả đương
thời hiểu rõ thêm hiện thực thời đại Tú Xương. Ông có nhiều nhận định sắc sảo, tinh tế
về “năng lực huyền bí” có sức cuốn hút người đọc của thơ Tú Xương. Về phương diện
này, khi đọc qua các chương “Văn chương ông Tú Xương”, Tú Xương “Một nhà trào
phúng”, ta có thể thấy Trần Thanh Mại là người am hiểu khá sâu sắc nghệ thuật thơ cổ,
đặc biệt là thể thơ Đường luật. Trần Thanh Mại là người đầu tiên phát hiện và đề cao
“trí mẫn tuệ” cùng tài trào phúng của Tú Xương qua các bài thơ chế giễu việc thi cử,
chế giễu những điều chướng tai gai mắt trong xã hội và đặc biệt là qua các bài thơ tự
trào độc đáo của Tú Xương. Nhà nghiên cứu đánh giá cao lối thơ trào phúng của Tú
Xương, ông cho rằng: Tú Xương đã đạt đến đỉnh cao của thơ trào phúng Việt Nam.
Bằng phương pháp so sánh, ông đưa ra nhiều nhận xét rất thú vị về sự tài tình, độc đáo
của Tú Xương trong dòng thơ này, khi viết: “Thơ Tú Xương nhẹ nhàng, lưu loát, ngân
lên có một nhạc điệu êm ái du dương. Thơ Tú Xương không có vẻ đài các như thơ
Thanh Quan, vẻ hùng tráng như thơ Nguyễn Công Trứ, không gò gẫm như Lê Thánh
Tôn, hay yêu quái như của Hồ Xuân Hương. Nhưng cái mà Tú Xương có, mà ít ai có, là
cái bình dị, cái tự nhiên” [10, 38]; hay là: “Ông Tú Xương dùng chữ cũng như anh
phường xiếc tung hứng những quả bóng của mình: Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ / Ai
ngờ chữ sắc hóa ra không. Luôn trong một hơi, thảnh thơi, tự nhiên nhưng vô tình mà
nói ông đã khéo dùng những chữ kinh, kệ, sắc, không của nhà Phật để chọi với nhau!”
[10, 51]. Một thiên tài như thế nhưng tiếc thay lại không được chú trọng, nguyên nhân
theo Trần Thanh Mại: “... một phần đã bị người ta không hiểu, nên không truyền tụng
được, còn một phần lại bị bỏ qua không để ý, vì họ không yêu chuộng trào phúng khôi
hài!” [10, 56]. Đó là những giá trị khẳng định đầu tiên khá chính xác về tài thơ của Trần
Tế Xương. Bên cạnh những giá trị đạt được, Trông giòng sông Vị còn có đôi chỗ hạn
chế như: coi Tú Xương là “nhà duy vật triết học”; khen “thơ Vị Xuyên là một lối thơ
cẩu thả”, nhưng có lẽ chỉ là những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử qui định, chứ
thực ra, đây chính là công trình nghiên cứu tương đối khách quan và công bằng những
giá trị vốn có trong di sản thơ ca Tú Xương.
NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN...
75
Sau này, Trần Thanh Mại viết hai quyển tiểu luận: Đấu tranh chống hai quan niệm sai
lầm về Tú Xương (1957) và Tú Xương con người và nhà thơ (1961, viết chung với Trần
Tuấn Lộ) để sửa chữa lại những khiếm khuyết, sai lầm ở công trình trước. Trần Thanh
Mại nêu ra hai nguyên nhân của sự sai lầm: thứ nhất là “xuất phát từ quan điểm thực
dân phong kiến bù nhìn thường ghét và sợ những người như Tú Xương”, thứ hai là
“nhiều người chưa hiểu con người thật của Tú Xương, chưa có dịp đi sâu nghiên cứu
đời sống của nhà thơ, rồi vô tình để cho một vài cảm tưởng đầu tiên đối với một số thơ
văn ông đưa đến những nhận định không chính xác” [11, 36-37].
Là công trình nghiên cứu sớm nhất về nhà thơ Trần Tế Xương khi ông này qua đời chưa
đầy 30 năm (một khoảng thời gian có lẽ chưa thật đủ độ lùi để có những nhận định thỏa
đáng về một tác gia văn học), Trông giòng sông Vị của Trần Thanh Mại còn có nhiều
điểm khiếm khuyết. Tuy nhiên, đặt quyển sách vào hoàn cảnh nó ra đời thì rõ ràng đóng
góp của Trần Thanh Mại không nhỏ. Sau 1945, Trần Thanh Mại bộc lộ: “Nhờ được học
tập thêm và học tập đúng đường lối khoa học, tôi bắt đầu thấy, và càng ngày càng rõ
hơn, những cái sai, đúng lúc trước của mình” [12, 3] nên ông đã tự điều chỉnh lại những
sai lầm trước kia của ông trong Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương
(1957) và Tú Xương con người và nhà thơ (1961). Và theo nhà thơ Nam Trân thì Trần
Thanh Mại vẫn còn chưa yên tâm với một số điều trong ba quyển sách ông đã viết về Tú
Xương. Điều này cho ta thấy: về một đề tài, Trần Thanh Mại không ngại trở lại nhiều
lần để tìm hiểu thấu đáo, chính xác hơn. Đó cũng là hướng nghiên cứu của Trần Thanh
Mại, hướng “thâm canh” sâu. Với hướng nghiên cứu này, Trần Thanh Mại đã có những
đóng góp đáng kể cho công tác nghiên cứu văn học của nước nhà.
Sau Trông giòng sông Vị, Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học trung đại
tiếp tục được tập trung tìm hiểu ở giai đoạn này.
Bàn về Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa có hai công trình:
Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942); Văn chương Truyện Kiều (1945). Tiếp tục quan
niệm văn học phản chiếu xã hội, con người trong Kinh thi Việt Nam, ở công trình
Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa đã dành 42 trang ở bài khái luận để
trình bày phương pháp nghiên cứu của mình. Không đồng tình với quan niệm lấy ý thức
để giải thích ý thức thông thường (như xem Truyện Kiều là ký thác tâm sự của Nguyễn
Du do cảm xúc về thân thế nàng Kiều mà sáng tác); Nguyễn Bách Khoa cho rằng:
nghiên cứu tác phẩm văn học phải biết tìm hiểu cá tính nhà văn, vì cá tính là “thể cách
riêng của một cá nhân. Nhờ có cá tính mà mỗi người chúng ta cảm xúc, suy nghĩ và
hành động một cách khác, không ai giống ai” chứ không phải chỉ tìm hiểu “tâm sự nhà
văn trong tác phẩm văn chương”. Theo Nguyễn Bách Khoa, tâm sự chỉ là phần hữu
thức, “phần nổi của tảng băng”, trong khi cá tính con người lại chủ yếu thuộc “cõi tiềm
thức” ở phần chìm, chiếm chín phần mười của tảng băng; cá tính là một kiến trúc gồm
nhiều yếu tố hòa hợp nhau rồi kết tinh lại, trong đó nổi trội là ba yếu tố: sinh lý di
truyền (huyết thống), địa lý tự nhiên (quê quán, khí hậu, thổ ngơi, vị trí địa dư) và
quan trọng nhất là điều kiện xã hội (bối cảnh xã hội, vị trí đẳng cấp); từ đó ông kết luận:
“Nghiên cứu một văn phẩm mà không tìm đến cá tính nhà văn và hình ảnh của xã hội
DƯƠNG THU THỦY
76
đương thời với nhà văn phản chiếu trong văn phẩm ấy, tức là không hiểu gì về nghệ
thuật phê bình hết” [13, 200].
Xuất phát từ quan niệm trên, trong Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa đã
nghiên cứu kỹ Nguyễn Du ở các khía cạnh huyết thống, thân thế, thời đại, cá tính
(chương I-IV) và xã hội Truyện Kiều. Sau đó, ông phân tích tâm lý các nhân vật Kim
Trọng, Từ Hải, Thúy Kiều (chương V-VIII). Hai chương IX và X là phần triết lý Truyện
Kiều và Tâm lý Truyện Kiều.
Nguyễn Bách Khoa đã lý giải cá tính Nguyễn Du và văn chương Truyện Kiều dưới ảnh
hưởng của lý thuyết chủng tộc - địa lý của Taine và thuyết phân tâm học của Freud.
Theo nhà nghiên cứu, cá tính Nguyễn Du là sự kết hợp của huyết thống dòng họ
Nguyễn với huyết thống họ Trần; giữa địa phương tính Nghệ Tĩnh với địa phương tính
Bắc Ninh. Sự kết hợp này là kết tinh của “lòng ham sống say sưa, cái khí tiết hiên ngang
không chịu khuất phục giống nòi” của vùng đất Nghệ Tĩnh chuyên sinh ra “anh hùng”
với “đất của ái tình”, “của tinh thần mẫu hệ”, “những tính bồng bột chiều theo cái đà
phát triển của muôn loài” Bắc Ninh - một tỉnh “giàu có, thích văn chương và phong tình
diễm lệ vào bậc nhất ở Bắc Kỳ”. Xuất phát từ thuyết phân tâm học của Freud, Nguyễn
Bách Khoa còn cho rằng, do Nguyễn Du thuộc đẳng cấp thượng lưu trí thức nhưng lại
sống trong một thời đại loạn lạc, gia cảnh tan tác, đất nước suy tàn nên “Tâm hồn bị
khủng hoảng đến rối loạn”. Đó chính là nguyên nhân của “căn tạng cảm xúc quá độ” và
“cái khiếu ảo giác” là hai điều kiện chủ yếu kết tinh nên tác phẩm Truyện Kiều.
Từ những nhận định trên, Nguyễn Bách Khoa “mổ xẻ” tác phẩm Truyện Kiều. Nhà
nghiên cứu xem xét các nhân vật chính (Kim Trọng, Từ Hải, Thúy Kiều) và cho rằng
mỗi nhân vật này trong Truyện Kiều là phản chiếu một khía cạnh tâm lý của Nguyễn
Du. Ở Kim Trọng là đa cảm, đa tình và quả quyết. Từ Hải là giấc mộng của Nguyễn Du
muốn đạt thành, là ước mơ “làm một vị anh hùng trong tưởng tượng”. Và sau cùng,
Thúy Kiều, nhân vật chủ chốt là sự “tố cáo” mâu thuẫn chủ yếu trong tâm tính Nguyễn
Du bởi “cốt cách một người đa tình đa cảm, hành động thì thuận theo bản năng và trái
tim mà suy nghĩ và lý luận thì lại phải nấp sau bản ngã Nho của tộc họ và đẳng cấp ông”
[13, 310]. Nguyễn Bách Khoa khẳng định: Thúy Kiều mới là con người tổng hợp của
Nguyễn Du với “bản ngã trí thức hòa lẫn với bản ngã tiềm thức” lập thành một cá tính
phức tạp mà Kiều là phản ảnh trung thành nhất.
Cũng nghiên cứu về Truyện Kiều, năm 1943, Đào Duy Anh xuất bản Khảo luận về Kim
Vân Kiều. Theo Thanh Lãng nhận xét thì đây là bộ sách nghiên cứu về Kiều đầy đủ hơn
cả về mọi phương diện, bởi “Trước đấy, Nguyễn Bách Khoa đã viết Nguyễn Du và
Truyện Kiều nhưng chỉ nhận định về Nguyễn Du dưới con mắt của một nhà phân tâm
học duy vật. Đằng này Đào Duy Anh đã đứng trên cương vị của một nhà phê bình giáo
điều cổ điển để nghiên cứu Kiều” [9, 420].
Công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều gồm có tám chương, lần lượt đề cập đến: Thân
thế Nguyễn Du, Nghiên cứu lai lịch Kiều, So sánh Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm
Tài Nhân với Đoạn trường tân thanh, So sánh nhân vật Kiều (Vương Thúy Kiều, Kim
NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN...
77
Vân Kiều truyện, Đoạn trường tân thanh), Phân tích giá trị văn chương Truyện Kiều,
Nghiên cứu triết lý Truyện Kiều, Khẳng định sách Đoạn trường tân thanh trong tư
tưởng và văn chương Việt Nam. Trong lời tựa tác phẩm, Đào Duy Anh tự nhận là
không chuyên nghiên cứu văn học. Tác giả nói một cách khiêm nhường rằng: đó chỉ là
tập bài “ghi chép những điều sở đắc” để “tặng cho các học sinh trường Thuận Hóa và
rộng hơn, cho các học sinh đang muốn tìm cái hứng thú để nghiên cứu quốc văn”, song
khi tìm hiểu ta thấy Khảo luận về Kim Vân Kiều là tác phẩm có giá trị thực sự trong lịch
sử văn học bởi những giá trị nó đạt được.
Trước hết, “Bàn về thân thế Nguyễn Du”, Đào Duy Anh lần lượt khảo luận về tác giả,
thân thế, quê quán, dòng họ - điều mà trước đây giới nghiên cứu ít quan tâm dùng để giải
thích tác phẩm. Thứ hai, “Khảo về lai lịch Truyện Kiều”, tác giả đem so sánh Đoạn
trường tân thanh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và kết luận: mọi tình
tiết chính của Kim Vân Kiều truyện đều được Nguyễn Du giữ hầu như y nguyên, nhưng
khi so sánh về nhân vật, tác giả thấy nhân vật Kiều của Nguyễn Du đã khác: Ngu sơ tân
chí tả Kiều là một gái giang hồ, tầm thường; Thanh Tâm Tài Nhân tả Kiều là con người
tiết nghĩa; còn Nguyễn Du đã lý tưởng hóa nàng Kiều và vẽ nàng như một thiếu nữ hoàn
toàn. Các chương còn lại bàn về văn chương Truyện Kiều. Theo Thanh Lãng nhận xét:
“Cái giá trị của thiên khảo cứu này nằm ở bốn chương đầu, còn bốn chương sau này Đào
Duy Anh chỉ làm công việc tổng hợp lại các việc Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam,
Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh đã làm đi làm lại nhiều lần trên Nam Phong từ mười lăm
đến hai mươi năm trước” [9, 422]. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, ta phải công nhận rằng: lối
nghiên cứu tỉ mỉ tư liệu, nhận định, phán đoán trên cơ sở những bằng chứng cứ liệu đã
được định giá là xác thực, sự khảo sát phân tích khách quan làm cho hoạt động nghiên
cứu luôn có một tinh thần khoa học thực chứng nghiêm túc đó là những giá trị cần ghi
nhận ở nhà nghiên cứu Đào Duy Anh trong công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều, chứ
không chỉ đơn thuần là “tổng hợp lại” như Thanh Lãng nhận định.
Tiếp tục tìm hiểu tác phẩm Truyện Kiều ở phương diện hình thức và nội dung, Nguyễn
Bách Khoa viết Văn chương Truyện Kiều (1945). Ở công trình này, Nguyễn Bách Khoa
càng thể hiện rõ tư duy nghiên cứu mang tính khoa học khi đã tập trung xác lập các định
nghĩa, giải thích các khái niệm, tìm mối liên hệ lôgic giữa các khái niệm rồi lập thành
một hệ thống các khái niệm nhằm nhận thức đối tượng.
Tác phẩm ngoài Lời tựa và Kết luận, gồm có hai phần, bàn về Vấn đề Truyện Kiều và
Văn chương Truyện Kiều. Ở phần đầu, tác giả điểm lại các bài viết, các công trình bàn
về Truyện Kiều từ đầu thế kỷ đến thời điểm bấy giờ. Nội dung chủ yếu của công trình là
ở phần “Văn chương Truyện Kiều”. Trong đó, “thiên tài” nghệ sĩ và “chất thơ” của
nghệ thuật (cụ thể là “chất thơ” của Truyện Kiều) là hai hiện tượng văn học được
Nguyễn Bách Khoa tập trung tìm hiểu.
Về vấn đề “thiên tài”, Nguyễn Bách Khoa đã vận dụng triệt để tư duy khái niệm và tư
duy lôgic để tìm hiểu hiện tượng này. Tiếp đến, Nguyễn Bách Khoa đi vào tìm hiểu vấn
đề “chất thơ” và “cái đẹp” Nếu theo Hoài Thanh đây là những vấn đề không thể đem
các khí cụ ra để “mổ xẻ”, phân tích được, thì ngược lại, Nguyễn Bách Khoa khẳng định:
DƯƠNG THU THỦY
78
“Cái đẹp hay cái chất thơ của Truyện Kiều, ta cũng chỉ có thể thưởng thức được bằng
phương pháp khoa học, bằng khí cụ khoa học” [13, 376]. Và trước khi đi vào phân tích
“chất thơ” và “cái đẹp” của Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa đã “lập giới thuyết minh
bạch” cho hai khái niệm này. Nhà nghiên cứu cũng đã mạnh dạn phân chia ranh giới
cho chất thơ và tinh thần khoa học. Ông đã đúng khi cho rằng: “Khoa học là khám phá,
là điều khiển, là chứng nghiệm. Chất thơ là ảo tưởng, là sương mù, là siêu lý”. Tuy
nhiên, do quá tin vào phép biện chứng lôgic, Nguyễn Bách Khoa đã nhận định sai lầm
khi cho rằng: “Óc khoa học là khí cụ tiến hóa của một đẳng cấp đang đi tới, trẻ và
mạnh, óc thơ là khí giới tự vệ của một đẳng cấp đang tàn tạ, cằn cõi và ốm yếu”. Tuy
vậy, Nguyễn Bách Khoa cũng có những trang phân tích thật tinh tế, nhạy cảm về “chất
thơ” trong tác phẩm Truyện Kiều khi viết về trăng. Theo Nguyễn Bách Khoa: “Buổi
chiều và đêm trăng đó là hai bề dọc và ngang của thế giới Truyện Kiều. Ta đã gặp hai
bề ấy khi đặt chân vào ngưỡng cửa nó. Suốt đoạn trường các bạn vẫn đụng phải hai bề
ngang dọc ấy” [13, 402].
Đến Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1945), Nguyễn Bách Khoa vẫn tiếp tục áp
dụng phương pháp xã hội học để giải thích tâm lý và tư tưởng của nhà văn. Trong công
trình này, nhà nghiên cứu nhìn các hiện tượng theo quan điểm xã hội học và đấu tranh
đẳng cấp. Ông đã căn cứ vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ
XIX và đẳng cấp sĩ phiệt Nho giáo (mà Nguyễn Công Trứ là một phần tử) làm cơ sở để
giải thích hầu như mọi vấn đề của “hiện tượng Nguyễn Công Trứ”, từ thái độ với cái
nghèo, sự hành lạc, cái ngông, chí nam nhi Đặc biệt, quy luật “phản tác động” lại
hoàn cảnh của con người là yếu tố tâm lý mà Nguyễn Bách Khoa hết sức quan tâm và
vận dụng làm sáng tỏ nhiều nét tâm lý của Nguyễn Công Trứ là quy luật được vận dụng
có sức thuyết phục nhất.
3. KẾT LUẬN
Có thể nói, cùng với các công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực văn học khác, các
công trình nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực văn học dân gian, văn học
trung đại Việt Nam từ 1930 đến 1945 đã cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về toàn
bộ hoạt động nghiên cứu văn học giai đoạn này. Quan trọng hơn, là qua đó, chúng ta
nhận ra sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn học nói chung
và nghiên cứu văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam từ 1930 đến 1945 nói riêng
trong tiến trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX.
Trong nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, nếu tác phẩm Tục ngữ phong dao của
Nguyễn Văn Ngọc chỉ được xem như một công trình sưu tầm thì Kinh thi Việt Nam của
Nguyễn Bách Khoa đã ghi một cột mốc trong bước chuyển biến mạnh mẽ của hoạt động
nghiên cứu về mảng văn học này với việc áp dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học
văn học, đặc biệt táo bạo là dùng lý thuyết phân tâm học Freud để giải mã yếu tố dâm
tục trong văn học dân gian Việt Nam dù còn mang tính áp đặt.
Ở mảng nghiên cứu văn học trung đại, lần đầu tiên, Trần Thanh Mại đã áp dụng phương
pháp tiểu sử học để nghiên cứu về Tú Xương qua Trông dòng sông Vị. Trong khi đó, về
NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN...
79
một tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam là Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng
đã được hai nhà nghiên cứu tên tuổi là Đào Duy Anh và Nguyễn Bách Khoa nghiên cứu
một cách khá toàn diện. Nếu công trình của Đào Duy Anh là lối nghiên cứu thực chứng
nghiêm túc, hết sức coi trọng giá trị tư liệu để giải thích văn học nhưng vẫn còn ít nhiều
nghiêng về cảm xúc, tâm sự của kiểu nghiên cứu trung đại thì ở các công trình của
Nguyễn Bách Khoa, ông đã táo bạo kết hợp vận dụng đa dạng phương pháp nghiên cứu
mới, các lý thuyết mới của phương Tây và để giải mã một tác phẩm văn học trung đại
Việt Nam. Nếu cách quan niệm nghiên cứu theo cảm xúc, tâm sự chỉ là phần bề nổi,
phần hữu thức chủ quan của con người thì việc nghiên cứu tác phẩm đặt trong mối quan
hệ với cá tính tác giả là phần bề chìm, phần vô (tiềm) thức quan trọng của “tảng băng”.
Dựa vào bối cảnh thời đại, cùng việc dùng các phương pháp chủng tộc - địa lý học của
Taine, phân tâm học của Freud và xã hội học (ở công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn
Công Trứ) thật sự là những đóng góp có giá trị của Nguyễn Bách Khoa. Dù còn nhiều
áp đặt (như một tất nhiên của việc vận dụng phương pháp mới), các công trình nghiên
cứu của Nguyễn Bách Khoa vẫn để lại những giá trị khai phá ban đầu khá quan trọng
trong tiến trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học nước nhà./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Duy Anh (1943), Khảo luận về Kim Vân Kiều, Quan hải tùng thư, Huế.
[2] Tôn Thất Dụng (2003), Nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thanh Mại, Nhớ Huế,
(16), NXB Trẻ, tr. 145-152.
[3] Tôn Thất Dụng (2003), Trần Thanh Mại trên hành trình nhận thức và sáng tạo văn
học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học văn học Thừa Thiên Huế lần 2, tr. 25.
[4] Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử
và lý luận, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[5] Nguyễn Bách Khoa (1942), Nguyễn Du và Truyện Kiều, NXB Thế giới (tái bản năm
1951), Hà Nội.
[6] Nguyễn Bách Khoa (1945), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, NXB Thế giới (tái
bản 1951), Hà Nội.
[7] Nguyễn Bách Khoa (1945), Văn chương truyện Kiều, NXB Hàn Thuyên, Hà Nội.
[8] Nguyễn Khuê (2000), Nghĩ về nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thanh
Mại (1911 - 1965), Nhớ Huế, (7), NXB Trẻ, tr. 30-35.
[9] Thanh Lãng (1973), Phê bình văn học Việt Nam thế hệ 1932 (tập 2), Phong trào văn
hóa xuất bản, Sài Gòn.
[10] Trần Thanh Mại (1935), Trông giòng sông Vị, Trần Thanh Địch xuất bản, Hà Nội.
[11] Trần Thanh Mại (1957), Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương, NXB
Nghiên cứu, Cục Xuất bản - Bộ văn hóa, Hà Nội.
[12] Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ (1961), Tú xương con người và nhà thơ, NXB Văn
học, Hà Nội.
[13] Nhiều tác giả (2007), Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình, NXB Lao động
Hà Nội.
DƯƠNG THU THỦY
80
Title: ACHIEVEMENTS IN STUDIES OF VIETNAM’S FOLKLORES AND MEDIEVAL
LITERATURE FROM 1930 TO 1945
Abstract: Along with research in other fields of literature, the studies of typical authors in the
fields of Vietnam’s folklores (like Kinh Thi Viet Nam - Nguyen Bach Khoa) and medieval
literature (like Looking at Vi river - Tran Thanh Mai; Nguyen Du and Kieu’s story, Literature of
Kieu’s story, Nguyen Cong Tru’s psychological and ideological - Nguyen Bach Khoa;
Commentary on Kim Van Kieu - Dao Duy Anh) from 1930 to 1945 have given us a full
overview of all literature research at this stage. More importantly, we recognize the strong
changes of the entire literature research in general, and Vietnam’s folklore and medieval
literature from 1930 to 1945 in particular during the modernization of Vietnamese literature in
the first half of the XXth century.
ThS. DƯƠNG THU THỦY
Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, 126 đường 3.2 phường 6, thành phố Cà Mau.
ĐT: 0918.247212. Email: win153_05_thuy@yahoo.com.vn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 20_313_duongthuthuy_12_duong_thu_thuy_7204_2021160.pdf