Phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc
gia, hội nhập kinh tế quốc tế thuận lợi không ít nhưng khó khăn, thách thức cũng rất nhiều. Giải
pháp nào để miền Tây phát huy được tối đa lợi thế, tăng tốc để bắt kịp với trình độ phát triển chung,
đóng góp ngày càng quan trọng hơn đối với kinh tế tỉnh Nghệ An nói riêng, quốc gia nói chung là
bài toán khó, đang cần được giải quyết.
5 trang |
Chia sẻ: linhmy2pp | Lượt xem: 358 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những lợi thế và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 10, pp. 142-146
This paper is available online at
NHỮNG LỢI THẾ VÀ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ MIỀN TÂY NGHỆ AN
Nguyễn Thị Hoài
Khoa Địa lí - Quản lí tài nguyên, Trường Đại học Vinh
Tóm tắt.Miền Tây Nghệ An bao gồm 10 huyện miền núi nằm về phía Tây của tỉnh: Thanh
Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp,
Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và thị xã Thái Hòa, có diện tích tự nhiên 137 nghìn km2 với số dân
1169 nghìn người. Năm 2012, miền Tây chiếm 83% về diện tích và 37% về dân số nhưng
chỉ đóng góp 29,8% GDP toàn tỉnh Nghệ An. Bài báo phân tích những lợi thế cũng như
những khó khăn, thách thức về nguồn lực và thực trạng phát triển kinh tế của nơi đây nhằm
tìm kiếm một số giải pháp để phát huy thế mạnh cũng như rút ngắn khoảng cách chênh
lệch trong phát triển so với trung bình chung toàn tỉnh.
Từ khóa:Miền Tây Nghệ An, phát triển kinh tế, nguồn lực, thực trạng phát triển.
1. Mở đầu
Nằm về phía Tây của tỉnh, chung đường biên giới 419 km với nước bạn Lào, miền Tây Nghệ
An bao gồm 10 huyện miền núi: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn,
Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và thị xã Thái Hòa mới thành lập năm 2007.
Lãnh thổ này có diện tích tự nhiên 137 nghìn km2 với số dân 1169 nghìn người (chiếm 83% về
diện tích và 37% về dân số của tỉnh Nghệ An năm 2012) [1], là nơi kém phát triển không những
của tỉnh Nghệ An mà còn của cả nước.
Nhằm giúp miền Tây đạt được mục tiêu trên, bài báo phân tích để chỉ ra những lợi thế cũng
như những khó khăn, thách thức trong khai thác tiềm năng và phát triển kinh tế của vùng là rất cần
thiết, nhằm thu hút sự quan tâm của cơ quan các cấp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như
các nhà khoa học để tìm kiếm các giải pháp giúp miền Tây phát huy được tối đa lợi thế, tăng tốc
để bắt kịp với trình độ phát triển chung, đóng góp ngày càng quan trọng hơn đối với kinh tế tỉnh
Nghệ An nói riêng, quốc gia nói chung.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Những lợi thế phát triển
Miền Tây Nghệ An có quỹ đất rộng, trong đó chủ yếu là đất feralit (chiếm 90% tổng diện
tích toàn vùng), thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Đất bazan có khoảng 13 nghìn ha, rất
Ngày nhận bài 20/6/2014. Ngày nhận đăng 20/11/2014.
Liên lạc Nguyễn Thị Hoài, e-mail: hoaigvdhv@gmail.com
142
Những lợi thế và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế Miền Tây Nghệ An
thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng
hóa tập trung và tạo nguồn thu lớn nếu được đầu tư đúng hướng.
Biểu đồ 1. Cơ cấu sử dụng đất ở miền Tây Nghệ An năm 2012 [1]
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Riêng miền Tây có 965 nghìn ha (chiếm
trên 90% diện tích rừng toàn tỉnh). Trong đó, lớn nhất là diện tích rừng phòng hộ (chiếm 41,8%),
tiếp đến là rừng sản xuất (33,2%), rừng đặc dụng chiếm 25%. Tính đa dạng sinh học của rừng
miền Tây còn cao. Tháng 9/2007, khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An được thế giới công
nhận với tổng diện tích trên 1,3 triệu ha (lớn nhất Đông Nam Á), trải rộng trên 11 huyện, thị phía
Tây của tỉnh Nghệ An. Trong đó, trung tâm là vườn quốc gia Pù Mát (diện tích 91,2 nghìn ha),
khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (diện tích gần 40 nghìn ha) và Pù Hoạt (diện tích 43 nghìn ha)
– được đánh giá là “Vành đai xanh của khu vực Đông Dương” với hệ thực vật hơn 2600 loài (trong
đó gần 50 loài quý hiếm, trên 250 loài cây thuốc có giá trị, còn tồn tại rừng cây cổ thụ lớn hàng
ngàn năm tuổi ít có có nơi nào trong khu vực châu Á có được – đó là rừng cây Sa mu dầu có đường
kính 3,4 – 4,7m). Hệ động vật cũng không kém phần phong phú với gần 150 loài thú, 300 loài
chim, 25 loài bò sát, 82 loài cá, 15 loài lưỡng thể và nhiều loài động vật đã được ghi vào sách đỏ
Việt Nam [5]. Động vật đặc hữu ở đây là sao la. Tài nguyên rừng là cơ sở quan trọng để miền Tây
phát triển kinh tế trồng, khoanh nuôi, khai thác và chế biến lâm sản, du lịch, nghiên cứu khoa học
và bảo vệ môi trường sinh thái.
Với mạng lưới sông suối mật độ cao, ngắn và dốc, miền Tây có nguồn thủy năng tương đối
phong phú cho phép xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất khoảng 1.300 MW, cho
sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 5 tỉ kwh [4]. Tiềm năng này được khai thác sẽ có tác
động tích cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nơi đây.
Miền Tây có khoáng sản đa dạng và phong phú về chủng loại với 45 mỏ và điểm quặng
quy mô nhỏ, trung bình và một số mỏ có quy mô lớn như: quặng thiếc với tổng trữ lượng khoảng
100 nghìn tấn (lớn nhất cả nước), phân bố tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ;
đá vôi hàng tỉ m3 ở huyện Anh Sơn; đá trắng 7 tỉ m3 ở huyện Quỳ Hợp; đá bazan trên 260 triệu
tấn ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. . . , có nhiều mỏ nước khoáng với chất lượng cao, dễ khai thác:
Bản Khạng, Bản Hợp, Bản Bo, Bản Lang (huyện Quỳ Hợp), Cồn Soi (huyện Nghĩa Đàn). . . Ngoài
ra, miền Tây còn có các loại khoáng sản quý, hiếm, chất lượng cao như vàng, đá quý (tập trung ở
huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu) nhưng chưa được đánh giá trữ lượng đầy đủ [5]. Đây chính là nguồn
tài nguyên quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển cả về khai thác lẫn chế biến, tạo động
lực cho phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây nói riêng và của tỉnh nói chung.
Miền Tây còn có tiếng với tài nguyên du lịch. Đó là sự phong phú về tài nguyên du lịch tự
nhiên: rừng giàu có về sinh vật và còn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh; có nhiều hang động, thác
nước đẹp lôi cuốn du khách: hang Bua (huyện Quỳ Châu), thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác
Xao Va (huyện Quế Phong). . . cũng như sự đặc sắc về tài nguyên du lịch nhân văn: địa bàn cư trú
của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam: Thái, H’Mông, Khơ Mú, Thổ, đặc biệt có hai dân tộc thiểu
143
Nguyễn Thị Hoài
số chỉ còn duy nhất ở Nghệ An: Đan Lai và Ơ Đu, tạo nên nhiều sắc thái văn hóa khác nhau; có
nhiều di tích lịch sử - văn hóa mang bản sắc văn hóa, lịch sử theo chiều dài lịch sử của đất nước: di
tích Truông Bồn, di tích thành Trà Lân, bia Mã Nhai, cây đa Cồn Chùa huyện Con Cuông; di tích
Hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chặng (huyện Quỳ Châu); đền chín gian (huyện Quế Phong); di
chỉ khảo cổ Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn); đình Võ Liệt, đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương). . .
Sự đa dạng về tài nguyên du lịch cho phép miền Tây phát triển hoạt động du lịch với nhiều sản
phẩm hấp dẫn.
Nghệ An mà trực tiếp là miền Tây có đường biên giới dài 419 km, chung với ba tỉnh của
Lào: Xiêng Khoảng, Bôli Khămxay, Hủa Phăn, đây là một trong hai tỉnh (cùng với tỉnh Điện Biên)
có đường biên giới trên đất liền dài nhất trong các tỉnh thành của Việt Nam. Việc tiếp giáp này tạo
điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế biên mậu thông qua các cửa khẩu: cửa khẩu quốc tế
Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (huyện Thanh Chương), cửa khẩu địa
phương Thông Thụ (huyện Quế Phong).
Phía Đông của miền Tây có đường bờ biển dài 82 km với cảng Cửa Lò (1 trong 10 cảng
biển trọng điểm quốc gia) – cửa ngõ quan trọng nối vùng thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan với biển
Đông thông qua quốc lộ 7 và quốc lộ 48.
2.2. Những khó khăn, thách thức
2.2.1. Về tự nhiên
Địa hình của miền Tây bị chia cắt mạnh bởi hệ thống đồi núi, sông suối gây khó khăn lớn
trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật, cản trở đến việc đi lại, giao lưu phát
triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; khí hậu khắc nghiệt do chịu tác động trực tiếp và sâu sắc
bởi hoạt động của gió phơn Tây Nam, bão, lũ lụt. . . diễn ra hàng năm, ảnh hưởng đến phát triển
kinh tế, làm xuống cấp nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật...
2.2.2. Về kinh tế - xã hội
Miền Tây có quy mô dân số nhỏ, dân cư phân bố thưa thớt, thị trường nội vùng kém phát
triển, lao động thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Năm 2013, toàn vùng có 1169 nghìn dân
(chiếm 37% dân số toàn tỉnh), mật độ dân số 85 người/km2 (chưa tới 1/2 trung bình chung toàn
tỉnh, thậm chí các huyện như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn mật độ dưới 40
người/km2) [1]. Tổng số lao động chỉ chiếm hơn 40% dân số, tỉ lệ lao động qua đào tạo chưa đến
19%. Cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Trên diện tích lãnh thổ rộng lớn
13,7 nghìn km2 có hai quốc lộ quan trọng là quốc lộ 7 và quốc lộ 48 nhưng đang trong tình trạng
quá tải và xuông cấp nghiêm trọng. Mạng lưới cung cấp điện mới chỉ đảm bảo 85% số xã có điện.
Tỉ lệ người dân được dùng nước sạch mới chỉ đạt 65%. Những con số này ở vùng phía Đông của
tỉnh tương ứng là 100% và 85% [1, 2, 3]. Lao động và cơ sở hạ tầng có thể xem là hai khó khăn
lớn nhất cản trở đến sự khai thác, phát triển các thế mạnh của vùng.
2.2.3. Thực trạng phát triển kinh tế
Mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhưng thực tế việc khai thác các lợi thế
còn rất hạn chế. Biểu hiện cụ thể của hạn chế đó là trình độ phát triển kinh tế của vùng còn ở mức
thấp hơn rất nhiều so với trung bình chung toàn tỉnh, đóng góp của vùng trong phát triển kinh tế
chung của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng.
- GDP của vùng tăng khá ổn định. Trong vòng 8 năm (2005 - 2012), GDP tăng từ 7,8 nghìn
144
Những lợi thế và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế Miền Tây Nghệ An
tỉ đồng lên 18 nghìn tỉ đồng (gấp 2,3 lần). Tốc độ tăng trưởng đạt mức khá cao, năm sau cao hơn
năm trước. Trung bình chung giai đoạn đạt gần 8%/năm (toàn tỉnh gần 11%/năm) [2].
Biểu đồ 2. GDP và tốc độ tăng GDP (2005 - 2012) [1,2]
- Cơ cấu kinh tế của miền Tây giai đoạn 2005 - 2012 chuyển dịch đúng hướng nhưng còn
chậm: giảm tỉ trọng của ngành nông - lâm - thủy sản từ 46,0% năm 2005 xuống 33,0% năm 2012,
tăng tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tương ứng từ 25,0% lên 32,0% và dịch vụ từ 29,0%
lên 35,0%.
- Miền Tây đang từng bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều vùng
nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu được hình thành và phát triển: vùng trồng mía,
chè, cà phê, cao su, sắn, dứa, cam, nguyên liệu giấy. . . Đây cũng chính là những vùng cây nguyên
liệu lớn nhất, chiếm 56% diện tích cây công nghiệp toàn tỉnh. Toàn vùng chiếm đến 71% tổng đàn
trâu, 53% tổng đàn bò, 38% tổng đàn lợn và đàn gia cầm của tỉnh.
Bảng 1. Diện tích một số loại cây trồng của miền Tây năm 2012 [1]
Loại cây trồng Diện tích (ha) So với toàn tỉnh (%)
Cà phê 1.269 100
Cao su 5.678 100
Chè 6.683 99
Mía 26.608 89
Hồ tiêu 273 91
Sắn 15.002 78
Cam 2.389 75
Dứa 322 21
Nhãn 514 65
Bảng 2. GDP bình quân đầu người ở Nghệ An
giai đoạn 2005 - 2012 [1, 2 , 3, 4] (ĐVT: triệu đồng/người)
Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2012
Toàn
tỉnh 5,67 6,51 7,47 9,78 10,50 14,10 21,22
Miền
Tây 4,76 6,33 6,06 8,06 8,30 11,28 16,97
- Đời sống nhân dân đã được cải thiện: GDP bình quân đầu người tăng khá (Bảng 2), tỉ lệ
145
Nguyễn Thị Hoài
hộ nghèo giảm đáng kể (từ 43,9% năm 2006 xuống còn 17,3% năm 2012), 100% số xã có điện
thoại.
Những kết quả miền Tây đạt được như trên thật đáng khích lệ nhưng so với phát triển chung
toàn tỉnh thì khoảng cách tụt hậu đang có xu hướng gia tăng. Năm 2005, đóng góp của vùng vào
tổng GDP của tỉnh đạt 30,9% nhưng đến 2012 con số này chỉ còn 29,8%. Thu nhập bình quân đầu
người trong cùng giai đoạn từ chỗ bằng 84% toàn tỉnh chỉ còn 80% trong cùng giai đoạn.
2.2.4. Thách thức từ bên ngoài
Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ bên trong lãnh thổ, vùng còn bị tác động bởi những
thách thức từ bên ngoài, như: các vùng lãnh thổ, quốc gia đang có xu hướng phát triển kinh tế năng
động, đầu tư theo chiều sâu, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực; phát triển kinh tế hàng hóa với quy
mô lớn, thành phần kinh tế đa dạng; chính sách thể chế phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn và linh
hoạt, kịp thời và thông thoáng; yêu cầu cao về nguồn nhân lực có trình độ, năng động sáng tạo. . .
Đây là những thách rất lớn, buộc vùng phải có những chiến lược và giải pháp đúng đắn và kịp thời
trong phát triển, nếu không khoảng cách tụt hậu sẽ ngày càng gia tăng.
3. Kết luận
Phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc
gia, hội nhập kinh tế quốc tế thuận lợi không ít nhưng khó khăn, thách thức cũng rất nhiều. Giải
pháp nào để miền Tây phát huy được tối đa lợi thế, tăng tốc để bắt kịp với trình độ phát triển chung,
đóng góp ngày càng quan trọng hơn đối với kinh tế tỉnh Nghệ An nói riêng, quốc gia nói chung là
bài toán khó, đang cần được giải quyết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cục thống kê Nghệ An, 2013. Niên giám thống kê Nghệ An 2012.
[2] Cục Thống kê Nghệ An, 2013. Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu qua các
năm 2005 – 2012 và ước năm 2013 phân theo huyện, thành phố thị xã.
[3] UBND tỉnh Nghệ An, 2013. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch phát
triển kinh tế năm 2014.
[4] UBND tỉnh Nghệ An, Sở Khoa học và Công nghệ, 2008. Những giải pháp thực hiện có hiệu
quả đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An. Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
[5] UBND tỉnh Nghệ An, 2011. Báo cáo Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
ABSTRACT
Economic development in Western Nghe An Province,
its advantages, difficulties and challenges
Western Nghe An Province, is made up of 10 mountainous districts: Thanh Chuong, Anh
Son, Con Cuong, Tuong Duong, Ky Son, Que Phong, Quy Chau, Quy Hop, Nghia Dan, Tan Ky and
the town of Thai Hoa. It covers an area of 1.36 million hectares and has a population of 1,169,000
people (83% of the area and 37% of the population of Nghe An Province). This paper analyzes the
advantages, difficulties, challenges and economic development change that has taken place in the
region.
146
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nhung_loi_the_va_kho_khan_thach_thuc_trong_phat_trien_kinh_t.pdf