Biện pháp 5: Liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội
Liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục trẻ nói
chung và ngăn chặn hành vi bạo lực học đường nói riêng. Trao đổi thường xuyên giữa
gia đình và nhà trường giúp hai bên hiểu rõ hơn những thay đổi về tâm sinh lý của học
sinh, từ đó có thể nhận biết sớm dấu hiệu của hành vi bạo lực học đường của người thực
hiện cũng như nạn nhân của bạo lực học đường. Từ đó, có thể ngăn chặn hành vi bạo
lực học đường xảy ra hoặc hỗ trợ kịp thời các em bị bạo lực.
5. KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, nhận thức của học sinh trung học phổ thông
Thành phố Vinh về bạo lực học đường còn hạn chế và chưa đầy đủ và điều này có thể
ảnh hưởng đến thái độ của các em đối với bạo lực học đường và mức độ biểu hiện bạo
lực học đường. Bạo lực học đường thể hiện ở những hình thức khác nhau, ở mức độ
khác nhau, trong đó bạo lực ngôn ngữ là hình thức có nhiều học sinh thực hiện và là nạn
nhân nhiều nhất. Có sự khác biệt lớn trong mức độ biểu hiện hành vi bạo lực học đường
từ ba phương diện, với tư cách người thực hiện, nạn nhân và người chứng kiến. Kết quả
nghiên cứu cung cấp những cơ sở thực tiễn cần thiết cho việc xác lập những biện pháp
ngăn chặn bạo lực học đường. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự cần thiết
phải xem xét vấn đề bạo lực học đường từ nhiều góc độ khác nhau, có thể từ phương
diện của người thực hiện, nạn nhân và người chứng kiến hành vi bạo lực học đường.
8 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 1742 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhận thức và biểu hiện hành vi bạo lực học đường của học sinh Trung học Phổ thông thành phố Vinh - Nguyễn Thị Hà Tuyên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 03(19)/2011: tr. 97-104
NHẬN THỨC VÀ BIỂU HIỆN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ VINH
NGUYỄN THỊ HÀ TUYÊN - TRẦN THỊ TÚ ANH
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Bạo lực học đường là vấn đề đang có xu hướng phát triển ở nhiều
quốc gia trên thế giới và có ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân và xã hội. Một
trong những việc làm cần thiết để góp phần ngăn chặn bạo lực học đường là
nâng cao nhận thức của người dân về hành vi lệch chuẩn này và kiểm soát
những biểu hiện của nó. Hướng đến mục đích này, bài báo trình bày kết quả
nghiên cứu thực trạng nhận thức về bạo lực học đường và biểu hiện bạo lực
học đường của học sinh trung học phổ thông Thành phố Vinh, từ đó đề xuất
biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực học đường và ngăn chặn tình
trạng bạo lực học đường.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bạo lực học đường là một trong những vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm
bởi sự gia tăng của tần suất xuất hiện và ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đối với xã hội
nói chung và học sinh nói riêng. Nghiên cứu ở một số nước như Mỹ, Úc, Hồng Kông
[3], [4], [6] cũng như ở Việt Nam [2] cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang gia
tăng và gây nên những hậu quả nặng nề cả về mặt thể chất lẫn tinh thần đối với học
sinh, gia đình, nhà trường và xã hội. Không chỉ gây ra chấn thương thể chất, bạo lực học
đường có thể làm tổn thương về tinh thần, tình cảm, làm ảnh hưởng đến hoạt động học
tập và sự phát triển nhân cách của học sinh. Bạo lực học đường còn là nguyên nhân gây
nên lo lắng trong gia đình học sinh, làm hạn chế những tác động giáo dục của nhà
trường và làm mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội.
Với đặc điểm đặc trưng của lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông có nhu cầu khẳng
định cái tôi của mình, đặc biệt là với bạn bè cùng trang lứa. Sự phát triển chưa hoàn
thiện của nhân cách khiến một số học sinh sử dụng những cách thức không phù hợp với
chuẩn mực xã hội để khẳng định vị trí xã hội cũng như năng lực bản thân. Một trong
những cách thức không phù hợp đó là thực hiện hành vi bạo lực học đường, thể hiện sức
mạnh, uy quyền của mình đối với bạn bè. Mặt khác, do không nhận thức đầy đủ về hành
vi bạo lực học đường cũng như tác hại của nó, một số học sinh thực hiện hành vi này
một cách “tự nhiên” hoặc bắt chước những người xung quanh một cách vô thức. Việc
thực hiện hành vi bạo lực học đường, chứng kiến hành vi này xảy ra cũng như là nạn
nhân của hành vi bạo lực học đường đều tác động tiêu cực đến học sinh trung học phổ
thông, lứa tuổi đang ở trong giai đoạn quan trọng để hình thành phẩm chất, năng lực cần
thiết cho hoạt động hướng nghiệp và trở thành những người trưởng thành, những công
dân có tinh thần trách nhiệm cao, những thành viên hữu ích cho xã hội [1].
NGUYỄN THỊ HÀ TUYÊN – TRẦN THỊ TÚ ANH
98
Nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển nhân cách của học sinh trung học phổ thông, một trong những việc làm cần thiết là
ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Để làm được điều đó, trước hết cần nghiên cứu
mức độ nhận thức của học sinh trung học phổ thông về hành vi bạo lực học đường cũng
như thực trạng biểu hiện của hành vi này. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở thực
tiễn cho việc đề xuất các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hành vi bạo lực học
đường với học sinh trung học phổ thông.
Với mục đích vừa nêu, bài viết trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng nhận thức về
bạo lực học đường và biểu hiện hành vi bạo lực của học sinh trung học phổ thông Thành
phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Khách thể nghiên cứu là 150 học sinh Trường Trung học phổ
thông Lê Viết Thuật và Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, Thành phố Vinh.
Các phương pháp nghiên cứu gồm phương pháp điều tra, quan sát, phỏng vấn, nghiên
cứu trường hợp, trong đó, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chủ đạo.
2. BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực là việc “cố ý dùng sức mạnh thể chất hoặc
uy quyền để đe dọa hoặc thực hiện hành vi chống lại bản thân, người khác hoặc một
nhóm người hay một cộng đồng, làm gây ra hay làm gia tăng khả năng gây ra tổn
thương, tử vong, tổn hại về tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển hay gây ra sự mất mát”
[7]. Bạo lực học đường là một phần của bạo lực nói chung, có thể xảy ra bên trong nhà
trường hoặc bên ngoài phạm vi không gian của nhà trường nhưng có liên quan đến các
thành viên của trường. Như vậy, bạo lực học đường có thể xảy ra giữa học sinh với
nhau hay giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, trong phạm vi bài báo này, chúng tôi
chỉ đề cập đến hành vi bạo lực học đường giữa học sinh và học sinh, không giới hạn
phạm vi không gian xảy ra là bên trong hay bên ngoài nhà trường.
Bạo lực học đường thể hiện ở nhiều loại hành vi khác nhau, trong đó có thể xếp thành
năm loại chính, đó là: Bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, bắt ép về tài
chính, bạo lực tình dục. Trong đó, bạo lực thể xác là hành vi sử dụng vũ lực như xô đẩy,
đánh đấm, giật tóc, dùng vũ khí... để gây ra tổn thương thực thể; bạo lực tinh thần là
những hành vi như cấm đoán, xua đuổi, cô lập, gây áp lực tâm lý thường xuyên... gây ra
hậu quả về mặt tinh thần; bạo lực ngôn ngữ là hành vi sử dụng lời nói để lăng mạ, xúc
phạm danh dự, uy tín, đe dọa... gây ra hậu quả về mặt tinh thần; bắt ép tài chính là hành
vi có mục đích ép buộc người khác phải lệ thuộc về tài chính hoặc điều khiển vấn đề tài
chính của họ như trấn lột tiền, đồ dùng, bắt bạn mua đồ dùng học tập, mua thức ăn cho
mình...; bạo lực tình dục là những hành vi quấy rối tình dục, thỏa mãn tình dục mà
không được sự đồng ý của đối phương, biểu hiện ở lời nói bóng gió, bình luận có liên
quan đến tình dục, gửi ảnh, liếc mắt, nhìn chằm chằm vào vùng nhạy cảm, động chạm,
sờ mó vào cơ thể người khác, quan hệ tình dục... mà không được sự đồng ý của họ. Các
loại bạo lực học đường này không tách rời mà có liên quan chặt chẽ với nhau.
NHẬN THỨC VÀ BIỂU HIỆN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HS THPT...
99
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG
3.1. Nhận thức về bạo lực học đường
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn học sinh được hỏi (89,3%) đã nhận thức được
rằng bạo lực học đường là hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh chưa
nhận thức được điều này và tỏ ra mơ hồ, bàng quan trước hành vi bạo lực học đường.
Chính sự nhận thức mơ hồ và thiếu đúng đắn đó đã tạo cơ hội để hành vi bạo lực tiếp
tục diễn ra.
Xét riêng về các loại hành vi bạo lực học đường, phần lớn học sinh (86%) chỉ nhận thức
được những hành vi như đánh, đấm, xô đẩy gây tổn thương về mặt cơ thể là hành vi
bạo lực. Một tỉ lệ thấp hơn trong số học sinh được nghiên cứu nhận thức được loại hành
vi bạo lực ngôn ngữ (58,7%), bạo lực tinh thần (44%), bạo lực tài chính (46%) hay bạo
lực tình dục (50,7%). Thực trạng này cần được quan tâm, bởi khi không nhận thức được
đầy đủ các loại hành vi bạo lực, học sinh có thể thực hiện hoặc không có thái độ phản
đối những hành vi bạo lực học đường bởi xem chúng là hành vi thông thường.
Kết quả nhận thức về nguyên nhân của bạo lực học đường cho thấy, nhóm Nguyên nhân
từ gia đình được các em cho là nhóm nguyên nhân quan trọng nhất. Trong đó, sự thiếu
quan tâm giáo dục của gia đình được đánh giá ở mức cao nhất. Liên quan đến nguyên
nhân này, lý thuyết kiểm soát của Hirschi (1969) cho rằng những trẻ em ít được bố mẹ
quan tâm sẽ có nguy cơ tham gia vào hoạt động lầm lỗi và bạo lực nhiều hơn [3]. Lê Thi
(2010) cũng cho rằng “Không có bố mẹ bên cạnh hoặc những dịp gặp gỡ bố mẹ quá ít,
trẻ phải nuốt sự cô đơn, buồn phiền vào trong lòng, vô hình chung lại nuôi dưỡng ở
chúng sự bất mãn đối với cha mẹ, hoặc trẻ tìm cách thay nỗi sầu này bằng cách làm tổn
thương đến những người xung quanh, đánh chửi bạn, hỗn láo với thầy cô, cãi lại lời cha
mẹ” [3]. Nhóm nguyên nhân tiếp theo giữ vai trò quan trọng trong việc gây nên bạo
lực học đường là nhóm Nguyên nhân từ phía xã hội. Những hình ảnh bạo lực xảy ra
xung quanh trẻ được học sinh xác định là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học
đường ở học sinh. Ngược lại, nhóm Nguyên nhân từ nhà trường và Nguyên nhân từ học
sinh được học sinh đánh giá là ít quan trọng hơn.
Về hậu quả của hành vi bạo lực học đường, học sinh trung học phổ thông thành phố
Vinh, tỉnh Nghệ An nhận thức rõ hơn về hậu quả của bạo lực học đường đối với học
sinh so với hậu quả đối với gia đình, nhà trường hay xã hội. Với học sinh, hậu quả được
các em đánh giá ở mức độ cao nhất là những tổn thương về tinh thần và làm giảm hiệu
quả học tập của học sinh. Với nhà trường, hậu quả ở mức độ cao nhất là làm cho môi
trường giáo dục nhà trường thiếu đi tính lành mạnh cần thiết. Với xã hội, gây mất trật tự
xã hội là hậu quả được nhiều học sinh lựa chọn ở mức độ cao và rất cao. Những hậu quả
đối với gia đình như ảnh hưởng đến danh dự, làm nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình
được học sinh xác định ở mức thấp.
Như vậy, có thể thấy nhận thức của học sinh trung học phổ thông Thành phố Vinh về
bạo lực học đường còn chưa đầy đủ. Mức độ nhận thức này có thể ảnh hưởng đến thái
độ của các em đối với hành vi bạo lực học đường và từ đó đến tần suất xuất hiện của
NGUYỄN THỊ HÀ TUYÊN – TRẦN THỊ TÚ ANH
100
loại hành vi này trong nhà trường. Do chưa nhận thức chính xác, đầy đủ về hành vi bạo
lực học đường, các loại hành vi bạo lực học đường, nguyên nhân dẫn đến và hậu quả do
nó gây ra nên nhiều em chưa có thái độ dứt khoát chống lại hành vi bạo lực học đường.
Từ đó, hành vi bạo lực học đường vẫn “còn đất để dung thân”. Chính vì vậy, một trong
những việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hành vi bạo lực học đường là
nâng cao nhận thức của học sinh về loại hành vi này.
3.2. Biểu hiện hành vi bạo lực học đường
Biểu hiện hành vi bạo lực học đường của học sinh được khảo sát từ ba phương diện
khác nhau: với tư cách là người thực hiện hành vi bạo lực học đường, là nạn nhân của
hành vi bạo lực học đường và là người chứng kiến hành vi bạo lực học đường. Trước
hết, kết quả nghiên cứu mức độ thực hiện hành vi bạo lực học đường được trình bày
trong Bảng 1.
Bảng 1. Mức độ biểu hiện hành vi bạo lực học đường từ phương diện người thực hiện
Loại bạo lực
Mức độ thực hiện %
thực
hiện
0 1 2 3 4
SL % SL % SL % SL % SL %
Bạo lực thể xác 123 82,0 10 6,7 8 5,3 5 3,3 4 2,7 18,0
Bạo lực tinh thần 126 84,0 8 5,3 11 7,3 5 3,3 0 0,0 16,0
Bạo lực ngôn ngữ 103 68,7 20 13,3 13 8,7 7 4,7 7 4,7 31,3
Bắt ép tài chính 131 87,3 9 6,0 8 5,3 2 1,4 0 0,0 12,7
Bạo lực tình dục 131 87,3 11 7,4 5 3,3 3 2,0 0 0,0 12,7
Ghi chú: SL: Số lượng; %: Tỉ lệ phần trăm; 0: Chưa bao giờ thực hiện; 1: Một đến hai
lần một năm; 2: Một đến hai lần một tháng; 3: Một đến hai lần một tuần; 4: Hàng ngày
Kết quả nghiên cứu cho thấy, xét tổng thể, mức độ thực hiện hành vi bạo lực học đường
của học sinh trung học phổ thông thành phố Vinh là không quá phổ biến. Bởi vì, một
mặt, phần lớn các em cho rằng bản thân chưa hề thực hiện hành vi bạo lực học đường.
Mặt khác, trong số các em đã thực hiện hành vi bạo lực, hầu hết chỉ thực hiện ở mức
Một đến hai lần trong một năm hoặc Một đến hai lần trong một tháng.
Tuy nhiên, khi xem xét từng loại bạo lực và ở mức độ khá thường xuyên, chúng ta thấy
có những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, trên 30% tổng số học sinh được hỏi
xác nhận là có thực hiện hành vi bạo lực ngôn ngữ. Mức độ phổ biến hơn của hành vi
bạo lực ngôn ngữ có thể liên quan đến việc nhiều học sinh chưa nhận thức được rằng
đây là một loại hành vi bạo lực, cũng như chưa nhận thức được hậu quả mà hành vi này
có thể gây ra. Bên cạnh đó, trong thực tế, hành vi bạo lực ngôn ngữ cũng thường ít bị xã
hội lên án hoặc xử phạt như đối với các loại hành vi bạo lực khác. Mặc dù bạo lực ngôn
ngữ không để lại thương tích trên cơ thể của người bị hại nhưng hậu quả của nó đối với
tinh thần của họ nhiều lúc cũng rất nặng nề. Nhà trường cần quan tâm giáo dục nhằm
hạn chế hành vi bạo lực này. Thứ hai, tồn tại một số học sinh thực hiện hành vi bạo lực
ở mức độ khá thường xuyên, từ mức Một đến hai lần trong một tuần đến Hàng ngày.
Dù tỉ lệ của nhóm này không cao, nhưng nếu không có biện pháp giáo dục, kiểm soát
NHẬN THỨC VÀ BIỂU HIỆN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HS THPT...
101
hành vi bạo lực của nhóm này thì có thể ảnh hưởng đến sự thân thiện của môi trường
học đường cũng như sự an toàn của những học sinh khác.
Xét từ phương diện nạn nhân của hành vi bạo lực học đường, học sinh đã xác nhận các
mức độ chịu tác động bạo lực như trong Bảng 2.
Bảng 2. Mức độ biểu hiện hành vi bạo lực học đường từ phương diện nạn nhân
Loại bạo lực
Mức độ % là
nạn
nhân
0 1 2 3 4
SL % SL % SL % SL % SL %
Bạo lực thể xác 116 77,3 17 11,3 10 6,7 4 2,7 3 2,0 22,7
Bạo lực tinh thần 120 80,0 15 10,0 9 6,0 6 4,0 0 0,0 20,0
Bạo lực ngôn ngữ 89 59,3 35 23,3 19 12,7 3 2,0 4 2,7 40,7
Bắt ép tài chính 136 90,7 12 8,0 1 0,7 1 0.7 0 0,0 9,4
Bạo lực tình dục 135 90,0 6 4,0 5 3,3 4 2,7 0 0,0 10,0
So sánh Bảng 1 và Bảng 2 ta thấy, tỉ lệ học sinh xác nhận là nạn nhân của bạo lực học
đường có phần cao hơn tỉ lệ học sinh xác nhận có thực hiện hành vi này. Sự khác biệt
này tuy không lớn nhưng thể hiện rõ nhất ở loại bạo lực ngôn ngữ, sau đó đến bạo lực
thể xác, bạo lực tinh thần, bắt ép tài chính và cuối cùng là bạo lực tình dục. Trong khi tỉ
lệ học sinh là nạn nhân của bạo lực ngôn ngữ, bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần nhiều
hơn thì tỉ lệ đó ở bắt ép tài chính và bạo lực tình dục lại ít hơn. Hơn 40% học sinh là nạn
nhân của bạo lực ngôn ngữ là một thực trạng đáng lo ngại. Cần có biện pháp kịp thời
giảm thiểu hành vi bạo lực nói chung và bạo lực ngôn ngữ nói riêng để bảo vệ sự trong
sáng, tác dụng giáo dục của môi trường học đường.
Xét từ phương diện người chứng kiến hành vi bạo lực học đường, kết quả nghiên cứu
được thể hiện trong Bảng 3.
Bảng 3. Mức độ biểu hiện hành vi bạo lực học đường từ phương diện người chứng kiến
Loại bạo lực
Mức độ %
chứng
kiến
0 1 2 3 4
SL % SL % SL % SL % SL %
Bạo lực thể xác 14 9,3 43 28,7 56 37,3 29 19,3 8 5,4 90,7
Bạo lực tinh thần 44 29,3 42 28,0 31 20,7 27 18,0 6 4,0 70,7
Bạo lực ngôn ngữ 21 14,0 29 19,3 38 25,3 43 28,7 19 12,7 86,0
Bắt ép tài chính 79 52,7 36 24,0 15 10,0 14 9,3 6 4,0 47,3
Bạo lực tình dục 109 72,7 7 4,7 7 4,7 25 16,7 2 1,3 27,7
Kết quả trên cho thấy tỉ lệ học sinh xác nhận đã nhìn thấy hành vi bạo lực học đường
cao hơn hẳn so với tỉ lệ học sinh xác nhận đã từng thực hiện hoặc là nạn nhân. Tỉ lệ này
đặc biệt cao ở loại bạo lực thể xác và bạo lực ngôn ngữ, với trên dưới 90%. Số lượng
lớn học sinh xác nhận đã chứng kiến hành vi bạo lực học đường cho thấy có thể trong
thực tế, bạo lực học đường xảy ra khá phổ biến ở các trường trung học phổ thông Thành
phố Vinh. Thực trạng này làm giảm chức năng giáo dục của môi trường nhà trường.
Mặt khác, dù không là nạn nhân của bạo lực học đường, việc chứng kiến hành vi bạo
NGUYỄN THỊ HÀ TUYÊN – TRẦN THỊ TÚ ANH
102
lực học đường cũng gây nên những cảm xúc tiêu cực ở học sinh như lo âu, căng thẳng,
thiếu lòng tin vào môi trường giáo dục, tác động của giáo dục...
Như vậy, hành vi bạo lực học đường đã và đang diễn ra ở các trường trung học phổ
thông Thành phố Vinh và được biểu hiện dưới nhiều hình thức, nhiều mức độ khác
nhau. Cụ thể, tỉ lệ học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường và là nạn nhân của
hành vi này là không cao còn tỉ lệ học sinh chứng kiến hành vi bạo lực học đường là
đáng báo động. Kết quả này cho thấy cần phải quan tâm hơn nữa đến tình trạng bạo lực
học đường ở các trường trung học phổ thông Thành phố Vinh để kịp thời ngăn chặn.
4. MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ NGĂN CHẶN BẠO LỰC HỌC
ĐƯỜNG
Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực trạng nhận thức và biểu hiện hành vi bạo lực học
đường của học sinh trung học phổ thông Thành phố Vinh, chúng tôi đề xuất một số biện
pháp sau nhằm phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường gia
tăng hiện nay.
Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức về bạo lực học đường
Nâng cao nhận thức cho học sinh về bạo lực học đường và những vấn đề liên quan bằng
nhiều cách khác nhau, như: Tích hợp, lồng ghép nội dung liên quan đến bạo lực học
đường vào các môn học chính khóa; Tổ chức những cuộc thi tìm hiểu, hoặc tuyên
truyền, giáo dục kiến thức về bạo lực học đường thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp;
Tổ chức chương trình phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. Ngoài ra, chúng ta
cần tuyên truyền, phát hành tài liệu liên quan đến bạo lực học đường trong xã hội nhằm
nâng cao nhận thức về bạo lực học đường cho phụ huynh, giáo viên và người dân.
Biện pháp 2: Tăng cường hình thành và phát triển kỹ năng sống cho học sinh
Thông qua hoạt động dạy học trên lớp và đặc biệt là qua hoạt động ngoài giờ lên lớp,
hoạt động xã hội để hình thành và phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó, cần
quan tâm đến phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng ứng
phó với hành vi bạo lực học đường.
Biện pháp 3: Giảm thiểu những văn hóa phẩm mang tính bạo lực trong xã hội
Các cơ quan văn hóa cần kiểm soát và quản lí chặt chẽ hơn các loại văn hóa phẩm mang
tính bạo lực nhằm giảm thiểu tối đa những hình ảnh có tính bạo lực trên các sách báo,
phim ảnh. Đặc biệt, cần quan tâm kiểm soát các loại trò chơi (game) mang tính chất bạo
lực cao.
Biện pháp 4: Phát triển văn phòng tư vấn, tham vấn tâm lý và các trung tâm hỗ trợ
học sinh bị bạo lực học đường
Nhà trường, xã hội cần có văn phòng tư vấn, tham vấn tâm lý dành cho học sinh để các
em có thể chia sẻ những khó khăn của mình và nhận được sự hướng dẫn và cách giải
quyết vấn đề đúng đắn hơn, tránh sự dồn nén những bức xúc có thể gây ra bạo lực học
đường. Bên cạnh đó, các văn phòng này có thể hỗ trợ các em là nạn nhân của hành vi
NHẬN THỨC VÀ BIỂU HIỆN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HS THPT...
103
bạo lực học đường cách ứng phó hiệu quả với hành vi bạo lực học đường. Ngoài ra, văn
phòng có thể phối hợp với giáo viên, phụ huynh để theo dõi và giám sát những hành vi
có tính chất bạo lực.
Biện pháp 5: Liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội
Liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục trẻ nói
chung và ngăn chặn hành vi bạo lực học đường nói riêng. Trao đổi thường xuyên giữa
gia đình và nhà trường giúp hai bên hiểu rõ hơn những thay đổi về tâm sinh lý của học
sinh, từ đó có thể nhận biết sớm dấu hiệu của hành vi bạo lực học đường của người thực
hiện cũng như nạn nhân của bạo lực học đường. Từ đó, có thể ngăn chặn hành vi bạo
lực học đường xảy ra hoặc hỗ trợ kịp thời các em bị bạo lực.
5. KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, nhận thức của học sinh trung học phổ thông
Thành phố Vinh về bạo lực học đường còn hạn chế và chưa đầy đủ và điều này có thể
ảnh hưởng đến thái độ của các em đối với bạo lực học đường và mức độ biểu hiện bạo
lực học đường. Bạo lực học đường thể hiện ở những hình thức khác nhau, ở mức độ
khác nhau, trong đó bạo lực ngôn ngữ là hình thức có nhiều học sinh thực hiện và là nạn
nhân nhiều nhất. Có sự khác biệt lớn trong mức độ biểu hiện hành vi bạo lực học đường
từ ba phương diện, với tư cách người thực hiện, nạn nhân và người chứng kiến. Kết quả
nghiên cứu cung cấp những cơ sở thực tiễn cần thiết cho việc xác lập những biện pháp
ngăn chặn bạo lực học đường. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự cần thiết
phải xem xét vấn đề bạo lực học đường từ nhiều góc độ khác nhau, có thể từ phương
diện của người thực hiện, nạn nhân và người chứng kiến hành vi bạo lực học đường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Hữu Dũng (1995). Nhà trường trung học và người giáo viên trung học. NXB
Giáo dục, Hà Nội.
[2] Phan Mai Hương (2009). Thực trạng bạo lực học đường hiện nay. Kỷ yếu Hội thảo
khoa học Quốc tế về Nhu cầu, Định hướng và Đào tạo Tâm lý học đường Việt Nam,
Hà Nội, 16-27.
[3] Harper, F. D. and Ibrahim, F. A. (2000). Violence and school in the USA:
Implications for counselling. International Joural for the Advancement of
Counselling, 21, 349-366.
[4] Rigby, K. (2001). Stop the Bullying: A Handbook for Schools. Australian Council for
Educational Research, Melbourne.
[5] Lê Thi (2010). Vai trò gia đình trong việc giáo dục trẻ vị thành niên trong bối cảnh
của thế kỷ 21. Tạp chí Tâm lý học, (số 136), 49-53.
[6] Wong, D. S. W. (2004). School Bullying and Tackling Strategies in Hong Kong.
International Journal of Offender Therapy and Comparative Criminology, 48(5),
2004, 537-553.
[7] World Health Organization (1996). Violence: a public health priority. (WHO/EHA/
SPI.POA.2).
NGUYỄN THỊ HÀ TUYÊN – TRẦN THỊ TÚ ANH
104
Title: AWARENESS AND MANIFESTATION OF SCHOOL VIOLENCE OF UPPER-
SECONDARY SCHOOL STUDENTS, VINH CITY
Abstract: School violence is a problem trending to grow in many countries around the world
and has negative impacts to individuals and society. One of the actions needing to help prevent
school violence is to raise people's awareness about this wrong behavior, and to control its
manifestation. Towards this aim, the article presents the current status of awareness of school
violence and its manifestation of upper-secondary school students from Vinh City. From those
results, the authors propose some measures to improve awareness of school violence and
prevent it from school.
NGUYỄN THỊ HÀ TUYÊN
Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
TS. TRẦN THỊ TÚ ANH
Phòng KHCN – HTQT, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 14_205_nguyenthihatuyen_tranthituanh_15_nguyen_thi_ha_tuyen_4555_2020988.pdf