As they are known, hedges are used to compensate the “violations” of politeness principles which
the speaker may think, consciously or unconsciously, that he or she is causing while s/he is
uttering. The paper, in that observation, discusses some issues of hedges in terms of some
functions of (1) compensations for violations of “three politeness policies” by Lakoff, (2)
prevention of the “face threatening act” by Brown and Levinson, and (3) compensations of the
cooperative principle by Grice illustrated by English and Vietnamese.
7 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 429 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lời rào đón như phương tiện “đền bù” các vi phạm nguyên tắc lịch sự (dựa trên diễn ngôn tiếng Anh và tiếng Việt), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
65
LỜI RÀO ĐÓN NHƯ PHƯƠNG TIỆN “ĐỀN BÙ”
CÁC VI PHẠM NGUYÊN TẮC LỊCH SỰ
(DỰA TRÊN DIỄN NGÔN TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT)
Ngô Hữu Hoàng*
Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
TÓM TẮT
Lời rào đón (hedges) như đã biết, thường được sử dụng trong giao tiếp để đền bù những vi phạm
về nguyên tắc lịch sự mà người nói, dù ý thức hay vô thức, có thể nghĩ rằng mình đang gây ra. Bài
viết, dựa trên diễn ngôn tiếng Anh và tiếng Việt, điểm qua một số các vấn đề của lời rào đón dựa
trên cơ sở chức năng (1) đền bù sự vi phạm “Ba chiến lược lịch sự” của Lakoff; (2) ngăn chặn
“Hành vi đe doạ thể diện” của Goffman, Brown & Levinson và (3) đền bù sự vi phạm “Phương
châm hội thoại” của Grice.
Từ khóa: lời rào đón, nguyên tắc lịch sự, Goffman, Brown & Levison, Grice
DẪN NHẬP*
Khi phát ngôn, thông thường người nói đều
“linh cảm” lời nói của mình có khả năng gây
tổn hại đến sự tế nhị, phép xã giao trong giao
tiếp mà các nhà nghiên cứu ngữ dụng học gọi
là sự vi phạm “nguyên tắc lịch sự” (violation
of politeness principle). Trong đa số các
trường hợp, dù vô thức hay có ý thức, người
nói đều cố “đền bù” sự vi phạm cho phát
ngôn của mình bằng những cách nói sao cho
sự tổn hại giao tiếp xuống đến mức tối đa.
Yule gọi phương tiện đền bù ngôn ngữ này là
“hedges”, được tạm dịch trong tiếng Việt là
“lời rào đón” (LRĐ) và phát biểu:
Có một vài cách diễn đạt mà người nói sử
dụng để báo hiệu rằng họ đang có nguy cơ vi
phạm nguyên tắc lịch sự. Những cách nói này
được gọi là lời rào đón (1998: 38).
Bài viết này điểm qua một vài khía cạnh của
LRĐ dùng để (1) đền bù sự vi phạm “Ba
chiến lược lịch sự” của Lakoff, (2) ngăn chặn
“Hành vi đe doạ thể diện” của Brown và
Levinson, và (3) đền bù sự vi phạm “Phương
châm hội thoại” của Grice.
PHÁT TRIỂN
Lý thuyết về lịch sự (politeness)
Thuật ngữ “phép lịch sự” của tiếng Việt và
“Politeness” của tiếng Anh chỉ ra một phạm
* Tel: 01647 087320
trù lớn trong giao tiếp học, ngữ dụng học
cũng như các ngành văn hoá, xã hội học khác.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về lịch sự.
Theo Robin Lakoff, đó là:
Một hệ thống quan hệ liên nhân được thiết
lập nhằm thúc đẩy giao tiếp thành công bằng
cách giảm đến mức tối ta những tiềm năng
xung đột và đối đầu vốn có trong giao tiếp
của con người. (1990: 38)
Richard dựa trên cơ sở ngôn ngữ để định
nghĩa lịch sự là:
Cách thức mà ngôn ngữ phản ánh khoảng
cách xã hội giữa các thành viên giao tiếp và
phản ánh các mối quan hệ của các vai giao
tiếp khác nhau (1999: 281).
Yule (1997) cho rằng lịch sự (thường là thông
qua ngôn ngữ) có mối quan hệ chặt chẽ đến
khoảng cách xã hội hoặc sự thân mật
(informality), trang trọng (formality). Tóm
lại, theo chúng tôi, lịch sự là quy củ của giao
tiếp trong một nền văn hoá nào đó, được thực
hiện thông qua các phương tiện khác nhau,
đặc biệt là phương tiện ngôn ngữ, nó duy trì
và làm cho tất cả mọi quan hệ giao tiếp của
con người trong nền văn hoá ấy tồn tại và trở
nên tốt hơn.
Những cách tiếp cận lịch sự trong ngôn
ngữ của một số tác giả
Robin Lakoff đề xuất ba phương châm về lịch
sự là:
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
66
- Không áp đặt (Don’t impose): Người nói
không áp đặt chủ kiến của mình lên người nghe.
- Đề xuất lựa chọn (Give options): Người nói
trao cho người nghe quyền lựa chọn, hoặc cho
phép người nghe quyết định sự lựa chọn..
- Làm người nghe hài lòng (Make H feel
good): Người nói làm người nghe cảm thấy
thoải mái để tiếp thu thông tin.
Goffman (1981), Brown và Levinson (1997)
tiếp cận lý thuyết lịch sự bằng khái niệm “thể
diện” (Face). Theo Goffman (1981), thể diện
là sự thể hiện giá trị xã hội của chính bản
thân, là chính hình ảnh “cái tôi” (self-image)
mà con người cần có và cần được gìn giữ một
cách có hiệu quả trong tương tác xã hội. Các
tác giả đề nghị phân chia thể diện ra làm hai
loại chính:
- Thể diện âm tính (negative face): Không
thích người khác áp đặt cho mình, định hướng
tự do cá nhân, mong không gặp trở ngại từ
phía người khác.
- Thể diện dương tính (positive face): Mong có
được sự tán đồng, yêu thích từ phía người khác
trong cộng đồng, định hướng sự đoàn kết.1
Hai loại thể diện này đòi hỏi người nói phải
có những ứng xử sao cho người nghe cảm
thấy thoả mãn về các nguyên tắc của chúng.
Nếu người nói làm được, tức là họ đã đáp ứng
được những nhu cầu thể diện (face wants) và
hành vi giao tiếp của họ được gọi là hành vi
gìn giữ thể diện (Face Saving Act - FSA). Khi
người nói làm ngược lại FSA tức là họ đã
khiến người nghe khó chịu, dễ tạo ra khả
năng xung đột giao tiếp, thì đó là hành vi đe
doạ thể diện (Face Threatening Act - FTA).
Grice (1975: 158) giới thiệu khái niệm về
nguyên tắc chung trong hội thoại mà tác giả
1 “negative” và “positive” là hai thuật ngữ
được dùng để chỉ ra hai khuynh hướng lịch sự
có đặc tính đối kháng nhau như hai cực của
dòng điện. Từ đó, “negative” vì thế không có
nghĩa là “bad” (tiêu cực),và từ “positive”
không có nghĩa là “good” (tích cực) (Yule,
1997: 61-62).
gọi là “nguyên lý cộng tác” (cooperative
principle) trong đó gồm có một số các
phương châm. Theo Grice, các phương châm
này tuy không được nói ra, nhưng thông
thường, người tham gia giao tiếp phải ngầm
tuân thủ. Tác giả cũng cho là các phương
châm được đưa ra chỉ là những phương châm
nổi bật trong khái niệm “cộng tác hội thoại”,
đó là phương châm Lượng (quanlity): Phần
đóng góp của người nói có chứa lượng thông
tin đúng như nó được đòi hỏi; Chất (quality):
Phần đóng góp của người nói luôn là chân
thật; Quan hệ (relevance): Phần đóng góp của
người nói có liên quan đến chủ đề đang được
nói. Cách thức (manner): Phần đóng góp của
người nói nên mạch lạc, không mơ hồ.
Có một số ý kiến tranh cãi về vấn đề “phương
châm hội thoại” của Grice và không chia sẻ
các phương châm này vì suy cho cùng thì
giao tiếp của con người, theo đúng với
phương châm hội thoại như thế là máy móc
và không thể tránh khỏi hiện tượng “vi phạm”
liên tục. Tuy nhiên cũng chính vì không thể
tránh khỏi vi phạm mà người nói, như đã nói
trên, dù ý thức hay không ý thức, bằng cách
nào đó, cố tìm cách đền bù cho sự vi phạm này.
Sự chọn lựa phổ biến nhất mà chúng ta có thể
thấy là cách nói rào đón cho những gì mà người
nói muốn hướng tới trong phát ngôn.
Thật vậy, trong giao tiếp, người nói có vẻ như
“nhận biết” được mình đang có khả năng vi
phạm một hoặc một vài phương châm lịch sự
nào đó. Ví dụ như, có thể họ đang vi phạm về
phương châm “chất” (họ e ngại rằng họ đang
bị đánh giá là quá quyết đoán) hoặc “quan hệ”
hoặc “lượng” (họ e ngại rằng họ đang nói dài
quá), về quan hệ (họ e ngại rằng họ đang nói
lạc chủ đề), hoặc về cách thức (họ e ngại rằng
họ đang nói thiếu mạch lạc, thiếu bố cục rõ
ràng), v.v... Đứng về phương châm của
Lakoff, người nói có cảm giác rằng câu nói
của mình vi phạm phương châm 1 (không áp
đặt) tiến đến sự phá vỡ phương châm 2 (đề
xuất lựa chọn) và phương châm 3 (làm người
nghe hài lòng). Trong khái niệm FTA của
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
67
Goffman, cũng như Brown và Levinson,
người nói có khuynh hướng nhận thức được
hành vi giao tiếp của mình có khả năng tạo
xung đột bằng những phát ngôn đe doạ “cái
tôi” của người nghe, làm người nghe cảm
thấy e dè, ngượng nghịu, thất vọng, thậm chí
bực tức,...
Lời rào đón là gì?
Quay lại với định nghĩa của Yule đã được đưa
ra bên trên, có thể thấy LRĐ là một dấu hiệu
(marker) trong diễn ngôn với mục đích làm
giảm nhẹ bớt ảnh hưởng của phát ngôn, khiến
phát ngôn nghe ít bị áp đặt, võ đoán hơn.
Trong mối liên hệ với lịch sự, khi LRĐ hướng
đến những mục đích giảm nhẹ phát ngôn thì
cũng đồng nghĩa với sự ảnh hưởng đến việc
đảm bảo các nguyên tắc lịch sự. Đó là đền bù
nguy cơ phá vỡ những nguyên tắc mà tự thân
phát ngôn luôn có tiềm năng tạo ra. Hình thức
của LRĐ có thể là một âm thanh e hèm:
- Uhm/Ehm, this dress doesn’t suit you. (Cái
váy này không hợp với em đâu.)
(Những âm thanh được dùng như LRĐ
thường bị kéo dài.)
hay một từ đơn:
- Well/Honestly, this dress doesn’t suit you.
hay một quán ngữ:
- To be honest, this dress doesn’t suit you.
hay một mệnh đề:
- If I may say so, this dress doesn’t suit you.
thậm chí là một sự gắn kết nhiều loại rào đón
cùng một lúc với nhau
- Uh, well, to be honest, this dress doesn’t suit
you, if I may say so.
Xưa nay, văn hoá của người Việt vốn chuộng
lối nói năng tế nhị, ý tứ, thiên về duy tình hơn
duy lý (“một bồ cái lý không bằng một tí cái
tình”) và coi trọng sự cân bằng các mối quan
hệ. Nét văn hoá ấy thường làm cho người
Việt có thói quen “rào trước đón sau” trong
khi giao tiếp. Vì thế những phát ngôn kiểu
tiếng Anh như trên cũng rất phổ biến, thậm
chí còn có mầu sắc phức tạp hơn:
- Ừm, cái váy này xem ra không hợp với chị
nhỉ, em thấy thế, không biết có đúng không,....
LRĐ từ đó là một công cụ hữu hiệu để ngăn
chặn những tiềm năng xung đột giao tiếp mà
hầu như trong một phát ngôn nào dù trong
hoàn cảnh nào cũng có thể xảy ra.
LRĐ như những phương tiện đền bù
“hành vi đe doạ thể diện”
LRĐ đền bù cho hành vi vi phạm 3 chiến lược
lịch sự của Lakoff
Với Lakoff, một trong những điều quan trọng
đầu tiên và quan trọng nhất để tránh tình trạng
sốc giao tiếp là cách nói rào đón làm sao cho
người nghe không có cảm giác bị áp đặt. Ví
dụ trong một lời khuyên, lời kiến nghị, lời
mời, người Anh có khuynh hướng sử dụng
cấu trúc rào đón “If I were you”, “If you
like”, “How/What about...?” để ngầm ý “trao
quyền” quyết định cho người nghe. Với
những cấu trúc như thế, người nghe chắc hẳn
thấy thoải mái dễ chịu hơn để thực hiện ý
định của người nói so với một cách nói ngắn
gọn, cộc lốc thiếu hiệu quả giao tiếp. Xét mẩu
đối thoại sau đây, chúng ta sẽ thấy hai người
tham gia giao tiếp đều có ý thức đền bù
những gì mà họ cho rằng có thể bị vi phạm:
A: If you don’t mind, could you put on the
fan, please?
(Nếu không thấy phiền gì thì xin anh bật quạt
giúp được không?)
B: Sure, and how about opening the window?
(Được chứ, thế thì cửa thế nào, anh có muốn
mở không?)
(A) đã tránh áp đặt bằng mẫu LRĐ “If you
don’t mind” làm cho (B) có cảm giác có
quyền không bật quạt nếu (B) thấy phiền. Đến
lượt (B) thì “giao phó” sự lựa chọn đề nghị
“mở cửa sổ” cho (A) suy xét.
Những cách mà người Việt thường lựa chọn
trong đền bù sự vi phạm nguyên tắc lịch sự
trong tiếng Việt là “Hình như ...”, “Có lẽ
...”, “Dường như...”, “Hay là...”, “Nên
chăng...”, “Nghe nói ...”. Ví dụ, khi thủ
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
68
trưởng một đơn vị tuyên bố bắt đầu buổi
họp cơ quan bằng câu:
Có khi ta bắt đầu làm việc nhé.
thì LRĐ “có khi” giúp người nói mềm hoá
trong hiệu lệnh, làm người nghe bắt đầu với
tâm lý thoải mái hơn. Những dấu hiệu dụng
học (pragmatic marker) như thế luôn là một
khía cạnh thú vị trong nghiên cứu văn hoá và
dịch thuật qua lại giữa hai thứ tiếng.
LRĐ đền bù cho hành vi tạo FTA của Brown
và Levison
Để xem xét việc sử dụng các LRĐ giúp
đương đầu với khả năng xảy ra FTA, thử
phân tích sơ đồ của Brown và Levinson
(1997) với năm cách “mượn một chiếc bút”
sau đây. Trước tiên chúng ta có lược đồ lịch
sự dương tính và âm tính do Brown và
Levinson đề xuất như đã thể hiện bên dưới.
Cách thứ nhất là sử dụng trực tiếp lời thỉnh
cầu mà không cần đến LRĐ. Hành vi thỉnh
cầu này tiềm ẩn “đe doạ thể diện” rất cao vì
thiếu phương tiện rào đón tạo nên biểu thức
thỉnh cầu lịch sự:
Give me your pen.
(Cho tớ mượn chiếc bút của cậu đi.)
Cách thứ hai là dùng yếu tố đền bù lịch sự
dương tính, làm cho hành động bớt nguy cơ
FTA hơn bằng cách dùng các LRĐ báo hiệu
sự “tỏ ra lạc quan”, “tin tưởng” rằng người
nghe sẽ cho mình mượn. Ví dụ:
I think you could lend me your pen.
(Tớ nghĩ cậu có thể cho tớ mượn cây bút
của cậu.)
Cách thứ ba, dùng yếu tố đền bù lịch sự âm tính
bằng cấu trúc phủ định, để chứng tỏ không
muốn can thiệp vào quyền tự do hành động và
quyền “không bị áp đặt” của người nghe:
I don’t suppose you could lend me your pen.
(Tớ không nghĩ cậu có thể cho tớ mượn cây
bút của cậu.)
Cách rào đón “tớ không nghĩ là” khá xa lạ với
tiếng Việt vì nó thuộc về chiến lược tiêu biểu
của lịch sự âm tính “tỏ ra bi quan” của người
Anh, chứng tỏ sự sẵn sàng chấp nhận lời từ
chối của phía người nghe thay vì “Tôi nghĩ
là” trong LRĐ thuộc lịch sự dương tính, chỉ
ra sự lạc quan tin tưởng rằng sẽ được chấp
nhận lời thỉnh cầu. Tuy nhiên khi người nói tỏ
ra quá chắc chắn rằng về sự đồng ý của người
nghe thì cũng có nghĩa là họ đã áp đặt lên
người nghe ý đồ của họ mà trường phái lịch
sự âm tính thường coi là một hành vi FTA.
1. Không có hành động đền bù, thẳng thừng (without
redressive action)
2. Lịch sự dương tính
(Positive Politeness)
Công khai
(on record)
Có hành động đền bù
(With redressive actions)
Gây ra FTA
(Do the FTA)
3. Lịch sự âm tính
(Negative Popliteness)
4. Không công khai
(off record)
5. Không gây ra FTA
(Do not do the FTA)
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
69
Cách thứ tư là không công khai hỏi mượn, chỉ
gián tiếp chỉ ra rằng mình không có bút:
I left my pen at home.
(Tớ đã để quên cây bút ở nhà rồi.)
Tuy nhiên, theo suy nghĩ của chúng tôi, đây
cũng là một lới “ướm”2 trước khi người nói
đặt vấn đề “mượn” cây bút. Người nói có thể
phát triển thêm như sau:
Tớ để quên cây bút ở nhà rồi. Chà, chà, biết
làm sao đây nhỉ?
Thế rồi quan sát thái độ của người nghe,
người nói có thể đi vào cầu đề nghị:
Cậu có thể cho tớ mượn cây bút của cậu
được không?
Cách thứ năm đơn giản là ta không làm/ nói
điều gì có thể “đe dọa thể diện”.
Ví dụ, người nói chỉ giả vờ lục tìm trong túi
sách của mình. Tuy nhiên cách cuối cùng này
thuộc chiến lược phi ngôn từ, có thể làm cho
người nghe không hiểu ý, và như vậy, ý đồ
giao tiếp của người nói có khả năng không
thành công.
Chiến lược “đền bù” các vi phạm phương
châm hội thoại của Grice
- Về chất:
Một số lượng lớn LRĐ được sử dụng để đền
bù về chất khi mà người nói “tự nhận thấy”
hay cố tình tự cho là những điều mình đang
nói ra là có thể không hoàn toàn xác đáng.
Chúng được coi là có tác dụng hạn định giá
trị chân thực của điều nói ra vào trong phạm
vi ý kiến của chính người nói: “Theo chỗ tôi
biết ...”, “Nếu tôi không nhầm ...”, “Theo tôi
...”, “Tôi cho rằng ...”, “Tôi không chắc lắm
nhưng ...”, “Riêng tôi thì ...”, “(Theo) tôi
nghĩ ...”, “Nghe nói ...”, “Nghe họ bảo ...”,
2 Diệp Quang Ban (2010:215) phân biệt lới nói
“ướm” (pre-senquences) với LRĐ nhưng theo
chúng tôi, những lời nói có chức năng như thế
đều phục vụ cho sự “rào trước đón sau” của
người giao tiếp và có thể đều được xếp vào
cùng một phạm trù “che chắn” cho thông tin
diễn ngôn.
“Nghe đồn ...”, “Hình như có thông tin ...”
v.v... Trong tiếng Anh, có các LRĐ khá trang
trọng loại này như “As far as I know ...”, “I
may be mistaken but ...”, “It is a rumor that
...”, “People say that ...”, “I think ...”, “I
suppose ...”. Ví dụ phát ngôn sau đây:
They told me that Boss is about to retire.
(Thấy chúng nó bảo sếp sắp hết tuổi rồi.)
Người nói có thể chắc chắn hoặc không chắc
thông tin mà họ đưa ra nhưng rõ ràng là sẽ có
chiến lược giao tiếp hơn so với một phát ngôn
không có “che chắn” sau đây:
Boss is about to retire.
(Sếp sắp hết tuổi rồi.)
Bởi lẽ, sự cam kết về chất lượng thông tin của
phát ngôn trên quá tuyệt đối khiến người nói
thấy có tiềm năng giao tiếp bất lợi, vì thế, họ
vừa phải chuyển “trách nhiệm” thông báo
thông tin cho một chủ thể mơ hồ “chúng
nó/họ” vừa để chứng minh là mình có ý thức
đang đền bù sự vi phạm phương châm hội
thoại với cách thức “vờ” như là tin chưa được
xác tín, chỉ là “Người ta nói vậy thôi. Tôi
không nói”.
- Về lượng:
Những LRĐ cũng có thể được dùng để chỉ ra
rằng người nói có ý thức về phương châm chỉ
lượng, “phòng thủ” sự thừa thãi về thông tin
mình đưa ra nên những lời mở đầu phát ngôn
sau đây được tạo ra trong quá trình người nói
đề cập đến kì nghỉ gần đây của mình:
As you probably know, I am terrified of dogs.
(Chắc là anh biết, tôi rất sợ chó.)
I want to cut a long story short but if say for
short you may not understand what was
happening to me that time
(Tôi muốn rút ngắn câu chuyện nhưng nếu tôi
kể tóm tắt thì tôi lại sợ anh không hiểu được
những gì đang xảy ra với tôi lúc ấy.)
Trong cả hai ngôn ngữ, các cách nói kiểu này
rất phong phú thường xuất hiện thông qua
những mẫu gần như được làm sẵn (ready-
made) như “As (far as) you know, in short, I
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
70
don’ want to kill your time, ... (Như anh đã
biết, Tôi không muốn giết thời gian của anh,
Nói ra hơi dài dòng một chút nhưng, Đại
loại/Đại khái là, Nói tóm lại, Nói chung, Nói
vắn tắt là, Nói nôm na là ...). Người nói tỏ ra
cố gắng “rút ngắn” cho thông tin vừa đủ
nhưng thực tế những cách rào đón như thế đôi
khi không phản ảnh thực tế ý đồ thực sự
muốn tuân thủ phương châm dựa trên những
gì họ phát ngôn tiếp theo sau đó.
- Về quan hệ:
Khi người nói có ý thức về việc không đảm
bảo được yêu cầu của “phương châm quan
hệ”, nghĩa là nói những điều không nên,
không đáng được nói ra hoặc lạc đề, họ càng
có những hành vi che chắn bằng ngôn từ để
chứng tỏ cho người nghe biết là những gì họ
sắp nói ra không liên quan nhiều đối với chủ
đề giao tiếp hoặc bị nhạy cảm nhưng cũng
“không thể không nói”. Thực tế, đây cũng là
một chiến lược tránh cho người nghe cảm
giác đột ngột nhằm chỉ ra rằng người nói có
“tự giác” về nguy cơ của chủ đề đang bị đi
lệch hoặc không phù hợp:
Not to change the subject, but why don’t you
tell her about that?
(Xin hỏi ra ngoài lề một chút, sao anh không
nói với cô ấy về việc đó?)
Người Việt thường dùng những quán ngữ như
LRĐ như “Nói khí không phải ...”, “Nói khí
vô phép ...”, “Nói bỏ ngoài tai ...”, “Nói trộm
bóng ...”, “Nói của đáng tội ...”, “Nói anh bỏ
quá cho ...”, “Không biết có nên nói không
...”, “Tiện đây ...”, “À nhân tiện ...” v.v... để
“tự công nhận” mình đang vi phạm phương
châm hội thoại và dùng chúng như là những
phương tiện đền bù.
- Về cách thức:
Việc nhận thức được các mong muốn của
người nghe về cách thức nói năng của người
nói khiến người nói có khuynh hướng dùng
rào đón để đền bù, ngăn chặn hiện tượng
người nói cho là có khả năng vi phạm
“phương châm rõ ràng”. Trong tiếng Anh là
“I’m not sure but ...” (“Tôi không chắc lắm
nhưng ...”), “That may be a bit confused but
...” (“Nếu không có gì nhầm lẫn ...”), “I’m not
sure if what I’m talking about is clear to you
but ...” (“Không biết tôi những gì tôi nói có
rõ nghĩa không, ...”). Ví dụ:
This may be a bit confused, but I was asleep.
(Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc đó tôi
đang ngủ.)
Về sự đền bù cho nguyên tắc này, tiếng Việt
đó là những quán ngữ như “Nếu tôi nhớ
không nhầm thì ...”, “Hình như là ...”, “Có
thể là ...”.
THAY LỜI KẾT
Tất nhiên LRĐ còn có thể có nhiều chức năng
hơn nữa và tồn tại dưới nhiều hình thức ngôn
ngữ và văn phong khác nhau. Trong giới hạn
của một bài báo, chúng tôi chỉ giới thiệu LRĐ
phổ biến trong giao tiếp bằng tiếng Anh và
tiếng Việt. Những phân tích, bình luận cũng
chỉ giới hạn với những nguyên tắc lịch sự
được đề ra bởi một số tác giả nổi tiếng trong
nghiên cứu ngữ dụng học. Đây là vấn đề
ngôn ngữ và văn hoá phản ánh được năng
lực giao tiếp của người nói/viết vì vậy cũng
là vấn đề cần được quan tâm trong học tiếng
và dịch thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diệp Quang Ban, (2010), Từ điển thuật ngữ
ngôn ngữ học (Sơ thảo), Nxb Giáo Dục Việt
Nam, Hà Nội.
2. Brown, P. & Levison, S., (1997). Politeness -
Some Universals in Language Usage Phenomena,
CUP.
3. Grice, H.P., (1969). Utterer’s Meaning and
Intention, Philosophical Review No. 78 (147-177),
4. Goffman, E., (1981). Forms of Talk, University
of Philadelphia Press, Philadelphia PA.
5. Lakoff, R., (1990). Talking Power-The Politics
of Language, Basic Books.
6. Richards, J.C & Platt, J., (1999). Dictionary of
Language Teaching & Applied Liguistics,
Longman.
7. Yule, G., (1997). Pragmatics, OUP.
Ngô Hữu Hoàng Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 65 - 71
71
SUMMARY
HEDGES AS A “COMPENSATION” MEAN
OF THE VIOLATIONS OF POLITENESS PRINCIPLES
(BASED ON ENGLISH AND VIETNAMESE PRAGMATIC)
Ngo Huu Hoang*
University of Languages and International Studies - VNU
As they are known, hedges are used to compensate the “violations” of politeness principles which
the speaker may think, consciously or unconsciously, that he or she is causing while s/he is
uttering. The paper, in that observation, discusses some issues of hedges in terms of some
functions of (1) compensations for violations of “three politeness policies” by Lakoff, (2)
prevention of the “face threatening act” by Brown and Levinson, and (3) compensations of the
cooperative principle by Grice illustrated by English and Vietnamese.
Keywords: hedges, politeness principles, Lakoff, Brown and Levison, Grice
Ngày nhận bài:31/1/2014; Ngày phản biện:12/2/2014; Ngày duyệt đăng: 25/6/2014
Phản biện khoa học: TS. Nguyễn Thành Long – Khoa Ngoại ngữ - ĐHTN
* Tel: 01647 087320
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- brief_48400_52315_992015859512_3093_2046515.pdf