Lễ hội té nước ở một số quốc gia Đông Nam Á

Như vậy có thể thấy hầu hết các hoạt động lớn nhỏ trong ngày lễ té nước đón năm mới cổ truyền tại các nước Đông Nam Á đều bắt nguồn từ tín ngưỡng trong lao động sản xuất hoặc tôn giáo. Cùng với thời gian cả hai cội nguồn trên hoà quyện vào nhau một cách hài hoà, nhuần nhuyễn. Những ngày hội bắt nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp đều bắt đầu và kết thúc ở ngôi chùa với sự tham gia của sư sãi. Và ngày hội tôn giáo cũng gắn liền với phong tục tập quán của địa phương. Có thể nói lễ hội té nước đón Tết cổ truyền tại các nước Đông Nam Á là tấm gương phản chiếu khá đậm nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng và tình cảm thắm thiết của con người.

pdf8 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 1371 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lễ hội té nước ở một số quốc gia Đông Nam Á, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỄ HỘI TÉ NƯỚC Ở MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á PHẠM HƯƠNG GIANG Tóm tắt Để chào đón năm mới mỗi quốc gia Đông Nam Á có những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Trong những ngày trung tuần tháng 4 dương lịch, người dân theo Phật giáo Tiểu thừa tại các quốc gia Đông Nam Á lục địa lại tương bừng tổ chức lễ hội té nước đón Tết cổ truyền theo Phật lịch. Xuất phát từ yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước và đặc điểm tôn giáo, hiện nay tại Đông Nam Á có bốn nước là Laos, Myanmar, Thailand và Cambodia tổ chức lễ hội té nước mừng năm mới. Bài viết giới thiệu nguồn gốc ra đời và một số nghi lễ truyền thống tiêu biểu, đặc trưng của lễ hội té nước đón năm mới được tổ chức tại các đất nước này. Từ xa xưa, nước đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước. Cũng từ đây những lễ hội té nước xuất hiện ở các quốc gia này nhằm mục đích cầu mong mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Không những vậy, lễ hội té nước còn thể hiện sự linh thiêng của tôn giáo và mang tính vui nhộn của hội hè; thể hiện khát vọng về cuộc sống sung túc và an lành, một tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Lễ hội té nước còn là nghi thức đón năm mới ở một số nước Đông Nam Á. Tại mỗi đất nước, hội té nước có cách thể hiện mang dáng dấp và hơi thở của dân bản địa: Lễ hội Bun Pi May của Laos (*)- đất nước Triệu Voi, Songkran- lễ hội đầy màu sắc truyền thống trên đất nước Thailand, hội té nước Thing Yan mang đậm bản sắc xứ Miến của dân tộc Myanmar hay tục té nước đón năm mới trong lễ hội Chol Chnam Thmay của người dân Cambodia. Lễ hội của mỗi đất nước có cái tên khác nhau nhưng chúng được tổ chức cùng một mốc thời gian với các hoạt động văn hoá đặc sắc và những nghi lễ có khá nhiều nét tương đồng với nhau. 1. Nguồn gốc lễ hội té nước Có nhiều quan niệm giải thích về nguồn gốc lễ hội té nước của các nước Đông Nam Á song có thể hiểu sự ra đời của lễ hội gắn với tín ngưỡng nông nghiệp của các quốc gia trồng lúa nước, đồng thời nó cũng xuất phát từ những truyền thuyết mang đậm màu sắc tôn giáo. Theo quan niệm của giới nông nghịêp, lễ hội té nước xưa kia nhằm đưa tiễn mùa khô và cầu mưa xuống. Tục té nước đón năm mới có lẽ vốn là một phần của nghi lễ phồn thực nhằm cầu mong nguồn nước mưa dồi dào tại các đất nước nông nghiệp ở Đông Nam Á. Lễ hội mang tính chất thần bí và linh thiêng, mọi hình thức hoạt động trong ngày hội đều nói lên sự cầu mong mưa thuận gió hoà để lao động sản xuất, cầu mong những giọt nước đem lại tươi mát cho vạn vật, ấm no và hạnh phúc cho con người. Theo kinh nghiệm của giới nông nghiệp thì sau ngày lễ thường có những trận mưa đầu mùa làm cho cỏ cây trở lại xanh tươi, những cánh đồng khô cằn nứt nẻ sau giai đoạn thời tiết khắc nghiệt trở nên màu mỡ... Như vậy chỉ khoảng hai tuần sau ngày hội té nước người nông dân có thể bắt tay vào vụ sản xuất dài ngày, bận rộn nhất trong năm. Từ ý nghĩa, vai trò quan trọng đó mà lễ hội té nước dần dần được coi là lễ hội lớn nhất trong năm, bắt đầu một mùa vụ mới cũng như bắt đầu một năm mới tại các nước nông nghiệp Đông Nam Á [4] Bên cạnh đó, theo lịch của người Ấn Độ cổ đại, tháng 4 là thời điểm mùa xuân đến, khi mà cây cối đâm chồi nảy lộc, trở nên xanh tốt, các loài động vật ngủ đông bắt đầu thức dậy đi tìm thức ăn Đồng thời, theo chiêm tinh học, các nhà thiên văn xưa kia đã căn cứ vào sự vận chuyển của mặt trời để chọn đây là thời điểm mở đầu khoảng thời gian ban ngày dài hơn ban đêm, là khoảng thời gian phồn thịnh, khoảnh khắc mở đầu của mùa mưa. Đó là những dấu hiệu của một cuộc sống mới và thời gian này mặc định được coi như ngày bắt đầu của năm mới. Trong quá trình giao lưu văn hoá, bởi sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Ấn Độ, các nước Đông Nam Á đã tính thời gian theo Lịch Phật nên họ kế thừa, tiếp thu ngày Tết cổ truyền của Ấn Độ và coi đây là thời điểm thích hợp để khởi đầu cho lễ hội đón năm mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Bởi vậy mà Songkran- tên ngày Tết của dân tộc Thailand theo tiếng Phạn là “Thời gian khi mặt trời chuyển dịch từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ” còn Tết cổ truyền Thing Yan tại đất nước Myanmar được hiểu là “ Sự di chuyển của Mặt trời từ cung Song Như sang cung Bạch Dương”. [3] Cũng có những quan niệm cho rằng nguồn gốc lễ hội mang đậm yếu tố tôn giáo. Tại Thailand, năm mới bắt đầu bằng ngày Đản (sinh) của Đức Phật và ngày lễ chính thức được mở đầu bằng lễ tắm Phật trên chùa [2]. Ngày lễ hội lớn nhất trong năm của đất nước này thường được ví như ngày Giáng sinh mừng Đức chúa Jêsu ra đời ở các nước Phương Tây Có nhiều lý do giải thích về sự ra đời của lễ hội té nước đón Tết cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á. Từ những quan niệm về nguồn gốc và vai trò quan trọng của ngày lễ, ta có thể phần nào hiểu được tại sao nó lại được gọi là lễ hội đón năm mới cho dù cách gọi này quả thực chưa chuẩn xác bởi căn cứ theo lịch âm thì ngày hội không phải vào cuối tháng mười hai, đầu tháng một mà trên thực tế thời điểm tổ chức lễ hội lại diễn ra vào tháng năm âm lịch. Lễ hội té nước, ngày hội lớn nhất trong năm của các đất nước này, đã được coi như là ngày Tết cổ truyền. Nói đến nguồn gốc lễ hội té nước tại các nước Đông Nam Á, không thể không biết đến những truyền thuyết giải thích về sự ra đời của nó. Nhiều nghi thức, hoạt động của lễ hội đều được bắt nguồn từ những sáng tác dân gian này. Truyền thuyết của mỗi đất nước kể về những nhân vật khác nhau song đều có sự tương đồng về nội dung . Theo người Thailand và người Laos, lễ hội té nước được tổ chức hàng năm bắt nguồn từ câu chuyện sau: Xưa kia, sự thông thái đặc biệt và khả năng phi thường (có thể hiểu được ngôn ngữ các loài chim) của một chàng trai tên là Thammabane đã khiến cho Kabinlaphom, vị vua được coi như là thần của bầu trời, ghen tỵ. Bởi vậy, ông đã xuống trần gian gặp Thammabane và đưa ra lời thách đố bằng ba câu hỏi. Nếu không trả lời được, chàng trai sẽ phải dâng đầu của mình và ngược lại, vị thần sẵn sàng mất đầu nếu sự hiểu biết của mình kém hơn một người thường dân. Ba câu hỏi đó là: Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Thời hạn bảy ngày phải đưa ra câu trả lời chính xác đã nhanh chóng trôi qua song Thammabane ra sức suy nghĩ mà vẫn không thể tìm ra đáp án. Trong lúc mệt mỏi với tâm trạng thất vọng tràn trề, chàng trai đã dừng chân nghỉ dưới một gốc cây to và vô tình nghe thấy câu chuyện của đôi vợ chồng đại bàng nói với nhau từ trên đầu mình. Trong câu chuyện đó, đại bàng chồng đã an ủi đại bàng vợ rằng ngày mai chúng sẽ có bữa ăn thịnh soạn cho lũ con bởi Thamabane không thể trả lời được ba câu hỏi của Kabinlaphom và sẽ bị giết. Đồng thời đại bàng chồng cũng đưa ra ba câu trả lời. Đó là: Thần sắc con người vào buổi sáng tập trung ở khuôn mặt, vì vậy buổi sáng con người phải rửa mặt; buổi chiều tập trung ở ngực, vì vậy con người thường tắm vào buổi chiều và buổi tối tập trung ở chân, vì vậy con người thường rửa chân tay trước khi đi ngủ. Nhờ khả năng hiểu ngôn ngữ của loài chim, Thammabane đã có được đáp án chính xác giúp chàng trai chiến thắng được cuộc đấu trí với vị thần. Theo cam kết Kabinlaphom phải chặt đầu của mình. Với khả năng phi thường của một vị thần và biết trước được những tai hoạ sẽ xảy ra nên ngài đã dặn dò lại cho bảy người con gái yêu của mình phải giữ gìn đầu của ngài cẩn thận vì nếu đầu của ngài rơi xuống đất sẽ khiến cho vạn vật bị thiêu cháy, ném xuống biển nước sẽ ngay lập tức khô cạn còn tung lên trời sẽ gây ra hạn hán. Nghe lời cha, những người con gái của vị thần đã đặt đầu của ngài lên một cái đĩa vàng và cất giữ ở đỉnh núi thiêng. Hàng năm bảy người con gái cùng với chư tiên có nhiệm vụ rước đầu vị thần đi diễu hành ba vòng quanh núi và ngày đó được xem là ngày đầu năm theo Phật lịch [5,6]. Tại đất nước Myanmar, câu chuyện được lưu truyền lại trong dân gian là sự đấu trí giữa vị thần Indra và thần Brahma. Theo cách kể của Myanmar, thần Indra và thần Brahma tranh cãi nhau về chiêm tinh học. Không ai chịu thua cuộc nên họ ra điều kiện kẻ nào thua cuộc bị mất đầu. Kết cục, dù thắng cuộc nhưng Indra không đành vứt đầu Brahma xuống biển vì sẽ làm biển cạn hết nước, cũng không thể vứt xuống đất vì trái đất sẽ nổ tung. Thần Indra quyết để giao cho các Nat (các vị thần bảo hộ của người Miến) thay phiên nhau bưng cái đầu đó. Tết năm mới được tổ chức vào dịp đầu của Brahma được chuyển từ Nat này sang Nat kia [1]. Trong khi đó người dân Cambodia tin rằng mỗi năm có vị thần trên trời (Tê Vô Đa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới [3]. Như vậy, theo truyền thuyết, ngày lễ được tổ chức hàng năm xuất phát từ ý nghĩa mong muốn giữ gìn sự bình yên cho vạn vật trên thế gian và cầu mong sự phù hộ của các vị thần. Chính bởi vậy, phần nghi lễ trong ngày Tết cổ truyền tại các đất nước Đông Nam Á không thể thiếu lễ cúng, rước các vị thần. Tại Laos và Thailand đến nay người dân vẫn giữ nghi thức tổ chức cuộc diễu hành tái hiện lại cảnh bảy nữ thần cùng chư tiên rước đầu của cha mình là thần Kabinlaphom lên chùa làm lễ tắm nước thiêng và cầu phúc. Trong khi tại Cambodia, nhà nhà đều làm cỗ, thắp hương cúng tiễn đưa vị thần Tê Vô Đa của năm cũ và đón vị thần mới về với gia đình mình. 2. Các nghi lễ truyền thống của lễ hội té nước đón Tết cổ truyền tại các nước Đông Nam Á Hàng năm, người dân các nước Đông Nam Á tổ chức ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình trong ba hoặc bốn ngày, bắt đầu vào ngày 13 hoặc 14 tháng 4 dương lịch, tuỳ theo Phật Lịch. Riêng tại Thailand, từ năm 1948, Hoàng gia Thái đã quy định ngày Tết Songkran được tổ chức cố định vào ngày 13 đến 15 tháng 4 dương lịch hàng năm. Không như Thái Lan và Cambodia trong ba ngày Tết chính của người Laos vào tháng 4 bắt đầu được coi là ngày cuối cùng của năm cũ, ngày thứ hai không được tính bởi là ngày giao giữa năm cũ với năm mới, ngày thứ ba mới chính thức được coi là ngày mùng một Tết. Trong những ngày này rất nhiều hoạt động mang màu sắc lễ hội và tôn giáo đã được tổ chức. Bên cạnh các hoạt động vui chơi đón mừng năm mới không thể thiếu các nghi lễ truyền thống với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Nghi lễ té nước trong các hoạt động đón mừng năm mới Nước, theo thuyết ngũ hành là một trong năm nguyên tố cơ bản cấu thành vũ trụ. Nước là ngọn nguồn cuộc sống và tái sinh vạn vật. Thuật phong thuỷ gắn nước với tiền tài, sự thịnh vượng. Nước là hành biểu trưng cho sự thông thái, linh hoạt của tâm hồn. Cũng như nhân loại nói chung đề cao giá trị của nước, đối với một số quốc gia Đông Nam Á nói riêng, lí do khiến nước được lựa chọn là biểu tượng của lễ hội té nước là bởi người xưa coi nước có thể rũ sạch những rủi ro bất hạnh cũng như có sức mạnh thần kỳ xua đuổi tà ma, đồng thời đem lại may mắn và hạnh phúc cho con người. Trong cách đón mừng năm mới của các đất nước Đông Nam Á, nước được sử dụng thay cho những lời chúc tốt đẹp, nước thể hiện sự tôn trọng những bậc cao niên, nước như lời đón chào nồng nhiệt đến những người không quen biết để cùng nhau hoà đồng vào lễ hội té nước vui nhộn trên khắp phố phường Tại các nước Đông Nam Á, lễ tắm Phật được coi là nghi lễ tôn giáo mở đầu cho lễ hội đón năm mới. Có thể nói trong bao nhiêu năm qua, nghi lễ tắm Phật vào ngày Tết cổ truyền là nghi thức truyền thống thể hiện lòng tôn kính của các phật tử đối với Đức Phật. Ngày giao thừa 13 tháng 4 dương lịch (ngày 12 theo lịch Thailand) là ngày để mọi người quét dọn, lau chùi nhà cửa, đồ vật để chuẩn bị cho năm mới. Những gì cũ kỹ, thừa thãi sẽ bị vứt bỏ với niềm tin rằng chúng sẽ cuốn theo những điều không may mắn của năm cũ để đón chào năm mới với bao điều mới mẻ. Một việc quan trọng là người dân đều chuẩn bị nước thơm dùng để té trong ngày năm mới. Đây là thứ nước hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Đôi khi nước đã được ướp sẵn hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên. Tại các ngôi chùa, nhà sư cùng người làng sẽ rước tượng Phật ra một gian riêng để người dân có thể dễ dàng thực hiện nghi lễ tắm nước cho Phật trong những ngày Tết. Thường họ xếp tượng Phật thành từng nhóm trong gian chính của Phật điện, ngoài sân chùa hay đặt trong các am nhỏ. Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người dân trong làng từ già đến trẻ tập trung tại ngôi chùa làng mình để cúng đồ lễ cho các vị sư. Tại nhiều ngôi chùa của Thailand, những dãy bàn dài được chuẩn bị ngoài sân chùa để các Phật tử có thể đặt đồ lễ, thức ăn, vật phẩm.. biếu sư tăng và nhà chùa. Ở Laos và Myanmar, việc làm từ thiện phần lớn vẫn được thực hiện dưới hình thức đi khất thực. Vào sáng sớm người dân ngồi theo hàng trên những dãy phố chính đợi những đoàn sư khất thực đi ngang qua để nhận đồ ăn, hoa quả ... Lễ tắm Phật được tổ chức tại tất cả các ngôi chùa với sự tham gia của đông đảo phật tử. Sau một hồi trống chùa ngân vang, mọi người tập trung tại điện chính trong ngôi chùa của làng mình dự lễ tắm Phật. Khi các tín đồ đến đông đủ, các tăng lữ bắt đầu đọc kinh. Mọi người ngồi nghiêm trang, hai tay chắp trước ngực lắng nghe lời cầu nguyện. Lễ tắm tượng Phật được bắt đầu bởi các vị sư trụ trì của ngôi chùa. Nước thơm được tưới trực tiếp hoặc qua máng hình rồng đặt sẵn để có thể tưới cho những tượng Phật đặt trong am. Mọi phật tử đến thăm chùa đều có thể tiến hành nghi lễ trên. Các tín đồ đạo Phật tại Laos cho rằng trong cuộc sống, mỗi người không thể không có “môn thing”( điều dở), sang năm mới cần được tẩy rửa cho trong sạch, bởi vậy, các pho tượng Phật trong chùa cũng cần rửa sạch “môn thing”. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật được coi như nước thiêng, được hứng lại, đem về nhà để xức vào người. Người ta còn té nước vào cây cối xung quanh chùa, nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Không thể thiếu trong nghi lễ tắm tượng Phật là những cây nến và ống hoa tươi. Nhà chùa dành một góc để người dân đi lễ có thể cắm hoa tươi và thắp lên những cây nến sau khi đã gửi gắm những lời cầu phúc đến đức Phật. Ánh nến toả sáng là biểu tượng của ánh sáng có thể dẫn dắt các linh hồn tụ về đây. Lễ tắm Phật có thể được tổ chức vào chiều ngày cuối năm hay ngày đầu tiên của năm mới (tháng 4) tuỳ theo phong tục của mỗi đất nước (riêng người dân Cambodia tổ chức nghi lễ này vào ngày mùng 3 Tết) nhưng nó được coi như là nghi lễ tôn giáo mở đầu cho lễ hội năm mới và chính thức bắt đầu cho lễ hội té nước. Ngày Tết cổ truyền còn là thời điểm để tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã mất và thể hiện lòng kính trọng của lớp người trẻ tuổi với người cao niên. Một nghi thức thường diễn ra sau lễ tắm Phật tại chùa với sự tham gia của cả gia đình: bậc con cháu sẽ quỳ gối khiêm tốn trước những người bề trên, đổ nước thơm lên lòng bàn tay những người đó, xin họ chúc phúc và gửi đến họ những lời chúc may mắn trong năm mới. Theo tục lệ cổ xưa thì bậc con cháu phải giúp người già tắm rửa để thay đi quần áo cũ bằng những bộ đồ mới đón Tết . Đây là phong tục truyền thống thể hiện sự tôn trọng tuổi tác, địa vị và củng cố mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Trong ngày Tết, tổ tiên và những người đã khuất cũng được tưởng nhớ đến bằng buổi lễ trang trọng được tổ chức tại chùa. Theo Phật giáo Tiểu thừa, con người khi mất đi sẽ được thiêu chỉ còn lại tro và xương mà phần lớn những hài cốt này sẽ được chôn quanh cây bồ đề - loại cây được trồng hầu hết tại các ngôi chùa bởi nó được coi là biểu tượng của đức Phật, hoặc đặt trong các tháp nhỏ được xây trong chùa. Tại một số nơi, người ta đem một phần hài cốt của người thân lưu giữ trong một cái hũ nhỏ đặt tại nhà. Ngày đầu năm mới nào cũng vậy, lễ cầu siêu cho linh hồn những người đã mất được tổ chức trang trọng tại nhà chùa- nơi lưu giữ các hài cốt. Người dân có thể mang hài cốt người thân của mình đến dự buổi lễ tại các ngôi chùa trong làng. Sau buổi lễ, mọi người vẩy nước thơm lên những cây bồ đề để tưởng nhớ đến tổ tiên và thắp nến, đặt hoa trên các tháp mộ của người thân được lưu giữ trong chùa. Lễ tắm Phật được coi là nghi thức mở đầu lễ hội té nước đón Tết cổ truyền song các hoạt động té nước vui chơi có thể diễn ra trước đó nhiều ngày với sự tham gia của mọi người. Hào hứng nhất là thanh niên, trẻ em và các vị khách du lịch tới đây với mong muốn được tham gia và cảm nhận bầu không khí vui tươi, thân thiện, sôi động trong những ngày này. Dịp Tết cổ truyền, người dân Laos, Cambodiaít khi tổ chức ăn uống linh đình mà chủ yếu đi thăm hỏi lẫn nhau và vui chơi tập thể. Hình thức vui chơi náo nhiệt nhất là té nước cho nhau với quan niệm người té nước và người bị té đều gặp may mắn trong năm mới. Không chỉ trong ba ngày Tết mà trước đó hàng tuần nếu ra đường mà không được té nước là điều không bình thường, năm mới sẽ gặp rủi ro. Bởi vậy không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị , người bản xứ hay khách du lịch thì mọi người cũng đều hòa mình vào những màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Lễ rước hoa hậu năm mới Hiện nay có rất nhiều tỉnh tổ chức lễ rước hoa hậu năm mới song chỉ đến cố đô Luông Pha Bang hay tỉnh Chiêng Mai mới có thể có cái nhìn toàn cảnh về lễ hội truyền thống này. Tại Thailand nó được gọi là lễ rước “Nang Songkran” ở Laos “Nang San Khan”. Tuy gọi là lễ rước hoa hậu song thực chất đây là lễ diễu hành, tái hiện lại hình ảnh bảy người con gái cùng chư tiên rước đầu của vị thần Phabinlaphom. Trước ngày Tết khoảng một tháng họ tổ chức cuộc thi để chọn ra bảy người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang - những người sẽ được đóng vai các nữ thần con gái của Phabinlaphom. Mỗi một người con gái của vị thần là biểu tượng của một ngày trong tuần. Họ có tên riêng song thường được gọi chung là “Nang Songkran”’ hay “Nang Sang Khan”. Năm mới được bắt đầu bằng ngày nào trong tuần (theo Phật lịch) thì cô gái đẹp nhất trong bảy người con gái sẽ là nữ thần biểu tượng cho ngày đó và xuất hiện như nhân vật chính trong lễ diễu hành. Có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm của mỗi một nữ thần qua trang phục, trang sức, vũ khí mang theo và con vật linh mà nữ thần cưỡi. Điều đặc biệt là họ xuất hiện trên lưng con vật linh của mình ở các tư thế khác nhau tuỳ theo thời điểm năm mới. Thời điểm này được xác định bởi các nhà chiêm tinh của triều đình xưa hay theo lịch Phật ngày nay. Tại Laos, con vật được cưỡi ứng với con vật của từng năm theo Phật lịch (Lịch Phật giáo hệ Tiểu thừa cũng có mười hai con giáp như Việt Nam nhưng không giống nhau về loài vật tượng trưng cho mười hai con giáp). Đi theo đoàn diễu hành là nhiều đám rước khác như đám rước tượng Phật, các đoàn sư sãi, đoàn múa Ramayana, đoàn võ truyền thống hay đám rước các dân tộcĐoàn người kéo dài cả một con phố trong tiếng nhạc truyền thống, tiếng trống vang sôi động, vui nhộn. Trong khi đó, đông đảo người tham dự lễ rước đứng xem ở hai bên đường tươi cười liên tục té nước mát cho đoàn hội và chúc nhau những lời đẹp nhất của năm mới. Xây núi cát cầu may mắn trong năm mới Đây là phong tục không thể thiếu trong dịp lễ cổ truyền và thường được tổ chức vào buổi chiều mùng hai Tết với sự tham gia của hầu hết các thành viên trong gia đình . Tại Laos, tục xây núi cát tượng trưng cho ngọn núi nơi bảy người con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được người dân cúng để cầu sức khoẻ, hạnh phúc trong năm mới. Cũng có quan niệm cho rằng núi cát sau khi được xây và làm lễ bởi các vị sư tăng thì trong năm mới họ sẽ gặp nhiều điều may mắn như số hạt cát trên núi của mình. Tại Thailand, tập tục này mang đậm màu sắc triết lý Phật giáo. Mỗi một hạt cát biểu trưng cho một lời cầu nguyện cứu rỗi linh hồn. Núi cát còn biểu hiện cho ngọn núi Tudi, nơi tu hành của đức Phật và là ngọn núi ngăn không cho mây bay đi, do vậy con người có mưa mà trồng lúa. Cũng như vậy người Cambodia và Myanmar coi phong tục này là sự biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người. Tục xây núi cát chủ yếu được thực hiện ngay trong sân chùa hoặc tại những bãi cát ven sông. Tại đây, trước buổi lễ, nhà chùa chuẩn bị sẵn những đống cát nhỏ xếp ngay ngắn trên sân chùa và làm những lá cờ đuôi nheo, những sợi chỉ ngũ sắc Người tham gia xây núi cát phần lớn là phụ nữ và trẻ nhỏ. Để có thể tham gia, họ phải đóng một khoản lệ phí tiền công đức cho nhà chùa và góp một khoản tiền nhỏ để mua những vật dụng cần thiết như hoa, nến, cờ, que được bán ngay tại chùa. Cát được trộn thêm một ít nước để có thể dễ dàng đắp thành núi cát và không thể thiếu đồng xu, lá cây bồ đề trộn lẫn với cát. Sau khi hoàn thành họ rắc một ít nước thơm và trang trí theo ý mình. Nến và hoa được cắm xung quanh dưới chân núi cát. Quanh núi được cắm cờ đuôi nheo hình mười hai con giáp, những que tre buộc theo tiền giấy hoặc những sợi chỉ ngũ sắc sặc sỡ... Sau khi núi cát được hoàn thành, mọi người chắp tay cầu khấn và trong không khí sôi nổi , đông vui, nhiều nơi còn tổ chức những cuộc thi có phần thưởng cho những núi cát được xây đẹp nhất. Xây núi cát được coi là hoạt động vui chơi cộng đồng và cũng là dịp để người dân đóng góp phúc lợi cho nhà chùa. Bên cạnh đó trong ngày Tết cổ truyền, người ta tin rằng ngay cả động vật cũng cần được tự do nên họ sẽ phóng sinh các loài động vật nhỏ như cá, chim, rùa, cua. Một số hoạt động cũng được tổ chức mừng năm mới tại các địa phương như hội đua thuyền, hội bắn pháo thăng thiênvà không thể thiếu được trong cách ăn Tết của các quốc gia Đông Nam Á là những vũ điệu dân gian quen thuộc với âm nhạc truyền thống và các món ăn dân tộc đặc trưng. Đến Cambodia để cảm nhận điệu múa Apsara quyến rũ, các món ăn đậm đà hương vị Khmer dùng chung với rượu thốt nốt thơm lừng trong khi Tết cổ truyền của dân tộc Laos đặc trưng bởi điệu múa Lam Vông, tục buộc chỉ cổ tay và món Lạp – món ăn được xem như linh hồn của người Laos trong năm mới. Như vậy có thể thấy hầu hết các hoạt động lớn nhỏ trong ngày lễ té nước đón năm mới cổ truyền tại các nước Đông Nam Á đều bắt nguồn từ tín ngưỡng trong lao động sản xuất hoặc tôn giáo. Cùng với thời gian cả hai cội nguồn trên hoà quyện vào nhau một cách hài hoà, nhuần nhuyễn. Những ngày hội bắt nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp đều bắt đầu và kết thúc ở ngôi chùa với sự tham gia của sư sãi. Và ngày hội tôn giáo cũng gắn liền với phong tục tập quán của địa phương. Có thể nói lễ hội té nước đón Tết cổ truyền tại các nước Đông Nam Á là tấm gương phản chiếu khá đậm nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng và tình cảm thắm thiết của con người. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để người dân đi làm công đức. Mọi hoạt động của lễ hội đều hướng vào làm việc thiện để tâm thanh thản và cầu mong may mắn, là dịp để tín đồ tích thêm phúc đức cho bản thân, gia đình, họ hàng bằng cách làm từ thiện cho nhà chùa. Ngày nay, theo dòng thời gian, những sự biến đổi đã tác động không nhỏ đến cách thức tổ chức lễ hội cũng như cách ăn mừng Tết cổ truyền tại các nước Đông Nam Á. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể có cái nhìn toàn cảnh và cảm nhận được những giá trị truyền thống của lễ hội khi đến với cố đô Luông Pha Bang (Laos) hay tỉnh Chiêng Mai (của đất nước Thailand) – nơi mà lễ hội té nước đón Tết cổ truyền được tổ chức giản dị, gần gũi với những phong tục cổ xưa mang đầy màu sắc truyền thống. P.H.G Tài liệu tham khảo 1. GS. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hoá Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010. 2. Trịnh Huy Hoá, Đối thoại với các nền văn hoá- Phần Thái Lan, NXB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000. 3. Phong tục lễ tết của các nước trên thế giới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009. 4. Nguyễn Văn Vinh, Tập quán và lễ hội cổ truyền các dân tộc Lào, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000. Một số website: 5. 6.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfle_hoi_te_nuoc_o_mot_so_quoc_gia_dong_nam_a_2682.pdf
Tài liệu liên quan