Đặc điểm ngôn ngữ thơ Anh Ngọc - Phạm Thị Sen

Bên cạnh việc vận dụng sáng tạo, mới mẻ các thủ pháp nghệ thuật truyền thống, Anh Ngọc còn sử dụng kiểu tư duy liên tưởng để tạo ra sự chuyển đổi ấn tượng giữa các yếu tố trong thơ. Cách chuyển đổi đó đã đem lại những bất ngờ trong mối liên hệ, mở rộng ý nghĩa của sự vật. Thi sĩ Xuân Diệu thời Thơ mới đã từng nghe rét mướt luồn trong gió, sau này Thanh Thảo cũng cảm nhận tiếng ve bằng thị giác: Tiếng ve màu đỏ/Cháy trong vòm cây. Với Anh Ngọc, đó là những âm thanh được tính bằng cân nặng: Chúng tôi gánh những âm thanh chiến dịch/Cho ngày về dây với gió vi vu. Là những nỗi niềm, tâm trạng được cảm nhận qua giác quan: Đường dây vươn lên từng thước/Niềm vui sờ được bằng tay. Hay cái trừu tượng như bóng đêm cũng trở thành sự vật hữu hình và bị tác động một cách vật chất bởi bàn tay con người: Bóng đêm bị cưa ra từng khúc/bị nghiền ra từng giọt/ chảy đầm đìa cùng với mồ hôi. 5. KẾT LUẬN Sự trao đổi, cộng hưởng của các yếu tố cụ thể và trừu tượng đã khiến cho ngôn ngữ thơ Anh Ngọc trở nên phong phú, đa nghĩa, giàu sắc thái biểu cảm, rất hợp với cảm quan phức tạp, nhiều chiều của nhà thơ. Tuy nhiên, Anh Ngọc không phải là nhà thơ thích “làm xiếc” với ngôn từ, vì thế dù có những sáng tạo nhưng ngôn ngữ thơ ông vẫn chủ yếu thiên về vẻ đẹp trong sáng, hài hòa, lắng sâu trong suy nghĩ mà ít thấy sự dữ dội, vật vã của con chữ thơ. Đó cũng là một nét hấp dẫn riêng của thơ ông. Với tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, cùng những cảm nhận đa đoan, phức hợp về cuộc sống, thơ Anh Ngọc rất hợp với kiểu câu như những mệnh đề triết lí và các thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối, điệp, hợp với ngôn ngữ thơ vừa hồn nhiên, chân thành, tha thiết, vừa suy tư lắng đọng. Lặng lẽ và bền bỉ sáng tạo, vị trí của nhà thơ ngày càng được khẳng định một cách vững chắc trong nền thơ Việt Nam hiện đại và trong lòng bạn đọc yêu thơ.

pdf9 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 462 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ thơ Anh Ngọc - Phạm Thị Sen, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(37)/2016: tr. 36-44 ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ ANH NGỌC PHẠM THỊ SEN Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế HOÀNG ĐỨC KHOA Nhà xuất bản Đại học Huế Tóm tắt:Là một nhà thơ thuộc thế hệ thơ trẻ chống Mỹ, Anh Ngọc một mặt chịu ảnh hưởng của thi ngôn thời đại, mặt khác có những sáng tạo mang dấu ấn riêng. Ngôn ngữ thơ Anh Ngọc giản dị, nhẹ nhàng, trong sáng, cùng những câu thơ mang dáng dấp những mệnh đề triết luận đã đem lại cho ông nhiều bài thơ hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Nó cũng góp phần làm nên một thế giới nghệ thuật với những nét độc đáo, riêng biệt, đa dạng và đầy màu sắc trong những trang thơ Anh Ngọc. Đây cũng là một phương diện đóng góp quan trọng của nhà thơ vào việc phát triển và sáng tạo ngôn ngữ thơ ca. Từ khóa: Anh Ngọc, ngôn ngữ, tự sự, triết luận, nghệ thuật 1. MỞ ĐẦU Macxim Gorki đã nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Tuy nhiên, tùy vào đặc trưng thể loại, ngôn ngữ trong mỗi loại thể văn hoc có những đặc điểm riêng. Là nghệ thuật “lấy ngôn ngữ làm cứu cánh” (Jakobson), ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ. Đó là thứ ngôn ngữ được chưng cất công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ”. Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng. Vì vậy, để viết được bài thơ hay, nhà thơ không thể không khổ công đi tìm ý, tứ, câu, chữ và bao yếu tố khác trong thơ và ngoài thơ. Trong kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú, nhà thơ chỉ lựa chọn những từ ngữ cần thiết nhất để đưa vào tác phẩm. Đó là quá trình khổ luyện, tìm tòi, tích lũy vốn sống... mới có được những chữ “thần” để có thể “lóe sáng” ở câu thơ, làm cho bài thơ “nổi gió”, “cất cánh”. Nhà thơ Nga Maiacopxki đã viết: Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ/Mới thu về một chữ mà thôi/Những chữ ấy làm cho rung động/Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài. (Nói chuyện với người thanh tra tài chánh). “Khác với văn xuôi, thơ ca chỉ dùng một lượng hữu hạn các đơn vị ngôn ngữ để biểu hiện cái vô hạn của cuộc sống bao gồm các sự kiện tự nhiên và xã hội cũng như những điều thầm kín trong tâm linh con người” [3, tr. 4]. Do vậy, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ chính xác, giàu hình tượng và biểu cảm. Các yếu tố đó hòa quyện vào nhau tạo nên hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa mang tính thẩm mỹ. Đó là thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm góp phần tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Nó biến hóa qua nhiều sắc thái ảo thực bất ngờ, thú vị. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ ANH NGỌC 37 Mỗi thời đại thi ca đều được đánh dấu bằng thi ngôn riêng. Thời trung đại, các nhà thơ thường sử dụng ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng. Thời hiện đại, “Thơ mới (1932 – 1945) đã mang lại một nhãn quan mới về ngôn ngữ thơ” [6, tr. 108], đưa ngôn ngữ thơ lên một bước tiến quan trọng khi “Thơ mới đã căn bản cải tạo lại thơ trữ tình tiếng Việt từ câu thơ “điệu ngâm” sang câu thơ “điệu nói” [6, tr. 108-109]. Quá trình đó được hoàn tất ở giai đoạn văn học chống Pháp và chống Mỹ. Là một nhà thơ thuộc thế hệ thơ trẻ chống Mỹ, Anh Ngọc một mặt chịu ảnh hưởng của thi ngôn thời đại, mặt khác ông cũng có những sáng tạo mang dấu ấn riêng, từ đó góp phần vào việc phát triển và sáng tạo ngôn ngữ thơ ca. 2. ĐƯA YẾU TỐ TỰ SỰ VÀO THƠ Một biểu hiện của câu thơ “điệu nói” trong thơ ca chống Pháp và chống Mỹ là việc sử dụng ngôn ngữ cụ thể, sinh động và phong phú của đời sống để cấu tạo nên ngôn ngữ thơ. Cũng vì thế mà hiện thực đời sống được khám phá và phản ánh ở nhiều góc độ, nhiều phương diện khác nhau, đồng thời đem lại vẻ đẹp giản dị, chân thực vốn rất cần thiết cho thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ rất thành công trong việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ để tạo nên nét ngang tàng, tinh nghịch, hóm hỉnh mà vẫn hồn nhiên: Không có kính ừ thì có bụi (Bài thơ về tiểu đội xe không kính); Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn (Gửi em cô thanh niên xung phong).Với Anh Ngọc, ngôn ngữ đời thường đi vào thơ ông theo một cách riêng: giản dị, tự nhiên, chân thành mà xúc động. Thơ Anh Ngọc là tiếng nói hồn nhiên của một tâm hồn mẫn cảm, tràn đầy tình yêu mến với cuộc sống xung quanh. Tác giả Hồng Diệu từng nhận định về thơ Anh Ngọc: “tiếng thơ nảy sinh từ một tâm hồn còn rất trẻ với con mắt nhìn đời trong veo, mơ mộng, nghịch ngợm nữa” [2]. Anh Ngọc dễ dàng tìm thấy sự hòa hợp, đồng cảm với những hình ảnh, những sự việc tự nhiên, đơn sơ, trong trẻo. Ông có những câu thơ về các em nhỏ nhặt cỏ may cho bộ đội qua làng thật hay: Một đàn em nhỏ xinh xinh/Từ đâu thoắt đã bên mình vây quanh/Tay mềm ngón ngón đưa nhanh/Nghịch thôi mà sạch sành sanh gấu quần. (Cỏ may). Đây là câu chuyện rất tự nhiên nhà thơ kể trên đường hành quân: Tôi ngồi trên ghế đá/ Dưới chân tượng một người chiến sĩ/Một bầy trẻ em ríu rít như chim/Chúng đang chơi trò chơi trốn tìm/Đứa bé nhất khoác màu áo tím/Thoắt đã luồn vào giữa các lùm hoa (Góc vườn vui). Hay cảnh ngộ đáng thương của một em bé mồ côi trong chiến tranh được kể lại thật xúc động: Hỏi thăm nhà em đâu/Nhà em bom giặc phá/Hỏi bọ mạ em đâu/Em không có bọ mạ/Chúng lùa đi Đông Hà/Không đi, chúng giết cả (Em Quang). Những đau thương mất mát của chiến tranh được tái hiện thật chân thực bằng sức mạnh của ngôn ngữ tự sự mộc mạc, giản dị mà tạo được sự thương cảm, xúc động sâu xa trong lòng người đọc Để tái hiện chân thực nhất cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, những vất vả hi sinh của người lính nơi chiến trường, Anh Ngọc đã nhiều lần sử dụng thuần túy ngôn ngữ đời thường không chút dụng công. Đó là nỗi nhọc nhằn của những người lính đường dây: 38 PHẠM THỊ SEN – HOÀNG ĐỨC KHOA Những bàn chân đang bám đất run run/Những bàn tay bám cây cỏ leo lên (Kí ức 1972); là sức chịu đựng hi sinh của những cô gái gùi hàng: Mưa nắng đã mài mòn/Thịt da thành sắt đá (Bài ca về những đôi vai – Trích trường ca Sông núi trên vai) Trở đi trở lại trong thơ ông là hình ảnh: Đường trơn, núi cao, dốc thẳng, đôi vai gầy sốt rét, mắt vàng, da xanh, bờ vai mòn Ở đây, yếu tố đời thực hiện lên trong nguyên dạng sống động của nó có tác dụng hơn bất cứ một sự trau chuốt ngôn ngữ nào. Chân thành, trung thực là những điều mà người ta hay nói khi nhắc đến Anh Ngọc. Có lẽ là bởi ông thường bộc bạch những tâm sự có thật, những nỗi niềm riêng tư nhất trong thơ. Ông như vừa tự nói với mình, vừa muốn giãi bày với người xung quanh: Tôi không bao giờ tha thứ cho mình/Đã có lúc viết vần thơ dễ dãi/Những câu thơ nằm biếng lười uể oải/Trên chiếc giường của trang giấy trắng tinh (Tôi không bao giờ). Hay những dòng thơ viết cho người cha của mình, người một đời gắn bó với đất đai, ông có những vần thơ thật cảm động: Suốt cuộc đời như một cuộc trường chinh/Người đã đi, mười ngón chân xòe ra bám đất/Mồ hôi đọng trên luống cày mới lật/Soi mặt người vạm vỡ nắng mưa (Hai bàn tay). Ngôn ngữ tự sự trong thơ Anh Ngọc cũng thể hiện khá rõ qua các nhan đề bài thơ. Nhiều bài mang nhan đề giản dị, tự nhiên như ngôn ngữ hàng ngày nhưng có sức gợi mở và gây ấn tượng. Có thể kể ra đây là các bài: Về con bồ câu đứng một chân trên hè phố;Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi; Ngủ đi em; Chuyện hai người đêm vượt lộ;Em đã trao anh không phải tình yêu; Máy bay địch cách ba mươi cây số; Đùa tặng một cô gái không mấy chính chuyên Trường hợp khác là nhà thơ đưa các địa danh vào nhan đề thơ như: Về Phan Thiết; Gặp bạn ở Sài Gòn; Từ cực Nam nghe tin Huế giải phóng; Rạng sáng mùa khô ở Chư Nghé; Trở lại Điện Biên – lá cờ và ngọn cỏ Với kiểu ngôn ngữ định danh này dường như bài thơ trở nên có sắc thái biểu cảm đặc biệt hơn, khiến cho người đọc như cùng hòa mình vào dòng cảm xúc chung của dân tộc trên mọi miền đất nước và tính hiện thực của bài thơ càng thêm thuyết phục. Việc gia tăng yếu tố tự sự trong thơ Anh Ngọc đã đem đến cho thơ ông sự mới mẻ và sâu lắng. Nhiều câu thơ kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự và trữ tình làm cho thơ sự gần gũi, tự nhiên mà vẫn có sự chau chuốt kín đáo. 3. CÂU THƠ NHƯ NHỮNG MỆNH ĐỀ TRIẾT LUẬN Nói về thơ Anh Ngọc, tác giả Tuyết Nga đã đưa ra một nhận định xác đáng: Thơ Anh Ngọc “không phải loại thơ thường được đọc to trên các diễn đàn mà thường là những lời độc thoại nội tâm sâu lắng”, đó là những lời độc thoại đến từ một “trái tim không bao giờ yên tĩnh của nhà thơ” [5]. Đọc thơ Anh Ngọc, chúng ta gặp những câu thơ có tính chất như những mệnh đề triết luận được phát biểu một cách độc đáo, súc tích. Những mệnh đề đó thường được hình thành, đúc kết từ chính những trải nghiệm của bản thân tác giả. Chính cảm xúc thơ được diễn đạt bằng tư duy triết học ấy đã khiến cho những câu thơ có khả năng đi sâu vào những vấn đề phổ quát, muôn thuở của đời sống nhân sinh. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ ANH NGỌC 39 Tác giả Khánh Lê nhận xét: “anh cấu tứ, khai triển tình huống thơ từ những sự kiện hằng ngày” [4], chúng ta có thể thấy, trước những vấn đề, sự việc của cuộc sống, Anh Ngọc thường có xu hướng đẩy lên thành những nhận định mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc. Những khái quát tư tưởng ấy được thể hiện qua giọng thơ trầm lắng, nhiều nghĩ ngợi. Thơ Anh Ngọc là tiếng nói vô cùng sâu lắng từ nội tâm cất lên. Đây là cảm nhận của một con người thấu hiểu được định mệnh của kiếp người là nhỏ bé trước “thời gian vô thủy vô chung” và “không gian vô tận vô cùng”, nhà thơ ý thức được qui luật nghiệt ngã của đời sống: Không có gì trong đời này là vĩnh cửu, tất cả rồi sẽ bị dòng thời gian cuốn trôi vào cõi hư vô: Đào phai, mai nhạt, tàn sen cúc/Chẳng còn xuân hạ, hết thu đông/Tháng ngày như lá rơi về đất/Mưa nắng vần xoay trọn một vòng (Tạ lỗi cùng mưa bụi). Với tư duy triết luận, những gì đi vào thơ Anh Ngọc thường được lắng lọc qua cảm xúc. Ông đã từng suy tư, trăn trở về cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc ngay khi nó đang diễn ra và càng chất chứa nỗi xót xa hơn khi chiến tranh kết thúc. Những tổn thất, đau thương của một thời khói lửa chưa dễ xóa đi trong cuộc sống thời bình. Tiếng thơ ẩn chứa nỗi niềm day dứt: Trời Điện Biên mây trắng/ Màu mộ chí hàng hàng/Màu bạc đầu bạn cũ/Tìm nhau trong nghĩa trang (Trời Điện Biên mây trắng). Anh Ngọc cũng đã sử dụng hình thức câu thơ triết luận để khái quát về lí tưởng của một thế hệ đánh giặc cứu nước: Giờ chiến đấu là giờ đẹp nhất/Đạn vạch đường bay như vạn ánh cầu vồng (Cao điểm). Câu thơ cô đọng, hàm súc như một lần nữa khẳng định, tôn vinh cảm hứng anh hùng ca của thời đại chống Mỹ. Những suy tư cũng gắn nhiều với những trải nghiệm về nhân sinh, thế sự. Thơ Anh Ngọc thường chiêm nghiệm về sự hữu hạn của kiếp người. Cảm xúc đó rải rác trong nhiều tập thơ của ông, nhưng tập trung nhiều nhất ở tập Mạnh hơn tuyệt vọng. Cũng chính vì thế mà cả tập thơ là một âm vọng buồn triền miên, da diết. Đây là sự cảm nhận của nhà thơ về một “vị tướng già” trong thời bình. Nồng độ cảm xúc càng tăng, suy tư triết lí lại càng thêm thấm thía: Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên/Cõi nhân thế mây bay và gió thổi /Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi/Đi về miền cát bụi phía trời xa. (Vị tướng già).Thoáng một nét ngậm ngùi trước bước đi không ngoái lại của thời gian, cái hữu hạn trước cái vô cùng. Cả một đời người còn ngắn ngủi thì “những vui buồn chưa kịp gọi thành tên” âu cũng là một lẽ thường tình [1]. Như một viên sỏi ném trên mặt nước để lan tỏa nhiều vòng sóng, những suy tưởng thâm trầm ấy đã để lại nhiều sức gợi trong lòng người đọc. Day dứt trước những biểu hiện muôn màu của đời sống, thơ Anh Ngọc dội vào tâm khảm chúng ta những câu hỏi xoáy xiết: Em hãy hỏi/vì sao vì sao con người già trước tuổi/người lại giết người lỗi ấy vì sao/ vì sao máu Campuchia lại đổ/bảy triệu con người như bầy chim vỡ tổ/Ăngco buồn đầu bạc ngủ trong mây (Trường ca Sông Mê Công bốn mặt). Ngôn ngữ thơ buồn da diết về “nghịch lí”đang diễn ra rất “thuận” giữa đời thường. Những nguy cơ, tai ương, vẫn rình rập, lơ lửng đâu đó, vừa xa, vừa gần, vừa hiện hình, vừa giấu mặt trong cuộc sống. 40 PHẠM THỊ SEN – HOÀNG ĐỨC KHOA Có những bài thơ thấp thoáng chuyện đời thường mà cũng chất chứa nỗi buồn thế sự. Đây là cảm nhận của nhà thơ trong một trận ốm. Những suy nghĩ gắn liền với những trăn trở, buồn vui của chính bản thân ông nên có sức lay động riêng: Nếu chỉ bia với bọt/Chiến hữu quả rất nhiều/Lúc nằm viện mới biết/Bạn thật chẳng bao nhiêu. (Tứ bình cho tuổi tứ tuần). Những câu thơ ngỡ rất giản đơn mà sự khơi gợi lại tầng tầng, bậc bậc. Những chuyện riêng tư mà lời thơ Anh Ngọc vẫn khiến chúng ta phải day dứt. Con người thi nhân trong Anh Ngọc vốn nhiều nhạy cảm với cuộc sống. Ông thường quan sát những sự vật, những con người xung quanh để từ đó hướng về cái phổ quát của cuộc đời. Xuất hiện nhiều trong thơ ông là những câu thơ triết lí về cuộc đời thật sâu sắc, thấm thía: Được sống đã là hạnh phúc; Thế gian đẹp và buồn (Người hát rong của thế kỉ XX); Thức lâu chẳng biết đêm dài/ Nào ai dạy được cho ai chữ ngờ (Tạ ơn); Chấp nhận cô đơn là cao hơn cô đơn/ Dám tuyệt vọng là mạnh hơn tuyệt vọng (Nhạc Trịnh) Có những mệnh đề triết luận mà chất triết lý và chất thơ kết hợp thật hài hòa:Yêu và đau, trái tim dường nức nở/Đẹp và buồn, thế gian còn nặng nợ (Người hát rong của thế kỉ XX). Hay những triết lý mang dáng dấp khẩu ngữ: mộc mạc, giản dị mà sâu lắng khi nói về cái hữu hạn của kiếp người trong cái vô hạn của trời đất: Trời cho ta sống thì ta sống/Bắt chết thì ta phải chết thôi (Mùa xuân nghĩ về cái chết). Điều độc đáo của những câu thơ triết luận này là ở chỗ nếu tách riêng ra, nó có thể đứng độc lập với tất cả ý nghĩa hoàn chỉnh, thâm thúy của nó, nhưng khi đặt vào một bài thơ, hay cả tập thơ, thì nó lại như những mắt xích tự nhiên không gồ ghề, gượng ép, nó là điểm sáng của bài thơ, ánh sáng của nó tỏa chiếu ra khắp bài thơ. Những mệnh đề triết luận được Anh Ngọc sử dụng nhiều khi nói về tình yêu, một thế giới đầy hương sắc và có sức hút đặc biệt với nhà thơ: Sau tất cả chỉ tình yêu không mất. Ý nghĩa triết học ở đây là khẳng định: Tình yêu mãi mãi là bài ca bất tận, bất diệt. Có câu thơ triết luận được dùng để diễn tả sự bình tâm, vững vàng của một người đã trải qua mọi may, rủi, được, mất trong tình yêu: Trên đời này không ai yêu cũng khổ/Được quá nhiều người yêu chắc đã sướng gì hơn (Khúc tưởng niệm muộn màng cho John Lennon). Cũng có lúc cả bài thơ là những mệnh đề triết luận nối tiếp, trùng điệp: Phải luôn luôn có một người yêu mình/Để yên tâm mà sống/Phải luôn luôn có một người yêu mình/Để yên tâm mà chết/Phải luôn luôn có một người yêu mình/Để yên tâm mà dở sống dở chết (Không đề). Anh Ngọc luôn khao khát tình yêu, lại càng khao khát hơn thứ tình yêu tuyệt đích, vẹn tròn. Nhưng đó quả thực là một món quà quí mà thượng đế không dễ ban phát xuống nhân gian: Phải, em đã trao anh rất nhiều, rất nhiều/Nhưng rất nhiều vẫn không phải tình yêu (Em đã trao anh không phải tình yêu). Vì thế, con người thất tình trong thơ ông đã hóa thành triết nhân để đúc kết những nỗi niềm thất bại của mình. Ẩn sau câu thơ triết luận là sự bình thản hay nỗi xót xa, cay đắng?: Trên đời này thủy chung là một điều chẳng mới/Nhưng phản bội thực tình cũng chẳng mới gì hơn (Chạy trốn dưới gầm trời). Những câu thơ như những mệnh đề triết luận chính là biểu hiện của chiều sâu trong thơ. Thơ ca chân chính xưa nay bao giờ cũng đứng trên mặt đất và ngẩng cao đầu lên vòm trời trí tuệ. Từ xa xưa chúng ta luôn thấy thơ ca gần với triết học là vì vậy. Đó cũng chính là một nét đặc sắc trong nghệ thuật thơ Anh Ngọc. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ ANH NGỌC 41 4. VẬN DỤNG SÁNG TẠO CÁC THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT Trước hết có thể kể đến những thủ pháp nghệ thuật truyền thống như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp, đối Đó là những đặc sắc nghệ thuật có thể tìm thấy trong nhiều cây bút của thơ ca chống Mỹ. Lối tư duy hiện đại được thể hiện bằng cách thức truyền thống đã đem đến hiệu quả thẩm mỹ mới cho thơ ca. Với biện pháp so sánh, thơ Anh Ngọc phổ biến nhất là hai kiểu sau: Kiểu A như B: Mô hình này xuất hiện nhiều nhất trong thơ ông: Trái tim anh như một quả chuông (Với nỗi đau này anh tồn tại);Ánh sao trời muôn ngàn tia lấp lánh/Như muôn ngàn hoa trắng điểm trời cao (Ánh mắt); Mặt đất chừng như chảy máu (Chuyện nhỏ trong rừng); Cây cỏ trong vườn lao xao, lao xao/Như mách bảo chỗ hai người đang đứng (Góc vườn vui) Trong cấu trúc này, nhà thơ có thể so sánh giữa cái cụ thể với cái cụ thể để tạo nên một khám phá mới lạ cho những yếu tố quen thuộc hàng ngày: Kìa – tiếng động gì mơ hồ/Mà lũ chim trời bay lên nhất loạt/Như một tấm lụa trăm màu sắc (Chùm thơ Xuân 3)... Cũng có khi là so sánh giữa cái cụ thể với cái trừu tượng để đem lại một sự cảm nhận mới hay mở ra những liên tưởng bất ngờ cho người đọc: Em lớn lên như một nỗi bất ngờ (Bên lở bên bồi); Dòng sông chảy trầm tư như dĩ vãng; Những giọt sương như ảo ảnh ngọt ngào (Điệp khúc vô danh) Sử dụng cấu trúc trên, nhà thơ đã đẩy xa sự tưởng tượng, liên tưởng trong vế B sang nhiều mối quan hệ nhằm khẳng định phẩm chất mới của vế A. Kiểu A là B: Trong thơ Anh Ngọc, kiểu so sánh này mang tính khẳng định như một định nghĩa, nó làm cho các so sánh trở nên chặt chẽ hơn: Đời là cuộc hành trình khép kín (Vị tướng già);Tâm hồn anh là một cánh đồng hoang (Với nỗi đau này anh tồn tại); Cát bụi là anh/Cát bụi là tôi/Cát bụi là ta nên cát bụi tuyệt vời (Nhạc Trịnh) Cũng có khi từ một sự vật nhưng tác giả lại đặt trong mối quan hệ so sánh trùng điệp, hình thành sự khẳng định song song, tạo ra ý nghĩa muôn mặt của sự vật so sánh và giá trị thẩm mĩ cho những câu thơ: Đá là phật là vua/Đá là thần là quỷ/Đá là cây là hoa/Đá là chim là cá/Đá là người – đá là tất cả/Đá là đá mà lại không là đá (Sông Mê Kông bốn mặt)... Những kiểu so sánh này rất phù hợp với thơ “điệu nói” hiện đại, nó khiến thơ tiến gần đến ranh giới của văn xuôi để khám phá hiện thực một cách hấp dẫn, sinh động hơn. Không chỉ là so sánh, với biện pháp điệp quen thuộc Anh Ngọc cũng có những sáng tạo độc đáo, mang lại những nét mới lạ cho thơ của mình. Trong thơ Anh Ngọc, biện pháp điệp được sử dụng ở ba cấp độ ngôn ngữ: Điệp từ, điệp ngữ và điệp câu. Bằng cách điệp từ về với được sử dụng phối hợp với biện pháp liệt kê trong đoạn thơ sau, nhà thơ đã diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ của người dân và đất nước Campuchia khi được quay trở lại cuộc sống bình yên sau chiến tranh: Đã đến lúc anh trở về nhà/về với ruộng vườn, phum sóc/về với chiếc cày/về cùng cây lúa/về với ba ông đầu rau/về với mâm cơm còn ăn dở/về với tiếng bi bô con trẻ/với mái tóc em thơm ngát hoa chanh/về với quê hương/về với chính mình (Sông Mê Kông bốn mặt). 42 PHẠM THỊ SEN – HOÀNG ĐỨC KHOA Có những đoạn thơ mà điệp ngữ được sử dụng đã khiến cho mạch thơ được khắc sâu, tô đậm, nhạc điệu của đoạn thơ trùng xuống trong sự cảm nhận thấm thía: Cả dân tộc cùng anh đi những bước cuối cùng/Của cuộc hành trình vòng quanh địa ngục/Cuộc hành trình men bên miệng vực/Phải mất bao nhiêu thời gian/Phải mất bao nhiêu dặm đường/Phải bước qua bao nhiêu xác chết/Để hôm nay trở lại chỗ ban đầu (Sông Mê Kông bốn mặt). Là người dạt dào, mãnh liệt trong cảm xúc, nhất là cảm xúc về tình yêu, Anh Ngọc có nhu cầu bộc lộ rất cao. Ông đã từng nhắc đi nhắc lại một lời, một câu trong một bài thơ để khẳng định một triết lí về tình yêu: Phải luôn luôn có một người yêu mình/Để yên tâm mà sống/Phải luôn luôn có một người yêu mình/Để yên tâm mà chết/Phải luôn luôn có một người yêu mình/Để yên tâm mà dở sống dở chết (Yêu). Anh Ngọc cũng là người lữ khách đi tìm cái đẹp tuyệt đích, vẹn tròn của sự sống. Nhà thơ đã từng từ chối sự tương đối dù có đạt đến 99% để hướng tới sự tuyệt đối trong niềm hạnh phúc hiếm hoi. Ấy là giây phút nhà thơ xem nhật thực toàn phần ở Phan Thiết, được chứng kiến “cuộc hôn phối” kì lạ và tuyệt vời của vũ trụ: Trăm phần trăm hoang sơ/Trăm phần trăm bóng tối/Trăm phần trăm thái âm/Trăm phần trăm nữ tính. (Trăm phần trăm) Biện pháp điệp truyền thống đã được Anh Ngọc sử dụng nhiều và thành thạo trong thơ. Biện pháp này vừa có tác dụng bộc lộ tối đa cảm xúc, vừa có khả năng tạo được những điệp khúc độc đáo trên nền nhạc chung của toàn bài thơ. Trong các thủ pháp nghệ thuật, thủ pháp đối thiên về vẻ đẹp hài hòa, cân xứng của ngôn ngữ thơ, từ đó tạo cho thơ sự nhịp nhàng về ngữ điệu và thanh thoát về ý nghĩa. Chính phương thức này là nơi nhiều nhà thơ thi thố tài năng . Trong thơ Xuân Diệu có những vế đối rất chỉnh mà gợi cảm:Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/Mấy cành xanh năm bảy sắc yêu yêu (Xuân không mùa). Hay trong thơ Chế Lan Viên, hình thức đối góp phần tạo nên vẻ đẹp trí tuệ cho hồn thơ ông: Xưa phù du mà nay đã phù sa/Xưa bay đi mà nay không trôi mất (Nay đã phù sa). Khi vận dụng thủ pháp này, thơ Anh Ngọc không còn bị trói buộc trong những lề luật khắt khe của thơ cũ mà tiến tới sự linh hoạt, phóng khoáng, tự nhiên, thoải mái hơn, khiến câu thơ trở nên nhịp nhàng cả lời lẫn ý. Trong thơ Anh Ngọc các phạm trù đối lập xuất hiện khá nhiều: Thật giả, có không, được mất, đẹp xấu, thiện ác, thắng bại, hữu hạn và vô hạn, bình thường và phi thường, trần gian và thoát tục Bằng cách xây dựng các cặp phạm trù đối lập, nhà thơ dễ dàng hơn trong việc phân tích, xoáy sâu vào bản chất của các sự vật, hiện tượng để tìm ra một đặc điểm, một vẻ đẹp còn tiềm ẩn của chúng hay nhằm khẳng định những giá trị vĩnh hằng. Kết cấu đối lập trong thơ Anh Ngọc thường dựa trên sự tổ chức hình ảnh thơ: Chim bay về phía hoàng hôn/Vầng trăng treo nỗi cô đơn cuối trời (Tuyệt vọng màu gì), đối về nội dung ý nghĩa: Điều ngạc nhiên lớn nhất/Là anh chẳng ngạc nhiên gì (Trở lại Điện Biên – lá cờ và ngọn cỏ), và nhiều nhất là về mặt ngôn ngữ. Ở phương diện này, hình thức đối rất đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ ANH NGỌC 43 Vẻ đẹp của kiểu đối từ vựng trong thơ Anh Ngọc chính là khi tác giả thể hiện, khai thác những khía cạnh đối lập của sự vật, hiện tượng trong đời sống để đem đến cho người đọc những cảm nhận mới: Đến rồi đi chuyện thường tình/Trời cao đất thấp một mình mình hay (Tạ ơn); Lạ gì sáng nắng chiều mưa (Tạ ơn) Những tiểu đối trong thơ ông cũng có sức hấp dẫn riêng: Anh còn gì ngoài một trái tim yêu/Bạn bè quay lưng, người tình quay mặt (Anh còn gì). Hay: Chẳng buồn, chẳng nhớ, chẳng mong/Đêm không mộng mị, ngày không đợi chờ (Giá như). Các vế câu bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc tạo dựng hiệu quả thẩm mĩ cho câu thơ. Với kiểu đối này, Anh Ngọc đã viết nên những câu thơ hết sức chặt chẽ, hàm xúc về ý nghĩa và tương xứng, hài hòa về âm thanh, nhịp điệu. Phép đối càng trở nên đa dạng hơn khi nhà thơ sử dụng hình thức đối trong hai câu thơ: Người như trăng mọc giữa rằm/Tôi như bóng tối âm thầm cuối đêm (Tạ ơn), và đặc biệt là với phép đối đoạn (còn gọi là đối cách cú): Đành như một cánh thiêu thân/Trước sau thì cũng một lần cháy lên/Đành như một mũi tên/Từ nơi xa thẳm tới miền khơi xa (Tạ ơn). Hay: Bông hoa đã tàn/Hương còn thơm mãi/Thuyền đã giong buồm/Sóng còn dội lại (Mặt trời đã lặn). Cách đối này không tự nhốt trong khuôn khổ của trật tự từ, trật tự câu mà vẫn đảm bảo sự chặt chẽ của tình và ý. Tứ thơ không bị loãng, cảm xúc và nhịp điệu bài thơ trôi chảy, liên tục. Đoạn thơ ý nối ý, lời gọi lời đã tạo nên sự tương xứng hài hòa cần thiết cho bài thơ. Bên cạnh việc vận dụng sáng tạo, mới mẻ các thủ pháp nghệ thuật truyền thống, Anh Ngọc còn sử dụng kiểu tư duy liên tưởng để tạo ra sự chuyển đổi ấn tượng giữa các yếu tố trong thơ. Cách chuyển đổi đó đã đem lại những bất ngờ trong mối liên hệ, mở rộng ý nghĩa của sự vật. Thi sĩ Xuân Diệu thời Thơ mới đã từng nghe rét mướt luồn trong gió, sau này Thanh Thảo cũng cảm nhận tiếng ve bằng thị giác: Tiếng ve màu đỏ/Cháy trong vòm cây. Với Anh Ngọc, đó là những âm thanh được tính bằng cân nặng: Chúng tôi gánh những âm thanh chiến dịch/Cho ngày về dây với gió vi vu. Là những nỗi niềm, tâm trạng được cảm nhận qua giác quan: Đường dây vươn lên từng thước/Niềm vui sờ được bằng tay. Hay cái trừu tượng như bóng đêm cũng trở thành sự vật hữu hình và bị tác động một cách vật chất bởi bàn tay con người: Bóng đêm bị cưa ra từng khúc/bị nghiền ra từng giọt/ chảy đầm đìa cùng với mồ hôi... 5. KẾT LUẬN Sự trao đổi, cộng hưởng của các yếu tố cụ thể và trừu tượng đã khiến cho ngôn ngữ thơ Anh Ngọc trở nên phong phú, đa nghĩa, giàu sắc thái biểu cảm, rất hợp với cảm quan phức tạp, nhiều chiều của nhà thơ. Tuy nhiên, Anh Ngọc không phải là nhà thơ thích “làm xiếc” với ngôn từ, vì thế dù có những sáng tạo nhưng ngôn ngữ thơ ông vẫn chủ yếu thiên về vẻ đẹp trong sáng, hài hòa, lắng sâu trong suy nghĩ mà ít thấy sự dữ dội, vật vã của con chữ thơ. Đó cũng là một nét hấp dẫn riêng của thơ ông. Với tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, cùng những cảm nhận đa đoan, phức hợp về cuộc sống, thơ Anh Ngọc rất hợp với kiểu câu như những mệnh đề triết lí và các thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối, điệp, hợp với ngôn ngữ thơ vừa hồn nhiên, chân thành, tha thiết, 44 PHẠM THỊ SEN – HOÀNG ĐỨC KHOA vừa suy tư lắng đọng. Lặng lẽ và bền bỉ sáng tạo, vị trí của nhà thơ ngày càng được khẳng định một cách vững chắc trong nền thơ Việt Nam hiện đại và trong lòng bạn đọc yêu thơ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Hàn Chung (2003). “Vị tướng già”, Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, số 581, 20/4/2003. [2] Hồng Diệu (1995). “Đọc ngàn dặm và một bước (Thơ Anh Ngọc)”, Báo Văn nghệ. [3] Hữu Đạt (1996). Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB Giáo dục. [4] Khánh Lê (1977). “Hương đất màu cờ (Tập thơ của Anh Ngọc)”, Báo Văn nghệ, 13/8/1977. [5] Lê Thị Tuyết Nga (1994). “Những trang thơ chân thành xúc động”, Báo Quân đội nhân dân, số ra thứ 7 ngày 2 tháng 4 năm 1994. [6] Trần Đình Sử (1997). Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, Hà Nội. Title: ANH NGOC’S POETRY LANGUAGE Abstract: As a young poet-generation anti-American poet, Anh Ngoc one hand under the influence of language exam times, on the other hand he also has a very creative marked private. Anh Ngoc poetic language is a language itself is simple, light, bright, and the verse takes on the philosophical proposition gives Anh Ngoc many poems, leaving a deep impression in the heart of the reader, it also contributes to the art world with the unique, distinct, diverse and colorful in Anh Ngoc poetry sites, thereby contributing to the development and creative expression language poetry. Keywords: language, narrative, philosophical, artistic, Anh Ngoc PHẠM THỊ SEN Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 01697 228 465 TS. HOÀNG ĐỨC KHOA Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (Ngày nhận bài: 08/5/2015; Hoàn thành phản biện: 20/5/2015; Ngày nhận đăng: 12/3/2016)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf31_481_phamthisen_hoangduckhoa_07_sen_khoa_6782_2020298.pdf
Tài liệu liên quan