Biện pháp quản lý hoạt động đào tạo hệ vừa làm vừa học ở trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế - Lê thúy Trang

4. KẾT LUẬN Công tác quản lý đào tạo đại học hệ VLVH ở trường ĐHKT- ĐH Huế trong những năm qua đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng tôi đề xuất 7 biện pháp cơ bản để tăng cường quản lý đào tạo hệ VLVH. Mỗi biện pháp có mục đích và ý nghĩa khác nhau nhưng chúng có quan hệ biện chứng với nhau. Do đó, các biện pháp nêu trên cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và linh hoạt cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Các biện pháp đã được khảo nghiệm bằng cách lấy ý kiến đánh giá của các nhà QL và GV ở trường ĐHKT và các cơ sở liên kết đào tạo. Đa số ý kiến đều đánh giá các biện pháp nêu ra có tính cấp thiết và có tính khả thi cao. Điều đó chứng tỏ, chúng có khả năng thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý đào tạo đại học hệ VLVH ở trường ĐHKT – ĐH Huế trong điều kiện hiện nay.

pdf10 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 391 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động đào tạo hệ vừa làm vừa học ở trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế - Lê thúy Trang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(21)/2012: tr. 146-155 BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC HUẾ LÊ THÚY TRANG Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế TRẦN VĂN HIẾU Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Bài viết trình bày những kết quả khảo sát về thực trạng quản lý hoạt động đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học (VLVH) ở trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - Đại học Huế. Trên cơ sở đó, đề xuất 7 biện pháp quản lý phù hợp nhằm giải quyết những bất cập, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo hệ VLVH của nhà trường trong giai đoạn hiện nay. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đào tạo Đại học theo hình thức vừa làm vừa học (VLVH) là một xu thế phát triển mang tính phổ biến của giáo dục thế giới hướng tới một nền giáo dục đại học đại chúng và xã hội học tập. Ở Việt Nam, đào tạo VLVH đã được thực hiện từ lâu và đã có nhiều thành tựu, ngày càng chứng tỏ được những ưu thế và vai trò của nó trong việc nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước những yêu cầu mới, hình thức đào tạo này đang bộc lộ những bất cập trên nhiều phương diện cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ và giải quyết. Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) đã tổ chức đào tạo hệ VLVH từ năm 1995 khi trở thành khoa Kinh tế trực thuộc Đại học Huế. Ngoài đào tạo đại học (ĐH) theo hình thức VLVH tại trường, nhà trường đã liên kết đào tạo với nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và các Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) của hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hoạt động đào tạo VLVH của trường ĐHKT bước đầu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển KT-XH của các địa phương trong khu vực cũng như cả nước. Trường ĐHKT đã khẳng định được vị thế, uy tín của mình và trở thành địa chỉ liên kết đào tạo tin cậy của các trường, trung tâm trên địa bàn và của người học trong khu vục miền Trung và Tây nguyên. Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu mới, hoạt động đào tạo VLVH còn nhiều bất cập trên nhiều phương diện. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng đó, trong đó nguyên nhân cơ bản thuộc về công tác quản lý hoạt động đào tạo. Để tăng cường quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo hệ VLVH, đồng thời với việc giải quyết đồng bộ các vấn đề thì việc tăng cường các biện pháp quản lý đào tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng. 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC HUẾ Chúng tôi đã tiến hành khảo sát bằng phiếu hỏi trên 149 cán bộ quản lý (CBQL) và BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC... 147 Giảng viên (GV) tham gia giảng dạy và quản lý các lớp hệ VLVH của trường và ở các cơ sở liên kết đào tạo; 405 sinh viên (SV) hệ VLVH. Kết quả khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0 và được phân tích dựa trên 2 thông số là tần suất (%) và điểm trung bình cộng ( X ) ở các nội dụng khảo sát. Các mức độ đánh giá được quy ước như sau: 1,0 ≤ X < 1,5: Rất yếu; 1,5 ≤ X < 2,5: Yếu; 2,5 ≤ X < 3,5: Trung bình; 3,5 ≤ X <4,5: Tốt; 4,5 ≤ X ≤ 5,0: Rất tốt. 2.1. Quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học Theo số liệu thống kê của phòng ĐTĐH&QLSV cho thấy, quy mô SV của trường trong giai đoạn 2008-2010 bình quân hằng năm tăng 4,5%. Xu hướng này là phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về nguồn nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên, SV đại học hệ VLVH lại có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, năm 2009 giảm 5,2% so với 2008; năm 2010 giảm 1,2% so với năm 2009. Cơ cấu SV theo hệ đào tạo có sự biến động theo hướng ngày càng cân đối và phù hợp. Năm 2008 SV hệ VLVH chiếm 56,2% tổng số SV toàn trường, đến năm 2010 con số này chỉ còn 47,7%. Theo loại văn bằng đào tạo, số SV học bằng đại học thứ nhất giảm nhanh (giảm 7,5%/ năm), ngược lại, số SV học bằng thứ hai có xu hướng tăng (năm 2009 tăng 2,8%; năm 2010 tăng 15,8%). Theo địa bàn đào tạo, lượng SV hệ VLVH liên kết đào tạo đặt tại các địa phương có xu hướng giảm nhanh hơn so với lượng SV thuộc hệ này được đào tạo tại trường. Theo ngành đào tạo, các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh có số lượng SV đông và ít biến động trong 3 năm qua, trong khi đó SV ngành KTNN chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm nhanh trong cùng thời kỳ. Sự mất cân đối về cơ cấu các ngành đào tạo ảnh hưởng không nhỏ tới việc sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là lực lượng GV trong Nhà trường. Trường ĐHKT thực hiện liên kết đào tạo đại học hệ VLVH với các cơ sở đào tạo tại hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Các ngành liên kết đào tạo với các địa phương gồm Kế toán, Quản trị kinh doanh và KTNN. Số liệu thống kê cho thấy, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An là 4 tỉnh có số lượng SV theo học lớn nhất (chiếm gần 70%) trong tổng số SV đào tạo ngoài trường. Trong khi đó, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định số SV chỉ khoảng 20%, các địa phương còn lại chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 10%). 2.2. Quản lý chương trình đào tạo Trường có đầy đủ các chương trình đào tạo (CTĐT) cho tất cả các bậc đào tạo, được biên soạn trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD & ĐT. Ngoài ra, trường còn có hai chương trình đào tạo đại học bằng thứ 2, hai chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học và một chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học. Nội dung CTĐT ở các bậc được xây dựng và định kỳ xem xét, cập nhật, điều chỉnh. Các CTĐT sau khi đã được phê duyệt, được lưu trữ tại phòng ĐTĐH-CTSV và các khoa, được công bố rộng rãi trên Website của Trường và trong Sổ tay sinh viên. LÊ THUÝ TRANG – TRẦN VĂN HIẾU 148 Việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi về CTĐT để rà soát và điều chỉnh chương trình luôn được nhà trường chú trọng. Định kỳ 2 năm một lần, nhà trường tổ chức điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người học. Kết quả khảo sát cho thấy, GV và SV đánh giá khá cao về sự phù hợp giữa chương trình đào tạo và thời gian đào tạo (3,07 ≤ X ≤ 4,10). Tuy nhiên, tính thực tiễn của chương trình đào tạo và sự phù hợp của một số môn học đối với trình độ của sinh viên được giảng viên đánh giá ở mức độ trung bình ( X = 3,24 và 3,07). Dù CTĐT của trường đã qua nhiều lần điều chỉnh nhưng một số môn học vẫn còn mang nặng tính lý thuyết. Vấn đề này cần phải được tiếp tục cải tiến trong thời gian tới. 2.3. Quản lý công tác tuyển sinh Trong những năm qua, Nhà trường thực hiện các cuộc khảo sát về nhu cầu đào tạo của người học và nhà tuyển dụng đối với hình thức đào tạo VLVH. Tuy nhiên công tác này còn chưa thường xuyên, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng các chiến lược đào tạo nhất là đối với hình thức đào tạo không tập trung, làm cho công tác tuyển sinh VLVH khá bị động. Kết quả khảo sát về công tác tuyển sinh cho thấy công tác tuyển sinh đầu vào của trường “là khách quan, đúng quy chế” (3,99 ≤ X ≤ 4,29). Về thời gian tuyển sinh tập trung vào 4 tháng: 3, 4; 10 và 11 chưa thật sự phù hợp. Trong thời gian tới, nhà trường cần linh động để điều chỉnh thời gian tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Thời gian tổ chức ôn tập trước 1-2 tháng được đánh giá là khá hợp lý (3,93 ≤ X ≤ 4,32). Đối tượng tuyển sinh được đánh giá là hợp lý ( X >4,0) theo quy chế về tuyển sinh hệ VLVH của Bộ GD&ĐT [2]. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng KT&BĐCLGD thì chất lượng đầu vào của hệ VLVH có 25,8% SV đạt khá, 54,1% đạt trung bình, còn 20,1% loại yếu. Qua đó cho thấy chất lượng đầu vào của sinh viên hệ VLVH trong thời gian qua là tương đối thấp và không đồng đều. Điều này sẽ làm cho SV gặp nhiều khó khăn khi phải học tập theo một chương trình và cùng tiến trình chung. 2.4. Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo Trong thời gian qua, trường đã có nhiều nỗ lực và cải tiến trong công tác này. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi thì 95,3% CBGV và 77,6% SV cho rằng “kế hoạch đào tạo hệ VLVH của trường, được xây dựng hợp lý, được phổ biến kịp thời, được điều chỉnh linh hoạt và bố trí thời gian trong năm là phù hợp” (3,95≤ X ≤ 4,03). Việc tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo hệ VLVH được đánh giá khá tốt. Trước hết là việc bố trí giảng dạy của giảng viên đúng lịch trình và thời gian ( X = 3,98); việc đảm bảo giờ lên lớp của giảng viên cũng được đánh giá khá cao ( X = 3,99); có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các cơ sở liên kết trong việc tổ chức đào tạo ( X = 4,03). BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC... 149 2.5. Công tác quản lý sinh viên và hoạt động học tập Công tác QL sinh viên mặc dù đã được nhà trường quan tâm nhưng do nhiều khó khăn xuất phát từ những đặc trưng đào tạo mà công tác này vẫn là khâu yếu nhất trong quản lý đào tạo. Nhà trường đã cung cấp Sổ tay sinh viên đến tận tay SV, thông báo kế hoạch học tập và các yêu cầu học tập, đề cương môn học, kết quả học tập khá thường xuyên và kịp thời. Nhà trường đề cao vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý lớp học tại các cơ sở đào tạo, Ban cán sự các lớp và đặc biệt là đội ngũ GV trực tiếp giảng dạy trong công tác quản lý SV. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều bất cập ở các khâu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ SV, chế độ đối với SV, việc quản lý hoạt động học tập ở lớp cũng như tự học. Việc tổ chức thực tập, thực tế môn học chưa có quy trình và quy định rõ ràng, dẫn đến hiệu quả thấp. Khi khảo sát về hoạt động học tập của sinh viên, hầu hết các GV và CBQL đều đánh giá hầu hết các nội dung chỉ đạt mức trung bình (2,46 ≤ X ≤ 2,87). Điều này cho thấy ý thức học tập và hoạt động học tập của sinh viên nhìn chung chưa đạt yêu cầu. 2.6. Quản lý đội ngũ giảng viên và hoạt động giảng dạy Đội ngũ GV là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng đào tạo ở trường đại học. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, trường Đại học Kinh tế đã hết sức chú trọng việc xây dựng và phát triển đội ngũ GV cơ hữu và tăng cường sự liên kết phối hợp với đội ngũ GV thính giảng từ các các trường thành viên của ĐH Huế để đảm bảo đủ GV có trình độ cao cho công tác đào tạo chính quy cũng như VLVH. Trong việc tổ chức giảng dạy cho SV hệ VLVH, nhà trường đã chú trọng việc lựa chọn mời giảng những GV có trình độ và có uy tín của trường cũng như của các trường thành viên, có những biện pháp tích cực để bố trí lịch dạy sao cho hợp lý và đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch, phối hợp với các cơ sở liên kết để quản lý giảng dạy một cách chặt chẽ, đảm bảo số giờ lên lớp đúng và đủ, có chất lượng. Trong công tác giảng dạy hệ VLVH, hầu hết GV được đánh giá tốt ở hầu hết các nội dung khảo sát. Chẳng hạn: GV luôn bám sát mục tiêu và nội dung giảng dạy của môn học ( X = 3,82); ra đề thi đảm bảo tính chính xác, sát với nội dung dạy học ( X = 3,96); tính công bằng trong kiểm tra, đánh giá ( X = 4,0); GV có trách nhiệm, thân thiện và quan hệ đúng mực với SV ( X = 4,11); GV đã sử dụng tốt phương tiện dạy học, CNTT trong giảng dạy ( X = 3,95); GV đã sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng đổi mới ( X = 3,79) Điều này đã cho thấy, hầu hết GV thực hiện đúng quy chế và có trách nhiệm cao trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng giảng dạy của GV chưa được thực hiện một cách thường xuyên, việc đánh giá hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy chưa được thực hiện thường xuyên và đồng đều. LÊ THUÝ TRANG – TRẦN VĂN HIẾU 150 2.7. Quản lý sơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ phục vụ đào tạo Do mới được thành lập chưa đầy 10 năm, mặc dù quỹ phòng học được bổ sung nhờ tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng cho đến nay, cơ sở vật chất vẫn là khó khăn lớn nhất của Trường. Tuy nhiên, trong hệ thống phòng học tại trường, trang thiết bị dạy học được trang bị khá đầy đủ. Tất cả 37 phòng học đều được kết nối mạng, hầu hết các phòng có máy tính, máy chiếu, có hệ thống loa và micro, đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Hầu hết các tiêu chí khảo sát về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đều được CBGV và sinh viên đánh giá ở mức độ tốt (3,57 ≤ X ≤ 3,97). Chẳng hạn: Phòng học, hệ thống âm thanh, máy chiếu đáp ứng yêu cầu giảng dạy ( X =3,74); Đảm bảo các điều kiện CSVC phục vụ dạy và học ( X =3,86); Quản lý tốt việc khai thác, sử dụng phương tiện dạy học, CNTT trong dạy học ( X =3,97). Trong những năm qua, Trường đã rất chú trọng đến phát triển hệ thống thư viện và học liệu phục vụ học tập cho SV. Tuy nhiên, diện tích phòng đọc của thư viện còn quá nhỏ so với quy mô đào tạo, hệ thống máy tính chưa hoàn chỉnh. Giáo trình, tài liệu còn ít so với nhu cầu của cán bộ, GV và SV. Kết quả khảo sát cho thấy, việc cung cấp tài liệu học tập cho SV mới chỉ đạt ở mức độ trung bình ở hầu hết các nội dung khảo sát. Điều này khẳng định nhu cầu tăng cường CSVC, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên là hết sức bức thiết. 2.8. Quản lý công tác kiểm tra – đánh giá hoạt động đào tạo Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra - đánh giá kết quả đào tạo theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Nhà trường đã thực hiện đổi mới kiểm tra - đánh giá theo hướng đa dạng hóa, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, phù hợp với mục tiêu và hình thức đào tạo. Công tác kiểm tra hoạt động đào tạo hệ VLVH được đánh giá cao. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết CBGV và SV đánh giá tốt về công tác này và cho rằng “Nhà trường đã thường xuyên kiểm tra các hoạt động đào tạo” ( X = 3,78); “Nhà trường đã thường xuyên lấy thông tin phản hồi từ GV và SV về hoạt động đào tạo” ( X = 3,78); “Nhà trường có biện pháp điều chỉnh kịp thời, hợp lý khi có các sai sót trong quá trình đào tạo” ( X = 3,80). Công tác coi thi và chấm thi được thực hiện nghiêm túc. Nhà trường đã thành lập Phòng Khảo thí và ĐBCLGD nhằm chuyên môn hóa quản lý công tác kiểm tra - đánh giá. Phòng Khảo thí & ĐBCLGD thường xuyên tiến hành khảo sát người học và lấy ý kiến của GV để điều chỉnh và hoàn thiện công tác kiểm tra - đánh giá. Kết quả khảo sát cho thấy ở hầu hết các nội dung khảo sát được GV và SV đánh giá ở mức độ tốt (3,71 ≤ X ≤ 4,14). Điều này cho thấy công tác lập kế hoạch thi, lịch thi và thời gian ôn tập cho SV là phù hợp. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi và thông báo kết BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC... 151 quả thi cho SV được đánh giá ở mức trung bình ( X = 3,23), nên cần phải có biện pháp tăng cường công tác này. Hạn chế của công tác này là chưa tổ chức thống kê phân tích định lượng các kết quả thi để đánh giá được mức độ khó dễ của đề thi, để có hướng điều chỉnh thích hợp. Số lượng các đề thi mở, các môn thi bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan chưa nhiều. 3. CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC HUẾ Trên cơ sở lý luận về các chức năng quản lý và nội dung quản lý giáo dục và đào tạo [1], [4], xuất phát từ đặc điểm thực tiễn đào tạo hệ VLVH của trường ĐHKT trong những năm qua, chúng tôi đề xuất các biện pháp quản lý sau đây: 3.1. Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức của cán bộ và sinh viên về đào tạo đại học hệ VLVH trong giai đoạn mới Đối với đội ngũ giảng viên, cần chú trọng nâng cao nhận thức về mục tiêu và ý nghĩa của đào tạo VLVH, vai trò của GV trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, những đặc trưng của đào tạo VLVH, những yêu cầu về việc đổi mới đào tạo. Xác định công tác đào tạo hệ VLVH là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của người GV. Tăng cường tuyên truyền và giáo dục SV hệ VLVH về tinh thần và thái độ học tập, vai trò của người học, giúp SV xác định đúng đắn vai trò và nhiệm vụ người học, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động và tự giác học tập để đạt được những kết quả học tập tốt. Phát huy vai trò của Đoàn TNCSHCM, Hội sinh viên trong công tác giáo dục và vận động đoàn viên SV. Tổ chức các hội nghị về đào tạo hệ VLVH để bàn bạc các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ VLVH, phổ biến các quy định, quy chế liên quan đến SV hệ VLVH. Tăng cường vai trò của các tổ chức của SV trong việc tự quản ở các lớp học ở các địa phương xa trường. 3.2. Biện pháp 2: Đổi mới và hoàn thiện công tác tuyển sinh hệ VLVH Tư tưởng chỉ đạo cơ bản đối với việc đổi mới công tác tuyển sinh là nâng cao chất lượng đầu vào và đảm bảo giữ quy mô đào tạo ở mức đủ lớn phù hợp với chiến lược phát triển hệ VLVH của trường, tuyển đủ chỉ tiêu được giao, cân đối với các nguồn lực khác để có điều kiện nâng dần chất lượng đào tạo, đảm bảo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT [2]. Để đạt được mục tiêu trên, công tác tuyển sinh cần thực hiện các biện pháp cụ thể: - Về quy mô tuyển sinh: nhà trường tiếp tục tuyển sinh theo chỉ tiêu được giao, cơ bản bảo đảm ổn định quy mô như hiện nay, không mở rộng chỉ tiêu đào tạo. - Về cơ cấu: cần đảm bảo sự cân đối ngành đào tạo, cân đối vùng miền, không chạy theo số lượng dẫn đến sự quá tải cho một số chuyên ngành hay mất cân đối giữa các địa phương. LÊ THUÝ TRANG – TRẦN VĂN HIẾU 152 - Về đối tượng tuyển sinh: ưu tiên những người đang có việc làm đi học, hạn chế đối tượng là học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. - Chú trọng công tác quảng bá giới thiệu về trường. Tăng cường thiết lập quan hệ chặt chẽ với các Trung tâm GDTX, các Trường Cao đẳng, THCN và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. - Tăng cường tổ chức ôn tập cho người học trước khi thi tuyển, đảm bảo nguồn tuyển dồi dào và chất lượng tuyển sinh tốt. - Tiếp tục duy trì tuyển sinh cho nhiều hình thức đào tạo, nhiều hệ đào tạo. Ngoài những hình thức học định kỳ theo tháng và theo năm (đối với các lớp VLVH tại các địa phương), cần nghiên cứu thí điểm một số hình thức đào tạo khác như học ngoài giờ, học các buổi tối trong tuần hoặc các ngày cuối tuần. 3.3. Biện pháp 3: Đổi mới quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên Giảng viên là chủ thể của hoạt động đào tạo, có vai trò quyết định chất lượng đào tạo. Trong quản lý đào tạo hệ VLVH, việc quản lý hoạt động giảng dạy của đội ngũ GV có những đặc trưng riêng, cần phải đặc biệt chú trọng và có sự quản lý phù hợp. Trước hết, cần chủ động xây dựng KH đào tạo sớm để dễ dàng cho việc bố trí GV tham gia giảng dạy. Đối với GV mời giảng, cần đảm bảo cam kết thực hiện KH giảng dạy bằng Hợp đồng giảng dạy. Hạn chế tối đa việc thay đổi lịch trình, môn học hay GV. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở liên kết để tăng cường quản lý hoạt động giảng dạy của GV, đảm bảo cho việc giảng dạy đúng lịch trình, thực hiện đúng nề nếp và quy chế đào tạo, tránh tình trạng, cắt xén nội dung, dồn giờ hay ra vào lớp không đúng quy định. Nhà trường phối hợp với các khoa và các cơ sở liên kết để tăng cường quản lý việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo hệ VLVH. Nghiên cứu để điều chỉnh nội dung, chương trình cho phù hợp với nhu cầu của người học ở từng địa phương. Cần chú trọng đến việc tinh giản nội dung lý thuyết, tăng cường thảo luận, thực hành, bài tập và làm việc nhóm, chú trọng gắn lý thuyết với thực tiễn của từng địa phương. Tăng cường quản lý hoạt động giảng dạy trên lớp cũng như hướng dẫn thực hành, thực tập môn học, thực tập tốt nghiệp cho SV. Yêu cầu GV biên soạn đề cương môn học có thông qua tổ chuyên môn. Đề cương môn học được công bố trên trang web của Trường và cung cấp cho SV khi bắt đầu môn học. Theo dõi việc lên lớp và thực hiện đề cương môn học của GV thông qua sổ ghi chép, theo dõi của chuyên viên trực giáo vụ, phòng học và thiết bị. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của SV về việc giảng dạy của GV. Tập hợp các ý kiến tập thể hoặc cá nhân thông qua hộp thư góp ý GV. Việc đánh giá thi đua có dựa vào sổ theo dõi giảng dạy của phòng ĐTĐH&QLSV và ý kiến đóng góp, nhận xét của SV. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Có chế độ khuyến khích GV biên soạn bài giảng điện tử và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC... 153 3.4. Biện pháp 4: Tăng cường quản lý hoạt động học tập của sinh viên hệ VLVH Sinh viên với tư cách là chủ thể của hoạt động học, đóng vai trò quyết định trực tiếp chất lượng đào tạo của nhà trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo VLVH, cần có những biện pháp hữu hiệu để quản lý SV và hoạt động học tập. Trước hết, cần tăng cường giáo dục động cơ và thái độ học tập đúng đắn. Có các biện pháp quản lý sát sao hoạt động học tập trên lớp, đảm bảo số giờ lên lớp theo quy định, hạn chế tình trạng bỏ giờ. Phát huy vai trò của SV trong tự học, tự nghiên cứu, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong học tập. Bồi dưỡng cho sinh viên phương pháp học tập và năng lực tự học, tự nghiên cứu. Phát huy vai trò của GV trong việc quản lý hoạt động học tập của SV. Tăng cường quản lý chuyên cần, kiểm tra đánh giá quá trình và kết quả học tập uốn nắn, điều chỉnh tinh thần và thái độ học tập. Tăng cường bồi dưỡng cho SV phương pháp và kỹ năng tự học. Phối hợp với các cơ sở liên kết đào tạo tổ chức cho SV thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp để nâng cao năng lực thực hành. Đảm bảo tốt các chính sách, chế độ của SV, bảo vệ quyền lợi của SV, giúp SV yên tâm học tập, rèn luyện. 3.5. Biện pháp 5: Tăng cường các điều kiện phục vụ đào tạo Trong điều kiện hiện nay, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học (CSVC - TBDH) phục vụ đào tạo VLVH ở trường ĐHKT còn nhiều khó khăn thì việc tăng cường quản lý và phát triển CSVC-TBDH có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Cần làm cho CSVC-TBDH đáp ứng được yêu cầu đào tạo trước mắt và từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Về hệ thống học liệu: cần tăng cường biên soạn và in ấn giáo trình và tài liệu học tập, có phương thức cung cấp hợp lý để đảm bảo cho tất cả sinh viên có đủ tài liệu học tập. Về CSVC phục vụ đào tạo: trước mắt cần tập trung tăng cường 3 nội dung sau đây: - Tăng cường chất lượng giảng đường và đảm bảo môi trường sư phạm cũng như các điều kiện học tập cho SV ở các cơ sở liên kết đào tạo. - Nhanh chóng đưa vào sử dụng phần mềm quản lý đào tạo dành cho hệ đào tạo đại học VLVH trong khuôn khổ của dự án Giáo dục đại học pha 1. - Đảm bảo tốt chỗ ăn ở và phương tiện đi lại cho cán bộ, GV tại các cơ sở liên kết đào tạo ở các địa phương ngoài TP Huế. Lâu dài, cần tăng cường đầu tư xây dựng, mua sắm mới CSVC-TBDH theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa, phục vụ tốt nhất cho đào tạo hệ VLVH. Ban hành các quy định về bảo quản, sử dụng CSVC-TBDH. Tổ chức khai thác, một cách hợp lý CSVC-TBDH. Mở rộng thư viện, phòng đọc, tăng đầu sách, tiến tới đầu tư xây dựng thư viện xây dựng thư viện điện tử. Có chính sách khuyến khích GV biên soạn giáo trình, bài giảng phục vụ chương trình đào tạo. Nâng cấp đường truyền internet và tăng cường hệ thống máy LÊ THUÝ TRANG – TRẦN VĂN HIẾU 154 tính nối mạng cho truy cập miễn phí tại trường. Huy động thêm nguồn lực xã hội phát triển CSVC và TBDH. Phối hợp với các cơ sở liên kết đào tạo để tăng cường hoàn thiện CSVC-TBDH, cải thiện các điều kiện dạy và học của GV và SV nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. 3.6. Biện pháp 6: Đổi mới công tác khảo thí và ĐBCL đào tạo hệ VLVH Trước hết cần tập trung đổi mới, hoàn thiện công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo và việc tổ chức học lại, thi lại đối với hệ VLVH. Mục tiêu hàng đầu của việc đổi mới công tác này là đảm bảo cho việc kiểm tra - đánh giá khách quan, trung thực, chính xác, minh bạch và kịp thời. Đảm bảo thực hiện đúng quy chế đào tạo hệ VLVH của GD&ĐT [3]. Để hoàn thiện công tác khảo thí và ĐBCL đào tạo hệ VLVH, cần thực hiện những nội dung cơ bản sau: - Tiếp tục duy trì chế độ đánh giá nhiều lần cho một học phần (tối thiểu là 2 lần), đồng thời nên khuyến khích GV đánh giá dưới dạng bài tập lớn, tiểu luận cá nhân theo môn học. - Cải tiến cách ra đề thi và phương pháp chấm thi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin ở khâu làm bài thi và chấm thi nhằm tăng cường tính khách quan trong đánh giá. - Xây dựng ngân hàng đề thi với quy mô đủ lớn và bao quát được hầu hết nội dung chương trình và được cập nhật thường xuyên để đáp ứng kịp thời yêu cầu về đề thi cho các đợt thi. - Tổ chức việc học lại, thi lại kịp thời, tránh tập trung vào thời điểm kết thúc khóa học, vừa không thuận lợi cho người học, vừa không thuận lợi cho người dạy và làm phát sinh tiêu cực. 3.7. Biện pháp 7: Hoàn thiện mạng lưới và cơ chế phối hợp quản lý đào tạo giữa Nhà trường với các cơ sở liên kết Tranh thủ tối đa các nguồn lực của đơn vị liên kết, xây dựng mạng lưới liên kết rộng mở và bền vững, tạo ra cơ chế phối hợp nhịp nhàng và có hiệu quả để mở rộng quy mô và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng lợi ích của cả ba bên: Trường ĐHKT, cơ sở liên kết đào tạo và người học. Cần thực hiện một số nội dung cơ bản sau: - Các cơ sở liên kết đào tạo phải có tư cách pháp nhân đầy đủ, thuộc danh mục các cơ sở được phép liên kết đào tạo hệ đại học VLVH theo quy định của quy chế. - Cần lựa chọn các cơ sở liên kết có cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo điều kiện học tập cho SV, điều kiện đi lại, ăn ở, giảng dạy và làm việc của đội ngũ cán bộ GV. Ưu tiên các cơ sở liên kết có kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý quá trình đào tạo và có đội ngũ cùng tham gia quản lý. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO HỆ VỪA LÀM VỪA HỌC... 155 - Phân công trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng cho mỗi bên. Duy trì mối quan hệ, thông tin hai chiều kịp thời giữa hai bên liên kết. Tăng cường tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đào tạo, hội nghị khách hàng giữa ĐHKT và các đơn vị phối hợp đào tạo theo định kì hay hàng năm. 4. KẾT LUẬN Công tác quản lý đào tạo đại học hệ VLVH ở trường ĐHKT- ĐH Huế trong những năm qua đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng tôi đề xuất 7 biện pháp cơ bản để tăng cường quản lý đào tạo hệ VLVH. Mỗi biện pháp có mục đích và ý nghĩa khác nhau nhưng chúng có quan hệ biện chứng với nhau. Do đó, các biện pháp nêu trên cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và linh hoạt cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Các biện pháp đã được khảo nghiệm bằng cách lấy ý kiến đánh giá của các nhà QL và GV ở trường ĐHKT và các cơ sở liên kết đào tạo. Đa số ý kiến đều đánh giá các biện pháp nêu ra có tính cấp thiết và có tính khả thi cao. Điều đó chứng tỏ, chúng có khả năng thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý đào tạo đại học hệ VLVH ở trường ĐHKT – ĐH Huế trong điều kiện hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Quốc Bảo (2002). Giáo trình quản lý giáo dục và đào tạo, Quyển II. Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001). Quyết định số 01/2001/QĐ–BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hệ vừa làm vừa học”. Hà Nội. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007). Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học”. Hà Nội. [4] Trần Kiểm (2010). Khoa học Tổ chức và Quản lý trong Giáo dục. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. Title: MANAGERIAL SOLUTIONS TO IN–SERVICE TRAINING AT HUE UNIVERSITY’S COLLEGE OF ECONOMICS Abstract: This paper presented the findings of the management of the in–service training courses at Hue University’s College of Economics. Based on these findings, some managerial solutions were proposed to deal with the challenges, thus, enhancing the quality and effectiveness of the training procedures. ThS. LÊ THÚY TRANG Phòng Đào tạo Đại học và Quản lý sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế TS. TRẦN VĂN HIẾU Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf12_172_lethuytrang_tranvanhieu_21_le_thuy_trang_4_0183_2020955.pdf
Tài liệu liên quan