Vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểmVụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm: Vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Thảo và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Prudential Việt Nam. Theo đơn khởi kiện, ngày 7.2.2006 bà Thảo mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Prudential VN cho con trai là anh Nguyễn Văn Nghĩa, thời hạn đóng bảo hiểm 15 năm, giá trị hợp đồng 70 triệu đồng cho sản phẩm “Phú tích lũy định kỳ gia tăng”, kèm theo sản phẩm bổ trợ “chết và tàn tật” là 80 triệu đồng. Bà Thảo đã đóng tiền được 1 năm (7.590.000 đồng). Tối 05/3/2006, trên đường từ Vĩnh Long về Sa Đéc (Đồng Tháp), đến cầu Cái Cam (Vĩnh Long) thì Nghĩa bị tai nạn giao thông, tử vong. Sau đó, bà Thảo yêu cầu công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam xem xét, đền bù quyền lợi bảo hiểm, nhưng công ty đã từ chối không đền bù vì cho rằng hợp đồng bảo hiểm trước đó đã vô hiệu, không có hiệu lực. Lý do mà công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam đưa ra là trước khi ký hợp đồng bà Thảo đã vi phạm không kê khai trung thực về sức khỏe của anh Nghĩa. Vì vậy, Prudential Việt Nam chỉ trả lại số tiền bà Thảo đã đóng. Không chấp nhận, bà Thảo đưa vụ việc ra tòa nhờ phân xử.
14 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 3397 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Vụ một
Vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm: Vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Thảo và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Prudential Việt Nam. Theo đơn khởi kiện, ngày 7.2.2006 bà Thảo mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Prudential VN cho con trai là anh Nguyễn Văn Nghĩa, thời hạn đóng bảo hiểm 15 năm, giá trị hợp đồng 70 triệu đồng cho sản phẩm “Phú tích lũy định kỳ gia tăng”, kèm theo sản phẩm bổ trợ “chết và tàn tật” là 80 triệu đồng. Bà Thảo đã đóng tiền được 1 năm (7.590.000 đồng). Tối 05/3/2006, trên đường từ Vĩnh Long về Sa Đéc (Đồng Tháp), đến cầu Cái Cam (Vĩnh Long) thì Nghĩa bị tai nạn giao thông, tử vong. Sau đó, bà Thảo yêu cầu công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam xem xét, đền bù quyền lợi bảo hiểm, nhưng công ty đã từ chối không đền bù vì cho rằng hợp đồng bảo hiểm trước đó đã vô hiệu, không có hiệu lực. Lý do mà công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam đưa ra là trước khi ký hợp đồng bà Thảo đã vi phạm không kê khai trung thực về sức khỏe của anh Nghĩa. Vì vậy, Prudential Việt Nam chỉ trả lại số tiền bà Thảo đã đóng. Không chấp nhận, bà Thảo đưa vụ việc ra tòa nhờ phân xử.
Tháng 8.2008, vụ kiện được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đưa ra xét xử sơ thẩm. Tòa sơ thẩm áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm để xem xét vụ kiện. Theo tòa, hợp đồng BHNT của bà Thảo đã bị vô hiệu vì theo quy định của Prudential Việt Nam thì bà Thảo phải kê khai đầy đủ, khẳng định rõ “có” hoặc “không” các câu hỏi trong phần khai chi tiết về sức khỏe, mà cụ thể ở câu số 7(b): bạn đã, đang có sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện không?, bà Thảo đánh dấu chéo vào ô "không"; trong khi ngày 18.12.2001, Trung tâm y tế dự phòng Đồng Tháp ra thông báo anh Nghĩa bị HIV. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận xét bà Thảo đã vi phạm phần cam kết, khai không trung thực được quy định tại điều 18, 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nên tuyên bác yêu cầu của bà Thảo đòi công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam phải bồi thường cho mình số tiền là 150 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm do Tòa án nhân dân tối cao Thành phố Hồ Chí Minh xét xử thì HĐXX nhận định bà Thảo mua BHNT không phải vì mục đích kinh doanh, nên đây chỉ là hợp đồng dân sự. Việc Tòa sơ thẩm áp tỉnh Đồng Tháp áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm xem xét vụ kiện là không phù hợp. Tòa phúc thẩm cũng cho rằng, quy định ghi trong hợp đồng “nếu kê khai không trung thực... thì hợp đồng sẽ vô hiệu” là vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, hợp đồng chỉ vô hiệu khi vi phạm các điều cấm của pháp luật, được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Nhận xét của nhóm:
Trong vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa bà Huỳnh Thị Thảo và công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Prudential Việt Nam qua hai phán quyết của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Tòa án Nhân dân TP HCM thì nhóm của chúng em có một số nhận xét như sau:
Bà Huỳnh Thị Thảo và công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Prudential Việt Nam đã giao kết HĐBHNT cho con trai bà là anh Nguyễn Văn Nghĩa. Trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh quy định :
“1. Luật này điều chỉnh tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.”
Thoạt nhiên lúc đầu ta có thể rất dễ nhầm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà bà Thảo đã giao kết với công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nhưng mà thực chất là không phải. Chúng ta phải cần hiểu rõ ràng rằng Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty bảo hiểm với các loại hợp đồng cụ thể. Còn trong vụ việc này hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà bà Thảo đã giao kết với công ty bảo hiểm Prudential là hợp đồng không hề mang tính chất kinh doanh nên trước hết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này mang tính chất dân sự và thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự chứ không phải thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm. Qua đó, ta thấy rằng việc xác định phạm vi thuộc đối tượng điều chỉnh của luật nào cũng dẫn tới cách giải quyết khác nhau của vụ việc. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã hiểu và xác định sai đối tượng của vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào. Việc Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xác định hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà bà Thảo đã giao kết với công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam trong vụ việc này thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm là hoàn toàn sai. Do đó từ cách xác định sai trên dẫn tới Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm để xét xử vụ việc.
Tuy nhiên thì tới phiên tòa phúc thẩm thì Tòa án nhân dân TP HCM đã xác định đúng đối tượng trong vụ việc này thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự là hoàn toàn đúng đắn. Nhóm chúng em hoàn toàn đồng ý với cách xác định này của phiên tòa.
Hơn nữa, một vấn đề cần đặt ra ở đây là chúng ta sẽ xem xét cụ thể bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này. Theo Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, hợp đồng BHNT của bà Thảo đã bị vô hiệu vì theo quy định của Prudential Việt Nam thì bà Thảo phải kê khai đầy đủ, khẳng định rõ “có” hoặc “không” các câu hỏi trong phần khai chi tiết về sức khỏe, mà cụ thể ở câu số 7(b): bạn đã, đang có sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện không?, bà Thảo đánh dấu chéo vào ô "không"; trong khi ngày 18.12.2001, Trung tâm y tế dự phòng Đồng Tháp ra thông báo anh Nghĩa bị HIV. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận xét bà Thảo đã vi phạm phần cam kết, khai không trung thực được quy định tại điều 18, 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nên tuyên bác yêu cầu của bà Thảo đòi công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam phải bồi thường cho mình số tiền là 150 triệu đồng hoàn toàn không đúng.
Như đã phân tích ở trên Tòa án đã xác định sai đối tượng của vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm nên không thể căn cứ vào Điều 18 và Điều 19 của Luật này để khẳng định HĐBHNT đó vô hiệu. HĐBHNT trong vụ việc này thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự nên theo khoản 1 Điều 410 và Điều 127 đến Điều 138 BLDS thì hợp đồng dân sự chỉ bị vô hiệu khi vi phạm điều cấm của pháp luật; trái đạo đức xã hội; do giả tạo; do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; do bị nhầm lẫn; do bị lừa dối, đe dọa; do người xác lập không nhận thức được hành vi của mình, do không tuân thủ về hình thức…Xét thấy trong trường hợp này thì HĐBHNT không thuộc vào một trong các vi phạm trên nên nó không thể bị vô hiệu như cách khẳng định của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm. Mặc dù bà Thảo đánh dấu “ không” trả lời câu hỏi “ bạn đã, đang sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện không?” nhưng bên bảo hiểm cũng phải biết rõ điều đó tất nhiên họ phải đọc lại, phải kiểm tra lại và trên thực thế thì họ đã chấp nhận và giao kết hợp đồng.
Hợp đồng BHNT này là hợp đồng dân sự ghi nhận sự thỏa thuận của các bên. Người mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm đúng kỳ hạn. Bên bảo hiểm phải đền bù khi các điều kiện bảo hiểm xảy ra như tai nạn, bệnh tật, tử vong... Các bên phải tuân thủ các điều kiện đã thỏa thuận nhưng các thỏa thuận này phải tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, luật quy định các giao dịch dân sự chỉ vô hiệu khi: vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội, giao dịch giả tạo... Luật không quy định khi giao kết hợp đồng mà kê khai không đầy đủ là vô hiệu. Vì vậy, quy định này của hợp đồng là không có giá trị pháp lý.
Ngoài ra thì sự kiện bảo hiểm xảy ra ở đây là việc anh Nghĩa bị chết do tai nạn giao thông là sự kiện khách quan đúng như theo thỏa thuận bà Thảo và công ty đã giao kết khi mua sản phẩm bảo hiểm (kèm theo sản phẩm bổ trợ “chết và tàn tật”). Sự kiện bảo hiểm này không hề liên quan tới sự việc bà Thảo đánh dấu “ không” vào câu hỏi “ bạn đã, đang sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện không?”. Cần phải khẳng định một điều anh Nghĩa chết vì tai nạn giao thông chứ không phải anh ý bị chết do bị nhiễm HIV do đã từng sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện. Vì thế cho nên qua những gì vừa phân tích và căn cứ theo Điều 571 và Điều 575 BLDS năm 2005 và thì công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho bà Thảo trong trường hợp này.
Vụ hai
VỤ VIỆC: Mới đây, tại TP HCM cũng đã xảy ra một trường hợp tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín và Công ty cổ phần bảo hiểm AAA mà trong đó, bên nào cũng bảo vệ lý lẽ của mình…
Sự việc bắt đầu từ ngày 11/6/2008, khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA để bảo hiểm chiếc xe Mercedes biển kiểm soát 52P - 1980, với giá trị bảo hiểm là 1,190 tỉ đồng, phí bảo hiểm là 15.446.200 đồng. Hợp đồng này có hiệu lực từ 11 giờ ngày 11/6/2008 và chấm dứt lúc 11 giờ ngày 11/6/2009. Phạm vi bảo hiểm của chiếc xe Mercedes ấy, gồm: Đâm, va, lật, đổ, hỏa hoạn, cháy nổ, bão lũ, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, mất toàn bộ xe và tai nạn, rủi ro bất ngờ khác ngoài những điểm loại trừ được nêu trong đơn bảo hiểm.
Đến 16 giờ ngày 1/8/2008, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một cơn mưa. Cũng cần nói thêm rằng trước đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo sẽ có mưa lớn bất thường trong 5 ngày đầu tháng 8. Sau cơn mưa, Công ty Thoát nước đô thị cho biết đã có 54 điểm ngập sâu ở 14 quận, huyện, cả nội thành lẫn ngoại thành. Tuy nhiên, khác với trận mưa cuối năm 2008 ở Hà Nội, cơn mưa chiều 1/8/2008 tại TP HCM không được các cơ quan chức năng thành phố chính thức công nhận là “thiên tai”, và hoàn toàn cũng không mang tính bất ngờ vì nó đã được dự báo.
16 giờ 30 phút ngày 1/8/2008, mưa làm ngập một số tuyến đường, và nước bắt đầu tràn vào tầng hầm để xe của trụ sở Ngân hàng Đại Tín, số 75 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1 TP HCM. Đến 17 giờ – nghĩa là 1 tiếng kể từ khi bắt đầu mưa - nước trong tầng hầm đã dâng lên 0,5 mét. Theo công văn của Ngân hàng Đại Tín gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thì: “…Không thể đưa xe ra khỏi hầm vì mực nước dâng cao và hầm có độ dốc quá lớn”. Khoảng nửa tiếng sau đó, nước dâng lên hơn 1 mét, hệ thống điện của tòa nhà chìm trong nước. Vẫn theo công văn nói trên, thì: “Toàn bộ nhân viên phải sơ tán nhằm tránh tai nạn điện giật chết người”.
Sáng ngày 2/8/2008, Ngân hàng Đại Tín điện thoại, thông báo cho Bảo hiểm AAA, sau đó nhờ Công ty Dịch vụ cứu hộ Haxaco đem xe đi giám định. Theo kết quả giám định, chiếc xe Mercedes bị hư hỏng nặng về phần điện, và tiền sửa chữa tổng cộng là trên 300 triệu đồng. Số tiền này, Bảo hiểm AAA có trách nhiệm phải thanh toán. Tuy nhiên, nhận định của Bảo hiểm AAA lại khác: Cơn mưa vừa nói chỉ là một cơn mưa rất to, gây ngập nhiều nơi chứ không phải là bão, lũ (thiên tai). Việc chiếc xe Mercedes bị ngập nước khiến phần điện hư hỏng không phải là sự cố bất khả kháng, hoặc là rủi ro không lường trước được. Vì thế, Bảo hiểm AAA từ chối chi trả tiền sửa chữa chiếc xe Mercedes, mà chỉ đồng ý hỗ trợ cho Ngân hàng Đại Tín 50 triệu đồng với lý do: “Thiệt hại hệ thống điện của xe BKS 52P-1980 không thuộc phạm vi bảo hiểm vật chất thân xe của Bảo hiểm AAA. Đây cũng không phải là rủi ro bất ngờ.”
Nhận xét của nhóm về vụ việc:
Trong vụ việc ta thấy mấu chốt tranh chấp đó là ở cụm từ “rủi ro bất ngờ”. Thế nào là “ rủi ro bất ngờ”?.
Chiều 20/3/2009, trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, ông Phạm Trường Khê, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm AAA cho biết: “Sau khi Bảo hiểm AAA tiếp nhận tin báo đã cử chuyên viên giám định phối hợp với Ngân hàng Đại Tín và HAXACO để kiểm định thiệt hại đối với chiếc Mercedes. Nguyên nhân khiến chiếc xe bị hư hỏng không thuộc phạm vi bảo hiểm nên công ty không đền bù mà chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng cho Ngân hàng Đại Tín để khắc phục một phần sự cố”. Theo ông Khê lý giải thì “rủi ro bất ngờ” là những rủi ro xảy ra trong khoảng thời gian chỉ trong tích tắc, không lường trước được. Sự cố nước mưa từ ngoài đường tràn ngập tầng hầm (mưa bắt đầu từ lúc 16 giờ, nước mưa tràn vào tầng hầm lúc 16 giờ 30, đến 17 giờ nước trong tầng hầm ngập 0,5m) là xảy ra trong một thời gian dài nên không phải là tai nạn rủi ro bất ngờ. Theo ông Khê, những trường hợp xem là rủi ro bất ngờ như xe bị cành cây rơi trúng hoặc đang chạy đột ngột mất tay lái lao xuống biển... Theo Từ điển Tiếng Việt 1994 (NXB Khoa học xã hội, Trung tâm từ điển học Hà Nội - Việt Nam) thì từ “bất ngờ” được định nghĩa là: “Không ai ngờ, xảy ra ngoài dự tính”. Từ điển Tiếng Việt – Ngôn ngữ học Việt Nam ( NXB Thanh Hóa, năm 1998) thì từ “bất ngờ” cũng được định nghĩa là “không ngờ tới, không dự tính trước được”. Cách định nghĩa này không bao hàm khái niệm “xảy ra trong thời gian rất ngắn” hay “trong một tích tắc” như ông Khê lập luận. Sự việc ngập nước tại tầng hầm 75 Hồ Hảo Hớn (Q.1, TP.HCM) theo Ngân hàng Đại Tín chính là rủi ro bất ngờ do mưa quá lớn cùng lúc với triều cường gây nên. Phía ngân hàng cũng cho biết nơi đây chưa từng xảy ra tình trạng ngập nước trong tầng hầm.
Mặt khác theo quy định của Luật Dân sự, đối với những hợp đồng soạn sẵn, nếu có những điều khoản, từ ngữ có cách hiểu không rõ ràng thì sẽ giải thích sao cho có lợi cho người được bảo hiểm. Cách giải thích như trên của Bảo hiểm AAA là không thỏa đáng.
Nếu theo cách giải thích của Từ điển Tiếng Việt như đã nêu ở trên thì khái niệm “rủi ro bất ngờ” ở đây đồng nghĩa với khái niệm “sự kiện bất khả kháng” trong Luật Dân sự. Sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Pháp “force majeure” có nghĩa là “sức mạnh tối cao” hoặc “sức người không thể kháng cự nổi”. Sự kiện này xảy ra chỉ sau khi ký hợp đồng, không phải do lỗi của bất kỳ bên tham gia hợp đồng nào, mà xảy ra ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm hợp đồng hoặc được kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… Sự kiện bất khả kháng cũng có thể là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ…
Nhìn chung khi xem xét áp dụng luật để miễn trừ nghĩa vụ thì cần xem xét các nội dung sau. Hai dấu hiệu đặc trưng của sự kiện bất khả kháng đó là:
Vào thời điểm ký kết hợp đồng thì hai bên không thể dự liệu trước rằng sự kiện đó sẽ xảy ra trong tương lai.
Hậu quả mà nó gây ra là không thể tránh được.
Trong Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “ sự kiện bất khả kháng” quy định chưa được rõ ràng và cụ thể còn chung chung tại Khoản 1 Điều 161 : “ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Qua những gì vừa phân tích thì xét vụ việc trên thì trong trường hợp này cơn mưa vào lúc 16 giờ ngày 1/8/2008 có được coi là một sự kiện bất khả kháng? Theo ý kiến của nhóm em thì trong trường hợp này cơn mưa này không thể coi là một trường hợp bất khả kháng. Theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự và những gì đã phân tích đã phân tích ở trên, một sự kiện khi xảy ra được xem là bất khả kháng phải có đủ các yếu tố cấu thành như: tính khách quan, tính không dự liệu trước được về sự kiện đó và tính không thể khắc phục. Các yếu tố này phải đáp ứng điều kiện là mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép đã được áp dụng để khắc phục sự kiện bất khả kháng đó.
Nhưng trong trường hợp này thì sự kiện mưa lớn đó là một rủi ro nhưng không mang yếu tố bất ngờ. Nghĩa là ngân hàng không thể cho rằng mình không thể lường trước được thiệt hại có thể gây ra cho chiếc xe bởi đã Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đã dự báo trước là sẽ có mưa lớn bất thường trong 5 ngày đầu tháng 8. Sau cơn mưa, Công ty Thoát nước đô thị cho biết đã có 54 điểm ngập sâu ở 14 quận, huyện, cả nội thành lẫn ngoại thành. Do đó đây không thể coi là một rủi ro có yếu tố bất ngờ được.
Mặt khác, vào ngày 1/8/2008, mưa bắt đầu vào lúc 16.00 giờ, nước mưa ngoài đường bắt đầu tràn vào tầng hầm lúc 16 giờ 30 đến 17.00 nước trong tầng hầm dâng lên và đã ngập 0,5 m. Từ lúc bắt đầu mưa đến lúc nước ngập tầng hầm kéo dài 1 tiếng, lẽ ra ngân hàng phải nhìn thấy được rủi ro có thể xảy ra đối với chiếc xe và với khoảng thời gian đó thì ngân hàng vẫn có đủ khả năng để cho chiếc xe ra khỏi tầng hầm. Như vậy rủi ro là có thật trên thực tế nhưng không mang tính bất ngờ, đã được lường trước, dự báo trước, hoàn toàn không mang tính bất ngờ đối với ngân hàng. Nếu như chúng ta có thể coi sự kiện mưa lớn vào ngày 1/8/2008 và việc nước tràn vào tầng hầm là bất ngờ đối với ngân hàng, tuy nhiên, ngân hàng có thể hành động trong khả năng cho phép bằng cách đưa xe ra khỏi tầng hầm. Việc làm này kéo dài không quá 5 phút so với khoảng thời gian ngồi nhìn từ lúc nước bắt đầu tràn vào đến khi dâng cao 0,5 m là 30 phút. Hơn nữa khoảng thời gian từ 16h tới 17h30 được coi là giờ hành chính- ngân hàng vẫn đang còn làm việc và hoàn toàn có thể nhận thức được việc mưa lớn và nước ngập tràn vào tầng hầm. Ngân hàng do chủ quan đã chậm trễ và không làm hết khả năng trong việc cứu hộ chiếc xe - tài sản của ngân hàng.
Điều đó có thể chứng tỏ rằng ngân hàng Đại Tín đã không tích cực khắc phục sự cố, ngăn chặn, hạn chế thiệt hại không đúng với quy định tại Khoản 1 Điều 575 BLDS năm 2005: “ Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.” Do đó trong trường hợp này thì công ty bảo hiểm AAA không phải bồi thường cho ngân hàng Đại Tín
Vụ ba
Vụ án “ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” do Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét sử.
Nguyên đơn: Ông Võ Lợi, trú tại: thôn Tôn Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Bị đơn: Công ty bảo hiểm Bình Định do ông Võ Minh Sang là đại diện theo ủy quyền. Địa chỉ: 62 Diên Hồng, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tóm tắt vụ án:
Theo đơn khởi kiện ngày 15/02/2000 và lời khai tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định của ông Võ Lợi thì: ông Võ Lợi là chủ sở hữu chiếc tàu đánh cá đăng kí BĐ – 1025 TS, có hợp đồng bảo hiểm với Công ty bảo hiểm Bình Định, Hiệu lực từ 06/02/2004 đến 06/02/2005.
Khoảng 1h sáng ngày 15/6/2004, trong khi đang kéo lưới tại phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ thành phố Hải Phòng thì phát hiện có nhiều tàu neo đậu trong khu vực ông Võ Lợi đang thả lưới. Con ông Lợi là anh Võ Lộc đề nghị các tàu này chuyển dịch ra khỏi khu vực tàu ông Lợi đang thả lưới. Một số tàu đã kéo neo bỏ đi nơi khác còn lại 2 tàu không đi. Anh Lộc điều khiển tới gần để yêu cầu những tàu này di chuyển ra nơi khác, thì tàu do anh Hoanh điều khiển kéo neo chạy tới đâm thẳng vào tàu của ông Lợi bị vỡ, chìm tại ngư trường. Sau khi cấp cứu, vớt tàu, xác định thân tàu bị hư hỏng toàn bộ ( như biên bản giám định của Bảo Hiểm Hải Phòng đã kết luận).
Bên tàu không số do anh Hoanh điều khiển và ông Lợi đã thương lượng là anh Hoanh bồi thường cho ông Lợi 165.000.000 đồng (gồm 75 triệu đồng bồi thường cho máy và vỏ tàu, 90 triệu đồng bồi thường cho tư trang, vật dụng và ngư lưới cụ) và đã thi hành xong.
Khi tàu bị nạn. Ông Lợi có báo ngay về Bảo hiểm Bình Định là nơi ông tham gia đóng bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm Bình Định đã có công văn ủy quyền quyền cho Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đến xem xét hiện trường và Công ty Bảo hiểm Hải phòng đã có biên bản giám định việc hư hỏng tàu của ông Lợi. Sau khi hoàn thành cho công ty Bảo hiểm Bình Định. Ông lợi đề nghị giải quyết thiệt hại theo chế độ quy định của Bảo Việt, nhưng đến 14/10/2004 Công ty bảo hiểm Bình Định trả lời từ chối bồi thường. Ông Lợi yêu cầu buộc Công ty Bảo hiểm Bình Định bồi thường cho ông đủ mức như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Công ty Bảo hiểm Bình Định trình bày:
Tàu cá BĐ 1025 TS của ông Võ Lợi tham gia bảo hiểm ngày 06-02-1999 theo giấy chứng nhận bảo hiểm số 034209, hiệu lực bảo hiểm từ ngày 06-02-2004 đến ngày 06-02-2004 theo mức trách nhiệm: Thân tàu 300.000.000 đồng; trách nhiệm dân sự 70.000.000/vụ;thuyền viên 7.000.000/người.
Nguyên nhân tai nạn là do mâu thuẫn cá nhân nên anh A Hoanh đã điều khiển tàu đánh cá không số cố ý đâm vào tàu BĐ 1025 TS gây đăm tàu.Sự việc xảy ra vào ngày 15-06-2004 tại vùng biển đảo Bạch Long Vĩ , thành phố Hải Phòng.
Theo biên bản thỏa thuận ngày 20-07-2004 giữa ông Lợi và anh A Hoành thì anh A Hoành bồi thường thiệt hại cho ông Lợi 165.000.000 đồng. Trong đó: Tư trang vật dụng và ngư lưới cụ là 90.000.000 đồng và vỏ tàu la 75.000.000 đồng. Phần vỏ tàu còn lại thuộc quyền sở hữu của anh A Hoanh. Ông Lợi đã cam kết không có ý kiến nào khác, không thắc mắc hoặc có khiếu nại gì trong việc tự thỏa thuận bồi thường.
Khi ông Lợi bị tai nạn, Công ty Bảo hiểm Bình Định có báo cho Công ty Bảo hiểm Hải Phòng để nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ. Quá trình giải quyết vụ việc ông lợi không có bảo lưu quyền khiếu kiện cho Công ty Bảo hiểm. Hơn nữa anh Hoanh đã cố ý đâm vào tàu ông Lợi nên đây là trách nhiệm dân sự của anh A Hoanh. Công ty Bảo hiểm Bình Định khước từ trách nhiệm bồi thường.
Trong thời gian Công an thụ lý vụ án, ông Lợi có khó khăn nên Công ty có cho ông Lợi ứng 5.000.000 đồng để làm thủ tục tranh chấp với phía tàu Quảng Ngãi. Do đó, ông Lợi phải hoàn trả 5.000.000 đồng cho cơ quan Bảo hiểm.
* Quyết định của tòa án:
Tại bản án sơ thẩm dân sự số 01/DSST ngày 18-01-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã xử:
1)Buộc công ty Bảo hiểm Bình Định(Bảo Việt) có trách nhiệm bồi thường tổn thất một phần cho ông Võ Lợi, chủ tàu BĐ 1025 TS số tiền là 80.000.000 đồng (tám chục triệu đồng). Được khấu trừ số tiền bảo hiểm Ứng trước cho ông Võ Lợi là 5.000.000 đồng, còn lại 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).
2)Kể từ ngày ông Lợi có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bảo hiểm không chịu trả số tiền nêu trên,thì hàng tháng Bảo hiểm còn phải trả cho ông Lợi số tiền lãi theo mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
3)Án phí dân sự sơ thẩm: theo diện án phí có giá ngạch 5% treen giá trị tranh chấp: 75.000.000đ x 5% = 3.750.000đ Công ty Bảo hiểm Bình Định chịu. Hoàn trả 50.000đ dự phí cho ông Lợi.
-Án xử sơ thẩm công khai, có mặt các bên đương sự, các đương sự,có quyền kháng cáo bản án này lên mức xét xử phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
-Ngày 21-01-2005, ông Lợi có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị buộc Công ty Bảo hiểm Bình Định có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hơpj đồng bảo hiểm mà ông và Công ty Bảo hiểm đã ký kết.
-Ngày 29-01-2005, Công ty Bảo hiểm Bình Định có đơn kháng cáo với nội dung: Tổn thất tàu BĐ 1025 TS hoàn toàn do lỗi cố ý của anh A Hoanh nên không thuộc phạm vi bảo hiểm. Theo biên bản thỏa thuận ngày 20-07-1999 giữa ông Lợi với anh A Hoanh, thì ông Lợi đã không làm các thủ tục cần thiết bảo lưu quyền khiếu nại cho Bảo Việt để Bảo Việt tranh chấp với anh A Hoanh. Ngoài ra căn cứ vào giá trị tàu BĐ 1025 TS thì số tiền bồi thường của anh A Hoanh đã vượt quá mức thiệt hại tàu của ông Lợi.
Tại bản án phúc thẩm dân sự số 64/2005/DSPT ngày 16/12/2005 của Tòa phúc thẩm Tóa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định:
Áp dụng khoản 1 , Khoản 2 Điều 69 Pháp lệnh giải quyết các thủ vụ án dân sự, bác kháng cáo của ông Võ Lợi chấp nhận kháng cáo của Công ty bảo hiểm Bình Định.
Căn cứ Điều 571; Khoản 1 Điều 577 Bộ luật dân sự; Tuyên xử bác yêu cầu của ông Võ Lợi đòi Công ty Bảo hiểm Bình Định phải trả tiền bảo hiểm.
Ghi nhận sự thỏa thuận của Công ty Bảo hiểm Bình Định đồng ý chi cho ông Võ Lợi số tiền 5.000.000 đồng mà ông Lợi đã nhận trước đây.
Công ty Bảo hiểm Bình Định không phải chịu án phí sơ thẩm và phúc thẩm.
Ông Lợi phải nộp 50.000 đồng án phí phúc thẩm, miễn toàn bộ án phí sơ thẩm cho ông Võ Lợi.
Nhận xét của nhóm về cách giải quyết của tòa án:
Trong tình hướng trên, những quyết định của tòa là chưa đúng. Chúng ta phải xem xét những khía cạnh sau để giải quyết vấn đề này:
Thứ nhất, Thiệt hại chìm tàu của ông Võ Lợi do hành động cố ý của anh Hoanh dùng tàu mình đâm vào tàu của ông Võ Lợi, chứ không phải do lỗi cố ý gây thiệt hại của bên tàu ông Võ Lợi. Theo quy định của hợp đồng bảo hiểm được kí kết giữa ông Lợi và Công ty Bảo hiểm Bình Định thì thiệt hại xảy ra nêu trên không nằm trong phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như công ty Bảo hiểm Bình Định nêu.
Thứ hai, ông Lợi và anh Hoanh có thỏa thuận ngày 20/7/2004 là anh Hoanh sẽ bồi thường cho ông Lợi 165 triệu đồng và hai bên đồng cam kết sau khi thoả thuận bồi thường xong sẽ không còn ý kiến, không thắc mắc hoặc khiếu kiện gì trong việc tự thỏa thuận bồi thường. Thỏa thuận này chỉ là thỏa thuận giữa ông Lợi và anh Hoanh, không có sự tham gia của công ty bảo hiểm Bình Định. Thỏa thuận này không hề có nội dung xác định ông Lợi không còn quyền yêu cầu Công ty bảo hiểm Bình Định bồi thường theo quy định của pháp luật bảo hiểm, đồng thời công ty bảo hiểm vẫn có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường cho mình.
Thứ ba, thực tế giá trị tài sản mà ông Lợi bị thiệt hại nhiều hơn so với số tiền mà anh Hoanh và ông Lợi đã thỏa thuận đền bù cho ông Lợi.
Cách giải quyết của nhóm:
Trong tình huống trên thì việc ông Lợi yêu kiện yêu cầu Công ty bảo hiểm Bình Định bồi thường cho mình là đúng. Vì việc thiệt hại tầu không phải do lỗi cố ý của ông Lợi gây ra mà do lỗi của anh Hoanh gây ra. Do đó, công ty bảo hiểm phải có nghĩa vụ trả bảo hiểm cho ông Lợi.
Và khoản 2 Điều 577 quy định: “Trong trường hợp bên được bảo hiểm đã nhận số tiền bồi thường thiệt hại do người thứ ba trả, nhưng vẫn ít hơn số tiền mà bên bảo hiểm phải trả thì bên bảo hiểm chỉ phải trả phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền và người thứ ba đã trả; trừ trường hợp có thỏa thuận khác…” Vậy theo quy định này, thì Công ty bảo hiểm sẽ phải trả phần chênh lệch mà anh Hoanh đã trả và phần bảo hiểm phải trả. Và công ty Bảo hiểm có quyền yêu cầu anh Hoanh hoàn trả khoản tiền mà Công ty bảo hiểm sẽ trả cho ông Lợi. Tuy nhiên, trong tình huống trên, khi ông Lợi và anh Hoanh thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại thì không có mặt công ty bảo hiểm là không đúng. Chính vì vậy, khi 2 người này thỏa thuận thì cần có sự có mặt của công ty bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm Bình Định cũng phải trả cả phần lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả được qui định tại Khoản 2 Điều 576.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bai_cua_dung__7148.doc