Vận dụng lý thuyết tiếp nhận để phát huy vai trò bạn đọc – học sinh trong giờ dạy học tác phẩm văn chương ở trường Trung học Phổ thông dân tộc Nội trú Tây Nguyên - Lê Thị Thảo

3. KẾT LUẬN Đổi mới dạy học đã, đang và sẽ luôn là vấn đề có ý nghĩa, có tính cách cấp bách cả trong nghiên cứu cũng như thực tiễn. Vận dụng thành tựu lí luận văn học định hướng cho quá trình dạy học văn trong nhà trường là một hướng đi nhiều triển vọng. Sự thay đổi có tính triệt để, bản chất về vai trò của người đọc cùng các thuộc tính như tầm đón nhận, khoảng cách thẩm mĩ đã thực sự có tác động sâu sắc đến việc dạy học văn trong nhà trường, dẫn đến những đổi mới toàn diện, có tính hệ hình. Tuy nhiên, thực tiễn dạy học không phải lúc nào cũng phản ánh rõ những đổi thay trong lí luận dạy học, nhất là ở những địa bàn và đối tượng có tính đặc thù như học sinh dân tộc ít người ở các trường THPT DTNT. Do đó, đề xuất những định hướng để tác động nhằm thay đổi nhận thức về vai trò bạn đọc học sinh dân tộc ít người bằng cách tác động đến tầm đón nhận và khoảng cách thẩm mĩ là một việc làm hết sức phù hợp và ý nghĩa.

pdf7 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 480 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vận dụng lý thuyết tiếp nhận để phát huy vai trò bạn đọc – học sinh trong giờ dạy học tác phẩm văn chương ở trường Trung học Phổ thông dân tộc Nội trú Tây Nguyên - Lê Thị Thảo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(35)/2015: tr. 43-49 VẬN DỤNG LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ BẠN ĐỌC – HỌC SINH TRONG GIỜ DẠY HỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TÂY NGUYÊN LÊ THỊ THẢO Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Tóm tắt: Sự ra đời của Lý thuyết tiếp nhận đã đánh dấu một bước phát triển mới của lí luận văn học cũng như khẳng định một đường hướng mới, một phương diện tiếp cận mới đối với văn học nghệ thuật. Vận dụng lý thuyết tiếp nhận vào dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông có ý nghĩa rất lớn đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong bài viết này tác giả đề xuất vận dụng ba vấn đề cơ bản của lý thuyết tiếp nhận vào dạy học tác phẩm văn chương cho sinh trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú ở Tây Nguyên là: Vấn đề bạn đọc, tầm đón nhận, khoảng cách thẩm mỹ. Từ khóa: vai trò bạn đọc, Bạn đọc - học sinh, tầm đón nhận, khoảng cách thẩm mỹ. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Dạy học tác phẩm văn chương ở trường trung học phổ thông THPT là quá trình giáo viên tổ chức học sinh hoạt động tiếp nhận và sáng tạo văn học. Quá trình đó vừa mang dấu ấn riêng của hoạt động cảm thụ văn học nhà trường, vừa không rời xa những đặc trưng có tính quy luật của tiếp nhận nghệ thuật nói chung. Để hoạt động dạy học văn ở nhà trường thực sự có hiệu quả, giúp học sinh trở thành những bạn đọc thực thụ, cần vận dụng hợp lý một số vấn đề cơ bản của lý thuyết tiếp nhận như: bạn đọc, tầm đón nhận, khoảng cách thẩm mỹ. Đối với học sinh dân tộc ít người đang theo học tại các trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên (THPT DTNT), đây là một giải pháp tương đối hiệu quả. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT TIẾP NHẬN VÀ HƯỚNG VẬN DỤNG ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ BẠN ĐỌC - HỌC SINH TRONG GIỜ DẠY HỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG Ở TRƯỜNG THPT DTNT TÂY NGUYÊN Vấn đề tiếp nhận được đặt ra từ rất lâu, song nó mới chỉ dừng lại ở những ghi nhận, đánh giá. Bước sang thế kỷ XX, những vấn đề lí thuyết tiếp nhận (LTTN) được tiếp tục đề cập đến trong những nghiên cứu của chủ nghĩa cấu trúc trường phái Prague, trường phái Giải thích học, Chủ nghĩa hình thức Nga (những năm 10 - 20 của thế kỉ XX), Xã hội học văn học Và LTTN thực sự được khẳng định khi các công trình nghiên cứu của Hanz Robert Jauss thuộc Trường phái mỹ học tiếp nhận Konstanz ra đời. 44 LÊ THỊ THẢO LTTN với một hệ thống những khái niệm như: Bạn đọc, tầm đón nhận, kinh nghiệm thẩm mĩ, khoảng cách thẩm mĩ, là những phạm trù thể hiện rõ quan điểm cũng như cách nhìn nhận và tiếp cận văn học của LTTN. Trong thực tế, LTTN là một chuyên ngành hẹp của Lý luận văn học và những khái niệm mà nó đề xuất và nghiên cứu không liên quan đến khoa học Giáo dục và hoạt động dạy học Ngữ văn trong nhà trường. Tuy nhiên trong xu hướng nghiên cứu liên ngành, LTTN trở thành một tiền đề lý luận quan trọng để đổi mới cơ chế giờ dạy học Ngữ văn nói chung và giờ dạy học tác phẩm văn chương nói riêng. Đặc biệt là giờ dạy học tác phẩm văn chương cho học sinh ở các trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên - một địa phương có những đặc điểm riêng về địa bàn sinh sống, phong tục tâp quán, ngôn ngữ, tâm lý Trong khuôn khổ bài báo chúng tôi bàn về một số yếu tố cơ bản sau: Vấn đề vai trò bạn đọc: Hoạt động văn học từ xưa đến nay đều vận hành qua các khâu: hiện thực - nhà văn - tác phẩm - bạn đọc - hiện thực. Ngoài mối quan hệ giữa tác phẩm với hiện thực, tác phẩm với nhà văn thì mối quan hệ giữa tác phẩm với bạn đọc từ rất lâu đã được chú ý đến. Bạn đọc có quan hệ biện chứng với nhà văn, tác phẩm trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học, được xem là đồng sáng tạo với nhà văn, là đối tượng có khả năng đánh thức những giá trị tiềm năng và lấp đầy những “khoảng trắng” “khoảng trống” đầy dụng ý trong văn bản. Chính nhờ sự tiếp nhận của bạn đọc, văn bản văn học mới trở thành tác phẩm nghệ thuật. Cơ chế tiếp nhận văn học trong nhà trường trước hết cũng chịu sự chi phối của quy luật tiếp nhận. Do đó, để hoạt động dạy học Văn ở nhà trường trở thành một hoạt động tiếp nhận văn học đích thực thì không thể không chú trọng vai trò bạn đọc của học sinh. Họ là bạn đọc đặc biệt, là những người cùng lứa tuổi, cùng trình độ, cùng có những đặc điểm tâm sinh lý giống nhau. Khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương, học sinh có cùng mục đích, cùng yêu cầu và là bạn đọc được định hướng dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Thầy giáo dạy Văn là người tổ chức quá trình nhận thức cho học sinh, giúp các em chiếm lĩnh giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Từ định hướng của người thầy, bằng kinh nghiệm và vốn sống của mình, học sinh tự khám phá, hình thành những hiểu biết mới về tác phẩm đang tìm hiểu. Vai trò của học sinh được khẳng định, điểm nhìn văn học của học sinh được thừa nhận, tôn trọng bên cạnh điểm nhìn của giáo viên và các bạn đọc khác ngoài nhà trường. Tính dân chủ của giờ học được đề cao, tính sáng tạo của học sinh được trân trọng. Tuy nhiên, vai trò bạn đọc của học sinh trong việc dạy học tác phẩm văn chương các trường THPT DTNT Tây Nguyên hiện nay chưa thực sự được coi trọng đúng mức. Thứ nhất: Bản thân học sinh các trường THPT DTNT chưa ý thức về vị trí của mình vì vậy không chủ động thực hiện vai trò chủ thể trong giờ dạy học tác phẩm văn chương. Họ hết sức thụ động trong nhận thức cũng như cảm thụ, ỉ lại vào giáo viên và rất ít thiết lập các kênh giao tiếp, đối thoại với văn bản, nhà văn (thông qua văn bản), giáo viên và các bạn học trong lớp. Hoạt động chủ đạo của người học là ghi chép và trả bài theo những gì thu nhận được. Ngoài ra, những rào cản về ngôn ngữ, vốn văn hóacùng thái độ tự ti, rụt rè của học sinh dân tộc ít người cũng là yếu tố hạn chế vai trò tích cực của VẬN DỤNG LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ BẠN ĐỌC – HỌC SINH... 45 các em trong tiếp nhận tác phẩm văn chương. Chính sự thụ động này mà hầu như không có sự đồng sáng tạo hay phản tiếp nhận trong giờ học tác phẩm văn chương ở các trường THPT DTNT, thậm chí có những cách hiểu hết sức máy móc thậm chí là sai lệch về giá trị của tác phẩm. Thứ hai: Giáo viên cũng hầu như không chú ý đến vai trò bạn đọc học sinh và những thế mạnh có tính đặc thù của các em học sinh dân tộc ít người. Do đó, người dạy chưa có cái nhìn đúng đắn, công bằng về tính tích cực của học sinh dân tộc ít người trong tiếp nhận. Điều này dẫn đến việc phương pháp dạy học chủ đạo được sử dụng trong giờ học tác phẩm văn chương là thuyết trình một chiều hết sức đơn điệu, nhàm chán mang tính áp đặt. Cũng bởi không chú ý đến đối tượng người học nên giáo viên ở các trường THPT DTNT vẫn thường sa vào tình trạng ôm đồm, hàn lâm về mặt kiến thức. Điều này càng khiến cho người học trở nên xa lạ với chính bài học, với tác phẩm và nhà văn. Với những biểu hiện trên, vai trò bạn đọc của học sinh các trường THPT DTNT trong giờ học tác phẩm văn chương dường như bị xem nhẹ và ít có các hoạt động tương tác trong tiếp nhận. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dạy học tác phẩm văn chương cũng như sự phát triển toàn diện người học. Cùng với việc khẳng định vai trò bạn đọc, LTTN cũng đề cập đến những vấn đề về tầm đón nhận của bạn đọc, khoảng cách thẩm mĩ. Những thuộc tính này sẽ định vị người đọc trong mối quan hệ với nhà văn thông qua văn bản, xác lập khả năng tiếp nhận. Đây là những tiền đề có giá trị để đề xuất những biện pháp tác động nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận của bạn đọc học sinh. Tầm đón nhận là những nhu cầu và trình độ thưởng thức kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, lí tưởng của từng người đọc. Nó chính là tầm văn hoá do điều kiện lịch sử - xã hội và thời đại quy định. Nó gắn liền với hệ thống chuẩn mực nghệ thuật tương đối ổn định. Cho đến khi người đọc tiếp nhận những tác phẩm văn học mới với năng lượng thẩm mĩ mới và chất lượng nghệ thuật mới hẳn thì lúc đó có thể người đọc sẽ bị thuyết phục bởi những chuẩn mực mới và do đó tầm đón nhận cũng được nâng lên. Ngược lại, nếu tiếp cận với những tác phẩm kém về chất lượng thì tầm đón nhận của bạn đọc sẽ rơi vào khoảng thấp nghèo nàn về các phương diện giá trị. Theo Nguyễn Thị Thanh Hương: “Tầm đón nhận được hiểu là mức độ hiểu biết về văn học nghệ thuật, kinh nghiệm sống hiện có, khả năng phân tích lý giải các vấn đề xã hội, văn học chính trị và khả năng, mức độ tiếp nhận cái mới trong văn học nghệ thuật vốn hiểu biết của học sinh phổ thông trung học nói riêng và của bạn đọc nói chung” [4, tr. 184]. Trong nhà trường, mỗi người học, nhóm, lứa tuổi đều có một tầm đón nhận riêng. Vấn đề đặt ra là phải xác định được tầm đón nhận của những đối tượng đó, nhận thức được tầm đón nhận của những đối tượng này thì việc dạy văn sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc dạy học ở trường THPT DTNT còn xem nhẹ, thậm chí không quan tâm đến yếu tố tầm đón nhận của người học. Những biểu hiện của vấn đề này được thể hiện ở một số các vấn đề sau: 46 LÊ THỊ THẢO - Giáo án của giáo viên thường dựa vào những thiết kế có sẵn trong sách giáo viên hoặc tài liệu tham khảo để thực hiện. Đây là những thiết kế xây dựng chung cho tất cả mọi học sinh chứ chưa chú trọng đến đối tượng tiếp nhận theo vùng miền, dân tộc hay theo trình độ tiếp nhận của từng học sinh khác nhau. - Việc sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên chưa chú ý đến tầm đón nhận. Chủ yếu là thuyết trình một chiều cho một tập hợp học sinh giống nhau chứ không hề có sự phân hóa về trình độ nhận thức của lớp học. Thỉnh thoảng, giáo viên có sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm và để thuận tiện giáo viên vẫn sắp xếp theo tiêu chí như: ngồi gần, cùng tổ, thậm chí là ở chung phòng với nhau chưa có tiêu chí hướng đến tầm đón nhận của người học. Trong lớp học nếu có 4, 5 hoặc 6 nhóm thảo luận thì tiến trình tổ chức các nhóm thảo luận cũng như hoạt động của nội dung yêu cầu cho từng nhóm đều giống nhau. Thực tế này xuất phát từ việc không nhận thức được ý nghĩa của sự khác biệt về tầm đón nhận ở người học, dẫn tới việc chia nhóm thảo luận trong tiếp nhận tác phẩm văn chương không dựa vào tầm đón nhận mà dựa vào các tiêu chí khác không mấy ý nghĩa. Trong khi đó, học sinh ở các trường THPT DTNT lại rất phong phú về dân tộc, có khi một lớp học có 40 học sinh thì có đến hơn 10 dân tộc khác nhau, theo đó là vốn ngôn ngữ khác nhau, phong tục tập quán, tâm lý khác nhau, vậy nên việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực ở đây cũng mang tính hình thức chứ ít có ý nghĩa thực tế. Khoảng cách thẩm mỹ, theo H. Jauss, chính là khoảng cách nằm giữa tầm chờ đợi của khán giả và tầm chờ đợi của tác phẩm. Đây là một khái niệm, theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương “là độ chênh, sự xa cách giữa sự tiếp cận thẩm mỹ của bạn đọc trước một văn bản văn chương. Nói cách khác đó là sự chênh lệch, sự xa cách giữa ý định tác động của tác giả (chủ thể thẩm mỹ) gửi vào văn bản (bản thể thẩm mỹ) và sự tiếp nhận những tác động thực tế của văn bản người đọc (chủ thể tiếp nhận)” [4, tr. 185]. Theo quan niệm của lí thuyết tiếp nhận, một trong những tiêu chuẩn để xác nhận giá trị thẩm mĩ của một tác phẩm nghệ thuật chính là những biểu hiện của trạng thái tâm lí của người tiếp nhận tác phẩm đó. Sự thất vọng, thờ ơ hay khoan khoái, ngạc nhiên hay thích thú ở đây chính là biểu hiện tâm lí của người tiếp nhận khi khoảng cách giữa tầm chờ đợi của độc giả và tầm chờ đợi của tác phẩm có những giá trị khác nhau. Khoảng cách giữa tầm đón nhận của độc giả, tức là những cái thuộc về kinh nghiệm thẩm mĩ đã trải qua và tầm chờ đợi tiếp nhận của tác phẩm chính là khoảng cách thẩm mĩ mà những thông số khác nhau của nó có thể chi phối đến tính nghệ thuật của tác phẩm cũng như ngược lại. Khái niệm “khoảng cách thẩm mĩ” đã đề cập như trên rõ ràng quyết định trực tiếp đến tính hiệu quả trong tiếp nhận tác phẩm văn học. Khái niệm này đặt ra yêu cầu thiết yếu cho mỗi giáo viên trong giờ lên lớp phải xác định được tầm đón nhận ban đầu của người học và tầm chờ đợi của tác phẩm đồng thời thực hiện điều chỉnh khoảng cách thẩm mĩ phù hợp với trình độ của học sinh. Mỗi tác phẩm có một tầm chờ đợi riêng, mỗi nhóm học sinh có một tầm đón nhận riêng, vấn đề là người dạy văn phải biết cách điều chỉnh nó ở mức độ “phù hợp nhất”. Thực trạng này ở trường THPT DTNT Tây Nguyên là VẬN DỤNG LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ BẠN ĐỌC – HỌC SINH... 47 không tránh khỏi. Nếu giáo viên để khoảng cách thẩm mĩ quá xa, người học sẽ cảm thấy khó tiếp cận, khó hiểu, khó chấp nhận. Nếu giáo viên đẩy tầm chờ đợi của tác phẩm tiến sát tầm đón nhận của người đọc thì học sinh sẽ mất đi hứng thú trong tiếp nhận. Do vậy, giảng giải tường tận về tác phẩm, thể hiện cái hay, cái đẹp của tác phẩm mới chỉ là một phần của giờ học. Nhưng muốn nâng cao hiệu quả tiếp nhận của người học thì giáo viên phải thúc đẩy quá trình tiếp nhận lên một nấc thang mới bởi nếu các khoa học khác cần sự tường tận để người học nắm được vấn đề thì văn học lại cần một sự tường tận có chủ đích, tức một sự “phơi bày” rất nghệ thuật để kích thích và nâng cao tầm đón nhận cho người đọc. Vì vậy, trong dạy học tác phẩm văn chương không thể không có sự giải thích, định hướng để làm giảm khoảng cách thẩm mĩ từ tác phẩm đến với học sinh. Chỉ ở khoảng cách thẩm mĩ nhất định, tầm đón nhận của người đọc mới có điều kiện nâng cao, kinh nghiệm thẩm mĩ mới tích lũy được cái mới. Đối với học sinh dân tộc ít người có những đặc thù về tâm lí và nhận thức, vấn đề tầm đón nhận và khoảng cách thẩm mĩ lại càng cần phải đặc biệt quan tâm. Từ góc nhìn của lí thuyết tiếp nhận, đặc biệt với những quan điểm về vấn đề vai trò bạn đọc, tầm đón nhận và khoảng cách thẩm mĩ có thể đề xuất một số định hướng khắc phục những thực trạng nói trên và góp phần nâng cao hiệu quả tiếp nhận văn chương cho học sinh dân tộc ít người như sau: - Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, đặc biệt phát triển nguồn nhân lực từ địa phương, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học: Giáo viên chưa tiếp cận một cách sâu sắc những vấn đề lí luận hiện đại như LTTN nên họ chưa ý thức rõ về vai trò bạn đọc trong tiếp nhận tác phẩm văn chương, dẫn đến hạn chế về biện pháp dạy học. Hơn nữa, để học sinh có thể trở thành những bạn đọc tích cực, chủ động và sáng tạo thì giáo viên phải thôi đóng vai trò tối cao, quyền năng, độc diễn trong giờ học hay giáo viên đến với giờ học một cách nhàm chán, hời hợt, Giáo viên dạy Văn nên là người truyền cảm hứng cho các em. Đối với học sinh đồng bào dân tộc miền núi, giáo viên cần phải có biện pháp khơi gợi, đánh thức tình yêu và hứng thú tiếp nhận văn học ở học sinh. Giáo viên là chủ thể của hoạt động dạy với năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; chủ đạo trong tổ chức, hướng dẫn, khuyến khích, trọng tài cho các hoạt động học, tiếp nhận của học sinh. Giáo viên không cảm thụ thay, không rót kiến thức mà tích cực hóa hoạt động tiếp nhận ở người học thông qua sự điều hành lớp học. Điều này cho thấy, để có những học sinh chủ động, tích cực chúng ta cần có những giáo viên giỏi, nhiệt huyết, đam mê đối với văn học cũng như biết cách sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp. Việc thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và bồi đắp tình yêu nghề nghiệp, tình yêu đối với học trò là khâu quan trọng giúp giáo viên dạy Văn có thể tích cực hóa phát triển tư duy cho người học, giúp các em trở thành những bạn đọc đúng nghĩa trong giờ học TPVC. - Nâng cao tầm đón nhận cho bạn đọc học sinh dân tộc ít người phù hợp với từng tác phẩm cụ thể, phát huy điểm mạnh của các em trong việc tiếp nhận văn chương. Hiện nay, do chương trình học quá nặng vì có quá nhiều môn học khiến cho tâm lý học sinh bị ức chế; một số nội dung kiến thức tương đối xa lạ so với tầm đón nhận của học sinh. 48 LÊ THỊ THẢO Mặt khác, do môn văn lâu nay được xem như môn học ít gây được hứng thú đối với học sinh, mặc dù các tác phẩm văn chương được chọn lọc trong sách giáo khoa hiện nay đều là các “tuyệt tác của các nhà văn nổi tiếng”. Để gây hứng thú học tập cho giờ học tác phẩm văn chương phải có ý thức tạo tâm thế cho học sinh ngay từ đầu tiết học thông qua lời dẫn nhập có sức hút, giàu giá trị khơi gợi để học sinh tập trung chú ý từ ban đầu, tạo tiền đề tốt cho quá trình nhận thức tiếp theo.Trong thực tế dạy học, nếu một tiết văn tạo được bầu không khí “nhập cảm” mở đầu nó có khả năng ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến hiệu quả cuối cùng của quá trình tiếp nhận bởi khi nào học sinh ở trong điều kiện sẵn sàng “nhập cảm” thì mới có thể giao cảm với nhà văn, với tác phẩm một cách hiệu quả. - Giáo viên cần chủ động, linh hoạt thiết kế bài dạy học phù hợp với yêu cầu của LTTN và trình độ của học sinh. Dù cho chương trình sách giáo khoa có được thiết kế phù hợp với tầm đón nhận của học sinh theo cấp học và bậc thì cũng không thể bao hàm hết sự đa dạng phong phú về tầm đón nhận của từng cá nhân học sinh. Vì vậy, tính chủ động, mềm dẻo, sáng tạo của người dạy là hết sức cần thiết trong giảng dạy văn học. Tuỳ theo từng đối tượng tương ứng với tầm đón nhận riêng giáo viên có sự điều chỉnh thiết kế giáo án với việc lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học phù hợp. - Xác định và điều chỉnh khoảng cách thẩm mĩ giữa học sinh và văn bản một cách hợp lý. Thứ nhất, giáo viên phải xác định được một cách tương đối khoảng cách thẩm mĩ hiện có giữa tác phẩm cần dạy và đối tượng tiếp nhận. Điều này có nghĩa là giáo viên phải hiểu được trình độ, năng lực của người học hay chính là tầm đón nhận của họ; giáo viên cũng phải chính là người cảm thụ được sâu sắc tác phẩm sẽ dạy cho học sinh. Thứ hai, giáo viên dạy văn chú ý giúp học sinh trang bị kiến thức cần thiết cho việc rút ngắn khoảng cách thẩm mĩ. Chẳng hạn, để tổ chức tiếp nhận một tác phẩm thuộc giai đoạn trung đại, giáo viên phải giúp học sinh trước hết có được những tri thức đọc hiểu về lịch sử, thi pháp, đặc điểm tư duy và quan niệm nghệ thuật Thứ ba, giáo viên đặc biệt chú ý giúp học sinh phát hiện và xây dựng những tình huống tiếp nhận bất ngờ từ tác phẩm như những điểm sáng về mặt nghệ thuật, nội dung, những mâu thuẫn nghệ thuật để tăng tính hấp dẫn cho giờ học. 3. KẾT LUẬN Đổi mới dạy học đã, đang và sẽ luôn là vấn đề có ý nghĩa, có tính cách cấp bách cả trong nghiên cứu cũng như thực tiễn. Vận dụng thành tựu lí luận văn học định hướng cho quá trình dạy học văn trong nhà trường là một hướng đi nhiều triển vọng. Sự thay đổi có tính triệt để, bản chất về vai trò của người đọc cùng các thuộc tính như tầm đón nhận, khoảng cách thẩm mĩ đã thực sự có tác động sâu sắc đến việc dạy học văn trong nhà trường, dẫn đến những đổi mới toàn diện, có tính hệ hình. Tuy nhiên, thực tiễn dạy học không phải lúc nào cũng phản ánh rõ những đổi thay trong lí luận dạy học, nhất là ở những địa bàn và đối tượng có tính đặc thù như học sinh dân tộc ít người ở các trường THPT DTNT. Do đó, đề xuất những định hướng để tác động nhằm thay đổi nhận thức VẬN DỤNG LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ BẠN ĐỌC – HỌC SINH... 49 về vai trò bạn đọc học sinh dân tộc ít người bằng cách tác động đến tầm đón nhận và khoảng cách thẩm mĩ là một việc làm hết sức phù hợp và ý nghĩa. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Dân (1991). Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, Viện Thông tin Khoa học Xã hội. [2] Phương Lựu (chủ biên, 2002). Lý luận văn học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. [3] Nguyễn Thị Thanh Hương (1998). Phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học ở trường PTTH, NXB Giáo dục, Hà Nội. [4] Nguyễn Thị Thanh Hương (2001). Dạy học văn ở trường phổ thông, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. [5] Nguyễn Thanh Hùng (2002). Đọc và tiếp nhận văn chương, NXB Giáo dục, Hà Nội. Title: ACTUAL SITUATION OF THE ROLE OF HIGHLAND ETHENIC STUDENT READERS IN LITERATURE CLASSES Abstract: The issue students’ reader role in literature classes always has both scientific and teaching practice significance. The actual situation of the role of Highland ethnic student readers in literature classes is, therefore, a survey of universal interest and great significance.The objective of this article is the assessment of the real situation which needs to identify the cause and propose orientations basing on the theoretical basis of the reception theory as well as the peculiar characteristics of ethnic students. Keywords: Reader’s role, students’ reader role, erwartungshorizont, as- thetischedistanz. ThS. LÊ THỊ THẢO Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Đắk Lắk ĐT: 0905 239 256, Email: lethithaobmt1@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf29_453_lethithao_08_le_thi_thao_508_2020390_043946 - Copy.pdf
Tài liệu liên quan