2.5.3. Thời gian và phương pháp bón phân
Thời gian bón phân nên hạn chế vào thời kỳ mưa nhiều, hạn hán, nắng gắt để tránh
làm thất thoát. Miền Bắc và Bắc Trung Bộ, có thể bón phân vào mùa đông hoặc mùa
xuân, còn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì không nên bón phân vào mùa mưa, tốt nhất
bón phân trước mùa mưa từ 2-4 tháng.
Phương pháp bón phân: Với lâm phần diện tích nhỏ, sử dụng phương pháp thủ
công, còn lầm phần có diện tích lớn và địa hình tương đối bằng phẳng, cần nghiên cứu để
áp dụng máy cơ giới nhằm tiết kiệm chi phí lao động.
7 trang |
Chia sẻ: linhmy2pp | Lượt xem: 229 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ứng dụng phân bón trong lâm nghiệp thế giới và triển vọng cho Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
ỨNG DỤNG PHÂN BÓN TRONG LÂM NGHIỆP THẾ GIỚI
VÀ TRIỂN VỌNG CHO VIỆT NAM
Trần Thế Hùng
Trường Đại học Quảng Bình
Tóm tắt. Phân bón trong lâm nghiệp được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở các nước
phát triển vào khoảng nửa sau thế kỷ 20 và đã cho thấy tác dụng nhất định. Phân bón không chỉ
làm tăng năng suất lâm phần, mà còn có tác động tích cực lên môi trường, phục hồi và cải thiện
đáng kể nguồn dinh dưỡng cho đất, nâng cao tính đa dạng và bền vững cho rừng. Diện tích rừng
của nước ta ngày càng tăng lên, nhưng chất lượng rừng lại đang giảm sút, dẫn đến hiệu quả
kinh doanh rừng không cao và hệ sinh thái rừng không bền vững. Bài viết nghiên cứu ứng dụng
phân bón trong lâm nghiệp, từ đó có thể áp dụng đại trà trên diện rộng nhằm nâng cao năng
suất, chất lượng cho rừng Việt Nam.
Từ khóa: Lâm nghiệp, lâm phần, phân, đất, dinh dưỡng
1. MỞ ĐẦU
Cây rừng trong chu kỳ sống của mình luôn cần một nguồn dinh dưỡng nhất định
của đất cho sinh trưởng và phát triển. Chăm sóc rừng là một mắt xích rất quan trọng trong
hệ thống các giải pháp lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng lâm phần. Sự
mất đi sinh khối tươi sau khai thác hay do quá trình xói mòn đất, quá trình hấp thụ chất
dinh dưỡng của cây đã làm đất thiếu hụt một lượng chất dinh dưỡng nhất định. Đất nghèo
chất dinh dưỡng đồng nghĩa với sản lượng cây gỗ, chất lượng rừng không cao. Vì vậy,
cần có những biện pháp nâng cao sản lượng, chất lượng cho rừng, nguồn dinh dưỡng, độ
phì nhiêu cho đất và phân bón là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả tốt.
2. NỘI DUNG
2.1. Lịch sử nghiên cứu và ứng dụng phân bón trong lâm nghiệp trên thế giới
Phân bón được bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng cho cây rừng vào những năm đầu
thế kỷ 20. Tại Đức, Viutemberga là người đầu tiên nghiên cứu thử nghiệm sử dụng phân
đạm cho rừng trồng thông châu Âu và sa mộc. Sau đó, phân bón đã được sử dụng rộng
rãi ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đặc biệt là các nước Bắc Âu, phân bón được ứng dụng trên
diện tích lớn và thời gian dài. Tại Thụy Điển từ năm 1966 đến năm 1983, diện tích rừng
được bón phân hằng năm dao động trong khoảng 100-189 ngàn hecta, còn Phần Lan từ
năm 1970-1977, diện tích rừng được bón phân là từ 141-244 ngàn hecta [10], [11]. Liên
Xô cũ cũng bắt đầu ứng dụng rộng rãi phân bón trong lâm nghiệp vào thời gian này.
Trong những năm 80 của thế kỷ 20, phân bón được sử dụng cho vùng Châu Âu-Ural của
nước Nga hiện nay với diện tích rừng được bón phân lên đến hàng chục ngàn hecta hàng
năm [12]. Nhiều nước Châu Âu khác như Tiệp Khắc cũ, Nam Tư cũ, Bungari cũng
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
nghiên cứu và ứng dụng phân bón cho lâm nghiệp vào thời gian đó, đặc biệt sử dụng
nhiều cho rừng trồng với mục đích kinh doanh gỗ thành phẩm.
Tại Bắc Mỹ, phân bón cũng bắt đầu được sử dụng trong lâm nghiệp nửa sau thế kỷ
20. Vùng đông nam nước Mỹ, hàng năm từ 500 ngàn đến 1,2 triệu mẫu Anh rừng trồng
thông các loại được bón phân vào giữa thập niên 90 của thế kỷ 20. Diện tích rừng khu
vực này đã được bón phân đến nay lên tới hàng chục triệu mẫu Anh [3]. Vùng tây bắc
Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, hằng năm bón phân cho rừng vào khoảng 100 ngàn mẫu
Anh. Ở các bang miền Nam, giai đoạn 2001-2002 hơn 1,2 triệu mẫu Anh rừng trồng
thông được bón phân [4]. Tại Canada, nhiều khu rừng được sở hữu bởi tư nhân, theo một
điều tra của chính phủ vào năm 1995, có tới 6000 chủ trang trại sử dụng phân bón cho
cây lâm nghiệp [6]. Australia bắt đầu sử dụng phân bón trong cho rừng trồng gỗ mềm và
gỗ cứng từ những năm 1960 và đến nay hàng triệu ha rừng vẫn đang được bón phân. Ở
nhiều khu vực khác trên thế giới phân bón cũng đã và đang được áp dụng với quy mô lớn
cho rừng trồng kinh doanh gỗ thành phẩm [5].
Tại Việt Nam, phân bón sử dụng cho cây rừng chủ yếu thực hiện ở vườn ươm. Sau
những năm 2000, bước đầu đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón lên sinh
trưởng của lâm phần giai đoạn cây dưới 5 tuổi như các công trình của Phạm Thế Dũng,
Ngô Văn Ngọc, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Đình Hải, Fuminori
Miyatake về ảnh hưởng của phân bón lên tốc độ sinh trưởng của một số loài cây trồng
nhập nội như keo lai, bạch đàn uro, thông caribe ở giai đoạn cây từ 3 đến 7 năm tuổi
[1],[2]. Việc sử dụng phân bón đại trà trong lâm nghiệp ở nước ta vẫn chưa có quy trình,
quy phạm cụ thể. Như vậy, nghiên cứu và ứng dụng phân bón trong lâm nghiệp của
chúng ta quá chậm so với thế giới và hiện nay mới đang là giai đoạn thử nghiệm, chưa
thể áp dụng đại trà trên diện rộng.
2.2. Tác dụng của phân bón trong lâm nghiệp
Kết quả nghiên cứu và ứng dụng phân bón cho cây rừng của nhiều học giả châu Âu,
Bắc Mỹ hay nước Úc cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hiệu quả này được thể hiện trên nhiều
khía cạnh:
2.2.1. Nâng cao năng suất lâm phần
Các nghiên cứu của N. N. Martinov, E. C. Melnhikov và nhiều nhà khoa học người
Nga khác cho thấy với lượng phân đạm từ 150-200 kg/ha cho thông châu Âu và sa mộc
đã làm tăng năng suất lâm phần hằng năm lên đến 6m3/ha [10]. Nghiên cứu của
Paavilaynen (Phần Lan) cũng có kết quả rất tốt khi năng suất này có thể tăng lên đến 10-
12m3/ha/năm [11]. T.R. Fox, H.L. Allen và các cộng sự người Mỹ nghiên cứu ở rừng
trồng thông, giẻ chứng minh rằng sau khi bón phân đạm tốc độ tăng trưởng của lâm phần
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
có thể tăng lên đến 20-30%. Kết quả nghiên cứu của Michael Blazier khi bón phân cho
một số lâm phần thông có thể làm tăng từ 1 đến 1,5 tấn gỗ trong thời gian 6-10 năm cho
một mẫu Anh và làm tăng giá trị kinh tế lên đến 27,5%. Năm 2003, tại Úc, Mc Grath khi
nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón lên diện tích tiết diện ngang cho thấy kết quả rất
khả quan. Cụ thể, lâm phần được bón phân sau tỉa thưa lần thứ hai với lượng phân bón
(175kg N + 76kg P)/ha và sau tỉa thưa lần thứ ba với lượng phân bón (400 kg N + 200 kg
P)/ha đã làm diện tích tiết diện ngang tăng tới 50% so với lâm phần đối chứng sau 6 năm.
Ông cho rằng, thời gian bón phân sau tỉa thưa giãn cách 3-4 năm là tối ưu cho cây trồng
đối với vùng đất cát sâu [5]. Những nghiên cứu thực nghiệm của các nhà lâm nghiệp Việt
Nam cũng có kết quả tốt khi chứng minh được sự tăng trưởng rõ rệt về chiều cao và
đường kính của lâm phần (20-40%) khi được bón phân so với đối chứng [1],[2].
Bên cạnh đó, khi phân tích các tính chất lý hóa của gỗ được bón phân, các học giả
châu Âu, Nga, Mỹ đã chứng minh được rằng sự tăng trưởng này không làm ảnh hưởng
tới các đặc tính, phẩm chất gỗ cây rừng. Như vậy, bón phân là biện pháp có hiệu quả cao
trong việc nâng cao năng suất lâm phần, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, làm tăng giá trị kinh
tế lâm phần, đặc biệt đối với rừng trồng trên đất nghèo chất dinh dưỡng [3],[8].
2.2.2. Phục hồi và nâng cao nguồn dinh dưỡng cho đất
Khi bón phân cho lâm phần rừng, đa phần được các loài cây chủ đạo hấp thụ, ít hơn
là các loài thực vật tầng dưới, một phần nhỏ khác phân hủy trong đất, phần còn lại có thể
bay hơi hoặc thẩm thấu xuống tầng đất sâu hơn. Tuy nhiên, nếu bón phân vào lúc thời tiết
không thuận lợi thì một lượng lớn phân bón có thể sẽ bị dòng nước mặt cuốn trôi. Nghiên
cứu của V.H. Kydearov, V.H. Baskin, E.C. Melnhikov cho thấy, tùy thuộc vào điều kiện
thời tiết, loài cây, điều kiện lập địa mà các loài cây gỗ chủ đạo (Thông châu Âu, Bạch
dương, Vân sam) có thể hấp thụ từ 40-60% khối lượng phân bón, phần còn lại được các
tầng dưới hấp thụ [7, 10]. Những nghiên cứu lâu dài khác của A.H. Believa, H. I.
Kadimirov, L. Kayriustic chứng minh rằng phân bón đóng vai trò điều hòa dòng năng
lượng - vật chất được vận chuyển trong đất. Phân bón tham gia vào vòng tuần hoàn vật
chất nhỏ, đẩy nhanh quá trình hoạt hóa trong đất, giúp cho quá trình trao đổi năng lượng
và vật chất dễ dàng và tích cực hơn. Còn H.H. Sennov, E.C. Melnhikov khi nghiên cứu
về đối tượng rừng hỗn giao lá rộng - vân sam cho thấy, sau khi bón phân khối lượng tầng
thảm mục có thể tăng đến 17% và làm tăng đáng kể lượng chất dinh dưỡng trong đất
trong khoảng thời gian kéo dài tới 10 năm khi so sánh với lâm phần đối chứng [8, 9]. Bên
cạnh đó, kết quả nhiều công trình nghiên cứu khác của các học giả Nga, Mỹ về ảnh
hưởng của phân bón lên môi trường cho thấy, khối lượng phân bón bị rửa trôi không làm
ảnh hưởng đến môi trường nước tại các khu vực đó [5],[10].
2.2.3. Nâng cao đa dạng sinh học, tăng tính bền vững lâm phần
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
Khi bón phân cho cây ở giai đoạn tuổi lâm phần sau trung niên sẽ giúp cho những
ứng viên cây ngã có thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết, giúp cây nâng cao sức đề kháng,
chống lại bệnh tật và kéo dài thời gian sống đến chu kỳ khai thác. Ở tầng dưới, các loài
cây bụi, loài cây tái sinh cũng như tầng thảm tươi trên đất đều được hấp thụ một phần
lượng phân bón. Nguồn dinh dưỡng này giúp cho các tầng thực vật phía dưới phát triển
tốt, nâng cao đa dạng sinh học, tính bền vững cho lâm phần. Điều đó được các nhà khoa
học Nga chứng minh bằng số lượng và thành phần các loài cây bụi, cây tái sinh tự nhiên
tăng lên đáng kể ở những lâm phần được bón phân so với đối chứng [7],[10]. Theo H.H.
Sennov, H.A. Baneva, các loại cỏ ở tầng thảm sẽ hấp thụ phân bón và chúng phát triển
mạnh vào giai đoạn sau khi bón phân 2 đến 3 năm nhưng đến năm thứ 6 sinh khối của
chúng giảm xuống ngang bằng với lâm phần đối chứng. Các loài cỏ này khi hấp thụ phân
bón, tham gia vào vòng tuần hoàn nhỏ, làm tăng sự trao đổi vật chất và năng lượng trong
hệ sinh thái, đồng thời không để mất khối lượng phân bón dự trữ khi tầng cây chủ đạo
không hấp thụ hết và khi lớp cỏ này chết đi sẽ trả lại lượng chất dinh dưỡng đó cho đất
[8],[9]. Như vậy, cỏ không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nguồn dinh dưỡng với các
loài cây chủ đạo mà nó sẽ tích lũy một lượng dinh dưỡng dự trữ cần thiết cho lâm phần.
Qua đó cho thấy, bón phân đã làm giảm sự cạnh tranh về nguồn dinh dưỡng giữa các loài
cây chủ đạo cũng như giữa các tầng thực vật khác nhau, góp phần nâng cao tính đa dạng
và bền vững cho hệ sinh thái rừng.
2.3. Kỹ thuật, liều lượng, phương pháp và thời gian áp dụng phân bón
Kỹ thuật, liều lượng, phương pháp và thời gian bón phân cho cây rừng trên thế giới
rất đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi bón phân trên diện tích lớn, nhiều nước ở
châu Âu, Bắc Mỹ, Nga hay Úc thường sử dụng máy bay trực thăng thể thao làm phương
tiện, phân bón dưới dạng bột hoặc lỏng; còn khi bón phân với diện tích nhỏ, có thể sử
dụng các loại máy cơ giới. Liều lượng bón cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào loài, chủng
loại phân bón, điều kiện lập địa, độ tuổi lâm phần và thời tiết vào thời điểm bón phân.
Nhìn chung, liều lượng bón phân ở các quốc gia này thường dao động từ 150-250 kg/ha.
Nghiên cứu về thời gian ảnh hưởng của phân bón, tại khu vực châu Âu, tác dụng của mỗi
lần bón phân này có thể kéo dài từ 5-10 năm tùy theo loài cây, cấp đất và điều kiện thời
tiết. Thời gian bón phân có thể vào mùa thu như ở nước Nga và các nước Bắc Âu, như
vậy phân bón được vùi lấp dưới tuyết sau một mùa đông và đến mùa xuân năm sau khi
cây bắt đầu mùa sinh trưởng mới và sẽ hấp thụ nguồn dinh dưỡng này. Chủng loại phân
bón được sử dụng rất đa dạng: phân tổng hợp NP, NPK, NPKS, phân đạm, lân, phốt pho,
các loài phân vi lượng... Các dạng phân bón khác nhau từ dạng lỏng, bột hay hạt đều có
thể được sử dụng. Khoảng cách thời gian giữa hai lần bón phân từ 5 năm lên đến 10 năm
áp dụng ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Còn ở Úc, khoảng cách hai lần bón phân sau tỉa thưa
cho kết quả tốt nhất là 3 năm. Độ tuổi của loài cây cần bón phân tùy thuộc vào mục đích
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
kinh doanh sản phẩm gỗ thương mại, lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, khuyến nghị trước 1
lớp tuổi khai thác nên ngừng bón phân cho cây [3], [5], [10].
2.4. Khả năng ứng dụng phân bón trong lâm nghiệp Việt Nam
Tổng kết những luận điểm trên cho thấy rằng phân bón có thể mang lại hiệu quả to
lớn cho kinh doanh rừng để đạt năng suất cao và sử dụng bền vững trong ngành lâm
nghiệp.
Theo chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp nước nhà, đến năm 2020 diện tích
rừng của chúng ta lên đến 16 triệu hecta. Trong đó có tới 8 triệu hecta rừng sản xuất và
chủ yếu là rừng trồng. Năm 2010, tổng diện tích rừng của Việt Nam vào khoảng 13 triệu
hecta, có 3,5 triệu hecta rừng trồng. Mặc dù diện tích rừng của chúng ta đã tăng lên đáng
kể nhưng chất lượng lại đang suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, dù có hơn 9 triệu hecta
rừng tự nhiên, nhưng chúng ta còn không quá 1 triệu hecta rừng nguyên sinh, diện tích
rừng giàu ngày càng giảm và thay thế vào đó là rừng nghèo, rừng thứ sinh, bụi cây, trảng
cỏ, núi đất [1]. Diện tích rừng trồng tăng nhanh, đa phần sử dụng các loài cây ngoại nhập,
sinh trưởng nhanh nhưng phát triển không bền vững và làm giảm đáng kể nguồn dinh
dưỡng của đất sau 2-3 chu kỳ kinh doanh. Triển khai trồng cây bản địa và rừng hỗn giao
cũng đang được áp dụng nhiều nơi nhưng chưa mang lại nhiều thành công về kỹ thuật
cũng như hiệu quả kinh tế. Để khắc phục những khuyết điểm đó của rừng Việt Nam,
chúng tôi thấy rằng, cần có những nghiên cứu sâu rộng về những biện pháp tác động
nhằm nâng cao sản lượng, độ phì nhiêu cho đất, tính đa dạng và bền vững của rừng. Vì
thế, bón phân cho rừng là một biện pháp có thể góp phần giải quyết tình hình trên. Bên
cạnh đó, kết quả những nghiên cứu lâu dài và sự áp dụng thành công trên thực tế của
phân bón cho cây lâm nghiệp tại các quốc gia trên thế giới sẽ giúp chúng ta có những
kinh nghiệm quý báu để nghiên cứu và xây dựng quy trình, quy phạm phân bón cho cây
lâm nghiệp. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và ứng dụng, chúng ta có thể áp
dụng một số mô hình bón phân cho cây lâm nghiệp của nước Úc, nơi có điều kiện nhiệt
độ, các loài cây trồng rừng giống chúng ta như các loài keo, bạch đàn, thông nhiệt đới
2.5. Kiến nghị
2.5.1. Các loại rừng có thể sử dụng phân bón
Với rừng tự nhiên nghèo và rừng thứ sinh, tổ thành các loài cây gỗ/ha có thể dao
động từ 100-200 loài, trong đó số loài cây có giá trị chỉ chiếm từ 15-30%, khuyến nghị
không nên sử dụng phân bón cho loại rừng này vì hiệu quả kinh tế không cao.
Với rừng trồng có chu kỳ kinh doanh ngắn (dưới 10 năm), tùy theo lập địa có thể
bón phân vào giai đoạn giữa chu kỳ khai thác, sau tỉa thưa (từ năm thứ 3 đến năm thứ 5).
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
Với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, chu kỳ kinh doanh dài, bón phân cho các lâm
phần này là hết sức cần thiết. Có thể bón phân 2 đến 3 lần vào tuổi trung niên khi lâm
phần đang nghèo đi nguồn dinh dưỡng. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu biện pháp bón
phân sau khi lâm phần đã được tỉa thưa như nhiều nước đã áp dụng thành công. Tuy
nhiên, chúng ta cần nghiên cứu, khảo nghiệm cho mỗi loại cây trồng trước khi đưa vào áp
dụng đại trà.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị kinh tế, tính đa dạng và bền vững cho rừng phòng hộ
ven biển, rừng trên đất thoái hóa, nghèo chất dinh dưỡng, cần thiết phải áp dụng các biện
pháp bón phân thích hợp cho các khu vực này.
2.5.2. Liều lượng và chủng loại phân bón
Liều lượng bón phân tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như đặc điểm đất, chủng
loại phân bón, loài cây, tuổi lâm phần, điều kiện thời tiết Tuy nhiên chúng ta có thể
nghiên cứu và tham chiếu các mô hình áp dụng thành công của các nước khác, nhất là các
nước có nhiều đặc điểm cây rừng và khí hậu giống Việt Nam. Nhìn chung, liều lượng phổ
biến dao động 150-300 kg/ha.
Chủng loại phân bón rất đa dạng và dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để lựa chọn:
giá trị kinh tế, thành phần và tỷ lệ, dạng phân bón, độ tuổi của cây, độ phì của đất Phân
bón thường sử dụng là NP, NPK, NPKS, urê, lân, phốtpho
2.5.3. Thời gian và phương pháp bón phân
Thời gian bón phân nên hạn chế vào thời kỳ mưa nhiều, hạn hán, nắng gắt để tránh
làm thất thoát. Miền Bắc và Bắc Trung Bộ, có thể bón phân vào mùa đông hoặc mùa
xuân, còn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì không nên bón phân vào mùa mưa, tốt nhất
bón phân trước mùa mưa từ 2-4 tháng.
Phương pháp bón phân: Với lâm phần diện tích nhỏ, sử dụng phương pháp thủ
công, còn lầm phần có diện tích lớn và địa hình tương đối bằng phẳng, cần nghiên cứu để
áp dụng máy cơ giới nhằm tiết kiệm chi phí lao động.
3. KẾT LUẬN
Phân bón làm tăng năng suất lâm phần, nâng cao nguồn dinh dưỡng trong đất, tăng
tính đa dạng sinh học, bền vững của lâm phần và còn nhiều tác dụng khác. Những thành
công khi ứng dụng phân bón trong lâm nghiệp trên thế giới cho thấy tiềm năng to lớn có
thể áp dụng vào rừng Việt Nam. Kết hợp giữa nghiên cứu mới và các thành tựu đã đạt
được trên thế giới có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu và sớm đưa áp dụng đại trà cho
rừng chúng ta.
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Thế Dũng, Phạm Ngọc Cơ, Fuminori Miyatake (2002), Ảnh hưởng của phân bón đến sinh
trưởng của bạch đàn trên đất phèn ở Thuận Hóa tỉnh Long An, Tạp chí Khoa học lâm nghiệp.
[2] Nguyễn Huy Sơn (2006), Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến sinh trưởng của rừng thông caribe
và bạch đàn uro ở Đại Lãi, Vĩnh Phúc, Tạp chí Khoa học lâm nghiệp.
[3] E . David Dickens, David J. Moorhead, Bryan Mc Elvany (2003, No.1), Pine Plantation Fertilization,
Better Crops/Vol. 87.
[4] T.R. Fox, H.L. Allen, T.J. Albaugh, R. Rubilar, and C.A. Carlson (2007, No. 1), Forest Fertilization
and Water Quality in the United States, Better Crops/Vol. 91.
[5] B. May, P. Smethurst, C. Carlyle, D. Mendham, J. Bruce & C. Baillie (2009), Review of fertiliser use
in Australian forestry, Forest & Wood Products Australia.
[6] C.S. Snyder ( May 1998), Fertilizing Pine Forests in the Gulf Coastal Plain with Nitrogen and
Phosphorus, Postash and Phosphate Institute.
[7] Банева Н.А (1985), Изменение массы и активности мелких корней деревьев при разреживании
древостоя и комплексном уходе за лесом, Автореф. дисс. канд. с.-х. наук. Л.
[8] Беляева Н.В (2006), Закономерности функционирования сосновых и еловых фитоценозов
южной тайги на объектах комплексного ухода за лесом, Автореф. дисс. канд. с.-х. наук. Л.
[9] Богданова Л.С.(2007), Влияние разреживаний и удобрений на видовой состав, структуру и
продуктивность напочвенной растительности в насаждениях южной тайги, Автореф. дисс.
канд. с.-х. наук. Л., 2007.
[10] Мельников Е.С.(1999), Лесоводственные основы теории и практики комплекс-ного ухода за
лесом: автореф. дисс. д-ра с.-х. наук. СПб.
[11] Паавилайнен Ээро (1983), Применение минеральных удобрений в лесу, М.: Лесн. пром-сть.
[12] Чан Т.Х.(2009), Оценка российского и вьетнамского опыта формирования
высокопродуктивных и устойчивых насаждений в системах ухода за лесом, Дисс. канд. с.-х.
наук. Л.
FERTILIZER APPLICATION IN THE WORLD FOREST
AND PROSPECTS FOR VIETNAM
Tran The Hung
Quang Binh University
Abstract. Fertilizers in forestry began to be studied and widely applied in developed
countries about half of the 20th century and showed a significant effect. Fertilizer not only
increases the productivity of forest, but also has a positive impact on the environment, recovery
and significantly improved soil nutrients, improving diversity and sustainable forests. Vietnam's
forest area is increasing gradually, but the quality of forests is declining, leading to business
efficiency is not high and forest ecosystems are not sustainable. Thus, more extensive researches
on the issue of fertilizer applications for forestry can be applied on large scale mass to improve
productivity, quality forests in Vietnam.
Key words: Forestry, forest, fertilizers, soil, nutrient
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ung_dung_phan_bon_trong_lam_nghiep_the_gioi_va_trien_vong_ch.pdf