Thực tiễn CCGD của thế giới chứng minh: nếu tiếp thu kinh nghiệm
của nước ngoài một cách mù quáng, giản đơn không nghiên cứu kĩ lưỡng
tình hình cụ thể của nước mình, không phân tích một cách tổng hợp để
tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm giáo dục của nước ngoài, thì sẽ không
thể thành công. Tuy nhiên, ngược lại nếu giữ thái độ bài ngoại, tự cao, tự
đại, phủ nhận thành tựu, ưu điểm của nước khác, thì cùng là điều sai lầm.
Sự nghiệp giáo dục mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có sự tìm hiểu vấn
đề theo phạm vi toàn cầu.
7 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 495 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trào lưu cải cách giáo dục trên thế giới trong thế kỷ XX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRÀO LƯU CẢI CÁCH GIÁO DỤC TRÊN THẾ GIỚI
TRONG THẾ KỶ XX
ĐẶNG QUỐC BẢO
*
ĐINH THỊ MINH TUYẾT
**
1. Trào lưu cải cách giáo dục (CCGD) lần thứ nhất, diễn ra trong
những thập niên đầu của thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của triết học và
chính trị. Trào lưu CCGD này đã thúc đẩy sự biến đổi giáo dục từ trạng
thái truyền thống sang hiện đại.
Cuộc cách mạng kĩ thuật công nghệ đầu thế kỷ XX tạo nên phương
thức sinh hoạt và cấu trúc xã hội mới. Giáo dục truyền thống vốn chỉ chú ý
đào tạo tầng lớp tri thức tháp ngà tách rời hiện thực, không còn thích hợp.
Đúng vào lúc đó, tư tưởng giáo dục thực dụng của Zohn-Dewey ra đời,
đáp ứng động thái cuộc sống mới ở Mỹ, nên được hưởng ứng nồng nhiệt.
Tư tưởng này vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước đã dội vào nước
Nga Xô Viết. Bản “Nguyên tắc của Nhà trường lao động thống nhất” được
Bộ Dân ủy giáo dục Xô Viết công bố ngày 16-10-1918 và do Lê nin chỉ
đạo vừa phát triển nguyên tắc giáo dục kĩ thuật tổng hợp của Marx vừa
dung nạp tư tưởng giáo dục của Dewey. Năm 1928, Dewey đến thăm
Liên Xô, chứng kiến sự ra đời của các nhà trường công xưởng (trường
FZY), trường học gắn với nông trường, ông có những ấn tượng sâu sắc
và rất thích thú với xu hướng phát triển giáo dục của nước này.
Tư tưởng giáo dục của Dewey còn tác động đến tầng lớp tri thức mới
của Trung Quốc, được hình thành sau cách mạng Tân Hợi như Trần Độc
Tú, Lý Đại Chiều, Thái Nguyên Bồi.
Một số nhân sĩ có tiếng lúc đó của Trung Quốc như Hồ Thích, Đào
Hành Trí đã đến thụ giáo Dewey và ông đã đến giảng bài ở Trung Quốc
những năm 1919-1921.
Tuy nhiên, đến giữa thập niên 30, khi Liên Xô bước vào thời kì kế
hoạch hóa tập trung cao độ thì tư tưởng giáo dục của Dewey không còn
thích hợp. Năm 1936 Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra quyết định
giải thể mọi thiết chế chịu ảnh hưởng của giáo dục thực dụng. Dewey bị
phê phán mạnh mẽ ở Liên Xô. Nhà nước Xô Viết giao cho ông Cairốp
* PGS.TS. Học viện Quản lý Giáo dục.
** TS. Học viện Hành chính.
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011
74
(lúc đó là Viện trưởng Viện Giáo dục học) soạn sách giáo dục học Xô
Viết theo tư tưởng của kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Nhà giáo dục Cairốp cho rằng:
- Chế độ Giáo dục quốc dân XHCN phải có tính dân tộc. Nhà trường
hoàn toàn tách khỏi Giáo hội. Nhà trường mang tính thống nhất sử dụng
tiếng mẹ đẻ của học sinh để dạy học, thực hiện nguyên tắc nam nữ bình
quyền, phổ cập giáo dục.
- Nhiệm vụ của nền giáo dục Xô Viết là đào tạo những con người
cộng sản chủ nghĩa toàn diện. Ông khẳng định rằng việc phát triển con
người toàn diện sẽ được hiện thực dưới chế độ Xô Viết.
- Người thầy giáo có vai trò then chốt đối với quá trình dạy học.
- Để phát triển con người toàn diện thì trí dục chiếm vị trí hàng đầu.
Giáo dục đạo đức được thực hiện thông qua việc làm tốt trí dục.
- Bài học (giờ học) phải mang tính mục đích, tính kế hoạch, tính hệ
thống. Đó là nhân tố quan trọng để hình thành phát triển tri thức.
Phải thừa nhận sự phát triển giáo dục Xô Viết thời kì sau Chiến tranh
vệ quốc và những năm của thập niên 1950 theo định hướng của Cairốp
đã đạt những thành công rực rỡ, tác động tốt đến sự phát triển khoa học
kĩ thuật.
2. Trào lưu cải cách giáo dục lần thứ hai, diễn ra vào những năm 50,
60 của thế kỷ XX. Sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật là động lực chủ yếu
thúc đẩy cuộc cải cách này.
Năm 1957, Liên Xô lần đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo thành công.
Sự kiện này làm cho nước Mỹ kinh ngạc và hoảng sợ vì sự lạc hậu về
khoa học kĩ thuật của mình. Họ cho rằng, sự lạc hậu về khoa học kĩ thuật
là do thiếu nhân tài, mà thiếu nhân tài là do giáo dục gây ra. Ở Mỹ nổi
lên phong trào đấu tranh phê phán giáo dục học của Dewey, xã hội đòi
hỏi phải cấp bách tiến hành cải cách giáo dục.
Năm 1958, hai viện của Mỹ (Thượng Viện, Hạ Viện) đã liên hợp
thông qua “Luật Giáo dục quốc phòng” với mục đích tăng cường quốc
phòng, cổ vũ tăng đầu tư cho giáo dục, tiến hành CCGD với nội dung cơ
bản là:
- Tăng cường giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, toán học, ngoại
ngữ hiện đại và các môn khoa học khác.
- Tăng đầu tư, hỗ trợ tài chính cho việc dạy học các môn học đó.
- Thực hiện việc chỉ đạo, tư vấn và trắc nghiệm để phát hiện và cổ vũ
khích lệ những học sinh có tiềm năng.
Trào lưu cải cách giáo dục
75
Năm 1959, Viện Khoa học giáo dục đã triệu tập Hội nghị gồm 32
chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực thảo luận việc cải tiến dạy
học các môn khoa học tự nhiên ở Trung học và Tiểu học. Hội nghị còn
thảo luận tiếp việc lập kế hoạch cấp bách đào tạo nhân tài và kế hoạch
phát triển giáo dục với tầm nhìn rộng lớn để thúc đẩy phát triển khoa học
và kinh tế.
Sau hội nghị, các chuyên gia đã xây dựng và soạn thảo bộ sách giáo
khoa dạy học mới cho trường phổ thông. Bộ sách này được đánh giá có
tác dụng rất lớn cho việc đưa nhà trường Mỹ ra khỏi các yếu kém về chất
lượng giáo dục.
Cùng với việc xây dựng nhà trường chất lượng, nhà trường hiệu quả,
người Mỹ chú ý phát triển lí thuyết giáo dục cộng đồng, xây dựng nhà
trường cộng đồng từ Tiểu học đến Cao đẳng có mục tiêu qui tụ nhân tâm
cộng đồng, đáp ứng các yêu cầu đào tạo nhân lực tại chỗ của đời sống
cộng đồng.
Nếu thập niên 1950 đem lại thành công lớn cho nền giáo dục Xô Viết,
thì thập niên 1960 đem lại thành công lớn cho nền giáo dục Mỹ.
Các nhà kinh tế Mỹ như Theodor Schoultz, G.Baker đã đưa ra thuyết:
“Tư bản con người”, với lời kêu gọi: Đầu tư cho con người, đầu tư cho
giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan nhất, sáng suốt nhất, có lãi nhất.
Trong lúc giáo dục Mỹ có những bước phát triển ngoạn mục, thì tại
hai nước lớn: Liên Xô và Trung Quốc vào cuối thập niên 1960 sang thập
niên 1970 giáo dục lại có những bước đi gập ghềnh.
Đến thập niên 1970, nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô có biểu hiện về
sức ì khá lớn, năng suất lao động thua kém Mỹ. Do vậy nguồn tài nguyên
cung ứng cho sự hiện đại hóa giáo dục bị hạn chế, chất lượng giáo dục
không còn bứt phá cao như thập niên 1950. Còn tại Trung Quốc, giáo
dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đường lối tả khuynh, đặc biệt trong
Cách mạng văn hóa, đã đi đến chỗ bị sa sút nghiêm trọng.
Trong thời gian này các nước khác ở Châu Âu, Nhật Bản đã thực hiện
CCGD theo trào lưu thứ hai với mục tiêu làm cho giáo dục thích ứng với
cách mạng khoa học kĩ thuật và tăng trưởng kinh tế.
Một loạt các quốc gia trẻ tuổi giành được độc lập sau khi chế độ thực
dân cũ sụp đổ đã tiến hành nền dân chủ của mình bằng con đường dễ làm
là mở rộng cửa trường, tăng qui mô người đi học.
Thời gian này có Chiến tranh lạnh với sự đối đầu gay gắt giữa Liên
Xô và Mỹ, quốc gia nào chịu ảnh hưởng của Liên Xô thì phát triển giáo
dục theo mô hình nhà trường Xô Viết, quốc gia nào chịu ảnh hưởng của
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011
76
Mỹ thì xây dựng nhà trường và phương thức dạy học theo kiểu nhà
trường Mỹ (nhà trường hiệu quả hay nhà trường cộng đồng).
Một hội nghị giáo dục thế giới do Viện Kế hoạch hóa giáo dục quốc tế
chủ trì họp tại Williamsburg – Hoa Kỳ tháng 10/1967, có 150 đại diện
tham dự từ 50 nước công nghiệp hóa hoặc đang thực hiện công nghiệp
hóa. Hội nghị đã khuyến cáo các nước phải tiến hành CCGD với các mục
tiêu ưu tiên: Hiện đại hóa công tác quản lí giáo dục, hiện đại hóa đào tạo,
bồi dưỡng giáo dục, hiện đại hóa quá trình dạy học, tăng nguồn lực tài
chính cho giáo viên, coi trọng giáo dục ngoài trường học và giáo dục
không chính quy.
3. Trào lưu cải cách giáo dục lần thứ ba, diễn ra từ sau những năm
80 của thế kỉ XX, được tiếp tục cho đến ngày nay khi nhân loại đã bước
sang thập niên thứ hai của thế kỉ XXI. Nó nối tiếp các xu thế đã diễn ra
trong trào lưu thứ hai, song cũng là sự phê phán các giải pháp thực tiễn
đã tiến hành.
Nếu những năm 50, 60 của thế kỉ XX, giáo dục thế giới có sự cải cách
về nội dung, phương pháp, mở rộng qui mô, làm cho đa số người dân
được tiếp cận cơ hội học tập, thúc đẩy phát triển kinh tế khoa học kĩ
thuật, tạo nên những thành tựu rực rỡ, thì từ đầu thập niên 1980, giáo dục
thế giới trên bình diện chung và ở nhiều nước đã ẩn dấu các nguy cơ và
có nơi lâm vào khủng hoảng trong động thái phát triển.
Những mâu thuẫn đã biểu hiện tại nhiều nền giáo dục:
- Tiến bộ của khoa học kỹ thuật gây áp lực lớn đến sự gia tăng kiến
thức ở nội dung dạy học. Khối lượng và độ khó của các tài liệu học tập
đã dẫn đến sự quá tải cho học sinh, làm ảnh hưởng đến thể lực và niềm
tin vào sự học hành. Học sinh ít hứng thú học tập, dư luận xã hội thường
ít đồng tình với các chương trình dạy học do các nhà giáo dục soạn thảo,
thực hiện.
- Cũng do việc quá nhấn mạnh đến tính kết cấu, tính hệ thống, tính lí
luận của các môn học mà tiến trình giáo dục, quá trình dạy học buộc phải
coi nhẹ tri thức về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, coi nhẹ việc rèn luyện
giáo dục năng lực thực tiễn, kĩ năng sống.
Năm 1983, Mỹ đã tiến hành điều tra về “kĩ năng đọc - hiểu” và phát
hiện có tới 23 triệu người lớn, chiếm 10% dân số nửa mù chữ (đọc được,
nhưng không hiểu điều mình đọc ra. Thí dụ, không lí giải nổi bảng giờ
tàu chạy ra các ga, tác dụng và cách sử dụng một đơn thuốc trị bệnh, yêu
cầu chế tài của một điều luật đã ban hành).
Trào lưu cải cách giáo dục
77
Ngay Nhật Bản, một nước được coi là có thành công với tư thế người
đi sau vượt kẻ đi trước, thì từ một thẩm định về kết quả cải cách giáo
dục, dư luận nước này đã phải lên tiếng cảnh báo: Điểm thất bại của giáo
dục Nhật Bản là ở chỗ chưa đào tạo thành công những con người Nhật
Bản có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình, với cộng đồng. Con người
mà nền giáo dục Nhật Bản tạo ra thiếu cá tính và chủ kiến, chế độ giáo
dục thường dập khuôn, cứng nhắc, áp đặt
- Số người có văn bằng cao ngày càng nhiều, nhưng một bộ phận
trong số này lại rơi vào tình trạng thất nghiệp, ở nhiều nước có tình trạng
“lạm phát văn bằng cao”. Thông thường thì người có văn bằng cao phải
có tiền lương cao, thế nhưng có một số có văn bằng cao lại làm việc với
năng suất thấp, bởi vì không được đào tạo theo năng lực thực hiện, họ
thường chỉ giỏi lí luận sách vở.
Xã hội chê trách các nhà trường và hệ thống giáo dục tạo ra các sản
phẩm dở dang cho nền kinh tế, tạo nên sự lãng phí cho kinh tế.
- Sự phân hóa đào tạo với hai dòng nhà trường: Nhà trường bình
thường rồi đi học nghề và nhà trường cao đẳng rồi đi học đại học chất
lượng cao.
Nền kinh tế càng tăng trưởng, khoa học, kĩ thuật càng phát triển thì sự
phân hóa đào tạo càng diễn ra một cách tinh vi. Có nơi nó đã tạo ra xung
đột xã hội găy gắt.
Thời gian cuối thế kỉ XX quá độ sang thế kỉ XXI phần lớn các nước
đều tiến hành CCGD, tuy nhiên chưa nước nào tuyên bố CCGD thành
công. Nước này nhìn sang nước kia và đều cảm thấy giáo dục nước mình
có nhiều bất cập.
Phạm vi CCGD trong trào lưu thứ ba rộng lớn hơn, thời gian dài hơn,
cường độ mạnh hơn, nhưng để lại các dư âm thất bại nhiều hơn. Nhà
kinh tế chê trách giáo dục không thúc đẩy nhanh cho kinh tế tăng trưởng,
nhà xã hội chê trách giáo dục tạo nên các sản phẩm cực mới, nhà chính
trị phàn nàn giáo dục ít có hiệu quả cho an ninh đất nước, nhà khoa học,
nhà văn hóa không hài lòng về động thái của giáo dục.
Vấn đề dân số, ô nhiễm môi trường, bảo vệ hòa bình, chống khủng bố,
vấn đề chống sự phân cực giàu nghèo đều hướng vào CCGD, yêu cầu
giáo dục tìm ra giải pháp để vượt qua các thách thức.
Học giả Lưu Phật Niên (Trung Quốc) phải giật tít trong tác phẩm của
mình: “Cải cách giáo dục đã đi tới ngã tư đường”. Ông và các cộng sự
đặt ra các câu hỏi:
- Trong xã hội đương đại và tương lai, giáo dục có vai trò như thế nào?
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011
78
- Mối quan hệ giữa CCGD và cải cách toàn bộ chỉnh thể xã hội cuối
cùng là như thế nào?
- CCGD rút cục cần phải có bước đột phá và đi sâu như thế nào?
Các học giả Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên tiếp cận
CCGD theo tinh thần mở.
- CCGD là quá trình biến đổi các nhân tố giáo dục (hoặc một số nhân
tố) nào đó.
- CCGD là việc tiến hành cách tân đổi mới một số việc nào đó.
- CCGD đạt tới đỉnh cao là tiến hành cách mạng trong giáo dục, thí dụ
thay đổi hệ thống, cấu trúc.
Dù diễn ra ở mức độ nào thì các học giả này đều khẳng định rằng:
CCGD bao gồm những hành động làm cho mục tiêu giáo dục, nội dung
giáo dục, phương pháp giáo dục, đường lối giáo dục, thiết chế giáo dục
được biến đổi theo hướng sao cho các khuyết điểm, yếu kém được hạn
chế lại, được chấn chỉnh và các nhân tố tốt được phát triển lên.
Lấy hai thông số cường độ: trình độ biến đổi và thời gian biến đổi, họ
nêu ra bảng định vị về ba mức: cách mạng giáo dục, biến đổi giáo dục,
và đổi mới giáo dục.
Mạnh Trung bình Yếu
Dài Biến đổi
Trung bình Cách mạng
Ngắn Đổi mới
Đặt giáo dục vào bối cảnh phát triển hiện nay, các học giả Trung Quốc
cho rằng cần phải xây dựng “Cải cách giáo dục học” tức là “Khoa học về
cải cách giáo dục”. Họ nhấn mạnh: lí luận CCGD không phải là sự mở
rộng giản đơn một số phương pháp tư tưởng nào đó, mà là thành quả và
phương pháp tổng hợp phân tích sàng lọc nhiều môn học, chắt lọc những
cái cần dùng cho nền giáo dục của nước mình.
Học giả Trung Quốc quan niệm, ngày nay không thể có hiện tượng
giống như những năm 20, 30 của thế kỷ XX, khi mà một loại tư tưởng
triết học giáo dục kiểu giáo dục thực dụng chủ nghĩa chi phối được toàn
bộ trào lưu giáo dục, chi phối toàn bộ phong trào giáo dục. Ngày nay thế
giới hiện đại có sự đa nguyên hóa tư tưởng, đa cực hóa về đường lối phát
triển. Nhận thức của con người ngày nay về những nhân tố chế ước
CCGD đã sâu sắc hơn nhiều. Không thể giản đơn khẳng định một nhân
Trào lưu cải cách giáo dục
79
tố xã hội nào đó đơn phương quyết định được diện mạo giáo dục, rằng
giáo dục có thể thúc đẩy vô điều kiện sự tăng trưởng kinh tế, rằng chỉ cần
quán triệt riêng môn khoa học tâm lí sẽ giải quyết toàn diện vấn đề chất
lượng giáo dục, rằng chỉ một trường phái khoa học nào đó có thể phát huy
ảnh hưởng tích cực đến cải cách giáo dục. Họ ví von: “Không thể dùng
tâm lí học hành vi chủ nghĩa thay cho tâm lí học theo quan điểm của chủ
nghĩa Mác – Lênin; ngược lại, không thể vì hấp thụ chủ nghĩa Mác –
Lênin mà từ chối chủ nghĩa nhân bản và phủ định tâm lí học hành vi”.
Học giả Trung Quốc khẳng định “Thực tiễn đang kêu gọi lí luận về
CCGD”. Phải từ thực tế đất nước mà nghiên cứu CCGD về những biện
pháp, bước đi. Phải học tập kinh nghiệm CCGD của cả những nước phát
triển và của cả những nước đang phát triển.
Thực tiễn CCGD của thế giới chứng minh: nếu tiếp thu kinh nghiệm
của nước ngoài một cách mù quáng, giản đơn không nghiên cứu kĩ lưỡng
tình hình cụ thể của nước mình, không phân tích một cách tổng hợp để
tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm giáo dục của nước ngoài, thì sẽ không
thể thành công. Tuy nhiên, ngược lại nếu giữ thái độ bài ngoại, tự cao, tự
đại, phủ nhận thành tựu, ưu điểm của nước khác, thì cùng là điều sai lầm.
Sự nghiệp giáo dục mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có sự tìm hiểu vấn
đề theo phạm vi toàn cầu.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Viên Chấn Quốc (2004), Luận về cải cách giáo dục - Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Facques Delors (2002), Học tập một kho báu tiềm ẩn - Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
3. Raja Roy Singh (1994), Nền giáo dục cho thế kỉ XXI - Những triển vọng của các nước vòng
cung Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Khoa học giáo dục Hà Nội.
4. Nguyễn Khương Dư (1997), Chân dung các nhà tâm lí giáo dục thế giới thế kỉ XX, Nxb.
Giáo dục.
5. Phạm Minh Hạc (2010), Một số vấn đề phát triển giáo dục đầu thế kỉ XXI, Nxb. Giáo dục,
Hà Nội.
6. UNDP, Báo cáo phát triển con người (HDR 2010) các năm từ 1990-2010.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 32135_107769_1_pb_2561_2012734.pdf