Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Quảng Bình

- Khuyến cáo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng và không có dịch bệnh. - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất của các ngành y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Quản lý thị trường, Khoa học và Công nghệ,. về quá trình sản xuất, các yếu tố đầu vào, vệ sinh môi trường và chất lượng hàng hoá. Mặt khác phải xử phạt hành chính nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm.

pdf12 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 332 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Quảng Bình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở TỈNH QUẢNG BÌNH Trần Tự Lực Trường Đại học Quảng Bình Tóm tắt. Bài viết nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình về quy mô, hiệu quả sản xuất, cơ sở hạ tầng, tình hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, trình độ lao động. Trên cơ sở đó phân tích những mặt thuận lợi, đạt được và những mặt khó khăn, thách thức để đề ra các giải pháp nhằm phát triển có hiệu quả và bền vững kinh tế trang trại ở tỉnh Quảng Bình. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Kinh tế trang trại đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm từ cuối thập kỷ 80 nhưng mãi đến năm 2000 thì loại hình kinh tế này vẫn chưa phát triển. Tính đến tháng 7 năm 2000 toàn tỉnh có 822 hộ sản xuất kinh doanh theo xu thế phát triển trang trại, trong đó chỉ có 47 cơ sở đạt hai tiêu chí theo Thông tư 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 26/6/2000 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục thống kê; 616 cơ sở đạt một tiêu chí về quy mô mà không đạt tiêu chí về giá trị hàng hóa. Số còn lại, 159 cơ sở mang tính chất gia trại không đủ tiêu chí nào. Tuy nhiên sau khi có Nghị quyết 03/2000/NQ-CP ngày 02/2/2000 của Chính phủ về Kinh tế trang trại và Chỉ thị số 36/CT/TU ngày 30/6/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại với nhiều chủ trương và chính sách như: phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chương trình 5 triệu ha rừng... đã mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kinh tế trang trại ở tỉnh Quảng Bình cả về số lượng và chất lượng. Kinh tế trang trại trở thành khâu đột phá, tạo ra động lực mới trong sản xuất nông nghiệp và đã phát huy được lợi thế của từng vùng; góp phần khai thác và tận dụng nguồn vốn trong dân; mở rộng thêm diện tích, tận dụng đất trống đồi núi trọc, đất hoang hoá ở các vùng gò đồi, miền núi và ven biển; tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Mặc dù đã có những bước phát triển nhiều mặt nhưng loại hình kinh tế trang trại ở Quảng Bình còn mang nặng tính tự phát, bộc lộ nhiều điểm yếu như: thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất; thiếu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; năng lực quản lý kém, quy mô phân tán, manh mún; định hướng sản xuất hàng hoá chưa rõ và chỉ mới khai thác được một phần nhỏ tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua; phân tích những mặt thuận lợi, kết quả đạt được và những mặt khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra các định hướng, giải pháp nhằm phát triển có hiệu quả và bền vững loại hình kinh tế này ở Quảng Bình. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 2. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở QUẢNG BÌNH 2.1. Số lượng, quy mô và tình hình sử dụng đất của trang trại Về số lượng và quy mô trang trại: Tiêu chí về trang trại theo từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước có nhiều sự thay đổi nên để đánh giá sự phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Bình ta đánh giá theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2006 - 2010: Theo các tiêu chí về trang trại trước đây thì đến đến cuối năm 2010 toàn tỉnh Quảng Bình có 1.587 trang trại, tăng 887 trang trại so với năm 2006. Tốc độ tăng trưởng về số lượng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 20,6% (Biểu đồ 1). Mặc dù tổng số lượng trang trại toàn tỉnh tăng, nhưng ở thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Trạch số lượng trang trại lại giảm: Nguyên nhân của trình trạng này là do nhiều trang trại ở hai địa bàn này hoạt động kém hiệu quả và một số trang trại không đạt các tiêu chí nên không xếp vào loại hình kinh tế này. Ngược lại, một số huyện lại có số lượng trang trại tăng nhanh, nhất là Lệ Thuỷ (Từ 39 lên 413 trang trại). Huyện có số lượng trang trại nhiều nhất là Bố Trạch (974 trang trại). Huyện Tuyên Hóa có số lượng trang trại thấp nhất tỉnh (20 trang trại). Riêng huyện Minh Hóa mới phát triển trang trại trong năm 2009 nhưng nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện nên có 22 trang trại, tuy nhiên đến năm 2010 sau khi xét lại các tiêu chí, thì không có trang trại nào của huyện đạt các tiêu chí về trang trại. Biểu đồ 1. Thực trạng trang trại tỉnh Quảng Bình năm 2006 và 2010 Để đánh giá tình hình phát triển trang trại, ta nghiên cứu số lượng trang trại phân theo loại hình sản xuất qua bảng sau: Bảng 1. Số lượng trang trại phân theo loại hình sản xuất năm 2006 và 2010 TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 Loại hình Tổng (trang trại) Tăng, giảm so với năm 2006 (+,-) (trang trại) Tốc độ tăng trưởng bình quân/năm (%) Năm 2006 Năm 2010 Trang trại trồng trọt 308 780 472 24,0 Trang trại lâm nghiệp 144 289 145 15,7 Trang trại chăn nuôi 10 158 148 99,4 Trang trại thuỷ sản 205 195 -10 - 3,1 Trang trại tổng hợp 33 165 132 47,5 Tổng 700 1587 887 20,6 Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Qua bảng ta thấy, xét theo loại hình thì trang trại chăn nuôi có tốc độ tăng nhanh nhất, bình quân 99,4%/năm; trang trại thuỷ sản có xu hướng giảm, bình quân giảm 3,1%/năm. Nguyên nhân có sự gia tăng các trang trại chăn nuôi là do tỉnh đã có chương trình đột phá trong chăn nuôi, còn trang trại thủy sản giảm là do lúc đầu hiệu quả cao nên phát triển ồ ạt nhưng khi dịch bệnh bùng phát thì một số trang trại làm ăn thua lỗ và phá sản. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay: Theo tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại ở Thông tư số 27/2011/TT - BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có rất nhiều trang trại tỉnh Quảng Bình không đạt và bị thu hồi giấy chứng nhận nên tổng số trang trại ở tỉnh Quảng Bình năm 2011 đã giảm rất nhiều so với năm 2010, cụ thể: Cả tỉnh có 531 trang trại (giảm 66,3% so với năm 2010), trong đó huyện Lệ Thủy có 22 trang trại, Quảng Ninh có 7 trang trại, Đồng Hới có 6 trang trại, Bố Trạch có 473 trang trại, Quảng Trạch có 22 trang trại và Tuyên Hóa có 1 trang trại. Phân theo loại hình thì có 288 trang trại trồng trọt, 41 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại lâm nghiệp, 55 trang trại thủy sản và 137 trang trại tổng hợp. Qua số liệu khảo sát cho thấy vùng gò đồi có số lượng trang trại lớn nhất, kế đến là vùng rừng núi. Vùng cát ven biển tuy có nhiều lợi thế để phát triển trang trại nhưng có số lượng trang trại thấp nhất. Nguyên nhân là do ở vùng gò đồi và vùng rừng núi có chính sách giao đất giao rừng, còn ở vùng cát ven biển thủ tục giao đất, cho thuê đất còn gặp nhiều khó khăn nên người dân chưa chú trọng đầu tư để phát triển trang trại. Mặt khác, phát triển trang trại ở vùng cát phải đầu tư kinh phí lớn và rủi ro cao. Thực tế cho thấy trang trại trồng trọt và trang trại lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở vùng gò đồi và vùng rừng núi; vùng cát ven biển chỉ có vài trang trại lâm nghiệp. Trang trại chăn nuôi đang có số lượng lớn nhất ở vùng đồng bằng, xu hướng tương lai sẽ tăng ở vùng gò đồi, giảm ở vùng TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 đồng bằng. Trang trại thủy sản tập trung phát triển ở vùng cát đồng bằng về nuôi tôm, cá cho hiệu quả cao, đang từng bước phát triển và nhân rộng; ở vùng gò đồi chủ yếu phát triển nuôi cá nước ngọt. Trang trại tổng hợp phát triển tương đối đồng đều giữa các vùng đồng bằng, vùng gò đồi và vùng rừng núi nhưng vẫn chưa đầu tư khai thác ở vùng cát ven biển vốn có nhiều lợi thế. Về tình hình sử dụng đất của trang trại: Tính đến năm 2010, tổng diện tích đất các trang trại là 9.705,8 ha, bình quân 6,12 ha/trang trại và chỉ chiếm 1,56% so với diện tích đất lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản toàn tỉnh (622.092 ha). Trong tổng số đất của trang trại thì đất lâm nghiệp là 5.068,9 ha chiếm 52,23%, kế đến là đất trồng cây lâu năm chiếm 30,88%; loại hình trang trại chăn nuôi trong thời gian gần đây tuy phát triển mạnh nhưng diện tích đất đồng cỏ chăn nuôi thấp, chỉ chiếm 0,1%. Trang trại lâm nghiệp có diện tích đất bình quân/trang trại cao nhất 15,9 ha/trang trại, tiếp theo là trang trại tổng hợp, bình quân 5,2 ha/trang trại. Trang trại chăn nuôi có bình quân diện tích/trang trại thấp nhất, chỉ 1,4 ha/trang trại. Tuy nhiên, đến năm 2011 theo tiêu chí mới có rất nhiều trang trại không đạt tiêu chuẩn, số trang trại giảm xuống mạnh kéo theo đất đai vùng sản xuất trang trại giảm theo, chỉ còn 4.266 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 592,2 ha, đất trồng cây lâu năm 1.990,3 ha, đất lâm nghiệp 1.322,8 ha và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 360,7 ha. 2.2. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của trang trại Tổng thu nhập của trang trại năm 2010 là 98.234,5 triệu đồng, bình quân 61,90 triệu đồng/trang trại, tăng hơn 40 triệu đồng so với năm 2006. Trong đó, trang trại chăn nuôi có giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nên đây là loại hình có thu nhập đạt cao nhất, bình quân 160,0 triệu đồng/trang trại; so với năm 2006 tăng bình quân 123,2 triệu đồng/trang trại. Trang trại thủy sản do có sự biến động về giá cả thị trường và dịch bệnh tăng nên chỉ tăng bình quân 14,2 triệu đồng/trang trại so với năm 2006. Đến năm 2011 mặc dù số lượng trang trại giảm nhưng tổng thu nhập trang trại tăng rất lớn, đạt 470.988,93 triệu đồng, trong đó tổng thu từ trang trại nông nghiệp là 361.931,16 triệu đồng, lâm nghiệp là 44.523,67 triệu đồng và thủy sản là 64.534,1 triệu đồng. Qua phân tích số liệu và khảo sát thực tế ta thấy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các trang trại ở Quảng Bình đang có xu hướng tăng lên nhưng về mặt tiêu thụ vẫn chưa chủ động được thị trường mà phải thông qua khâu trung gian, nhất là khi vào mùa vụ thường bị ép giá. Hầu hết sản phẩm của các trang trại đều ở dạng thô, tươi sống, chưa qua chế biến. Chất lượng sản phẩm hàng hoá còn thấp, ít chủng loại, sản phẩm làm ra không đủ lớn để hình thành và phát triển công nghiệp chế biến. Chưa có sự liên doanh, liên kết giữa các chủ trang trại trong tiêu thụ cùng loại sản phẩm; các chủ trang trại còn thiếu thông tin TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 về thị trường. Tỉnh chưa có các chính sách hỗ trợ các chủ trang trại xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu thị trường. 2.3. Cơ sở hạ tầng và tình hình ứng dụng khoa học kỹ thuật của trang trại 2.3.1. Cơ sở hạ tầng của trang trại Về giao thông và điện thắp sáng: Các trạng trại đã có đường rộng để ô tô vào nhưng phần lớn là đường đất, chưa được bê tông hoá và do chủ trang trại tự làm, đi lại trong mùa mưa bão rất khó khăn. 90% trang trại đã có điện thắp sáng, chỉ có một số trang trại ở vùng rừng núi chưa có điện. Về cơ sở chế biến: Toàn tỉnh 100 trang trại có cơ sở chế biến nhưng chủ yếu là chế biến thức ăn tại chỗ phục vụ cho trang trại và tập trung nhiều ở trang trại chăn nuôi, còn lại là chưa có cơ sở chế biến, đặc biệt là chế biến sản phẩm của trang trại. Vì vậy, hầu hết sản phẩm của trang trại đều ở dạng thô, một số mới ở dạng sơ chế, chất lượng sản phẩm thấp và sức cạnh tranh trên thị trường chưa mạnh. Về xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường: Đây là yêu cầu bắt buộc phải đảm bảo trong phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản (nuôi tôm trên cát). Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 200 trang trại đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải và tận dụng khí gas sinh học để đun nấu và sưởi ấm cho lợn, tiết kiệm chi phí. Qua khảo sát cho thấy cơ sở hạ tầng trang trại bước đầu mới chỉ đáp ứng một phần về giao thông phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nhờ có sự kết hợp lồng ghép các chương trình thuộc dự án ARCD, ADB và giao thông nông thôn. Hầu hết cơ sở vật chất, hạ tầng của các trang trại còn đơn giản, chưa có sự đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị sản xuất. 2.3.2. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trang trại Các trang trại đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất như: Giống cây trồng, vật nuôi, vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh, các khoa học kỹ thuật khác... nhưng chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng, vùng gò đồi, vùng cát ven biển, nhất là loại hình trang trại chăn nuôi, thuỷ sản và tổng hợp. Các trang trại lâm nghiệp chủ yếu tận dụng diện tích đất và cây trồng sẵn có để phát triển trừ một số trang trại ở vùng cát đã biết tận dụng lợi thế của cây keo lai vừa để chắn gió, chắn cát, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại thuỷ sản nước mặn, lợ đều thực hiện nuôi theo phương thức thâm canh hoặc bán thâm canh, trong đó các trang trại nuôi tôm trên cát đều nuôi thâm canh với trình độ công nghệ tiên tiến, các hộ nuôi ao bờ đất đều nuôi theo phương thức bán thâm canh. Các trang trại nuôi trồng thủy sản nước ngọt, phương thức nuôi bán thâm canh hoặc quảng canh là tương đối phổ biến, thường kết hợp nuôi cá với chăn nuôi gà, lợn và tận dụng chất thải để nuôi cá. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 Mặc dù đã có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhưng mức độ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cả tỉnh chỉ có 10 trang trại có cán bộ chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học và cao đẳng, 74 trang trại có cán bộ chuyên môn kỹ thuật trung cấp, sơ cấp còn lại hầu hết là vừa làm vừa học. Vì vậy, hiệu quả sản xuất của các trang trại chưa cao, hệ số rủi ro lớn, nhất là các trang trại chăn nuôi, thuỷ sản. Các chính sách đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho chủ trang trại còn hạn chế. Năm 2009, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có tổ chức tập huấn về kinh tế trang trại cho 159 chủ trang trại, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của chủ trang trại. 2.4. Thực trạng trình độ chủ trang trại và lao động trong trang trại 2.4.1. Thực trạng trình độ chủ trang trại Tính đến năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 10 chủ trang trại có trình độ đại học, cao đẳng (chiếm 0,53%); trình độ trung cấp, sơ cấp có 100 người chiếm (5,3%) và lao động phổ thông chiếm 94,17%. Số liệu trên cho thấy, số lượng chủ trang trại chưa có chuyên môn chiếm tỷ lệ cao (94,17%), chủ yếu là nông dân chưa được đào tạo quản lý, gây khó khăn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do trình độ thấp nên công tác điều hành hoạt động sản xuất của chủ trang trại chủ yếu dưới hình thức quản trị đơn giản, tận dụng điều kiện sẵn có của gia đình, làm theo kinh nghiệm, chưa có định hướng trong sản xuất dẫn đến hiệu quả thấp. 2.4.2. Thực trạng lao động trong trang trại Tình hình lao động trong trang trại Quảng Bình được thể hiện ở Bảng 2. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 Bảng 2. Tình hình sử dụng lao động trong trang trại TT Lao động Số lượng (người) Tăng so với năm 2006 (người) Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2011 (%) Năm 2006 Năm 2011 1 Lao động gia đình 1.717 1.858 141 1,990 2 Lao động thuê ngoài; trong đó: 2.288 4.250 1.962 16,7 - Lao động thuê ngoài thường xuyên 327 1.150 823 36,9 - Lao động thuê ngoài thời vụ 1.961 2.210 249 3,3 Cộng 4.005 6.108 2.103 11,1 Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Qua bảng trên cho thấy tình hình lao động của trang trại còn nhiều bất cập. Lao động thuê ngoài và thời vụ chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lao động trong trang trại. Lao động thuê ngoài thường xuyên mặc dù chiếm tỷ lệ thấp nhất, nhưng so với năm 2006 tốc độ tăng trưởng bình quân cao, đạt 36,9%/năm, do trang trại càng phát triển nên nhu cầu thuê lao động thường xuyên càng tăng. Lao động thuê ngoài thời vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2011 thấp nhất do tiền công lao động thời vụ khá cao nên các trang trại ít sử dụng lao động này. Mặt khác lao động thời vụ thường biến động nhiều nên các trang trại chưa thống kê chính xác số lượng. Về trình độ, lao động của trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật nên khả năng đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của công việc như giám sát, đề xuất áp dụng, xử lý các vấn đề kỹ thuật của trang trại còn thấp gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. 2.5. Thực trạng vốn của trang trại Tổng vốn sản xuất của trang trại trong toàn tỉnh đến cuối năm 2010 là 438.606,7 triệu đồng, bình quân 276,4 triệu đồng/trang trại, tăng so với năm 2006 trên 210,0 triệu đồng/trang trại. Trong đó vốn tự có chiếm 54,8%, bình quân 150 triệu đồng/trang trại; vốn vay chiếm khoảng 42,5%, bình quân 170 triệu đồng/trang trại; trong đó trên 80% vốn được vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng. Nguyên nhân là thời gian đầu trang trại phát triển tự phát, tận dụng diện tích sẵn có để sản xuất, chưa có sự đầu tư nên nguồn vốn thấp, đến TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 nay cùng với sự phát triển của các loại hình trang trại, yêu cầu của thị trường, cùng với quy định mới về tiêu chí xác định nên các trang trại đã tập trung vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, quy mô vốn của trang trại tỉnh Quảng Bình còn thấp, chủ yếu là vốn tự có. 2.6. Cơ sở pháp lý cho trang trại hoạt động Tính đến năm 2010, tỉnh đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và các chính sách đất đai. Cụ thể, trong 9.212,9 ha đất của trang trại có 6.628 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 2.054,9 ha đã có hợp đồng thuê, nhận khoán đất; 530 ha đang có tranh chấp hoặc không rõ nguồn gốc. Trong 1.482 trang trại có 969 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 371 trang trại đã có hợp đồng thuê, nhận khoán đất; 56 trang trại đang có tranh chấp đất hoặc chưa rõ nguồn gốc (chủ yếu tập trung ở huyện Lệ Thuỷ). Đến nay, sau khi thực hiện thông tư mới, tiêu chí xác định kinh tế trang trại đã thay đổi. Tỉnh cần có chủ trương xác định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại kịp thời và phù hợp. Đặc biệt là vấn đề giao đất, thuê đất sử dụng lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các chủ trang trại yên tâm sản xuất và mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế quá trình tiến hành rà soát quỹ đất, xác minh nguồn gốc đất của các trang trại tiến tới cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai còn chậm, còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. 3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở TỈNH QUẢNG BÌNH Phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Bình làm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; góp phần xoá đói giảm nghèo, hình thành một số vùng sản xuất chuyên môn hóa theo hướng tập trung; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; góp phần tạo ra nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đa dạng. Mặt khác phát triển loại hình này tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, khai thác có hiệu quả đất đai, đặc biệt là đất hoang hoá, đất trống đồi núi trọc, mặt nước hoang hóa ven sông, đất cát ven biển góp phần khẳng định những giống cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng của Quảng Bình. Tuy nhiên, thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Quảng Bình còn nhiều tồn tại và hạn chế như: Thiếu quy hoạch tổng thể và chi tiết; chưa có định hướng cụ thể, trang trại đang phát triển tự phát, thiếu ổn định về phương hướng sản xuất kinh doanh, không có sự liên kết giữa phát triển trang trại với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung, thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa phát triển kinh tế trang trại với sự phát triển chung của các địa phương về thuỷ lợi, giao thông, điện, thông tin thị trường; nhận thức về kinh tế trang trại của các cấp, ngành chưa đầy đủ và sâu sắc, chưa có định hướng cụ thể và chỉ đạo chưa tích cực; chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế trang trại chưa được tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, còn thiếu đồng bộ và nhiều bất cập,... TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 Vì vậy, để phát huy những tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Bình cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Giải pháp 1. Quy hoạch phát triển trang trại - Quy hoạch phát triển trang trại theo các cụm gắn với quy hoạch tổng thể của huyện, thành phố. - Quy hoạch và hỗ trợ phát triển các loại hình trang trại: Trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, tổng hợp phù hợp cho từng chân đất, từng vùng sinh thái (vùng đồng bằng, vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng rừng núi). - Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại phù hợp cho từng loại cây, con, các vùng nguyên liệu tập trung, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, huyện và thành phố. Giải pháp 2. Đầu tư, hỗ trợ trang trại phát triển Tỉnh cần có sự đầu tư, hỗ trợ phát triển trang trại ở các lĩnh vực như: - Xây dựng hệ thống giao thông; hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc thiết bị cho trang trại; đầu tư xây dựng chợ đầu mối, cơ sở thu mua, chế biến nông sản, các lò giết mổ tập trung ở các vùng, cụm trang trại phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái, thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với quy hoạch tổng thể của các huyện và thành phố. - Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ như: Giống cây trồng, vật nuôi mới; cải tạo và nâng cao chất lượng giống phù hợp với năng lực sản xuất; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho trang trại; hỗ trợ trang trại ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, - Phát triển nguồn nhân lực bằng cách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ trang trại và cán bộ kỹ thuật về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh trong trang trại... - Cung cấp thông tin về dự báo thị trường, giá cả vật tư, phân bón, máy móc...; phát triển xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tham quan học tập tìm hiểu thị trường,... - Quan hệ hợp tác trong trang trại: Có chính sách hướng các chủ trang trại chủ động sản xuất kinh doanh, tham gia vào các câu lạc bộ, hội, liên hiệp trang trại, HTX trang trại để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, định hướng sản xuất kinh doanh, các thông tin thị trường và tìm kiếm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của trang trại,... Giải pháp 3. Tuyên truyền và triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 - Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại để mọi người dân, đặc biệt là các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. - Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân trong việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê đất, tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư để phát triển kinh tế trang trại. Giải pháp 4. Giải pháp về đất đai - Tiến hành rà soát quỹ đất của các trang trại, xác minh nguồn gốc đất, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai. - Hoàn thiện chính sách quản lý đất đai như: thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Giải pháp 5. Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại - Các yếu tố đầu vào: Quản lý chất lượng giống vật nuôi, cây trồng, thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y và các chế phẩm nông nghiệp. Tất cả các cơ sở sản xuất và cung ứng phải đăng ký và được thẩm định cấp phép, mặt khác tăng cường công tác kiểm tra chất lượng (định kỳ hoặc đột xuất) các sản phẩm vật tư nông nghiệp. - Quá trình sản xuất của trang trại: Quản lý dịch bệnh trên từng địa bàn, hướng dẫn xây dựng các cơ sở sản xuất an toàn dịch bệnh. Thực hiện việc thống kê, cập nhật định kỳ tình hình hoạt động của trang trại trên địa bàn để có những đề xuất, điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất cập trong hoạt động của trang trại. - Quản lý chất lượng sản phẩm: Đối với những loại sản phẩm hàng hoá Nhà nước đã có tiêu chuẩn chất lượng cần thanh kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm định kỳ theo quy định. - Quản lý vệ sinh môi trường của trang trại: Kiểm tra, xử lý và nghiêm cấm phát triển trang trại trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện bắt buộc khác. Giải pháp 6. Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá, đảm bảo vệ sinh môi trường - Khuyến cáo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng và không có dịch bệnh. - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất của các ngành y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Quản lý thị trường, Khoa học và Công nghệ,... về quá trình sản xuất, các yếu tố đầu vào, vệ sinh môi trường và chất lượng hàng hoá. Mặt khác phải xử phạt hành chính nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 - Hỗ trợ các trang trại đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Giải pháp 7. Giảm thiểu rủi ro cho các trang trại Nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, cần tuyên truyền phổ biến cho các trang trại thực hiện các vấn đề như: - Đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y và phòng trừ dịch bệnh. - Tham gia đóng bảo hiểm trang trại. - Hợp đồng cung ứng trước vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra trước cho trang trại. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chi cục Phát triển Nông thôn Quảng Bình (2009), Đề án phát triển trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010 – 2015, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình. [2] Sở NN&PTNT Quảng Bình, Báo cáo tổng kết và kế hoạch hoạt động của Sở Nông nghiệp Quảng Bình các năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011. [3] Sở NN&PTNT Quảng Bình (2009), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, Quảng Bình. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH, SỐ 02 THE CURRENT STATUS AND SOLUTIONS IN ORDER TO DEVELOP FARM ECONOMY IN THE PROVINCE OF QUANG BINH Tran Tu Luc Quang Binh University Abstract. The paper is aimed at clarifying the current status of economic development of farms in Quang Binh province in scale farms, production efficiency, infrastructure, the application of technical progress, the level of labor force. On that basis, the analysis of advantages achieved, the difficulties and challenges are considered to proposed solutions in order to develop effective and sustainable farm economy in Quang Binh province.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf9_tran_tu_luc_8153_2024771.pdf