- Yếu tố điểm: là vị trí được đánh dấu ở thực địa bằng dấu mốc đặc biệt như điểm trắc địa, điểm đặc trưng trên đường biên thửa đất, các đặc trưng địa hình.
- Yếu tố đường: là các đường thẳng, đoạn thẳng, đường cong nối qua các điểm trên thực địa.
- Thửa đất: là yếu tố đơn vị cơ bản của đất đai, là một mảnh đất tồn tại ở thực địa có diện tích xác định, giới hạn đường bao kín thuộc một chủ sở hữu hoặc một chủ sử dụng nhất định. Trong mỗi thửa có thể có một hoặc nhiều loại đất. Ranh giới thửa có thể là đường, bở ruộng, tường xây. Đặc trưng của thửa đất là điểm góc thửa, chiều dài cạnh, diện tích. Mọi thửa đất đều có tên (số hiệu địa chính đặt theo thứ tự trên từng tờ bản đồ địa chính).
- Thửa đất phụ: trên một thửa lớn có thể tồn tại các thửa nhỏ có đường ranh giới phân chia không ổn định, có các phần được sử dụng vào các mục đích khác nhau, có mức tính thuế khác nhau. Ví dụ: một thửa đất có đất ở, đất ao, đất vườn,.
18 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2572 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thiết kế và thành lập các bản đồ kinh tế - Xã hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHƯƠNG 6: THIẾT KẾ VÀ THÀNH LẬP CÁC BẢN ĐỒ
KINH TẾ-XÃ HỘI
BÀI 6-1: ĐẶC ĐIỂM THIẾT KẾ, THÀNH LẬP CÁC BẢN ĐỒ KINH TẾ-XÃ HỘI
Kinh tế-xã hội là một lĩnh vực rất rộng lớn, là khái niệm nói về các hoạt động sản xuất, dịch vụ và mọi mặt của đời sống, vật chất và tinh thần.
Nội dung chủ yếu của các bản đồ kinh tế-xã hội là sự thể hiện các đối tượng, hiện tượng, các quá trình và điều kiện kinh tế xã hội. Tức là trên bản đồ kinh tế-xã hội phản ánh môi trường hoạt động của dân cư: kinh tế, cơ cấu và chính sách của nhà nước, đời sống và tinh thần của xã hội, các hiện tượng, sự kiện lịch sử.
1. Phân loại các bản đồ kinh tế-xã hội:
a. Theo nội dung:
Các bản đồ dân cư.
Các bản đồ kinh tế.
Các bản đồ hành chính-chính trị.
Các bản đồ về công nghiệp, xây dựng.
Các bản đồ về giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
Các bản đồ về dịch vụ, thương mại.
Các bản đồ về giáo dục, y tế, văn hóa.
Các bản đồ về lịch sử.
Nhóm bản đồ chuyên môn: du lịch, giáo khoa, địa chính.
Bản đồ về nông nghiệp.
b. Theo độ rộng của đề tài:
Các bản đồ chung.
Các bản đồ chuyên ngành trong đó lại phân ra bản đồ chuyên ngành rộng và bản đồ chuyên ngành hẹp. Phân loại kiểu này chỉ mang tính tương đối.
c. Theo sự thể hiện các hiện tượng trên bản đồ:
Các bản đồ phân tích: thể hiện tỉ mỉ, riêng biệt một ngành. Ví dụ: bản đồ giao thông đường sắt,...
Các bản đồ tổng hợp: từ các chỉ số khác nhau được tổng hợp thành chỉ số chung thể hiện. Ví dụ: Bản đồ phân vùng kinh tế, phân vùng nông nghiệp,...
Các bản đồ phức hợp: thể hiện đồng thời các hiện tượng khác nhau, mỗi hiện tượng lại thể hiện theo một chỉ số riêng. Ví dụ: Bản đồ kinh tế chung,...
2. Đặc điểm thành lập các bản đồ kinh tế-xã hội:
Các bản đồ kinh tế-xã hội phản ánh được những đặc trưng của các hiện tượng, đối tượng kinh tế-xã hội, các hiện tượng này lại luôn biến động theo không gian và thời gian. Nhất là ở những lãnh thổ trong thời điểm diễn ra những biến đổi mạnh mẽ về sự phát triển kinh tế. Vì vậy, những chỉ tiêu, chỉ số của các hiện tượng kinh tế-xã hội được đưa lên bản đồ càng cập nhật thì các bản đồ càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Mặt khác, các chỉ tiêu và chỉ số của các đối tượng, hiện tượng phải thống nhất về thời gian và cho toàn bộ lãnh thổ được biểu hiện trên bản đồ. Các tính chất không cùng thời gian sẽ làm bóp méo mối quan hệ tương quan giữa các đối tượng, hiện tượng cũng như các lãnh thổ trên bản đồ và dẫn đến những ý niệm không đúng đắn về hiện tượng cho người sử dụng bản đồ.
Tài liệu để sử dụng thành lập bản đồ chuyên đề phải đảm bảo sự thống nhất và đầy đủ đối với toàn bộ lãnh thổ được thể hiện.
Các tài liệu thành lập bản đồ:
Các tài liệu là bản đồ: Bản đồ địa lý chung, bản đồ chuyên đề.
Các tài liệu thống kê.
Các tài liệu khác: sách, báo, tạp chí, các kết quả điều tra...
Phương pháp thể hiện bản đồ: phải gần gũi với đặc điểm địa lý của các đối tượng. Mỗi loại đối tượng, hiện tượng có đặc điểm phân bố khác nhau: theo điểm, đường, diện, phân tán, tập trung. Để bản đồ có tính địa lý cao, phản ánh tốt nhất đặc trưng hiện tượng phải vận dụng những phương pháp thể hiện một cách khoa học. Ví dụ: sản xuất công nghiệp (đối tượng phân bố theo dạng điểm) có tính phân bố tập trung cao nên thường thể hiện bằng phương pháp điểm. Sản xuất nông nghiệp (vật nuôi, cây trồng) phân bố diện và phân tán nên thường dùng phương pháp khoanh vùng hoặc phương pháp chấm điểm.
Bố cục bản đồ phải chặt chẽ khoa học phản ánh được sự phân bố những đặc tính về số lượng, chất lượng, cơ cấu của các đối tượng, hiện tượng kinh tế-xã hội. Bố cục phải nhấn mạnh được những khái niệm chính, những yếu tố chính của bản đồ. Trong trường hợp này, ngoài bản đồ chính phản ánh những nội dung cơ bản theo mục đích và chủ đề của bản đồ có thể lập thêm những bản đồ phụ, biểu đô, đồ thị để bổ sung cho nội dung chính, tăng lượng thông tin cho bản đồ. Bố cục cân đối nâng cao độ phong phú của nội dung bản đồ.
3. Nguyên tắc thành lập:
Xác định rõ ràng, cụ thể mục đích của bản đồ: phục vụ đối tượng nào? muốn nhấn tới ý tưởng gì?
Các bản đồ kinh tế-xã hội tiên tiến phải được thành lập trên cơ sở các thành tựu hiện đại của khoa học kĩ thuật về nội dung, cũng như hình thức theo những nguồn tài liệu chính xác hiện đại. Vì vây, khi thành lập bản đồ cần phải khảo sát điều tra về độ chính xác, tin cậy, đầy đủ và xác thực của đối tượng, hiện tượng thể hiện trên bản đồ.
Các đối tượng, hiện tượng phải được phân loại một cách khoa học đúng đắn về phương pháp, liên tục về hệ thống và thống nhất về nguyên tắc.
Các đối tượng, hiện tượng phải đảm bảo tính chính xác địa lý, tất cả các chỉ số kinh tế-xã hội phải được quy về những điểm và vùng cụ thể. Phá nguyên tắc này sẽ dẫn đến sự sơ đồ hóa bản đồ, mất hết ý nghĩa khoa học và thực tiễn của bản đồ.
BÀI 6-2. BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH – CHÍNH TRỊ
I. Khái niệm chung:
Các bản đồ hành chính, chính trị: là các bản đồ phản ánh sự phân chia chính trị thế giới, mối quan hệ chính trị giữa các nước, sự phân chia các đơn vị chính trị trong một nước và các trung tâm hành chính. Đặc điểm của các bản đồ hành chính - chính trị là được sử dụng rộng rãi, tính tư tưởng chính trị rất rõ ràng, yêu cầu về tính hiện thời rất cao.
Các bản đồ hành chính - chính trị được phân ra các loại sau:
1. Các bản đồ chính trị:
Thể hiện sự phân chia lãnh thổ về phương diện chính trị của thế giới hoặc một phần của thế giới. Ví dụ: bản đồ chính trị thế giới (bản đồ các nước trên thế giới), Bản đồ chính trị châu Á (bản đồ các nước châu Á)...
Nội dung chính của bản đồ này là ranh giới các quốc gia và phản ánh sự phụ thuộc lãnh thổ về mặt chính trị, thể hiện thủ đô và các thành phố lớn.
2. Bản đồ hành chính - chính trị:
Trên bản đồ này ngoài ranh giới của các quốc gia còn thể hiện sự phân chia hành chính của các lãnh thổ được biểu thị. Bản đồ này thường được thành lập cho từng quốc gia riêng biệt hoặc cho một nhóm các quốc gia. Sự phân chia hành chính trên các bản đồ này thường chỉ thể hiện ở sự phân chia hành chính cấp cao nhất.
3. Các bản đồ hành chính:
Là những bản đồ thể hiện sự phân chia hành chính của một đơn vị lãnh thổ nào đó. Ví dụ: Bản đồ hành chính tỉnh X, huyện Y; hoặc bản đồ hành chính một vùng nào đó thuộc quốc gia.
Trên bản đồ thể hiện các đường biên giới quốc gia (nếu có), các địa giới hành chính, trung tâm hành chính, các điểm dân cư, mạng lưới đường xá giao thông,...
II. Đặc điểm thiết kế và thành lập bản đồ chính trị:
1. Về cơ sở toán học:
a. Về tỷ lệ:
Các bản đồ chính trị bao quát một lãnh thổ lớn nên được thành lập tương đương một tỷ lệ nhỏ.
b. Phép chiếu và bố cục:
- Phép chiếu: nên chọn phép chiếu không có biến dạng diện tích (để tiện so sánh), chọn phép chiếu có biến dạng gốc không quá lớn (để hình dạng các lãnh thổ không bị méo mó). Các đường vĩ tuyến cần có độ cong tương đối nhỏ.
ð Nên chọn phép chiếu trong loại phép chiếu nhiều hình nón và phép chiếu hình trụ giả.
- Bố cục của bản đồ thường bố trí sao cho vị trí lãnh thổ của nước mình đặt ở trung tâm hoặc gần trung tâm (biến dạng nhỏ và dễ quan sát).
2. Về các yếu tố nội dung và sự thể hiện:
a. Các đường biên giới quốc gia:
- Là nội dung chủ yếu nhất của bản đồ chính trị.
- Cách thể hiện giống bản đồ địa lý chung.
- Phương pháp thể hiện: ký hiệu tuyến.
- Phạm vi của các quốc gia thể hiện bằng phương pháp nền chất lượng. Dọc biên giới có bo viền màu (nằm trong lãnh thổ cùng tông màu và màu đậm hơn). Mỗi quốc gia đều có tên. Nếu diện tích nhỏ thì đánh số và ghi chú, chú thích.
b. Các điểm dân cư:
- Phải thể hiện thủ đô các nước, các trung tâm hành chính cấp cao nhất của mỗi nước, các thành phố lớn có ý nghĩa quan trọng, các hải cảng lớn, các đầu mối giao thông quan trọng.
- Để thể hiện số dân dùng thang phân cấp theo kích thước số liệu. Thủ đô có thể tô bằng màu nổi bật.
c. Giao thông:
- Thể hiện các đường bộ, đường biển và đường hàng không có ý nghĩa quốc tế.
- Đường sắt và đường ô tô thì trước hết thể hiện những đường có ý nghĩa quốc tế, rồi đến những đường nối liền những trung tâm lớn trong nước.
- Các đường hàng hải cần phải thể hiện rõ các tuyến đường quan trọng và ghi chú độ dài. Hải cảng được thể hiện bằng ký hiệu.
- Trên bản đồ thể hiện sân bay có ý nghĩa quốc tế.
d. Thủy hệ:
- Biểu thị sơ lược hơn bản đồ địa lý chung cùng tỷ lệ. Chỉ cần thể hiện đặc trưng chung của hệ thống sông ngòi. Riêng sông và hồ là biên giới giữa hai nước cần chú ý thể hiện.
e. Dáng đất:
- Thường không biểu thì dáng đất nếu cần phải thể hiện thì chỉ thể hiện khái lược bằng phương pháp vờn bóng để biểu đạt các hình thái địa hình lớn.
III. Đặc điểm thành lập các bản đồ hành chính – chính trị:
1. Cơ sở toán học:
Bản đồ hành chính – chính trị thường thể hiện một nước hoặc một nhóm các nước.
- Do các nước có diện tích, hình dạng rất khác nhau cho nên tỷ lệ cũng khác nhau.
- Phép chiếu cần đảm bảo không có biến dạng diện tích hoặc biến dạng nhỏ.
- Bố cục phải đảm bảo thể hiện toàn vẹn phạm vi lãnh thổ.
2. Nội dung bản đồ:
a. Các đường địa giới hành chính – chính trị:
Trên bản đồ ngoài đường biên giới quốc gia còn phải thể hiện địa giới hành chính cấp cao nhât (tỉnh và thành phố thuộc trung ương) với độ chính xác theo quy định.
- Các điểm dân cư từ cấp huyện trở lên thể hiện toàn bộ. Các điểm dân cư khác căn cứ vào tỷ lệ bản đồ và ý nghĩa của điểm đó. Dùng các ký hiệu vòng tròn khác nhau để biểu đạt các cấp hành chính khác nhau.
- Thủ đô thể hiện bằng ký hiệu đặc biệt.
- Dân cư còn thể hiện bằng kiểu và cỡ chữ khác nhau.
b. Giao thông:
- Phản ánh được mối liên hệ giữa các tỉnh, các vùng, các điểm dân cư chủ yếu.
- Với đường sắt trừ đường nhánh ra biểu thị tất cả.
- Thể hiện các trục đường ô tô, các đường ô tô thông với vùng phát triển.
- Thể hiện các đường biển thường xuyên (có ghi chú độ dài).
c. Thủy hệ:
- Biểu thị sơ lược hơn so với bản đồ địa lý chung cùng tỷ lệ.
- Cần thể hiện kết cấu chung của sông ngòi, phân rõ các sông chính và phụ.
- Thể hiện đúng đắn các kiểu bờ biển, các đảo trong phạm vi lãnh thổ ở mức chi tiết nhất mà tỷ lệ cho phép.
- Chú ý thể hiện các sông và hồ dọc trên các đường biên giới.
d. Dáng đất:
- Thể hiện sơ lược bằng vờn bóng hoặc không thể hiện.
- Các đỉnh núi quan trọng phải thể hiện và ghi chú độ cao tròn mét.
- Tên dãy núi quan trọng ghi bằng mầu xám nhạt.
IV. Đặc điểm thành lập các bản đồ hành chính:
1. Cơ sở toán học:
- Bản đồ hành chính biểu thị phạm vi thường không lớn – dùng phép chiếu nào cũng được. Cho nên dùng phép chiếu gì thì biến dạng cũng không lớn. Do đó thường dùng phép chiếu của bản đồ địa hình để thành lập.
2. Nội dung của bản đồ hành chính:
a. Các đường địa giới hành chính:
- Trên bản đồ hành chính tỉnh thể hiện địa giới huyện và thị xã cũng có khi thể hiện địa giới xã nhưng màu nền chất lượng chỉ dùng để phân biệt phạm vi các huyện (mức độ màu của các xã trong huyện khác nhau nhưng cung một tông màu).
- Trên bản đồ hành chính huyện thể hiện địa giới xã.
b. Các điểm dân cư:
- Mức độ tỷ mỉ của điểm dân cư phụ thuộc vào mục đích sử dụng và tỷ lệ bản đồ.
- Trên bản đồ hành chính tỉnh biểu thị các thị xã, huyện lỵ, thị trấn.
- Trên bản đồ hành chính huyện biểu thị tới thôn, xóm.
c. Giao thông:
- Mạng lưới giao thông biểu thị các đường ô tô chính và phụ. Trên các vùng đường xá thưa thớt thể hiện cả đường đất nhỏ.
- Trên các đường xe lửa biểu thị nhà ga.
- Trên các sông vẽ 2 nét biểu thị các cầu, các bến phà, bến tầu.
d. Thủy hệ:
- Biểu thị sơ lược hơn so với bản đồ địa hình cùng tỷ lệ.
- Việc xác định các sông vẽ bằng 1 nét hay 2nét thì cũng giống như trên bản đồ địa hình.
- Các mương máng cũng thường phân ra làm 2 – 3 cấp (1mm2 trở lên phải thể hiện).
- Đường bờ biển thể hiện tỉ mỉ cùng với đảo, ngoài ra còn thể hiện các điểm độ sâu và các đường đẳng sâu của bờ biển trong phạm vi bản đồ.
BÀI 6-3. BẢN ĐỒ DÂN CƯ
I. Khái niệm chung về bản đồ dân cư:
Dân cư là lực lượng sản xuất chủ yếu trong nền kinh tế của mỗi đất nước. Đồng thời còn là nguồn tiêu thụ của cải vật chất, là đại diện của nền văn hóa, là cơ sở của tổ chức chính trị vị thế dân cư được xem là yếu tố quan trọng của địa lý kinh tế. Để phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu dân cư và những mục đích thực tiễn, người ta tiến hành xây dựng nhiều bản đồ dân cư khác nhau.
- Các bản đồ dân cư là một nhóm nằm trong các bản đồ kinh tế – xã hội. Có rất nhiều thể loại nhưng đều có nhiệm vụ thể hiện mục tiêu cơ bản của dân cư: số dân, sự phân bố dân cư, thành phần dân tộc, kết cấu dân cư, trình độ văn hóa chuyên môn.
- Việc thành lập các bản đồ dân cư nói chung đều phải dựa vào số liệu điều tra dân số và các số liệu thống kê.
- Có thể phân ra 3 loại bản đồ dân cư thường gặp:
+ Bản đồ phân bố dân cư thể hiện sự phân bố của toàn bộ dân cư hoặc chỉ biểu thị dân cư thành phố hay nông thôn.
+ Các bản đồ thành phần dân cư: thể hiện đặc điểm, kết cấu dân cư của một lãnh thổ theo thành phần dân tộc, theo giới tính, theo nhóm tuổi, nghề nghiệp, trình độ,...
+ Các bản đồ về sự biến động dân cư trong một khoảng thời gian nhất định (di cư, nhập cư, sinh – tử) biểu thị ở sự gia tăng cơ giới (di cư, nhập cư).
Ngoài các bản đồ dân cư nêu trên người ta còn tiến hành xây dựng các bản đồ về dự báo dân số phục vụ cho mục đích nghiên cứu và quy hoạch.
II. Các bản đồ phân bố dân cư (quan trọng):
Biên vẽ bản đồ dân cư phải có tài liệu thống kê về số lượng dân theo các điểm dân cư hay theo các đơn vị hành chính.
Các phương pháp thể hiện:
- Phương pháp ký hiệu:
+ Ưu điểm: Cho khái niệm đúng đắn về vị trí các điểm dân cư và về số lượng dân.
+ Tuy nhiên còn có nhược điểm: không thể hiện được sự tương quan giữa lãnh thổ mà dân cư sinh sống với ký hiệu biểu thị (thường ký hiệu quá to). Để khắc phục dùng các thang bậc khác nhau. Còn có nhược điểm là không thể hiện được hình thái phân bố vì có vùng dân cư phân bố kéo dài hàng vài km.
- Phương pháp chấm điểm:
+ Mỗi một điểm không biểu thị một vùng dân cư mà là một số lượng dân cư nhất định. Vấn đề quan trọng là chọn tỷ trọng điểm thích hợp. Nếu mật độ dân cư có sự chênh lệch quá lớn thì dùng 2 – 3 điểm có tỷ trọng khác nhau.
- Phương pháp đồ giải:
+ Phương pháp này thể hiện các đơn vị hành chính, nếu chọn đơn vị càng nhỏ độ chính xác càng cao.
- Phương pháp biểu đồ:
+ Thể hiện tổng số dân theo lãnh thổ tỉnh hoặc huyện.
1. Bản đồ phân bố các điểm dân cư:
- Điểm dân cư được định nghĩa là nơi có người ở thường xuyên (không kể số người nhiều hay ít và cách ở như thế nào) và có một tên gọi nhất định.
- Các điểm dân cư có nhiều đặc điểm khác nhau và có sự khác biệt nhau theo nhiều dấu hiệu: hình dạng, kiểu quy hoạch, kiểu cư trú, số lượng người,...
- Các điểm quần cư bao gồm 2 dạng chủ yếu: điểm quần cư nông thôn và quần cư thành thị . Chúng khác nhau về cơ cấu sản xuất (ví dụ: nông thôn cầy cây, ...), về cơ sở hạ tầng và kiến trúc nhà cửa,...
- Ở Việt Nam trên 80% dân số sống ở nông thôn, các loại hình quần cư nông thôn chiếm vị trí nổi bật vừa phản ánh đặc điểm tự nhiên, đặc điểm sản xuất của từng địa phương lại vừa phản ánh đặc thù văn hóa cộng đồng cư trú tại địa phương đó.
- Điểm dân cư thành thị gồm có các thành phố thị xã, các khu công nhân, khu nghỉ mát.
- Tùy theo mục đích thành lập bản đồ, nhiệm vụ nghiên cứu, tỷ lệ bản đồ có thể xây dựng các lọai bản đồ phân bố dân cư khác nhau. Nhiệm vụ của người thành lập bản đồ là thể hiện chính xác, rõ ràng, chi tiết, nổi được 4 đặc trưng quan trọng của dân cư đó là:
+ Phân bố không gian và tổ chức mặt bằng.
+ Vai trò hành chính của một số điểm dân cư.
+ Cấp đô thị của một số điểm dân cư.
+ Số dân của điểm dân cư.
- Phương pháp thể hiện của bản đồ này là phương pháp ký hiệu: dùng các khuyên tròn có dạng khác nhau, các bộ chữ có kiểu, cỡ khác nhau.
2. Bản đồ mật độ dân số:
- Mật độ dân số là số dân trung bình cư trú trên 1km2 trong một vùng.
- Tài liệu là các số liệu điều tra về số dân của 1 đơn vị lãnh thổ như xã, huyện, tỉnh, thành phố.
- Phương pháp thể hiện là phương pháp đồ giải. Chú ý xây dựng thang mật độ dân sô sao cho bản đồ sẽ phản ánh được hiện tượng phân bố dân cư trên lãnh thổ. Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp chấm điểm (quan trọng là chọn được tỷ trọng điểm).
III. Các bản đồ thành phần dân cư:
1. Bản đồ thành phần dân tộc:
- Biểu thị sự phân bố và phát triển của các dân tộc khác nhau sống trên những phần đất khác nhau của lãnh thổ.
- Phương pháp thể hiện:
+ Phương pháp nền chất lượng.
+ Phương pháp biểu đồ.
+ Phương pháp biểu đồ phối hợp với đồ giải (ví dụ: phương pháp đồ giải thể hiện số % của dân tộc chủ yếu so với toàn bộ dân số của lãnh thổ; phương pháp biểu đồ thể hiện % của các dân tộc còn lại.
+ Phương pháp chấm điểm: số điểm chấm biểu thị số lượng dân cư, màu sắc của chấm thể hiện các dân tộc khác nhau (tối ưu từ 3 - 4 màu).
2. Bản đồ kết cấu dân số:
- Theo giới tính: Dựa vào số liệu thống kê mà trong đó dân số được phân ra nam và nữ. Sử dụng phương pháp đồ giải kết hợp với biểu đồ.
- Theo nhóm tuổi: Phương pháp thể hiện là biểu đồ thông qua việc xây dựng biểu đồ tháp tuổi cho từng đơn vị hành chính có thể biết được đặc tính dân số của từng đơn vị đó như dân số già hay trẻ, diễn biến dân số trong tương lai.
IV. Các bản đồ về biến động dân số:
- Thể hiện vào chiều hướng tăng giảm dân số, phụ thuộc vào tương quan giữa tỷ lệ tăng tự nhiên và sự gia tăng cơ giới.
- Dùng phương pháp biểu đồ thể hiện chỉ số tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, sự gia tăng cơ giới.
- Dùng phương pháp đường chuyển động thể hiện sự gia tăng cơ giới.
- Dùng dải băng để thể hiện sự di chuyển của các luồng di dân. Màu sắc thể hiện đặc tính chất lượng của hiện tượng. Ví dụ: di cư màu đỏ, nhập cư màu vàng; số lượng dân di chuyển phản ánh qua chiều rộng dải băng. Hướng di dân theo chiều mũi tên của dải băng.
V. Bản đồ dự báo dân số:
- Dự báo dân số sẽ cho biết sự thay đổi về quy mô dân số – lao động, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số trẻ em ở độ tuổi đến trường.
- Công tác dự báo dân số là vấn đề phức tạp phụ thuộc nhiều yếu tố như kết cấu theo giới tính, độ tuổi, tỷ lệ sinh, chết, khoảng thời gian dự báo.
- Công thức dự báo:
P2 = P1 x (1+r)t
Trong đó: P2: số dân năm dự báo.
P1: số dân gốc.
r : tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm.
t : số năm dự báo.
Ví dụ: quỹ dân số liên hợp quốc năm 1984 đã dự báo dân số Việt Nam là 78 triệu dân vào năm 2000; 108 triệu dân vào năm 2025.
BÀI 6-4. BẢN ĐỒ KINH TẾ
I. Khái niệm chung về các bản đồ kinh tế:
Bản đồ kinh tế là bản đồ thể hiện sự phân bố và phát triển của các hiện tượng kinh tế.
Bản đồ kinh tế có thể phản ánh toàn diện tình hình kinh tế của lãnh thổ, cũng có thể phản ánh riêng một ngành kinh tế nào đó hay là một phương diện của một ngành kinh tế nào đó.
Bản đồ kinh tế có khi phản ánh một cách cụ thể sự phân bố địa lý của các hiện tượng kinh tế, so sánh thực lực tương quan sự phân bố sản xuất khu vực, những mối quan hệ nội tại và các điều kiện phát triển sản xuất. Ngoài ra có thể phản ánh sự phân vùng kinh tế dựa theo chỉ số tổng hợp.
Các bản đồ kinh tế sử dụng rộng rãi trong quy hoạch xây dựng, quản lý kinh doanh, nghiên cứu khoa học.
Theo nội dung bản đồ kinh tế phân loại như sau:
- Bản đồ kinh tế chung.
- Các bản đồ điều kiện phát triển sản xuất.
- Các bản đồ kinh tế chuyên ngành: Công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ...
II. Phương pháp thành lập:
1. Yêu cầu cơ bản của việc thiết kế và thành lập bản đồ kinh tế:
- Phản ánh đúng phương châm của sự phát triển kinh tế đất nước.
- Tư liệu phải mới và có độ tin cậy cao nhất.
- Nội dung bản đồ phải phù hợp chặt chẽ với đề tài, mục đích sử dụng và tỷ lệ bản đồ.
- Toàn bộ nội dung bản đồ phải phản ánh hiện tượng kinh tế của cùng một thời kì.
- Mức độ tổng quát hóa nội dung phải phù hợp với mục đích sử dụng và tỷ lệ bản đồ.
- Cần phản ánh đúng đắn các chỉ số chất lượng và số lượng của nội dung, có sự phù hợp các phương pháp biểu thị và thống nhất của sự trình bày.
2. Các phương pháp thành lập bản đồ:
a. Thành lập từ các số liệu thống kê:
- Phương pháp này được ứng dụng rộng rãi từ các số liệu tiến hành chỉnh lý, xử lý, xác định các chỉ số cần thể hiện và chuyển sang ngôn ngữ bản đồ, chọn phương pháp thể hiện, thiết kế hệ thống kí hiệu, chuyển vẽ nội dung lên bản cơ sở địa lý.
b. Thành lập trên cơ sở tổng quát hóa nội dung của bản đồ kinh tế có tỷ lệ lớn hơn:
- Các bước tổng quát hóa giống như đã học ở 3-6. Đôi khi cũng cần phải tiến hành điều tra bổ xung ngoài thực địa.
c. Thành lập trên cơ sở điều tra, đo đạc, khảo sát ở thực địa:
- Ứng dụng khi thành lập các bản đồ tỷ lệ lớn trên cơ sở các bản đồ địa hình đã có.
III. Bản đồ kinh tế chung:
1. Khái niệm chung:
- Bản đồ kinh tế chung là những bản đồ mà nội dung của nó phản ánh các khái niệm hoàn chỉnh về sự phân bố và cơ cấu kinh tế của đất nước hoặc của khu vực, chỉ ra các mối quan hệ giữa các ngành kinh tế với nhau và với điều kiện tự nhiên và đồng thời phải thể hiện tính chuyên môn hóa của khu vực.
Đa số bản đồ kinh tế chung được thành lập ở dạng bản đồ phức hợp trên đó thể hiện các ngành kinh tế chủ yếu mỗi ngành được thể hiện theo chỉ tiêu riêng nhưng cũng phải xét tới mối quan hệ tương hỗ và ý nghĩa của chúng. Mật độ tổng quát hóa của bản đồ kinh tế chung tương đối lớn.
- Tư liệu thành lập: tư liệu thống kê, các bản đồ, tư liệu văn bản, điều tra thực địa.
2. Nội dung và phương pháp biểu thị:
- Nội dung chủ yếu của bản đồ kinh tế chung là công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, lực lượng lao động và tài nguyên khoáng sản.
- Nguyên tắc đầu tiên phải đặt ra là phản ánh được đặc trưng kinh tế theo hướng chuyên môn hóa của các vùng hoặc các trung tâm.
- Công nghiệp đặc trưng bằng những trung tâm công nghiệp, các cụm công nghiệp với các cơ cấu ngành và những xí nghiệp công nghiệp điển hình, được thể hiện bằng phương pháp ký hiệu, ký hiệu theo thang điều kiện, màu sắc khác nhau để phân biệt các ngành sản xuất chính.
- Nông nghiệp được thể hiện với cả chỉ số tổng hợp và phân tích như các vùng nông nghiệp, sự phân bố các cây trồng, vật nuôi đặc trưng trên các vùng lãnh thổ. Phương pháp thể hiện khoanh vùng, nền chất lượng.
- Giao thông thể hiện tương đối tỉ mỉ (nhà ga, cảng sông, cảng biển, ...). Nếu tỷ lệ bản đồ và tư liệu cho phép thì phản ánh khái lược lượng vận chuyển và cơ cấu vận chuyển trên các tuyến giao thông chủ yếu.
- Lực lượng lao động được phản ánh thông qua các điểm dân cư bằng phương pháp kí hiệu điều kiện hoặc thang phân bậc. Với bản đồ tỷ lệ lớn thể hiện đường viền mặt bằng dân cư. Ý nghĩa hành chính của điểm dân cư được phân biệt thể hiện băng kiểu chữ.
- Tài nguyên khoáng sản: ở bản đồ tỷ lệ lớn và trung bình có thể biểu thị các mối liên hệ kinh tế với nguồn nguyên liêu, năng lượng, nhân lực, thị trường tiêu thụ, cơ quan, bưu điện, văn hóa, ...
BÀI 6-5. BẢN ĐỒ CÔNG NGHIỆP
I. Khái niệm chung:
1. Định nghĩa:
- Các bản đồ công nghiệp là các bản đồ phản ánh tình hình phân bố và phát triển công nghiệp đồng thời chỉ rõ năng lực sản xuất hoặc ý nghĩa của các điểm công nghiệp, cũng có khi thể hiện nguồn của các nguồn nguyên liệu chủ yếu và các mối liên hệ kinh tế.
2. Phân loại:
- Các bản đồ công nghiệp được phân ra hai loại lớn là bản đồ công nghiệp chung và bản đồ công nghiệp chuyên ngành.
a. Bản đồ công nghiệp chung:
Chú trọng thể hiện sự phân bố và phát triển của toàn bộ công nghiệp, cụ thể là:
- Mức độ công nghiệp hóa của đất nước hoặc của khu vực thể hiện bằng tỉ trọng tổng giá trị công nghiệp trong tổng giá trị của kinh tế quốc dân.
- Sự xây dựng công nghiệp về quy mô và đầu tư cơ bản.
- Cơ cấu ngành công nghiệp thông qua các giá trị sản phẩm.
- Mức độ cơ giới hóa, tự động hóa.
b. Các bản đồ công nghiệp chuyên ngành:
- Phản ánh một ngành công nghiệp nào đó hoặc là hẹp hơn chỉ phản ánh một phương diện nào đó của một chuyên ngành. Ví dụ: cơ khí, luyện kim, chế tạo máy,...
- Ở bản đồ công nghiệp chuyên ngành tính chi tiết rất cao, tất cả các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc chủ đề bản đồ được phản ánh đến từng điểm phân bố với những đặc trưng sản xuất cụ thể cho phép tiến hành đánh giá sự phân bố và sự phát triển của ngành công nghiệp.
II. Đặc điểm thành lập:
1. Tư liệu:
2. Đơn vị lập bản đồ:
- Thường là từng xí nghiệp riêng biệt hay nhóm những xí nghiệp của 1 lĩnh vực công nghiệp hoặc nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau trên 1 điểm hoặc nằm gần nhau. Xác định đơn vị lập bản đồ phụ thuộc vào mục đích, tỷ lệ, tư liệu và đặc điểm công nghiệp lãnh thổ.
3. Phương pháp thể hiện:
a. Các đặc trưng chất lượng:
- Thường dùng các màu sắc khác nhau để phân biệt các chuyên ngành khác nhau. Dùng các hình dạng của ký hiệu để thể hiện các chủng loại sản xuất cụ thể trong cùng một chuyên ngành.
- Thường chỉ thể hiện riêng biệt các ngành quan trọng còn đối với những ngành nhỏ có thể gộp lại và gọi chung là “những ngành khác”.
- Dùng các kí hiệu kết cấu.
b. Các đặc trưng số lượng:
- Phương pháp thể hiện tối ưu là phương pháp kí hiệu với kích thước khác nhau theo các thang tuyệt đối hoặc phân cấp.
- Phương pháp đồ giải khi so sánh sản xuất công nghiệp của các vùng khác nhau.
4. Các chỉ tiêu, chỉ số thành lập bản đồ:
* Trên bản đồ công nghiệp:
- Nội dung công nghiệp có thể phản ánh thông qua nhiều dấu hiệu đặc trưng khác nhau như: theo ngành sản xuất công nghiệp, theo sự sở hữu công nghiệp, theo sự tổ chức quản lý.
- Dấu hiệu đặc trưng được sử dụng phổ biến nhất là đặc điểm của sản phẩm, tức là theo các ngành công nghiệp: máy móc, vải sợi, sắt thép.
- Sự phân ngành có thể đựơc thể hiện theo ngành hẹp hoặc theo lĩnh vực sản xuất công nghiệp:
+ Theo lĩnh vực sản xuất chia thành 2 nhóm chính: khai thác và chế biến.
+ Theo ngành công nghiệp: cơ khí, luyện kim, thực phẩm, ...
- Ngoài dấu hiệu đặc trưng là ngành trên các bản đồ công nghiệp còn sử dụng một số dấu hiệu khác mang tính xã hội và kĩ thuật như: theo hình thức sở hữu, theo mức độ tập trung (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), theo tổ chức quản lý (cấp bộ, cấp trung ương) – ít dùng.
* Cùng với sự lựa chọn các dấu hiệu để thể hiện, việc xác định các chỉ số cũng rất quan trọng đặc biệt là các chỉ số về số lượng. Chỉ số được dùng phổ biến nhất là quy mô của các xí nghiệp. Quy mô thường được thể hiện bởi môt trong ba chỉ số sau:
+ Chỉ số về tổng khối lượng sản phẩm: được phản ánh bằng hiện vât (cái, tấn, mét,...) hoặc bằng tiền.
+ Chỉ số về công nhân thể hiện theo số lượng công nhân viên làm việc trong xí nghiệp.
+ Chỉ số giá trị đầu tư cơ bản.
- Ngoài 3 chỉ số cơ bản trên còn dùng chỉ số sản phẩm công nghiệp theo đầu người hoặc có thể dùng kết hợp chỉ số trên.
BÀI 6-6: BẢN ĐỒ GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Khái niệm chung về bản đồ giao thông vận tải:
- Giao thông vận tải là ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, không có giao thông thì không thể có những mối liên hệ về kinh tế xã hội.
- Những mối liên hệ nghiên cứu về giao thông chủ yếu là:
+ Mạng lưới giao thông.
+ Sự vận chuyển, lượng vận chuyển.
+ Phân vùng giao thông.
- Các chỉ tiêu về giao thông:
+ Chỉ tiêu sự phát triển các đường giao thông và cấu trúc của chúng. Ví dụ: đường sắt chỉ tiêu là độ rộng, loại đầu máy; đường ô tô là độ rộng đường, đặc điểm nền đường (nhựa, đá,...), khả năng chịu tải của cầu; đường ống dẫn là đường kính của ống, tốc độ vận chuyển, chiều dài đường ống.
+ Chỉ số về kinh tế, kĩ thuật của các loại đường: khả năng thông đường, trang bị kĩ thuật xây dựng giao thông.
- Phân loại mạng lưới giao thông:
+ Những đại lộ: là những đường giao thông nối giữa các vùng và với quốc tế.
+ Những đường địa phương: là những đường giao thông đảm bảo liên hệ trong từng vùng và những nhánh vào của nhóm đầu.
+ Lưới bên trong của những đầu mối giao thông gồm lưới giao thông phục vụ những đầu mối và điểm giao thông trực tiếp (thành phố, nhà ga, bến,...).
2. Nội dung và phương pháp biểu thị của các bản đồ giao thông vận tải:
a. Bản đồ mạng lưới giao thông và điều kiện giao thông:
- Biểu thị về sự phân bố và tình trạng phát triển của mạng lưới giao thông vận tải, các chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật của các đường giao thông, tình hình đảm bảo giao thông vận tải với khu vực và khu dân cư.
- Trên bản đồ biểu thị các tuyến đường: đường sắt, đường ô tô, đường thủy và đường hàng không. Mức độ tỉ mỉ phụ thuộc vào mục đích và tỷ lệ của bản đồ nhưng không thể sơ lược hơn so với bản đồ địa lý chung cùng tỷ lệ, đồng thời ghi rõ khoảng cách của từng đoạn.
- Trên các bản đồ giao thông vận tải có tính chuyên môn cần phải biểu thị tỉ mỉ các loại đường giao thông và các đặc trưng của nó theo các chỉ tiêu.
- Trên bản đồ mạng lưới giao thông còn có các ga chính, hải cảng, bến tầu, sân bay.
- Trên bản đồ điều kiện giao thông vận tải đường sắt có thể lập bản đồ đẳng cự tới đường sắt, cách đường sắt càng xa thì giao thông càng không tiện lợi.
- Trên bản đồ điều kiện giao thông vận tải đường ô tô được biểu thị bằng phương pháp đồ giải (thể hiện bằng độ dài trung bình của các đường ô tô trên 1 km2).
- Để phản ánh khái niệm thời gian (ví dụ: thời gian để đi từ trung tâm thành phố đến các nơi bằng phương tiện giao thông nào đó) dùng đường đẳng thời gian để thể hiện.
b. Bản đồ luồng hàng:
- Chủ yếu phản ánh các nội dung sau:
+ Biểu thị lượng vận chuyển của các tuyến đường.
+ Biểu thị các tuyến vận chuyển thực tế.
+ Biểu thị tình hình giao lưu hàng hóa giữa các nơi.
+ Biểu thị quan hệ kinh tế giữa các vùng.
- Lượng vận chuyển đường sắt, đường ô tô có thể thể hiện bằng số lượng chuyến xe trong ngày, trong tuần hoặc tổng trọng lượng hàng hóa được vận chuyển. Vận chuyển hành khách được thể hiện bằng số hành khách trong ngày, phương pháp thể hiện đường chuyển động hoặc dải băng có chiều rộng tỷ lệ với chỉ số số lượng vận chuyển phương pháp kí hiệu điểm dùng thang phân cấp. Lượng vận chuyển bằng đường thủy và đường hàng không cũng thể hiện như trên. Bản đồ biểu thị lượng vận chuyển thì thường không biểu thị cơ cấu hàng vận chuyển mà chỉ biểu thị năng lực vận chuyển.
- Trên bản đồ giao lưu hàng hóa thường dùng ký hiệu kết cấu để phản ánh số lượng và cơ cấu hàng hóa, muốn vậy phải xác định mỗi mm chiều rộng của dải sẽ tương ứng với khối lượng trọng tải nhất định. Các dải đặt phía bên phải của tuyến đường vận chuyển. Để chỉ rõ phương hướng thì dùng mũi tên hỗ trợ.
- Các hàng hóa thường nhiều khi vẽ kí hiệu kết cấu cần chọn một số loại chủ yếu để biểu thị và phải căn cứ vào khối lượng nên:
+ Làm thay đổi một cách thích đáng khoảng cách giữa các nút giao thông ở những khu vực có mật độ dày đặc.
+ Dùng một mẩu ngang của dải để thay thế cho lượng vận chuyển hàng hóa của cả đoạn.
+ Để phản ánh giao lưu hàng hóa giữa các vùng có thể dùng các đường vận động khái lược để thể hiện tổng lượng hàng vận chuyển từ vùng này đến vùng khác. Khi đó tuyến đường cụ thể không quan trọng mà độ rộng biểu thị giá trị hoặc trọng lượng của hàng hóa vận chuyển cần chú ý.
BÀI 6-7: BẢN ĐỒ VĂN HÓA, Y TẾ
1. Khái niệm chung về bản đồ văn hóa, y tế:
- Bản đồ văn hóa, giáo dục, y tế phản ánh chung đời sống tư tưởng và tinh thần của xã hội. Các bản đồ này có quan hệ chặt chẽ với bản đồ dân cư vì chúng thể hiện một trong những khía cạnh đặc trưng của dân cư.
- Các bản đồ này biểu hiện sự thống kê nhân khẩu xã hội, những vấn đề giáo dục, thể dục, thể thao, khoa học, văn hóa, sức khỏe và những điều kiện sinh hoạt khác.
- Mục đích của các bản đồ này nhằm phản ánh những đặc điểm và sự phát triển những văn hóa trong nước hoặc trong vùng nhằm phục vụ sự phát triển văn hóa – xã hội.
2. Nội dung và phương pháp biểu thị:
a. Bản đồ giáo dục và đào tạo:
Gồm bản đồ giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp.
Các bản đồ giáo dục phổ thông có tác dụng giới thiệu tình hình giáo dục của đất nước.
- Các chỉ tiêu để phản ánh mức độ phát triển của giáo dục là:
+ Tỉ số giữa học sinh phổ thông và tổng số người ở độ tuổi học đường (tính theo %).
+ Tỉ số giữa số học sinh và tổng số dân.
- Các chỉ tiêu phản ánh độ đảm bảo của trường học với lãnh thổ:
+ Tỉ lệ trường trên đơn vị diện tích hoặc tỉ lệ trường trên một đơn vị hành chính.
+ Lãnh thổ được phục vụ bởi trường.
Các chỉ số này thể hiện trên bản đồ bằng phương pháp đồ giải.
- Trên bản đồ giáo dục phổ thông còn phản ánh tổng số học sinh và tổng số giáo viên bằng phương pháp biểu đồ.
Trên bản đồ giáo dục chuyên nghiệp thường dùng phương pháp ký hiệu để phân biệt biểu thị tình trạng phân bố của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dậy nghề. Có khi trên bản đồ còn phản ánh số học sinh đại học có phân biệt chính quy, tại chức, số học viên cao học.
- Chỉ tiêu để phản ánh trình độ phát triển của giáo dục chuyên nghiệp là tỉ số học sinh đại học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trên tổng số dân.
- Sự phát triển và thành tựu của giáo dục thì chủ yếu phản ánh bằng sự tăng của học sinh, giáo viên, số trường, số lớp, ...; phương pháp phản ánh biểu đồ qua các năm.
b. Bản đồ trình độ phát triển khoa học kĩ thuật:
- Để thể hiện có thể dùng tỉ số giữa số cán bộ khoa học kĩ thuật trên tổng số dân.
- Trên bản đồ cần phải thể hiện sự phân bố của các cơ quan nghiên cứu khoa học và đặc trưng của các cơ quan đó. Ví dụ: tính trực thuộc (trung ương, bộ, ngành); quy mô (viện khoa học, phân viện, phòng,...).
- Bản đồ cũng cần cho thấy sự cung ứng cán bộ, mối tương quan của đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật với sự phát triển kinh tế – xã hội của lãnh thổ (số cán bộ có trình độ trên 1000 dân).
c. Bản đồ y tế:
- Nội dung cơ bản được thể hiện là mạng lưới y tế và mức độ đảm bảo về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho dân cư của lãnh thổ.
- Mạng lưới y tế phải nêu bật được sự phân bố của các cơ quan y tế như bệnh viện, bệnh xá.
- Các cơ quan bảo vệ sức khỏe, các trại an dưỡng nghỉ ngơi,... Trong mỗi cơ sở y tế của mạng lưới phải thể hiện được các đặc điểm về số lượng và chất lượng đối với các bệnh viện, bệnh xá, ... Chỉ số về số lượng được sử dụng là số giường bệnh hoặc số lượng y bác sỹ với các cơ quan bảo vệ sức khỏe. Chỉ số thường dùng là số lượng dân cư được phân công, phụ trách.
Về chất lượng có thể thể hiện theo chức năng như bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sản khoa), cũng có thể thể hiện theo nhiệm vụ (ví dụ: điều trị nội trú, ngoại trú).
- Về mức độ đảm bảo y tế chỉ tiêu thể hiện là số toa thuốc hoặc số giường bệnh trên 1000 hoặc 10.000 dân.
d. Bản đồ về thể dục, thể thao:
- Nội dung của bản đồ thể dục, thể thao là sự phân bố các mạng lưới thể dục - thể thao như các sân vận động, các bãi tập, nhà thi đấu, các câu lạc bộ thể dục – thể thao và sự tham gia của dân cư vào các hoạt động này như số vận động viên, số người tham gia luyện tập thường xuyên trên số dân của các đơn vị lãnh thổ.
Các chỉ số này cho thấy phong trào, mức độ hoạt động thể dục, thể thao của các địa phương.
e. Bản đồ văn hóa:
- Nội dung gồm có mạng lưới các cơ quan văn hóa: thư viện, câu lạc bộ, nhà hát, bảo tàng, ...
- Về quy mô các thư viện được phản ánh theo số đầu sách, lượng bạn đọc; với nhà hát, rạp chiếu bóng, bảo tàng, ... chỉ tiêu cơ bản là chỗ ngồi, số buổi biểu diễn, lượng người xem trong một năm.
- Về chất lượng hoạt đông văn hóa phản ánh qua đối tượng phục vụ, chuyên môn phục vụ.
- Về mức độ đảm bảo văn hóa cho dân cư có nhiều chỉ tiêu thể hiện:
+ Số cơ sở văn hóa trên một đơn vị dân hoặc trên 1000 dân hoặc đảo ngược là số dân trung bình trên một cơ sở văn hóa, số lần được xem biểu diễn trung bình với một người dân trong năm.
+ Số sách báo phát hành trên đầu người.
- Nội dung các bản đồ giáo dục, y tế, văn hóa rất phong phú nhưng các bản đồ này đều có nét chung là nội dung của chúng phải gắn liền với dấu hiệu về mạng lưới và độ đảm bảo cho dân cư của lãnh thổ về các hoạt động của lĩnh vực.
BÀI 6-8: BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH
1. Khái niệm chung:
- Định nghĩa: bản đồ địa chính là bản đồ chuyên ngành đất đai trên đó thể hiện chính xác vị trí ranh giới, diện tích và một số thông tin địa chính của từng thửa đất, vùng đất. Bản đồ địa chính còn thể hiện các yếu tố địa lý khác liên quan đến đất đai được thành lập theo đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn và thống nhất trong phạm vi cả nước.
- Bản đồ địa chính cơ sở là bản đồ gốc được đo vẽ bằng các phương pháp trực tiếp ở thực địa, đo vẽ bằng ảnh hàng không kết hợp bổ xung ở thực địa hay biên tập trên cơ sở bản đồ cùng tỷ lệ đã có. Bản đồ địa chính cơ sở được đo vẽ kín ranh giới hành chính và kín mảnh.
- Bản đồ địa chính là tên gọi của bản đồ được biên tập, biên vẽ từ bản đồ địa chính cơ sở theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn được đo vẽ bổ xung để trọn vẹn các thửa đất, xác định các loại đất theo chỉ tiêu thống kê của từng chủ sử dụng trong mỗi mảnh bản đồ và được hoàn chỉnh phù hợp với số liệu trong hồ sơ địa chính. Trên bản đồ thể hiện vị trí, hình thể, diện tích, số thửa và loại đất của từng chủ sử dụng đất.
2. Nội dung của bản đồ địa chính:
a. Các yếu tố cơ bản của bản đồ địa chính:
- Yếu tố điểm: là vị trí được đánh dấu ở thực địa bằng dấu mốc đặc biệt như điểm trắc địa, điểm đặc trưng trên đường biên thửa đất, các đặc trưng địa hình.
- Yếu tố đường: là các đường thẳng, đoạn thẳng, đường cong nối qua các điểm trên thực địa.
- Thửa đất: là yếu tố đơn vị cơ bản của đất đai, là một mảnh đất tồn tại ở thực địa có diện tích xác định, giới hạn đường bao kín thuộc một chủ sở hữu hoặc một chủ sử dụng nhất định. Trong mỗi thửa có thể có một hoặc nhiều loại đất. Ranh giới thửa có thể là đường, bở ruộng, tường xây. Đặc trưng của thửa đất là điểm góc thửa, chiều dài cạnh, diện tích. Mọi thửa đất đều có tên (số hiệu địa chính đặt theo thứ tự trên từng tờ bản đồ địa chính).
- Thửa đất phụ: trên một thửa lớn có thể tồn tại các thửa nhỏ có đường ranh giới phân chia không ổn định, có các phần được sử dụng vào các mục đích khác nhau, có mức tính thuế khác nhau. Ví dụ: một thửa đất có đất ở, đất ao, đất vườn,...
- Lô đất: là vùng đất gồm một hoặc nhiều thửa được chia lô theo điều kiện địa lý như cùng độ cao, độ dốc, điều kiện giao thông thủy lợi,...
- Khu đất, xứ đồng: là vùng đất gồm nhiều thửa, nhiều lô có tên gọi riêng được đặt từ lâu đời.
- Thôn, bản, xóm, ấp: là cụm dân cư tạo thành một cộng đồng người cùng sống, lao động, sản xuất trên một vùng đất.
- Xã, phường: là đơn vị hành chính gồm nhiều thôn, bản có đủ quyền lực để thực hiện chức năng quản lý nhà nước toàn diện.
b. Nội dung:
- Điểm khống chế tọa độ và độ cao gồm có lưới tọa độ địa chính cấp I, II,...
- Địa giới hành chính các cấp phù hợp với hồ sơ lưu giữ.
- Ranh giới thửa đất.
- Loại đất thể hiện 5 loại đất chính: nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyên dùng, đất ở và đất chưa sử dụng.
- Công trình xây dựng trên đất ở bản đồ tỷ lệ lớn phải thể hiện ranh giới các công trình xây dựng.
- Ranh giới sử dụng đất: ranh giới khu dân cư, ranh giới của các doanh nghiệp, doanh trại các tổ chức xã hội.
- Hệ thống giao thông.
- Mạng lưới thủy văn.
- Địa vật định hướng.
- Mốc giới quy hoạch, dáng đất (nếu có).
3. Cơ sở toán học:
a. Tỷ lệ:
- Bản đồ địa chính được thành lập theo các tỷ lệ: 1:500; 1;1000; 1:2000; 1:5000; 1:10 000; 1:25 000.
b. Phép chiếu và hệ tọa độ:
- Lưới chiếu UTM.
- Hệ quy chiếu và hệ tọa độ nhà nước VN-2000.
Tuy nhiên kinh tuyến trục quy định theo từng tỉnh.
c. Chia mảnh đánh số (xem sách đo đạc địa chính).
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- CHƯƠNG 6- THIẾT KẾ VÀ THÀNH LẬP CÁC BẢN ĐỒ KINH TẾ-XÃ HỘI.doc