Thể loại Monogatari và Genji Monogatari của Murasaki Shikibu - Nguyễn Anh Dân

KẾT LUẬN Genji monogatari tồn tại trong văn học Nhật Bản như một tượng đài kì vĩ của sức sáng tạo nghệ thuật phi thường. Genji monogatari ghi dấu ấn hầu như trong mọi phương diện của nền văn hóa Nhật Bản. Nó là nguồn cảm hứng vô tận cho thi văn, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh Phong cách của Murasaki có ảnh hưởng sâu rộng, ngay cả những nhà văn hiện đại cũng thừa nhận ảnh hưởng của bà: Higuchi Ichiyo (1872-1896), Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927), Tanizaki Jun-ichiro (1886-1965) hay Kawabata Yasunari (1899-1972). Cùng với những đóng góp về mặt thể loại, nghệ thuật xây dựng kết cấu, phức cảm về cái đẹp thì phân tích tâm lý nhân vật là phương diện có nhiều đóng góp của Genji monogatari. Các yếu tố này được kết hợp với dung lượng đồ sộ, lối hành văn mạch lạc, đậm chất trữ tình đã tạo cho Genji monogatari vóc dáng của một tiểu thuyết hiện đại. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quan điểm hư vô Phật giáo nhưng tư tưởng chủ đạo của Genji monogatari vẫn là ngợi ca vẻ đẹp và thế giới tình cảm đa dạng của con người, của thiên nhiên, cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết này của Murasaki Shikibu xứng đáng là một di sản vô giá của văn học Nhật Bản./.

pdf9 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 697 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thể loại Monogatari và Genji Monogatari của Murasaki Shikibu - Nguyễn Anh Dân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 72-80 THỂ LOẠI MONOGATARI VÀ GENJI MONOGATARI CỦA MURASAKI SHIKIBU NGUYỄN ANH DÂN Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Monogatari (vật ngữ) là một thể loại tự sự của Nhật Bản, ra đời vào khoảng thế kỉ VIII. Cùng với sự hình thành của thể loại monogatari, nhiều tác phẩm vật ngữ xuất sắc đã ra đời, trong đó có Genji monogatari của Murasaki Shikibu. Genji monogatari được nhiều học giả phương Tây đánh giá là “kiệt tác vĩ đại nhất của văn học Nhật Bản”, “một tác phẩm kinh điển của văn học nhân loại” [5]. Murasaki Shikibu cũng đồng thời được vinh danh như người khai sinh ra cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của nhân loại. Đây là một sự kiện hết sức phi thường, vì ngay từ thế kỉ XI, Murasaki đã sáng tạo ra Genji monogatari - một cuốn vật ngữ chứa đựng rất nhiều yếu tố nghệ thuật của tự sự hiện đại. THỂ LOẠI MONOGATARI Từ văn học Nara (thế kỉ VIII) đến văn học Heian (794-1185), văn học viết Nhật Bản đã có một bước phát triển mạnh mẽ. Văn tự Kana được sử dụng rộng rãi trong thời Heian thể hiện tính phát triển tự thân cao độ của văn hóa Nhật Bản. Trước đó, người Nhật mượn Hán tự để ghi âm tiếng Nhật (tiêu biểu là trong tập thơ Manyoshu - “Vạn diệp tập”, ra đời khoảng năm 759). Tương truyền, đại sư Kobo (774-835) chính là người đã giản lược hóa Hán tự, phát minh ra 50 kí hiệu mới để ghi âm tiếng Nhật. Phát kiến này đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ của Nhật Bản. Kể từ đây, đội ngũ sáng tác văn học có thể biểu đạt hình tượng bằng văn tự Nhật một cách thuận tiện, thoải mái. Chính điều này tạo cơ sở cho một thể loại văn học mới xuất hiện: thể loại “vật ngữ” - monogatari. Monogatari là một danh từ kép được tạo thành từ mono (vật) nghĩa là “truyện” và gatari (ngữ) nghĩa là “kể”. Ngay từ khi mới xuất hiện, monogatari không phải là thuật ngữ riêng chỉ thể loại tiểu thuyết mà nó đơn thuần chỉ là hình thức kể chuyện. Điều này cũng có nghĩa là khi chấp bút Genji monogatari, tác giả của nó - Murasaki Shikibu - không ý thức được mình đang viết một cuốn tiểu thuyết. May mắn là, sự vô tình này đã góp phần vào việc hình thành một trong những thể loại quan trọng nhất của văn chương nhân loại. Và thật tự hào, những viên gạch nền móng của tiểu thuyết thế giới lại được xuất phát từ xứ sở Mặt trời mọc của phương Đông. Cùng với thơ ca (uta), monogatari là thể loại chủ đạo, đạt được nhiều thành tựu nổi bật của văn học Heian. Ngoài Genji monogatari, văn học thời kì này có một số monogatari nổi bật như Taketori monogatari (Ông già đốn trúc) hay còn có tên gọi khác là Kaguya Hime (Tiểu thư ánh trăng), Ise monogatari (Truyện xứ Ise), Utsubo monogatari (Truyện THỂ LOẠI MONOGATARI VÀ GENJI MONOGATARI CỦA MURASAKI SHIKUBU 73 hốc cây), Ochikubo monogatari (Truyện nàng Ochikubo), Eiga monogatari (Truyện vinh hoa), Tsutsumi chunagon monogatari (Truyện quan trung cố vấn bên bờ đê) PHÂN TÍCH TÂM LÝ NHÂN VẬT - DẤU ẤN NỮ GIỚI CỦA MURASAKI SHIKIBU Genji monogatari ra đời vào thế kỉ XI nhưng tính tân kì của nó đã khiến các nhà nghiên cứu hiện đại phải nể phục. Olga Kenyon nhận xét: Phụ nữ chính là mẹ của tiểu thuyết Thế mà các nhà phê bình nam giới từng dạy chúng ta rằng cha đẻ của tiểu thuyết là Defoe và Richardson. Nhưng, trước họ rất lâu, chính phụ nữ đã bắt đầu phát triển thể loại tiểu thuyết. Tác phẩm đầu tiên mà chúng ta được biết là Truyện Genji do bà Murasaki viết vào thế kỉ XI ở Nhật. Đó là tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của thế giới, có cảm hứng phi thường và độc đáo vô song [dẫn theo Nhật Chiêu, 1, tr. 111]. Với những gì Murasaki đã sáng tạo trong Genji monogatari, thiết nghĩ, ý kiến của Olga Kenyon cũng không phải là không có cơ sở. Nữ văn sĩ đã xây dựng được một thế giới nhân vật đa dạng, đã khắc họa được nhiều tính cách khá điển hình (tiêu biểu là hoàng tử Genji, Tô no Chujô, Murasaki, Kaoru, Niou, Oigimi, Ukifune) với nhiều trường đoạn biến thiên tâm lý khá phức tạp. Vì cốt truyện của Genji monogatari chủ yếu xoay quanh trục “đa tình” của hoàng tử Genji nên tâm lý nhân vật trong tác phẩm phần lớn cũng bị các sự kiện liên quan đến tình ái chi phối. Hay nói cách khác, tâm lý tình yêu là kiểu dạng tâm lý đặc thù nhất trong thiên tiểu thuyết này. Điều này cũng có nghĩa là những người tham gia vào các cuộc luyến ái sẽ được tác giả chú trọng miêu tả tâm lý nhiều hơn các nhân vật khác. Trong đó, Murasaki Shikibu đã khá dụng tâm miêu tả những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật chính - hoàng tử Genji. Đặc tính không đổi của Genji chính là khả năng rung động trước phụ nữ, và cùng với quá trình đó là những thay đổi trong thế giới tâm lý của chàng. Khi xây dựng hình tượng nhân vật hào hoa này, Murasaki thường chú ý đến tính nhất quán trong tâm lý và bản chất tính cách của nhân vật. Chẳng hạn, trong Chương 6 (Suetsumuhana - Hoa đỏ) của tác phẩm, Murasaki đã xây dựng một tình huống truyện khá đặc sắc: Genji nghe nàng hầu Tayu kể về nàng quận chúa Hitachi tội nghiệp, trong lòng chàng dấy lên sự thương cảm và mong muốn được gặp nàng. Nhưng khi mong muốn của chàng được toại nguyện thì chàng thất vọng vì nhan sắc của nàng (đặc biệt là chiếc mũi đỏ kém trang nhã trên gương mặt quận chúa). Khi vị hoàng tử trẻ tuổi nhận được món quà hồi đáp của quận chúa Hitachi thì cũng là lúc chàng xoay lưng ra đi. Thông qua những biến chuyển tâm lý của Genji, Murasaki đã khắc họa được một vài khía cạnh trong tính cách của vị hoàng tử đa tình: tò mò, hiếu sắc, hiếu thắng nhưng cũng có lòng thương người. Câu chuyện éo le với nàng quận chúa Hitachi bắt đầu bằng sự tò mò của Genji. Ý định đầu tiên của chàng là khá nghiêm túc, nhưng càng về sau nó càng thể hiện tính buông tuồng trong cách xử lý của chàng, nhất là khi chàng bị quận chúa khước từ những lá thư gửi đến và sự xuất hiện của Tô no Chujô (vừa là bạn vừa là NGUYỄN ANH DÂN 74 anh vợ của Genji). Nhân vật Tô no Chujô cũng có ý muốn kết giao với quận chúa Hitachi, hành động này đã chạm đến lòng tự ái của Genji. Do vậy chàng càng cố gắng để đạt được mục đích là xóa tan sự im lặng của quận chúa Hitachi. Genji đã đạt được phần nào mục đích của mình là được nhìn thấy gương mặt của quận chúa, tuy nhiên chàng đã thất vọng não nề. Hầu hết các trường đoạn biến thiên tâm lý của nhân vật trong tiểu thuyết này đều gắn liền với những mâu thuẫn nhất định hay với các tình huống truyện có vấn đề. Thông qua những tình huống truyện có tính mâu thuẫn đó, tâm lý nhân vật được khắc họa một cách rõ nét. Ví dụ, tác giả đã xây dựng được một tình huống đầy kịch tính xung quanh việc sinh nở của Fujistubo ở chương 7 (Momiji no Ga - Thăm cảnh lá hồng). Mọi chuyện bắt đầu từ việc Genji có cảm giác cái thai mà kế mẫu Fujitsubo đang mang là con của mình, vì vậy chàng thường xuyên cầu nguyện bình an cho mẹ con đứa bé. Genji từ bỏ việc đi thăm thú đầu năm mới, chuyển sự quan tâm của mình vào Fujitsubo và cái thai của nàng. Khi tin chắc rằng đó là con của mình, chàng đi nhiều đền chùa để cầu nguyện, cùng với đó là nỗi lo sợ không được gặp lại Fujitsubo. Lúc Fujitsubo sinh hạ đứa bé, “với tấm lòng tràn ngập sự ân cần kín đáo của một người cha, Genji đến thăm Fujitsubo vào một lúc mà chàng cho là nàng không còn khách khứa nữa” [3, tr.187, tập 1]. Genji đến với tư cách của một người cha lén lút - chủ nhân của một cuộc tình vụng trộm. Người lo sợ đầu tiên về đứa bé chính là Fujitsubo: “Fujitsubo bị giày vò đau đớn bởi những cảm nghĩ tội lỗi lo âu. Chắc chắn là bất cứ ai trông thấy đứa bé sẽ đoán ra sự thật khủng khiếp và sẽ nguyền rủa nàng” [3, tr.188, tập 1]. Fujitsubo buộc phải từ chối không cho Genji gặp đứa bé để đảm bảo cho những chuyện “ngồi lê đôi mách” không bị diễn ra. Trong cuộc “chạm chán” này có 2 thái cực: Genji tha thiết muốn gặp đứa bé bằng tình cảm của một người cha nhưng Fujitsubo bằng sự khéo léo của người đàn bà, che chở cho cả đứa con, nàng và Genji thoát khỏi những hiểm nguy đang rình rập. Nhưng con người bi kịch nhất không phải là Genji hay Fujitsubo mà chính là nhà vua - chồng của Fujitsubo, cha của Genji; người không biết con trai là tình nhân của vợ, nhận cháu mình làm con Tất cả những điều trớ trêu ấy đều do thói đa tình của Genji mà thành. Nhà vua say mê đứa trẻ cũng như trước kia ông say mê Genji. Ông không chút mảy may nghi ngờ gì về sự giống nhau lạ lùng của đứa bé và Genji, trong suy nghĩ của ông thì “những người đẹp thì nom giống nhau như thế nào đó” [3, tr.189, tập 1]. Sau cuộc gặp với nhà vua, Genji rối bời và quyết định trở về Nijo - nơi ở của Murasaki (người mà chàng yêu thương hết mực). Fujitsubo đã hồi âm thư, chàng vui mừng khôn xiết. Sau đó chàng lại vui vẻ với Murasaki. Diễn biến này hoàn toàn bất ngờ và lạ lẫm với những gì thể hiện trước đó. Có vẻ như sau khi cảm thấy “an toàn” về Fujitsubo, Genji lại an tâm vui say tình ái với Murasaki. Điều này thể hiện đúng bản chất đa tình của Genji và cũng cho thấy sự thống nhất trong miêu tả tâm lý nhân vật của tác giả. THỂ LOẠI MONOGATARI VÀ GENJI MONOGATARI CỦA MURASAKI SHIKUBU 75 Bên cạnh đó, Murasaki Shikibu thường đưa nhân vật của mình (đặc biệt là các nhân vật nữ) vào các mối quan hệ vụng trộm, các mối quan hệ rắc rối, phức tạp để làm nổi bật tâm lý, tình cảm của mỗi người. Các motif về cuộc tình tay ba xuất hiện không ít trong tác phẩm này, và chính từ bản thân các cuộc tình có nhiều người tham gia đó, tâm lý của nhân vật được thể hiện trước mắt độc giả. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Kaoru và ba cô con gái của Hoàng Tử Tám. Mặc dù Kaoru đã dành cho hai chị em Oigimi và Nakanokimi sự quan tâm và những tình cảm chân thành nhưng đáp lại cho Kaoru chỉ là sự lạnh lùng đến khắc nghiệt. Nakanokimi theo về làm vợ Niou những tưởng có một cuộc sống hạnh phúc nhưng những toan tính của Yugiri đã khiến Niou phải lấy thêm một phu nhân nữa là Rokunokimi. Cục diện đời sống đã thay đổi làm cho Nakanokimi tiếc nhớ những gì mà Kaoru đã dành cho chị em mình. Cơ hội đến với Kaoru khi tình cảm của chàng dành cho nàng ngày càng mãnh liệt. Niou sinh ra nghi ngờ mối quan hệ giữa họ. Cả ba người Niou, Nakanokimi và Kaoru đều phải sống trong những lo âu, muộn phiền. Ukifune là nhân vật nữ chứa đựng tâm lý hết sức phức tạp. Trong con người nàng luôn diễn ra sự giằng co dữ dội giữa các luồng cảm xúc, suy nghĩ và tình cảm. Nàng yêu Niou nhưng cũng băn khoăn trước những cử chỉ, hành động quan tâm, săn sóc chân thành của Kaoru. Bởi vậy, nàng đau khổ khi Niou không đến thăm nàng ở ngôi nhà trên núi nhưng cũng phân vân không biết có nên tiếp Kaoru hay không. Chứng kiến tình cảm của Kaoru, nàng đã quyết tâm không chiều theo ý Niou nữa nhưng ngay sau đó lại cảm thấy tình cảm mãnh liệt của mình dành cho chàng. Ở một góc độ khác, Murasaki Shikibu thể hiện bà là một người tinh tế trong phân tích tâm lý nhân vật phụ nữ. Chẳng hạn, khi Genji đưa Công chúa Ba về làm thiếp của chàng, lúc này, Murasaki đã có cảm giác nghi ngại khi so sánh độ xuân sắc của mình và công chúa đang độ tuổi tròn trăng. Nàng biết là mình không bị phế truất nhưng vẫn chạnh lòng. Hơn nữa, chứng kiến sự đón tiếp trang trọng mà Genji dành cho Công chúa Ba, Murasaki trỗi dậy sự ghen tuông rất chính đáng của mình. Tuy nhiên, nàng không để lộ ra mà vẫn giữ được phong thái bình thản của một người phụ nữ quý tộc. Nàng vừa muốn trách móc, hờn giận Genji nhưng vẫn giục chàng phải làm tròn trách nhiệm với nàng Công chúa Ba. Trong con người của Murasaki lúc này là cả một sự giằng co tâm lý, vừa là một người phụ nữ nhưng vừa là chính thất của Genji [3, tr. 41-45, tập 2]. Xây dựng được những nhân vật có tính cách nhất quán cùng với quá trình phát triển tâm lý đa dạng là một trong những thành công không nhỏ của Murasaki trong Genji monogatari, nhất là xét về thời gian, tiểu thuyết này lại xuất hiện trong thế kỉ XI. Chính vì điều này, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý với Olga Kenyon trong việc khẳng định Genji monogatari là tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của nhân loại. GENJI MONOGATARI - MỘT TIỂU THUYẾT CÓ KẾT CẤU ĐA DẠNG Ngoài thành công về mặt phân tích tâm lý nhân vật, Murasaki còn xây dựng được kết cấu khá chặt chẽ và đa dạng cho thiên tiểu thuyết của mình. Các kiểu kết cấu cơ bản trong Genji monogatari gồm: kết cấu tranh cuộn, kết cấu thời gian và kết cấu tâm lý. NGUYỄN ANH DÂN 76 Kết cấu “tranh cuộn” Sở dĩ kết cấu của Genji monogatari được so sánh với kết cấu tranh cuộn là vì những tương đồng về nội dung và hình thức của tranh cuộn và Genji monogatari. Về nội dung, tranh cuộn sử dụng các câu chuyện trong thần thoại, truyền thuyết, trong văn học, lịch sử cũng như tôn giáo (Phật giáo) làm đề tài. Về hình thức, tranh cuộn được sáng tác bằng sự kết hợp bức họa và văn tự, sử dụng các kỹ thuật thuần Nhật Bản, với màu sắc đa dạng, tuân thủ hai kỹ thuật biểu đạt hình ảnh cơ bản, gồm: “fukinuki yatai” và “hikime kagibana”. “Fukinuki yatai” liên quan đến việc thể hiện các kiểu kiến trúc nhà cửa trong tranh, thường thì các ngôi nhà sẽ không có mái để người xem có thể nhìn thấy các cảnh diễn ra bên trong. “Hikime kagiba” là nguyên tắc trong việc thể hiện con người, thường gắn với sự biểu đạt chân thực, cụ thể gương mặt của nhân vật theo nguyên tắc hai mắt nằm trên một đường thẳng và mũi hếch1. Để xem tranh cuộn, người ta phải lật từ phải sang trái, tương tự như việc đọc các văn bản Hán tự của Trung Quốc thời bấy giờ hay như đọc manga của Nhật Bản hiện nay. Và bởi là tranh cuộn nên để xem được nó người xem buộc phải kéo bức tranh và trải ra trên một mặt phẳng. Các chi tiết (bao gồm các bức họa và văn tự) lần lượt được mở ra trước mắt người xem. Hình thức xem như vậy sẽ tạo ra được một hiệu ứng về mặt thị giác rất hữu hiệu. Bản thân hệ thống sự kiện của Genji monogatari cũng được dàn trải trên một “mặt phẳng” của thời gian (47 năm, 4 đời thiên hoàng) theo chiều lũy tiến. Các nhân vật và sự kiện trong Genji monogatari được xuất hiện một cách trình tự, khiến cho tác phẩm như được chia thành các “lớp” sự kiện, người đọc cứ kéo hết “lớp” này đến “lớp” khác cho đến khi toàn bộ bức tranh tác phẩm được trưng bày trước mắt độc giả. Do vậy, kiểu kết cấu tranh cuộn khiến cho độc giả cứ sau khi lật giở một chương sách, một câu chuyện (tựa như giở thêm một đoạn trong bức tranh cuộn) thì cũng là lúc đến với một thế giới khác của câu chuyện. Hơn nữa, trong Genji monogatari, Murasaki Shikibu không tập trung nhiều vào hành động mà chủ tâm đề cao yếu tố tâm lý vậy nên thiên tiểu thuyết này là một thế giới tâm lý phức tạp, nhiều tầng lớp, giống như được “cuộn” vào các chương sách, tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Về phương diện biểu đạt hình ảnh, bằng sức gợi của ngôn từ, Murasaki Shikibu đã giúp người đọc tưởng tượng ra các khung cảnh bất tận của yêu đương, hò hẹn, của ái ân vụng trộm cũng như hạnh phúc chốn phòng the. Những cảnh tượng ấy được phô bày trước mắt độc giả giống như kỹ thuật “fukinuki yatai” - không có mái ngói, tấm phên hay cánh cửa để che đậy, mọi sự ái tình trong Genji monogatari đều được miêu tả một cách cụ thể. Bên cạnh đó, những gương mặt người của thiên tiểu thuyết này được miêu tả đẹp từ hình dáng đến tính cách, tâm hồn, ứng chiếu theo kỹ thuật “hikime kagibana” thì Murasaki Shikibu đã miêu tả được những con người chân thật của thời đại mình. Từ đó, có thể nói, Murasaki Shikibu là người mẹ của tiểu thuyết, và cũng đồng thời là một trong những người tạo nên hình hài cho tranh cuộn Nhật Bản. Vì cứ căn cứ vào minh chứng hiện còn, thì cho dù lịch sử hội họa cho rằng hình thức tranh cuộn có mặt ở Nhật 1 Tham khảo thêm: THỂ LOẠI MONOGATARI VÀ GENJI MONOGATARI CỦA MURASAKI SHIKUBU 77 Bản từ khá sớm (khoảng năm 735)2 nhưng mãi đến khoảng 100 năm sau khi Murasaki Shikibu viết Genji monogatari thì Fujiwara no Takayoshi, một họa sĩ cung đình Nhật Bản ở thế kỉ XII, mới tạo ra Genji Monogatari Emaki (tranh cuộn minh họa Genji monogatari). Kết cấu thời gian Genji monogatari cũng đồng thời là tác phẩm cố gắng thể hiện đời sống thông qua niềm bi cảm đối với thời gian. Đó là thời gian trôi chảy, tuyến tính, biên niên, thời gian đang mất đi, thời gian hủy diệt, gắn với những cái chết của Kiritsubo, Aoi, Yugao, Fujitsubo, Murasaki, Công chúa Ba, Oigimi, Genji Thời gian sự kiện của tác phẩm là 47 năm, trải qua bốn đời thiên hoàng được kể dàn trải qua 54 chương truyện theo hình thức biên niên, các kiểu thời gian hồi tưởng, hồi cố tồn tại rất hạn chế [2]. Kết cấu thời gian của Genji monogatari cũng được xây dựng theo chiều thời gian sự kiện lũy tiến, không bao hàm sự đảo chiều, nghịch tuyến, lắp ghép nó chỉ đơn thuần là một bản tường trình theo tiến trình thời gian gắn liền với cuộc đời nhân vật. Kết cấu thời gian khiến cho tác phẩm gần với cuốn nhật kí cuộc đời của nhân vật vì hầu hết các sự kiện không hề lặp lại mà diễn tiến theo thời gian tuyến tính. Ngay cả sự xuất hiện của các nhân vật cũng vậy, việc nhường chỗ cho các nhân vật đến sau trong tình huống truyện khiến người đọc dễ liên tưởng đến chiều vận động của chiếc kim đồng hồ. Sự lặp lại của tình huống truyện, của các thời điểm thời gian trong quá khứ là một điều không phổ biến trong Genji monogatari. Kết cấu thời gian cũng như kiểu kết cấu tranh cuộn sẽ đảm bảo được tính liên kết đối với một tác phẩm có dung lượng khá lớn như Genji monogatari. Bởi lẽ, bản thân hệ thống sự kiện trong tác phẩm khá đồ sộ, cứ qua mỗi chương lại là những hệ thống sự kiện mới, nếu tác giả không có thao tác loại bỏ bớt đi những yếu tố trước đó thì rất khó để triển khai các tình tiết khác. Tất nhiên là phải đặt đặc điểm này trong tư duy của tiểu thuyết truyền thống với ngôi kể thứ nhất mà không phải bao giờ người kể chuyện ngôi thứ nhất cũng có thể nắm bắt và ghi nhớ được toàn bộ những gì đã diễn ra. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kết cấu của thiên tiểu thuyết này thiếu chặt chẽ một phần là do những yếu tố trên. Đó là cái nhìn đối sánh với đặc điểm của tiểu thuyết phương Tây hiện đại, nhưng trong những hạn chế lịch sử của kĩ thuật tiểu thuyết sơ khai thì có thể nói, ở phương diện tổ chức kết cấu, Genji monogatari vẫn có tính liên kết, liền mạch. Sự liền mạch này được tổ chức bằng các yếu tố tuyến tính cùng với sự xuất hiện qua các chương của nhân vật Genji (sau này là Kaoru và Niou). Kết cấu tâm lý Bên cạnh hai hình thức kết cấu trên, trong Genji monogatari còn phải kể đến một kiểu kết cấu có tính chất hiện đại là kết cấu tâm lý. Các hình thức kết cấu này hòa quyện 2 Tham khảo thêm: the-Genji-monogatari-emaki NGUYỄN ANH DÂN 78 trong nhau tạo thành những lớp kết cấu đặc sắc, thể hiện được giá trị sáng tạo của một tiểu thuyết tiên phong. Genji monogatari là thế giới của những số phận, những cuộc tình được khắc họa thông qua diễn biến tâm lý nhân vật. Các câu chuyện diễn ra trong tác phẩm không chỉ đơn thuần là sự kiện mà ẩn chứa trong nó còn là các quá trình tâm lý. Mặc dù đôi chỗ các quá trình này còn chưa đạt đến độ tinh sảo hay còn sơ sài, đơn giản thì thế giới tâm lý ấy vẫn được tổ chức một cách có hệ thống, xuyên suốt tác phẩm. Như chúng tôi đã đề cập, không phải tất cả các nhân vật trong Genji monogatari đều được chú trọng miêu tả tâm lý, vì có những nhân vật nổi bật (như các nhân vật chính), có những nhân vật chỉ xuất hiện một lần (phần lớn là các nhân vật người tình của Genji) hay có những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua (người hầu, người đưa tin, đưa thư), tác giả không thể đầu tư cho tất cả những sự xuất hiện ấy được. Do vậy, trục tâm lý chủ đạo của tác phẩm xoay quanh các nhân vật chính, nhân vật trung tâm, mà chủ yếu là hoàng tử Genji. Nhân vật đa tình sáng chói này sẽ là tâm điểm để xây dựng các mối quan hệ khác, các quá trình diễn biến tâm lý có liên quan đến Genji (và các hậu duệ của chàng), tổ chức các tình tiết, sự kiện có liên quan đến cuộc đời chàng Trục tâm lý của tác phẩm sẽ lấy Genji (và các hậu duệ) làm trung tâm, sau đó tỏa đi các “nhánh” khác nhau. Các nhánh này không có sự phân cấp thành các nhánh thấp hơn mà thường có mối quan hệ trực tiếp với Genji (và các hậu duệ). Aware - Cảm thức cái đẹp chủ đạo trong Genji monogatari Theo nhà nghiên cứu Motoori Norinaga (1730-1801) trong công trình Genji Monogatari Tama-no-Kogushi (Lược gỡ ngọc Genji) thì tác phẩm của Murasaki hướng đến việc thể hiện thế giới cảm xúc, phản ứng tâm lý của con người trước cái đẹp khác giới, cái đẹp của con người nói chung và cái đẹp thiên nhiên. Trong quá trình đó, những xúc cảm của chủ thể và đối thể hòa với nhau làm một, được Norinaga gọi bằng cái tên “mono no aware”. Aware nguyên là A-hare giống như một tiếng kêu kinh ngạc và cảm kích như “Ôi chao!”. Vào thời trung cổ, nó chỉ biểu diễn phản ứng của con người trước một vẻ đẹp hay yêu kiều qua thời cận đại thì nó trở thành phản ứng trước cái gì buồn. Cho nên vẻ đẹp Nhật Bản thường gắn với nỗi buồn (Aware được viết với chữ “Ai” trong tiếng Hán). [2, tr.189] Do sự chi phối của cảm thức aware (hay mono no aware) nên có thể nói, Genji monogatari là thế giới của niềm bi cảm. Đó là niềm bi cảm về thời gian, về đời sống, về con người, về tình yêu, sự sống và cái chết Thế giới ấy buồn nhưng đẹp, sầu nhưng không lụy. Nó vẫn đem đến cho người ta niềm ham mê cuộc sống, tiến đến cuộc sống. Phải khẳng định rằng, yếu tố khuyên đời, luân lý, “làm lành lánh dữ” theo quan điểm của Nho giáo và Phật giáo không hề tồn tại trong thiên tiểu thuyết này. Genji monogatari có tác dụng thanh lọc (Catharsis - Aristolte) thông qua những tác động tâm lý của nó đến người đọc, không cần bất cứ giáo điều khô khan nào cả. THỂ LOẠI MONOGATARI VÀ GENJI MONOGATARI CỦA MURASAKI SHIKUBU 79 Cái đẹp của con người trong Genji monogatari là cái đẹp được thể hiện qua những cuộc tình triền miên của các nhân vật. Trong những cuộc tình ấy, có những tiếng cười hạnh phúc nhưng cũng có những bi kịch khổ đau. Ở đó có sự thăng hoa nhưng cũng có những cái chết đầy nước mắt. Tất cả những điều đó tạo thành một thứ tình cảm bất tử của con người: tình yêu. Đặc biệt, tình yêu trong tiểu thuyết này, theo Leslie Inamasu, được Murasaki thể hiện một cách độc đáo trong hình tượng ba nhân vật nữ Yugao - “hình mẫu của tình yêu nồng nàn”, phu nhân Akashi - “người vợ và người mẹ quý phái” và Ukifune “nữ tu nguyên mẫu”. “Đối với một phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu của thời đại Heian thì sự kết hợp giữa Yugao, Akashi và Ukifune sẽ đem lại một cuộc sống hoàn hảo” [4, p.69]. Theo ý kiến của Leslie thì phải chăng ẩn sau bản tính đa tình của hoàng tử Genji là trái tim khao khát một cuộc sống hoàn hảo về phương diện tình yêu? Điều này chúng ta không dám chắc nhưng có một điều chắc chắn trong Genji monogatari, đó là cái đẹp đã hòa với tình yêu và cũng trở thành bất tử. Mặt khác, niềm bi cảm cái đẹp của Murasaki còn được thể hiện bằng những tư tưởng có tính chất tôn giáo trong Genji monogatari. Đó là sự phù du hư ảo của kiếp người. Có đó mà lại mất đó. Không có gì là trường tồn, vĩnh viễn. Và sự bất tử cũng chỉ là tương đối. Do vậy cái đẹp của tác phẩm là cái đẹp xuất phát từ tư tưởng triết học về sự sinh thành hủy diệt. Vậy nên, bản chất của thế gian là bi cảm và càng bi cảm hơn khi vào tiểu thuyết của Murasaki. Có thể xem Genji monogatari đã đạt đến cái đẹp nhân văn, thể hiện cái đẹp vẹn toàn của niềm bi cảm bất tận của con người. Những nhân vật của Murasaki được tắm trong bầu không khí của cái đẹp, ngát hương thơm của thời gian, và cứ vậy, nó lặng lẽ khắc vào lòng độc giả như một thứ ám ảnh khôn nguôi. KẾT LUẬN Genji monogatari tồn tại trong văn học Nhật Bản như một tượng đài kì vĩ của sức sáng tạo nghệ thuật phi thường. Genji monogatari ghi dấu ấn hầu như trong mọi phương diện của nền văn hóa Nhật Bản. Nó là nguồn cảm hứng vô tận cho thi văn, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh Phong cách của Murasaki có ảnh hưởng sâu rộng, ngay cả những nhà văn hiện đại cũng thừa nhận ảnh hưởng của bà: Higuchi Ichiyo (1872-1896), Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927), Tanizaki Jun-ichiro (1886-1965) hay Kawabata Yasunari (1899-1972)... Cùng với những đóng góp về mặt thể loại, nghệ thuật xây dựng kết cấu, phức cảm về cái đẹp thì phân tích tâm lý nhân vật là phương diện có nhiều đóng góp của Genji monogatari. Các yếu tố này được kết hợp với dung lượng đồ sộ, lối hành văn mạch lạc, đậm chất trữ tình đã tạo cho Genji monogatari vóc dáng của một tiểu thuyết hiện đại. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quan điểm hư vô Phật giáo nhưng tư tưởng chủ đạo của Genji monogatari vẫn là ngợi ca vẻ đẹp và thế giới tình cảm đa dạng của con người, của thiên nhiên, cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết này của Murasaki Shikibu xứng đáng là một di sản vô giá của văn học Nhật Bản./. NGUYỄN ANH DÂN 80 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nhật Chiêu (2007), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục. [2] Nguyễn Nam Trân (2001), Tổng quan văn học sử Nhật Bản, NXB Giáo dục. [3] Murasaki Shikibu (1991), Truyện Genji, Nhiều người dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4] Leslie Inamasu (2003), Genji Monogatari: A Romance in Three Parts, Stanford Journal of East Asian Affairs, Vol.3, No.1, pp. 69-74. [5] Royall Tyler, Genji monogatari and The Tale of Genji, Retrieved from: www.jpf.org.au/.../royalltyler-genji-lect-english.pdf Title: MONOGATARI GENRE AND GENJI MONOGATARI OF MURASAKI SHIKIBU Abstract: Monogatari is a narrative genre of Japanese literature, which born in 8th century. There were many valued-works of monogatari that retrieved from its appearance. Genji monogatari’s Murasaki Shikibu was one of them. Genji monogatari is considered ‘the greatest masterpiece of Japanese literature’ and ‘a classic of world literature’. The author of this book, Lady Murasaki Shikibu, is one of the most talent writers of Heian era (794-1185) and Japanese literature. The Lady is also praised as a woman who wrote the first psychological novel of the world. That is a remarkable invention because Genji monogatari was written in the 11th century. On the other hand, Lady Murasaki Shikibu’s book contains a lot of elements of modern narrative. ThS. NGUYỄN ANH DÂN Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế ĐT: 0986 77 40 40, Email: nguyenanhdan@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf7_89_nguyenanhdan_12_monogatari_va_gm_cua_murasaki_2593_2020910.pdf
Tài liệu liên quan