Tài liệu môn môi trường - Bài 4: Quản lý môi trường xã cho vùng đồng bằng – ven biển

- Ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái, bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận nguồn gen. - Bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. - Khuyến khích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học. - Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn. - Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

doc8 trang | Chia sẻ: nguyenlam99 | Lượt xem: 849 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tài liệu môn môi trường - Bài 4: Quản lý môi trường xã cho vùng đồng bằng – ven biển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 4: QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG XÃ CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG – VEN BIỂN I. MÔI TRƯỜNG CÁC XÃ ĐỒNG BẰNG – VEN BIỂN 1. Vai trò, chức năng của môi trường Theo khái niệm của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật”. Môi trường có một số chức năng sau: Môi trường là không gian sống của con người Môi trường cung cấp nguồn tài nguyên cho con người Môi trường là nơi chứa đựng và đồng hoá chất thải Môi trường lưu trữ và cung cấp thông tin 2. Dân số, tài nguyên và môi trường các xã đồng bằng - ven biển Việt Nam vừa có vùng núi, vùng đồng bằng, vùng biển rộng lớn; từ đó dẫn tới sự đa dạng của môi trường tự nhiên, sinh thái và các vấn đề xã hội. Có khoảng gần 1/3 số dân sống ở các huyện ven biển và các đảo; khoảng 80% dân số đất nước sống ở vùng nông thôn. Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia biển, một quốc gia nông nghiệp và một Việt Nam núi rừng. Chúng ta đã, đang và sẽ phải đối mặt với quá nhiều vấn đề môi trường thuộc các lĩnh vực nông thôn, miền núi, biển và ven bờ. Đây là các lĩnh vực môi trường bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và là tổng thể những vấn đề môi trường đặc trưng nhất của Việt Nam. Một số vấn đề về tài nguyên và môi trường: Quỹ đất và chất lượng đất giảm sút. Hiện tượng thoái hóa, bạc màu đất canh tác khá phổ biến do sử dụng không hợp lý, độc canh cây lúa và sử dụng các phương tiện cơ giới. Chịu nhiều thiên tai như bão, lũ, lụt. Hậu quả tác động tăng hơn khi đồng ruộng bị chia cắt nhỏ, phương thức canh tác lạc hậu. Sâu bệnh phát triển mạnh, lây lan làm giảm năng suất cây trồng. Một số ít hệ thống thủy lợi không phát huy tác dụng tích cực, có thể gây tác động xấu tới môi trường. Rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ở những vùng đầm lầy nước mặn ven biển và cửa sông. Đây là những loại rừng nhạy cảm dễ bị đe doạ. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng rừng ngập mặn diễn ra một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, với sự cạnh tranh gay gắt giữa diện tích nuôi trồng hải sản và diện tích rừng ngập mặn. Ngoài việc suy giảm diện tích rừng ngậm mặn, tình trạng đánh bắt mang tính huỷ diệt bằng chất nổ, lưới mắt nhỏ, suy giảm đa dạng sinh học diễn ra phổ biến. Việc sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu đã ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tác động trực tiếp đến sức khoẻ, là nguyên nhân gây các bệnh như: tiêu chảy, tả, thương hàn, giun sán... Các bệnh này gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, kém phát triển và có thể gây tử vong. Thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ. Các loại này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật; tồn dư lâu dài trong môi trường đất, nước gây ra ô nhiễm; tác dụng gây độc không phân biệt, gây chết các sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước. Ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải rắn từ các làng nghề và sinh hoạt của người dân. Hiện cả nước có khoảng 1.450 làng nghề, phân bố ở các tỉnh thành và đông đúc nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong đó các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm phần lớn (trên 70%). Do đó, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khoẻ của dân làng nghề. Kết quả phân tích chất lượng nước thải một số làng nghề dệt nhuộm tại Thái Bình cho thấy, đa số các chỉ tiêu phân tích đều vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt BOD5, COD đều vượt tiêu chuẩn từ 2 - 5 lần. Ô nhiễm không khí: hầu hết nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than. Do đó, lượng bụi và các khí CO; CO2; SO2 và NOx thải ra trong quá trình sản xuất trong nhiều làng nghề khá cao; gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân trong khu vực và làm ảnh hưởng tới hoa màu, sản lượng cây trồng của nhiều vùng lân cận. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ xung đột, khiếu kiện về môi trường. II. BẢO VỆ VÀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC ĐỒNG BẰNG – VEN BIỂN 1. Bảo vệ môi trường làng nghề a. Khái niệm: Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, phường, thị trấn có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau. b. Trách nhiệm của UBND cấp xã về quản lý môi trường làng nghề - Thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề theo sự chỉ đạo và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện. - Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao đối với các cơ sở thuộc Nhóm B hoặc các cơ sở thuộc Nhóm C trong khu vực dân cư theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư số: 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường làng nghề. - Tham gia thực hiện biện pháp xử lý đối với các cơ sở thuộc Nhóm B và Nhóm C theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư số: 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường làng nghề. - Đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. - Bố trí công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để hướng dẫn các cơ sở và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường; kinh phí cho việc thực hiện hợp đồng lao động được trích từ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cấp cho cấp xã theo quy định tại Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước. - Sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường đúng quy định, tập trung cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề. Bố trí kinh phí chi thường xuyên để hỗ trợ sửa chữa, cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn. - Tổ chức việc quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận, quản lý các dự án, công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề. - Ban hành quy chế hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường. - Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để đầu tư, xây dựng, vận hành, duy tu và cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ quy định. - Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn theo yêu cầu của cơ quan cấp trên. - Thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường; khuyến khích các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải. - Công bố các thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin, truyền thông của địa phương, thông qua các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp xã. - Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) về hiện trạng hoạt động, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn một (01) lần/năm trước ngày 30 tháng 10 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu. c. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường là tổ chức được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường có trách nhiệm: - Bố trí lực lượng, phương tiện và thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các điểm tập kết theo quy định. - Thực hiện việc quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp xã. - Niêm yết các quy định và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện giữ vệ sinh nơi công cộng. - Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước có nội dung bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường. - Tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường của cơ sở trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp xã. - Khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường về ô nhiễm môi trường (khí thải, nước thải và chất thải rắn) hoặc sự cố môi trường hoặc các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại địa bàn được phân công quản lý thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã. - Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về hiện trạng hoạt động, tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo phân công một (01) lần/năm trước ngày 15 tháng 10 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu. d. Hương ước, quy ước của làng nghề được xây dựng và thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTUMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn ấp, cụm dân cư; trong đó có nội dung bảo vệ môi trường được hướng dẫn chi tiết như sau: - Quy định về thu gom, thải bỏ và xử lý rác thải; - Quy định về thoát nước và xử lý nước thải; - Quy định về xử lý khí thải, bụi và tiếng ồn; - Quy định về biện pháp khắc phục sự cố về môi trường; - Quy định về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích tăng trưởng cây trồng,vật nuôi; - Quy định về ngày Xanh - Sạch - Đẹp hàng tháng; - Quy định về đóng góp kinh phí xây dựng, cải tạo, vận hành các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; - Quy định về chế độ thông tin báo cáo; - Biện pháp xử lý, khen thưởng thực hiện nội dung về bảo vệ môi trường trong hương ước/quy ước. 2. Bảo vệ và quản lý hệ sinh thái đất ngập nước Đất ngập nước vùng ven biển và hải đảo là vùng nước mặn, nước lợ ven biển có độ sâu không quá 6 m khi thuỷ triều thấp, bao gồm: a) Các vùng biển nông ngập nước thường xuyên có độ sâu không quá 6 m khi triều thấp, bao gồm cả các vũng, vịnh và eo biển; b) Cửa sông, các vùng nước cửa sông ven biển; c) Các bãi bùn, lầy ngập triều; d) Bãi cát, sỏi, cuội ven biển và hải đảo; đ) Đầm, phá nước lợ, nước mặn ven biển; các đầm, phá nước lợ đến nước mặn ít nhất có một lạch nhỏ nối với biển; e) Các ruộng muối; g) Rừng ngập mặn, các thảm thực vật ven biển và hải đảo; h) Các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và hải đảo; i) Đồng bằng ven biển, ven sông có ảnh hưởng của thủy triều. Đất ngập nước là một vùng sinh thái đặc thù, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Đây là vùng có năng suất sinh học cao, cung cấp nguồn lượng thực, thực phẩm để nuôi sống con người. Đồng thời cũng là vùng đất có chức năng bảo vệ môi trường, điểu tiết nước ngầm, khống chế lũ lụt, bảo vệ bờ biển, ổn định vi khí hậu. Ở nước ta, đất ngập nước phân bố ở nhiều nơi của các vùng khác nhau. Tập trung lớn nhất ở vùng đồng bằng và dải ven biển với nhiều loại hình rất phong phú về các đặc trưng sinh thái. - Hệ sinh thái ngập nước là một phần của cảnh quan thiên nhiên, một số giá trị và chức năng của đất ngập nước: + Kiểm soát lũ lụt; + Bổ sung nước ngầm; + Ổ định bờ biển; + Giữ lại các chất bồi lắng và chất dinh dưỡng; + Giảm thiểu sự biến đổi khí hậu; + Làm sạch nước; + Nguồn cung cấp tính đa dạng sinh học; + Cung cấp các sản phẩm của đất ngập nước; + Giá trị du lịch; + Giá trị văn hóa. Quản lý vùng đất ngập nước: Việc bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước phải tuân theo những nguyên tắc sau: - Bảo vệ nghiêm ngặt các khu đất ngập nước do Nhà nước khoanh vùng cho mục đích bảo tồn. - Kết hợp sử dụng, khai thác và bảo tồn, ưu tiên bảo tồn với vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có tính năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trong quốc tế, quốc gia - Tăng cường sự tham gia bảo tồn, ưu tiên bảo tồn đối với vùng đất ngập nước của cộng đồng dân cư sinh sống trên các địa bàn và các khu lân cận. Nội dung quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước bao gồm: - Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng các vùng đất ngập nước cho mục đích bảo tồn và các hoạt động kinh tế, xã hội. - Quản lý các vùng đất ngập nước đã khoanh vùng bảo vệ. - Quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi và tiềm năng các vùng đất ngập nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch, giao thông, thủy lợi, thủy điện và các lĩnh vực khác có liên quan đến bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước. - Thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm đối với việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. - Khuyến khích tạo điều kiện để cộng đồng, đặc biệt là những người dân sinh sống trong các vùng đất ngập nước tham gia vào việc bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường các vùng đất ngập nước. - Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và khai thác bề vững các vùng đất ngập nước. 3. Bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền. Phát triển bền vững đa dạng sinh học là việc khai thác, sử dụng hợp lý các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển nguồn gen, loài sinh vật và bảo đảm cân bằng sinh thái phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học - Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn. - Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. - Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. - Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. - Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. - Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen. - Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại. - Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. - Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn. Chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học - Ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái, bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận nguồn gen. - Bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. - Khuyến khích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học. - Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn. - Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. - Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. - Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo phân công của Chính phủ. - Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo phân cấp của Chính phủ.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docbai_4_quan_ly_moi_tuong_xa_cho_vung_dong_bang_ven_bien_3875.doc