Quá trình đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới đồng khởi ở Cà Mau (1954 - 1960)

Trong gần 6 năm (1954 - 1960) đấu tranh kiên cường giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới Đồng Khởi, quân dân Cà Mau làm nên huyền thoại anh hùng. Đối lập với các hoạt động khủng bố, đàn áp khốc liệt từ chính quyền Diệm là sự lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh sáng suốt, linh hoạt cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân dân Cà Mau. Lực lượng cách mạng không những được củng cố, bảo tồn mà còn được xây dựng và phát triển vững mạnh đưa đến thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau năm 1960. Trong quá trình đấu tranh giữ gìn, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, quân dân Cà Mau đã có những phương cách đấu tranh bảo tồn lực lượng rất riêng, độc đáo và đã vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương. Những “Đội dân canh chống cướp”, những lực lượng giáo phái ly khai được Tỉnh ủy Cà Mau chủ động khai thác, chỉ đạo đấu tranh, xây dựng và hoạt động để “che mắt” chính quyền Diệm. Và những “làng rừng” được dựng lên trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi ươm mầm cho việc tái xây dựng lực lượng vũ trang, chính trị để tiến tới Đồng Khởi thắng lợi vang dội trong toàn Tỉnh. Có thể khẳng định, cuộc Đồng Khởi diệu kỳ của quân dân Cà Mau đã làm tan rã chính quyền thống trị của địch ở cơ sở, góp phần cùng miền Nam đẩy chế độ Mỹ - Diệm lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Đồng thời thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau mở ra bước ngoặt quan trọng chuyển phong trào đấu tranh cách mạng của Tỉnh phát triển sang trang và tạo tiền đề tích cực cho những chiến công oanh liệt hơn của quân dân đất Mũi anh hùng sau này.

pdf9 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 447 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quá trình đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới đồng khởi ở Cà Mau (1954 - 1960), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 79 QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH GIỮ GÌN VÀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG, TIẾN TỚI ĐỒNG KHỞI Ở CÀ MAU (1954 - 1960) Thái Văn Thơ1 1Trường Đại học Ngoại Thương, Cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh Thông tin chung: Ngày nhận bài: 29/05/2017 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 20/06/2017 Ngày chấp nhận đăng: 12/2017 Title: The process of struggling to preserving and building revolutionary forces toward Dong Khoi movement in Ca Mau (1954 - 1960) Keywords: Ca Mau, forces preserve, forces building, Dong Khoi Từ khóa: Cà Mau, giữ gìn lực lượng, xây dựng lực lượng, Đồng Khởi ABSTRACT In the period 1954 - 1960, the U.S established and supported Ngo Dinh Diem’s puppet government to repress the revolutionary forces and innocent people in South Vietnam fiercely. Because of facing difficulties and challenges, many people in the Southern Vietnam, including the people of Ca Mau province, neither succumbed nor surrendered. The Provincial Party, the Provincial Party Committee and people in Ca Mau struggled for preserving, building and developing revolutionary forces towards the Dong Khoi movement throughout the province in 1960 that led to the unsuccess of the U.S - Diem. TÓM TẮT Trong giai đoạn 1954 - 1960, Mỹ thiết lập và hỗ trợ chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ra sức tiến hành đàn áp, khủng bố khốc liệt vào lực lượng cách mạng và nhân dân vô tội ở miền Nam Việt Nam. Trước tình cảnh khó khăn, thử thách đó nhiều nơi ở miền Nam trong đó có Cà Mau, nhân dân không chịu khuất phục, đầu hàng. Đảng bộ, Tỉnh ủy cùng với quân dân Cà Mau đẩy mạnh quá trình đấu tranh giữ gìn, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng và tiến tới cao trào Đồng Khởi thắng lợi vang dội trong toàn tỉnh năm 1960, góp phần đẩy chế độ Mỹ - Diệm lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên sau đó. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và chấm dứt quá trình 9 năm xâm lược trở lại của thực dân Pháp ở Việt Nam. Hiệp định Genève được ký kết, những tưởng chiến tranh lùi xa nhưng sau khi người Pháp đại bại rút đi thì Mỹ lại chen chân nhảy vào, với âm mưu muốn chia cắt và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và lệ thuộc vào Mỹ. Hiệp định Genève có hiệu lực, chính quyền Mỹ với sự viện trợ không ngừng về kinh tế, quân sự, cố vấn đã giúp chế độ tay sai Ngô Đình Diệm thiết lập được một “chính phủ” mới của “thế giới tự do” ở miền Nam làm đối trọng với Bắc Việt. Từ cuối năm 1954, sau khi lực lượng bộ đội tập kết ra Bắc theo quy định của Hiệp định Genève, cách mạng miền Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và hy sinh mất mát chưa từng có trước sự đàn áp, khủng bố khốc liệt từ chính quyền Mỹ - Diệm. Trước tình thế này, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho cách mạng miền Nam nói chung và ở Cà Mau nói riêng là phải làm sao vừa đấu tranh để thi hành Hiệp định Genève vừa phải bảo tồn được lực lượng và thành quả cách mạng. Thực tế lịch sử cho thấy, Cà Mau đã giải quyết được cả hai vấn đề này một cách rất sáng tạo, độc đáo và phù hợp với thực tiễn cách mạng địa phương. Quân dân Cà Mau đã vùng lên đấu tranh kiên cường, giữ gìn, xây dựng An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 80 và phát triển lực lượng cách mạng vững mạnh, tiến tới làm một cuộc quật khởi lớn - một Đồng Khởi thắng lợi vang dội năm 1960 trong toàn Tỉnh. Đó cũng là những vấn đề mà bài viết này sẽ đi sâu phân tích và làm rõ. 2. QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH GIỮ GÌN VÀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG, TIẾN TỚI ĐỒNG KHỞI Ở CÀ MAU (1954 - 1960) 2.1 Tình hình ở Cà Mau sau Hiệp định Genève Theo quy định của Hiệp định Genève, Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày của lực lượng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Chấp hành nghị quyết ngày 6/9/1954 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về tình hình mới và nhiệm vụ mới của cách mạng, Tỉnh ủy Cà Mau tiến hành tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, chuyển hướng đấu tranh từ vũ trang sang chính trị cho phù hợp với thời kì mới. Đảng bộ, Tỉnh ủy và quân dân Cà Mau cũng bắt đầu xây dựng vùng giải phóng và vùng mới tiếp quản. Trong 200 ngày tập kết, chính quyền cách mạng làm nhiều việc có ích cho nhân dân như tu sửa cầu đường cho dân thuận tiện đi lại, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, tiến hành đổi tiền cho dân thuận lợi buôn bán trao đổi, xây dựng bầu không khí hòa bình, vui vẻ, tạo niềm tin cho nhân dân sinh sống chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất. Những cuộc mít tinh mừng hòa bình, chiến thắng diễn ra trong toàn tỉnh với niềm vui phấn khởi vô bờ. Nhưng niềm vui ấy lại sớm qua mau, ngày 8/2/1955 khi chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm sông Ông Đốc cũng là lúc nhân dân Cà Mau bước vào một cuộc đấu tranh mới đầy cam go, quyết liệt. Lực lượng tập kết vừa rút quân địch đã “tiến hành lập hệ thống đồn bót dọc theo các tuyến lộ xe, kênh xáng, sông lớn nhằm khống chế các con đường giao thông huyết mạch. Chính quyền Diệm tiến hành mua chuộc, lừa mị dân chúng; xây dựng bộ máy cai trị từ tỉnh xuống tận các xã, ấp; thành lập các tổ chức chính trị phản động như “Tự vệ hương thôn”, “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ đồng phục”, ráo riết bắt lính xây dựng quân đội (cảnh vệ binh)” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 197 - 198). Mặt khác, thông qua các “Chỉ dụ” được khoác lên bằng những từ ngữ cầu kỳ, hoa mỹ nào là “cải cách điền địa”, “chỉnh trang lãnh thổ”, hay “cải thiện dân sinh” (Trần Văn Giàu, 2006, tr. 850), chính quyền Diệm tiến hành cướp đoạt trắng trợn ruộng đất nhân dân mà cách mạng đã cấp phát cho họ từ trước đó và phủ định sạch thành quả to lớn của cách mạng đã đem lại cho nhân dân. Chưa dừng lại đó, chính quyền Diệm còn tiến hành đàn áp, khủng bố, bắt bớ, tù đày những người trong gia đình có người đi tập kết hoặc có liên quan, tình cảm với cách mạng. Địch quân tiến hành phân loại gia đình, gây chia rẽ, ly tán, nghi kỵ lẫn nhau trong nhân dân. Bầu không khí khủng bố, đàn áp khốc liệt bao trùm lên toàn vùng đất mũi Cà Mau - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Từ đây, cuộc sống thống khổ của nhân dân đã bắt đầu và nổi đau khổ mà nhân dân phải gánh chịu nhiều hơn trước bội lần. Nhưng trước tình hình nguy cấp đó, Đảng bộ, Tỉnh ủy Cà Mau cùng với nhân dân quyết tâm vùng lên chống lại kẻ thù hung bạo và xúc tiến ngay quá trình đấu tranh nhằm giữ gìn, củng cố lực lượng cách mạng để ứng phó với tình cảnh nguy hiểm lúc bấy giờ. 2.2 Quân dân Cà Mau đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng (1955 - 1959) Ngày 8/1/1955, Ngô Đình Diệm ban hành đạo Dụ số 2 về cải cách điền địa, nhưng thực chất là trắng trợn tước đi ruộng đất, thành quả của cách mạng đã cấp phát cho nông dân trước đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Tỉnh ủy Cà Mau, ở các huyện trong toàn Tỉnh từ huyện Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước nông dân đấu tranh, biểu tình, xé khế ước, bắt giữ những người đo đạc đất đai của địch, tịch thu máy móc Song song đó, chính quyền cách mạng còn tiến hành cảnh cáo, giáo dục những tay sai, ác ôn ngăn họ chống lại nhân dân. Theo sau Dụ số 2, các Chỉ thị 57, 58 của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng được ban hành nhằm mục đích cướp đoạt ruộng đất nông dân nhưng dưới sự chỉ đạo, An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 81 lãnh đạo của Đảng bộ, Tỉnh ủy Cà Mau, nhân dân đấu tranh làm vô hiệu hóa ít nhiều (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 198 - 199). Ngày 20/7/1955, chính quyền của Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “tố cộng” trên diện rộng. Các hoạt động lừa mị, mua chuộc, bắt bớ của địch diễn ra hằng ngày trong Tỉnh. Song song đó, địch quân còn tiến hành khủng bố tinh thần những gia đình có người thân tập kết, hoặc có cảm tình với cách mạng, bắt phải ly khai khỏi Đảng, bầu không khí khủng bố tàn khốc bao trùm trong toàn tỉnh Cà Mau. Địch quân ra sức phá hoại tiến trình thực thi Hiệp định Genève. Trước tình thế đó, Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân đấu tranh với sách lược trước mắt là “có lý, có lợi với mức độ để đảm bảo đấu tranh giành thắng lợi” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 201). Các cuộc đấu tranh của nhân dân chống chiến dịch “tố cộng” của chính quyền Diệm diễn ra mạnh mẽ trong Tỉnh. Phụ nữ trở thành một lực lượng đấu tranh chính trị có tác dụng, ảnh hưởng lớn nhằm đòi các quyền dân sinh, dân chủ và thi hành Hiệp định Genève. Để bảo vệ một số cán bộ, đảng viên hoạt động trong quần chúng và tránh các đợt lùng sục bắt bớ của địch, nhân dân trong Tỉnh thành lập ra các “Đội dân canh chống cướp”, một tổ chức đấu tranh hợp pháp nhằm bảo vệ, che chở cho cán bộ cách mạng khi bị địch bắt hoặc khủng bố. Các “Đội dân canh chống cướp” phát huy được hiệu quả tích cực và được xem như là “sự tập dượt của quần chúng đặt nền móng cho khởi nghĩa đồng loạt sau này” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 204). Đây thật sự là một sáng tạo lớn của quân dân Cà Mau trong quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng trước các đợt tấn công, khủng bố, đàn áp của địch. Song song với hoạt động của các “Đội dân canh chống cướp”, Tỉnh ủy cũng tiến hành cài người của cách mạng vào các vị trí, đơn vị của chính quyền địch ở cơ sở. Từ cuối năm 1955 đầu năm 1956, phần lớn người của cách mạng đã vào nắm giữ các chức vụ trong chính quyền xã, ấp của địch. Những năm tiếp sau đó, chính quyền Diệm đưa hàng vạn đồng bào theo đạo Thiên Chúa và di dân từ các tỉnh miền Trung vào Cà Mau, với mục đích chính là “lợi dụng cấy dân Công giáo xây dựng lực lượng chính trị làm hậu thuẫn cho chính quyền ngụy, đẩy quần chúng cách mạng ra khỏi vùng căn cứ để tiêu diệt cơ sở cách mạng” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 206). Chiến lược “tách dân” ra khỏi lực lượng cách mạng đang ẩn trong dân chúng của Diệm ít nhiều đã có tác dụng bước đầu. Nhưng chính quyền cách mạng lãnh đạo nhân dân đấu tranh không vào ở khu dinh điền, các tổ vũ trang tuyên truyền thường xuyên vào các khu dinh điền vận động, tuyên truyền đồng bào bỏ khu về địa phương, quê quán sinh sống. Tháng 8/1955, theo chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn giao nhiệm vụ cho các Tỉnh ủy viên của tỉnh Cà Mau tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang bí mật trong Tỉnh. Các lớp học cho cán bộ quân sự trong Tỉnh được mở, đến tháng 10/1955, cán bộ của các lớp học này thành lập hai đại đội và được phân về địa phương xây dựng các đơn vị và núp dưới danh “Đội bảo vệ hòa bình”, với nhiệm vụ hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của địa phương. Ngày 20/7/1956, Tỉnh ủy Cà Mau phát động một đợt đấu tranh chính trị với quy mô rộng lớn trong toàn thị xã Cà Mau, các đợt tuần hành, biểu tình của hàng ngàn đồng bào từ các địa phương kéo đến dinh Tỉnh trưởng đòi chính quyền Diệm hiệp thương tổng tuyển cử, với khí thế dâng cao gây nên tiếng vang lớn làm cho địch khiếp sợ. Tháng 8/1956, bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo ra đời, trong đó xác định rõ con đường đấu tranh của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ là “đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Mỹ - Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp dân chủ có tính chất dân tộc độc lập, để giải phóng nhân dân miền Nam ra khỏi ách đế quốc, phong kiến độc tài phát xít Mỹ - Diệm” (Nhiều tác giả, 2010, tr. 402). Đầu năm 1956, chính quyền Diệm cơ bản dẹp xong các lực lượng giáo phái chống đối ở Tây Nam Bộ và rảnh tay quay sang tiêu diệt, đàn áp lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ đưa ra chủ trương đấu tranh lúc này An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 82 là “tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, tranh thủ vận động cải tạo lực lượng “giáo phái” bị Mỹ - Diệm đánh tan rã, đưa họ đứng vào hàng ngũ cách mạng, lợi dụng danh nghĩa giáo phái ly khai để diệt ác ôn” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 210). Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy Cà Mau tranh thủ được lực lượng “tàn binh” của các giáo phái bị chính quyền Diệm đánh trôi dạt về Cà Mau trú ẩn như Trung đoàn Lê Quang (Hòa Hảo) chạy dạt về xã Trí Phải và được Huyện ủy Thới Bình chỉ đạo nhân dân cưu mang, bao bọc, vận động giao nộp vũ khí và đi theo cách mạng. Cuối năm 1956, chính quyền Diệm tăng cường chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, đánh phá ác liệt vào các cơ sở cách mạng. Họ tiến hành thanh lọc lại nội bộ, nhiều cơ sở nội tuyến của cách mạng bị địch đánh bật ra, lực lượng cách mạng thiệt hại nặng nề. Để ứng phó hiệu quả với những hành động đàn áp, thanh trừng đó của địch, Tỉnh ủy chuyển hướng hoạt động, điều các cán bộ bị địch nhận diện sang vùng khác hoạt động, củng cố lại lực lượng, cơ sở, đồng thời tiến hành tiêu diệt ác ôn, tề điệp, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Công tác binh vận được Tỉnh ủy chú trọng làm phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Sau một thời gian ngắn, các cơ sở, tổ chức Đảng được phục hồi và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm. Đầu năm 1957, chính quyền Mỹ - Diệm cho tiến hành xây dựng “biệt khu” Bình Hưng (Hải Yến), nơi mà Bộ Chỉ huy xâm lược Mỹ gọi với một cái tên mỹ miều là “biểu tượng của thế giới tự do” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 214) nhưng thực chất đây là căn cứ quân sự, lò sát sinh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân vô tội ở Cà Mau. Sự thảm sát khốc liệt liên tiếp sau đó của chính quyền Diệm tại đây đã gây căm phẫn trong toàn Tỉnh. Tháng 7/1957, chính quyền Diệm tăng cường một sư đoàn quân chủ lực xuống Cà Mau hòng đàn áp, dập tắt phong trào đấu tranh đang lên cao của nhân dân. Chính sách “dinh điền” của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Cà Mau gây khó khăn cho cách mạng. Việc cho tiến hành thành lập các khu dinh điền là nhằm biến những nơi này thành “những trại tập trung trá hình”, “những pháo đài tiễu cộng, nơi tăng cường quân sự, bóc lột kinh tế và đàn áp về chính trị” (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2015, tr. 82) của chính quyền Diệm. Có thể thấy, âm mưu “tách dân ra khỏi Đảng” của chính quyền Diệm bước đầu phát huy hiệu quả nhưng Tỉnh ủy Cà Mau đã tiến hành một số biện pháp nhằm phá hoại chính sách dinh điền của địch. Các tổ vũ trang tuyên truyền của Tỉnh xâm nhập vào các khu dinh điền và vận động đồng bào đấu tranh rời khỏi các khu dinh điền của địch và bước đầu tạo được tác dụng tích cực. Từ cuối năm 1955 đầu năm 1957, chính quyền Diệm liên tục khủng bố, tấn công đàn áp tiêu diệt lực lượng cách mạng ở Cà Mau. Quân địch dùng vũ lực, súng đạn bắn giết, bắt bớ, khủng bố lực lượng cách mạng và nhân dân trong khi chính quyền cách mạng lại chỉ đấu tranh hòa bình và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Hiệp định Genève. Vì thế lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề, tổn thất gần như hoàn toàn. Tình thế cách mạng đòi hỏi phải tiến hành bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang mới có thể kháng cự lại được khủng bố, đàn áp khốc liệt của địch. Nhưng trong thời gian này chủ trương đấu tranh chính trị, hòa bình là chủ đạo, việc dùng vũ lực là không được phép. Trước tình cảnh sống còn đó, ở nhiều địa phương của Nam Bộ trong đó có Cà Mau xuất hiện những hình thức đấu tranh rất độc đáo, sáng tạo, phù hợp với thế và lực cũng như đặc điểm cách mạng của địa phương nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng nhưng không trái với chủ trương đấu tranh “bất vũ trang” của Trung ương Đảng và đến tháng 1/1958, Tỉnh ủy Cà Mau cho thành lập các lực lượng vũ trang bí mật. Các Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng và Ngô Văn Sở lần lượt ra đời và hoạt động trên danh nghĩa “bộ đội giáo phái” tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyền, phối hợp với các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong Tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng. Tiêu biểu như trận đánh chiếm đồn Cái Tàu của Đại đội vũ trang Đinh Tiên Hoàng An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 83 đã phá trại giam, giải thoát cho một số đồng bào bị bắt giam giữ và đưa hàng trăm gia đình ra khỏi khu tập trung của địch. Đây cũng là trận đánh bằng lực lượng vũ trang đầu tiên trong Tỉnh. Trong năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp thực hiện gom dân vào các khu dinh điền, mở các cuộc càn quét khủng bố lực lượng cách mạng. Bên cạnh đó, chính quyền Diệm còn lập ra các đội “Bảo vệ hương thôn” nhằm mục đích là “tranh thủ nhân tâm”, giành dân với chính quyền cách mạng. Các hành động khủng bố man rợ về tinh thần và thể xác từ chính quyền địch đến các cán bộ, đảng viên cách mạng chẳng những không làm cho quần chúng sợ hãi mà càng làm tăng thêm tinh thần yêu nước, sự căm thù dâng cao tới tột đỉnh trong dân chúng. Là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của miền Tây Nam Bộ, Cà Mau trở thành trọng điểm đánh phá và là nơi thiết lập các căn cứ trọng yếu của địch. Cuối năm 1958, chính quyền Mỹ - Diệm liên tục tấn công khủng bố dã man vào lực lượng cách mạng và nhân dân vô tội. Mặc dù không thể sống nổi dưới chính sách tàn bạo của địch nhưng nhân dân và cán bộ chiến sĩ cách mạng không khuất phục, đầu hàng. Để tránh địch tiêu diệt, hàng ngàn quần chúng nhân dân bỏ làng quê kéo nhau vào rừng U Minh và rừng đước tiến hành lập các “làng rừng” sinh sống và hoạt động cách mạng. Các “làng rừng” từ đó ra đời. Đến năm 1959, “làng rừng” ngày càng mở rộng, hàng ngàn thanh niên trốn địch bắt đi lính, người chống đối chính quyền lánh vào các làng được xây dựng trong rừng hoạt động cách mạng. Trước thực tế đó, Tỉnh ủy Cà Mau quyết định thành lập các “làng rừng” để bảo toàn và xây dựng lực lượng cách mạng chờ đợi thời cơ nổi dậy. Dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Tỉnh ủy Cà Mau có khoảng “15 làng rừng với khoảng 20 ngàn dân và nhiều làng rừng khác được lập nên ở bên trong và ven rừng U Minh kéo dài xuống phía Nam, Đông Nam rừng đước” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 224). Các “làng rừng” được tổ chức chẳng khác mô hình một chính quyền, một xã hội thu nhỏ nằm ẩn khuất giữa rừng U Minh, rừng đước bạt ngàn. “Làng rừng” được bố trí phòng vệ chặt chẽ, có kiểm soát, canh gác, có Ban quản trị hoặc Ban tự quản do chi bộ “làng rừng” lãnh đạo. Việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất diễn ra bình thường, các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn nghệ, giải trí diễn ra thường xuyên, cuộc sống yên vui, no ấm. Đồng thời, “làng rừng” cũng trở thành nơi sản xuất, rèn đúc vũ khí phục vụ cho cách mạng. Các hoạt động vũ trang tuyên truyền của cán bộ cách mạng phát huy được hiệu quả và phổ biến nhanh đến toàn dân trong khu vực sinh sống các “làng rừng”. Các “làng rừng” vẫn có liên hệ, trao đổi với bên ngoài. Các làng cũ thường xuyên tiếp tế, lương thực, nhu yếu phẩm vào bên trong. Mặc dù địch thường xuyên đốt phá rừng, tiến hành tấn công càn quét nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Tỉnh ủy Cà Mau và được sự che chở, bảo vệ của nhân dân các tổ chức Đảng, các chi bộ, lực lượng cách mạng được bảo tồn, giữ vững và ngày càng phát triển, tạo tiền đề thuận lợi cho Đồng Khởi sau này thắng lợi ở Cà Mau. Như vậy, đến cuối năm 1958, ở Cà Mau xuất hiện “các hình thức nổi dậy của quần chúng, tách hẳn khỏi chính quyền địch, xây dựng một chính quyền nhân dân tự quản, lập căn cứ chống giặc” (Bộ Tư lệnh Quân khu 9, 1996, tr. 267), đó là các “làng rừng” - một phương thức đấu tranh cách mạng vô cùng sáng tạo, độc đáo của quân dân sông nước Cà Mau anh hùng. Quân dân Cà Mau vô cùng phấn khởi, tự hào như xây dựng được “những vùng đất xã hội chủ nghĩa đầu tiên tại miền Nam khói lửa” (Trần Văn Trà, 2005, tr. 355). Có thể nói, việc tổ chức thành lập các “làng rừng” “là cách đánh giặc độc đáo của nhân dân Cà Mau trong điều kiện tay không đối đầu với bạo lực của địch. “Làng rừng” kiên cường tồn tại và phát triển, là hạt nhân cho phong trào nổi dậy của nhân dân giành quyền làm chủ. “Làng rừng” không chỉ là căn cứ địa cách mạng mà còn chứa đựng tư tưởng tiến công lớn, là một hình thái tiến công và nổi dậy của quân dân Cà Mau trong những ngày trước Đồng Khởi” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 226). Tháng 1/1959, Tỉnh ủy Cà Mau tiến hành các đợt chỉnh huấn cho các tổ chức Đảng, chi bộ, đảng An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 84 viên cũng như lực lượng vũ trang và ra “Hiệu triệu” phát động nhân dân nổi dậy trừ gian diệt ác. Lời Hiệu triệu phát đi có sức ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ làm lay động tinh thần quần chúng nhân dân, chiến sĩ cách mạng quyết tâm đứng lên tiêu diệt kẻ thù, những tay sai ác ôn trong toàn Tỉnh. Những tháng tiếp sau đó, phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao. Các hoạt động rải truyền đơn kêu gọi nhân dân và cả binh lính địch diễn ra rầm rộ, các đợt biểu tình đã được đông đảo nhân dân tham gia, khiến cho địch quân trong Tỉnh hoang mang lo lắng. Cũng trong tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã họp và khẳng định phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là “dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đưa phong trào tiến lên” (Cao Văn Lượng - Phạm Quang Toàn - Quỳnh Cư, 1981, tr. 57). Có thể nói, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời thổi vào một làn gió mát xua tan cái oi bức, ngột ngạt của đất trời miền Nam. Nghị quyết 15 đã “cởi trói” cho quân dân miền Nam nói chung và Cà Mau nói riêng cùng đứng lên chiến đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, là sự “phản kháng” lại chính sách khủng bố, đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm vào lực lượng cách mạng và nhân dân đất Mũi Cà Mau. Trước sự chống đối, phản kháng quyết liệt của nhân dân, chính quyền Diệm lại càng khát máu và hành động phát xít hơn khi ban hành Luật số 10/59 ngày 6/5/1959. Họ thẳng thừng tuyên bố “đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật,” tiến hành bắt bớ, chém giết dã man lực lượng cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân vô tội mà không qua xét xử, thẩm tra, miễn họ thấy có dấu hiệu của sự “đe dọa” và “xâm phạm” đến an ninh quốc gia với hai hình thức xử lý là “tử hình” và “khổ sai chung thân” (Phông phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 - 1963), Hồ sơ số: 6024, tr. 38 - 39). Với việc ban hành Luật 10/59 đã đưa chính quyền Ngô Đình Diệm lên đến đỉnh cao của sự hủy diệt. Giữa năm 1959, khí thế cách mạng đang dâng cao, cảnh tang tóc đau thương phủ trùm khắp đất trời miền Nam, trong đó có Cà Mau. Tỉnh ủy Cà Mau bám sát quần chúng, tổ chức cho nhân dân đấu tranh chống khủng bố, đàn áp của địch. Các hoạt động ám sát, thủ tiêu bí mật một số tên gian ác, có nợ máu với nhân dân được tiến hành trong Tỉnh và thu được kết quả khả quan; hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân đạt hiệu quả, đồng thời xúc tiến quá trình xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng vững mạnh trong Tỉnh. Tháng 8/1959, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau nhận được thông báo về tinh thần cơ bản của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng là “cho nổi dậy tiến công, dùng bạo lực cách mạng lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 233). Kể từ khi nhận được chủ trương “cho đánh”, “cho nổi dậy” từ trên cả vùng đất Mũi Cà Mau - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc thêm hừng hực khí thế tiến công quật khởi hơn bao giờ hết. Và cao trào Đồng Khởi của quân dân Cà Mau thực sự bắt đầu. 2.3 Đồng Khởi ở Cà Mau năm 1960 Cà Mau là một trong những địa phương có lực lượng vũ trang phát triển mạnh nên phong trào Đồng Khởi diễn ra có phần sớm hơn các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Trong đêm 25 rạng sáng 26/8/1959 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Trần Văn Thời tổ chức đánh đồn vàm Cái Tàu. Dưới sự kết hợp tấn công giữa lực lượng vũ trang với binh vận trong một thời gian ngắn, tiêu diệt được “1 đại đội bảo an và nhiều tên phản động ác ôn, bắt sống 12 tên, thu 57 súng và nhiều đạn dược” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 233). Trận đánh này là trận đánh vũ trang đầu tiên giành thắng lợi có tác dụng cổ vũ tinh thần chiến đấu và nổi dậy của toàn quân dân trong Tỉnh sau đó. Tiếp sau Huyện ủy Trần Văn Thời lần lượt tới Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển đều hưởng ứng lời “Hiệu triệu” của Tỉnh ủy, phong trào nổi dậy mạnh mẽ và đồng loạt trong các huyện và giành thắng lợi An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 85 quan trọng như phá tan nhiều khu kìm kẹp của địch, giải phóng được nhiều xã, ấp. Giữa tháng 10/1959, Đảng bộ Tỉnh mở Hội nghị phổ biến tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương tại kênh Năm, xã Quách Văn Phẩm huyện Đầm Dơi như tiếp thêm khí thế đấu tranh mạnh mẽ cho toàn quân dân. Tỉnh ủy Cà Mau cũng chủ trương sử dụng lực lượng “làng rừng” làm lực lượng nòng cốt cho phong trào nổi dậy của nhân dân trong Tỉnh. Với sự kết hợp và chiến đấu uyển chuyển của lực lượng vũ trang tuyên truyền với lực lượng chính trị và binh vận đã tạo ra sức mạnh tổng hợp vô song đánh tan, phá rã và giải phóng nhiều xã, ấp, làm lung lay chính quyền Diệm ở địa phương. Từ đầu năm 1960, phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau giành được những thắng lợi to lớn phần lớn các xã, ấp trong Tỉnh được giải phóng, các tổ chức như “Thanh niên cộng hòa”, “Tự vệ hương thôn” (các tổ chức kìm kẹp nhân dân của chính quyền Diệm) đều bị lực lượng cách mạng giải tán. Các khu dinh điền, khu trù mật phần lớn bị phá vỡ, nhân dân trở về quê cũ làng xưa tiếp tục sinh sống và xây dựng cuộc sống mới. Các tổ chức nhân dân tự quản được thành lập ở các xã, ấp giải phóng nhằm thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Ngày 6/1/1960, Tỉnh ủy Cà Mau mở Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng cho các cán bộ chủ chốt của Tỉnh nhằm phát huy và đẩy mạnh hơn nữa cao trào nổi dậy của nhân dân trong toàn Tỉnh. Có thể thấy, từ sau Hội nghị này, lực lượng cách mạng của Tỉnh được tăng cường xây dựng, công tác đào tạo cán bộ được chú trọng, các trường chính trị trong Tỉnh được mở nhằm đào tạo nguồn cán bộ phục vụ cho địa phương, các xưởng sản xuất, chế tạo vũ khí cũng được thành lập nhằm cung cấp đủ khí tài, vũ khí chiến đấu. Trước sự nổi dậy và tấn công mạnh mẽ, kiên cường của quân dân Cà Mau, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tăng cường lực lượng xuống càn quét, đàn áp nhưng đều bị lực lượng cách mạng phục kích tiêu diệt. Điển hình như ngày 6/3/1960, một cánh quân của địch gồm một đại đội của Tiểu đoàn Bác Ái, một tiểu đội bảo an địch đi càn bị Tiểu đoàn Ngô Văn Sở tiêu diệt và bắt sống 150 tên, thu 133 súng (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 243). Ngày 29/3/1960, Đại đội Đinh Tiên Hoàng được sự hỗ trợ của nhân dân tấn công vào khu dinh điền Khánh Bình Đông, phá kho gạo địch, cấp phát cho nhân dân và tuyên truyền vận động nhân dân trong khu trở về làng cũ sinh sống. Tháng 3/1960, lực lượng vũ trang của Tỉnh phát triển khi Tiểu đoàn U Minh được thành lập. Với những hình thức đấu tranh phong phú, sáng tạo, trong đó phổ biến là hình thức đấu tranh “quần chúng vũ trang vũ khí thô sơ kết hợp với nội tuyến chiếm trụ sở tề, lấy đồn, bao vây bứt rút và bứt hàng đồn bót; có nơi lực lượng vũ trang tiến công thẳng vào đồn bót, sau đó bố trí lực lượng chống phản kích, hỗ trợ quần chúng vùng lên phá các khu tập trung (trù mật, dinh điền), kéo về làng ấp cũ nên đến cuối quý I năm 1960, nông dân Cà Mau đã làm chủ hầu hết các vùng nông thôn trong Tỉnh, phá tan 4 khu trù mật, 4 khu dinh điền thắng lợi vượt quá yêu cầu” (Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến, 2010, tr. 176). Tháng 7/1960, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ đã họp đánh giá tình hình cách mạng và đề ra chủ trương đấu tranh phù hợp với tình hình mới. Tại Hội nghị này, Xứ ủy đã chỉ thị cho các Tỉnh đồng loạt nổi dậy vào tháng 9/1960, đây được xem là Đồng Khởi đợt hai. Chưa cần đợi đến thời điểm Đồng Khởi đợt hai, ngày 14/8/1960, các trận đánh tiêu diệt tàu địch trên sông Cái Tàu được diễn ra và giành thắng lợi. Các trận đánh chìm tàu địch trên sông Cái Tàu góp phần cổ vũ và phát triển phong trào tiêu diệt địch trên sông nước Cà Mau sau đó. Tuy mới thành lập không lâu nhưng Tiểu đoàn U Minh phát triển mạnh mẽ và trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào Đồng Khởi đợt hai của Tỉnh. Từ tháng 9 đến tháng 11/1960, các trận đánh phục kích tiêu diệt địch của quân dân Cà Mau liên tiếp diễn ra và thu được kết quả to lớn như trận tiêu diệt chi khu quận sông Ông Đốc, vây bắt tề, điệp ác ôn, san bằng đồn và trụ sở Hội đồng xã Khánh Bình Tây, lực lượng vũ trang An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 86 huyện Cái Nước tập kích và tiêu diệt đồn Giá Ngựa. Cuối năm 1960, phần lớn các xã trong toàn Tỉnh được giải phóng từ Tân Thành, An Xuyên, Thạnh Phú đến Hòa Thành, Định Thành Ngoài ra, các cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn nhằm tố cáo tội phản quốc, hại dân của chính quyền Diệm từ các đồng bào, sư sãi Khmer diễn ra rầm rộ và tạo được tiếng vang lớn. Hơn một năm tiến hành Đồng Khởi, trong toàn tỉnh Cà Mau đã “san bằng 62 đồn, thu 3.000 súng, giải phóng 55/56 xã, 500/550 ấp” (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau, 2004, tr. 247). Lực lượng và cơ sở cách mạng của Tỉnh được củng cố, xây dựng. Phong trào xã, ấp chiến đấu được nhân rộng phát triển trong toàn Tỉnh. Có thể nói, thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau năm 1960 là sự tất yếu của quá trình anh dũng đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng, là kết tinh của sự kiên cường, bất khuất và cả sự hy sinh nhiều xương máu của quân dân Cà Mau trong gần 6 năm chống lại đàn áp, khủng bố dã man từ chính quyền Diệm. Đồng thời, thắng lợi của Đồng Khởi ở Cà Mau cũng là sự minh chứng sáng ngời nhất phương cách đấu tranh đánh địch vô cùng linh loạt, sáng tạo và độc đáo của quân dân trong Tỉnh. Từ những “làng rừng” ẩn sâu giữa rừng U Minh bạt ngàn, bất thần xuất hiện những đội quân “chân trần chí thép” đánh và làm tan rã, lung lay từng mảng lớn chính quyền cai trị của địch tại nông thôn và chính lực lượng “thoát ẩn thoát hiện” ấy làm nên huyền thoại bất tử trên quê hương đất Mũi anh hùng. Đó là chiến thắng vang dội của quân dân Cà Mau trong cuộc Đồng Khởi diệu kì năm 1960 trong toàn Tỉnh. 3. KẾT LUẬN Trong gần 6 năm (1954 - 1960) đấu tranh kiên cường giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới Đồng Khởi, quân dân Cà Mau làm nên huyền thoại anh hùng. Đối lập với các hoạt động khủng bố, đàn áp khốc liệt từ chính quyền Diệm là sự lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh sáng suốt, linh hoạt cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân dân Cà Mau. Lực lượng cách mạng không những được củng cố, bảo tồn mà còn được xây dựng và phát triển vững mạnh đưa đến thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau năm 1960. Trong quá trình đấu tranh giữ gìn, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, quân dân Cà Mau đã có những phương cách đấu tranh bảo tồn lực lượng rất riêng, độc đáo và đã vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương. Những “Đội dân canh chống cướp”, những lực lượng giáo phái ly khai được Tỉnh ủy Cà Mau chủ động khai thác, chỉ đạo đấu tranh, xây dựng và hoạt động để “che mắt” chính quyền Diệm. Và những “làng rừng” được dựng lên trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi ươm mầm cho việc tái xây dựng lực lượng vũ trang, chính trị để tiến tới Đồng Khởi thắng lợi vang dội trong toàn Tỉnh. Có thể khẳng định, cuộc Đồng Khởi diệu kỳ của quân dân Cà Mau đã làm tan rã chính quyền thống trị của địch ở cơ sở, góp phần cùng miền Nam đẩy chế độ Mỹ - Diệm lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Đồng thời thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau mở ra bước ngoặt quan trọng chuyển phong trào đấu tranh cách mạng của Tỉnh phát triển sang trang và tạo tiền đề tích cực cho những chiến công oanh liệt hơn của quân dân đất Mũi anh hùng sau này. TÀI LIỆU THAM KHẢO Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau. (2004). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau, tập 1, (1930- 1975). Nhà xuất bản Mũi Cà Mau. Bộ Tư lệnh Quân khu 9. (1996). Quân khu 9 - 30 năm kháng chiến (1945-1975). Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Cao Văn Lượng - Phạm Quang Toàn - Quỳnh Cư. (1981). Tìm hiểu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (2015). Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật. An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 79 – 87 87 Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến. (2010). Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 2, (1954-1975). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Nhiều tác giả. (2010). Phong trào Đồng Khởi 50 năm nhìn lại. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Phông phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. (1954- 1963). Hồ sơ ấn định Luật trừng phạt sự phá họai, xâm phạm an ninh Quốc gia, xâm phạm sinh mạng hay tài sản của nhân dân và thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt năm 1956-1959. Hồ sơ số: 6024. (Tư liệu lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II - TP. Hồ Chí Minh). Trần Văn Giàu. (2006). Tổng tập (Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 1, (1954-1960). Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Trần Văn Trà. (2005). Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf09_thai_van_tho_0_0422_2034790.pdf