Phong tục cưới gả truyền thống của người Mường ở huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa)

Cưới hỏi truyền thống của người Mường có những nghi lễ, tập tục mang những nét riêng. Hôn nhân của người Mường là kết quả của tình yêu trai gái. Hôn nhân theo sự áp đặt không phổ biến (trừ tầng lớp lang đạo). Điều này là một trong những yếu tố giúp cho đời sống vợ chồng hạnh phúc, hôn nhân bền vững.

pdf7 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 2422 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phong tục cưới gả truyền thống của người Mường ở huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Phạm Thúc Sơn _____________________________________________________________________________________________________________ PHONG TỤC CƯỚI GẢ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN NGỌC LẶC (TỈNH THANH HÓA) PHẠM THÚC SƠN* TÓM TẮT Người Mường quan niệm cưới xin là một nghi lễ quan trọng cần được chuẩn bị chu đáo. Trong đám cưới truyền thống của người Mường ở huyện Ngọc Lặc, vai trò của ông Mơ, Mế già là rất quan trọng. Trước đám cưới, nhà trai phải đi thăm dò, tiếp đến là dạm ngõ, đặt vấn đề, ăn hỏi, ra mặt rể mới và cắt của. Sau những lễ nghi đúng với truyền thống, lễ cưới sẽ được tổ chức khi cả hai bên gia đình đã chuẩn bị đầy đủ. Từ khóa: đám cưới truyền thống của người Mường. ABSTRACT The traditional marriage customs of Muong people in Ngoc Lac district (Thanh Hoa province) According to Muong people, marriage is an important ceremonial needed to be prepared carefully. In traditional weddings of Muong people in Ngoc Lac district, the matchmaker plays a very important role. Before the wedding, the bridegroom family has to visit the bride family, wooing, proposing marriage, introducing the bridegroom, and dividing possession. After the rites according to the tradition, the wedding ceremony is held when both the bridegroom’s and the bride’s family have already prepared well. Keywords: Muong traditional wedding. 1. Quan niệm của người Mường về tục cưới gả Hôn nhân của người Mường là hôn nhân bình đẳng dựa trên cơ sở trai gái tự do tìm hiểu, yêu đương. Khi đến tuổi “se duyên kết mối”, con trai mường này đến mường khác rất xa để tìm bạn (gọi là “chơi con mái”). Khi thuận tình, người con trai hay con gái có thể trực tiếp thưa chuyện với bố mẹ. Thường thì họ nhờ bạn bè, người quen đánh tiếng và quá trình tìm hiểu giữa đôi trai gái ấy được gọi là “ti sôống mái” (đi tìm hiểu). Khi trai gái đã thuận tình, bên nhà trai tìm người mai mối để sang bên nhà gái đặt vấn đề cưới hỏi. Hôn nhân của người Mường là hôn nhân tự do, chỉ trừ tầng lớp lang đạo mới chịu ảnh hưởng của lễ giáo “sừng đôi sừng, lược đôi lược” (môn đăng hộ đối). Hầu hết hôn nhân của người Mường là hôn nhân bền vững dựa trên chế độ “đồng đương” (tức là nhiều thế hệ sống chung nhau trong một gia đình) với những quy định khắt khe trong các quan hệ cha - con, chồng - vợ, bố vợ - con dâu, mẹ vợ - con rể Tất cả các mối quan hệ đó được quy định rõ ràng và chính là rường mối để giữ gìn nền tảng gia đình Mường. Hôn nhân tự do nhưng rất bền vững là đặc điểm nổi bật trong cộng đồng dân tộc Mường nói chung và người Mường ở Ngọc Lặc nói riêng. * ThS, Trường Đại học Thủ Dầu Một 81 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 35 năm 2012 _____________________________________________________________________________________________________________ 2. Vai trò của ông mơ, mế già trong việc cưới gả Trong đám cưới của người Mường, ông mơ, mế già (ông mối, bà mối) có vai trò vô cùng quan trọng. Việc lựa chọn ông mơ, mế già cũng được thông qua những tiêu chuẩn nhất định, cụ thể như sau: Ông mơ là người khéo ăn nói, khéo ứng biến, hoạt bát, am hiểu sự đời, có đủ con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại; có phúc đức; gia đình hòa thuận; được mọi người kính trọng và đặc biệt có tài uống rượu. Ông mơ là người được nhà trai đặt niềm tin và phó thác trọng trách nặng nề. Cuộc hôn nhân có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào tài nghệ của ông mơ trong khi đi hỏi, tổ chức gặp gỡ giữa nhà trai với nhà gái và lo liệu mọi việc để đám cưới diễn ra tốt đẹp. Thậm chí, ông mơ còn phải có trách nhiệm đối với đôi vợ chồng trẻ cho đến khi ông về “thế giới mường ma” mới chấm dứt vai trò của mình. Nếu là việc đánh tiếng không thành công, nhà trai phải có lời tử tế an ủi để ông mơ không phật ý, rồi xin phép tìm người khác thay thế. Còn nếu thuận tình đi đến hôn nhân, vợ chồng trẻ phải coi ông mơ như cha mẹ mình, phải “sống tết, chết giỗ”. Con cái sinh ra cũng phải coi ông mơ như ông bà mình, vì ông đã có công tác hợp cho pộ (bố) và cạy (mẹ) mình. Ngày tết, ngày lễ phải có đồ lễ tới biếu (mâm xôi, con gà) để tỏ lòng biết ơn. Khi ông mơ về “thế giới mường ma”, vợ chồng cũng phải để tang như cha, mẹ. Nếu như vợ chồng nào không quan tâm, kính trọng ông mơ sẽ bị dư luận lên án và sau này con cái của họ cũng khó tìm được ông mơ khi muốn dựng vợ gả chồng. Mế già cũng phải là người phụ nữ khéo ăn nói, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu, có con trai, con gái, có tài ngoại giao và có khả năng uống rượu. mế già luôn ở bên cạnh, an ủi và chỉ dẫn cho cô dâu các nghi lễ trong ngày cưới. Vai trò của mế già trong ngày cưới rất quan trọng. Bà phải luôn ở bên cạnh cô dâu và thay mặt cho nhà gái để tiếp chuyện nhà trai. Mế già không chỉ giỏi giao tiếp mà còn phải hiểu rất rõ các nghi lễ trong đám cưới. Cho nên việc lựa chọn mế già cũng rất khắt khe đối với những gia đình có con gái sắp lấy chồng. Các ông “ậuu” (thầy cúng), ông mơ, mế già là những người có uy tín, khéo ăn nói, am hiểu phong tục và văn hóa của dân tộc, nên họ được hai họ tin cậy mời đến để lo việc đám cưới của đôi trai gái. Sau mỗi đám cưới, họ thường nhận được quà biếu của gia đình cặp vợ chồng mới, những món quà đó gọi là đồ lễ. Đồ lễ không được người Mường quy định chặt chẽ, mà thường tùy vào khả năng của gia chủ và cô dâu chú rể. Đồ lễ cho ông mơ thường là một đùi sau của con lợn (lợn được làm thịt để cúng tổ tiên nhà chú rể), một ít tiền, một cái nệm và một cặp gối của cô dâu mới. Đồ lễ cho mế già do nhà gái chuẩn bị và cũng tương tự như đồ lễ của ông mơ. Nh ư vậy, ông mơ là chủ trì bên họ nhà trai, mế già chủ trì bên họ nhà gái. Cả hai vai trò này đều quan trọng và không thể thiếu trong suốt quá trình chuẩn bị 82 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Phạm Thúc Sơn _____________________________________________________________________________________________________________ cho một đám cưới truyền thống của người Mường. 3. Phong tục cưới gả truyền thống Để có thể đi đến nghi lễ cuối cùng là lễ cưới, thì thanh niên Mường phải thực hiện đầy đủ những nghi lễ sau: 3.1. Đi thăm dò (thăm táng mạch khạ) Nhà trai nhờ một người quen bên nhà gái đi thăm dò ý kiến nhà gái. Người này có thể là đàn ông hoặc phụ nữ nhưng phải là người có tài ăn nói. Người dân trong làng gọi là bà mối. Bà mối đi thăm dò ý kiến nhà gái thường mang theo một giỏ bánh, một vò rượu. Khi đến nhà gái, bà mối hỏi gia đình nhà gái có đồng ý cho nhà họ đi hỏi vợ cho anh nọ, anh kia hay không. Nhà gái chưa trả lời ngay mà hỏi lại: anh đó đi bộ đội chưa, tính tình thế nào, có chăm chỉ làm ăn hay không Thông thường, bà mối trả lời một cách trung thực. Sau đó, nếu nhà gái quyết định đồng ý thì nhận quà nếu không thì trả lại quà. Sau khi nhà gái đồng ý, nhà trai về chuẩn bị những bước tiếp theo. 3.2. Dạm ngỏ (rạm ngỏ) Sau khi chọn được bà mối, nhà trai mang giỏ bánh, trầu cau, rượu đến nhà gái để chính thức ngỏ lời cho đôi bạn trẻ thành hôn. Hai bên gia đình bàn bạc ngày “khạo xiềng ”. Vai trò của bà mối lúc này rất quan trọng. Chính vì vậy, ông mơ, bà mối phải có tài ăn nói, ứng xử khéo léo : Hèn sức chớ đi đào núi Không khôn mồm khéo miệng chớ đi làm mơ. Hay : Cơm ngon vì miếng, tiếng tốt vì mơ. 3.3. Đặt vấn đề (khạo xiềng) Đến ngày đã chọn, nhà trai chuẩn bị chè, trầu cau gói lại trao cho ông mơ đến nhà gái lúc chạng vạng tối. Đúng giờ, nhà gái với sự tham gia của ông bà, bố mẹ đợi nhà trai đến. Đồng thời, cho người ở cổng chờ sẵn để đón lễ vật và mời nhà trai vào nhà. Nhà gái mổ gà thiết đãi họ nhà trai, chủ nhà giữ đôi chân gà để xem, đoán việc tốt xấu về nhân duyên con gái. Lễ vật của nhà trai được đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ba ngày sau, nếu nhà gái không trả lại lễ vật là đã đồng ý. Sở dĩ phải đợi đến ba ngày, vì trong ba ngày đó, phải chờ xem có điềm gì xấu (như: gà gáy trưa, cây đổ, vượn kêu) xảy ra không. 3.4. Ăn hỏi (ti hỏi) Sau khi được nhà gái đồng ý, nhà trai chuẩn bị lễ đi ăn hỏi. Sính lễ cho ngày ăn hỏi rất nhiều và phải trải qua bốn lần như sau: Ăn hỏi lần một (ti hỏi lấn một): Lễ vật gồm một gánh bánh chưng (bánh chưng không nhân), một vò rượu, một giỏ trầu cau. Sau bữa cơm thân mật, hai gia đình quyết định ngày cho lần ăn hỏi thứ hai. Ăn hỏi lần thứ hai (ti hỏi lấn han): Lần này nhà trai phải chuẩn bị ba gánh bánh, gồm: một gánh bánh khô, một gánh bánh chưng, một gánh bánh mật, trầu cau, chè, rượu, thuốc lá. Đi hỏi lần thứ hai xong, hai bên gia đình đã xưng hô như thông gia với nhau. Ăn hỏi lần thứ ba (ti hỏi lấn pa): Số bánh lần này là năm hoặc sáu gánh với lễ vật như lần hai, thêm một gánh cơm gà và một gánh gạo nếp. Trước khi đi, nhà trai cúng tổ tiên. Trên đường sang nhà gái, người ta kiêng gặp con gái và người 83 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 35 năm 2012 _____________________________________________________________________________________________________________ có vía xấu. Để tránh việc này, họ cử một bé trai ra đầu ngõ chơi để lấy may. Ngày hôm đó, nhà gái có đầy đủ hai bên nội ngoại, các vị cao niên trong dòng tộc để chứng kiến. Sau khi ăn uống xong, hai bên gia đình cùng bàn bạc và chuẩn bị cho lễ ăn hỏi tiếp theo. Ăn hỏi lần thứ tư (ti hỏi lấn pộn): Số bánh lần này từ bảy đến chín gánh, gồm có: bánh chưng, bánh khô, bánh mật, bánh lá. Riêng bánh chưng thì có buộc thêm một liếp cá tươi, một giỏ trầu cau cùng với chè và thuốc. Sau lễ ăn hỏi, phải ba năm nữa lễ cưới chính thức mới bắt đầu. Trong thời gian đó, nhà trai tích cực chuẩn bị lễ vật và những nhu cầu cần thiết cho đám cưới. Đây là những năm thử thách chàng rể và họ nhà trai. Trong thời gian này, có hai dịp lễ lớn nhà trai phải đi đến nhà gái: ra mắt con rể (xa mặt dậu) và cắt của (ngáy cẳt của). Chính vì vậy, đối với gia đình nghèo thì khó có thể lo được. Trong các dịp lễ tết như tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, nhà trai đều có quà biếu nhà gái. Tết Nguyên Đán, có lợn luộc chín úp vào thúng xôi đậu, bánh các loại, rượu, trầu cau. Tết cơm mới phải có cá sông, 2 con gà, gạo nếp hoặc xôi. Ngày 15-7 âm lịch có hai con gà, rượu và gạo. Nhà gái đáp lại bằng cách cho con gái sang biếu mẹ chồng tương lai những sản phẩm do chính tay mình dệt, như: nệm, gối, váy áo Trong thời gian này, cô dâu và chàng rể thường xuyên qua lại, thăm hỏi, giúp đỡ hai gia đình, nhất là những lúc mùa màng bận rộn. Các cụ già thường nói: “Khàng mưới chăng ti bẩt dậu, khàng thậu chăng tệnh bẩt du” (tháng 10 không đi mất rể, tháng 6 không đến mất dâu) là có ý nhắc khéo cô dâu và chàng rể mới không được lơ là việc gia đình đôi bên. 3.5. Lễ ra mặt rể (xa mặt dậu) Trong lễ ra mặt rể, nhà trai cũng phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như lợn, gà, bánh, gạo, trầu cau, chè, thuốc. Dẫn đầu đoàn nhà trai là ông mơ và hai ông họ nhà chú rể, các trai “viếng” và mái “viếng” khiêng đồ lễ và chàng trai “biêng” (phụ rể) đi cùng chàng rể mới. Lần này, nhà gái tổ chức ăn uống linh đình hơn. 3.6. Cắt của (cẳt của) Sau khoảng 3 năm qua lại với nhau, nếu nhà trai đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật thách cưới và tỏ ý muốn cưới thì cho ông mơ đến nhà gái để hẹn ngày tốt đón dâu và hỏi xem những lễ vật mà nhà gái yêu cầu gồm những gì. Người Mường ở Ngọc Lặc gọi đây là lễ cắt của. Nhà trai chuẩn bị giỏ bánh, rượu, mâm cơm sang nhà gái, cùng nhau bàn chọn ngày tốt để tổ chức đám cưới. 3.7. Lễ cưới (đàm khảch) Sau lễ cắt của, hai bên gia đình thỏa thuận ngày cưới. Lễ cưới thường được tổ chức ba ngày, đối với nhà Lang thì từ 5 - 7 ngày. Lễ vật ngày cưới gồm 2 con lợn hơi, một con 40 kg và một con 60 kg (con nhỏ thịt ngày nạp tài, con lớn thịt ngày đưa dâu), vài thúng gạo nếp, khoảng 24 vò rượu, trầu cau, chè khô, thuốc lá, bánh chưng bốn gánh, khoảng 10 con gà. Nếu là nhà Lang hoặc gia đình khá giả có thể có một con trâu hoặc bò. Lễ dẫn của diễn ra trước hôm đón dâu. Trước lúc dẫn của sang nhà gái, nhà 84 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Phạm Thúc Sơn _____________________________________________________________________________________________________________ trai phải làm mâm cơm cúng tổ tiên, cầu mong mọi việc diễn ra tốt đẹp. Đoàn người đi phải là số lượng chẵn, với thành phần đông đủ hai bên nội ngoại của chú rể và không thể thiếu ông mơ, cùng với rất nhiều trai “viếng”, mái “viếng” (các chàng trai, cô gái được mời đến để giúp việc trong đám cưới) và chàng “biêng cạnh” (chàng trai được mời đến để phụ giúp các công việc và luôn đứng cạch chàng rể trong suốt quá trình đám cưới). Trên đường đi, nếu qua làng khác bị giăng dây đón đường, khi đó ông mơ trình bày lí do khiêng của, mời trầu, nộp tiền chuộc rồi lại vui vẻ lên đường. Đến gần nhà cô dâu, đoàn người đi chậm lại, sửa sang quần áo rồi đi vào nhà cô dâu. Bên nhà gái cử người ra đón, đồng thời xem có đủ lễ vật hay không. Nếu thiếu nhà trai phải chuẩn bị cho đủ như đã thỏa thuận. Nếu không, ông mơ, bà mối bị phạt bằng những chén rượu vì đã không truyền đạt ý kiến của nhà gái với nhà trai một cách rõ ràng. Đại diện nhà gái mời đoàn người nhà trai vào nhà uống nước, ăn trầu, hút thuốc và uống rượu. Trong lúc đó, nhà gái chuẩn bị cho việc thờ cúng tổ tiên nhà mình với đồ lễ của nhà trai trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Điều không thể thiếu trong phần lễ này chính là việc lạy ma nhà cô dâu của chú rể mới. Sau khi việc thờ cúng tổ tiên xong, chàng rể mới sẽ mời trầu và nhận đồ lễ do những người cao niên có vai vế trong thân tộc của cô dâu trao tặng. Đồ trao tặng có thể là vải vóc hoặc tiền. Sau phần ra mắt và nhận tổ tiên cũng như thân tộc nhà cô dâu của chàng rể mới, hai họ sẽ dùng cơm. Đây chính là lúc diễn ra nhiều hoạt động thể hiện nét đặc sắc trong đám cưới của người Mường. Hai họ ăn uống, nhảy múa từ lúc cúng tổ tiên xong cho đến tối. Những điệu xường của các vị cao niên hai họ, các bài hát đối giao duyên của nam thanh, nữ tú vang lên trong tiếng chiêng, tiếng trống xập xình hòa quyện với các điệu múa xéc bùa tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa vô cùng sinh động và đặc sắc. Những hoạt động ấy kéo dài từ trưa hôm trước cho đến sáng hôm sau – lúc chuẩn bị đưa cô dâu về nhà chồng. Trước khi rời nhà mình, cô dâu vái lạy bàn thờ tổ tiên 3 lạy, lạy bố mẹ và các vị cao tuổi trong dòng tộc ba lạy. Sau đó cô dâu mới được mế già và cô gái “biêng” (phù dâu) đưa xuống cầu thang rồi đi thẳng ra cổng. Từ bàn thờ tổ tiên ra đến cổng, cô dâu phải hướng mắt về phía trước, không được quay mặt trở lại nhìn ai. Nếu cô dâu quay lại thể hiện sự lưu luyến với gia đình, không toàn tâm toàn ý với người chồng, đó là điềm rủi. Cho nên trong ngày cưới, dù rất lưu luyến nhưng không cô gái nào ngoảnh đầu lại cả. Trên đường đi về, đoàn đón dâu phải đi đường thẳng không được đi đường tắt, kiểm soát không cho bất cứ đồ vật gì của cô dâu rơi xuống dọc đường và tuyệt đối tránh các việc xung đột. Người Mường tránh những chuyện như thế vì cho đó là điềm gở và cầu mong không có việc “đứt gánh giữa đường của đôi vợ chồng trẻ, hay sau này cô gái không đi ngang về tắt”. Nếu lúc đầu đi đón dâu, đoàn nhà trai đi số lượng người lẻ thì lúc 85 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 35 năm 2012 _____________________________________________________________________________________________________________ về sẽ phải là chẵn. Người Mường quan niệm đi lẻ về chẵn mới là điều tốt. Đoàn đón dâu về tới cổng, tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên dồn dập. Mẹ chồng chuẩn bị sẵn một thau nước sạch và một gáo nước, một thảm than dọc đường đi trước cầu thang để đón nàng dâu. Khi cô dâu mới được đoàn hộ tống tháp tùng đến cầu thang, mẹ chồng chính là người múc nước để nàng dâu rửa chân. Sau đó, nàng dâu mới phải bước qua thảm lửa để đi lên cầu thang. Theo quan niệm của người Mường, điều đó thể hiện sự yêu mến của người mẹ chồng với con dâu mới, việc bước qua thảm than nhằm xua đuổi hết tà ma và khí độc bám theo cô dâu trong cuộc hành trình vừa rồi. Khi lên khỏi cầu thang, cô dâu được đưa vào gian buồng nơi bố trí sẵn cho cặp vợ chồng mới. Ở đây, trước sự chứng kiến các mế, các cô và các cụ bà cao tuổi họ nhà chú rể cùng rất nhiều mái “viếng”, cô dâu lấy những bộ đồ mình dệt vắt lên sào. Đồ vắt lên sào càng nhiều thì càng thể hiện được sự siêng năng, chăm chỉ, chịu khó của nàng dâu mới và cũng phần nào thể hiện được điều kiện của nhà cô dâu. Trang phục có hai loại vải chính là vải thường (dệt từ sợi bông), vải “sại” (được dệt từ sợi tơ tằm). Vải sại càng nhiều thì cô dâu mới càng được đánh giá cao; bởi dệt bằng sợi tơ tằm rất công phu, mất nhiều thời gian và công sức hơn. Việc vắt đồ lên sào còn nhằm mục đích khác là giáo dục các mái “viếng” sắp đến tuổi lấy chồng, xem đó mà học hỏi. Xong nghi thức trong buồng cưới, cô dâu được ra ngoài khi ông “ậuu” đã thờ cúng tổ tiên chàng rể xong. Tại đây, cô dâu mới lạy bàn thờ tổ tiên ba lạy, các vị cao tuổi bốn lạy, sau đó là nhận họ hàng và mời trầu. Trước sự chứng kiến của hai họ, nàng dâu mới sẽ tặng những món quà do chính tay mình làm cho ông, bà nội, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác của chàng rể. Quà tặng thường là chăn, nệm hoặc gối. Sau đó, hai gia đình dùng bữa trưa và tổ chức các hoạt động văn nghệ để chúc mừng đôi vợ chồng mới. Tiếng hát, điệu múa, tiếng chiêng, tiếng trống..., không khí vui nhộn kéo dài từ lúc đó cho đến vài ngày sau. Những gia đình khá giả mổ cả trâu, bò thết đãi nhà gái và hàng xóm. Việc kéo dài số ngày ăn uống phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình chàng rể. Nếu nhà khá giả thì vài ngày, còn nhà khó khăn thì chỉ ngày hôm ấy đến sáng hôm sau là kết thúc. Sau khi từ nhà gái trở về, ba ngày sau vợ chồng mới cùng với ông mơ làm một lễ nhỏ sang nhà gái gọi là lễ “lại mặt” mà người Mường gọi là “trại tộô” (lại dấu). Sau lễ lại mặt, cô dâu chính thức về cư trú bên nhà chồng. Vào dịp tết Nguyên Đán, ngày 5-5 âm lịch và 15-7 âm lịch, hai vợ chồng sẽ đi tết ông ngoại. 4. Kết luận Văn hóa truyền thống của người Mường được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau; trong đó, nghi lễ vòng đời, đặc biệt là phong tục cưới hỏi, là một trong những yếu tố cấu thành văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần của người Mường. Qua việc tìm hiểu nghi lễ vòng đời, đặc biệt là phong tục cưới hỏi truyền thống của người Mường ở huyện Ngọc 86 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Phạm Thúc Sơn _____________________________________________________________________________________________________________ Lặc tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi rút ra những nhận định sau: Cưới hỏi truyền thống của người Mường có những nghi lễ, tập tục mang những nét riêng. Hôn nhân của người Mường là kết quả của tình yêu trai gái. Hôn nhân theo sự áp đặt không phổ biến (trừ tầng lớp lang đạo). Điều này là một trong những yếu tố giúp cho đời sống vợ chồng hạnh phúc, hôn nhân bền vững. Bên cạnh đó, tục cưới hỏi truyền thống của người Mường còn chứa đựng rất nhiều yếu tố đạo lí, văn hóa tốt đẹp như vai trò của ông mơ, mế già, sự giúp đỡ của cộng đồng... Tuy nhiên, phong tục cưới hỏi truyền thống của người Mường còn rất nhiều nghi lễ rườm rà, gây tốn kém và mất nhiều thời gian. Có thể nói rằng văn hóa Mường còn nhiều nét nguyên sơ, mang bản sắc của văn hóa Việt cổ. Người Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thuộc nhánh Mường trong, nên các nghi lễ trong cưới hỏi đều mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Mường. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vương Anh (2006), Tiếp cận văn hóa bản Mường, Nxb Thanh Hóa. 2. Toan Ánh (2000), Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 3. Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Thông tin. 4. Bùi Chỉ (2000), Văn hóa ẩm thực dân gian Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 5. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội. 6. Nguyễn Thẩm Thu Hà (2010), “Tục lệ cưới xin của người Mường ở xóm Đa, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình”, Tạp chí Dân tộc học, (3). 7. Trương Sĩ Hùng (1992), Sử thi thần thoại Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 8. Jeane Cuisinier (1995), Người Mường, Nxb Lao động, Hà Nội. 9. Trần Thị Liên, Nguyễn Hữu Kiên (1986), Văn hóa truyền thống Mường Đủ, Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa. 10. Cao Hải Sơn (2006), Văn hóa dân gian Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 21-02-2011; ngày chấp nhận đăng: 17-4-2012) 87

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf10_pham_thuc_son_3261.pdf