Phân tích những ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay

Có thể nói, Thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò thực sự quan trọng trong việc hướng dẫn phát triển sản xuát và tiêu dùng xã hội. Cùng với các loại thuế khác, thuế tiêu thụ đặc biệt đã hình thành nên một hệ thống chính sách thuế khá đồng bộ trong điều kiện hiện nay của nước ta, góp phần ổn định nguồn thu của ngân sách nhà nước. Mặc dù đã đạt được nhiều những thành tựu song Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn còn bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực, thay đổi về mọi mặt nhằm nâng cao hiệu quả áo dụng Luật thuế TTĐB trong thực tiễn.

doc14 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 3731 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích những ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dung, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cùng với thời gian, vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt ngày càng được coi trọng. Các quốc gia đã xem loại thuế này như một công cụ cần thiết nhằm tạo lập và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ở Việt Nam thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa vào áp dụng từ năm 1993 và được chính thức ghi nhận tại Luật thuế tiêu thụ 1998 và các Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2003, 2005 và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực hiện hành là Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt từ 12- 14% Thuế tiêu thụ đặc biệt đã và đang khẳng định được vai trò to lớn của mình. Nhưng làm như thế nào để việc thực thi pháp luật thế tiêu thụ đặc biệt đạt được hiệu quả? Những yếu tố nào đã tác động tới hoạt động thực thi đó? Để làm rõ vấn đề này em đã lựa chọn bài tập số 12 : “Phân tích những ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay” để hoàn thiện bài tập lớn của mình. Kết cấu bài gồm 3 phần: Lời mở đầu, nội dung và kết luận. Trong đó phần nội dung bao gồm: I. Khái quát chung về thuế tiêu thụ đặc biệt II. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt. III. Một số ý kiến để hoàn thiện thực thi pháp luật thuê tiêu thụ đặc biệt. NỘI DUNG I. Khái quát chung về thuế tiêu thụ đặc biệt 1. Khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt. 1.1. Định nghĩa Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế tiêu dùng được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới nhằm tạo lập và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ở nước ta, Luật Thuế TTĐB ban hành lần đầu tiên vào năm 1990. Kể từ khi ban hành đến nay, Luật thuế TTĐB đã qua nhiều lần bổ sung sửa đổi cho phù hợp với chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển. Và cho đến nay, thuế thiêu thụ đặc biệt được chính thức ghi nhận và tiến hành áp dụng tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào một số loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng đồng thời làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 1.2. Đặc điểm thuế tiêu thụ đặc biệt Về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một loại thuế gián thu, do người tiêu dùng chịu, nó bao gồm 3 đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp, nó chỉ tập trung điều tiết một số mặt hàng và dịch vụ nhất định và không được nhà nước khuyến khích tiêu dùng. Thứ hai, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỷ lệ và thường cao hơn so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác. Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt thường chỉ được thu một lần ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu. Cùng một mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. 2. Khái niệm thực thi pháp luật thuế tiêu thục đặc biệt Thực thi pháp luật được hiểu chung nhất là hoạt động thực hiện và thi hành pháp luật. Theo nghĩa hẹp thực thi pháp luật chỉ là hoạt động của riêng cơ quan quản lý nhà nước trong việc áp dụng, thi hành pháp luật. Nhưng cách hiểu đó là phiến diện và chưa đầy đủ vì pháp luật là những chuẩn mực chung và bất cứ ai trong xã hội phải tuân theo.Vì vậy thực thi pháp luật phải là hoạt động thực hiện và tuân theo pháp luật của tất cả mọi công dân. Đối với pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng việc thực thi pháp luật chia làm 2 nhóm: hoạt động thu thuế (quản lý thuế) và hoạt động đóng thuế tương ứng với 2 nhóm đối tượng đó là cơ quan nhà nước ( chủ thể quyền lực) và chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế ( chủ thể mang nghĩa vụ). 3. Vai trò của hoạt động thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ nhất, pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hàng hóa dịch vụ giúp Nhà nước quản lý hoạt động nhập khẩu mặt hàng này. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt không được thực thi trên thực tế thì Nhà nước không thể xác định số lượng của các mặt hàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên thị trường Việt Nam hiện nay, điều này sẽ dẫn tới hậu quả là hành vi trốn thuế của các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế ( nhất là đối với loại thuế có mức thuế suất cao như thuế tiêu thụ đặc biệt), gây khó khăn cho chủ thể quản lý thuế. Thứ hai, việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt còn nhằm mục đích điều tiết thu nhập của các tầng lớp trong dân cư có thu nhập cao bằng cách áp dụng mức thuế cao đối với những mặt hàng đó đồng thời hướng dẫn tiêu dùng hợp lý. Thông qua việc thực thi thuế tiêu thụ đặc biệt Nhà nước một mặt có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế đất nước. Mặt khác, cũng thông qua việc thực thi thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và khả năng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt tạo nguồn Thu cho ngân sách Nhà nước. Việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt còn có ý nghĩa trong việc đem lại nguồn thu ổn định cho Ngân sách nhà nước. Đảm bảo cho việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt. 1.Yếu tố khách quan 1.1- Yếu tố kinh tế Ở nước ta, thuế TTĐB được Quốc hội khoá IX ban hành Luật Thuế TTĐB và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1990 và đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Trong đó những lần sửa đổi quan trọng vào các năm 1998, 2003 và 2005. Năm 2008, Luật thuế TTĐB (sửa đổi) được trình Quốc hội thông qua vào tháng 11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ 01/04/2009. Như vậy, nhìn chung khung pháp lý cho thuế tiêu thụ đặc biệt xuất hiện muộn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nói chung nền kinh tế Việt Nam phát triển muộn hơn so với nhiều nước. Trước đây khái niệm hàng hóa đặc biệt còn khá xa lạ. Đối với thuế hàng hóa( được xem là tiền thân của thuế TTĐB) được quy định tại Quyết nghị 487- NQ/QHK4 quy định còn mang tính liệt kê, đánh cả vào những mặt hàng thiết yếu do lúc đó kinh tế Việt Nam còn mang tính bao cấp, những kinh doanh ngoài Nhà nước đều không được khuyến khích. Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường Nhà nước chỉ đánh thuế TTĐB vào những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng nhằm khuyến kích phát triển kinh tế xã hội, bằng cách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong xã hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam các mặt hàng bị đánh thuế liên tục được điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh tế mới. Các yếu tố kinh tế thay đổi làm cho hành vi thực thi pháp luật thuế TTĐB cúng thay đổi. Khi các yếu tố kinh tế thay đổi sẽ có tác động tới việc thực hiện thuế TTĐB: Ví dụ: có nhiều loại mặt hàng, dịch vụ tương tự những mặt hàng bị đánh thuế TTĐB nhưng pháp luật chưa quy định, nên các doanh nghiệp sẽ trốn thuế bằng cách áp dụng các hàng hóa, dịch vụ mới này.Mặt khác, các mặt hàng được xem là xa xỉ như ô tô dưới 24 chỗ sẽ không phải là đối tượng của thuế TTĐB khi kinh tế tăng lên, đời sống cũng như cơ sở hạ tầng ở Việt Nam ngày càng đươc nâng cao… 1.2- Văn hóa – giáo dục Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều có pháp luật để đảm bảo trật tự xã hội. Nhưng văn hóa để thực thi pháp luật ở mỗi quốc gia thì không như nhau. Pháp luật nói chung và pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng luôn có một hệ thống pháp chế để đảm bảo thi hành, nhưng hoạt động của các cơ quan công quyền nếu không có văn hóa, không tôn trọng pháp luật thì việc thực thi pháp luật chắc chắn không đúng. Bên cạnh đó, nếu các chủ thể quyền lực này đã có văn hóa, ý thưc thực thi đúng pháp luật nhưng các chủ thể có nghĩa vụ không có văn hóa và ý thưc tôn trọng ý thức thực thi thuế sẽ dẫn tới hành vi trốn thuế, để thu được lợi nhuận cao hơn. Hành vi trốn thuế tiêu thụ đặc biệt đồng nghĩa với không thực thi thuế đối với một số mặt hàng nhất định, cơ quan có quyền lực đôi khi không thể tìm ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Văn hóa bắt nguồn từ việc giáo dục, giáo dục ở đây mang ý nghĩa rộng tức là giáo dục ý thức của người dân ở gia đình, nhà trường và cả xã hội. Đối với chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế cần giáo dục họ nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và muốn làm được điều đó thì trước hết cần giáo dục nhóm chủ thể mang quyền lực được vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt, giáo dục sự tôn trọng một cách thực sự chứ không phải là nỗi khiếp sợ về các chế tài xử lý. 1.3- Hội nhập quốc tế Trong xu hướng phát triển toàn cầu, Việt Nam đã gia nhập rất nhiều sân chơi chung của quốc tế. Tiêu biểu, Việt Nam đã gia nhập WTO ( tổ chức thương mại thế giới). Bên cạnh những lợi ích đạt được như bình đẳng với các nước lớn hơn, được bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm, việc gia nhập WTO cũng đặt ra đối với Việt Nam những thách thức và khó khăn mới trong việc thực thi pháp luật đang tồn tại. Đặc biệt với thuế tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể như sau: Để thực hiện các cam kết hội nhập, việc quy định lộ trình từng bước tăng thuế đối với một số mặt hàng như ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (2004-2005), thuốc lá, bia hơi (2006-2007) có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Một mặt, bảo đảm thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu theo đúng các nguyên tắc của WTO. Mặt khác, đã hạn chế những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng thuốc lá, bia hơi khi phải thực hiện các cam kết hội nhập, giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh Đối với mặt hàng rượu: Theo cam kết, trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới - WTO (tức là từ năm 2010), tại Việt Nam tất cả các loại rượu được chưng cất có nồng độ từ 20 độ cồn trở lên sẽ áp dụng một mức thuế tuyệt đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất hoặc một mức thuế phần trăm. Đối với mặt hàng bia: Tương tự như rượu, theo cam kết, trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất phần trăm (%) chung đối với các loại bia, không phân biệt hình thức đóng gói bao bì. Vì vậy, việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2005 không còn phù hợp nữa. Và Việt Nam đã có những điều chỉnh cần thiết để việc thực thi luật thuế tiêu thụ đặc biệt không vấp phải sự phản đối của thế giới bằng cách sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 để phù hợp với hoàn cảnh mới, đảm bảo thực thi diễn ra phù hợp trong sân chơi chung toàn thế giới. 2.Yếu tố chủ quan 2.1. Sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Dưới các tác động của kinh tế xã hội nêu trên, các cơ quan Nhà nước sẽ là người quyết định phương hướng thực thi cơ bản của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt.Yếu tố tác động từ các cơ quan Nhà nước có thể được xem kim chỉ nam cho các hoạt động thự thi thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu có các chủ trương và phương hướng phù hợp sẽ góp phần tích cực tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt trên thực tế. Và ngược lại, cũng có thể làm cho việc thực thi thuế khó được thực hiện và nếu được thực hiện cũng sẽ gặp phải sự phản đối lớn trong xã hội, dẫn tới việc không thực thi được hoặc thực thi không đúng, không đủ. 2.1.1. Chính sách a. Đối tượng chịu thuế: Danh mục các hàng hóa là đối tượng áp dụng thuế TTĐB 2005 ở Việt Nam chỉ đánh vào 8 nhóm hàng hóa và 5 nhóm dịch vụ.Con số này ít hơn một số nước trong khu vực như: Ở Thái Lan, thuế TTĐB đánh vào 15 nhóm hàng, ở Indonesia áp dụng cho 37 nhóm hàng. Như vậy, nhìn vào phương diện số mặt hàng thì việc thực thi thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam có vẻ đơn giản hơn. Nhưng trong quá trình thực thi, tổng kết của chính phủ việc thực hiện luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2005 cho thấy đã tồn tại nhiều bất cập dẫn đến việc khó thực thi và bỏ sót nhiều mặt hàng. Vì vậy, luật thuế TTĐB 2008 đã quy định thêm một số mặt hàng là đối tượng áp thuế TTĐB. Bao gồm 10 nhóm hàng hóa và 5 nhóm dịch vụ.Cụ thể như sau: Đối với hàng hóa: a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; b) Rượu; c) Bia; d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; e) Tàu bay, du thuyền; g) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng; h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;i) Bài lá;k) Vàng mã, hàng mã. Đối với dịch vụ: a) Kinh doanh vũ trường; b) Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke); c) Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; d) Kinh doanh đặt cược; đ) Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; e) Kinh doanh xổ số. b. Thuế suất Thuế suất đối với các hàng hóa bị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là cao từ 10- 70%. Trong đó mặt hàng bị đánh thuế cao nhất là vàng mã, hàng mã 70%. Trước đây mức thuế xuất cao nhất 100%năm 1998, 80% năm 2003, 75% năm 2005. Như vậy, mức thuế suất thuế TTĐB đang giảm dần, điều này góp phần quan trọng trong việc thực thi trong thực tế. Một mặt, nó phù hợp với xu hướng hợp nhập thế giới của Việt Nam. Mặt khác, nhận được ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài dẫn đến việc luật được tôn trọng hơn và ý thức tuân theo pháp luật thuế TTĐB, giúp việc thực thi thuế TTĐB diễn ra nhanh chóng và hạn chế được hành vi trốn thuế. Nhưng mức thuế suất vẫn phải đảm bảo được mục đích hướng dẫn tiêu dùng mà Nhà nước đã đề ra. Cân bằng lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân. c. Phương pháp tính thuế Phương pháp tính thuế TTĐB 2008 được quy định tại Điều 6 Luật thuế TTĐB : “Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng. Giá tính thuế được tính bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.” Nghị định 26/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2009 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB quy định chi tiết việc tính thuế TTĐB như sau: “1.Đối với hàng hoá sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng            Giá tính thuế TTĐB = ──────────────────────                                                1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt Trong đó, giá bán chưa có thuế GTGT được xác định theo quy định của pháp luật về thuế GTGT… 2. Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu…. 3. Đối với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế không loại trừ giá trị vỏ bao bì, vỏ chai…. 4. Đối với hàng hoá gia công thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán hàng hoá của cơ sở giao gia công bán ra hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm bán. 5. Đối với hàng hoá sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và cơ sở sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hoá, công nghệ sản xuất thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sở hữu thương hiệu hàng hoá, công nghệ sản xuất. 6. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của hàng hóa bán theo phương thức trả tiền một lần, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm. 7. Đối với dịch vụ, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ bán ra… 8. Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho, khuyến mại giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, khuyến mại các hàng hoá, dịch vụ này. 9. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ (nếu có) mà cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng…” Có thể xem đây là hành lang pháp lý quan trọng nhất để tiến hành việc thực thi pháp luật thuế TTĐB. Đây cũng là một điểm rất tiến bộ của luật thuế TTĐB 2008. Các cơ quan quyền lực sẽ dựa vào các quy định này để thực thi luật chính xác, tránh việc bỏ sót các trường hợp hoặc việc không tuân thủ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng vì lý do không quy định cụ thể nên có cách áp dụng khác nhau. d. Chế độ hoàn thuế, giảm thuế, khấu trừ thuếTTĐB Trong luật Thuế TTĐB không còn tồn tại khái niệm miễn thuế và xuất hiện thêm khái niệm khấu trừ thuế. Miễn thuế TTĐB là điều không nên có bởi vì người nộp thuế thực sự là người dân, mà khi họ đã chấp nhấn sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải chịu thuế TTĐB( là những hàng hóa Nhà nước không khuyến khích và không thiết yếu trong cuộc sống) là họ đã chấp nhận và có khả năng bỏ ra khoản thuế TTĐB vì vậy không cần thiết phải miễn thuế TTĐB.Có thể áp dụng giảm thuế để góp phần tạo điều kiện giải quyết khó khăn trước mắt của doanh nghiệp. Khấu trừ thuế là hoạt động không phải tới bây giờ mới áp dụng vì đây là nguyên tắc “đánh thuế phải đảm bảo không xảy ra tình trạng một đối tượng tính thuế phải chịu một loại thuế nhiều lần”. Hoàn thuế cũng để đảm bảo nguyên tắc này nhưng phần lớn đối với hàng xuất khẩu hoặc khi chia cắt, giải thể, phá sản…Như vậy chưa là chưa tính tới các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa TTĐB trong nước, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có thêm vốn để sản xuất, kinh doanh. e. Chế độ hóa đơn chứng từ Hóa đơn, chứng từ mua bán, nhập khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ là những yếu tố quan trọng không chỉ với đối cơ sở kinh doanh hoạt động kế toán, kiểm toán mà còn đối với cả Nhà nước trong việc xác định đúng, đủ nghĩa vụ thuế của cơ sở kinh doanh đối với Ngân sách nhà nước. Vì vậy, trong việc thực thi thuế TTĐB không thể không kể tới việc giữ gìn hóa đơn, chứng từ. Đây là cơ sở để người nộp thuế báo cáo về việc thực thi pháp luật của mình. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý, quản lý việc tuân theo pháp luật của người có nghĩa vụ nộp thuế và quản lý số thu cho NSNN, tránh sự tùy tiện. 2.1.2 Phương pháp quản lý Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 đã bãi bỏ các quy định về quản lý thuế như: nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 4 Chương 1); đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế (Điều 8, 9, 10, 11, 12, 14 và Điều 15 Chương III); xử lý vi phạm, khen thưởng (Điều 17, 18, 19, 20 Chương V); khiếu nại, khởi kiện và thời hiệu (Điều 21, 22 Chương VI); Tổ chức thực hiện (Điều 23, 24, 25 Chương VI). Như vậy, pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng đã có 1 cơ chế giải quyết khá hoàn chỉnh, dồng bộ và thống nhất, được hướng dẫn khá đầy đủ trong luật quản lý thuế 2007 và nghị định 85/2007/NĐ-CP của chính phủ ngày 25 tháng 5 năm 2007 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế. Điều này đã góp phần tích cực cho việc hướng dẫn thi hành thuế tiêu thụ đặc biệt 2.2.Yếu tố từ tâm lý người dân Tâm lý của các cơ quan sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng phải chịu thuế TTĐB: Do loại thuế này có mức thuế suất cao dẫn đến tâm lý 2 tâm lý: thứ nhất muốn trốn tránh để thu được lợi nhuận cao cho doanh nghiệp mình; thứ hai: Muốn giảm bớt thuế suất để giảm giá thành tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Từ tâm lý sẽ dẫn tới hành động cụ thể. Nếu hành vi trốn thuế xảy ra doanh nghiệp đó sẽ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc hình sự tùy vào mức vi phạm. Nhà nước cũng nhận thấy ngoài những chế tài xử phạt, muốn pháp thuế TTĐB được thực thi tốt cũng cần có sự tôn trọng thực sự từ phía các cơ quan này chứ không phải riêng chế tài xử phát. Vì vậy khi ban hành luật thuế TTĐB Nhà mước đã tham khảo ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa là đối tượng bị áp dụng thuế TTĐB( Ví dụ : các nhà máy sản xuất bia…)và có những chỉnh sửa phù hợp, điều này chứng tỏ sự tôn trọng nhất định của Nhà nước đối với đối tượng phải nộp thuế Tâm lý người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ là đối tượng phải chịu thuế TTĐB: Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu vì vậy, người phải chịu thuế thực chất là người tiêu dùng. Vậy hành vi thi hành thuế tiêu thụ đặc biệt được thực thi cụ thể qua hành vi của mỗi người sử dụng hàng hóa, dịch vụ là đối tượng bị áp dụng thuế TTĐB. Như đã nói ở trên, Nhà nước muốn điều tiết tiêu dùng vì vậy khi cân nhắc giữa lợi ích thật và lợi ích mình bỏ ra người tiêu dùng sẽ có những lựa chọn cụ thể. Và khi chấp nhận sử dụng các loại hàng hóa dịch vụ này đương nhiên họ phải chuẩn bị tâm lý thực thi pháp luật về thuế TTĐB. III.Thực trạng thực thi thuế tiêu thụ đặc biệt 1.Những thành tựu đạt được trong quá trình thực thi pháp luật thuế TTĐB Việc thực thi pháp luật thuế TTĐB trên thực tế đã thu được nhiều thành tựu như sau: Thứ nhất, Hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt khá rõ ràng và đầy đủ. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trước đây quy định cả về nội dung chính sách và về quản lý thuế. Trong khi đó, Luật quản lý thuế(có hiệu lực thi hành ngày 1/07/2007) đã quy định các nội dung về quản lý thuế bao gồm đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, xử lý vi phạm, khen thưởng để thay thế cho các quy định về quản lý thuế, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, xử lý vi phạm, khen thưởng để thay thế cho các quy định về quản lý của các luật thuế hiện hành. Vì vậy Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 chỉ quy định các nội dung về chính sách thuế. Ngoài ra, sau khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2009/NQ-CP ngày 16/03/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ hai, Nhà nước có những thay đổi phù hợp với các yếu tố khách quan, cân bằng lợi ích giữa lợi ích của Nhà nước và cá nhân. Tạo khung pháp lý cơ bản để việc thi hành thuế TTĐB được diễn ra thuận lợi, không gây bất lợi hoặc gây những cách hiểu khác nhau dẫn tới cách áp dụng khác nhau. Luật Thuế TTĐB hiện hành so với các Luật Thuế TTĐB cũ đã thể hiện rõ việc hướng dẫn sản xuất buộc các doanh nghiệp phải thay đổi về mọi mặt, lựa chọn cơ cấu sản xuất phù hợp; khuyến cáo người dân hạn chế tiêu dùng những loại hàng xa xỉ và đặc biệt hơn là nhằm thực hiện các cam kết quốc tế khi nước ta gia nhập WTO. Thứ ba, Các doanh nghiệp chấp hành khá nghiêm chỉnh việc thực thi pháp luật thuế TTĐB theo các quy định về trình tự kê khai, nộp thuế, tính thuế của pháp luật và việc lưu, giữ các hóa đơn, chứng từ cũng được các doanh nghiệp quan tâm một cách thích đáng để làm căn cứ nộp thuế TTĐB, khấu trừ thuế TTĐB… Thứ tư, Luật Thuế TTĐB năm 2008 tuy đã mở rộng đối tượng chịu thuế nhưng vẫn có diện đối tượng chịu thuế hẹp. Tuy nhiên, Thuế TTĐB lại có thuế xuất cao hơn các loại thuế gián thu khác vì vậy Thuế TTĐB đem lại được cho Ngân sách nhà nước nguốn thu không nhỏ. Theo thống kê tỷ trọng số thu từ thuế TTĐB lớn thứ tư trong tỷ trọng các số thu từ sắc thuế hiện hành ( Nguồn: Ban dự toán- Tổng cục thuế) Thứ năm, Luật thuế TTĐB đã đáp ứng yêu cầu phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc quy định lộ trình từng bước điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; áp dụng một mức thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá…Qua đó, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã góp phần hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng theo định hướng của Nhà Nước. 2. Những hạn chế còn tồn tại trong công tác thực thi pháp luật thuế tiêu thục đặc biệt Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực thi Luật Thuế TTĐB cũng còn những hạn chế sau: Thứ nhất, tồn tại lớn nhất của việc thực thi thuế TTĐB đó là hành vi trốn thuế cúa các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng bị áp dụng thuế TTĐB. Các đơn vị tìm cách trốn thuế…Việc ấn định thuế được quy định tại điều 25 Nghị định 85/2007/NĐ-CP có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thuế TTĐB mà doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện. Điều này dẫn tới hậu quả là nếu tồn tại sự “hợp tác ngầm” giữa cán bộ thu thuế và người nộp thuế sẽ làm thất thoát số thuế TTĐB phải nộp mà không bị xử lý. Thứ hai, ý thức, văn hóa tôn trọng pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý thuế. Đây là đội ngũ thay mặt cho Nhà nước thực thi pháp luật thuế TTĐB ở thu, kiểm tra việc thi hành của người nộp thuế TTĐB. Vì vậy, ý thức tôn trọng pháp luật của họ sẽ quyết định phần quan trọng tới việc thực thi pháp luật. Hành vi trốn thuế dù tinh vi đến đâu nếu thực hiện kiểm tra một cách triệt để, công minh thì đều có thể tìm ra. Thứ ba, các văn bản pháp luật gần như không có chế tài xử lý thích đáng đối với đội ngũ cán bộ thuế khi có vi phạm. Đối với những cán bộ đã vi phạm tùy vào mức độ vi phạm mà có mức xử lý phù hợp. Nếu không có các quy định rõ ràng sẽ dẫn tới việc tiếp tay cho hoạt động trốn thuế, hoặc chính bản thân cán bộ sẽ gợi ý cho đối tượng nộp thuế có quen biết cách trốn thuế. IV. Một số ý kiến để hoàn thiện thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt Thứ nhất, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân bằng cách tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng tới tất cả các tầng lớp. Thuế TTĐB là loại thuế mà nhiểu người đã nộp mà không biết. Không phải riêng các đối tượng có thu nhập cao mới là người sử dụng các hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của thuế TTĐB. Có những đối tượng là người dân bình thường khi sử dụng hàng mã, vàng mã, thuốc lá…Họ không biết mình đang phải nộp thuế TTĐB và như vậy việc hướng dẫn và điều tiết chi tiêu của Nhà nước. Thứ hai, cần xác định mức ấn định thuế TTĐB tối thiểu có thể sẽ cao hơn mức cần phải nộp thực tế của doanh nghiệp nhưng phải có biện pháp mạnh thì mới có thể răn de và hạn chế sự vi phạm. Tránh hành vi “thỏa thuận ngầm” giữa cán bộ thuế và đối tượng nộp thuế về mức ấn định thấp. Thứ ba, nâng cao trình độ, trách nhiệm của đội ngũ quản lý thuế: muốn thực thi được thuế TTĐB tốt thì trước hết cần có sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ. Các yếu kém của đội ngũ cán bộ có thể do 2 lý do: Thứ nhất là sự yếu kém trong trình độ, thứ hai là sự yếu kém trong quản lý. Đối với yếu kém trong trình độ thì cần có chính sách để đào tạo lại những cán bộ đã làm việc lâu năm, tránh việc hiểu sai, áp dụng sai. Và tạo nguồn cán bộ mới phù hợp với yêu cầu. Đối với yếu kém trong quản lý thì cần có chế tài xử lý nghiêm khắc để răn đe và cần quy định thêm hệ thống cán bộ thanh tra các bộ thuế. KẾT LUẬN Có thể nói, Thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò thực sự quan trọng trong việc hướng dẫn phát triển sản xuát và tiêu dùng xã hội. Cùng với các loại thuế khác, thuế tiêu thụ đặc biệt đã hình thành nên một hệ thống chính sách thuế khá đồng bộ trong điều kiện hiện nay của nước ta, góp phần ổn định nguồn thu của ngân sách nhà nước. Mặc dù đã đạt được nhiều những thành tựu song Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn còn bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực, thay đổi về mọi mặt nhằm nâng cao hiệu quả áo dụng Luật thuế TTĐB trong thực tiễn. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1) Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư Pháp, Hà nội 2004 Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2005 Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008 Luật Quản lý thuế 2006 Nghị định 85/2007/NĐ-CP của chính phủ ngày 25 tháng 5 năm 2007 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhân tích những ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay.doc
Tài liệu liên quan