Nhận thức mới về xung đột của con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975

Nghệ thuật tổ chức xung đột là bằng chứng quan trọng của sự tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và kỹ thuật tiểu thuyết, đồng thời là dấu hiệu về sự trưởng thành trong tư duy nghệ thuật. Sau 1975, đặc biệt là sau khi công cuộc đổi mới được đề xướng, tiểu thuyết đã và đang tiếp tục sự vận động của nó bằng nhiều thể nghiệm để hướng tới hệ quả: làm mới, làm hấp dẫn văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng, khẳng định vị thế hàng đầu của văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng trong thời hiện đại

pdf8 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 506 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhận thức mới về xung đột của con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
88 Nhận thức mới về xung đột của con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 Lê Thị Hằng1 1 Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Email: lehang@moet.edu.vn Nhận ngày 3 tháng 11 năm 2016. Chấp nhận đăng ngày 21 tháng 11 năm 2016. Tóm tắt: Sự đổi mới về nhận thức hiện thực, sự thay đổi về nhu cầu khám phá, phản ánh hiện thực, sự thay đổi tầm đón đợi từ phía người đọc đòi hỏi tiểu thuyết phải có cách thể hiện mới. Bên cạnh cách viết truyền thống, một số nhà văn đã tìm được những kĩ thuật viết mới mẻ, đạt hiệu quả nghệ thuật cao. So với trước đây, sự đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết trong việc thể hiện số phận con người sau 1975 được ghi nhận chủ yếu ở phương diện tổ chức xung đột. Tiểu thuyết đã tiếp cận và khai thác sâu hơn vào cái hiện thực hằng ngày, cái đời thường và số phận con người. Các nhà tiểu thuyết đã nhìn thẳng vào những “mảnh vỡ”, những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ, phơi bày bằng cái nhìn trung thực, táo bạo. Sự thể hiện số phận con người được đưa vào trường nhìn mới, hướng tới những gấp khúc trong đường đời và thân phận con người, thấm đẫm cảm hứng nhân văn. Từ khóa: Tiểu thuyết, Việt Nam, xung đột. Abstract: The renovation regarding the cognition of the reality, the change in the demands for discovery and reflection of the reality, and the change in readers’ expectations require novelists to introduce new way(s) of writing. Besides the traditional ways, a number of writers have found new writing techniques that help them achieve high artistic efficiency. Compared with the earlier years, after 1975, the renovation of the art in depicting man’s destiny was recognized mostly from the perspective of conflict organization. Novelists approached and study more profoundly the daily reality, the things in the everyday life and human destiny. They also looked straight into “broken pieces”, the human tragedies, and depicted them with an honest and bold view. Human destinies are put into a new field of vision that observes zigzags of life and fates, deeply imbuing inspirations of humanity. Keywords: Novels, Vietnam, conflicts. 1. Đặt vấn đề Tiểu thuyết sau 1975 đứng trước nhu cầu đổi mới tư duy. Điều này chứng tỏ sự nghiêm khắc trong sáng tạo và tâm huyết với thể loại của các tiểu thuyết gia đương đại. Các nhà tiểu thuyết sau 1975 đã đi sâu vào khám phá nhân vật bằng cách xoáy sâu vào xung đột giữa các bộ phận cấu thành nhân cách. Mẫu nhân vật đơn trị đã thay bằng loại nhân vật đa trị; tính Lê Thị Hằng 89 cách nhân vật từ không ổn định thành luôn biến đổi, điều này đã góp phần làm phong phú hơn đời sống nhân vật trong tiểu thuyết sau 1975. Bài viết này phân tích nhận thức mới của các nhà văn trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 về xung đột trong nhân cách con người. 2. Tư duy mới về xung đột trong đời sống xã hội và trong cấu trúc tác phẩm “Xung đột, theo quan niệm của M. Bakhtin là sự mâu thuẫn với tư cách một nguyên tắc tương tác giữa các hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật” [1, tr.414]. Theo quan niệm này, xung đột thường được dùng khi nói đến các loại hình nghệ thuật mang tính năng động và tạo hình như văn học kịch và văn học tự sự, sân khấu điện ảnh. Đây chính là nguyên nhân, cũng là động lực thúc đẩy của hành động, có vai trò quy định các giai đoạn chính của sự phát triển cốt truyện, thể hiện bằng những đụng độ và chống đối trực tiếp giữa các thế lực hoạt động được miêu tả trong tác phẩm. Trong lịch sử văn học, chúng ta đã thấy một số kiểu xung đột cơ bản như xung đột giữa tính cách với hoàn cảnh, giữa tính cách với tính cách, giữa các cực của tính cách, tâm lí, tình cảm trong một nhân cách... Xung đột làm thành hạt nhân của các đề tài nghệ thuật. Trong văn học Việt Nam hiện đại cho đến trước 1975 thường có hai kiểu xung đột phổ biến. Một là, chủ nghĩa hiện thực giai đoạn 1930-1945 (chủ nghĩa hiện thực này đưa xung đột áp lại gần cơ sở xã hội lịch sử, nhấn mạnh sự chi phối của hoàn cảnh đến tính cách, đã khám phá ra tính xung đột nội tại và tính năng động tự phát triển của tính cách). Hai là, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (chủ nghĩa hiện thực này đặt lên hàng đầu, và thậm chí, nhìn tất cả mọi loại xung đột trong hoặc xoay quanh xung đột cơ bản là đối kháng giai cấp; để giải quyết xung đột ấy, nhân vật tìm đến cách mạng như là phương tiện duy nhất, từ đó hình thành một ý thức tập thể chống lại đạo đức cá nhân chủ nghĩa, hay xung đột “tập thể chúng ta” với “tập thể chúng nó”). Vì thế, nếu trong các tiểu thuyết thuộc trào lưu hiện thực trước Cách mạng tháng Tám, xung đột cơ bản thường là diễn ra giữa cá nhân bị áp bức với xã hội áp bức, giữa các mặt của tính cách, tâm lí, thì trong các tiểu thuyết chiến tranh, cách mạng, kiểu xung đột thường gặp là xung đột ta - địch, cao cả - thấp hèn, tiến bộ - lạc hậu. Ngay tên một số tác phẩm đã cho thấy quan niệm này: Xung kích, Mặt trận trên cao (Nguyễn Đình Thi); Những ngày bão táp, Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), thậm chí Nguyễn Khải còn có tác phẩm lấy hẳn tên là Xung đột. Quan niệm về xung đột trong văn học nghệ thuật là sản phẩm (trực tiếp hay gián tiếp) của xung đột và quan niệm về xung đột trong đời sống. Sở dĩ các tác phẩm văn học tiền hiện đại nói chung nhấn mạnh những xung đột đã nói trên, bởi vì trong thời đại ấy, xung đột được quan tâm chủ yếu vẫn là xung đột mang tính chất chính trị - xã hội (xung đột con người với hoàn cảnh, xung đột tư tưởng cá nhân với ý thức cầm quyền, xung đột giai cấp). Sự vận động của thế giới hiện đại đã mang đến những thay đổi cơ bản trong quan niệm về khái niệm này. Khi đó người ta nhìn nhận thế giới trong vô vàn xung đột, có thể hoặc không thể giải quyết bằng chiến tranh, bằng pháp luật, bằng các thiết chế, các quy định hành chính, ngấm ngầm hay công khai, tồn tại trong hiện thực đời sống với độ mở vô tận. Chính thế giới ấy là gợi ý quan trọng cho những nhận thức khác về xung đột trong các trào lưu văn học nghệ thuật thuộc phạm trù chủ nghĩa hiện đại. Không phải tất cả các tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 đều thuộc về cái gọi là chủ nghĩa hiện đại, nhưng người đọc có thể thấy, trong Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (109) - 2016 90 nhiều tác phẩm, sự nhìn nhận về xung đột trong đời sống xã hội và trong cấu trúc tác phẩm đã được điều chỉnh bằng tư duy mới. Các nhà văn giờ đây không nhìn xung đột trong đời sống xã hội, qua quan hệ giữa các cặp phạm trù đối lập (ta - địch, cao cả - thấp hèn, tiên tiến - lạc hậu, cách mạng - phản cách mạng), hay qua những mâu thuẫn nhân cách, mâu thuẫn tâm lí, tình cảm; mà họ nhìn xung đột từ góc nhìn nhân sinh: xung đột giữa cái xã hội và cái sinh vật, giữa cái ý thức và tiềm thức, vô thức trong bản chất người, mâu thuẫn giữa các cá thể trước thực tại xa lạ, thậm chí phi lí... Nếu các xung đột trong các tiểu thuyết trước 1975 thường khuếch đại và mang tính đơn lẻ, thì trong các tiểu thuyết sau này đó là những đa xung đột và là những xung đột từ bên trong, xuất hiện trong cái bộn bề, đa tạp của thế sự, của lịch sử. Tính đa xung đột này hợp thành bởi sự liên kết khắc khoải tất cả các mặt đối lập bên trong và bên ngoài, cá nhân và tập thể, thiện và ác và được thể hiện bằng một trình độ nghệ thuật cao hơn. Cùng viết về chiến tranh nhưng tiểu thuyết sau 1975, kể cả các tác phẩm tiếp tục dòng mạch ca tụng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cũng đã quan tâm đề cập đến sự chịu đựng, những mất mát của con người để làm nên chiến thắng. Không giữ cái nhìn đơn giản, một chiều về chiến tranh, các tác giả đã mạnh dạn nhìn sâu, nhìn thẳng vào bên trong của các sự kiện, của chính đời sống tinh thần con người. Xung đột trong tiểu thuyết do vậy không còn chỉ là sự đụng độ từ bên ngoài, mà là những cuộc đấu tranh trong mạch ngầm của những biện chứng tâm hồn. Các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Trí Huân được viết trước đổi mới đều đã đạt đến tầm mức đó. Từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, sự cách tân trong việc thể hiện các xung đột ngày càng gia tăng. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh dường như đã có tạo ra bước nhảy quan trọng trong xây dựng xung đột bằng việc dịch chuyển sự hiện thân của nhân vật từ đời sống xã hội vào đời sống tâm lí với một thế giới đau khổ, dằn vặt và lo âu. Tuy họ vẫn miêu tả xung đột địch - ta, phi nghĩa - chính nghĩa, nhưng dường như tất cả những điều đó chỉ là phương tiện để người viết tô đậm những xung đột nội tâm âm thầm nhưng khủng khiếp của Kiên. Càng về sau, những xung đột mang tính xã hội, những cuộc đấu tranh còn - mất dường như không phải là vấn đề mà các nhà tiểu thuyết quan tâm, hay chí ít, nó được biểu hiện ở một dạng thức khác. Trong nhiều tác phẩm (của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà...), những xung đột theo nghĩa truyền thống dường như vắng bóng. Thiếu vắng các xung đột, người đọc được tiếp xúc với những tiểu thuyết “nhẹ tênh” (hiểu theo nghĩa là tất cả đều diễn ra một cách nhẹ nhàng...). Nhưng dưới cái vẻ “lành hiền” của cốt truyện ấy luôn luôn là những lớp sóng ngầm của xung đột còn lớn lao hơn, dữ dội hơn. Những tình thế bi kịch, những số phận bấp bênh trong âu lo, trong lưu đày được xây dựng trong tiểu thuyết đã giúp nhà văn phân tích sự tồn tại, cấu trúc xã hội hiện đại, cấu trúc đời sống tâm hồn con người hiện đại một cách chính xác và sâu sắc. 3. Các kiểu xung đột giữa con người và hoàn cảnh trong tiểu thuyết sau 1975 Nếu các tiểu thuyết giai đoạn 1945-1975 chủ yếu miêu tả mối quan hệ hài hòa giữa con người với hoàn cảnh trong cái nhìn được lí tưởng hóa bởi nhiệm vụ chính trị và bởi chính Lê Thị Hằng 91 niềm tin phơi phới về sự hòa hợp có thật của con người với đời sống, thì trong tiểu thuyết sau 1975, sự tốt đẹp, “nhất trí cao” trong mối quan hệ này đã mất đi. Sự thực là sau ngày hòa bình lập lại, xã hội Việt Nam đã không còn những vẻ đẹp nguyên lành, tinh khiết như giai đoạn lịch sử trước đó. Hòa bình là niềm ao ước của dân tộc nhưng hòa bình, cũng là điều gì đó bất thường với một đất nước đã trải qua thời kỳ chiến tranh lâu dài. Khi không còn mục tiêu chung để nhìn về một hướng, người ta buộc phải nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ, phải sống cho mình với bộn bề lo toan, bộn bề dự định. Và hẳn nhiên khi đó, lòng tham lam, sự trí trá, những bất hạnh, khổ đau sẽ xuất hiện với tư cách là lẽ thường của cuộc sống. Những khủng hoảng về đời sống xã hội cả trên hai bình diện vật chất và tinh thần (bởi sự trì trệ, bảo thủ trong quản lí nhà nước), sự xuất hiện của thói quan liêu, cửa quyền, của cường hào kiểu mới trong một bộ phận cán bộ đã đẩy không ít số phận đến bi kịch. Thêm vào đó, từ 1986, cơ chế thị trường mặc dù mở ra lối thoát đầy hứa hẹn cho đất nước và cho mỗi cá nhân nhưng cũng mang đến bao nhiêu hệ lụy. Nó mở rộng thêm lòng tham, mài sắc thêm mánh khóe, bày ra nhiều con đường cho khả năng tha hóa, nó biến văn hóa thành một “món nộm suồng sã” (chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp)... Tất cả những điều đó tạo thêm những hoàn cảnh buộc con người phải bước vào, phải tồn tại và dĩ nhiên, phải tranh đấu để giành quyền sống. Tiểu thuyết sau 1975 đã mạnh dạn đi thẳng vào bên trong của các sự kiện và biến cố, không né tránh tính chất gay cấn, khốc liệt và phức tạp của cuộc chiến. Nhân vật được đặt vào những hoàn cảnh thử thách cao độ, không loại trừ những tình huống bi kịch, và phải chịu sự cọ xát, va đập của nhiều xung đột trong đó. Sức mạnh chiến thắng của cá nhân nhân vật (dù họ bị lâm vào tình thế bi kịch đến thế nào đi nữa, thậm chí bị hy sinh) là biểu thị sức mạnh vô địch của hình thái tồn tại mang nhãn xã hội chủ nghĩa. Trung đoàn trưởng Mạc trong Năm 1975 họ đã sống như thế (của Nguyễn Trí Huân) là một nhân vật kiểu đó. Anh đang chỉ huy đơn vị trong đội hình chiến dịch đối mặt với kẻ thù trong trận đánh quyết liệt cuối cuộc chiến tranh, nhưng cũng chính trong thời điểm nóng bỏng ấy anh đang phải trải qua sự thử thách của những tình cảm phức tạp giằng xé: suy nghĩ về người vợ bội bạc ở hậu phương, tình yêu thầm kín với Thư, và do đó quan hệ đối xử với Thức - chính ủy trung đoàn, người cũng đang thầm yêu Thư. Rồi trên đường tiến quân, khi thắng lợi cuối cùng đã đến gần, Mạc hy sinh. Cái chết của anh mang chất bi kịch cổ điển: góp phần vào chiến thắng chung, đồng thời đặt ra cho những người đang sống - những đồng đội của anh (như Thăng) và những người ở phía sau anh (như người vợ kia) - những vấn đề phải suy nghĩ về mình, về trách nhiệm của mình. Nêu lên những mâu thuẫn giằng xé xảy đến với Mạc (cũng như với Phán, tiểu đoàn trưởng pháo binh), đặt họ vào những tình huống buộc họ phải lựa chọn, xác định và tỏ rõ một thái độ ứng xử đúng nhất trước một hoàn cảnh cấp bách nhất, Nguyễn Trí Huân đã phần nào thể hiện được cái ý muốn nói: những người chiến sĩ vào cái năm 1975 thắng lợi vinh quang ấy đã sống như thế đấy, họ đã chấp nhận trách nhiệm lớn lao, nặng nề đối với đất nước, đối với dân tộc, vượt qua những trở ngại, bi kịch của hoàn cảnh, và bằng cuộc sống đó của mình đòi hỏi xã hội cũng phải có một trách nhiệm trở lại với họ, đối với sự hy sinh lớn lao như vậy của thế hệ họ. Xung đột giữa con người với hiện thực cuộc sống trong những chịu đựng, những âu lo, trong sự bị dồn ép bởi đói nghèo được tiểu thuyết giai đoạn này quan tâm thể hiện. Kiểu xung đột này vốn đã được khơi mở trong trào Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (109) - 2016 92 lưu văn học hiện thực Việt Nam trước 1945, nhưng với tiểu thuyết sau 1975, nó đã được thể hiện với tính chất khác, chưa hẳn đã quyết liệt hơn, nhưng phức tạp, đa dạng và quanh co hơn. Thực sự thì trong một số sáng tác của Nguyễn Bình Phương, Đỗ Phấn, Nguyễn Đình Tú... người đọc không mấy khó khăn để nhìn ra. Trong một số tác phẩm (của Nguyễn Bình Phương hay Đỗ Phấn...), chúng ta có thể gặp không ít bi kịch của đói nghèo, của sự nhếch nhác về học vấn chủ yếu của những nông dân hoặc tiểu thị dân bên rìa phố thị, nơi công cuộc dịch chuyển cơ cấu địa - kinh tế đánh văng họ từ trung tâm văn hóa làng xã sang ngoại biên của nền văn minh đô thị. Trong các tiểu thuyết chủ yếu viết về giới trẻ ít nhiều mang màu sắc hình sự của Nguyễn Đình Tú, ta lại thấy những va chạm kịch liệt của giới trẻ với không gian sống thị thành. Đấy là quá trình băng hoại nhân cách của những con người vốn tràn đầy năng lượng nhưng không thể khai mở cho mình con đường hướng thiện bởi họ đang tồn tại trong tình trạng mù mờ không lí tưởng. Bi kịch về cơm áo, vật chất cũng xuất hiện trong một số nhân vật của Ma Văn Kháng, chủ yếu tập trung ở đội ngũ trí thức, hay trong tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn, đối với những viên chức quèn trong các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa... Tuy nhiên, khi mô tả xung đột con người với hoàn cảnh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Bình Phương, Bùi Ngọc Tấn... không thực sự nhấn mạnh những tấn kịch cơm áo, mà chuyên tâm thể hiện những xung đột về mặt tinh thần. Đó là cuộc chiến giữa những con người ôm ấp hoài bão hướng thiện với cái xấu, cái ác đang tràn lan trong xã hội. Sống trong môi trường ấy, những trí thức, những nghệ sĩ luôn khắc khoải chống lại quá trình băng hoại trong một cuộc chiến không có hồi kết. Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú (của Ma Văn Kháng) vốn là một giáo viên, một trí thức tài năng, có khát vọng, có đam mê và trách nhiệm làm nghề, làm người, nhưng sống giữa những bon chen, cặn bã của giới công chức giả danh trí thức, anh trở nên bất lực. Một mình người thanh niên ưu tú ấy khắc khoải trong cuộc chiến chống lại sự xuống cấp về đạo đức, sự băng hoại của môi trường giáo dục, để cứu vãn những giá trị của đời sống. Khiêm trong Ngược dòng nước lũ (của Ma Văn Kháng) bị dập vùi bởi thói độc đoán thiển cận của thủ trưởng ngành, của thói a dua xu thời và đã phải chịu những bi kịch khủng khiếp, phải chôn vùi tài năng khi bị đình chỉ công tác, tác phẩm bị thiêu hủy một cách thô bạo, thậm chí còn bao phen cận kề cái chết. Các nhân vật trong phần lớn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương luôn khắc khoải và mịt mù trên hành trình đi tìm lời giải về ý nghĩa của làm người, ý nghĩa của con người. Trong thế giới ấy, nông dân, công chức, trí thức... đều phải nếm trải một cuộc sống vô vị, trong những môi trường tuy khác nhau về biểu hiện vật chất nhưng đều chung tình trạng của một thế giới đang mòn rỉ, tàn phai. Hạnh trong Bến không chồng (của Dương Hướng) bị đè nghiến bởi nỗi sợ mơ hồ về dư luận, về thái độ của những người xung quanh để tự mình chịu đựng những cơn đau thầm kín. Cô đã từng vượt lên, đã từng bứt phá nhưng những nỗ lực ấy chỉ gây thêm những phiền phức, tai hại... Cùng với những xung đột của con người với cái hiện tại, cái hiện thực đang vận hành ở đời sống thời bình, con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 còn phải đối mặt với những xung đột văn hóa. Trong các tiểu thuyết giai đoạn 1945-1975, vấn đề xung đột giữa con người với môi trường văn hóa ít được đặt ra. Sau 1975, đặc biệt từ 1986, khi công cuộc Lê Thị Hằng 93 Đổi mới được hiện thực hóa, khi cuộc giao lưu hội nhập với thế giới mở ra, cũng là khi cuộc đối đầu văn hóa giữa con người với hoàn cảnh bắt đầu mở ra và ngày càng quyết liệt. Mùa lá rụng trong vườn (của Ma Văn Kháng) thuộc số tiểu thuyết đề cập sớm xung đột này. Ở đó ta bắt gặp ông Bằng; ông là một đại diện cho cái thuần khiết của thủ đô xưa cũ, vừa là sản phẩm của văn hiến Thăng Long ngàn đời, vừa là sản phẩm của thời bao cấp chưa xa, lạc lõng trong những quan niệm và hành động táo tợn, lạ lẫm. Sự thất bại không thể nào cưỡng lại của nền văn hóa truyền thống là một tất yếu; nó già nua và cô độc như chính hình ảnh người đàn ông ở tuổi xế chiều trong căn nhà cũng già nua và cô độc không kém chủ nhân của nó. Thần thánh và bươm bướm (của Đỗ Minh Tuấn) hướng về miêu tả hiện thực đời sống nhàu nát ở nông thôn, cắt nghĩa, lí giải những thảm kịch của đời sống ấy từ góc nhìn văn hóa. Trước sự cám dỗ của vật chất, của nhục thể, cả một xã hội nông thôn đang sôi lên sùng sục với sự đa tạp, hỗn mang của các biểu hiện văn hóa: cái mới và cái cũ, cái cao cả và cái thấp hèn, hiện thực và khát vọng, bản địa và ngoại lai... Sống trong thế giới ấy, con người bỗng nhiên phải chịu những tác động để tự họ thay đổi mà không hề phát hiện ra thân phận nạn nhân của mình. Cuộc đụng độ với hoàn cảnh mà không được chuẩn bị trước thậm chí biến họ thành những kẻ đồi bại, bệnh hoạn, thành tội phạm giết người. Đặc biệt đó là những trai làng chưa tự trang bị cho mình những kinh nghiệm văn hóa (kiểu thằng Giác) hoặc những người không còn trẻ, thiếu tỉnh táo do một thời vùi mình trong nghĩa vụ đối với lịch sử (như ông Thao). Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Thoạt kì thủy, Người đi vắng, Vào cõi của Nguyễn Bình Phương và một số tiểu thuyết của các tác giả khác, mặc dù không đặt vấn đề mô tả xung đột con người với hoàn cảnh văn hóa, nhưng ít nhiều đều cho thấy những va chạm nhất định khi đề cập đến môi trường văn hóa thành thị như một “ngõ lỗ thủng”. Thậm chí những va chạm ấy đôi khi vượt ngưỡng để lại những chấn thương sâu sắc. Điều này cho thấy các nhà tiểu thuyết đã không còn thuần túy phân tích, lí giải con người trong tương quan với đời sống vật chất hay tinh thần thông thường, mà đã quan tâm lí giải nó trong tương quan với những đặc điểm văn hóa của thời đại. Trên đại thể, việc phân loại xung đột con người với hoàn cảnh có thể được thực hiện trên nhiều cách khác nhau: kiểu xung đột bên trong và xung đột bên ngoài, kiểu xung đột bi kịch, xung đột hài kịch và xung đột bi hài kịch, xung đột đơn xung đột và xung đột đa xung đột... Càng có nhiều cách phân loại càng chứng minh một cách rõ ràng hơn về những nỗ lực của tiểu thuyết trên hành trình miêu tả, khám phá số phận con người. 4. Xung đột giữa các phương diện cấu thành nhân cách Triển khai, miêu tả xung đột giữa các bộ phận cấu thành nhân cách nhân vật không phải là phương diện được chú ý nhiều trong tiểu thuyết truyền thống. Để miêu tả nhân vật sinh động, các nhà văn thường khám phá nhân vật qua ba mối xung đột chính: xung đột với hoàn cảnh, xung đột giữa các nhân vật và xung đột của chính nhân vật với bản thân mình. Trong tiểu thuyết luận đề, sự phát triển tâm lý và tính cách của nhân vật nằm trong ý Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (109) - 2016 94 đồ, tư tưởng định sẵn của nhà văn. Với loại tiểu thuyết này, nhân vật thường phân rõ thiện/ ác, chính/ tà, tốt/ xấu, cao cả/ thấp hèn,... Thông qua các xung đột, nhà văn trình bày quan niệm của mình về giá trị, về thế thái nhân tình. Nhiều trường hợp, nhà văn mượn lời nhân vật để nói lên quan điểm của mình hoặc tạo nên những đoạn trữ tình ngoại đề để trình bày quan điểm cá nhân. Vì thế, chức năng giáo dục thường bộc lộ rõ sau khi người đọc đọc xong tác phẩm. Ở tiểu thuyết sau 1975, các nhà văn đã đi sâu vào khám phá nhân vật bằng cách xoáy sâu vào xung đột giữa các bộ phận cấu thành nhân cách. Mẫu nhân vật đơn trị đã thay bằng loại nhân vật đa trị, tính cách nhân vật không ổn định mà luôn biến động, thay đổi. Các nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng này là Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng,... Tính cách Giang Minh Sài, Sáu Nguyện, Nguyễn Vạn, Khiêm, Hoan,... đều thể hiện ra trước mắt người đọc thông qua hàng loạt xung đột. Trong tiểu thuyết của các nhà văn này, xung đột ngày càng gay gắt, theo đó, kịch tính cũng được đẩy dần lên đỉnh điểm, buộc nhân vật phải bộc lộ tính cách của mình. Trong tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, Giang Minh Sài thuộc loại nhân vật thất bại. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Sài là cuộc hôn nhân ép buộc. Sài đã tìm cách chạy trốn khỏi nó. Thực ra, bi kịch không chỉ ở phía Sài mà còn ở cả phía Tuyết. Tuy nhiên, cuối cùng Sài cũng chạy thoát khỏi cuộc hôn nhân. Nhưng cuộc hôn nhân thứ hai là do Sài nông nổi và bị sập bẫy của Châu. Một lần nữa Sài lại đánh mất mình trong cuộc sống chung “cọc cạch” và hờ hững này. Ý nghĩ chia tay từng lóe lên trong đầu Sài nhiều lần, nhưng có hai chi tiết đẩy kịch tính lên tới đỉnh điểm. Chi tiết thứ nhất là thái độ hỗn láo quá mức của Châu. Vì bận công việc, Sài về muộn: “Tìm mãi không thấy, bất đắc dĩ anh phải hỏi: - Nước canh đâu thế em nhỉ? Im lặng. - Còn nước canh không em? - Đổ cho lợn rồi. - Em nói gì thế? - Nói gì? Tưởng không về đổ cho lợn nó ăn rồi” [5, tr.385]. Chính trong đêm ấy, Sài đi đến quyết định chia tay. Nhân vật rối bời: “Các con ơi, tha lỗi cho bố, không bao giờ bố muốn một lần nữa tan tác chia ly, nhưng bố không còn chỗ nào để lùi nữa rồi. Không còn gì để mà tiếp tục làm cho các con vui vầy sung sướng. Nếu sau này lớn lên có kết tội bố thì xin các con đừng lên án hành động của bố trong đêm nay. Bố đã có tội với các con từ dăm năm trước và xa hơn, từ khi bắt đầu cuộc đời của bố kia” [5, tr.385-386]. Nhưng cú đánh thứ hai mới thực sự khiến Sài choáng váng vì không bao giờ anh ngờ tới việc Châu công bố sự thực: bé Thùy không phải là con anh. Hóa ra, từ trước đến nay, Sài luôn bị lừa lọc che phủ. Điều đó cho thấy, Lê Lựu đã thành công khi dẫn người đọc đi qua hàng loạt tình huống, hàng loạt xung đột để người đọc nhận thấy toàn bộ bi kịch trong cuộc đời Giang Minh Sài. Việc khai thác tính cách và chiều sâu tâm lý nhân vật qua xung đột cũng được Dương Hướng sử dụng thành công. Trong cái đêm cuối cùng của cuộc đời, Nguyễn Vạn vẫn không tài nào xóa được mặc cảm tội lỗi với Hạnh. Ngược lại, “lần đầu tiên Hạnh cảm thấy yên ổn và hạnh phúc trọn vẹn, không lo lắng, không chờ đợi và không khao khát, không mơ ước điều gì hơn” [5, tr.317-318]. Cũng phải, giữa hai nhân vật này có những suy nghĩ khác nhau. Vạn đã trót là một người tốt, sống cô đơn, anh không thể chấp nhận được thực tế “chú” lại có “con” với “cháu”. Còn Hạnh, “từ ngày đi khỏi làng Đông, Hạnh mới nhận Lê Thị Hằng 95 ra một điều con người ta sống trên đời cần có một mái ấm gia đình. Không có lí khi ta làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn lại là tội lỗi được” [5, tr.317]. Cái mái ấm mà Hạnh ngày đêm mong mỏi ấy lại là điều Vạn không hiểu và không dám chấp nhận. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới kết cục đau xót của nhân vật. 5. Kết luận Nghệ thuật tổ chức xung đột là bằng chứng quan trọng của sự tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và kỹ thuật tiểu thuyết, đồng thời là dấu hiệu về sự trưởng thành trong tư duy nghệ thuật. Sau 1975, đặc biệt là sau khi công cuộc đổi mới được đề xướng, tiểu thuyết đã và đang tiếp tục sự vận động của nó bằng nhiều thể nghiệm để hướng tới hệ quả: làm mới, làm hấp dẫn văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng, khẳng định vị thế hàng đầu của văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng trong thời hiện đại. Tài liệu tham khảo [1] M. Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [2] Nguyễn Thị Bình (1998), “Tư duy mới về tiểu thuyết”, Tạp chí Văn học, số 7. [3] Trương Đăng Dung (2002), “Phương thức tồn tại của tác phẩm văn học”, Tạp chí Văn học, số 7. [4] Milan Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. [5] Lê Lựu (2004), Thời xa vắng, Nxb Văn học, Hà Nội. [6] Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Ngô Thảo (1987), Một thời đại văn học mới, Nxb Văn học, Hà Nội. [7] Nguyên Ngọc (1991), “Văn xuôi sau 1975, thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển”, Tạp chí Văn học, số 4. [8] Mai Hải Oanh (2009), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [9] Trần Đình Sử (2001), “Mấy vấn đề trong quan niệm con người của văn học Việt Nam thế kỷ XX”, Tạp chí Văn học, số 8. [10] Bùi Việt Thắng (2005), Tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf28159_94298_1_pb_6654_2007488.pdf