MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ VÀ NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN ÁP DỤNG
LG. NGUYỄN THỊ HẰNG NGA – Chi hội luật gia Công ty luật số 5 Quốc gia
Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp của cơ quan Tòa án cũng như trong hoạt động tư vấn pháp luật của các Luật sư. Nhiều vụ việc trên thực tiễn là những bài học “đau đớn” cho các đương sự vì không nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự còn nhiều điểm bất cập, tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng, ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của đương sự.
Bài viết này chúng tôi trao đổi một số vấn đề về các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện, cách tính thời hiệu, những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng (chủ yếu tiếp cận đối với việc giải quyết tranh chấp kinh doanh- thương mại)[1].
Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà đương sự được quyền yêu cầu cơ quan tòa án giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Quy định về thời hiệu khởi kiện buộc các đương sự phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và sớm có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khởi kiện tuỳ hứng.
Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm. Như vậy, để xác định đúng thời hiệu khởi kiện, phải xác định được quan hệ tranh chấp đó có được văn bản pháp luật nào khác quy định về thời hiệu khởi kiện hay không. Điều quan trọng thứ hai là phải xác định đúng ngày nào được coi là ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm để bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Theo Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2005 tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a1. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm;
a2. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra vi phạm;
a3. Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày vi phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thỏa thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a1 và điểm a2 nói trên;
a4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày vi phạm.
a5. Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng , thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng là ngày vi phạm;
a6. Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng;
a7. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a1,a2,a3,a4,a5 nói trên, nếu các bên có thỏa thuận khác về thời hiệu, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính theo thỏa thuận của các bên.
12 trang |
Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 2166 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ VÀ NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN ÁP DỤNG
LG. NGUYỄN THỊ HẰNG NGA – Chi hội luật gia Công ty luật số 5 Quốc gia
Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp của cơ quan Tòa án cũng như trong hoạt động tư vấn pháp luật của các Luật sư. Nhiều vụ việc trên thực tiễn là những bài học “đau đớn” cho các đương sự vì không nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự còn nhiều điểm bất cập, tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng, ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của đương sự.
Bài viết này chúng tôi trao đổi một số vấn đề về các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện, cách tính thời hiệu, những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng (chủ yếu tiếp cận đối với việc giải quyết tranh chấp kinh doanh- thương mại)[1].
Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà đương sự được quyền yêu cầu cơ quan tòa án giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Quy định về thời hiệu khởi kiện buộc các đương sự phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi của mình và sớm có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khởi kiện tuỳ hứng.
Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm. Như vậy, để xác định đúng thời hiệu khởi kiện, phải xác định được quan hệ tranh chấp đó có được văn bản pháp luật nào khác quy định về thời hiệu khởi kiện hay không. Điều quan trọng thứ hai là phải xác định đúng ngày nào được coi là ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm để bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Theo Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2005 tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a1. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm;
a2. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra vi phạm;
a3. Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày vi phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thỏa thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a1 và điểm a2 nói trên;
a4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày vi phạm.
a5. Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng…, thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng… là ngày vi phạm;
a6. Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng;
a7. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a1,a2,a3,a4,a5 nói trên, nếu các bên có thỏa thuận khác về thời hiệu, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính theo thỏa thuận của các bên.
Mặc dù Nghị quyết 01 nói trên hưóng dẫn cách xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện rất cụ thể như vậy nhưng việc xác định trên thực tế không mấy dễ dàng. Đối với tranh chấp trong kinh doanh thương mại, cách xác định còn mang đặc thù riêng.
Tranh chấp kinh doanh- thương mại phát sinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có văn bản pháp luật chuyên ngành (hẹp) điều chỉnh. Ví dụ, hợp đồng xây dựng chịu sự điều chỉnh của Luật xây dựng, hợp đồng bảo hiểm chịu sự điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng trong lĩnh vực hàng hải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật hàng hải, hợp đồng tín dụng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về tài chính, ngân hàng… Thời hiệu khởi kiện đối với những tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực này, cũng có thể được văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, nếu không được văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh thì sẽ áp dụng quy định của Luật thương mại 2005 về thời hiệu khởi kiện, theo đó, thời hiệu khởi kiện các tranh chấp trong hoạt động thương mại cũng là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 Luật Thương mại[2]. Quy định này trùng với quy định về thời hiệu khởi kiện của Điều 159 BLTTDS. Tuy nhiên, người áp dụng cũng cần phải lưu ý căn cứ pháp lý để xác định thời hiệu là Luật Thương mại chứ không phải là BLTTDS, điều luật cần phải viện dẫn là Điều 319 Luật Thương mại chứ không phải là Điều 159 BLTTDS. Thực tế cho thấy, các Thẩm phán khi viết án thường trích cả hai điều luật trên về thời hiệu khởi kiện là không đúng. Thậm chí còn có Thẩm phán trích dẫn cả Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án Kinh tế và Điều 159 BLTTDS[3].
Đối với tranh chấp trong kinh doanh, thương mại thời hiệu khởi kiện không chỉ được quy định khác về thời gian mà còn khác cả về phương pháp tính. Lấy đơn cử, các tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải được Bộ luật hàng hải quy định nhiều loại thời hiệu khởi kiện khác nhau cho từng quan hệ tranh chấp khác nhau. Đối với tranh chấp về hư hỏng, mất mát hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là một năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 97). Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 2 năm, kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (Điều 118). Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường tổn thất do hành khách chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khoẻ và mất mát, hư hỏng hành lý là hai năm (Điều 137). Thời điểm để tính thời hiệu được quy định cụ thể trong từng trường hợp (trường hợp hành khách bị thương thì tính từ ngày hành khách rời tàu; trường hợp hành khách chết trong thời gian vận chuyển thì tính từ ngày lẽ ra hành khách rời tàu; trường hợp hành khách bị thương trong quá trình vận chuyển dẫn đến hậu quả hành khách đó chết sau khi rời tàu thì tính từ ngày người đó chết, nhưng không được quá 3 năm, kể từ ngày rời tàu; trường hợp mất mát, hư hỏng hành lý thì tính từ ngày hành khách rời tàu hoặc ngày lẽ ra hành khách rời tàu, tuỳ thuộc vào thời điểm nào muộn hơn). Nếu có việc tạm đình chỉ hoặc gián đoạn thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường đối với trường hợp này thì thời hiệu khởi kiện cũng không được quá 3 năm kể từ ngày hành khách rời tàu hoặc ngày lẽ ra hành khách rời tàu, tuỳ thuộc vào thời điểm nào muộn hơn. Đối với vụ việc liên quan đến hợp đồng thuê tàu, thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển, hợp đồng môi giới hàng hải, hợp đồng lai dắt tàu biển, hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 2 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp (Điều 164, Điều 168, Điều 183, Điều 257). Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải là hai năm, kể từ ngày kết thúc hành động cứu hộ (Điều 195). Thời hiệu khởi kiện về tai nạn va đâm là 2 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn. Trong trường hợp bồi thường tính mạng, sức khỏe hoặc tổn hại khác về sức khỏe con người, các tàu có lỗi phải chịu trách nhiệm liên đới. Tàu đã bồi thường vượt quá trách nhiệm của mình có quyền đòi các tàu liên quan hoàn trả số tiền quá mức đó và thời hiệu khởi kịên về việc đòi hoàn trả là 1 năm, kể từ ngày trả tiền bồi thường (Điều 211). Thời hiệu khởi kiện về tổn thất chung là 2 năm, kể từ ngày xảy ra tổn thất chung. Thời gian tiến hành phân bổ tổn thất chung không tính vào thời hiệu khởi kiện về tổn thất chung (Điều 218).
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng gặp nhiều vướng mắc bởi sự khác biệt này. Điều mà người vận dụng băn khoăn là hướng dẫn tại tiểu mục 2.2. của Nghị quyết 01 về cách xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện có áp dụng cho trường hợp thời hiệu khởi kiện do văn bản quy phạm pháp luật khác quy định? Điều đó dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong việc xác định những vấn đề sau:
Xác định ngày phát sinh tranh chấp như thế nào?
Điều dễ nhầm lẫn là việc xác định ngày phát sinh tranh chấp khác với ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Không phải có vi phạm là đã có tranh chấp. Vậy xác định ngày phát sinh tranh chấp như thế nào? Khi BLTTDS 2005 đã có hiệu lực, Tòa án tối cao chỉ hướng dẫn về cách xác định ngày có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm chứ không hướng dẫn về ngày phát sinh tranh chấp như trước đây. BLTTDS có hiệu lực làm cho các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đương nhiên hết hiệu lực. Như vậy, người áp dụng pháp luật sẽ rất lúng túng trong việc xác định ngày phát sinh tranh chấp. Trên thực tế việc xác định ngày phát sinh tranh chấp vô cùng phức tạp.
Sở dĩ có sự “vênh” giữa các quy định pháp luật, phải chăng do các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành được xây dựng vào thời điểm Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế còn có hiệu lực nên nhà làm luật vẫn sử dụng thuật ngữ “ngày phát sinh tranh chấp”, trong khi BLTTDS không còn sử dụng thuật ngữ này?
Xác định thời hiệu khởi kiện như thế nào khi tranh chấp phát sinh trong quá trình hợp đồng thuê tàu đang được thực hiện?
Điều 142 Bộ luật hàng hải quy định tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê tàu thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày hợp đồng chấm dứt. Giả sử A thuê tàu của B, thời hạn thuê tàu là 3 năm, tiền thuê tàu được thanh toán trước một nửa. Hợp đồng thực hiện được 1 năm thì A có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng vì chất lượng tàu không đảm bảo và đòi lại số tiền thuê đã trả. B không đồng ý và giữa hai bên phát sinh tranh chấp. A khởi kiện ra Tòa án. Vụ việc này thời hiệu khởi kiện được xác định như thế nào? Có quan điểm cho rằng thời điểm để xác định thời hiệu khởi kiện là ngày bên A có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng. Có quan điểm khác cho rằng áp dụng Điều 142 nói trên, thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện là ngày hợp đồng chấm dứt. Điều đó có nghĩa, nguyên đơn khởi kiện trước thời điểm tính thời hiệu khởi kiện? Vấn đề cần xác định là hiểu như thế nào với quy định “tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê tàu” để xác định thời hiệu khởi kiện?
Xác định thời hiệu đối với tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty, giữa thành viên công ty với nhau như thế nào?
Đối với tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty, tranh chấp thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện được xác định như thế nào. Như vậy, theo Điều 159 BLTTDS, tranh chấp công ty cũng có thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp Điều 107 Luật doanh nghiệp 2005 quy định đối với trường hợp yêu cầu huỷ quyết định của Đại hội cổ đông, thời hạn để các chủ thể có quyền lợi bị xâm phạm được thực hiện quyền yêu cầu Tòa án huỷ là 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản của Đại hội cổ đông. Còn các tranh chấp khác trong công ty, quan niệm ngày nào là ngày có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm cũng chưa rõ ràng. Ví dụ, thành viên công ty kiện Giám đốc có hành vi gây thiệt hại lợi ích của Công ty, ngày nào được coi là ngày có quyền, lợi ích bị xâm phạm? là ngày mà Giám đốc đã có hành vi gây thiệt hại, hay ngày thành viên đó biết được việc gây thiệt hại? Hai thời điểm đó có thể khác nhau.
Theo quy định của Điều 160 BLTTDS thì các quy định của Bộ luật Dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự; do đó, việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện… được thực hiện theo quy định của BLDS 2005 (Điều 161, Điều 162).
Về cách tính thời hạn, BLDS 2005 quy định khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định (khoản 2 Điều 152 BLDS 2005). Trở lại hướng dẫn của Nghị quyết 01, đối với vụ việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm theo quy định của khoản 3 Điều 159 BLTTDS và lưu ý nếu tranh chấp phát sinh trước ngày 01/01/2005, thì thời hạn là hai năm kể từ ngày 01/01/2005 (tiểu mục 2.1, mục 2, phần IV). Bên cạnh đó, Điều 156 BLDS 2005 quy định “thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”.
Tranh cãi về việc áp dụng cách tính thời hạn theo quy định của BLDS 2005 cũng được đặt ra đối với hướng dẫn nói trên của Nghị quyết 01. Có quan điểm cho rằng, những tranh chấp phát sinh trước ngày 01/01/2005 thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm tính từ ngày 01/01/2005, và như vậy thời hiệu khởi kiện hết vào ngày 31/12/2006 (cách tính này áp dụng theo Điều 156 BLDS 2005). Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng, ngày bắt đầu tính thời hiệu là ngày 02/01/2005 (cách tính này áp dụng theo Điều 152 BLDS 2005) và như vậy, ngày hết thời hiệu khởi kiện là ngày 02/01/2007. Dù sự chênh lệch không nhiều, nhưng đối với quyền lợi của các đương sự, một ngày cũng đủ để cứu vớt quyền lợi của họ trước nguy cơ hết thời hiệu khởi kiện. Vậy phương pháp tính thời hiệu khởi kiện nào là phương pháp đúng? Chúng tôi cho rằng, cần có sự thống nhất về phương pháp tính thời hiệu để tránh thiệt hại cho các đương sự.
Điều 161 BLDS 2005 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau:
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu;
Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.
Quy định này dường như trở nên bất cập với tình huống sau: Công ty cổ phần An Khang, Giám đốc Công ty là Ông Khang, là người đại diện theo pháp luật của Công ty kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã lợi dụng danh nghĩa Công ty vay vốn Ngân hàng với số tiền lên tới 2 tỷ đồng và dùng tài sản của Công ty để thế chấp. Theo quy định của Điều lệ, với những hợp đồng vay như vậy phải được sự thông qua của Hội đồng quản trị nhưng ông Khang đã tự ý giao kết hợp đồng vay và sử dụng số tiền vay được vào mục đích cá nhân. Đại hội cổ đông của Công ty đã được triệu tập bất thường để xem xét vi phạm này của ông Khang và tiến hành biểu quyết bầu lại Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty. Tuy nhiên, ông Khang có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét về hiệu lực của quyết định của Đại hội cổ đông. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu Công ty tiếp tục duy trì các chức danh quản lý của ông Khang. Trong thời gian này phía Ngân hàng khởi kiện Công ty đòi lại 2 tỷ đồng và Ngân hàng đã chủ động phát mại tài sản của Công ty để thu hồi vốn. Vì không có người đại diện theo pháp luật để đứng ra khởi kiện bảo vệ lợi ích của Công ty, Công ty tiếp tục tiến hành đại hội bầu người đại diện theo pháp luật mới của Công ty để thực hiện việc khởi kiện. Quá trình tiến hành các lần triệu tập, tiến hành họp, thông qua cuộc họp mất rất nhiều thời gian. Cuối cùng, khi đơn kiện được gửi đến Tòa án thì Tòa án trả lại đơn vì vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện.
Trong trường hợp này, thời gian gặp trở ngại vì không có người đại diện để thực hiện việc khởi kiện hợp lệ không được cộng vào thời hiệu khởi kiện theo quy định của Điều 161 nói trên. Và chúng tôi cho rằng điều đó là bất hợp lý. Nên chăng điều luật này cần được quy định thêm về những trở ngại đối với trường hợp pháp nhân chưa xác định được người đại diện. Có như vậy mới khắc phục được nhiều bất cập trong thực tiễn, ví dụ như người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chết, người đại diện đột nhiên mất năng lực hành vi…mà doanh nghiệp chưa có người thay thế để thực hiện việc khởi kiện. Khi đó, thời gian này cũng nên được cộng vào thời gian tính thời hiệu khởi kiện. Với những tình huống như vậy, giải pháp nên là, doanh nghiệp, dù chưa có người đại diện hợp lệ, vẫn tiến hành việc khởi kiện, sau đó khi xác định được người đại diện hợp lệ, doanh nghiệp sẽ khởi kiện lại để đỡ mất thời hiệu khởi kiện (Tòa án sẽ tính thời điểm khởi kiện là thời gian nộp đơn lúc đầu).
Điều 162 BLDS 2005 quy định về các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, theo đó, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp:
Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại, kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong những sự kiện nói trên. Tuy nhiên, trên thực tế điều luật này dường như bị lãng quên. Hơn nữa, điểm b của Điều 162 được hiểu như thế nào cũng chưa rõ ràng. Xin được viện dẫn ví dụ sau: Ngày 16/2/2002, Công ty THHH Hoàng Hà ký hợp đồng uỷ thác mua sắn lát với Công ty TNHH Hòa Bình. Theo hợp đồng, Công ty Hoàng Hà nhận thu mua 100 tấn sắn lát. Tổng giá trị lô hàng là 500 triệu đồng. Phí uỷ thác là 10% trên giá trị thu mua được. Công ty Hòa Bình đã ứng trước cho Công ty Hoàng Hà 400 triệu. Thời gian thực hiện hợp đồng là 1 năm kể từ ngày ký. Thực hiện hợp đồng, Công ty Hoàng Hà chỉ thu mua được 50 tấn. Công ty Hòa Bình đề nghị Công ty Hoàng Hà tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng để có đủ hàng giao cho Công ty của Hà Lan. Do không thể thu gom với giá ấn định nên Công ty Hoàng Hà có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng. Ngày 1/2/2004, Công ty Hoàng Hà và Công ty Hòa Bình có văn bản xác nhận nợ, theo đó Công ty Hoàng Hà thừa nhận còn nợ Công ty Hòa Bình 150 triệu đồng (Công ty Hoàng Hà chưa được trừ phí uỷ thác vì phía Công ty Hòa Bình cho rằng Công ty Hoàng Hà chưa thực hiện xong hợp đồng) và cam kết sẽ trả hết nợ vào cuối tháng 2 năm 2004. Nhưng cho đến ngày 15/10/2004, Công ty Hoàng Hà mới chuyển trả được 35 triệu đồng và sau đó dừng hẳn việc trả nợ. Sau nhiều lần đề nghị thanh toán không thành, ngày 13/10/2006, Công ty Hòa Bình gửi đơn kiện đến TAND có thẩm quyền.
Xung quanh vụ việc này, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về việc áp dụng điều luật khôi phục lại thời hiệu khởi kiện. Nếu áp dụng điểm a khoản 1, Điều 171 BLDS 1995 (thời điểm này còn áp dụng Điều 171 BLDS 1995, nay là Điều 162 BLDS 2005) về khôi phục lại thời hiệu khởi kiện, thời hiệu khởi kiện được tính lại từ ngày 1/2/2004 là ngày Công ty Hoàng Hà thừa nhận nghĩa vụ và thời hiệu khởi kiện được tính đến ngày 1/2/2006. Ngày 13/10/2006, Công ty Hòa Bình mới khởi kiện, như vậy, vụ việcđã hết thời hiệu khởi kiện. Nếu áp dụng điểm b khoản 1 Điều 171, vụ việc còn thời hiệu khởi kiện, vì ngày 15/10/2004, Công ty Hoàng Hà đã thực hiện một phần nghĩa vụ đối với Công ty Hòa Bình, như vậy thời hiệu khởi kiện được tính lại từ ngày đó và vụ việc hết thời hiệu cho đến ngày 15/10/2006. Cách hiểu nào đúng vẫn còn nhiều tranh luận. Ngoài ra, còn có quan điểm khác cho rằng, thời điểm này áp dụng quy định của Luật thương mại 1997, theo đó thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày phát sinh quyền khiếu nại. Trong khi vụ việc được áp dụng thời hiệu theo Luật Thương mại 1997 thì có áp dụng Điều 171 của BLDS 1995 hay không cũng chưa có quan điểm thống nhất.
Cũng vụ việc trên, có thể mở rộng thêm tình huống Công ty Hoàng Hà đã chuyển trả nợ nhiều lần. Vậy, lần trả nợ nào được xác định làm mốc để xác định ngày bắt đầu lại thời hiệu? Là ngày cuối cùng mà Công ty Hoàng Hà trả một phần nợ? Để có cơ sở thống nhất cho việc áp dụng, cần có hướng dẫn cụ thể từ phía Tòa án nhân dân tối cao, tránh việc áp dụng tuỳ tiện.
Trong thực tiễn, việc viện dẫn mất quyền yêu cầu tòa án do hết thời hiệu khởi kiện có thể xuất phát từ một bên trong tranh chấp hợp đồng. Việc đương sự viện dẫn quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện để cho rằng vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện, đề nghị Tòa án bác yêu cầu của đối phương hiển nhiên được thừa nhận, đó là quyền phòng vệ của một bên tranh chấp.
Ngoài các bên đương sự, thực tiễn xét xử của Việt Nam cho thấy, nhiều trường hợp Tòa án tự viện dẫn quy định về thời hiệu khởi kiện để bác yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là Tòa án có quyền tự viện dẫn quy định về thời hiệu để bác yêu cầu của các bên hay không? Xin viện dẫn ví dụ sau: Năm 1995, Công ty A bán cho Công ty B 64 tấn dầu. Khi có tranh chấp, Tòa án có thẩm quyền đã buộc Công ty B bồi thường cho Công ty A một khoản tiền. Sau đó, tại bản án phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TANDTC buộc Công ty B phải thanh toán cho Công ty A một khoản tiền nhỏ hơn. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa phúc thẩm TANDTC thụ lý vụ việc và không đề cập đến vấn đề thời hiệu khởi kiện trong bản án. Tuy nhiên, trong Kháng nghị của Chánh án TANDTC đã nhận định “thời điểm phát sinh tranh chấp hợp đồng được tính từ ngày 5/10/1995. Theo quy định tại Điều 31 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì thời hiệu khởi kiện là 6 tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Trong thời hiệu khởi kiện (từ ngày 5/10/1995 đến hết ngày 5/4/1996) Công ty A đã không làm đơn khởi kiện… Do đó, kể từ ngày 6/4/1996, Công ty A không còn quyền khởi kiện ra tòa án đối với Công ty B về việc vi phạm hợp đồng kinh tế nêu trên[4]". Ở ví dụ này, chính Chánh án TANDTC đã viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của Công ty A.
Việc cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn vụ việc đã hết thời hiệu để không giải quyết vụ án dân sự cho thấy thực tiễn pháp luật Việt Nam khác với nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới. Bộ luật Dân sự Pháp, Điều 2223 quy định thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện. Pháp luật của một số nước cũng có quy định tương tự. Ở một số nước, trong đó có Pháp, tòa án cấp cao hơn sẽ hủy bản án sơ thẩm hay phúc thẩm nếu thẩm phán tự mình viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên trong hợp đồng do hết thời hiệu trong khi không được bên kia của hợp đồng yêu cầu. Điều 10.9, khoản 1 Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (General Principle of Commercial Contracts), được nhiều nước thừa nhận rộng rãi cũng có quy định "việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ". Như vậy, nhiều nước trên thế giới thừa nhận việc hết thời hiệu không có hiệu lực tự động mà nó chỉ có hiệu lực khi một bên viện dẫn điều đó như một biện pháp tự vệ. Theo đó, cơ quan tố tụng không được tự viện dẫn việc hết thời hiệu để từ chối quyền yêu cầu của một bên trong hợp đồng nếu không được bên kia yêu cầu.
Có quan điểm cho rằng việc cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn một bên mất quyền khởi kiện vì đã hết thời hiệu khởi kiện khi không được bên kia trong hợp đồng yêu cầu dường như đi ngược lại với tinh thần của nguyên tắc tự do quyết định, định đoạt của đương sự được ghi nhận tại Điều 5 BLTTDS, trong khi đó, quan hệ hợp đồng là loại quan hệ mà quyền định đoạt và quyết định của các bên là rất cao. Vì vậy, điểm a, khoản 1, Điều 168 BLTTDS quy định chung chung rằng, tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết là không hợp lý. Để pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và để tôn trọng quyền tự do quyết định, định đoạt của các bên trong tranh chấp hợp đồng, không nên cho phép cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên khi không được bên kia yêu cầu. Đồng thời, để giải pháp này được áp dụng hài hòa thì điểm a, Khoản 1, Điều 168 BLTTDS nên quy định trong lĩnh vực hợp đồng, tòa án chỉ trả lại đơn khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện đã hết nếu được một bên trong tranh chấp yêu cầu việc đó[5]. Chúng tôi ủng hộ quan điểm này. Thiển nghĩ, xét cho cùng việc viện dẫn thời hiệu khởi kiện chỉ là phương pháp phòng vệ của các bên tranh chấp, Tòa án không nên làm thay đương sự những việc mà đương sự không yêu cầu./.
[1] Các vụ việc tác giả nêu có thể là những vụ việc có thật được tác giả biên tập lại, cũng có thể là những tình huống giả định
[2] Lưu ý đối với những tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực thương mại trước khi Luật Thương mại 2005 có hiệu lực thì cách tính thời hiệu khởi kiện có điểm khác, thời điểm tính thời hiệu khởi kiện là ngày phát sinh quyền khiếu nại chứ không phải là ngày có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm
[3] Bản án số 271/KTST ngày 14/4/2005- TAND TP Hà Nội
[4] Kháng nghị số 01/KT-TK ngày 23/3/1998 của Chánh án TANDTC
[5] Tham khảo bài viết của tác giả Đỗ Văn Đại, Đỗ Văn Hữu đăng trên www.nclp.org.vn ngày 18/7/2006
SOURCE: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT – HỌC VIỆN TƯ PHÁP
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Một số quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.doc