Kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được triển khai ở nước ta được hơn 10 năm.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn được xem như còn khá mới với xã hội và kể cả với nhiều cơ sở giáo
dục đại học. Bài viết này trước hết tổng hợp một số kết quả đạt được, trọng tâm vào xây dựng các
văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, kiểm định cơ sở giáo dục và
kiểm định chương trình đào tạo. Tiếp theo, nghiên cứu trình bày kế hoạch triển khai công tác kiểm
định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới.
9 trang |
Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 09/03/2022 | Lượt xem: 380 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số kết quả đạt được của kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và kế hoạch triển khai trong tương lai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
See discussions, stats, and author profiles for this publication at: https://www.researchgate.net/publication/319877306
Một số kết quả đạt được của kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
và kế hoạch triển khai trong tương lai
Article · September 2017
CITATIONS
0
READS
684
1 author:
Some of the authors of this publication are also working on these related projects:
Human resource development for higher education quality assurance systems View project
Investigating transnational education in Vietnamese universities View project
Cuong Huu Nguyen
UNSW Sydney
20 PUBLICATIONS 10 CITATIONS
SEE PROFILE
All content following this page was uploaded by Cuong Huu Nguyen on 19 September 2017.
The user has requested enhancement of the downloaded file.
NATIONAL ACADEMY OF EDUCATION MANAGEMENT
Journal of Education Management, 2017, Vol. 9, No. 8, pp. 7-14
This paper is available online at
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
ĐẠI HỌC VIỆT NAM VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TRONG TƯƠNG LAI
Nguyễn Hữu Cương1
Tóm tắt. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được triển khai ở nước ta được hơn 10 năm.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn được xem như còn khá mới với xã hội và kể cả với nhiều cơ sở giáo
dục đại học. Bài viết này trước hết tổng hợp một số kết quả đạt được, trọng tâm vào xây dựng các
văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, kiểm định cơ sở giáo dục và
kiểm định chương trình đào tạo. Tiếp theo, nghiên cứu trình bày kế hoạch triển khai công tác kiểm
định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, giáo dục đại học, kết quả đạt được, kế hoạch
triển khai.
1. Mở đầu
Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là vấn đề còn khá mới ở Việt Nam. Trong những
năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hình thành hệ thống đảm bảo và KĐCLGD trong cả
nước. Trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa, vấn đề này ngày càng được trú trọng và quan tâm.
Sau những năm chính thức triển khai thực hiện, hệ thống đảm bảo và KĐCLGD đã được triển
khai trong cả nước. KĐCLGD ở Việt Nam được thực hiện từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ
sở giáo dục đại học và bao gồm KĐCLGD cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng chương trình
đào tạo.
Bài viết tập trung trình bày về những quy định của Nhà nước liên quan đến đảm bảo và
KĐCLGD đại học, kết quả KĐCLGD cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo giáo dục đại
học và kế hoạch triển khai một số hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo và KĐCLGD đại học Việt
Nam trong thời gian tới.
2. Nội dung và kết quả nghiên cứu
2.1. Kết quả xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật
2.1.1. Văn bản của Quốc hội, Chính phủ
Kế thừa kinh nghiệm quốc tế về KĐCLGD, ngay từ khi hình thành hệ thống KĐCLGD ở Việt
Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành các chính sách
Ngày nhận bài: 05/04/2017. Ngày nhận đăng: 17/06/2017.
1Trường Đại học New South Wales, Australia; e-mail: cuongnh29@gmail.com.
7
Nguyễn Hữu Cương JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
về KĐCLGD, trong đó có KĐCLGD đại học. Những quy định đầu tiên về KĐCLGD đã được
Quốc hội thông qua trong Luật giáo dục năm 2005, trong đó quy định “việc KĐCLGD được thực
hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả KĐCLGD được công
bố công khai để xã hội biết và giám sát.” (Điều 17), và nhà trường có nhiệm vụ “tự đánh giá chất
lượng giáo dục và chịu sự KĐCLGD của cơ quan có thẩm quyền KĐCLGD” (khoản 8 Điều 58).
Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Giáo dục đã khẳng định “kết quả kiểm định chương trình giáo dục,
kiểm định cơ sở giáo dục là căn cứ để công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục, chương
trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng.” (Điều 40).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP
ngày 11/5/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học năm 2012 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của
công tác KĐCLGD. Điều 50 của Luật Giáo dục đại học đã quy định về nhiệm vụ của cơ sở giáo
dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục như “thành lập tổ chức chuyên trách về bảo
đảm chất lượng giáo dục đại học; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại
học; tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình
đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học; công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng
đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên
trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện
thông tin đại chúng”.
Ngoài ra một số văn bản khác của Chính phủ về giáo dục cũng có những quy định liên quan
đến đảm bảo và KĐCLGD. Ví dụ, Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ
Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định “trong quá trình hoạt
động, cơ sở giáo dục thực hiện liên kết đào tạo và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt
Nam có trách nhiệm định kỳ triển khai hoạt động tự đánh giá, đảm bảo chất lượng và nâng cao
chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc nước ngoài. . . ” (Điều 4). Điều lệ trường đại học ban
hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã quy
định một số vấn đề về kiểm định chất lượng. Ví dụ, một trong các nhiệm vụ của trường đại học là
“tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự KĐCLGD của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng và
phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng của nhà trường; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất
lượng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.” (khoản 10 Điều 5).
Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính
trong lĩnh vực giáo dục quy định việc xử phạt từ 4 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với các vi
phạm quy định về KĐCLGD như công bố kết quả đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục không đúng
thực tế hoặc tự ý thành lập tổ KĐCLGD (Điều 26).
Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 08/9/2015 của Chính phủ Quy định tiêu chuẩn phân tầng,
khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học quy định một trong những tiêu chí
quan trọng để phân tầng và xếp hạng là kết quả KĐCLGD (khoản 8 Điều 2). Ví dụ tiêu chuẩn liên
quan đến KĐCLGD để xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu là số lượng
các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu được các tổ chức KĐCLGD khu vực, quốc
tế kiểm định và công nhận; số lượng các chương trình đào tạo được tổ chức KĐCLGD trong nước
8
NGHIÊN CỨU JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
kiểm định và công nhận; và mức độ đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
(Điều 7).
2.1.2. Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Để triển khai công tác KĐCLGD theo các quy định của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giáo dục
và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng, quy
định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, quy định về tổ chức
KĐCLGD và kiểm định viên kiểm định chất lượng. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có gần 20 văn
bản trọng tâm vào đánh giá và KĐCLGD đại học được ban hành, ví dụ như:
- Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học.
- Thông tư số 49/2012/TT-BGDĐT ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trung học
phổ thông trình độ đại học.
- Thông tư số 60/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về kiểm định viên KĐCLGD.
- Thông tư số 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức KĐCLGD.
- Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ KĐCLGD trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên
nghiệp.
- Thông tư số 18/2013/TT-BGDĐT ngày 14/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Chương trình đào tạo kiểm định viên KĐCLGD đại học và trung cấp chuyên nghiệp.
- Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các
trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
- Thông tư số 33/2014/TT-BGDĐT ngày 02/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo điều dưỡng trình độ đại
học, cao đẳng.
- Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo
dục đại học.
Ngoài ra, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, cũng đã ban hành
các văn bản hướng dẫn chi tiết về tự đánh giá, đánh giá ngoài và sử dụng tiêu chí đánh giá chất
lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.
2.2. Kết quả triển khai các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học
2.2.1. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Để triển khai công tác đảm bảo và KĐCLGD, các trường đã quan tâm đến việc xây dựng hệ
thống đảm bảo chất lượng bên trong, cụ thể là thành lập một đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất
9
Nguyễn Hữu Cương JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
lượng (Tổ, Ban, Phòng, Trung tâm). Đến nay hầu hết các trường đại học và cao đẳng đã thành lập
đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng. Mặc dù có tên gọi khác nhau như Phòng Khảo thí và
Đảm bảo chất lượng, Ban Thanh tra, Pháp chế và Đảm bảo chất lượng hoặc Trung tâm Đảm bảo
chất lượng, nhưng những đơn vị này đều có chức năng, nhiệm vụ chính là làm đầu mối xây dựng
kế hoạch và triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường [8].
Ngoài ra, một số Bộ, Ngành cũng đã thành lập một đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng
hoặc cử cán bộ phụ trách công tác đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục thuộc các Bộ, Ngành
này. Điển hình như Bộ Quốc phòng đã thành lập Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục
thuộc Cục Nhà trường, Bộ Công an đã thành lập Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng thuộc
Cục Đào tạo. Nhiều Bộ, Ngành khác cũng đã cử cán bộ phụ trách công tác đảm bảo chất lượng
giáo dục.
Thực hiện những quy định liên quan đến tổ chức KĐCLGD và kiểm định viên KĐCLGD,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập các tổ chức
KĐCLGD. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 tổ chức KĐCLGD, bao gồm: Trung tâm
KĐCLGD - Đại học quốc gia Hà Nội (VNU-CEA), Trung tâm KĐCLGD - Đại học quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM CEA), Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng (DNU-CEA) và
Trung tâm KĐCLGD - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C). Những
trung tâm kiểm định chất lượng này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép
hoạt động KĐCLGD với đối tượng và các cơ sở giáo dục đại học, các trường trung cấp chuyên
nghiệp; các chương trình đào tạo giáo dục đại học trình độ, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và
các chương trình trung cấp chuyên nghiệp [8].
Như vậy, hệ thống đảm bảo và KĐCLGD đại học Việt Nam đã được thiết lập đầy đủ theo
như mô hình do Mạng lưới Chất lượng Châu Á-Thái Bình Dương (APQN) đề xuất, bao gồm 3 cấu
phần: hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài
nhà trường, và hệ thống các tổ chức kiểm định chất lượng [9].
2.2.2. Kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục đại học
Công tác tự đánh giá của các trường đại học đã và đang được triển khai tích cực trên quy mô
cả nước. Tính đến hết tháng 3 năm 2017, có 212 trường đại học và 33 trường cao đẳng sư phạm
và trung cấp sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều
trường đã tự điều chỉnh và cập nhật báo cáo tự đánh giá [5].
Ngoài việc triển khai tự đánh giá, công tác đánh giá ngoài trường đại học cũng đã được thực
hiện. Đánh giá ngoài là một cách phản ánh khách quan tình trạng của nhà trường từ các góc độ
bên ngoài. Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới qua các dự án giáo dục đại học, 40 trường đại
học đã được đánh giá ngoài (20 trường trong năm 2007 và 20 trường trong năm 2009). Kết quả
đánh giá ngoài của các trường trong giai đoạn này tuy không được công bố công khai nhưng cũng
đã giúp các trường xác định được điểm mạnh, điểm tồn tại (điểm yếu) và từ đó có kế hoạch để cải
tiến chất lượng [8].
Hoạt động đánh giá ngoài do các trung tâm KĐCLGD thực hiện đã được tiến hành từ cuối
năm 2015. Tính đến tháng 3 năm 2017, đã có 35 trường đại học được đánh giá ngoài, trong đó có
20 trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng [5].
10
NGHIÊN CỨU JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
2.2.3. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo dục đại học
So với kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, kết quả triển khai tự đánh giá và đánh giá
ngoài chương trình đào tạo giáo dục đại học theo các bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
còn khá khiêm tốn. Thực tế vấn đề này chủ yếu được hiện từ năm 2013 trở về trước và với sự hỗ
trợ của các dự án. Cho đến hết tháng 7 năm 2013, đã có 10 chương trình đào tạo giáo viên tiểu học
trình độ cao đẳng, 100 chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học và 7
chương trình sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và
gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục [7].
Số lượng các chương trình đạo tạo của các cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài theo
các bộ tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cho đến hết năm 2016 mới chỉ dừng lại
ở con số 18. Đó là 4 chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng, 12 chương trình
đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học và 2 chương trình sư phạm kỹ thuật công
nghiệp trình độ đại học được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục kết hợp với một số
dự án thực hiện năm 2004 và năm 2013 [7].
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương
trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016),
một số trường đại học đã triển khai kiểm định chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn này. Với việc
đăng ký đánh giá ngoài 5 chương trình đào tạo bậc đại học vào tháng 01 năm 2017, Trường Đại
học Giao thông Vận tải là trường đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm định chất lượng chương
trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo [10].
2.2.4. Đánh giá và kiểm định chất lượng theo chuẩn khu vực và quốc tế
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương khuyến khích các trường đăng ký đánh giá chương trình
đào tạo theo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Cho đến hết năm 2016 đã có 82 chương trình
được đánh giá hoặc kiểm định, cụ thể là: 57 chương trình (chủ yếu của hai đại học quốc gia) đã
được Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đánh giá; 6 chương trình đào tạo cử nhân
của 5 trường đại học được AUN-QA và DAAD (Cơ quan Trao đổi Hàn Lâm Đức) tiến hành đánh
giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA. 16 ngành đào tạo kỹ sư chất lượng cao của
4 trường đại học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học
Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
đã được Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI) tổ chức đánh giá. Trường Đại học Bách khoa, Đại học
Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có 4 chương trình được các tổ chức quốc tế kiểm định, cụ thể: 2 chương
trình được Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ - Hoa Kỳ (ABET) kiểm định, 1 chương
trình được Tổ chức Kiểm định Quốc tế các Chương trình Quản trị Kinh doanh (FIBAA) kiểm định
và 1 chương trình được Hiệp hội MBA (AMBA), Hội đồng Kiểm định các Trường và Chương trình
Đào tạo về Kinh doanh (ACBSP) của Hoa Kỳ và Hội đồng Quốc tế các chương trình Kinh doanh
(IACBE) chứng nhận chất lượng. Trường Đại học Hoa Sen có 5 chương trình được ACBSP đánh
giá và công nhận đạt chuẩn chất lượng [6].
2.3. Kế hoạch triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới
Từ thực tiễn hơn một thập kỷ triển khai KĐCLGD đại học ở Việt Nam, đặc biệt là qua thực
tiễn các các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo được đánh giá và kiểm định bởi các tổ chức
11
Nguyễn Hữu Cương JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
khu vực và quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo đã có một số quy định mới và kế hoạch về đảm
bảo và KĐCLGD. Những quy định này được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, kế
hoạch và thông báo/ công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2.3.1. Định hướng chung
Phát triển hệ thống KĐCLGD, tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo
và KĐCLGD, các tổ chức KĐCLGD, các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng
của các cơ sở đào tạo, đội ngũ đánh giá viên, kiểm định viên [4].
Đẩy mạnh công tác KĐCLGD, trước hết là đối với kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại
học. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích và chế tài xử
phạt việc chấp hành các quy định về đảm bảo và KĐCLGD [2,3].
Tiếp cận việc đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo chuẩn ASEAN; khuyến khích các cơ
sở giáo dục thực hiện đánh giá chất lượng theo chuẩn quốc tế (ví dụ ABET, AACSB).
Rà soát, đánh giá việc thực hiện “Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD đối với
giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011- 2020” ban hành kèm theo Quyết định
số 4138/2010 ngày của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo [3].
2.3.2. Kế hoạch kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng và ban hành
Quy định về KĐCLGD cơ sở giáo dục đại học mới dựa trên tài liệu hướng dẫn đánh giá theo bộ
tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN
(AUN-QA).
- Các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng
trường đại học hiện hành thì tiếp tục thực hiện quy trình KĐCLGD theo quy định hiện hành trong
giai đoạn chuyển tiếp theo các mốc thời gian cụ thể như sau:
+ Việc tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức KĐCLGD thực hiện cho đến hết
ngày 30/6/2017.
+ Việc đánh giá ngoài đối với các cơ sở này được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2017.
+ Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực
hiện cho đến hết ngày 30/6/2018.
+ Kết quả chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng được bảo lưu đến hết thời gian 5 năm. Trong
thời gian này, khuyến khích việc đăng ký đánh giá thêm theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng cơ sở giáo dục đại học mới.
- Cơ sở giáo dục đại học chưa hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn hiện hành, chưa đăng
ký đánh giá ngoài trước 30/6/2017 thì triển khai tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn mới.
- Chỉ tiêu cụ thể cần đạt được như sau:
+ Đến hết 31/12/2017, có 35% số trường đại học và 10% số trường cao đẳng sư phạm được
kiểm định;
+ Đến hết 31/12/2018, có 50% số trường đại học và 30% số trường cao đẳng sư phạm được
kiểm định;
12
NGHIÊN CỨU JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
+ Đến hết 31/12/2020, tất cả các trường đại học và trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư
phạm đủ điều kiện được kiểm định và công bố công khai các kết quả kiểm định [4].
2.4. Kế hoạch kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo dục đại học
Cho đến thời điểm hiện tại Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 3 bộ tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên, 1 bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương
trình đào tạo điều dưỡng và 1 bộ tiêu chuẩn dùng chung để đánh giá chất lượng chương trình đào
tạo các trình độ của giáo dục đại học. Việc đánh giá và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo
giáo dục đại học có thể được thực hiện theo một hoặc một số phương án đánh giá như sau:
- Theo tiêu chuẩn của các tổ chức đánh giá và KĐCLGD của khu vực và quốc tế có uy tín, có
tên trong danh sách các tổ chức KĐCLGD quốc tế được Việt Nam công nhận do Bộ Giáo dục và
Đào tạo tạo công bố.
- Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo cụ thể do Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo ban hành (ví dụ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên
trung học phổ thông trình độ đại học hoặc chương trình đào tạo điều dưỡng trình độ đại học hoặc
cao đẳng).
- Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại
học ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo [1,4].
- Chỉ tiêu: Đến hết 31/12/2020, 10% chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng bởi các
tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế. Trong đó có 100% các chương trình có yếu
tố quốc tế (chương trình tiên tiến, chương trình POHE, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao
- PFIEV, chương trình đào tạo chất lượng cao...) được kiểm định, khuyến khích các chương trình
này đăng ký đánh giá bởi tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế, khu vực có uy tín [4].
3. Kết luận
Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác đảm bảo và KĐCLGD được
xem như một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ cho mục đích này. Thực tế triển khai cho thấy,
công tác công tác đảm bảo và KĐCLGD đại học đang được hình thành và phát triển ổn định, phù
hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới.
Những quy định hiện thời cho thấy các trường đại học phải thực hiện tự đánh giá cơ sở giáo
dục và chương trình đào tạo; hoàn thành cáo tự đánh giá và triển khai kiểm định chất lượng theo
tiến độ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đây cũng là tiêu chí quan trọng được sử dụng làm
căn cứ xác định chất lượng giáo dục của nhà trường. Như vậy, đảm bảo và KĐCLGD là một nhân
tố không thể thiếu được trong quá trình phát triển của một trường đại học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các
trình độ của giáo dục đại học.
13
Nguyễn Hữu Cương JEM., Vol. 9 (2017), No. 8.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), Thông báo kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc
họp về phương án triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Thông báo số
702/TB-BGDĐT, ngày 22/9/2016.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), Thông báo kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại
cuộc họp ngày 22/10/2016 về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Thông báo số
816/TB-BGDĐT, ngày 08/11/2016.
[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày 23/02/2017 về triển khai
công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư
phạm và trung cấp sư phạm năm 2017.
[5] Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (2017), Danh sách các trường đại học, cao
đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá (dữ liệu cập nhật đến ngày
31/12/2016).
[6] Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (2017), Danh sách các chương trình đào tạo
được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức quốc tế và khu vực (dữ liệu cập nhật đến ngày
31/12/2016).
[7] Nguyễn Hữu Cương (2017), Chính sách và thực tiễn triển khai kiểm định chất lượng chương
trình đào tạo giáo dục đại học ở Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, Số 401, kì 1, tr. 11-15,32.
[8] Tạ Thị Thu Hiền (2016), Ảnh hưởng của chính sách kiểm định chất lượng giáo dục đại học
đến công tác quản lý đào tạo trong hai đại học quốc gia, Luận án Tiến sĩ Đo lường và Đánh
giá trong Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[9] Phạm Xuân Thanh (2013), Higher Education Quality Assurance in Viet Nam, Proceedings of
the 2013 AQAN Seminar and Roundtable Meeting “Building Quality Culture and National
Qualifications Framework”, pp. 20-23, Ton Duc Thang University, Ho Chi Minh City.
[10] Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (2016). Khảo sát sơ bộ
phục vụ đánh giá ngoài 05 chương trình đào tạo đầu tiên theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục
và Đào tạo,
ABSTRACT
Some Results of Vietnam’s Higher Education Accreditation Implementation
and Future Plans
Higher education accreditation has been implemented in our country for more than 10 years.
However, it is still considered to be quite new for the public, and even for many higher education
institutions. This paper first summarizes several results in this area with a focus on the development
of legal documents, quality assurance system, accreditation of higher education institutions and
programs. Next, the research presents future plans for Vietnam’s higher education accreditation.
Keywords: Quality assurance, accreditation, higher education, results, future plans.
14
View publication stats
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- mot_so_ket_qua_dat_duoc_cua_kiem_dinh_chat_luong_giao_duc_dai_hoc_viet_nam_va_ke_hoach_trien_khai_tr.pdf