In this essay, I show my ideas about the role of presentiment as a literary device in Romeo and
Juliet by Shakespeare, especially presentiment in the last meeting of the lovers. Presentiment in
Romeo and Juliet didn’t only demonstrate the wonderful love of main characters, it is but also
evident that Shakespeare shared this interest with us in a degree proportioned to his genius. In this
play, he introduced us to the unconscious and role of unconscious before Psychoanalysis’s S.Freud
and Analytical Psychology’s K.B.Jung came after.
5 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 445 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Linh cảm của Romeo và Juliet trong lần gặp gỡ cuối cùng của đôi tình nhân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Thị Thắm Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 61(12/2): 26 - 30
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
26
LINH CẢM CỦA ROMEO VÀ JULIET
TRONG LẦN GẶP GỠ CUỐI CÙNG CỦA ĐÔI TÌNH NHÂN
Nguyễn Thị Thắm*
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên
TÓM TẮT
Thông qua bài viết này, tôi muốn trình bày kết quả nghiên cứu về vai trò của yếu tố linh cảm với
tư cách là một phương tiện nghệ thuật trong bi kịch Romeo và Juliet của Shakespeare, đặc biệt là
hiệu quả của việc sử dụng yếu tố linh cảm trong lần gặp gỡ cuối cùng của đôi tình nhân. Chúng tôi
nhận thấy, trong Romeo và Juliet, sự xuất hiện của yếu tố linh cảm không chỉ cho chúng ta thấy
tình yêu tuyệt vời của hai nhân vật chính mà còn chứng tỏ rằng Shakespeare đã chia sẻ với chúng
ta phát hiện thú vị này bởi một cách thức tương xứng với khả năng thiên tài của ông. Cũng trong
vở kịch này, Shakespeare nói với chúng ta về vô thức và vai trò của vô thức trước khi Phân tâm
học của S.Freud và Tâm phân học của K.B.Jung xuất hiện.
Từ khóa: Linh cảm, Romeo và Juliet, Shakespeare, phương tiện nghệ thuật, bi kịch.
Trong văn học thế giới, chúng ta từng biết đến
bao nhiêu cuộc chia tay đầy ám ảnh bởi sự xa
cách gắn liền với nỗi lo lắng, khắc khoải. Đau
đớn hơn, người trong cuộc thường có cảm
giác đây là lần gặp gỡ cuối cùng. Họ nói lời
tạm biệt nhưng họ biết lẽ ra họ phải nói lời
vĩnh biệt. Những cảm xúc vừa mơ hồ, vừa rõ
rệt ấy của Romeo, Juliet đã được Shakespeare
thể hiện chân thực và tài hoa bằng yếu tố linh
cảm trong vở bi kịch Romeo và Juliet khi xây
dựng cảnh gặp gỡ cuối cùng của đôi tình nhân
ở hồi III, cảnh 5.
Để trì hoãn thời khắc li biệt, trước đó, Juliet
đã tự đánh lừa mình: “Trời còn lâu mới sáng.
Tiếng chim đã làm anh hoảng hốt là tiếng
chim hoạ mi đấy, không phải tiếng sơn ca
đâuVệt sáng kia không phải ánh bình minh,
em biết”[4.109]. Đến khi ý thức về sự sống
còn của Romeo mách bảo, nàng mới nhận ra
rằng không nên níu kéo chàng nán lại thêm
nữa. Trong cuộc ly biệt này, cả Romeo và
Juliet đều có linh cảm đây là lần gặp gỡ cuối
cùng của họ nhưng Juliet bộc lộ linh cảm của
mình trực tiếp hơn. Dù Romeo chỉ bị lưu đày
nhưng cái chết vẫn luôn ám ảnh tâm hồn
nàng: “Thôi, cửa ơi, hãy cho ánh sáng lọt
vào, và để đời sống đi ra”[4.109]; (“Then,
window, let day in, and let life out” - tr.718).
Lúc Romeo nói lời vĩnh biệt, hôn nàng lần
cuối rồi trèo xuống vườn là lúc nàng cảm
Tel: 0983211243
nhận được một cách trực tiếp sự xa cách, chia
lìa bằng cảm giác xúc giác. Sau khi thảng thốt
hỏi lại Romeo và được chàng xác nhận thực
tế mà hai người phải đối mặt bằng lời chào
“Vĩnh biệt”[4.109]; (“Farewell” – [5.719])
linh cảm về những chuyện chẳng lành bắt đầu
tràn ngập tâm trí nàng.
Lời thoại tiếp theo diễn tả linh cảm đầy bất
trắc của nàng là một câu hỏi về tương lai:
“Anh ơi, có bao giờ chúng ta lại được gặp
nhau nữa không?”[4.110]; (“O! think’st thou,
we shall ever meet again?” – [5.719]). Trong
nguyên bản, Shakespeare để cho Juliet dùng
câu hỏi này với động từ “shall ever meet” ở
thì tương lai đơn- loại thì của động từ dùng để
chỉ một hành động sẽ xảy ra nhưng người nói
chưa quyết định hoặc chưa thể quyết định khi
nào hành động đó xảy ra trước thời điểm nói.
Nó cho thấy rất rõ cảm giác của nàng về sự
bất định của tương lai. Dù nàng biết Romeo
không bị tử hình, nàng vẫn lo lắng vì nàng
cảm thấy khó xác định hay nói đúng hơn là
không thể xác định được số phận của tình
yêu. Đứng từ hiện tại, nhìn về phía tương lai,
nàng băn khoăn tự hỏi: hạnh phúc rồi có nối
tiếp? Rõ ràng nàng cảm thấy sự mong manh,
dễ đứt gãy của hạnh phúc trong hiện tại mà sự
đứt gãy nếu có thể xảy ra lại nằm ngoài khả
năng kiểm soát của hai người.
Sau đó, dù Romeo có khẳng định rồi họ sẽ
gặp lại nhau, linh cảm về chuyện chẳng lành
Nguyễn Thị Thắm Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 61(12/2): 26 - 30
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
27
vẫn choán lấy tâm hồn Juliet: “Trời ơi, sao
em linh cảm có chuyện chẳng lành! Em nhìn
anh đứng dưới ấy như thây ma nằm dưới mồ.
Mắt em hoa làm sao mà thấy anh nhợt nhạt
quá” [4.110]; (“O God! I have an ill-divining
soul:/ Methinks, I see thee, now thou art so
low,/ As one dead in the bottom of a tomb:/
Either my eyesight fails, or thou look’st pale”
– [5.719]). Trong nguyên bản, với tất cả các
động từ được dùng ở thì hiện tại thường, lời
thoại của Juliet tiếp tục miêu tả cụ thể hơn
diễn biến của linh cảm trong tâm thức của
nàng. Đối tượng gặp phải chuyện chẳng lành
là Romeo. Chuyện chẳng lành mà Romeo gặp
phải là cái chết được tượng hình qua vẻ “nhợt
nhạt” và biện pháp so sánh chàng với “thây
ma nằm dưới mồ”. Sự vận động của linh cảm
chứng tỏ lời an ủi của Romeo không có tác
dụng. Nó không thể ngăn cản cảm nhận của
nàng về những chuyện bất trắc vì cảm nhận
đó nằm ở luồng ngầm của vô thức mà nhiều
khi vô thức trượt qua sự kiểm soát của ý thức.
Linh cảm của Juliet vẫn vận động một cách tự
nhiên theo quy luật của nó từ mơ hồ đến ngày
càng rõ rệt hơn, từ chưa xác định có thể sẽ
may mắn, có thể sẽ rủi ro “có bao giờ... lại
được gặp nhau nữa không” đến xác định chắc
chắn: rủi ro, bất hạnh qua hình hài của cái
chết. Ý thức của Juliet và của Romeo không
thể kiểm soát được, càng không thể chế ngự
được. Quan điểm này về mối quan hệ giữa ý
thức và vô thức, về đặc điểm của vô thức, sau
này được Freud chứng minh đầy thuyết phục
bằng các ví dụ trong công trình khoa học
Nhập môn Phân Tâm học của ông.
Còn Romeo khi nghe Juliet hỏi về tương lai
của tình yêu với bao lo lắng phấp phỏng đã
khẳng định chắc chắn: “Nhất định là có”
[4.110]; (“I doubt it not” – [5.719]). Trong
nguyên bản, Shakespeare để cho Romeo dùng
hình thức phủ định của phủ định để khẳng
định. Lời khẳng định này thống nhất với nhiệt
tình động viên, trấn an tinh thần của Juliet
trong lời thoại tiếp theo của chàng: “Em ơi,
mắt anh nhìn em cũng thấy nhợt nhạt làm
sao! Sầu thương đã uống hết máu chúng ta”
[4.110]. Với mong muốn linh cảm về những
chuyện chẳng lành và hình ảnh “nhợt nhạt”
“như thây ma” của chàng không ám ảnh, hành
hạ Juliet, Romeo đã giải thích với nàng một
cách rất logic và hợp lý về nguyên nhân dẫn
đến sự nhợt nhạt của cả hai người: do hai
người phải chịu quá nhiều chuyện đau buồn,
thương tiếc.
Tuy nhiên thái độ tin tưởng vào tương lai và
dứt khoát phủ định linh cảm về những chuyện
chẳng lành của Juliet lại mâu thuẫn với ba lần
chào vĩnh biệt của Romeo: “Thôi, vĩnh biệt!
Em cho anh một cái hôn trước khi anh trèo
xuống”[4.109]; (“Farewell, farewell! One
kiss, and I’ll descend” – [5.718]). “Vĩnh biệt.
Hỡi em yêu quý, anh sẽ không bỏ lỡ dịp nào
để gửi tin đến cho em”[4.110]; (“Farewell! I
will omit no opportunity/ That may convey
my greetings, love, to thee” – [5.719]). “Sầu
thương đã uống hết máu chúng ta. Thôi, vĩnh
biệt”[4.110] ; (“Dry sorrow drinks our blood.
Adieu! Adieu!” – [5.719]). Do chúng tôi
không có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với dịch
giả Đặng Thế Bính nên chúng tôi phỏng đoán
dịch giả Đặng Thế Bính đã dịch tác phẩm
Romeo và Juliet từ một nguyên bản khác với
nguyên bản mà chúng tôi đang có. Bởi theo
nguyên bản bi kịch Romeo và Juliet của
Shakespeare in trong The Illustrated Stratford
Shakespeare (Chancellor Press, 1993), trong
cuộc chia ly của lần gặp gỡ cuối cùng, Romeo
ba lần nói “Farewell”, hai lần nói “Adieu”.
Theo những từ điển mà chúng tôi có thì
“Farewell” và “Adieu” đều có nghĩa là tạm
biệt- sự xa cách tạm thời, trong một thời gian
ngắn rồi gặp lại mà không có nghĩa là vĩnh
biệt- sự xa cách vĩnh viễn, không bao giờ gặp
lại nữa.
Và nếu phán đoán của chúng tôi về vấn đề
bản dịch là đúng thì mâu thuẫn trên cũng
không khó lý giải. Theo chúng tôi, khi tìm
cách trấn an Juliet, Romeo nói bằng ý thức,
bằng mong muốn hướng người yêu tới tương
lai tốt đẹp. Còn những lời chào vĩnh biệt là lời
nói bật lên từ vô thức của chàng. Như vậy, từ
trong vô thức Romeo cũng cảm nhận thấy
tương lai đầy bất trắc của mình và lời chào
vĩnh biệt là lời phản ánh trung thực cảm xúc
của chàng. Điều đó chứng tỏ giống như Juliet,
Romeo cũng có một đời sống nội tâm phong
phú, không đơn giản một chiều. Và như vậy,
chính mâu thuẫn này cho thấy vẻ đẹp của tình
yêu mà Romeo dành cho Juliet. Vì tình yêu
Nguyễn Thị Thắm Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 61(12/2): 26 - 30
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
28
đó, chàng sẵn sàng chịu đựng niềm lo âu,
khắc khoải về tương lai của bản thân mình.
Chàng cố gắng dùng ý thức để kiểm soát, che
giấu cảm xúc thực đồng thời tỏ ra cứng cỏi để
nâng đỡ tinh thần cho người mình yêu.
Cũng chính mâu thuẫn này cho thấy sự hoà
điệu trong tâm hồn của đôi tình nhân. Tại một
thời điểm xác định, họ cùng nhau lên đỉnh
hạnh phúc, cùng cảm thấy đau đớn đến tận
cùng khi xa cách và cùng có khả năng linh
cảm về những chuyện chẳng lành. Có lẽ đây
cũng là một trong những lý do khiến cho họ
trở thành đôi tình nhân bất tử, thành biểu
tượng cho tình yêu vĩnh hằng của nhân loại.
Linh cảm trong lần gặp gỡ cuối cùng của đôi
tình nhân xuất hiện vào hồi III, cảnh 5 của vở
bi kịch. Theo lý thuyết về cấu trúc kịch năm
hồi trong cuốn Về thi pháp kịch của Tất
Thắng, đây là hồi “Xung đột căng đến mức
tưởng như không giải quyết được. Các nút
kịch thắt lại”[2.246]. Vậy linh cảm của đôi
tình nhân có ảnh hưởng gì đến sự phát triển
của xung đột kịch trong Romeo và Juliet của
Shakespeare?
Như chúng ta đã biết, trong Romeo và Juliet
có những yếu tố có thể trở thành hai lực
lượng đối địch nhau của một xung đột kịch.
Đó là tình yêu của Romeo và Juliet, mối thù
giữa hai dòng họ Montague và Capulet, lực
cản từ phía nhân vật thứ ba và lực cản từ
chính bản thân nhân vật. Từ những yếu tố
này, có thể tạo nên ba dạng xung đột cơ bản
trong các vở bi kịch tình yêu: xung đột giữa
tình yêu của đôi tình nhân và mối quan hệ
giữa hai dòng họ, xung đột trong tình yêu tay
ba, xung đột trong thế giới nội tâm của nhân
vật bi kịch.
Về hai yếu tố tình yêu và thù hận, trong bài
viết Mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận
trong bi kịch Romeo và Juliet của
Shakespeare (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số
3/ 2008), chúng tôi đã phân tích chứng minh
để đi đến kết luận: “Thù hận không thật sự
xuất hiện như một lực lượng độc lập công
khai đối địch với tình yêu. Nó chỉ ngẫu nhiên
tồn tại bên cạnh tình yêu và va chạm với tình
yêu một cách vô thức. Tính chất nửa vời đó
làm cho mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận
không thể chuyển hoá thành xung đột với
những tác động qua lại lôgic biện chứng
trong một cuộc đấu tranh mà cả hai bên đều
cố gắng để giành phần thắng bằng mọi
cách”[1.122]. Như vậy là tình yêu của Romeo
và Juliet và mối thù giữa hai dòng họ không
được Shakespeare xây dựng thành hai lực
lượng đối địch nhau của tấn kịch. Cũng chính
vì vậy, linh cảm của Romeo và Juliet trong
lần gặp gỡ cuối cùng không ảnh hưởng đến
mối quan hệ giữa tình yêu của đôi tình nhân
và mối thù của hai dòng họ.
Chúng tôi cũng nhận thấy Shakespeare không
tạo ra những tình huống đặt hai yếu tố tình
yêu và lực cản từ phía nhân vật thứ ba vào
một mâu thuẫn gay gắt mang tính đối địch.
Bởi theo chúng tôi, với tình yêu của Romeo
và Juliet thì Rosaline và Paris được coi là
nhân vật thứ ba. Trước khi gặp Juliet, Romeo
từng yêu Rosaline nhưng tình yêu của Romeo
dành cho Rosaline chỉ là tình yêu đơn
phương. Đến dạ hội nhà Capulet, bắt gặp vẻ
đẹp lộng lẫy của Juliet, những cảm xúc yêu
đương đằm thắm của Romeo lại cháy lên và
nhanh chóng cộng hưởng với những rung
động ngọt ngào của trái tim Juliet. Chính vì
vậy, chúng tôi xác định Rosaline là người thứ
ba dù Juliet mới là người đến sau. Chỉ có
điều, trong Romeo và Juliet, từ hồi I đến hồi
V, Rosaline không hề xuất hiện với tư cách
một nhân vật với những hành động, lời nói cụ
thể. Nàng chỉ thấp thoáng ẩn hiện qua lời kể
của Romeo ở hồi I và lời trêu đùa của
Mercutio ở cảnh 1 của hồi II. Dù Shakespeare
để cho Romeo khẳng định chàng đến dự dạ
hội nhà Capulet để chiêm ngưỡng vẻ diễm lệ
của Rosaline nhưng Shakespeare lại không để
cho Rosaline xuất hiện. Nàng không phải
chứng kiến cảnh chàng Romeo hào hoa đang
dành những lời yêu thương nồng cháy khi xưa
nói với nàng cho một giai nhân tuyệt sắc
khác. Nếu chứng kiến cảnh đó, rất có thể
xung đột trong tình yêu tay ba đã nảy sinh từ
hồi I. Hơn thế nữa, sau cảnh 1 của hồi II,
Shakespeare không để cho nàng xuất hiện trở
lại để tạo ra lực cản cho tình yêu của Romeo
và Juliet.
Còn Paris được Shakespeare giới thiệu với
đầy đủ những ưu điểm nổi bật qua lời kể
nhiều mỹ từ định ngữ của Capulet phu nhân:
“Chàng Paris tài năng”, “chàng Paris trẻ
Nguyễn Thị Thắm Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 61(12/2): 26 - 30
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
29
tuổi”[4.45] . Nếu Shakespeare có dụng ý tạo
ra xung đột trong tình yêu tay ba, chắc chắn
chàng sẽ trở thành một tình địch xứng đáng
của Romeo. Tuy nhiên dù Capulet dự định
mở dạ tiệc để Paris và Juliet gặp nhau, nhưng
cũng như Rosaline, Shakespeare không để
cho Paris xuất hiện trong dạ hội nên mầm
mống của xung đột không xuất hiện. Sau đó,
đến hồi III, Juliet bị ép gả cho Paris. Nhưng
nguyên nhân của sự ép gả là do ý muốn của
ông già Capulet chứ không phải do Paris biết
mối tình của Romeo và Juliet nên lập mưu
đẩy Romeo đi xa rồi lấy lòng cha mẹ Juliet để
phá hoại tình yêu của đôi tình nhân. Như vậy,
có thể khẳng định, Shakespeare không sử
dụng mối quan hệ giữa Romeo- Juliet- Paris
để tạo ra xung đột trong tình yêu tay ba. Và vì
vậy linh cảm của Romeo và Juliet trong lần
gặp gỡ cuối cùng không ảnh hưởng đến mối
quan hệ giữa tình yêu của Romeo, Juliet và
lực cản từ phía nhân vật thứ ba.
Cuối cùng là mối quan hệ giữa tình yêu và sự
cản trở từ chính bản thân nhân vật. Nói đến sự
cản trở từ chính bản thân nhân vật, thực chất
chúng tôi muốn nói tới sự cản trở của những
xung đột nội tâm. Theo chúng tôi, trong vở
kịch này, chỉ Juliet có xung đột nội tâm. Nàng
có những băn khoăn, bối rối khi biết người
mình yêu là kẻ thù của dòng họ mình (hồi II),
khi người mình yêu giết người thân của mình
(hồi III) và trước khi quyết định uống thuốc
ngủ giả chết (hồi IV). Gần với linh cảm của
Romeo và Juliet trong lần gặp gỡ cuối cùng là
xung đột nội tâm của Juliet khi biết người
mình yêu giết người thân của mình. Tuy
nhiên, Shakespeare lại để cho Juliet linh cảm
thấy chuyện chẳng lành sau khi nàng đã quyết
định tha thứ cho Romeo. Xung đột trong thế
giới nội tâm của nàng đã được giải toả. Nàng
đã tìm ra lối thoát, đã quyết định từ bỏ những
lý lẽ lạnh lùng sắc sảo của lý trí để nghe theo
tiếng gọi của con tim. Cũng chính vì vậy, dù
Juliet có cảm thấy sự chẳng lành khi chia tay
nhưng linh cảm của nàng cũng không góp
phần làm gia tăng xung đột trong thế giới nội
tâm của nàng, khiến cho tình yêu nàng dành
cho Romeo bị cản trở. Sau đó linh cảm này
cũng không xuất hiện trở lại khi nàng quyết
định uống thuốc ngủ giả chết.
Như vậy có thể khẳng định linh cảm của
Romeo và Juliet trong lần gặp gỡ cuối cùng
không ảnh hưởng đến sự hình thành, vận
động và phát triển của xung đột kịch trong
Romeo và Juliet của Shakespeare. Nó chỉ
chuẩn bị, báo trước kết cục bi thảm của số
phận nhân vật. Ngoài ra, Shakespeare có dụng
ý khác khi để cho Romeo và Juliet biết trước
rằng những điều bất trắc rồi sẽ xảy ra. Vì
“một tính cách bi kịch nói chung phải đáp
ứng đầy đủ ba nguyên lý: nguyên lý tích cực,
nguyên lý trọng đại, nguyên lý tự ý
thức”[3.74]. Và sự xuất hiện của linh cảm
trong lần gặp gỡ cuối cùng của đôi tình nhân
như một phương tiện nghệ thuật để các tính
cách bi kịch của ông đảm bảo nguyên lý thứ
ba: nguyên lý tự ý thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Thị Thắm, (2008), “Mối quan hệ
giữa tình yêu và thù hận trong Romeo và Juliet
của Shakespeare”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học,
(Số 3), 1-2-2.
[2]. Tất Thắng, (2000), Về thi pháp kịch, Nhà xuất
bản Sân Khấu, Hà Nội.
[3]. Phùng Văn Tửu, (2003), Cảm thụ và giảng
dạy văn học nước ngoài, Nhà xuất bản Giáo dục,
Hà Nội.
[4]. W. Shakespeare, (1995), Tuyển tập kịch (Nhiều
người dịch). Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội.
[5]. W. Shakespeare, (1993) The Illustrated
Stratford Shakespeare, Chancellor Press, London.
SUMMARY
THE PRESENTIMENT OF ROMEO AND JULIET IN THE LAST MEETING OF THE
LOVERS
Nguyen Thi Tham
Tel: 0983211243
Nguyễn Thị Thắm Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 61(12/2): 26 - 30
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
30
College of Education, Thai Nguyen University
In this essay, I show my ideas about the role of presentiment as a literary device in Romeo and
Juliet by Shakespeare, especially presentiment in the last meeting of the lovers. Presentiment in
Romeo and Juliet didn’t only demonstrate the wonderful love of main characters, it is but also
evident that Shakespeare shared this interest with us in a degree proportioned to his genius. In this
play, he introduced us to the unconscious and role of unconscious before Psychoanalysis’s S.Freud
and Analytical Psychology’s K.B.Jung came after.
Key words: Presentiment, Romeo and Juliet, Shakespeare, literary device, tragedy.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- brief_3433_9732_nguyenthitham_5983_2052922.pdf