Việc phân chia các chuyên ngành khoa học xã hội như hiện nay đã diễn ra từ những
năm 90 của thế kỷ XVIII. Tại thời điểm đó, trên cơ sở các mô hình của châu Âu, các
trường đại học trên thế giới (đặc biệt là ở Mỹ và phương Tây) đã thiết lập các khoa chuyên
ngành khoa học xã hội và nhân văn cho phù hợp với những hiểu biết của con người về thế
giới lúc bấy giờ. Chẳng hạn, kinh tế học nghiên cứu về thị trường, chính phủ học (sau này
là khoa học chính trị) nghiên cứu về nhà nước, xã hội học nghiên cứu các vấn đề xã hội,
tâm lý học nghiên cứu các cá nhân, lịch sử nghiên cứu quá khứ, và nhân học nghiên cứu
“những dân tộc khác” Mỗi chuyên ngành thường có sự tương ứng với một lĩnh vực nào
đó của thế giới, và chúng được coi là những chỉnh thể có thể và nên được nghiên cứu độc
lập. Đồng thời, người ta cũng cho rằng những chuyên ngành này xác định ranh giới lẫn
nhau và tồn tại một cách bình đẳng. Trên cơ sở đó, chúng trở thành những khối tri thức cơ
bản hình thành nên bộ khung của các trường đại học.
12 trang |
Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 09/03/2022 | Lượt xem: 452 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Liên ngành trong nghiên cứu khu vực, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LIÊN NGÀNH TRONG NGHIÊN CỨU KHU VỰC
Trịnh Cẩm Lan
Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội
1. CÁC CHUYÊN NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VÀ NGHIÊN CỨU
KHU VỰC
Việc phân chia các chuyên ngành khoa học xã hội như hiện nay đã diễn ra từ những
năm 90 của thế kỷ XVIII. Tại thời điểm đó, trên cơ sở các mô hình của châu Âu, các
trường đại học trên thế giới (đặc biệt là ở Mỹ và phương Tây) đã thiết lập các khoa chuyên
ngành khoa học xã hội và nhân văn cho phù hợp với những hiểu biết của con người về thế
giới lúc bấy giờ. Chẳng hạn, kinh tế học nghiên cứu về thị trường, chính phủ học (sau này
là khoa học chính trị) nghiên cứu về nhà nước, xã hội học nghiên cứu các vấn đề xã hội,
tâm lý học nghiên cứu các cá nhân, lịch sử nghiên cứu quá khứ, và nhân học nghiên cứu
“những dân tộc khác” Mỗi chuyên ngành thường có sự tương ứng với một lĩnh vực nào
đó của thế giới, và chúng được coi là những chỉnh thể có thể và nên được nghiên cứu độc
lập. Đồng thời, người ta cũng cho rằng những chuyên ngành này xác định ranh giới lẫn
nhau và tồn tại một cách bình đẳng. Trên cơ sở đó, chúng trở thành những khối tri thức cơ
bản hình thành nên bộ khung của các trường đại học.
Theo thời gian, mỗi chuyên ngành đều đã hình thành cho mình những chương trình,
khái niệm, nội dung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, những lĩnh vực chuyên sâu và các
tiêu chuẩn học thuật riêng biệt. Tuy nhiên, cho đến những năm 1920, người ta đã bắt đầu
nhận thấy việc phân chia thế giới theo kiểu thế kỷ XIX thể hiện trong các cấu trúc chuyên
ngành không còn phù hợp với những hiểu biết đương đại về cách vận hành của các xã hội
và các nền văn hóa. Sự phân chia và chuyên sâu một cách sâu sắc trong nội bộ các chuyên
ngành vô tình đã làm giảm tính toàn diện và thống nhất của chúng. Hơn nữa, ngày càng có
nhiều học giả nhận thức rằng các lĩnh vực như thị trường, chính trị, xã hội, văn hóa... và rất
nhiều lĩnh vực khác nữa được phân chia theo cách hiểu thế giới của thế kỷ XIX - tất cả đều
có quan hệ với nhau, tương tác lẫn nhau, định hình lẫn nhau và không thể được nghiên cứu
một cách riêng rẽ. Để hiện thực hóa sự nhận thức đó, các học giả chuyên ngành đã không
ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng nghiệp thuộc các chuyên ngành khác. Và, để đáp
ứng nhu cầu nhận thức thế giới hiện đại với rất nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra
nhưng lại khó có thể giải quyết trong phạm vi một chuyên ngành, càng ngày càng có nhiều
lời kêu gọi, nhiều dự án cho việc hợp tác liên ngành. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi
đó, những bức tường ngăn cách giữa các chuyên ngành dường như ngày càng trở nên cao
hơn và khó vượt qua hơn.
Nghiên cứu khu vực là một trong nhiều bộ môn khoa học liên ngành phải đối mặt
với những bức tường không dễ vượt qua đó. Tri thức của nhân loại về thế giới vẫn tồn tại
một sự nhận thức chung rằng các nền văn hóa và các xã hội của loài người hoàn toàn
không thuần nhất. Sự khác biệt luôn luôn hiện hữu ở khắp các vùng trên trái đất và khó mà
mất đi, thậm chí có thể nói là không bao giờ mất đi. Chúng rất phức tạp và khó có thể giải
thích nội trong khuôn khổ của bất kỳ một khoa học chuyên ngành nào, mặc dù đã có những
khi người ta lầm tưởng rằng những khác biệt đó có thể quy cho những giai đoạn phát triển
khác nhau và mặc nhiên coi việc giải thích chúng là công việc của những nhà sử học. Thực
tế ngày càng cho thấy rõ rằng chỉ có một loại khoa học liên ngành như nghiên cứu khu vực
mới có khả năng lý giải những khác biệt đó một cách toàn diện và thuyết phục.
Bằng cách vận dụng cách tiếp cận liên ngành và những phương pháp nghiên cứu đa
dạng để hiểu được các nền văn hóa và xã hội khác nhau, các học giả khu vực học đã và vẫn
cố gắng biện luận rằng những hình thức mới của tri thức đòi hỏi phải có những bộ khung
kiến tạo tri thức mới. Như vậy, họ đã trực tiếp thách thức tính cục bộ của các khoa chuyên
ngành trong việc khép kín những quy trình nhận thức. Tuy nhiên, vào những thời gian đầu
của nghiên cứu khu vực, do chưa có một cơ sở phương pháp luận như thông thường, bộ
môn nghiên cứu khu vực học luôn trở thành đối tượng gièm pha của các khoa học chuyên
ngành và thậm chí của những người quản lý. Nghiên cứu khu vực vào giai đoạn đầu ở tất
cả các quốc gia hình như đều có chung một số phận như thế. Nó thường bị coi là không có
tính chuyên môn và do đó, không thực sự mang tính học thuật, điều này làm cho nó phải
chịu một địa vị thấp kém trong các trường đại học. Một lý do nữa không kém phần quan
trọng, vào giai đoạn đầu của khu vực học, các học giả được xem là “nhà khu vực học” đều
xuất phát từ một chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn truyền thống như sử học, ngôn
ngữ học, văn học, xã hội học, nhân học Hệ quả là, phần lớn các nhà khu vực học đều có
hai chức danh chẳng hạn vừa là một nhà sử học vừa là một chuyên gia Trung Quốc học,
hay vừa là một nhà ngôn ngữ học vừa là một chuyên gia về Việt Nam học Xét trên quan
điểm của các chuyên ngành truyền thống, điều này có nghĩa là bộ môn khu vực học có thể
bị đẩy ra ngoài lề và bị phân tán lực lượng. Thực tế đó có ảnh hưởng đáng kể đến sự tồn tại
độc lập và vững chắc của bộ môn khoa học này.
Trong quá khứ và cả hiện nay, khu vực học liên ngành không đe dọa thay thế các
chuyên ngành nhưng cũng đòi hỏi không kém bình đẳng về địa vị. Tuy nhiên, trong khi
còn chưa có dấu hiệu của một cuộc tái cơ cấu các khoa khoa học xã hội và nhân văn theo
một mô hình khác mà chúng ta chưa ai tưởng tượng ra thì khu vực học vẫn cần các khái
niệm, các mô hình và phương pháp của các chuyên ngành để hiểu và giải thích tính đa
dạng của các nền văn hóa và các xã hội. Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến
cách hiểu về khái niệm liên ngành mà chúng tôi sẽ đề cập ngay sau đây.
2. LIÊN NGÀNH LÀ GÌ?
Liên ngành (Inter-disciplinarity hay Inter-disciplinary) là một thuật ngữ được tạo
bởi hai từ inter và disciplinarity hay disciplinary. Inter có nghĩa là ở giữa (between) hay
liên kết (connecting). Chẳng hạn, international là những gì thuộc về hai hay nhiều nước.
Tương tự như vậy, disciplinarity là môn học hay là ngành học. Và như vậy, inter-
disciplinarity là sự liên kết các môn học, các ngành học. Thông thường, mỗi chuyên ngành
có một đối tượng nghiên cứu riêng và thường giải quyết những vấn đề chuyên biệt của
ngành mình. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần trên, nhu cầu nhận thức của con người đặt ra
vấn đề cần phải liên ngành để giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn. Khái niệm liên ngành
trong bài viết này sẽ được xét đến trên quan điểm của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội
và nhân văn nói chung và các nhà nghiên cứu khu vực nói riêng.
Về phương diện lịch sử của khái niệm này, theo R. J. Ellis [3], liên ngành, theo ý
nghĩa chung nhất của nó, thực chất đã được nêu ra và bàn đến từ khoảng giữa những năm
1920. Những tài liệu như vậy hiện vẫn được Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội Hoa
Kỳ (United State’s Social Science Research Council - SSRC) lưu giữ. Vào thời gian ấy,
SSRC đã mong muốn thúc đẩy việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến không chỉ một
ngành. Có lẽ đây cũng không phải là một điều đáng ngạc nhiên vì vào thời gian đó, khoa
học xã hội đã khá phát triển về phạm vi và cần đến sự hợp tác của các học giả từ nhiều
chuyên ngành khác nhau. Theo những luận bàn thời đó, liên ngành đã được hiểu như là
“một cách tiếp cận trong nghiên cứu khoa học xã hội trong đó có sự hợp tác của từ hai
ngành khoa học trở lên”. Nội dung khái niệm này sau đó cũng được mở rộng nhanh chóng.
Margaret Mead
1
năm 1931 gọi đó là sự hợp tác (co-operation), sự thụ tinh chéo (cross-
fertilization) trong khoa học xã hội. Từ những cách hiểu ban đầu đó, việc sử dụng khái
niệm liên ngành đã ngày càng trở nên thông dụng, đặc biệt là trong hơn hai chục năm cuối
thế kỷ XX vừa qua và những năm đầu tiên của thế kỷ XXI này.
Có thể nhắc đến một vài cách hiểu về liên ngành như sau:
1
Margaret Mead là một nhà nhân học Mỹ nổi tiếng với những nghiên cứu điền dã tại Samoa vào những năm 1920,
bà thuộc thế hệ các nhà nhân học đầu tiên thực hiện nghiên cứu điền dã và liên ngành để nghiên cứu đời sống của trẻ
em nữ đến tuổi trưởng thành tại đảo Samoa, nam Thái Bình Dương, năm 1925-1926.
Thứ nhất, liên ngành là một loại hình hợp tác học thuật trong đó các nhà chuyên
môn được lấy từ hai hay nhiều chuyên ngành khác nhau cùng làm việc với nhau để cùng
đạt đến những mục tiêu chung trong nhận thức đối tượng nghiên cứu [10].
Thứ hai, một số quan điểm khác cho rằng liên ngành không chỉ là sự liên kết giữa
các chuyên gia từ các ngành khác nhau mà có khi còn là việc sử dụng đồng thời ít nhất hai
phương pháp nghiên cứu chuyên ngành trở lên [6], các phương pháp này tồn tại trên
nguyên tắc là phải có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau và bình đẳng với nhau về
vai trò và nhiệm vụ trong nhận thức đối tượng nghiên cứu.
Liên quan đến việc định nghĩa thế nào là liên ngành, cần phân biệt rõ liên ngành với
đa ngành (multidisciplinary). Theo R.J.Ellis, sự khác biệt này chủ yếu ở hướng tiếp cận.
Tiếp cận đa ngành nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp và quy trình của nhiều
chuyên ngành khác nhau một cách riêng biệt và độc lập, trong khi đó tiếp cận liên ngành
lại tìm cách liên kết, thiết lập những mối quan hệ qua lại, quy định và ảnh hưởng lẫn nhau
giữa những hệ phương pháp và quy trình của nhiều chuyên ngành khác nhau.
3. LIÊN NGÀNH TRONG NGHIÊN CỨU KHU VỰC
Sự phát triển của khoa học đã chứng minh những ưu thế của hướng tiếp cận chuyên
ngành về tính rõ ràng, về khả năng phục vụ việc nghiên cứu chuyên biệt. Tuy nhiên, trong
lịch sử nghiên cứu khu vực, các thành tựu nghiên cứu cũng lại cho thấy rằng để đi đến
nhận thức về một khu vực, hướng tiếp cận liên ngành có lợi thế vượt trội so với tiếp cận
chuyên ngành ở chỗ: thứ nhất, nó có thể tích hợp được những kết quả của các nghiên cứu
chuyên ngành về một khu vực để nhận thức tổng hợp về khu vực đó, và thứ hai, nó có thể
khai thác những khía cạnh của tri thức mà các chuyên ngành, do yêu cầu phải thiết lập và
duy trì sự khác biệt với những chuyên ngành khác, có thể bỏ qua. Khu vực học có thể giúp
các khoa học chuyên ngành vượt qua tính cục bộ của chúng. Tuy vậy, điều này cũng hàm
chỉ những khó khăn không tránh khỏi của hướng tiếp cận liên ngành, đó là tiếp cận liên
ngành cần phải được dựa trên những hiểu biết sâu sắc về những chuyên ngành mà nó liên
kết. Do đó, thứ nhất, nó chỉ có thể được thực hiện bởi những người có trình độ cao; và thứ
hai, nó khó có thể thực hiện được chỉ bởi một nhà nghiên cứu. Vì vậy, một trong những đặc
điểm của nghiên cứu liên ngành là thường đòi hỏi phải nghiên cứu theo nhóm. Tất nhiên,
điều này sẽ trở thành một tham vọng khó đạt được khi người ta quá cầu toàn về một kết
quả nghiên cứu hoàn hảo theo hướng tiếp cận này.
Trong giới nghiên cứu khu vực, cách quan niệm về liên ngành chưa hẳn đã thống
nhất, cho dù sự khác biệt trong cách dùng thuật ngữ này, theo Campbell John [7], có thể rất
tinh tế. Điều này được ông chỉ ra trong bài phát biểu tại Hội thảo Quốc tế khu vực học Mỹ
- Nhật tổ chức tại Tokyo năm 1995. Theo ông, các chuyên gia khu vực học ở cả hai nước
đều thống nhất - một cách tự nhiên - rằng các quốc gia hay các khu vực mà họ nghiên cứu
cần phải được nhận thức bằng cách tiếp cận mang tính tổng thể và toàn diện (holistic
approach). Hơn nữa, do những vấn đề thực tiễn đặt ra, cũng là theo xu thế phát triển của
khoa học, các chuyên gia đều có một khuynh hướng chung là phải xoá nhoà ranh giới của
các cách tiếp cận chuyên ngành bằng cách tiếp cận liên ngành. Tuy nhiên, đó chỉ là quan
điểm chung mang tính hướng đạo. Đi vào cụ thể hơn thì việc hiểu nội dung khái niệm liên
ngành ở hai quốc gia này không dễ dàng thống nhất như vậy. Ngay trong bản thân giới
khoa học của từng nước đã có sự không thống nhất. Chẳng hạn, ở Mỹ, các nhà nghiên cứu
khu vực và các nhà nghiên cứu chuyên ngành đã không có đủ thiện chí để cùng thảo luận
về vấn đề này. Các nhà khu vực học Mỹ cho rằng “liên ngành” ở đây đề cập đến sự áp
dụng đồng thời các lý thuyết và phương pháp, là tận dụng các thế mạnh từ các khoa học
chuyên ngành. Tuy nhiên, các nhà khoa học chuyên ngành thuần tuý lại không đồng ý như
vậy. Họ cho rằng thành quả nghiên cứu của các nhà khu vực học chỉ như là một sự đào xới
lên những vấn đề lạ lẫm và kỳ quặc hơn là việc tận dụng và phát triển các thế mạnh sắc bén
của các khoa học chuyên ngành. Để đáp lại, các nhà khu vực học biện luận rằng bằng việc
triển khai nghiên cứu trên những địa hình xa lạ, họ đã có những đóng góp quan trọng trong
việc thử nghiệm những lý thuyết vẫn bị xem là kém ứng dụng. Tuy nhiên, những lý thuyết
đó là gì thì họ lại không chỉ ra được. Tình hình như vậy ở Mỹ thực ra cũng không phải là
cá biệt. Các nước khác, ngay cả Việt Nam ta cũng có một thực tế tương tự. Các nhà khu
vực học Nhật Bản thì lại biểu hiện sự hoài nghi không dấu diếm về ngay chính bản thân
những lý thuyết của cách tiếp cận này. Điều này thậm chí bị đẩy đến mức cực đoan khi họ
giải thích liên ngành giống như là không có ngành gì.
Liên ngành trong các nghiên cứu khu vực, theo chúng tôi, không hoàn toàn giống
nhau và không theo một mô hình chung duy nhất, nó phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng
nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu ở đây có thể chia thành hai loại và tương ứng với nó là
hai kiểu nghiên cứu liên ngành khác nhau:
Loại 1: nghiên cứu để nhận thức và phát hiện ra bản chất hay tính đặc trưng của
một khu vực. Loại này có thể gọi là nghiên cứu cảnh quan. Tương ứng với loại đối tượng
này là cách tiếp cận liên ngành theo nhóm, tạm gọi là liên ngành kiểu 1.
Loại 2: nghiên cứu một vấn đề nào đó của một khu vực. Chẳng hạn, nghiên cứu lịch
sử của một làng Nhật Bản, hay nghiên cứu những vấn đề di dân thời hiện đại ở Châu Đại
Dương Đối với các vấn đề kiểu này, các nhà nghiên cứu trước hết phải là người có
chuyên môn sâu về một chuyên ngành mà vấn đề nghiên cứu đề cập đến như lịch sử hay xã
hội học chẳng hạn và họ sẽ nghiên cứu các vấn đề trên bằng phương pháp liên ngành trong
khu vực học. Tuy nhiên, cách nghiên cứu này không giống với kiểu 1 mà sẽ có những đặc
trưng riêng, tạm gọi là liên ngành kiểu 2.
Đối với cả hai loại liên ngành trên, phương pháp nghiên cứu đặc trưng đều là nghiên
cứu trên thực địa hay nghiên cứu điền dã (field research, field work) với một yêu cầu tối
cao là sự thuần thục tiếng bản địa và phải trải nghiệm trong cuộc sống chung với dân bản
địa. Cũng có quan niệm cho rằng nhà nghiên cứu không nhất thiết phải nghiên cứu trên
thực địa mà có thể nghiên cứu qua văn bản hoặc khảo cứu các loại thư tịch. Thoạt đầu,
quan niệm này không có nhiều ý kiến không tán thành, đặc biệt là trong thời kỳ hoàng kim
của nền Đông phương học châu Âu. Tuy nhiên, khu vực học càng phát triển, người ta càng
đòi hỏi sự trải nghiệm của nhà nghiên cứu tại khu vực họ nghiên cứu. Một nhà nghiên cứu
khu vực người Mỹ, David L. Szanton, đã nêu khái niệm khu vực học như sau: “hiểu một
cách rõ ràng nhất thì khu vực học là một nhóm gồm nhiều lĩnh vực và hoạt động học thuật
với những đặc điểm chung sau đây: (1) nghiên cứu sâu về ngôn ngữ; (2) nghiên cứu điền
dã sâu sắc bằng tiếng bản địa; (3) nghiên cứu kỹ các sự kiện lịch sử địa phương, các quan
điểm, các tài liệu, các tri thức về địa phương; (4) kiểm tra, thảo luận, phê phán hay phát
triển các lý thuyết cơ bản dựa trên những quan sát cụ thể; và (5) có những thảo luận liên
ngành liên quan đến nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn” [2]. Cách giải thích trên
chứa đựng hàng loạt các ý niệm về đối tượng và phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là
phương pháp nghiên cứu của ngành khoa học này. Nó giống như một đường hướng nghiên
cứu được đông đảo giới nghiên cứu khu vực không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều nước khác chấp
nhận.
Không những thế, các nhà khu vực học cấp tiến còn đòi hỏi mọi sự kiện tại khu vực
phải được nhìn nhận và đánh giá từ điểm nhìn của người trong cuộc. Tất nhiên, điều này
đôi khi bị coi như một đòi hỏi khắt khe, đặc biệt là đối với những học giả đã bị điểm nhìn
“châu Âu trung tâm” chi phối toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu. Hơn nữa, việc quen vận dụng
hệ thống khái niệm, những mô hình lý thuyết vốn ra đời trong cảnh huống phương Tây để
nghiên cứu những phần còn lại của thế giới đôi khi khiến họ phải vật lộn để tự đứng vững
trước những đòi hỏi của nền khu vực học hiện đại.
Đó là những vấn đề phương pháp luận chung cho cả hai loại liên ngành trên. Đi vào
cụ thể, mỗi loại lại có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, việc nghiên cứu liên ngành theo
nhóm ở loại 1 có một quy trình nghiên cứu đặc trưng mà nghiên cứu khu vực kiểu Nhật
Bản là một hình mẫu. Theo quy trình này, phương pháp liên ngành thường được thực hiên
theo 3 giai đoạn: 1. Đa ngành với các lĩnh vực nghiên cứu độc lập, cho ra kết quả độc lập;
2. Hợp tác các ngành với việc trao đổi kết quả; và 3. Liên ngành với việc nghiên cứu toàn
thể của cả nhóm, tổng hợp kết quả của các lĩnh vực để phát hiện đặc trưng bản chất của khu
vực [9]. Loại 2 thường do cá nhân các nhà nghiên cứu thực hiện với đối tượng chung là
một vấn đề nào đó của khu vực. Đặc tính liên ngành của loại này thể hiện ở việc lý giải các
sự kiện của khu vực trên nền tảng tri thức tổng hợp về khu vực đó, trong mối quan hệ với
môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử cũng như trong sự so sánh với
các khu vực khác. Đây là mô hình liên ngành trong nghiên cứu khu vực đặc trưng kiểu Mỹ.
Tuy nhiên, liên ngành trong nghiên cứu khu vực cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề
phải giải quyết và chúng tôi tin rằng để có thể giải quyết chúng, các nhà khu vực học cũng
sẽ phải tốn không ít giấy mực. Đó là những vấn đề chẳng hạn như: cán cân giữa các
chuyên ngành trong hoạt động liên ngành sẽ phải như thế nào? (Ví dụ: các nhà khu vực
học Nhật Bản thì có khuynh hướng nghiêng về nhân học, trong khi đó các nhà khu vực học
Mỹ lại có khuynh hướng nghiêng về sử học và khoa học chính trị[7]). Rồi, các chuyên
ngành có nên được liên kết với nhau một cách bình đẳng hay không? Hay, cần phải có tri
thức đến đâu về các chuyên ngành để có thể liên kết chúng lại một cách có hiệu quả? Và
có lẽ sẽ còn vô số các vấn đề khác nữa sẽ nảy sinh mà chúng ta, khi mới thực hiện ở những
bước đầu, sẽ không thể hình dung ra hết.
4. LIÊN NGÀNH VỀ LÝ THUYẾT - TÌM KIẾM MỘT CHỖ DỰA VỮNG CHẮC HƠN
CHO KHU VỰC HỌC
Các khía cạnh khác nhau của khái niệm liên ngành như đã dẫn đều nhắc đến sự liên
kết của các nhà chuyên môn, của các phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên, một khía cạnh
quan trọng sự là sự liên kết những mô hình lý thuyết thì không được đề cập rõ ràng cho dù
điều này có ảnh hưởng sống còn đến sự tồn tại vững chắc của khu vực học. Về mặt triết
học, có những mô hình lý thuyết có khả năng làm chỗ dựa để lý giải nhiều vấn đề thuộc
nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau và cũng có những mô hình lý
thuyết là riêng của một chuyên ngành nào đó. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu
đặc thù, những mô hình lý thuyết luôn luôn được xem là thước đo cơ sở tồn tại của bất kỳ
một bộ môn khoa học nào, cũng như là thước đo tính chuyên nghiệp và chất lượng khoa
học của bất kỳ một công trình nghiên cứu nào. Một trong những nguyên nhân khiến khu
vực học luôn phải chịu đựng những búa rìu học thuật là do nhiều nhà khoa học vẫn khăng
khăng buộc tội rằng khu vực học chỉ mang tính ghi chép và mô tả, thiếu phân tích, không
có lý thuyết dẫn đường, đi ngược lại tính chất khái quát hóa của các chuyên ngành khoa
học xã hội và nhân văn then chốt, dù có hấp dẫn đến mấy thì nó cũng chẳng có đóng góp gì
trong việc kiểm chứng và phát triển những lý thuyết khoa học. Về cơ bản, tất cả các nghiên
cứu văn hóa, xã hội không thể tránh khỏi việc phải dựa vào một hay một số mô hình lý
thuyết nào đó để giải thích những mối quan hệ, những đặc tính bản chất của đối tượng
nghiên cứu. Nếu không có một nền tảng lý thuyết chặt chẽ và hợp lý, nhà nghiên cứu sẽ
không biết phải tìm kiếm những gì, giải thích chúng ra sao, trình bày chúng với tư cách là
kết quả nghiên cứu như thế nào để thể hiện đó là kết quả của một sự nhận thức khách quan
và khoa học. Để đáp lại những kết luận bi quan của không ít các nhà khoa học về việc khu
vực học thiếu hẳn những mô hình lý thuyết cơ bản dẫn đường, rồi liên ngành trong khu vực
học có nghĩa là không có ngành gì cả (interdiscipline is nondiscipline) [5], chúng tôi thấy
rất cần phải tìm kiếm những cơ sở tồn tại vững chắc hơn cho bộ môn khoa học này.
Sự phát triển của khoa học trong thế kỷ XX vừa qua cho thấy những lý thuyết chính
trị, xã hội và văn hóa khác nhau đã trở thành mối quan tâm chung của các chuyên ngành
khoa học xã hội và nhân văn truyền thống. Điều này đã khuyến khích các học giả mở rộng
sự trao đổi với nhau giữa các chuyên ngành. Nhưng nhiều học giả cũng nhận thấy, thậm chí
công khai phát biểu rằng “phần lớn những gì cố tỏ ra mang tính liên ngành đều che giấu
một nền tảng không vững chắc” [3]. Và một trong những yếu tố quan trọng cấu thành
nền tảng đó chính là những mô hình lý thuyết. Việc điểm qua những mô hình lý thuyết đã
được các nhà khu vực học áp dụng để giải thích tính đa dạng của thế giới có thể sẽ trở
thành những gợi mở có ý nghĩa đối với quan niệm về lý thuyết trong khu vực học cũng như
đối với khả năng xem xét việc có thể hay không thể tích hợp những mô hình lý thuyết
chung, vận dụng chúng một cách linh hoạt cho thích hợp với cách nhận thức thế giới của
bộ môn khoa học này. Xin nói ngay, trong bài viết này, chúng tôi không có ý định luận bàn
về tính đúng - sai, về năng lực giải thích, về sự hợp thời hay lỗi thời, về hạt nhân hợp lý
hay không hợp lý và tất cả những vấn đề tương tự của các lý thuyết mà các chuyên gia khu
vực học đã từng, và có thể, sẽ áp dụng. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là điểm lại các mô hình
lý thuyết để bảo vệ cho khu vực học trước những cái nhìn bi quan về chỗ dựa của ngành
khoa học này.
Chúng ta vẫn biết, các chuyên gia khu vực học hầu hết đều xuất phát từ các chuyên
ngành khoa học xã hội và nhân văn cơ bản. Việc họ vận dụng những lý thuyết, những cách
tiếp cận và kỹ năng nghiên cứu của ngành mình trong nghiên cứu khu vực là một lẽ tất
nhiên. Đầu tiên, một nhà khu vực học là (hay giống như là) một nhà nhân học nghiên cứu
về một khu vực nào đó. Nếu hiểu được sự khởi đầu này, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên
nếu giới học thuật gọi, chẳng hạn, B. Manilowski (2) hay Margaret Mead khi thì là nhà nhân
học, khi thì là nhà khu vực học. Thậm chí Lewis Morgan, tác giả của tác phẩm “Xã hội cổ
đại”, một trong những nhà nhân học đầu tiên thì cũng đồng thời được coi là nhà khu vực
học đầu tiên trong quan niệm của một số nhà khoa học [1]. Thực tế cũng cho thấy các
(2)
B. Manilowski, nhà nhân học - khu vực học, người đầu tiên áp dụng phương pháp nghiên cứu thực địa để nghiên
cứu đời sống của người dân trên hòn đảo Trobriand ở Tây Thái Bình Dương, năm 1914-1916.
nghiên cứu khu vực ban đầu đều dựa trên những mô hình lý thuyết của nhân học để giải
thích tính đa dạng của thế giới.
Thuyết vị chủng hay tư tưởng sinh học về chủng tộc là một trong những mô hình
giải thích đầu tiên, rất thịnh hành trong khu vực học ở các nước phương Tây thời kỳ đầu,
cho dù bị coi là một học thuyết phản động. Hạt nhân của học thuyết này là niềm tin cho
rằng tổ chức, tập tục, văn hóa của xã hội mình (xã hội của người châu Âu da trắng) là văn
minh hơn cả còn của các xã hội khác là không bình thường, thậm chí kỳ quặc và đáng ghê
tởm. Học thuyết này đặc biệt có uy lực trong các xã hội thuộc địa bởi nó đã tự nhiên hóa tất
cả các bất bình đẳng giữa người với người. Trong khoa học, nó đã thống trị toàn bộ nền
Đông phương học châu Âu vốn vẫn được coi là một hình thức sơ khai của khu vực học.
Tuy nhiên, trong thời hiện đại, các nhà khoa học tiến bộ đều hiểu rằng các đặc điểm chủng
tộc không quyết định sự thịnh vượng, năng suất lao động, quan hệ giai cấp của quốc gia
hay tộc người ở một khu vực nào đó.
Thuyết Đac-uyn xã hội do Lewis Morgan đề xướng cũng có thể coi là một mô hình
lý thuyết được áp dụng phổ biến trong khu vực học buổi đầu. Thuyết này lấy chọn lọc tự
nhiên trong sinh học làm hạt nhân giải thích cho sự tiến hóa xã hội. Hạt nhân của học
thuyết này cho rằng mọi xã hội đều trải qua những giai đoạn tiến hóa nhất định theo một
mô hình tiến hóa đơn tuyến từ xã hội mông muội đến xã hội dã man rồi đến xã hội văn
minh và hệ quả của sự vận dụng lý thuyết này là việc giải thích sự khác biệt giữa các khu
vực là sự khác biệt giữa các giai đoạn phát triển khác nhau của các nhà nghiên cứu. Điều
này cũng được áp dụng để giải thích tại sao một số xã hội hay nền văn hóa lại cao hơn một
số xã hội hay nền văn hóa khác. Thuyết này, tuy đã bị bác bỏ nhưng nó cũng đã đánh dấu
một sự khởi đầu sơ khai của cách lý giải về thế giới.
Thuyết Chức năng của B. Manilowski và Radcliffe Brown (ở Anh) và thuyết Tương
đối văn hóa của Franz Boas (3) (ở Mỹ) ra đời để đối chọi lại với thuyết Tiến hóa xã hội. Các
tác giả của hai mô hình lý thuyết này đã kịch liệt phê phán các nhà tiến hóa luận trong việc
tách rời các sự kiện ra khỏi bối cảnh của nó và điều này, theo họ, làm hạn chế rất nhiều nếu
không muốn nói là hầu hết khả năng đưa ra những kết luận khách quan. Hai mô hình lý
thuyết, cũng có thể gọi là hai cách tiếp cận này thống nhất trên một nguyên tắc chung là
các khía cạnh của văn hóa phải được nhận thức trong bối cảnh xã hội của chúng. Trong
nghiên cứu các khu vực văn hóa rất thịnh hành lúc bấy giờ, hai cách tiếp cận này đều tìm
cách lý giải đặc trưng của mỗi khu vực văn hóa trong những điều kiện riêng như tự nhiên,
xã hội, lịch sử của nó. Quan điểm của thuyết Tương đối văn hóa cũng đưa đến một hệ luận
(
3) Người khai sinh ra nhân học Mỹ với những nghiên cứu đầu tiên về các khu vực văn hóa (culture area)
quan trọng về phương pháp tiếp cận của nghiên cứu khu vực. Đó là sự nhấn mạnh vào tầm
quan trọng tối cao của các nghiên cứu thực địa (nghiên cứu điền dã) với các tư liệu được
thu thập và tích lũy dài hơi. Những tác giả của nó đều đã trải nghiệm qua những chuyến
nghiên cứu thực địa dài ngày: Manilowski với hai năm sống tại quần đảo Trobriand và
Franz Boas với nhiều năm sống với các quần cư thổ dân Bắc Mỹ.
Cùng với những lý thuyết khởi nguồn từ xã hội học và nhân học mà các nhà khu
vực học dùng để giải thích thế giới, theo thời gian, các học giả khu vực học luôn biểu hiện
nỗ lực tìm kiếm những khái niệm, những mô hình để giải thích cho bản chất các đối tượng
nghiên cứu của mình. Trong nghiên cứu khu vực các nước đang phát triển ở châu Á, châu
Phi và đặc biệt là ở khu vực Mỹ La-tinh, các nhà khu vực học Mỹ đã áp dụng mô hình giải
thích của Thuyết Nhiệt đới [8]. Lý thuyết này cho rằng khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm của
các khu vực nói trên là nguyên nhân làm hạn chế sự tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu cộng
đồng dân cư và gây ra nền chính trị bạo lực, thường xuyên bất ổn cho các nước này. Sau
này, các học giả khu vực học Mỹ cũng nhận ra rằng kiểu khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm có
ảnh hưởng nhất định tới kinh tế cũng như sức khỏe của người dân nhưng không có gì
khẳng định rằng nó quyết định sự phát triển của một quốc gia.
Từ sau Chiến tranh thế giới II, những lý thuyết nói trên đã gần như bị loại bỏ hoàn
toàn khỏi các mô hình giải thích thế giới của khu vực học. Thập kỷ 1950-1960, khu vực
học lại vận dụng một mô hình lý thuyết mới dựa trên quan điểm và cách tiếp cận kinh tế
học - lý thuyết Hiện đại hóa. Lý thuyết này nảy sinh từ nỗ lực tìm ra con đường để các
nước mới giành độc lập và các nước thuộc thế giới thứ 3 có thể đạt được trình độ phát triển
kinh tế và chính trị giống như Mỹ và các nước châu Âu tư bản. Các chuyên gia khu vực
học đến từ các chuyên ngành khác nhau đều định hướng nghiên cứu của mình theo lý
thuyết này. Các nhà chính trị học đã công bố nhiều công trình có giá trị về những bộ máy
chủ yếu như quân đội và nhà thờ, và vai trò chính trị của các cư dân thành thị, nông dân và
sinh viên với tư cách là những nhóm xã hội. Các nhà xã hội học thì nghiên cứu những
nhóm xã hội mới nổi lên và những lực lượng góp phần tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ổn
định và nâng cao mức sống của người dân. Các nhà sử học thì đưa ra các quan điểm lịch sử
về các điều kiện tiên quyết như địa lý, dân số, xã hội, rồi tâm lý cộng đồng và hệ quả của
chúng đối với những thay đổi kinh tế xã hội. Như vậy, trong quá trình trao đổi và hợp tác
học thuật (liên ngành), các nhà sử học đã sử dụng các công cụ phương pháp luận và phân
tích của các khoa học khác và ngược lại. Nói rộng hơn, các chuyên gia khu vực học đã vận
dụng các mô hình lý thuyết của nhiều khoa học chuyên ngành để lý giải đặc trưng của các
khu vực.
Một số mô hình lý thuyết, tuy chưa đầy đủ, cũng phần nào cho thấy tính liên ngành
về mặt lý thuyết đã từng ngự trị trong suốt quá trình phát triển lịch sử của khu vực học ở
các nước phương Tây. Như đã nói, chúng tôi không bàn đến giá trị chân lý, tính cơ động và
năng lực giải thích của chúng mà chỉ khái quát một số mô hình và sự vận dụng chúng trong
khu vực học để chứng minh khả năng liên kết những nền tảng lý thuyết chung và riêng của
các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn truyền thống trong việc lý giải những đối
tượng nghiên cứu đặc thù của khu vực học. Cùng với khả năng trên là khả năng tích hợp và
vận dụng chúng một cách linh hoạt nhằm tạo nên những mô hình có sức giải thích lớn đối
với sự khác biệt tồn tại ở khắp mọi nơi trên hành tinh chúng ta. Và như vậy, vấn đề đặt ra
là: liệu khu vực học có cần phải xây dựng cho mình những nền tảng lý thuyết riêng biệt và
độc lập với các mô hình lý thuyết của các khoa học chuyên ngành hay không? Câu trả lời
thuộc về các nhà khu vực học, những người hiểu hơn ai hết đối tượng và phương pháp
nghiên cứu của mình.
Bằng việc khái quát một vài mô hình lý thuyết cơ bản và việc vận dụng chúng để
nghiên cứu khu vực trong quá khứ (và không ai có thể khẳng định những việc tương tự như
vậy sẽ không được tiếp tục áp dụng trong tương lai), chúng tôi hy vọng tìm thấy một chỗ
dựa vững chắc hơn cho khu vực học, đặc biệt là trước những lời chỉ trích gay gắt từ phía
các học giả chuyên ngành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Kataoka Sachihiko, Lý thuyết khu vực học và nghiên cứu Nhật Bản nhìn từ góc độ khu
vực học, Bài giảng chuyên đề cho sinh viên chuyên ngành Nhật Bản học, Khoa Đông
phương học, Hà Nội, 2006.
[2] David L. Szanton, The Origin, Nature and Challenges of Area studies in the United States,
The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, UCIAS Edited Volume 3,
University of California International and Area Studies Digital Collection, 2003.
[3] Ellis, R.J., Interdisciplinarity, Subject Centre for Languages, Linguistics and Area
Studies in United Kingdom, 2003.
[4] www.lang.itsn.ac.uk/resources/goodpractise.aspx?resourceid=1430
[5] Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda, Nhân học - một quan điểm về tình trạng nhân
sinh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
[6] Fujita Fumiko, American Studies in Japanese Universities: Past, Present and Future,
Japan-USA Area Studies Conference, Tokyo, 1995.
[7] Jonathan Gibson, Two types of Interdisciplinarity, Conference “Disciplinary identity of
Area studies”, London, 2004.
[8] John Campbell, Introduction: Views on behalf of the each delegation, Japan-USA Area
Studies Conference, Tokyo, 1995.
[9] Paul W. Drake & Lasa Hibink, Latin American Area Studies: Theory and Practise, The
Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, UCIAS Edited Volume 3,
University of California International and Area Studies, 2003.
[10] Yumio Sakurai, Khu vực học là gì? Bài giảng chuyên đề tại Viện Việt Nam học và Khoa
học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[11] Encyclopedia of Social Sciences and Humanities
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- trinh_cam_lan_6689_1881433.pdf