Văn học do kỹ nữ sáng tác hay văn học lấy kỹ nữ làm đối tượng sáng tạo đều hướng đến
khắc họa hình tượng trung tâm cơ bản là người kỹ nữ. Hình tượng ấy cùng một lúc dưới hai cái
nhìn, văn nhân - kỹ nữ, vừa khách quan, vừa chủ quan nên đã đạt đến sự tròn đầy, trọn vẹn, thể
hiện được tính chất phức tạp, nhiều mâu thuẫn của hình tượng. So với nguyên mẫu đời sống,
hình tượng kỹ nữ trong văn chương còn có phần sâu sắc và tinh tế hơn. Là chỗ sâu kín nhất và
thành thật nhất để hiểu một con người, văn thơ kỹ nữ đã đưa đến những cảm quan mới mẻ, toàn
diện hơn về người ca kỹ, bổ sung sự khuyết thiếu của cái nhìn lịch sử xã hội. Văn học kỹ nữ
trong nền văn chương Trung Hoa tuy không phải là dòng văn học chính thống nhưng sự tồn tại
của nó có thể ví như loài cỏ tranh, men theo bãi bể, nương dâu mà sinh tồn, cơ hồ không ai biết
đến nhưng sức sống thật mãnh liệt.
10 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 377 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỹ nữ với hoạt động sáng tạo văn học cổ điển Trung Quốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016)
49
KỸ NỮ VỚI HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO VĂN HỌC CỔ ĐIỂN TRUNG QUỐC
Phan Nguyễn Phước Tiên
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế
Email: phannguyen.pt@gmail.com
TÓM TẮT
Kỹ nữ, ngay từ trong cách gọi tên, người Trung Quốc đã chỉ ra nguồn gốc và sự tồn tại của
lớp người này không thể tách rời âm nhạc_nghệ thuật. Ca vũ là tài năng nổi bật nhất song
không phải duy nhất của kỹ nữ. Sự tham thông của họ trên tất cả các lĩnh vực nghệ thuật
đều để lại nhiều dấu ấn và thành tựu, đáng chú ý nhất trong các lĩnh vực ấy là văn chương.
Kỹ nữ đã tham gia vào văn chương một cách tự nhiên và thể hiện mình trong những vai trò
vô cùng đặc biệt. Văn học kỹ nữ Trung Quốc là minh chứng cho sự tài hoa của cá tính sáng
tạo, sự phức tạp về tâm hồn và sự đóng góp to lớn của họ đối với nền văn học nghệ thuật
dân tộc.
Từ khóa: Kỹ nữ, văn học, văn học kỹ nữ, Trung Quốc.
1. KỸ NỮ - CHỦ THỂ SÁNG TẠO
Kỹ nữ sáng tác văn chương trước hết vì yêu cầu nghề nghiệp. Âm luật là một trong
những môn học mà kỹ nữ phải thạo để tùy lúc ứng đối với khách làng chơi. Bên cạnh đó, kỹ
viện là nơi học giả - văn nhân thường xuyên tụ tập, uống rượu, ngắm hoa, thưởng trăng, tìm
hứng làm thơ, viết khúc. Kỹ nữ trong những hoàn cảnh nhất định cũng phải góp vui bằng chút
thi tứ, vài câu chữ hoặc cả một chương, một bài trọn vẹn.
Nếu như văn chương nơi bàn rượu là cái nghiệp thì văn chương chốn cô phòng với kỹ
nữ lại là cái duyên. Họ viết văn, làm thơ bấy giờ như một nhu cầu tự giãi bày, tự bộc lộ. Cái tôi
của họ vốn đa sầu, đa cảm, thường rung động trước cái đẹp, cái bi, cái thế sự thăng trầm muôn
nỗi quanh mình. Nghề kỹ nữ không cho phép họ sống thật với cảm xúc, luôn phải mạo hóa. Vì
thân xác và tâm tình bị giày vò, dồn nén nên nhu cầu bày giãi tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng
ở kỹ nữ mạnh mẽ gần như một khát khao. Niềm khao khát ấy mở đường cho họ tìm đến với thơ
ca như một người tri kỉ, không câu nệ, không e ngại. Văn chương do kỹ nữ sáng tác vì vậy mà
không hề kém cỏi.
Kỹ nữ sáng tác ở nhiều thế loại, thơ, từ, khúc, kịch nghệ, tiểu thuyết... song nhiều nhất
và thành công nhất vẫn ở hai thể loại chính là thơ và từ. Bài thơ đầu tiên của kỹ nữ là Vịnh hạng
ca do sủng cơ của Hán Cao tổ là Thích phu nhân sáng tác được lưu trong sách Hán Thư. Phu
Kỹ nữ với hoạt động sáng tạo văn học cổ điển Trung Quốc
50
nhân trong hoàn cảnh cung kỹ của bản thân đã viết Vịnh hạng ca hay còn gọi là Xuân ca, phản
ánh số phận bi thảm của kỹ nữ trong triều đời Hán. Đến thời Ngụy - Tấn Nam Bắc triều, kỹ nữ
làm thơ ca không còn là điều hiếm thấy, rất nhiều tác phẩm giữ lại được đến ngày nay như Áo
nùng ca của Lục Châu - vũ kỹ nổi tiếng thời Tây Hán; Ca nhất thủ của Tô Tiểu Tiểu thời Nam
Triều; Cảm tỳ bà huyền của Phùng Thục Phu thời Bắc Tề... Đương thời, những bài thơ ấy từng
khiến các thi gia khâm phục, điều đó cho thấy khả năng thơ ca của kỹ nữ thế kỷ III, IV đã đạt
đến một trình độ nghệ thuật nhất định.
Đến đời Đường, kỹ nữ đã cùng với phong khí chung của thời đại mở ra những bước
ngoặt quan trọng cho văn học Trung Quốc. Theo thống kê, trong 49.403 bài thơ mà Toàn
Đường thi thu thập được thì có 136 bài của kỹ nữ, nổi tiếng nhất là Đáp Hàn Hoằng của Liễu
Thị; Ký Âu Dương Chiêm của Thái Nguyên; Xuân vọng từ tứ thủ của Tiết Đào; Yến Tử lâu tam
thủ của Quan Miến Miến; Kim lũ y của Đỗ Thu Nương; La Hống khúc lục thủ của Lưu Thái
Xuân; Ký cố nhân của Trương Yểu Điệu; Họa Lý Tiêu của Vương Tô Tô... “Đó đều là những
thơ ca bày tỏ nỗi lòng, hoặc sầu oán, hoặc hào phóng, hoặc khéo léo, hoặc phong lưu, hoặc
thanh nhã, rất được mọi người tán thưởng và đề cao, đến nay đọc lại vẫn cảm thấy tình cảm dạt
dào, thỏa mãn lâm ly”[5, tr.265]. Lời nhận xét của Từ Quân vừa ngợi khen, vừa tả được cái hồn,
lọc được cái tinh của thơ ca Đường kỹ. Thành tựu ấy là tiền đề để kỹ nữ đời sau dựa vào nâng
cao bút lực, mở rộng hồn thơ và tham thông sang các thể loại khác.
Đời Đường trở đi, kỹ nữ vẫn làm thơ và dành cho thơ rất nhiều tâm sự, song do tính chất
nghề nghiệp, họ thường viết từ nhiều hơn. Từ vừa là thơ, lại vừa khác thơ ở chỗ có thêm phần
nhạc cho nên nhìn từ nguồn gốc, từ quan hệ mật thiết với ca kỹ hơn thơ. Thêm vào đó, đặc trưng
của từ là sự tự do, bay bổng, phóng khoáng, nó gần với cá tính, tâm hồn và tâm sự của kỹ nữ. Nếu
như thơ chỉ nói được cái tình sâu kín, nói bằng con chữ lặng im thì từ là cái thanh âm dặt dìu, réo
rắt của niềm hạnh phúc, của nỗi oán hờn, nhờ đó mời gọi con người cùng nhau vui buồn, sầu khổ.
Kỹ nữ đời Đường đã bắt đầu soạn từ song đến đời Tống mới được văn nhân và kỹ nữ chú trọng.
Kỹ nữ đời Tống xem từ là “cách thức mưu sinh” nên các sáng tác nhiều không kể xiết. Thành
công nhất bấy giờ là các bài Mãn phương đình của Cầm Tháo; Tây giang nguyệt của Tô Lương;
Bốc toán tử của Nhạc Uyển; Hồng bạch đào hoa của Nghiêm Nhụy; Tống Thái Thú của Bình
Giang; Ngọc lâu xuân của Doãn Từ Khách; Giá cô thiên của Nhiếp Thắng Lương... “Các tác
phẩm từ khúc này đều đạt đến trình độ sâu sắc, có khi không thua kém các bậc danh gia” [5,
tr.277]. Đời Tống trở về sau, tuy từ không thịnh bằng song kỹ nữ vẫn tiếp tục sáng tác và biểu
diễn. Theo ghi chép của Minh từ tổng thì đời Minh có tất cả 216 kỹ nữ viết từ. Nhiều bài trong đó
có chất lượng như Ức Tần Nga của Vương Vi; Hải đường của Dương Uyển; Quá tần lâu của Cao
Chi Tiên... đủ thấy từ quan trọng với kỹ nữ thế nào.
Ngoài thơ, từ, kỹ nữ còn sáng tác tạp kịch - thể loại bắt đầu thịnh dưới thời Nguyên -
Minh. Song vai trò biểu diễn của họ quan trọng hơn nhiều so với vai trò sáng tác, cho nên ngày
nay, người ta chỉ nhớ đến Châu Liêm Tú, Trại Liên Tú, Khúc Nga Tú, Uông Linh Linh, Trương
Ngọc Liên... như là những diễn viên tài hoa, có khả năng thể hiện chân thực và sinh động các
nhân vật, đặc biệt là đã truyền bá tác phẩm văn học dưới một hình thức mới, dễ tiếp nhận hơn và
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016)
51
hiệu quả hơn. Nói như Triệu Dực: “Kịch bản lưu truyền vốn chẳng thông. Trong thôn con hát
diễn tây đông. Lão phu bụng chứa ngàn muôn quyển. Phải nể tôi đòi chuyện cổ kim” [3, tr.221].
Nghệ thuật tạp kỹ của kỹ nữ quả là đã kích thích người ta không chỉ tình cảm, lương tri mà còn
làm giàu có vốn văn chương, văn hóa.
Văn học do kỹ nữ sáng tác vì nhiều nguyên nhân, đến nay không còn nhiều. Hoặc thất
lạc, hoặc bị tiêu hủy, hoặc còn mà không rõ danh phận... chúng tôi cho rằng sáng tác của kỹ nữ
không ít ỏi như ngày nay chúng ta tìm thấy. Song chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để buộc người đời
sau phải nhìn nhận lại tác giả - hình tượng nhân vật kỹ nữ một cách khách quan và công bằng
hơn. Không chỉ nhận diện vai trò, ca ngợi công lao của họ mà còn phải chiêu tuyết cho họ thoát
khỏi nỗi oan ức nhơ bẩn của định kiến muôn đời.
Thơ ca kỹ nữ có đề tài vô cùng rộng mở. Có thể tìm thấy trong đó tất cả cuộc sống với
muôn vàn sắc thái khác nhau, như cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp trong bài thơ của Ngư Huyền
Cơ: “Liền bờ hoang màu biếc / Lầu xa sắc mây vào / Mặt nước xuân bóng chiếu / Hoa rơi đầu
ông câu”; cái yên nhiên, thanh bình trong thơ Lý Hương Quân: “Gió tây hiu hắt lạnh trời cao /
Như vẽ trong gương sông núi treo / Chẳng biết từ đâu ngư phủ đến / Gọi con trời hửng xuống
thuyền câu” [8, tr.136]; cái lạnh lùng, tan tác của ngày đông trong thơ Tuệ Lan: “Sân buồn gió
thổi cây rơi lá / Sông biếc trăng chìm ánh lịm mau... Cây ngô chưa định nơi dừng lại / Sẻ lượn
rừng chiều chiếp chiếp kêu” [8, tr.95]. Cảnh sắc ấy cũng là tâm tình người ca kỹ. Khi vui, thực
hồn nhiên như Cố Hoành Ba: “Thiếp vui hoa đèn biết / Quay xem hoa hai bên” [8, tr.261]; khi
triết lý, thẳng thắn mà sâu sắc như Đỗ Thu Nương: “Áo kim lũ khuyên chàng mặc kệ / Tuổi trẻ
chàng đừng để trôi qua / Bẻ hoa nên đúng thì hoa / Đừng đợi hoa hết vin hờ cành không” [8,
tr.79], khi yêu đương, nồng nàn quyến luyến như Tiết Đào: “Cành mềm yếu xương bồ mọc lá /
Xuân quá mùa hoa rụng ngoài khe / Ải Tần chưa chuyển chàng về / Trăng soi ngàn hộ tay che
khóc oà”; khi bỏ đời tìm đạo thì nhẹ nhõm, an nhiên như Lâm Tứ Nương: “Đọc kỹ Liên Hoa
dăm bảy kệ / Nhàn xem lá bối một vài thiên” [8, tr.240]. Cái tôi trữ tình trong thơ kỹ nữ mỗi
khoảnh khắc là một nỗi riêng, mỗi người là một niềm riêng không dễ gì thấu hiểu. Song chỗ
cùng thân phận với nhau, họ vẫn gặp nhau trong nhiều tâm sự, thường thấy nhất là cảm giác cô
đơn, và tâm trạng ngóng trông một kẻ đồng tâm, một người tri kỷ. Tiết Đào, kỹ nữ đời Đường,
có chùm Xuân vọng từ tứ thủ gồm bốn bài từ bày tỏ tấm lòng hoài vọng ấy, hay Quan Miến
Miến với ba bài Yến tử lâu thổ lộ nỗi sầu “Thân hoang phế nhện, lưới se tro tàn”... Xin dẫn tiếp
sau đây bài thơ của Ngư Huyền Cơ để thấy mối u tình đẹp đẽ của người kỹ nữ: “Hồ sen hoa đẹp
cá bơi / Hòa theo tiếng sẻ bên trời véo von / Đời người một giấc vui buồn / Sao đây để được kết
làm lứa đôi” [8, tr.98]. Kết đôi là mơ ước giản dị thường thấy của con người, nhưng với kỹ nữ,
nó vừa là khát khao, vừa là niềm tuyệt vọng. Kỹ nữ trong tình yêu, hiếm khi đi đến được cái
đích tận cùng. Đó cũng chính là cái dở dang và nỗi tủi sầu của những người tài hoa bạc phận.
Thơ ca do kỹ nữ sáng tác trong rất nhiều nội dung, quan trọng nhất vẫn là việc khắc họa
cái tôi trữ tình của người ca kỹ. Nhu cầu tự bộc đã biến thơ ca trở thành một tấm gương soi
chiếu kỹ nữ từ phần tâm tư sâu kín ẩn tàng bên trong họ. Kỹ nữ như đã minh chứng ở trên, là
những tâm hồn đa sầu, đa cảm, trước cái đẹp thì lay động, trước tình người thì trân trọng, khát
Kỹ nữ với hoạt động sáng tạo văn học cổ điển Trung Quốc
52
khao. Cái tôi trong thơ kỹ nữ tuy hiện hữu bằng nhiều cảm giác, nhiều tâm trạng, nhiều suy nghĩ
nhưng cơ bản nhất vẫn là cái tôi mâu thuẫn - bi kịch. Sự mâu thuẫn là bản chất của số phận, thân
phận kỹ nữ. Nó vừa có nguyên nhân khách quan, vừa có yếu tố chủ quan, nên bi kịch tâm hồn
kỹ nữ là kiểu bi kịch tự thân, tất yếu, khó tránh khỏi.
Không có nhân cách độc lập “cuộc sống của họ như đi cạnh vực sâu, bước trên băng
mỏng”, bị ngược đãi, bị rẻ rúng, bị phụ bạc... chính họ cũng cảm thấy bản thân mình hèn hạ nên
đời nào, thời nào cũng có người tự mình than khóc. Xin dẫn ra đây lời thê thiết của kỹ nữ Huyên
Phong thời Tấn trong bài Oán thi: “Xuân xanh hoa thảy đẹp / Rơi rụng lúc thu sang / Đài nhụy
vươn trên khói / Đâu hẹn lúc điêu tàn / Quế thơm nên bị ghét / Mày ngài ai vẻ vang / Lúc thơm
nghĩ khao khát / Tiều tụy thẹn dung nhan” [6, tr.329]. Cái tao ngộ bất hạnh ấy của nàng Huyên
Phong là tiếng oán than chung của người ca kỹ. Mỗi người bất hạnh theo mỗi kiểu nhưng chung
quy lại, họ gặp nhau ở tư tưởng làm nên cái tôi thứ hai trong thơ ca của kỹ nữ - cái tôi cố giữ
phần thiên lương, tấm chân tình giữa chốn lầu xanh, mà tâm sự đó, cố gắng đó sẽ được thơ ca
ngâm vịnh kỹ nữ của văn nhân các đời thể hiện rất khách quan mà sâu sắc.
Đề tài trong thơ ca kỹ nữ rất dạt dào, đời đời nối tiếp nhau không bao giờ cạn. Nhiều
chỗ cùng một đề tài, một tứ thơ mà mỗi người một phong thái khác nhau, không ai giống ai. Ví
như cùng là nỗi buồn, Quan Miến Miến thường thê lương ảm đạm; Tiết Đào lại có vẻ nhàn tản,
mơ mòng; Đàm Ý Ca thì giản dị mà thực như gan ruột... Thi nhân các đời cũng thường dựa vào
chỗ riêng biệt ấy mà bình phẩm, nhận xét từng tác phẩm, phân tài cao thấp từng người. Lịch đại
danh viên thi từ của Lục Sưởng từng bình thơ các kỹ nữ như sau: “Thơ Liễu thị không nhiều lời
nhưng ý tình vương vấn, trước sau đều tới. Câu chữ cũng chặt chẽ, cũng tuyệt diệu” [5, tr.271];
thơ Thái Nguyên “ý tứ sâu xa, thấp thoáng có nước mắt, đó đúng là chân thi, không thể thêm
bớt một chữ” [5, tr.271]; thơ Lý Dả “bút lực cứng đẹp, từ khí thanh sái, rất có phong thái danh
sĩ” [5, tr.271]; thơ Đỗ Thu Nương “từ khí trong trẻo, lời lẽ tương ứng, đọc tới không thấy chán,
có thể nói là tài giỏi”; thơ của Trương Yểu Điệu “bỏ được cái khí cách son phấn, lai láng tuôn
trào, tự có sự đẹp đẽ sâu kín riêng” [5, tr.271]... Có thể thấy rằng, kỹ nữ sáng tạo thơ ca từ đời
Đường trở đi đã trở thành một hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Nội dung phong
phú, hình thức đa dạng, các thi kỹ thì tạo lập được phong cách riêng, không lẫn với người khác.
Là nỗi lòng tự bày tỏ, là tiếng than thở với riêng mình, mảng văn học do kỹ nữ sáng tác không
chỉ là tài sản to lớn của dân tộc mà còn bắc một chiếc cầu để người muôn đời có thể gặp gỡ,
thấu hiểu và bao dung với họ.
2. KỸ NỮ - KHÁCH THỂ SÁNG TẠO
Kỹ nữ là khách thể sáng tạo tức là nguồn cảm hứng, là hình tượng nhân vật trong sáng
tác của thi nhân các đời, xưa nay nhiều không kể hết. Từ vần thơ đầu tiên (Kinh thi), người
Trung Hoa đã nói đến những du nữ bên dòng sông Hán, liệt truyện về họ lại càng không thiếu.
Đến thời Ngụy Tấn - Nam Bắc triều, việc làm thơ vịnh tả kỹ nữ trở nên phổ biến mà bấy giờ
chủ yếu xưng tụng tài ca múa của họ. Đến đời Đường, thi nhân không những tìm được nguồn thi
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016)
53
liệu không cạn ở kỹ nữ mà còn nhờ các tác phẩm viết về kỹ nữ mà nổi tiếng trên đời”. Hơn
2.000 bài thơ liên quan đến kỹ nữ trong tập Toàn Đường thi cho thấy thơ ca đề vịnh kỹ nữ là
mảng sáng tác được thi nhân đời Đường coi trọng.
Thơ ca kỹ nữ đời Đường lấy Trung Đường làm mốc phân chia thì trước - sau có sự đổi
thay trong tình cảm và cách thi nhân thể hiện. Từ Trung Đường về trước, kỹ nữ vẫn chủ yếu
được miêu tả trực quan như trong truyền thống. Các bài thơ Phú đắc kỹ của Trần Tử Lương, Ôn
Tuyền Phùng của Trương Duyệt; Mỹ nhân phân hương của Mạnh Hạo Nhiên, Dạ quan kỹ của
Trừ Quang Hy, Hàm Đan nam đình quan kỹ của Lý Bạch... đều tả kỹ nữ trong những buổi yến
tiệc, chỉ chú trọng vẻ bên ngoài tươi tắn, lộng lẫy, áo múa, mày đỏ, ngón ngọc, dây xinh,...
thường xa cách và không gửi gắm ý tình gì sâu kín. Từ Trung Đường trở đi, sau loạn Thiên Bảo
năm 755, thi nhân viết về kỹ nữ bắt đầu có sự đổi khác, tình cảm gần gũi, tế nhị hơn, kỹ nữ từ
chỗ là cái cớ thẩm mỹ đã trở thành đối tượng thẩm mỹ thực sự trong thơ Đường. Họ có hình hài,
có thân phận, có tâm sự... Như Bạch Cư Dị trong Yến Tử lâu kỳ I đã vịnh tả nỗi sầu của Quan
Miến Miến: “Phòng vắng đầy tràn ánh nguyệt sương / Đèn tàn lạnh lẽo ngập chăn giường / Một
đêm Yến Tử lầu sương quạnh / Thu đến người xa nặng nhớ thương” [9]. Đó là cái u uẩn đằng
sau vẻ hào nhoáng tươi vui thường thấy, đó là nỗi niềm riêng của kỹ nữ mà thi nhân đã mất
không ít tháng năm để cảm thấy, thương xót và để đồng tâm.
Thời Vãn Đường thơ viết về kỹ nữ đã tới mức tinh anh, câu chữ đẹp đẽ, hình tượng kiều
diễm, cảm xúc tinh tế, song trong đó chứa chấp tư tưởng hưởng lạc, yếm thế, quay lưng lại với
đời, như các bài Tặng mỹ nhân của Phương Can, Vịnh thủ nhị thủ của Triệu Quang Viễn... Loại
thơ này thường lấy thân thể kỹ nữ làm đối tượng ca vịnh “từ nội dung tư tưởng mà nhìn thì khí
cách bạc nhược, mềm yếu không xương, phản ảnh tình cảm chán chường của văn nhân thời
loạn, tay trái ôm, tay phải khoác, hưởng lạc sống gấp” [6,tr.272]. Khiển hoài của Đỗ Mục có thể
nói là bài thơ tiêu biểu, ở đó thi nhân cố tình tỏ ra trụy lạc công khai: “Mang rượu bơ thờ khắp
núi sông / Trên tay gái Sở nhẹ lưng ong / Mười năm chơi hết tiền trong mộng / Mua ở lầu xanh
tiếng phụ lòng”[6, tr.212]. Người đời vẫn vin vào Khiển hoài để quy cho Đỗ Mục cái tội tài hoa
mà hư hỏng. Song nhờ cái hỏng đó của Đỗ mà văn học Trung Hoa có thêm hương sắc, và hình
thức nghệ thuật của thơ ấy cũng không phải là vô giá trị. Cao Tự Thanh về Đỗ Mục và văn hóa
kỹ viện đã từng nhận xét: “Lối cung ứng lạc thú toàn diện, tinh tế của loại thanh lâu cổ điển ấy
đã tạo ra một mảng không gian văn hóa đặc biệt, nó chiếm lĩnh một phần cảm hứng và đề tài,
đồng thời góp phần hun đúc tài năng và cá tính của nhiều nhà thơ. Có thể nói Đỗ Mục là một
trong những người chịu ảnh hưởng khá nhiều của không gian ấy” [6, tr.213]. Nói chung đời
Đường là một giai đoạn hoàng kim của thơ ca kỹ nữ. Từ Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung
Đường đến Vãn Đường, văn nhân đối với kỹ nữ từ xa cách đến thâm tình, từ chỗ ngắm nhìn đến
thấu hiểu. Vãn Đường trở đi, thơ ca về kỹ nữ không nhiều như trước song vẫn còn được thi
nhân sáng tác. Nhìn chung, thành tựu không cao so với thơ giai đoạn trước và so với từ khúc
nên ít được nhắc đến.
Như đã nói, từ là một thể loại thích hợp với sinh hoạt kỹ viện hơn thơ nên dần thay thế vai
trò của thơ ca trong dòng văn học kỹ nữ. Từ không chỉ liên quan đến kỹ nữ về mặt hình thức (diễn
Kỹ nữ với hoạt động sáng tạo văn học cổ điển Trung Quốc
54
xướng) mà nội dung của thể loại này cũng dành phần lớn cho hình tượng người ca kỹ. Đầu đời
Đường thi nhân đã bắt đầu soạn từ, song đến Vãn Đường, từ mới được kiện toàn và được văn
nhân dụng công sáng tạo. Một số từ nhân nổi bật lúc bấy giờ là Trương Chí Hòa, Trương Tùng
Linh, Cố Huống, Vi Ứng Vật... đặc biệt, từ nhân Ôn Đình Quân được xem là người cách tân và
hoàn thiện thể loại này. 66 bài từ trong Hoa gian tập chủ yếu viết về người phụ nữ, về cuộc đời và
tình cảm của những người ca kỹ cho thấy từ nhân nhờ mảng từ viết cho kỹ nữ mà thị được tài, tỏ
được tình. Mỹ nhân từ là bài từ thể hiện tài năng và tình cảm của Ôn Đình Quân: “Núi phẳng lồng
ánh vàng hiu hắt / Tóc mây xòa má da thơm mát / Biếng dậy vẽ lông mày / Hóa trang chải chuốt
muộn / Sau kính hoa trước sân / Hoa mặt cùng đối diện” [9]. Các sáng tác hoa lệ, diễm tình của
ông không chỉ phản ánh phong khí son phấn dung tục chốn lầu xanh, nơi thành thị mà còn thể hiện
nội tâm phức tạp của người kỹ nữ và có sự thông cảm, đồng tình nhất định với họ.
Dưới thời Ngũ đại, từ khúc bắt đầu tìm thấy sự thích hợp với nữ nhạc ca kỹ nên phát
triển nhanh chóng hơn trước. Tiếp tục sử dụng những ngôn từ diễm lệ, từ nhân luôn cố gắng tái
hiện cảnh phong lưu, kiều mỵ và dung mạo, tâm tình của kỹ nữ càng được chú trọng hơn xưa.
Có thể thấy điều ấy qua bài từ Như mộng lệnh của Trang Tông: “Yến tiệc vui vầy trong động /
Một khúc múa loan ca phụng / Nhớ mãi lúc chia tay / Sa lệ tiễn nhau ra cổng / Như mộng / Như
mộng / Khói nặng trăng tàn hoa rụng.” [5, tr.274]; hay trong khúc Túy trang từ của Vương
Diễn: “Đi bên này, đi bên kia / Chỉ là tìm hoa liễu / Đi bên kia, đi bên này / Chớ chán chén rượu
vàng” [5, tr.274]... Các bài từ thời Ngũ đại với thành công nổi bật về nghệ thuật là cơ sở để đến
đời Tống, từ khúc thực sự hoàn chỉnh và hình tượng, vai trò của người kỹ nữ trong từ khúc, nhờ
đó cũng được nâng tầm.
Thể loại từ dưới đời Tống là “văn học của một thời”. Vị trí chủ đạo của từ bấy giờ có
nhiều nguyên nhân song cơ bản do sự phồn thịnh của nghề ca kỹ, mà kỹ nữ đời Tống lại coi từ
là cách thức mưu sinh, là ngôn ngữ đặc thù trong việc giao tế với văn nhân nên từ lại càng thịnh
hành hơn nữa. Xét các bài từ đời Tống như Ngọc lâu xuân kỹ, Kỹ quán của Âu Dương Tu; Hạ
tân lương, Mãn đình phương của Tô Thức; Giảm tự Mộc lan hoa, Tặng kỹ, Nam hương tử của
Trương Tiên, Thanh thanh mạn, Tặng ca giả Quan Quan, Tích xuân y của Trương Viêm... thấy
rằng kỹ nữ ngày càng trở thành nguồn cảm hứng cho từ nhân đương thời gởi ý nói tình... Cơ hồ
bài từ nào của văn nhân cũng đều có nội dung phong hoa tuyết nguyệt, dựa lục kề hồng. So với
đời trước thì văn nhân và kỹ nữ đến đây đã gần gũi lắm. Có người còn đến sống hẳn ở giáo
phường như Chu Bang Ngạn hay như Liễu Vĩnh sẵn sàng đổi công danh lấy đời sống phong lưu
nơi ngõ liễu tường hoa. Cả hai người về sau đều trở thành các từ nhân viết về kỹ nữ nổi tiếng
nhất thời Tống. Chu Bang Ngạn thiên về miêu tả nỗi biệt ly, lòng sầu muộn; Liễu Vĩnh lại “phát
ngôn cho mối chân tình và nỗi khổ nhục” của những con người mà ông nhận “cùng một lứa” với
mình. Và người đời sau phải thấy rằng: “Bất kể là điệu khúc nào, chỉ cần được Liễu Vĩnh viết ca
từ cho thì lập tức hoàn toàn được đổi mới, giá trị được nâng lên hàng trăm lần” [2, tr.308].
So với thơ ca, từ vừa là thơ, vừa là nhạc; vừa khuôn mẫu, vừa phóng khoáng; vừa súc
tích, vừa lãng mạn, cho nên nếu như thơ là cầu nối giữa kỹ nữ và văn nhân thì từ là giao điểm ở
đó hai cá thể đã hòa làm một. Xét về câu chữ, ý tứ, từ là một văn bản thơ hoàn chỉnh. Từ khúc
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016)
55
viết cho kỹ nữ của thi nhân các đời có khi miêu tả ngoại hình, có khi đặc tả tâm lý phức tạp
quanh co, có khi khen ngợi tài năng, có khi xót thương số phận... Có thể nói, dù không cô đọng
và uyên áo bằng thơ song từ vẫn thể hiện được hình tượng người ca kỹ, bên cạnh đó, cảm xúc
của thi nhân lại có thể như suối tuôn trào, không câu nệ niêm luật, thi pháp. Và chỗ từ hơn thơ
đó là phần nhạc, phần vũ đạo mà kỹ nữ nhờ đó sẽ thể hiện vai trò đặc biệt của mình. Vì vậy, kỹ
nữ thời Tống không những là đề tài sáng tạo không bao giờ hết của văn nhân, từ gia mà còn có
những cống hiến rất quan trọng về nội dung, âm vận, khúc điệu, cách luật và trong việc phổ biến
từ khúc thời Tống. Kỹ nữ và từ nhân là hai “đại công thần” trong việc phát triển từ khúc tới đỉnh
cao.
Ngoài thơ và từ, kỹ nữ còn là đối tượng văn học của nhiều thể loại khác. Trong văn
chương dân gian họ là một nhân vật không thể thiếu, đặc biệt là đối với thể dân ca. Như dân ca
Nam Triều được đánh giá là “sản sinh ở trong thành thị, tác giả chủ yếu là các ca nhi và văn sĩ
thuộc tầng lớp trung và tầng lớp thấp trong xã hội” [1, tr.602]. Do không xác định được tác giả
cụ thể nên xếp các bài dân ca ấy vào mảng văn học lấy kỹ nữ làm đối tượng, song vẫn biết trong
đó chắc chắn có nhiều ca khúc do kỹ nữ sáng tác. Tử Dạ ca có thể là một ca khúc trong số đó.
Lời ca của Tử Dạ như sau: “Ngủ dậy chưa chải đầu / Tóc phủ xuống đôi vai / Đặt tay lên vế
chàng / Chỗ nào không đáng thương”; “Ôm gối nằm song bắc / Chàng đến đùa cùng em / Vui
nhỏ thường bất ngờ / Yêu nhau được bao phen?” [1, tr.603]. Tử Dạ ca thiết nghĩ chỉ có thể miêu
tả tâm lý yêu đương của người kỹ nữ bởi lời lẽ nồng nàn, si mê, song tình cảm thì bấp bênh,
ngắn ngủi, lại mang đậm màu sắc dục tình. Hình tượng kỹ nữ bao giờ cũng gắn với mơ ước về
tình yêu tự do, phóng khoáng, điều này thể hiện rõ hơn trong các câu chuyện dân gian mà về sau
văn nhân đời Đường đã dựa vào đó để viết truyền kỳ.
Truyện truyền kỳ đời Đường, Tống tiếp nối truyện chí quái thời Lục triều, vẫn trọng cái
kỳ - quái song không phải là những tưởng tượng hoang đường, vô căn cứ mà thường dựa vào
lịch sử rồi hư cấu thêm. Loại truyện về kỹ nữ lúc bấy giờ cũng thuộc dạng ấy. Các nhân vật
Hoắc Tiểu Ngọc, Đàm Ý Ca, Lý Sư Sư... là những kỹ nữ có thật trong lịch sử Trung Hoa. Bạch
Hành Giản (Lý Oa truyện) Tưởng Phòng (Hoắc Tiểu Ngọc), Tần Thuần (Đàm Ý Ca) đã dựa vào
cuộc đời thực của họ để sáng tạo nên những câu chuyện tình yêu còn truyền tụng muôn đời
trong nhân thế. Lý Oa - cô gái lầu xanh yêu chàng sĩ tử Huỳnh Dương; Tiểu Ngọc - cô gái
phong trần yêu kẻ tài danh Lý Ích; Đàm Ý Ca - phận xướng ca yêu trà quan Trương Chính Tự,
cả ba đều là những nhân vật chính được chú trọng xây dựng tính cách và miêu tả nội tâm, đặc
biệt nổi bật bởi tấm lòng thủy chung hiếm có. Lý Oa không sợ nghèo khổ mà phụ cố nhân, Tiểu
Ngọc mòn mỏi đợi chờ tình nhân đến chết, xuống hoàng tuyền mà sầu hận vẫn không nguôi,
Đàm Ý Ca cũng ngóng trông chồng suốt sáu năm trời đằng đẵng. Mỗi nhân vật một nỗi niềm,
một kết cục khác nhau song cái kết bi kịch duy nhất của Tiểu Ngọc mới chính là hiện thực. Tình
yêu giữa văn sĩ và một cô gái lầu xanh, mấy khi được đoàn viên mỹ mãn? Nên thực chất của
màn đại đoàn viên trong Lý Oa truyện và Đàm Ý Ca là sự tránh né những mâu thuẫn gay gắt
trong hiện thực, về sau trở thành mô thức cho hí khúc và tiểu thuyết noi theo. Được xem là thể
loại “tiền tiểu thuyết”, truyền kỳ Đường Tống đã ảnh hưởng đến tiểu thuyết Trung Quốc mạnh
Kỹ nữ với hoạt động sáng tạo văn học cổ điển Trung Quốc
56
mẽ trên các phương diện đề tài và thi pháp. Về sau, sự tiếp thu ấy cũng là nguyên nhân mà các
tiểu thuyết gia Trung Quốc vẫn tiếp tục viết về kỹ nữ bên cạnh lí do “thời sự” của loại đề tài
này. Như đời Minh - Thanh có các bộ tiểu thuyết lớn là Kim Bình Mai, Thủy Hử, Liêu trai chí
dị, Bách hoa đình, Cửu Vĩ quy, Tam Ngôn, Thanh nê liên hoa ký, Kim Vân Kiều truyện... đều ít
nhiều có liên quan đến kỹ nữ. Các vở kịch bấy giờ cũng có bóng dáng của họ. Theo sự biết của
chúng tôi, hai vở tiêu biểu nhất là Đào Hoa phiến với nàng ca kỹ Lý Hương Quân (Khổng Thời
Nhiệm đời Minh) và Vương Hoán với nàng Hạ Lân Lân đều là những kiệt tác đậm chất nhân
văn trong lịch sử văn chương Trung Quốc.
Khi viết về kỹ nữ, thái độ thường thấy của các văn nhân là trân trọng và thương xót.
Như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, Liễu Tam Biến, Tô Thức, Tần Quán... đều
vịnh tả nhân vật ca nữ bằng tấm lòng của người biết trọng tài, mộ tình và thấu hiểu thân phận
bèo bọt giữa sóng gió để mà đồng cảm. Hình tượng người kỹ nữ trong thơ của các tác giả này vì
vậy mà không chỉ đẹp về hình thể, xuất chúng về tài năng mà còn trong sáng về tâm hồn, nhiều
khi được ví với hoa thơm: “Người nói là hoa trôi nhị nổi, chứ nàng phải là cỏ lạ hoa thơm”,
hoặc được ngợi ca đức hạnh như trong bài từ Thiếu niên du của Liễu Vĩnh: “Tâm tính dịu dàng /
Phẩm hạnh cao nhã / Không đáng ở chốn phong trần” [9]. Điều đó cho thấy hình tượng người
kỹ nữ trong thơ văn được khắc họa khá trọn vẹn trên nhiều phương diện, quan trọng hơn cả là
thái độ đồng cảm, thương xót. Không đối đãi với kỹ nữ bằng tâm lí, hành vi của nam nhân thông
thường, văn nhân đã vì kỹ nữ mà nhỏ lệ như Liễu Vĩnh: “Vết rượu áo nàng, chữ thơ ta / Dòng
dòng, điểm điểm chẳng phôi pha / Nhớ thương sầu đứt ruột / Nến đỏ thương mình đâu kế sách /
Đêm đông thương lệ nhòa” [4, tr.58] hay than van chua xót như Lưu Hiếu Uy: “Ca vẳng lời
chua xót / Nhạc trỗi điệu bi thương / Lời hay tiếc tiệc cũ / Chén rót riêng nỗi buồn... Lên đài
luống than thở / Xuống dốc nghĩ chán chường / Củi sau tùy kẻ chất / Cá trước biết ai thương”
[9]. Nhưng cảm hứng đồng cảm thực ra chỉ có ở những nhà văn nhân bản, dân chủ, có tấm lòng
bao dung, cao thượng vượt thoát lẽ thị phi, còn một phần không nhỏ, kỹ nữ bị rẻ rúng trong thơ
ca không khác gì trong đời sống. Thái độ chỉ coi kỹ nữ là đồ chơi, tuyệt không có tình cảm gì
chân thành, sâu sắc, có thể tìm thấy trong từ của Hạ Chú và Chu Bang Ngạn thời Bắc Tống.
Cuối thời Bắc Tống, chính trị xã hội ngày càng suy đồi, nhà nước đứng trước nguy cơ
bại vong, như một thông lệ chung, tầng lớp quý tộc, quan lại phong kiến lại càng xa xỉ cùng cực,
chìm đắm trong thanh sắc đồi bại. Kiểu sống say sưa mơ mộng, ca vũ điên cuồng, rượu say túy
lúy, chén chú chén anh, hồng hồng tuyết tuyết đã thành tác phong phổ biến trong quan lại, sĩ
phu. Cách sống đó, cách chơi đó cho thấy văn hóa kỹ nữ cuối Bắc Tống đã bắt đầu nhiễm tục
nên thái độ hời hợt và cợt nhả của Hạ Chú, Chu Bang Ngạn trong các bài từ tửu sắc, hoa nguyệt
là có nguyên nhân và có thể lí giải. Tác giả sách Trung Quốc văn học sử nhận định như sau về
hai từ nhân này:
Một người làm từ mà cứ sống phóng đãng như ông (Chu Bang Ngạn), lại do chức vụ
không thể không trực tiếp dùng văn nghệ phụng thờ hoàng đế và quý tộc thì tất nhiên không thể
viết được những bài có tính tư tưởng cao, phản ánh được cuộc sống hiện thực rộng rãi mà chỉ
có thể viết được những bài từ diễm tình “ngọc sáng châu trong” và “hoa thơm liễu đẹp” để
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016)
57
mua vui cho giai cấp thống trị đương thời... Đối với nữ giới, ông không có cái tình cảm chân
thực và thuần khiết như Thôi Hộ biểu hiện trong thơ. Nhiều bài từ diễm tình của ông chẳng qua
là chuyện tìm hoa hỏi liễu được trang hoàng bằng những lời hoa lệ, được thi vị hóa, nhưng có
lúc cũng không tránh khỏi lộ cái cốt sắc tình” [7, tr.367].
Ông (Hạ Chú) cũng tạo ra một số hình tượng ca kỹ vũ nữ trong tác phẩm của mình,
nhưng cũng như Chu Bang Ngạn, ông xem họ là những nhân vật cam tâm làm trò chơi cho thiên
hạ, không có tình cảm chân thực và phẩm chất gì đáng quý. Đó là nguyên nhân làm cho tính tư
tưởng trong tác phẩm của ông không bằng những tác phẩm của Tần Quán viết về tình yêu” [7, tr.
366].
Ngoài thái độ trực tiếp của các thi nhân đối với kỹ nữ, còn tìm thấy tâm lí khinh rẻ và
hành động ngược đãi nhân vật kỹ nữ của nhân vật nam trong tác phẩm. Như quan lại cưỡng ép
kỹ nữ làm thê thiếp để thỏa mãn lòng dục trong bài từ Thượng cao giám từ của Lưu Thời Trung
đời Nguyên. Hay như hồi 59 Kim Bình Mai tả cảnh Tây Môn Khánh uống thuốc cường dương
ép kỹ nữ Trịnh Ái Nguyệt giao hoan, mặc cho nàng liên tiếp van xin đủ thấy khoái cảm của
khách chơi được xây dựng trên sự đau đớn xác thịt của kỹ nữ. Như vậy, có thể thấy rằng, trong
văn học hay trong đời sống thì kỹ nữ cũng vừa được thương tiếc, vừa bị lăng nhục. Đó là tất yếu
khó tránh khỏi vì kỹ nữ trước sau cũng chỉ là một thứ nô lệ, bản thân kỹ nữ không nhơ nhuốc
hoàn toàn song cũng không tuyệt đối thanh cao và đàn ông biết thương cái đẹp thì xưa nay
không nhiều lắm. Văn học kỹ nữ vì vậy mà vừa dung tục, vừa nhân bản.
Văn học do kỹ nữ sáng tác hay văn học lấy kỹ nữ làm đối tượng sáng tạo đều hướng đến
khắc họa hình tượng trung tâm cơ bản là người kỹ nữ. Hình tượng ấy cùng một lúc dưới hai cái
nhìn, văn nhân - kỹ nữ, vừa khách quan, vừa chủ quan nên đã đạt đến sự tròn đầy, trọn vẹn, thể
hiện được tính chất phức tạp, nhiều mâu thuẫn của hình tượng. So với nguyên mẫu đời sống,
hình tượng kỹ nữ trong văn chương còn có phần sâu sắc và tinh tế hơn. Là chỗ sâu kín nhất và
thành thật nhất để hiểu một con người, văn thơ kỹ nữ đã đưa đến những cảm quan mới mẻ, toàn
diện hơn về người ca kỹ, bổ sung sự khuyết thiếu của cái nhìn lịch sử xã hội. Văn học kỹ nữ
trong nền văn chương Trung Hoa tuy không phải là dòng văn học chính thống nhưng sự tồn tại
của nó có thể ví như loài cỏ tranh, men theo bãi bể, nương dâu mà sinh tồn, cơ hồ không ai biết
đến nhưng sức sống thật mãnh liệt.
Kỹ nữ với hoạt động sáng tạo văn học cổ điển Trung Quốc
58
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Chương Bồi Hoàn - Lạc Ngọc Minh , Phạm Công Đạt (dịch) (2000), Văn học sử Trung Quốc, cuốn
II, NXB Phụ Nữ, Tp. Hồ Chí Minh.
[2] Huyền Li (2009), Những câu chuyện văn nhân tài tử, Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội.
[3] Đàm Phàn (2007), Lịch sử con hát, NXB Tp. Hồ Chí Minh.
[4] Nguyễn Thu Phương (2003), Vị trí Tô Đông Pha trong lịch sử phát triển của thể từ đời Tống, Tạp
chí Văn học, (9), tr. 54 – 63, Hà Nội.
[5] Từ Quân - Dương Hải (2001), Lịch sử kỹ nữ, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
[6] Cao Tự Thanh (1995), Giai thoại đời Đường, NXB Phụ Nữ, Tp. Hồ Chí Minh.
[7] Tiền Chung Thư (chủ biên) (1964), Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội.
[8] Ông Văn Tùng (2007), Danh nữ Trung Hoa trong huyền thoại và lịch sử, NXB Thanh Niên, TP. Hồ
Chí Minh.
COURTESANS WITH CREATIVE ACTIVITIES IN CLASSICAL CHINESE LITERATURE
Phan Nguyen Phuoc Tien
Department of Literature and Linguistics, Hue University College of Sciences
Email: phannguyen.pt@gmail.com
ABSTRACT
The Chinese have used the word "技妓" to call courtesans. This suggests that origin of the
courtesans is related to music and art. Dance is the most outstanding talents of them.
Moreover, they left a lot of achievements and imprint in the field of art, especially
literature. Chinese courtesans embarked on literary naturally and expressed themselves in
various roles. Literature of Chinese courtesans has shown the talents of their creative
personality, the purity of their substance, the complexity of the soul and their great
contribution to classical Chinese literature.
Keywords: Chiness, Courtesans, courtesans literature, literature.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 1_van_tien_phan_nguyen_phuoc_tien_6428_2030080.pdf