Trên đây là một số chợ được nhắc đến trong tác phẩm Ô Châu cận lục; lẽ tất nhiên, nó
không phản ánh hết sự hiện diện của các chợ làng đã hình thành trong thời điểm này.
Bởi lẽ, vào thời Mạc, ở Thừa Thiên Huế đã có khoảng hơn 180 làng; sống gần như đều
khắp ba huyện Kim Trà, Tư Vinh, Đan Điền; và đúng như vua Lê Thánh Tông đã khẳng
định: “Ở các dân gian, đã có dân thì có chợ, chợ là để giao thông hàng hóa trong thiên
hạ, phát triển mậu dịch để thỏa lòng người” [7, tr. 145]. Chính vì vậy, trải qua các thời
Trần, Hồ, Lê, chắc hẳn rằng đã có các chợ ra đời. Nhưng, có lẽ đến cuối thế kỷ XV đầu
thế kỷ XVI, khi đời sống cư dân Thừa Thiên Huế đã dần đi vào ổn định, ít bị chi phối
bởi tình trạng chiến tranh, các chợ mới thực sự có điều kiện ra đời, tái thiết và phát
triển. Đáng tiếc, do tình trạng tư liệu khan hiếm nên chúng tôi chưa thể xác định thêm
các chợ đã tồn tại vào thời gian này.
8 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 412 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo cứu một số chợ làng ở Thừa Thiên Huế dưới thời Mạc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 04(16)/2010: tr. 88-95
KHẢO CỨU MỘT SỐ CHỢ LÀNG Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI THỜI MẠC
TRƯƠNG THỊ THU THẢO
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Thành Hóa Châu là nơi đóng lỵ sở của thừa tuyên Thuận Hóa dưới
thời Lê - Mạc. Cùng với việc hoàn thiện phần đô, xây dựng Hóa Châu thành
trung tâm chính trị – quân sự vững chắc ở vùng biên viễn phương Nam, phần
thị cũng phát triển tiệm tiến dần như một quy luật tất yếu mang tính chất bổ
trợ, với những hoạt động nhộn nhịp của các chợ làng chủ yếu ở khu vực
xung quanh Hóa Thành. Thông qua những ghi chép trong Ô Châu cận lục
của Dương Văn An, chúng tôi phục dựng lại diện mạo chợ làng Thừa Thiên
Huế dưới thời Mạc trong mối tương quan với phần đô Hóa Thành để thấy
được quá trình đô thị hóa đầu tiên trên vùng đất Thừa Thiên Huế.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giống như bao làng Việt khác, làng xứ Huế là một thực thể xã hội nên quá trình phát sinh,
phát triển của nó cũng là quá trình vận hành theo quy luật vận động và phát triển của các
hình thái kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Do đó, trong việc nghiên cứu về làng xã Thừa
Thiên Huế, có thể xét từ nhiều góc độ khác nhau nhưng không thể hiểu thực chất nếu
không chú ý đúng mức đến lĩnh vực kinh tế - nhân tố quyết định sự tồn tại của bất kỳ một
thiết chế xã hội nào. Nông nghiệp với vấn đề nổi bật là diễn trình phát triển của chế độ
ruộng đất, hay thủ công nghiệp với sự hình thành và phát triển của các nghề và làng nghề
thủ công truyền thống đã là mảng đề tài hấp dẫn, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên
cứu. Trong khi đó, thương nghiệp làng xã với hoạt động chủ yếu của chợ làng vẫn là một
vấn đề mở, cần có sự quan tâm nghiên cứu một cách thoả đáng, hệ thống hơn để thấy
được quá trình hình thành, phát triển; vai trò, vị trí của nó trong lịch sử. Bước đầu, chúng
tôi tiến hành khảo cứu về một số chợ làng ở Thừa Thiên Huế vào thời Mạc, đặt cơ sở cho
việc nghiên cứu chợ làng ở vùng đất này trong các thời kỳ kế tiếp.
2. MỘT SỐ CHỢ LÀNG THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI THỜI MẠC
Kể từ khi trở thành một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt vào năm 1306, xứ Thuận Hóa nói
chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chỉ được điểm xuyết sơ lược trong An Nam chí
nguyên của Cao Hùng Trưng, Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Mãi cho đến năm 1555,
vùng đất này mới được phác họa khá rõ nét trong tác phẩm Ô Châu cận lục của Dương
Văn An 1. Thông qua những trang mô tả, liệt kê vừa mang tính tổng luận vừa có tính cụ
1 Theo soạn giả Dương Văn An, sách này xuất phát từ hai bản ghi chép về phủ Tân Bình và phủ Triệu
Phong của hai nho sinh đồng hương với soạn giả. Năm 1553, nhân về quê cư tang, ông gặp được hai bản
thảo này, liền khảo cứu thêm trong sử sách và vận dụng những điều mắt thấy tai nghe, chỗ rườm rà thì bỏ
bớt, chỗ sơ sài thì bổ sung, hoàn tất vào năm 1555, đặt tên mới là Ô Châu cận lục. Như vậy, những điều
mà ông ghi chép trong tác phẩm xảy ra vào khoảng những năm 40, 50 (hoặc trước đó) của thế kỷ XVI,
tương ứng với thời gian vùng đất này đặt dưới sự cai quản của nhà Mạc từ năm 1527 (khi nhà Mạc được
thiết lập) cho đến năm 1554 (khi quân Mạc đóng ở đây bị quân nhà Lê đánh bại). Mặt khác, căn cứ vào
KHẢO CỨU MỘT SỐ CHỢ LÀNG Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI THỜI MẠC
89
thể của ông, những phong cảnh núi sông, sản vật, thuế khóa, phong tục tập quán, thành
trì, chợ búa, cầu ải, trạm dịch, bến đò, địa danh các làng xã đã trở thành những mảnh
ghép trong bức tranh xứ Thuận Hóa sau hai thế kỷ rưỡi xây dựng và phát triển:
“Chốn đồng ruộng lấy việc cày cấy, nuôi tằm tơ làm chính. Miền sông biển lấy nghề
muối mắm làm kho của trời cho Tôm cá đánh bắt ở sông hồ, nơi nào chẳng có. Gỗ
nứa lấy từ rừng xanh, tùy loại mà dùng. Xóm thôn trù mật, gà gáy chó sủa inh tai” [2,
tr. 62]. Rõ ràng, đời sống kinh tế - xã hội của cư dân lúc bấy giờ đã tương đối ổn định,
đặc biệt là cư dân ở vùng Hóa Châu - nơi đóng trị sở của thừa tuyên Thuận Hóa.
Với tư cách là trọng trấn vùng biên viễn phương Nam, thành Hóa Châu 2 từng trải qua
bao phen binh lửa và nhiều lần được triều đình quan tâm tu bổ, sửa chữa, trở thành một
cứ điểm phòng ngự quan trọng, vững chắc về mặt quân sự và đồng thời là trung tâm
chính trị của xứ Thuận Hóa. Điều này đã được Dương Văn An phản ánh qua phần mô tả
về thành Hóa Châu: “Hóa Thành ở địa phận huyện Đan Điền. Từ sông cái Đan Điền
chảy ở phía Tây, một nhánh sông con tách ra rồi đổ vào trong thành. Phía hữu ngạn
sông con này nào các dinh thự, trường học, ty Đô, ty Thừa, nha môn phủ Triệu
Phong (người trích dẫn nhấn mạnh) mọc san sát. Sông cái Kim Trà bọc ở phương Nam,
phá quành phía Bắc, trằm ở đông, mênh mông ước muôn nghìn khoảnh. Quanh bốn
phía đều có sông nước bao bọc, giữa là tòa thành cao ngất trăm trĩ, tỏa rộng như một
đụn mây dài. Vị trí đó thật xung yếu như có bàn tay thợ tạo sắp đặt vậy” [2, tr. 89]. Bên
cạnh nguồn sử liệu, kết quả các đợt khảo sát thực địa của các nhà nghiên cứu cũng cho
thấy thành Hóa Châu có cấu trúc hoàn chỉnh, quy mô to lớn, mặt thành hướng về phía
biển, lấy hệ thống sông ngòi làm hào lũy tự nhiên, khoá chặt lấy thủy khẩu ở ngã ba
Sình – nơi sông cái Kim Trà (sông Hương) và sông Đan Điền (sông Bồ) hợp làm một
dòng chảy về phá Tam Giang gọi là Linh Giang. Tại đây, “tùng thông ở dinh hiến sát,
vườn hoa huyện đường, bình phong phủ chưởng vệ (người trích dẫn nhấn mạnh) đều
nối nhau san sát hai bên bờ” [2, tr. 26]. Cùng với việc xây dựng, mở rộng và hoàn thiện
từng bước phần đô (thành); phần thị cũng phát triển tiệm tiến dần như một quy luật tất
yếu mang tính chất bổ trợ, với những phố phường, chợ búa 3.
2.1. Chợ Thế Lại
Ở mục thành - thị, chợ Thế Lại là một trong số ba ngôi chợ lớn của vùng Thuận Hóa
được Dương Văn An đề cập đến: “Chợ Thế Lại ở xã Thế Lại huyện Kim Trà. Đằng
trước là ngã ba sông khuất khúc, phía sau cũng có ngòi nước uốn quanh. Lầu son gác
tía ngang dọc như bàn cờ, chi chít tựa sao giăng. Thôn hoa nội biếc, đất rộng người
đông. Nghìn khe cùng đổ đến rất thuận cho thuyền bè, ngã lớn thông thương mọi nẻo,
thật tiện về đường bộ. Thương nhân đua nhau đến mở quán ở đó, người sang vật quý tụ
tập bán buôn tấp nập. Gà gáy đầu mọi người đã lục tục thức dậy, đúng ngọ thì nhộn
nội dung của tác phẩm, có thể thấy rằng, địa danh Ô Châu mà soạn giả sử dụng bao hàm cả hai Châu Ô,
Lý (hay Thuận Hóa) – tức là dải đất kéo dài từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam hiện nay.
2 Thành Hóa Châu hiện nay thuộc địa phận hai xã Quảng An, Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh
Thừa Thiên Huế.
3 Quy luật hình thành thành thị này cũng là quy luật chung, phổ biến của nhiều thành thị ở phương Đông.
TRƯƠNG THỊ THU THẢO
90
nhịp cực điểm. Lều quán dựng la liệt suốt Đông Tây, cửa hàng mở dài ngắn đủ cỡ. Nào
cờ xanh phướn biếc, chỗ của mối lái phú thương; nào lụa là gấm vóc, nơi hội tụ đủ
hàng tốt của tứ xứ. Đây là một thắng cảnh của Châu Ô” [2, tr. 90]. So với hai ngôi chợ
Đại Phúc – nơi đô hội của vùng Thổ Rí và chợ Thuận – nơi tấp nập của Thuận Châu thì
chợ Thế Lại được Dương Văn An giới thiệu rõ nét, đầy đủ hơn về vị trí, cách thức bố trí
các hàng quán, thời gian họp chợ, các mặt hàng buôn bán ở chợ Điều này cho thấy,
đến giữa thế kỷ XVI, chợ Thế Lại đã trở thành một địa điểm sinh hoạt buôn bán sầm uất
và có thể xem là ngôi chợ lớn nhất của đạo Thuận Hóa lúc bấy giờ. Về địa danh Thế
Lại, dịch giả Văn Thanh – Phan Đăng đã phân tích rằng: “Thế Lại là chữ để phiên âm
Tlài – âm cổ của Trài. Xét về ngữ âm học lịch sử, những thư tín còn lại của các giáo sĩ
truyền đạo phương Tây cho thấy dạng âm cổ ấy vẫn còn thông dụng tại bản địa cho đến
sau năm 1709” [2, tr. 90]. Lấy cách cắt nghĩa địa danh này để đối chiếu với những
thông tin do Cadière điều tra và cung cấp trong cuốn Kinh thành Huế – Địa danh, chúng
ta sẽ thấy có một sự trùng khớp và hợp lý. Khi đề cập đến vị trí số 84 – Đông Bắc môn,
Cadière viết: “Đông Bắc Môn tức vọng lâu X của người Pháp – tên thường gọi là cửa
Kẻ Trài. Theo các chỉ dẫn đề ra, xưa kia, trước mặt cửa này, phía bên kia của Hộ
Thành Hà phía Đông, ở địa phận làng Thế Lại, có một phường hội, tại đấy, người ta
buôn bán các sản phẩm thủ công, đồ dùng bằng đồng, tơ lụa, sơn mài từ Bắc kỳ đưa
vào, và được chỉ định với tên Hang Trài. “Trài” có nghĩa là “mái lợp ngói không vữa”,
có thể cửa hàng của những người này được lợp mái theo kiểu như thế và từ đó mà có
tên gọi ấy” [3, tr. 103]. Ở vị trí số 124, Cadière còn cho biết: “Cầu Thế Lại mở đường
chảy cho phần còn lại, ở phần hạ lưu, của nhánh sông đã bị lấp và bị nắn lại khi Gia
Long xây dựng Kinh thành Huế. Tên gọi khác: Cầu Kẻ Trài” [3, tr. 115]. Những thông
tin trên giúp chúng ta có thể rút ra những nhận định bước đầu về tên gọi và vị trí của
chợ Thế Lại:
Thứ nhất, chợ và làng Thế Lại có tên tục là Kẻ Trài. Điều này xuất phát trên ba cơ sở: 1.
Cách phân tích nguồn gốc tên gọi Thế Lại của dịch giả Văn Thanh – Phan Đăng; 2. Sự
tồn tại của một phường hội buôn bán các sản phẩm hàng hóa từ Bắc Kỳ đưa vào có tên
gọi là Hang Trài, đóng trên địa phận làng Thế Lại và đây có thể là tiền thân của chợ Thế
Lại nổi tiếng với đủ đồ hàng Nam Bắc vào giữa thế kỷ XVI; 3. Đến thời điểm năm
1933, khi Cadière hoàn chỉnh và đăng tải bài nghiên cứu Kinh thành Huế – Địa danh 4,
chúng ta thấy rằng, cửa Đông Bắc và cầu Thế Lại vào thời điểm này vẫn có tên thường
gọi là cửa và cầu Kẻ Trài. Điều này chứng tỏ rằng, Hán danh Thế Lại cũng chính là tục
danh Kẻ Trài.
Thứ hai, trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa tên gọi Thế Lại và Kẻ Trài, chúng ta có
thể xác định được vị trí của chợ Thế Lại: nằm đối ngạn với cửa Kẻ Trài, phía bên kia
sông đào Đông Ba, trên đoạn cuối của đường Bạch Đằng hiện nay thuộc địa phận của
4 Bài nghiên cứu này đăng trong tạp chí B.A.V.H năm 1933, hiện nay đã xuất bản thành sách. Trong lời
tựa của sách, Cadière nói rằng ông đã sưu tầm những ghi chú về vấn đề này trong vòng 30 năm.
KHẢO CỨU MỘT SỐ CHỢ LÀNG Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI THỜI MẠC
91
làng Thế Lại Thượng 5. Bên cạnh đó, Cadière còn cung cấp một thông tin quan trọng
giúp chúng ta có thêm cứ liệu để khẳng định vị trí nêu trên của chợ Thế Lại là chính
xác: “Cầu Thế Lại mở đường chảy cho phần còn lại, ở phần hạ lưu, của nhánh sông đã
bị lấp và bị nắn lại khi Gia Long xây dựng Kinh thành Huế”. Căn cứ vào các bản đồ An
Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh trúng thức Đỗ Bá vẽ cuối thế kỷ XVII và Giáp ngọ
niên bình Nam đồ của Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 [6, tr. 93 & 145] 6,
chúng ta thấy có một con sông nhỏ thông với sông Hương từ trên thượng lưu, chảy
ngang qua đô thành Phú Xuân rồi đổ vào sông Hương. Con sông nhỏ này chính là sông
Kim Long, phần hạ lưu của nó đã bị lấp và bị nắn lại khi Gia Long xây dựng Kinh thành
Huế (nay chỉ còn đoạn sông chảy trong kinh thành chính là sông Ngự Hà, hồ Tịnh
Tâm); khi chưa bị điều chỉnh dòng chảy, rất có thể phần hạ lưu của sông Kim Long
chảy vắt qua đường Đào Duy Anh hiện nay, nối liền với khúc cuối (nay vẫn còn mang
dáng vẽ khuất khúc của một con sông tự nhiên) của sông đào Đông Ba – tức là đoạn
chảy vòng qua đồn Mang Cá nhỏ (Trấn Bình Đài) rồi hợp lưu với sông Hương, nhưng
đây chỉ là một nhánh của hạ lưu sông Kim Long; thực tế, tại đây, sông Kim Long chia
làm hai nhánh, một nhánh chảy qua cầu Thanh Long đi qua các làng Thế Lại, Lạc Hộ,
An Quán rồi đổ ra sông Hương và một nhánh chảy qua cầu Thế Lại với dòng chảy như
trên đã nêu 7, tạo ra ngã ba sông như Dương Văn An mô tả: “Đằng trước (chợ) là ngã
ba sông khuất khúc”.
Như vậy, nhờ có địa thế thuận tiện về giao thông thủy bộ, gần các quan nha, công thự;
đất tốt, dân đông, chợ Thế Lại đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của vùng Thuận
Hóa vào giữa thế kỷ XVI.
Sang thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, chợ Thế Lại có lẽ vẫn tiếp tục tồn tại
nhưng không còn giữ được vị trí bậc nhất như xưa do khả năng thu hút nguồn hàng
mạnh của phố cảng Thanh Hà cùng một số chợ khác cận dinh phủ.
Đến đầu thế kỷ XIX, sau khi nhà Nguyễn lấy đất xây dựng kinh thành, chợ phải di dời.
Địa bạ ngày mồng 2 tháng 10 năm Gia Long thứ 14 (2/11/1815 DL) của làng Thế Lại
Thượng cho biết: Năm Bính Dần (1806), làm chợ mới hết 2 mẫu 3 sào 1 thước 2 tấc 5
phân” [10, tr. 72]. Đó là chợ Phú Bình, thuộc phường Phú Bình, TP. Huế hiện nay, nằm
ở gần góc đông bắc kinh thành Huế. Sau khi kinh thành Huế được xây dựng, khu đất cũ
5 Thế Lại là một trong 60 xã của huyện Kim Trà thuộc phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa được Dương Văn
An nhắc đến trong Ô Châu cận lục năm 1555. Về sau, không rõ thời điểm cụ thể, xã Thế Lại được tách
thành hai xã Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ, chỉ thấy Lê Quý Đôn (1726 – 1784) liệt kê trong Phủ biên
tạp lục soạn năm 1776. Bấy giờ Thế Lại Thượng và Hạ thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà. Đầu thế
kỷ XIX, khi vua Gia Long lấy đất xây dựng kinh thành Huế, đất làng Thế Lại Thượng bị mất khoảng 193
mẫu (dẫn theo tài liệu [10, tr.447]). Hiện nay làng Thế Lại Thượng nằm trong địa phận phường Phú Hội,
TP Huế, Thế Lại Hạ nằm về phía Tây Bao Vinh, thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà.
6 Hai bản đồ này được in trong tập Hồng Đức bản đồ.
7 Điều này được phản ánh qua đoạn trích về sông Kim Long của Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức:
“Trước kia cửa sông ở phía đông chợ Kim Long cầu Thanh Long, cầu Thế Lại đều là những chỗ đường
sông cũ chảy qua; từ Thế Lại, Lạc Hộ đến các xã An Quán, còn có đường sông chảy vào hạ lưu sông
Hương” [8, tr. 126].
TRƯƠNG THỊ THU THẢO
92
nơi chợ Thế Lại tọa lạc được quy hoạch thành phố Đông Hội - một bộ phận cấu thành
khu phố phía đông thành vào thời Nguyễn: “Từ phía bắc cầu Thế Lại đến 3 phố ở góc
Trấn Bình Đài trở lên; từ niên hiệu Gia Long đều lợp ngói, nhà ngói liên tiếp, người
Hán Thanh ở lộn buôn bán hàng hóa và các sản vật đều đủ” [9, tr. 134]. Đó chính là
diện mạo của chợ Thế Lại qua các thời kỳ.
2.2. Chợ Đan Lương
Nay thuộc địa phận làng Phú Lương A, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền. Tục danh
chợ Cầu. Tên gọi này xuất phát từ địa thế của chợ - nằm bên cầu Đan Điền nổi tiếng là
cây cầu bậc nhất xứ Thuận Hóa lúc bấy giờ: “Ở chợ Đan Lương, huyện Đan Điền, phía
đông chợ có một con ngòi đổ về, trên ngòi là nhịp cầu. Trên cầu có dựng mái nhà hình
cầu vồng vắt ngang, trông như lưng cá voi vươn lên tầng không” [2, tr. 90]. Về thời
gian họp chợ, Dương Văn An cho biết: “chợ Đan Lương đông từ nửa đêm” [2, tr. 63].
Tuy nhiên, khi khảo sát thực địa, chợ Đan Lương đã có một vài sự thay đổi. Phía đông
chợ có một con ngòi đổ về - con ngòi này là một nhánh của sông Bồ, trước mặt chợ có
một bến sông, phía tây là cây cầu nhỏ bằng xi măng bắc qua con ngòi thay thế cây cầu
có mái nhà hình cầu vồng hiện không còn dấu tích. Chợ Cầu ngày nay đông vào buổi
chiều và chỉ tụ họp khoảng tầm từ 2h–5h chiều, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của cư
dân trong làng. Chợ Cầu tuy không còn nổi tiếng với hình ảnh ngôi chợ làng nằm cạnh
cây cầu Đan Điền nổi tiếng hay với mặt hàng “vôi” đã đi vào ca dao “mua vôi chợ
Quán, chợ Cầu” nhưng sự hiện diện của hai cây cổ thụ tỏa bóng ôm trọn khu chợ vẫn là
một minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của ngôi chợ cổ này.
2.3. Chợ Lại Ân
Nay thuộc địa phận làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Tục danh chợ Sình
hoặc chợ Đình. Sình là tên Nôm của làng Lại Ân, một trong những làng cổ hình thành
khá sớm của xứ Thuận Hóa. Từ xưa, Lại Ân đã nổi tiếng với nghề làm tranh tín ngưỡng
dân gian, với hội vật làng Sình và đặc biệt, với đại danh lam Sùng Hóa - ngôi chùa công
thuộc loại lớn của vùng Hóa Châu: “Chùa Sùng Hóa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh Đến
kỳ lễ hội, quan lại ba ty vệ trấn, nha môn đều tề tựu đông đúc, áo mão lễ nhạc nhộn
nhịp như mây tụ. Có chuyện gì cầu đảo ở đây tất đều được ứng nghiệm” [2, tr. 94].
Vùng đất văn vật, giàu truyền thống này cũng được Dương Văn An nhắc đến như một
địa điểm thịnh đạt về thương nghiệp: “Làng Lại Ân nghe gà gáy sáng giục khách buôn
tranh tiền giành lợi” [2, tr. 81]; hay “Đồ chén bát của phương Bắc bán ở các chợ Thế
Lại, chợ Lại Ân giá rất đắt” [2, tr. 37]. Về mặt địa thế, bên trái chợ là đình làng Lại
Ân8, kề sát đình là cổ tự Sùng Hóa, cách một đoạn tới làng Triêm Ân lúa thơm nức
tiếng, từng “lấy buôn bán làm nghiệp” [2, tr. 64]; trước mặt có sông Hương uốn khúc
rồi hội thủy với sông Bồ tạo thành ngã ba lớn, từng là nơi đóng các quan nha, công thự
đối ngạn nhau ở hai bên bờ; bên phải có một bến đò ngang qua làng Thanh Phước để
đến với Hóa Thành cách đó không xa. Với địa thế thuận lợi, tiện đường giao thông và
8 Do vậy, chợ có tục danh là chợ Đình [9, tr. 140].
KHẢO CỨU MỘT SỐ CHỢ LÀNG Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI THỜI MẠC
93
cận kề với trung tâm quân sự – chính trị Hóa Thành nên chợ Lại Ân sớm trở nên sầm
uất và hưng thịnh vào giữa thế kỷ XVI.
2.4. Chợ Mậu Tài
Làng Mậu Tài nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về hướng đông bắc,
thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; cận kề với các làng Thanh Tiên, Lại Ân, Võng Trì.
Làng vốn có tên cổ là Hoài Tài do sáu ngài thủy tổ các họ Huỳnh, Trần, Nguyễn, Lê,
Phan, Đinh là người Bà Tài, thuộc tỉnh Thanh Hóa đồng khai canh lập làng. Từ giữa thế
kỷ XVI, làng Mậu Tài đã được biết đến với các nghề thủ công như: “Hoài Tài chế
mực rèn sắt thành khí cụ có dân Tân Lận 9, Hoài Tài” 10 [2, tr. 64]. Cũng như làng
Lại Ân, thế đất của làng Mậu Tài thuận lợi cho việc phát triển thương nghiệp: “Phong
thổ xã Hoài Tài vốn có nguồn lợi từ chợ búa” [2, tr. 148]. Chợ Mậu Tài nằm ở phía bắc
của làng, cận sông Hương - đoạn sông có cồn nổi Triều Sơn, cách đình làng cũ khoảng
chừng 70 mét. Do quá trình bồi lấp trong một thời gian dài của sông Hương nên phần
đất ở chợ làng Mậu Tài thường xuyên bị lở và sụt lún làm thu hẹp diện tích của chợ. Vì
vậy, chợ được chuyển ra vị trí mới gần đường lộ, ở trung tâm của làng và gọi tên là chợ
xã Phú Mậu.
2.5. Chợ Lại Thị
Luận về ngôi chợ này, Dương Văn An viết: “Lại Thị nhiều phú thương Dân Lại Thị
đi buôn sinh sống, chợ cất nhiều hàng” [1, tr. 70&83]. Qua đó chứng tỏ rằng, đây cũng
là một ngôi chợ lớn, dân lấy buôn bán làm nghiệp. Theo hai dịch giả Văn Thanh và
Phan Đăng, địa danh Lại Thị chính là chợ Lại Ân (chợ Sình) [2, tr. 178]. Về điểm này,
chúng tôi không đồng ý kiến bởi hai lẽ: Thứ nhất, trong danh mục bản đồ, địa danh Lại
Thị được Dương Văn An liệt kê với tư cách là một trong 67 làng 11 thuộc huyện Tư
Vinh. Mặt khác, trong các đoạn văn tổng luận về phong tục, Lại Thị được nhắc đến như
là một đơn vị hành chính độc lập, ngang hàng với các địa danh khác ở huyện Tư Vinh:
“Làng Lại Ân văn thái xứng sao. An Lưu nhiều trai khỏe, Lại Thị nhiều phú thương.
Gắng sức nghề nông có dân Triều Đông, Hoằng Phước. Giỏi nghề buôn bán có người
Độ Khẩu, Triêm Ân. Hoài Tài chế mực” [1, tr. 64]. Thứ hai, chúng tôi cho rằng, địa
danh Lại Thị trong Ô Châu cận lục chính là thôn chợ Lại Miếu mà Lê Quý Đôn đã đề
9 Tân Lận do chép sai của Thanh Lan. Nay là Thanh Tiên, làng nằm cận kề với Mậu Tài, nổi tiếng với
nghề làm hoa giấy.
10 Theo lời kể của ông Lê Viết Bảng - Trưởng tộc họ Lê làng Mậu Tài, ông tổ của nghề rèn sắt ở làng là
một ngài họ Lê, hiện vẫn còn mộ phần, hằng năm cúng vào ngày 18/2 ÂL. Về sau, nghề kéo dây thau, dây
thép gọi chung là nghề làm kim Mậu Tài ra đời, đã được nhắc đến trong sử sách và đi vào ca dao bởi
nhiều sản phẩm nổi tiếng, không chỉ tiêu thụ nội hạt mà còn lan rộng ra cả địa bàn miền Trung. Theo gia
phổ hiện được lưu giữ tại Trần tộc Từ đường làng Mậu Tài, ông tổ nghề kéo dây sắt là ngài Trần Phú
Nhuận, ông tổ nghề kéo dây thau là ngài Trần Văn Nghiêm, đời thứ IV kể từ ngài tổ. Tương truyền, các
ngài học nghề từ Trung Quốc, sau về làng phát triển và truyền dạy cho con cháu. Ngày nay, mộ phần và
miếu thờ ngài tổ nghề vẫn còn ở làng và từ trước đến nay, bà con hàng kim vẫn lấy ngày 22/7 ÂL hàng
năm làm ngày giỗ tổ nghề (Tài liệu do ông Trần Tu ở tại xóm 7, thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú
Vang cung cấp, dựa theo công trình sưu tầm và biên khảo của ông).
11 Trong 67 làng này vừa có Lại Ân, vừa có Lại Thị.
TRƯƠNG THỊ THU THẢO
94
cập đến trong mục liệt kê tên các làng xã: “Tổng Mậu Tài (huyện Phú Vang) có 19 xã 1
thôn 1 chợ: các xã Mậu Tài, Hồng Phúc, Thanh Tiên, Võng Trì, Lại Ân, Triều Sơn,
Triêm Ân chợ Lại Miếu” [5, tr. 98]. Chúng ta thấy rằng, trong Ô Châu cận lục, Lại
Thị thuộc huyện Tư Vinh và được đề cập trong cùng một không gian với các làng Lại
Ân, Triều Sơn (Đông), Hoằng Phước (tức Hồng Phúc), Triêm Ân, Hoài Tài Đối sánh
với danh mục làng xã trong tổng Mậu Tài, chợ Lại Miếu cũng ở trong cùng một không
gian đó. Do vậy, nhận định này của chúng tôi là có cơ sở và hợp lý. Tuy nhiên, đến cuối
thế kỷ XIX (1886), trong tác phẩm Đồng Khánh dư địa chí, địa danh chợ Lại Miếu
không còn được liệt kê trong danh sách làng xã thuộc tổng Mậu Tài (kể cả các tổng
khác của Thừa Thiên Huế) và hiện nay, trong quá trình đi điền dã, chúng tôi vẫn không
tìm ra địa danh Lại Thị hay chợ Lại Miếu, có lẽ thôn chợ này nay đã không còn tồn tại.
2.6. Chợ Bái Đáp
Bái Đáp nay là làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, là một làng cổ nằm bên
bờ sông Bồ. Tác giả Ô Châu cận lục cho biết: “Chợ Bái Đáp nhóm họp vào giữa trưa”
[2, tr.63]. Thời gian họp chợ này vẫn được duy trì trong những thế kỷ sau. Năm 1806, ở
phần mô tả về đường thủy từ sông Văn Xá đi thuyền ngược lên nguồn Sơn Bồ, Lê
Quang Định viết: “Bên trái có chùa xã Phú Ốc, bên phải là chợ xã Bái Đáp, chợ đông
vào buổi trưa” [4, tr. 213]. Trong hai tác phẩm Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức và
đời Duy Tân, chợ Bái Đáp được nhắc đến với cùng một đại ý: “Chợ Phú Lễ ở huyện
Quảng Điền vốn tên là chợ Bái Đáp, sau đổi tên hiện nay; bán thịt lợn chín ngon hơn
các nơi khác” [8, tr. 164]; [9, tr. 138]. Tuy nhiên, chợ Bái Đáp với hàng thịt lợn chín
nổi tiếng nay đã bị giải thể; khách thương và dân Phú Lễ dần chuyển lên mua bán ở chợ
An Lỗ - một chợ lớn của huyện Phong Điền hiện nay.
3. KẾT LUẬN
Trên đây là một số chợ được nhắc đến trong tác phẩm Ô Châu cận lục; lẽ tất nhiên, nó
không phản ánh hết sự hiện diện của các chợ làng đã hình thành trong thời điểm này.
Bởi lẽ, vào thời Mạc, ở Thừa Thiên Huế đã có khoảng hơn 180 làng; sống gần như đều
khắp ba huyện Kim Trà, Tư Vinh, Đan Điền; và đúng như vua Lê Thánh Tông đã khẳng
định: “Ở các dân gian, đã có dân thì có chợ, chợ là để giao thông hàng hóa trong thiên
hạ, phát triển mậu dịch để thỏa lòng người” [7, tr. 145]. Chính vì vậy, trải qua các thời
Trần, Hồ, Lê, chắc hẳn rằng đã có các chợ ra đời. Nhưng, có lẽ đến cuối thế kỷ XV đầu
thế kỷ XVI, khi đời sống cư dân Thừa Thiên Huế đã dần đi vào ổn định, ít bị chi phối
bởi tình trạng chiến tranh, các chợ mới thực sự có điều kiện ra đời, tái thiết và phát
triển. Đáng tiếc, do tình trạng tư liệu khan hiếm nên chúng tôi chưa thể xác định thêm
các chợ đã tồn tại vào thời gian này.
Như vậy, thông qua việc khảo cứu một số chợ làng ở Thừa Thiên Huế vào thời Mạc,
chúng ta có thể thấy rằng, các chợ này đều nằm ở những địa thế thuận lợi: là nơi đất tốt,
dân đông; tiện về giao thông thủy bộ và chủ yếu nằm gần kề trung tâm quân sự – chính
trị Hóa Thành. Hoạt động thương mại nhộn nhịp, sôi động của chúng với các hình ảnh
làng Lại Ân canh gà gáy sáng, giục khách thương tranh tài giành lợi; hay chợ Đan
KHẢO CỨU MỘT SỐ CHỢ LÀNG Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI THỜI MẠC
95
Lương đông từ nửa đêm; chợ Thế Lại nơi hội tụ đủ hàng tốt của tứ xứ, Lại Thị quy tụ
phú thương đã đáp ứng tốt nhu cầu mua bán, giao thương của cư dân trong các làng
xã Thừa Thiên Huế cũng như đội ngũ quan lại, binh lính đóng ở Hóa Thành; đồng thời
cũng chứng tỏ rằng, đến giữa thế kỷ XVI, Hóa Châu đã bắt đầu hình thành hai phần
thành và thị, đánh dấu bước đô thị hóa đầu tiên ở dạng sơ khai trên vùng đất Thừa Thiên
lúc bấy giờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Văn An (2001). Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh – Hoàng Văn Phúc hiệu đính
- dịch chú. NXB Thuận Hóa, Huế.
[2] Dương Văn An (2009). Ô Châu cận lục, Văn Thanh – Phan Đăng dịch và chú giải.
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] L. Cadiere (1996). Kinh thành Huế – Địa danh, B.A.V.H 1933. NXB Đà Nẵng.
[4] Lê Quang Định (2005). Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch chú giải.
NXB Thuận Hóa – Trung tâm VH ngôn ngữ Đông Tây.
[5] Lê Quý Đôn (2007). Phủ biên tạp lục, Khoa học xã hội nhân văn – Viện sử học dịch.
NXB Văn hóa Thông tin.
[6] Hồng Đức bản đồ (1962). Tủ sách viện khảo cổ Bộ Quốc gia Giáo dục. Sài Gòn.
[7] Hồng Đức thiện chính thư (1959). Đại học viện Sài Gòn, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (1969). Đại Nam nhất thống chí (đời Tự Đức). NXB
Khoa học xã hội.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (1961). Đại Nam nhất thống chí - Thừa Thiên phủ, tập
thượng (đời Duy Tân). Nha văn hoá - Bộ quốc gia giáo dục.
[10] Trần Thanh Tâm – Huỳnh Đình Kết (2001). Địa danh thành phố Huế. NXB Văn hóa
dân tộc, Hà Nội.
Title: A SURVEY ON SOME VILLAGE MARKETS UNDER MAC DYNASTY IN THUA
THIEN HUE
Abstract: Hoa Chau citadel is the municipality of Thuan Hoa region under Le-Mac dynasty.
Besides reinforcing Hoa Chau to be a firm political and military centre in the far south, its
trading activities were also developed accordingly, represented by many village markets
operated bustling mainly around Hoa Chau citadel area. With the notes in O Chau can luc by
Duong Van An, we rebuild the face of Thua Thien Hue village markets under Mac dynasty in
the relationship with Hoa Chau citadel so that we can see the first urbanisation process in Thua
Thien Hue province.
ThS. TRƯƠNG THỊ THU THẢO
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 17_256_truongthithuthao_15_truong_thi_thu_thao_2194_2021041.pdf