Khả năng vượt khó của sinh viên thiệt thòi ở trường Đại học Sư phạm và Đại học Nông lâm - Đại học Huế - Trần Thị Tú Anh

Abstract: The adversity quotient is one of the important factors, contributing to the success in life. So, studying the situation of adversity quotient and then proposing suggestions to develop the adversity quotient for the young generation should be a major concern. Research results of this study showed that the adversity quotient of many disadvantaged students in College of Education and College of Agriculture and Forestry at Hue University was still low. Appropriate encouragement and interventions to help disadvantaged students improve their ability to control adversity, to perceive the responsibility for the adversity, to restrain the affect of adversity and to perceive the endurance of adversity will help to attain the sustainability of supports for disadvantage students.

pdf8 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 716 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khả năng vượt khó của sinh viên thiệt thòi ở trường Đại học Sư phạm và Đại học Nông lâm - Đại học Huế - Trần Thị Tú Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 103-110 KHẢ NĂNG VƯỢT KHÓ CỦA SINH VIÊN THIỆT THÒI Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VÀ ĐẠI HỌC NÔNG LÂM - ĐẠI HỌC HUẾ TRẦN THỊ TÚ ANH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế NGUYỄN THỊ DIỄM HẰNG Đại học Quảng Bình Tóm tắt: Khả năng vượt khó là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần đem đến sự thành công trong cuộc sống. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng và từ đó đề xuất biện pháp phát triển khả năng vượt khó cho thế hệ trẻ là việc làm cần được quan tâm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng vượt khó của khá nhiều sinh viên thiệt thòi (SVTT) Trường đại học Nông lâm và Đại học Sư phạm, Đại học Huế còn ở mức thấp. Những biện pháp phù hợp giúp SVTT nâng cao khả năng kiểm soát khó khăn, khả năng nhận trách nhiệm, khả năng khống chế mức độ và phạm vi ảnh hưởng của khó khăn và đặc biệt là khả năng nhận thức về thời gian ảnh hưởng của khó khăn là những hỗ trợ hướng đến mục tiêu bền vững dành cho SVTT. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong thời gian dài, chỉ số thông minh IQ và chỉ số cảm xúc EQ được xem là thước đo quan trọng nhất để dự báo thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người. Từ năm 1997, giới chuyên môn bắt đầu quan tâm đến một chỉ số mới là AQ (Adversity Quotitent), chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, gian khổ... (gọi tắt là chỉ số vượt khó). Theo Stotlz (1997), người đề xuất chỉ số vượt khó, AQ mới thực sự là chỉ số quyết định thành công, bởi nó giúp con người phát huy tác dụng của hai chỉ số IQ và EQ. Lý thuyết về chỉ số vượt khó cũng như trắc nghiệm đo chỉ số AQ đã nhanh chóng thuyết phục được các nhà tâm lý học bởi cơ sở lý luận vững chắc, cũng như tính hiệu lực và độ tin cậy cao [3], [4], [5]. Trong khi lý thuyết AQ và việc đo lường chỉ số AQ được thế giới quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống thì chúng chưa được quan tâm thấu đáo và chưa được sử dụng ở Việt Nam. Ngoài những bài giới thiệu sơ lược về AQ trên các báo hàng ngày, báo mạng [2], có rất ít công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến khả năng vượt khó [7], [8] và đặc biệt, chưa có công trình nào nghiên cứu về khả năng vượt khó của những sinh viên cần sự quan tâm nhiều hơn của xã hội như SVTT. Để cho lý thuyết AQ và chỉ số AQ đến được với xã hội Việt Nam và phát huy thế mạnh của nó, một trong những việc làm cần thiết là thực hiện những nghiên cứu ban đầu, tìm hiểu cơ sở lý luận và tính khả dụng của chỉ số vượt khó đối với người Việt Nam. Những nghiên cứu này sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cần thiết cho việc thích nghi hóa công cụ đo lường chỉ số AQ một cách chính thống sau này. TRẦN THỊ TÚ ANH – NGUYỄN THỊ DIỄM HẰNG 104 Theo định nghĩa của Dự án PHE (Dự án Những nẻo đường đến đại học, Pathways to Higher Education của Quỹ Ford, Mỹ), SVTT là những người học đến từ vùng sâu, vùng xa, miền núi và người khuyết tật, mồ côi hoặc dân tộc thiểu số. Sinh ra và lớn lên trong môi trường địa lý, kinh tế, xã hội không thuận lợi, họ ít có điều kiện để phát triển bản thân. Thêm vào đó, với bản tính rụt rè, khép kín, họ không mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài mỗi khi gặp khó khăn, khiến cho khó khăn có thể trở nên trầm trọng hơn và bản thân họ bị tổn thương nặng nề hơn, ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống [1]. Những năm gần đây, SVTT đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều ban ngành, tổ chức nhằm giúp họ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, sức mạnh nội lực của mỗi SVTT mới là yếu tố quan trọng giúp họ đối diện với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Nghiên cứu thực trạng khả năng vượt khó của SVTT, từ đó xác định hướng tác động nhằm nâng cao khả năng vượt khó cho họ là một trong những việc làm cần thiết, hướng đến mục tiêu bền vững của những hỗ trợ xã hội. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Khách thể nghiên cứu: gồm 437 SVTT thuộc trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) và Đại học Nông Lâm (ĐHNL), hai trường có tỉ lệ SVTT cao nhất ở Đại học Huế. Khách thể nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Phương pháp nghiên cứu: Để nghiên cứu khả năng vượt khó của SVTT tại hai trường thuộc Đại học Huế, chúng tôi đã sử dụng trắc nghiệm chỉ số AQ, phiên bản AQ Profile (AQP) QuickTake 1.0. của Stoltz [6] làm phương pháp chủ đạo. Phiên bản này đã được Việt hóa ban đầu và sử dụng thử nghiệm trong nghiên cứu của Nguyễn Phước Cát Tường và Trần Thị Tú Anh [7] với sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. AQP được xây dựng dưới dạng bảng hỏi tự đánh giá, theo kiểu thang đo, để phát hiện, khám phá cách thức ứng phó với các tình huống khó khăn hoặc thử thách của mỗi người. AQP QuickTake 1.0 gồm 20 tình huống giả định và câu hỏi kèm theo cho mỗi tình huống. 20 tình huống này phản ánh 4 thành phần của AQ (AQ thành phần) là C (Control: Khả năng kiểm soát)), O (Ownership: Khả năng nhận trách nhiệm), R (Reach: Khả năng khống chế mức độ và phạm vi ảnh hưởng của nghịch cảnh) và E (Endurance: Nhận thức về thời gian ảnh hưởng của nghịch cảnh). Sinh viên được yêu cầu tự đánh giá mức độ đã thực hiện 20 tình huống đó trên thang lưỡng cực gồm 5 mức (từ 1 = không chịu bất cứ trách nhiệm nào đến 5 = chịu hoàn toàn trách nhiệm). Mức đo 1, 2, 3, 4, 5 đồng thời là điểm số cho câu trả lời đó và điểm AQ là tổng điểm của các tình huống thành phần. Tổng điểm AQ cao phản ánh những người có bản lĩnh kiên cường, khả năng vượt khó cao. Kết quả kiểm tra độ tin cậy và tính hiệu lực của bảng hỏi cho thấy bảng hỏi có độ tin cậy và tính hiệu lực phù hợp (chỉ số Cronbach Alpha là 0,70; trọng số của mỗi câu, kết quả KMO, phép thử Barlett đều thỏa mãn yêu cầu). Số liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS phiên bản 16.0. KHẢ NĂNG VƯỢT KHÓ CỦA SINH VIÊN THIỆT THÒI... 105 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Khả năng vượt khó của sinh viên thiệt thòi 3.1.1. Chỉ số AQ của sinh viên thiệt thòi trường Đại học Sư phạm và Đại học Nông Lâm – Đại học Huế a. Điểm AQ chung Kết quả hiển thị ở bảng 1 cho thấy điểm trung bình AQ chung cho toàn mẫu là 124, ở mức trung bình thấp và thấp hơn so với điểm AQ trung bình trên thế giới (AQ trung bình là 147) [6] cũng như điểm AQ trung bình của nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế (AQ trung bình là 135) [7]. Như vậy, có thể thấy, dù có thể phải đối diện với nhiều khó khăn hơn, mức độ khó khăn cao hơn so với những sinh viên khác, khả năng vượt khó của SVTT lại hạn chế hơn. Điều này gây bất lợi “kép” đối với SVTT, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tinh thần, kết quả học tập và có thể cả sự thành công trong tương lai. Bảng 1. Điểm AQ chung của sinh viên thiệt thòi ĐTB AQ Chung ĐLC Min Max Tần suất 40 - 119 (AQ thấp) 120 – 149 (AQ trung bình) 150 – 200 (AQ cao) N % N % N % 124 20,7 40 178 156 36 231 53 50 11 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình; ĐLC: Độ lệch chuẩn; Min: Giá trị nhỏ nhất; Max: Giá trị lớn nhất; N: Số lượng Bảng 1 cũng cho thấy SVTT đạt AQ cao chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Đây là những người luôn cố gắng vượt qua mọi trở ngại, luôn học hỏi, rèn luyện bản thân một cách kiên định, cố gắng thay đổi, cải thiện tình thế để đạt kết quả tốt nhất. Chính vì vậy, đây có thể là những cá nhân có nhiều khả năng thành công trong học tập hiện tại và trong cuộc sống tương lai. Bên cạnh đó, hơn một nửa SVTT trong nhóm khảo sát có chỉ số AQ ở mức trung bình. Nhóm sinh viên này thường là những người dễ thỏa hiệp, dễ hài lòng với bản thân và không thực sự nỗ lực hết mình để vượt qua những thử thách lớn lao. Điều đáng lưu ý là còn một tỉ lệ khá lớn SVTT có chỉ số AQ thấp, chiếm 36%. Đây là một tỉ lệ đáng lo ngại bởi nó cao hơn nhiều so với 16% của sinh viên ngoại ngữ [7]. Những người có chỉ số AQ thấp thường không dám đối đầu với nghịch cảnh, dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ mục đích, nhiệm vụ khi gặp khó khăn, từ đó dễ dẫn đến thất bại. Chính vì vậy, những người có chỉ số AQ thấp cần được hỗ trợ để rèn luyện nâng cao kỹ năng vượt khó để có thể tồn tại và phát triển trong xã hội. Điều này càng đặc biệt quan trọng với SVTT bởi nhóm sinh viên này thường có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với những sinh viên khác. TRẦN THỊ TÚ ANH – NGUYỄN THỊ DIỄM HẰNG 106 Như vậy, kết quả cho thấy, nhìn chung, phần lớn SVTT trong nhóm khảo sát đã có khả năng vượt khó từ mức trung bình trở lên, nhờ đó, họ có thể vượt qua những thử thách trong học tập, các mối quan hệ xã hội và những khó khăn tâm lý tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, vẫn còn một tỉ lệ khá lớn SVTT cần được hỗ trợ để nâng cao khả năng vượt khó. b. Các AQ thành phần Bảng 2. Điểm AQ thành phần của sinh viên thiệt thòi ĐTB AQ thành phần ĐLC Min Max Tần suất 5 – 11 (Thấp) 12 – 18 (Trung bình) 19 – 25 (Cao) N % N % N % C 15,8 3,45 5 24 43 10 272 62 122 28 O 15,8 3,45 5 24 50 12 285 65 102 23 R 15,9 3,90 5 24 56 13 260 59 121 28 E 14,6 3,68 5 25 92 21 282 65 63 14 Kết quả ở bảng 2 cho thấy điểm AQ thành phần ở bốn AQ thành phần, C, O, R, E đều ở mức Trung bình. Các chỉ mục C, O, R có chỉ số AQ trung bình ở mức tương đương và sự khác biệt trong tỉ lệ SVTT ở các nhóm có AQ thành phần Thấp, Trung bình và Cao là không đáng kể. Như vậy, kết quả cho thấy đa số SVTT đã có khả năng kiểm soát nghịch cảnh, nhận trách nhiệm và khống chế nghịch cảnh, chỉ khoảng 10% SVTT có mức Thấp ở những chỉ mục này. Bảng số liệu trên cũng cho thấy chỉ mục E có điểm trung bình thấp hơn so với các chỉ mục khác. Trong đó, tỉ lệ SVTT có điểm ở mức Thấp gần/hơn gấp hai lần so với tỉ lệ này ở các chỉ mục C, O, R. Ngược lại, tỉ lệ SVTT có điểm ở mức Cao lại chỉ khoảng một nửa của tỉ lệ này ở các chỉ mục C, O, R. So sánh với kết quả thu được trong nghiên cứu của Nguyễn Phước Cát Tường và Trần Thị Tú Anh [7] cho thấy tỉ lệ sinh viên có điểm Cao ở chỉ mục E ở nhóm SVTT thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ này ở nhóm sinh viên ngoại ngữ (14% ở SVTT so với 37% ở sinh viên ngoại ngữ). Như vậy, có thể thấy, trong khi chỉ có 14% SVTT thực sự lạc quan khi đối diện với khó khăn, cho rằng khó khăn sẽ qua nhanh để duy trì hy vọng thì có hơn 1/5 SVTT bi quan, cho rằng nghịch cảnh kéo dài và tiếp tục ảnh hưởng đến cá nhân. Đây là một vấn đề cần được quan tâm, bởi cái nhìn bi quan, tiêu cực về ảnh hưởng lâu dài của nghịch cảnh không chỉ khiến SVTT lo lắng, buồn phiền mà còn làm giảm ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Những biện pháp tác động nhằm nâng cao khả năng vượt khó cho SVTT cần lưu ý cải thiện nhận thức của họ về tính bền vững của nghịch cảnh. KHẢ NĂNG VƯỢT KHÓ CỦA SINH VIÊN THIỆT THÒI... 107 3.1.2. Sự khác biệt trong khả năng vượt khó của SVTT xét theo giới, năm học, trường Xét theo giới, kiểm định t cho hai mẫu độc lập cho thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ SVTT trong chỉ số vượt khó, như được trình bày ở bảng 3. Nhìn chung, nữ SVTT có khả năng vượt khó cao hơn nam SVTT, tuy nhiên, sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê chỉ thể hiện ở chỉ số C và O. Bảng 3. Khả năng vượt khó của SVTT theo giới tính Loại chỉ số Nam Nữ t(435) TBC ĐLC TBC SD C 15,4 3,76 16,0 3,19 1,84* O 15,4 3,76 16,0 3,19 1,84* R 15,8 4,26 16,1 3,66 0,87 E 14,4 3,75 14,7 3,63 0,75 AQ chung 122,4 22,1 126,1 19,6 1,82 Ghi chú: *: p < 0,05 Kết quả cho thấy, nữ SVTT có khả năng kiểm soát khó khăn và khả năng nhận trách nhiệm cao hơn nam SVTT. Điều này thể hiện, nữ SVTT tác động nhiều hơn đến tình huống khó khăn, cố gắng để thay đổi nó; sẵn sàng nhận trách nhiệm để cải thiện tình huống khó khăn, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm của mình để cải thiện tình hình. Đây là những điểm tích cực trong khả năng vượt khó của nữ SVTT so với nam SVTT. Những đặc điểm này phần nào gắn với đặc điểm của người phụ nữ Á Đông, đó là, trông yếu ớt về thể chất nhưng lại mạnh mẽ về tinh thần, chịu thương, chịu khó, chịu áp lực, sẵn sàng đối diện với khó khăn, tìm cách cải thiện tình hình (Yiu (2005), Chen và các cộng sự (2009). Bảng 4. Khả năng vượt khó của SVTT dưới lát cắt trường AQ Nông Lâm Sư phạm t(435) TBC SD TBC SD C 15,7 3,68 15,9 3,20 0,69 O 15,7 3,68 15,9 3,20 0,69 R 16,1 4,00 15,8 3,85 1,02 E 14,8 3,57 14,8 3,79 1,02 Chung 122,4 21,40 124,8 21,40 20,0 TRẦN THỊ TÚ ANH – NGUYỄN THỊ DIỄM HẰNG 108 Xét theo trường, kiểm định t (ở Bảng 4) cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê trong các chỉ mục cũng như chỉ số AQ chung giữa 2 trường. Có nghĩa, khả năng vượt khó chung cũng như khả năng vượt khó ở từng chỉ mục của SVTT Trường Đại học Sư phạm và SVTT Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế là tương đương. Kết quả này có thể xuất phát từ sự tương đồng trong nhiều mặt giữa SVTT của hai trường như tuổi đời, hoàn cảnh sống, xuất thân, khó khăn... Xét theo năm học, kết quả ở bảng 5 cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong chỉ số C và O giữa SVTT của ba khối, năm 1, năm 2 và năm 3, của hai trường. Kiểm định Posthoc LSD cho thấy, SVTT năm 1 và năm 2 có khả năng kiểm soát khó khăn và khả năng nhận trách nhiệm cao hơn SVTT năm 3. Bảng 5. Khả năng vượt khó của SVTT theo năm học AQ Năm 1 Năm 2 Năm 3 F(2,436) Sự khác biệt (a) TBC ĐLC TBC ĐLC TBC ĐLC C 16,4 3,30 16,0 3,49 15,1 3,44 5,38* 1,2>3 O 16,4 3,30 16,0 3,49 15,1 3,44 5,38* 1,2>3 R 15,7 3,76 16,0 3,97 16,1 4,03 0,34 E 14,6 3,82 14,6 3,54 14,4 3,72 0,14 Chung 126,6 18,7 125,6 20,8 121,8 21,9 2,18 Chú thích:*: p < 0,05; (a) : SVTT khối lớp 1, 2 và 3 Kết quả về sự khác biệt giữa SVTT các khối lớp cần được lý giải và vận dụng một cách thận trọng. Mức độ khó khăn mà SVTT phải đối diện có thể là một trong những yếu tố cần phải xem xét. Nghiên cứu về khó khăn của SVTT [1] cho thấy, SVTT năm 2 có mức độ khó khăn cao hơn SVTT năm 3 ở khá nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong học tập, thích ứng với cuộc sống khi học đại học; SVTT năm 1 có khó khăn nhiều hơn SVTT năm 3 trong việc tiếp thu bài trên lớp, với việc giảng dạy của giảng viên, nhưng ít khó khăn hơn trong những lĩnh vực liên quan đến quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, kinh nghiệm đối diện với khó khăn của cá nhân có thể là yếu tố khác cần quan tâm. Kinh nghiệm thực tế cho SVTT năm 3 thấy, trong nhiều trường hợp, bản thân họ không thể kiểm soát được khó khăn và việc cải thiện tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát, ngoài trách nhiệm của họ. Việc trải nghiệm những thất bại khi đối diện với khó khăn của SVTT có thể làm giảm đi mức độ tự đánh giá của họ về khả năng vượt khó của bản thân, giảm lòng tin vào năng lực của bản thân (self-efficacy) trong việc kiểm soát khó khăn. 4. KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu cho thấy phần đông SVTT đã có khả năng vượt khó từ mức Trung bình đến Cao. Cụ thể hơn, phần đông SVTT đã có khả năng kiểm soát khó khăn, khả năng nhận trách nhiệm của mình để cải thiện tình hình, khả năng khống chế mức độ và KHẢ NĂNG VƯỢT KHÓ CỦA SINH VIÊN THIỆT THÒI... 109 phạm vi ảnh hưởng của tình huống khó khăn và có nhận thức phù hợp về thời gian ảnh hưởng của nghịch cảnh. Những khả năng này giúp SVTT có thể vượt qua trở ngại, thách thức trong thời gian học ở đại học trong hiện tại và trong cuộc sống, sự nghiệp trong tương lai. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy còn một tỉ lệ khá cao SVTT có khả năng vượt khó thấp. Đây là những người thiếu động cơ, năng lượng và sự kiên định để đối đầu với khó khăn, cải thiện tình hình để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong học tập và cuộc sống. Những SVTT có khả năng vượt khó thấp thường dễ từ bỏ mục đích phấn đấu, từ bỏ hy vọng khi gặp khó khăn, trở ngại, từ đó, khó có thể thành công trong học tập và cuộc sống. Khó khăn là yếu tố không thể loại bỏ hoàn toàn trong cuộc sống, bởi khó khăn này qua đi, được giải quyết thì khó khăn khác lại có thể đến. Bởi vậy, hỗ trợ SVTT không phải nhằm mục đích giúp họ giải quyết từng khó khăn cụ thể mà cần hướng đến việc giúp họ cải thiện, phát huy và sử dụng hiệu quả khả năng vượt khó của mình. Từ kết quả nghiên cứu đã trình bày ở trên, chúng tôi thiết nghĩ một trong những việc cần thiết là xác định khả năng vượt khó của SVTT, từ đó đề xuất hướng tác động phù hợp với khả năng vượt khó của họ. Với nhóm SVTT có khả năng vượt khó cao, chúng ta cần tạo điều kiện, bồi dưỡng và khuyến khích họ phát huy khả năng vượt khó hiện tại của bản thân. Yêu cầu cao trong học tập và hoạt động đối với những SVTT này sẽ là những cơ hội tốt để họ rèn luyện, vượt qua thử thách và phát triển. Với nhóm SVTT có khả năng vượt khó trung bình, một mặt, cần hỗ trợ họ sử dụng khả năng hiện có của mình để vượt qua khó khăn, mặt khác, tác động để học cải thiện mức độ phát triển của khả năng vượt khó của bản thân. Với nhóm SVTT có khả năng vượt khó thấp, sự hỗ trợ cần hướng đến cả mục tiêu gần và mục tiêu xa. Mục tiêu gần là hỗ trợ SVTT vượt qua khó khăn trong hiện tại nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nghịch cảnh đến hoạt động học tập, đời sống tinh thần của họ. Mục tiêu xa là tác động nhằm nâng cao khả năng vượt khó của SVTT có khả năng vượt khó thấp, để họ có thể tự thân vận động, tự vượt qua khó khăn trong tương lại. Trong hai mục đích này, mục đích xa là quan trọng hơn. Bên cạnh đó, cần xem xét yếu tố giới tính, năm học khi đánh giá và tác động đến khả năng vượt khó của SVTT. Kết quả nghiên cứu này cũng khuyến cáo các nhà nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu về tính khả dụng của khái niệm khả năng vượt khó cũng như của công cụ đánh giá khả năng vượt khó để có được những kết luận tổng quát xác đáng và đề xuất sử dụng chúng rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Những nghiên cứu này có thể hướng đến việc mở rộng các nhóm khách thể, tạo sự phong phú, đa dạng về vùng miền, ngành nghề, thành phần xã hội; cũng có thể hướng đến mối quan hệ giữa khả năng vượt khó với những yếu tố tâm lý, văn hóa, xã hội khác. TRẦN THỊ TÚ ANH – NGUYỄN THỊ DIỄM HẰNG 110 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Thị Tú Anh (2010). Những khó khăn của “sinh viên thiệt thòi” trong thời gian học tại Đại học Huế. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, Số 62A, 5-16 [2] Quang Dương (2003), “Chỉ số AQ – Bản lĩnh vào đời”. Truy cập ngày 18/03/2012 từ [3] Hauser, S. T. & Allen, J. P. (2006). Overcoming adversity in adolescence: Narratives of resilience. Psychoanalytic Inquiry, 26 (4), 546-576. [4] Lazaco – Capones, A. (2004), Adversity Quotient and the performance level of selected middle managers of the different departments of the city of Manila as review by the – 360 degree feedback system, Manila: De La Salle University. [5] Osborn, N. (2006), “AQ - Adversity Quotient: A Complement to Emotional Intelligence”. Truy cập ngày 18/3/2012 từ [6] Stoltz, P. (1997), AQ: Turning obstacles into opportunities, Harper Collins Publishers, Inc. [7] Nguyễn Phước Cát Tường, Trần Thị Tú Anh (2011), Trắc nghiệm chỉ số AQ, AQ Profile Quicktake – Phiên bản 1.0, Báo cáo Khoa học hội nghị quốc tế lần thứ 2 về Tâm lý học đường ở Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu và thực hành tâm lý học đường tại Việt Nam, NXB Đại học Huế, tr. 513-524. [8] Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thị Thủy (2010), Tìm hiểu những khó khăn và biểu hiện vượt khó ở người khuyết tật vận động, Tạp chí Tâm lý học, số (10), 7-11. Title: THE ADVERSITY QUOTIENT OF DISADVANTAGE STUDENTS IN COLLEGE OF EDUCATION AND COLLEGE OF AGRICULTURE AND FORESTRY AT HUE UNIVERSITY Abstract: The adversity quotient is one of the important factors, contributing to the success in life. So, studying the situation of adversity quotient and then proposing suggestions to develop the adversity quotient for the young generation should be a major concern. Research results of this study showed that the adversity quotient of many disadvantaged students in College of Education and College of Agriculture and Forestry at Hue University was still low. Appropriate encouragement and interventions to help disadvantaged students improve their ability to control adversity, to perceive the responsibility for the adversity, to restrain the affect of adversity and to perceive the endurance of adversity will help to attain the sustainability of supports for disadvantage students. PGS. TS. TRẦN THỊ TÚ ANH Phòng Khoa học - Công nghệ - Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Email: tuanh.tran@yahoo.com ThS. NGUYỄN THỊ DIỄM HẰNG Trường Đại học Quảng Bình Email: diemhangqb.10@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf7_93_tranthituanh_nguyenthidiemhng_16_co_tu_anh_1335_2020914.pdf
Tài liệu liên quan