Kết cấu là phạm trù nằm ở trung tâm những nghiên cứu có tính nội quan về tác
phẩm văn học (thi pháp học, ký hiệu học, tự sự học ). Coi tác phẩm văn học trước
hết là một văn bản, một phức thể cấu thành nên từ những cấp độ vật liệu khác nhau,
những nghiên cứu này cho phép tháo dỡ toàn bộ cấu trúc tác phẩm, nhận diện những
lớp thành tố cấu thành nên phức thể và kết cấu chính là những nguyên tắc kết hợp các
lớp thành tố cấu thành đó. Với một cách quan niệm như vậy thì kết cấu là một phạm
trù cần phải được tính đến khi nghiên cứu tác phẩm văn học về mặt ngữ nghĩa (sự kết
hợp tổ chức hệ chủ đề và hệ đề tài, hệ thống nhân vật, hệ thống tình tiết của cốt
truyện .) cũng như về mặt hình thức nghệ thuật (nguyên tắc kết hợp các phương thức
tự sự, những kỹ thuật hình thức ). Và cũng chính vì tầm quan trọng nói trên nên tất
cả những giáo trình lý luận văn học khi đề cập đến bản chất nội tại của tác phẩm văn
học đều đề cập đến phạm trù kết cấu.
28 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 5946 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Kết cấu truyện ngắn Thạch Lam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nhân quả của sự kiện
hiện thực[1]. Bên cạnh trục phân tích “ngữ pháp” còn tồn tại một số trục phân tích kết
cấu tự sự khác. Khoa học ngữ văn hiện đại cung cấp những công cụ mới để tìm hiểu
sâu sắc hơn bản chất của tác phẩm văn học. Theo chúng tôi, bản chất lao động của
người viết tự sự không chỉ gói gọn trong việc sắp xếp những tình tiết của cốt truyện
thành một văn bản tự sự. Tương tự như trong một phát ngôn, có nhiều cách thức khác
nhau để biểu đạt một hiện tượng, đặc biệt, để “móc” thêm những thông tin vào mã
ngôn ngữ (những phương thức tu từ), trong tự sự, người nghệ sĩ phải đứng trước một
dãy các kỹ thuật hình thức mà anh ta bắt buộc phải lựa chọn để mã hóa hiện thực hư
cấu (câu chuyện) thành một văn bản tự sự (một truyện). Anh ta phải lựa chọn cho
mình một “chiến lược” trần thuật trong việc tổ chức những điểm nhìn nghệ thuật –
tương tự như người họa sĩ cần lựa chọn một góc nhìn để quan sát đối tượng (có thể là
một, cố định như trong hội họa “cổ điển” hoặc nhiều như trong hội họa lập thể). Anh
ta phải tổ chức và phối hợp các không gian tồn tại của hiện thực (các kiểu không gian
nghệ thuật); phải bố trí, sắp đặt các tình tiết và sự xuất hiện các tình tiết; phải làm chủ
thời gian nghệ thuật của văn bản (tạo ra độ căng cho trần thuật bằng dòng sự kiện
hoặc tạo ra các điểm dừng trần thuật bằng các đoạn miêu tả, các đoạn đan xen các
“cảnh” độc thoại nội tâm hoặc đối thoại, các trường đoạn phân tích tâm lý). Như vậy,
theo chúng tôi, kết cấu của một tác phẩm không chỉ bao hàm việc sắp đặt một bố cục
các tình tiết, sự kiện mà còn bao hàm cả việc sử dụng và tổ chức, phối hợp các kỹ
thuật trần thuật để tạo nên một công trình nghệ thuật nhân tạo mang dấu ấn của
sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ (chúng tôi nhấn mạnh). Trong những chương
trên, chúng tôi đã khảo sát hệ thống nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ
thuật (chủ yếu với tư cách đối tượng được phản ánh – một thứ hình tượng nghệ thuật
đặc thù). Trong chương này, chúng tôi tập trung giải quyết một số vấn đề sau :
- Khuynh hướng thu hẹp thời gian cốt truyện và việc tổ chức các cảnh trong
truyện ngắn Thạch Lam
- Sự tổ chức và đan xen các không gian tồn tại của nhân vật
- Hệ thống tình tiết, những đặc điểm và chức năng của tình huống và biến cố
trong truyện ngắn Thạch Lam
- Các hình thức trần thuật và sự phối hợp các hình thức trần thuật
Giải quyết thấu triệt những vấn đề trên, theo chúng tôi sẽ cho phép nhận diện
được những đặc điểm của truyện ngắn Thạch Lam từ góc độ loại hình thể loại.
1. Khuynh hướng thu hẹp thời gian cốt truyện, trần thuật thuần túy, trần
thuật kịch hóa và trần thuật thơ hóa.
1.1.Trong quá trình khảo sát truyện ngắn Thạch Lam, nếu lấy trục thời gian cốt
truyện được tái hiện trong văn bản[2] tự sự làm tiêu chí, có thể dễ dàng dựng lên một
trục sơ đồ phân loại. ở một đầu của trục, gần dương vô cực (ứng với độ dài thời gian
lớn nhất) là truyện Hai lần chết và ở phía ngược lại (ứng với độ dài thời gian ngắn
nhất) là truyện Hai đứa trẻ hoặc Tối ba mươi. Trong truyện Hai lần chết, nhà văn đã
“gói” một quãng đời gần hai mươi năm của một cô gái trẻ (Dung) vào một dung lượng
ngôn ngữ hơn 6 trang in[3] trong khi đó, ở những truyện sau, trong một dung lượng
ngôn ngữ gần tương đương, thậm chí lớn hơn (5 trang đối với truyện Tối ba mươi và 7
trang đối với truyện Hai đứa trẻ) tác giả lại tập trung đặc tả một thời đoạn ngắn (từ
lúc bắt đầu buổi tối đến thời khắc giao thừa trong truyện Tối ba mươi và từ lúc chiều
buông đến lúc tàu đêm đi qua trong truyện Hai đứa trẻ) trong cuộc đời của nhân vật.
Dựa vào tiêu chí thời gian nói trên, chúng tôi đã dựng lên bản phân loại truyện ngắn
Thạch Lam như sau :
Độ dài
thời gian
Tên truyện Số lượng Tỷ lệ (trên
tổng số 23
truyện)
Duới một
ngày
Sợi tóc, Tối ba mươi, Dưới bóng hoàng lan,
Cuốn sách bỏ quên, Trong bóng tối buổi chiều,
Hai đứa trẻ, Người đầm, Gió lạnh đầu mùa,
Đói, Người lính cũ, Người bạn cũ, Một đời
người, Trở về, Tiếng chim kêu
14 Trên 60 %
Vài ngày Một cơn giận 1 Gần 4,3%
Vài tháng Đứa con đầu lòng, Người bạn trẻ, Cái chân
què
3 Gần 13 %
Nhiều Cô hàng xén, Nhà mẹ Lê, Tình xưa, Hai lần 5 Trên 21%
năm chết, Đứa con
Nhìn vào bảng phân loại nói trên, có thể thấy có một khuynh hướng diễn ra
trong truyện ngắn Thạch Lam : khuynh hướng thu hẹp thời gian cốt truyện tái hiện
trong tự sự. Tuyệt đại bộ phận truyện ngắn Thạch Lam đều chỉ tập trung đặc tả những
khoảnh khắc sống (một buổi chiều, một buổi đêm, gần trọn một ngày, từ sáng đến
chiều) trong cuộc đời của một nhân vật. Khoảnh khắc trong ý nghĩa đối lập với độ dài
dằng dặc của một kiếp người. Đó là chưa kể đến hiện tượng tỉnh lược thời gian trong
nội bộ văn bản tự sự. Truyện ngắn Trở về là một ví dụ. Trong một truyện ngắn dài 5
trang rưỡi, tác giả kể lại một cuộc trở về (mà thực chất là một cuộc chạy trốn và chối
bỏ quá khứ khốn khổ) thăm lại ngôi nhà cũ và bà mẹ già của một thanh niên thành đạt
từ thành phố. Thời gian trong truyện ngắn kéo dài trong gần nửa ngày (từ buổi sáng
khi Tâm cùng vợ về thăm nhà và mẹ) cho đến buổi chiều (khi anh ta phóng xe chạy
trốn khỏi phố huyện) tuy nhiên phần chính của câu chuyện (3 trang văn bản) rơi vào
cuộc trở về và cuộc trò chuyện nhạt nhẽo của Tâm và mẹ (chỉ diễn ra trong khoảng
vài tiếng). Chính sự đối lập về nhịp điệu trần thuật (dành một dung lượng lớn ngôn
ngữ để tái hiện chi tiết một sự kiện trong khi đó lại lược bỏ hoặc chỉ dành một số
lượng ngôn ngữ hạn chế cho những sự kiện khác) đã tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ :
cảm giác đối lập giữa sự nặng nề của cuộc gặp gỡ và sự vội vã của cuộc tháo chạy
khỏi quá khứ hiển hiện dưới hình ảnh người mẹ và cô gái hàng xóm (diễn ra ở phần
kết truyện). Có thể nói khuynh hướng thu hẹp thời gian cốt truyện tái hiện trong tự sự
là một khuynh hướng đặc thù của tự sự nghệ thuật hiện đại. Tự sự vốn tự bản chất là
những cuộc phiêu lưu, những “lịch sử”, nhưng song song song cùng những cuộc phiêu
lưu trong mênh mông không gian (tự nhiên và xã hội) và dằng dặc thời gian, những
“lịch sử” của một số phận, một dòng họ, một dân tộc, một con đường đi khác của tự
sự, đặc biệt là tự sự hiện đại (kể cả tiểu thuyết và truyện ngắn) là phóng to, “cắt lớp”
(scan) những khoảnh khắc sống, những khúc đoạn ngắn ngủi trong cuộc đời của nhân
vật để từ đó tái hiện thế giới, đặc biệt là thế giới tâm lý của con người. Tự sự Việt
Nam (đặc biệt là Tự lực văn đoàn[4]) không nằm ngoài quy luật đó và truyện ngắn
Thạch Lam không phải là một biệt lệ. Đương nhiên, ở đây cũng không thể không tính
tới một phương diện khác : bản chất thể loại. Bản chất là một thể loại ngắn của truyện
ngắn, đặc biệt là truyện ngắn hiện đại càng bắt buộc nhà văn đi vào những khoảnh
khắc có tính “khủng hoảng” nhất trong cuộc đời của nhân vật để từ đó tạo nên một ấn
tượng thẩm mỹ thống nhất, đơn nhất và gây sốc cho người đọc. Có thể nói phương
diện trên của thời gian nghệ thuật đã chi phối sâu sắc kết cấu truyện ngắn Thạch Lam,
đặc biệt là việc lựa chọn và tổ chức những phương thức trần thuật.
1.2. Ngay trong giai đoạn sơ khởi của mỹ học và lý luận văn học phương Tây,
đã xuất hiện những xung đột giá trị xoay quanh hai phạm trù hạt nhân trong tư tưởng
mỹ học của hai cây đại thụ của tư tưởng phương Tây : Aristote và Platon. Từ điểm
nhìn của một nhà khoa học nghiên cứu tự nhiên, coi việc bắt chiếc, mô phỏng là một
phần thuộc về bản tính tự nhiên của nhân loại, Aristote đề cao những thể loại mang
tính mimêsis (bắt chiếc, mô phỏng) thuần túy mà đỉnh cao là bi kịch (tragédie). Trong
khi đó, là một nhà triết học lập pháp và đạo đức, Platon lại đề cao những thể loại có
tính diégès (kể, trần thuật) mà điển hình là các anh hùng ca (épopée) của Homère[5].
Bắt đầu từ đó, mimêsis và diégès trở thành những phạm trù có ý nghĩa nòng cốt của
mỹ học và lý luận văn học phương Tây được tái sử dụng (đương nhiên với những hàm
nghĩa mới[6]) cho đến tận ngày nay. Những khái niệm đó đặc biệt có ý nghĩa trong
nghiên cứu tự sự học[7]. Nó chỉ ra hai hành vi có tính bản thể của bất cứ một tự sự
nào : kể và tả, hay chính xác hơn, tái tạo, tái hiện. Là một trong ba phương thức
sáng tạo văn học chủ đạo (tự sự, trữ tình, kịch), bản chất của một tự sự là một hành vi
kể nghĩa là tái tạo lại trong một diễn ngôn một chuỗi hành động và biến cố diễn ra
trong một không gian và một thời gian xác định qua khúc xạ ý thức của một nhân vật
hư cấu (nhân vật người trần thuật – narrateur). Tuy nhiên, trong quá trình trần thuật,
người trần thuật thường phải đi ra ngoài hành vi có tính bản thể của mình. Anh ta
phải tái hiện lại những dấu hiệu của không gian bối cảnh nơi câu chuyện diễn ra, phải
dựng lên các chân dung nhân vật và đan xen vào diễn ngôn những phát ngôn (đối
thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm) của nhân vật. Như vậy là anh ta phải vay mượn
các kỹ thuật hoặc của kịch, hoặc trữ tình. Và như lịch sử tự sự của các dân tộc trên
thế giới đã chứng tỏ con đường đi của tự sự dẫn từ một thể loại trần thuật thuần túy
(nghĩa là thuần túy díegès) sang một thể loại vừa trần thuật vừa mô phỏng (nghĩa là
vừa mang tính díegès, vừa mang tính mimêsis), thậm chí thuần túy mô phỏng (như
khát vọng của các nhà Tiểu thuyết mới). Với hình dung đó, chúng ta mới hiểu hết
tuyên ngôn có ý nghĩa như một cuộc cách mạng của Stendhal trong Đỏ và đen : “Tiểu
thuyết : đó là một cái gương mà người ta kéo đi dọc đường”[8]. Hai phạm trù trên đã
cung cấp cho chúng tôi những công cụ lý luận để phân tích kết cấu tự sự của Thạch
Lam : trần thuật thuần túy và trần thuật kịch hóa. Đương nhiên, ở đây, cũng phải tính
đến một phạm trù hầu như hoàn toàn vắng bóng trong mỹ học của cả Aristote và
Platon nhưng lại đặc biệt có sức nặng trong những giai đoạn phát triển tiếp theo của
văn học và đặc biệt văn học các nước phương Đông : trữ tình. Chính vì vậy, bên cạnh
phương thức trần thuật thuần túy và trần thuật kịch hóa, chúng tôi đề xuất thêm một
hình thức trần thuật thứ ba : trần thuật thơ hóa.
Một trong những đơn vị kết cấu mà chúng tôi lấy làm hệ quy chiếu để phân tích
và phân loại các kiểu kết cấu truyện ngắn Thạch Lam là khái niệm cảnh. Cảnh là một
khái niệm có nguồn gốc từ nghệ thuật sân khấu. ở phương Tây, khái niệm cảnh
(scène) có nguồn gốc từ tiếng Hylạp, với nguyên nghĩa là sân khấu, nhà hát bằng gỗ
tạm phía sau dàn đồng ca nơi trên đó người ta trình diễn kịch. Sau này khái niệm cảnh
được nghệ thuật kịch cổ điển châu Âu sử dụng lại để chỉ một đơn vị kết cấu của một
vở kịch cấu thành nên các hồi (acte) đánh dấu bằng sự xuất hiện hoặc sự đi ra của một
nhân vật. Trong ý nghĩa hiện đại, đơn vị cảnh không được định nghĩa bằng những dấu
hiệu hình thức mà bằng nội dung chức năng hành động. Cảnh là một hành động liên
tục và phát triển, cấu thành nên một tổng thể và bản thân nó là thành phần của một
chuỗi hành động chung, một cốt truyện. Cảnh được hiểu trước hết ở tính thống nhất,
đó là một mảnh hoàn chỉnh và độc lập của một toàn thể[9]. Không quá lệ thuộc vào
tiêu chí nội dung chức năng hành động, chúng tôi cho rằng cảnh là đơn vị kết cấu chỉ
một hành động trong một chuỗi hành động cốt truyện được tác giả “phóng to”, tái hiện
chi tiết không gian, hành động, phát ngôn, tâm trạng của nhân vật và được giới hạn
trong một bối cảnh không thời gian giới hạn. Đương nhiên, tùy theo nội dung hành
động trung tâm của cảnh (xung đột hay suy tư, tâm trạng) mà người ta có thể phân
chia thành cảnh có tính trữ tình hoặc tính kịch. Dựa trên khái niệm cảnh, có thể phân
thành ba hình thức kết cấu trần thuật chủ yếu của truyện ngắn Thạch Lam : trần thuật
thuần túy, trần thuật kịch hóa và trần thuật thơ hóa. Đương nhiên, không thể bỏ qua là
các hình thức trần thuật có tính trung gian.
1.1. Trần thuật thuần túy. Điển hình cho hình thức trần thuật này là các truyện
ngắn Hai lần chết (1 truyện trên tổng số 23 truyện – 4%). Toàn bộ truyện ngắn giống
như một bản ghi tóm tắt cuộc đời của một cô gái trẻ (Dung), sinh ra như một người
thừa trong gia đình, được nuôi dưỡng như một con vật trong gia đình, bị gả bán, tự tử
(nhưng không chết) và cuối cùng sống mòn trong gia đình nhà chồng. Do tái hiện một
độ dài thời gian dài (nhiều chục năm trong đời một cô gái) trong một văn bản có giới
hạn (6 trang rưỡi), nhà văn hầu như không dừng lại tái hiện những hành động chủ yếu
và toàn bộ truyện kể giống như một chuỗi hành động thoáng qua về cuộc đời của một
con người. Khái niệm cảnh hầu như không có ý nghĩa trong hình thức trần thuật này.
Chính tính chất giản lược đó của văn bản tự sự đã khiến tác phẩm có hình dáng của
một truyện kể bởi tính ước lệ của sự miêu tả và tái hiện. Có thể nói Hai lần chết là
truyện ngắn mang tính trần thuật thuần túy nhất trong số các truyện ngắn của Thạch
Lam.
1.2. Trần thuật kịch hóa. Đây là một trong những hình thức trần thuật khá phổ
biến trong truyện ngắn Thạch Lam (18 truyện trên tổng số 23 truyện – 78%). Đối lập
với hình thức trần thuật thuần túy, trần thuật kịch hóa lại được xây dựng dựa trên kết
cấu kiểu kịch nghĩa là bao gồm một hoặc nhiều cảnh kết nối với nhau. Số lượng
truyện gồm một cảnh bao gồm 5 truyện : Sợi tóc, Tối ba mươi, Hai đứa trẻ, Người
lính cũ, Tiếng chim kêu. Trong nhóm truyện này, toàn bộ trần thuật được cấu tạo nên
bởi một hành động tiếp diễn duy nhất diễn ra trong một không gian giới hạn (một căn
phòng trong một nhà chứa, phòng ngủ của một tiệm hát cô đầu, một quán hàng nhỏ ở
phố huyện....) trong một giới hạn thời gian nhất định (một tối ba mươi, một buổi chiều
tối đến đêm khuya, một đêm....). Đối lập với các truyện này là các truyện ngắn có hình
thức nhiều lớp cảnh : Dưới bóng hoàng lan, Người đầm, Gió lạnh đầu mùa, Đói, Trở
về, Một cơn giận, Đứa con đầu lòng, Người bạn trẻ, Cái chân què, Cô hàng xén, Nhà
mẹ Lê, Tình xưa, Đứa con (13 truyện). Có ba kiểu quan hệ chính giữa các cảnh : quan
hệ đối chiếu, quan hệ nhân quả và các quan hệ hỗn hợp. Điển hình cho kiểu quan hệ
đối chiếu là truyện ngắn Người bạn trẻ. Trong truyện ngắn, cuộc đời bi thảm của một
thanh niên trẻ (Bào), bị đuổi khỏi trường học, bị gia đình hắt hủi và bị thành phố đóng
sập cửa mọi khả năng tìm kiếm việc làm được tái hiện lại thông qua ý thức của người
trần thuật (ngôi thứ nhất). Toàn bộ truyện ngắn là bốn cuộc gặp gỡ. Trong cuộc gặp
gỡ thứ nhất, trong con mắt của người trần thuật, Bào vẫn còn là “một người nhỏ bé,
bận quần áo ta, miệng cười” và dẫu “có hơi gầy” nhưng vẫn giữ nguyên vẻ “con gái”
của thời thiếu niên. Trong lần gặp thứ hai, khi mà những hy vọng của Bào ở thành phố
tắt dần, “trông anh khác hẳn, người gầy đi một chút, và xanh xao như ốm”, đặc biệt,
“cái áo lương anh mặc đã cũ bạc, vá kín đáo một vài chỗ” và “trên mặt anh có bao
nhiêu nốt lấm châm đỏ dày đực cả hai má” vì nơi anh trọ “không có màn và không
được thoáng”. Đến lần gặp thứ ba, khi cánh cửa cuối cùng của thành phố đóng sập
trước mặt, Bào chỉ còn là một cái xác, “tiếng nói phều phào như người sắp hết hơi”,
trên chiếc xe tay trở về quê. Và thiên truyện kết thúc bằng cảnh cuối cùng là hai đứa
trẻ mang đến những di vật cuối cùng của người đã khuất. Bốn lần gặp gỡ, bốn cảnh
trong một thiên truyện là bốn lần hình ảnh của người thanh niên bất hạnh tàn lụi dần
và biến mất khỏi cuộc sống. Giữa bốn lần gặp gỡ là những khoảng trống được tạo nên
bằng sự tỉnh lược thời gian, những khoảng lặng đầy sức nặng bi thảm của tự sự. Có
thể nói, Người bạn trẻ là truyện ngắn điển hình cho lối kết cấu tự sự được xây dựng
bằng phương thức đặt liền kề các cảnh. ở đây, hiệu ứng thẩm mỹ còn được nhân lên
bằng phép tỉnh lược về mặt thời gian, những “khoảng trống” giữa các cảnh.
1.3. Trần thuật thơ hóa. Chúng tôi muốn bắt đầu bằng một sự đối lập thú vị về
từ nguyên giữa thơ và văn xuôi (nói chung, trong đó có tự sự). Trong các ngôn ngữ
phương Tây văn xuôi (prose) có nguồn gốc từ nguyên từ tiếng Latinh prosa, một từ
hài âm nhẹ nghĩa từ từ gốc prorsa – “đi thẳng” – trong thế đối lập với thơ (vers) bắt
nguồn từ versus gốc từ động từ verto – “quay trở lại”. Nếu như văn xuôi bị chế áp bởi
tính thực dụng nghiệt ngã đi thẳng từ Cái biểu đạt đến Cái được biểu đạt thì thơ ca lại
là một thứ hành ngôn đầy những sự lặp lại, một thứ hành ngôn mê hoặc bằng những
“trò chơi” ngữ âm và nhịp điệu, một hành ngôn nhằm “gợi ra” thay vì “chỉ ra” như
văn xuôi. Trên cơ sở ngữ nghĩa này chúng tôi định danh một phương thức kết cấu tự
sự thứ ba bao gồm bốn truyện ngắn : Cuốn sách bỏ quên, Trong bóng tối buổi chiều,
Người bạn cũ, Một đời người (4 trên tổng số 23 truyện ngắn – 17%). Tương tự như
trần thuật thuần tuý, trần thuật thơ hóa hướng tới sự phá vỡ đơn vị cảnh trong văn bản,
tuy nhiên, nếu như trần thuật kịch hóa xóa nhòa ranh giới các cảnh trong một dòng
chảy đều đặn và tuyến tính của sự kiện thì trần thuật lại phá vỡ cảnh bằng con đường
đảo lộn trật tự không thời gian bằng những dòng chảy của suy tưởng và cảm xúc.
Cuốn sách bị bỏ quên là truyện ngắn điển hình cho kiểu trần thuật này. Toàn bộ
truyện ngắn tái hiện lại hành trình của một nhà văn (Thành) đưa anh từ thành phố về
một ga nào đó nơi anh sống. Cuộc hành trình nối giữa không gian, thành phố là sự vỡ
mộng, khi cuốn sách vừa in bị ném trả lại anh vì không người đọc đóng kín mọi cánh
cửa sự nghiệp với anh còn một đầu kia của cuộc hành trình là nơi trú ẩn của anh, là
“căn phòng nhỏ ấm áp, (...), cái bàn viết có bóng cây trong vườn lung lay trên mặt,
mỗi khi ánh nắng chiếu ngang”. Và cuộc hành trình đó bị “xé nát” bởi những cảm
giác, tâm trạng của anh, cảm giác về “cái lạnh thêm thấm thía và ẩm ướt”, là nỗi buồn
“không sâu sắc nhưng êm êm làm tê liệt cả tâm hồn”, là nỗi thất vọng “tràn lên cả tâm
hồn, không chống cự”, là những suy tư về ý nghĩa của nghề viết, là niềm hy vọng, một
niềm hy vọng có thê làm cho tâm hồn yên tĩnh những cũng mong manh như một bầu
trời “mưa bụi đã tạnh từ lâu và nền mây xám tách ra, để lọt một tia nắng vàng dịu lướt
nhẹ trên ruộng mạ xanh non, trong trẻo và mong manh như sắp tắt”. Vỡ vụn bởi
những tâm trạng, cuộc hành trình của Thành mang ý nghĩa biểu tượng cho cuộc đời
của người nghệ sĩ, chất nặng những suy tư và cảm xúc, cheo leo giữa những nỗi thất
vọng và niềm hy vọng vào một sự an ủi của tương lai, là cuộc theo đuổi một cái đích
mãi mãi mong manh phía trước, cheo leo giữa hy vọng và hoang tưởng.
Trên đây là ba hình thức trần thuật chính hiện diện trong truyện ngắn của
Thạch Lam. Những trường hợp được sử dụng phân tích là những trường hợp mang
tính điển hình, khi nhà văn chấp nhận “quyết liệt đi đến cùng” những kỹ thuật hình
thức của mình, trên thực tế tác phẩm, trong nhiều trường hợp đã có sự pha trộn giữa
những hình thức kết cấu nói trên và đương nhiên, để có thể nhận chân được thấu triệt
những nguyên tắc kết cấu truyện ngắn của ông, cần thiết có một sự kết hợp những trục
phân loại khác.
2. Truyện ngắn Thạch Lam nhìn từ kết cấu tổ chức hành động.
Trong phần trên, chúng tôi đã bước đầu soi chiếu kết cấu truyện ngắn Thạch
Lam từ một trục quy chiếu có tính hình thức thuần túy : phương thức phân cảnh. Tuy
nhiên, việc phân định thành những phương thức trần thuật thuần túy, trần thuật kịch
hóa và trần thuật thơ hóa không thể chỉ dựa vào các yếu tố hình thức mà còn phải
được giải quyết trên cả các tiêu chí ngữ nghĩa : tình huống truyện, những hình thức
vận động của các tuyến cốt truyện, ý nghĩa của những biến cố và xung đột truyện.
Giống như trong ngôn ngữ, hành ngôn chỉ có thể được giải mã thấu triệt không chỉ
trên trục ngữ đoạn mà cả trên trục cú pháp hay chính xác hơn, cần có một sự phối hợp
giữa trục cú pháp và trục ngữ nghĩa.
Như chúng tôi đã trình bày, nếu như bản chất của thơ ca là những vận động có
tính quy hồi thì bản chất của văn xuôi (bao trùm cả tự sự) là sự vận động theo đường
thẳng, là sự biến đổi. Chính vì vậy, trong nghiên cứu trần thuật, yếu tố làm nên một
trần thuật chính là đường dây sự kiện, những hành động và những biến đổi và từ góc
nhìn đó, người nghiên cứu tự sự không thể bỏ qua phạm trù tình huống. Tình huống là
yếu tố quyết định sự vận động của đường dây cốt truyện. ở đây, cần có sự phân biệt
giữa tình huống và những phương thức mở đầu một tác phẩm tự sự. Tự sự là hành vi
phản chiếu trong một văn bản một chuỗi hành động, văn bản đó được giới hạn bởi
một mở đầu (incipit) và một kết thúc (excipit). Mở đầu và kết thúc là những thủ pháp
kỹ thuật, là sự lựa chọn có tính “chiến lược” của tác giả tự sự phụ thuộc vào ý đồ thẩm
mỹ của anh ta. Trong khi đó, tình huống là yếu tố thuộc bình diện cốt truyện, nó là
trạng thái khởi đầu quyết định sự vận động của cốt truyện. Xét từ góc độ thủ pháp mở
đầu, đại đa số truyện ngắn Thạch Lam (18 truyện trên tổng số 23 truyện, bao gồm các
truyện Sợi tóc, Cô hàng xén, Tối ba mươi, Dưới bóng hoàng lan, Cuốn sách bị bỏ
quên, Trong bóng tối buổi chiều, Đứa con, Hai đứa trẻ, Người đầm, Gió lạnh đầu
mùa, Người lính cũ, Người bạn cũ, Một đời người, Đói, Người bạn trẻ, Tiếng chim
kêu, Trở về, Đứa con đầu lòng – 78%) được bắt đầu theo kiểu in médias res – khởi
đầu ở chính giữa hành động truyện – một hình thức mở đầu điển hình của truyện
ngắn. Về lý thuyết, đây là cách để tạo nên sự tự nhiên, hiệu ứng “giống như thực” và
là cơ sở để tạo nên độ căng của tự sự. Những truyện ngắn còn lại, hoặc được trình
bày theo kiểu luận đề (gồm các truyện Cái chân què, Một cơn giận) – khởi đầu bằng
một ý tưởng về hiện thực và câu truyện được dẫn ra như một minh họa cho ý tưởng
luận đề – hoặc được trình bày theo kiểu tự sự truyền thống (gồm các truyện Tình xưa,
Hai lần chết, Nhà mẹ Lê) – khởi đầu bằng một giới thiệu tóm tắt về nhân vật và bối
cảnh truyện và sau đó là các lớp sự kiện được trình bày theo mạch thời gian tuyến
tính. Sự đối lập về số lượng giữa các dạng thức khởi đầu tự sự trên đủ cho thấy tính
hiện đại rõ nét trong truyện ngắn Thạch Lam. Tuy vậy, mặc dù là một yếu tố quan
trọng tạo nên các hiệu ứng thẩm mỹ những cách thức mở đầu tự sự không phải là yếu
tố mang tính quyết định.
Yếu tố quy định sự vận động của cốt truyện tự sự chính là tình huống truyện.
Được hiểu như là trạng thái khởi đầu quyết định sự vận động của cốt truyện, có thể
hình dung ra hai dạng tình huống truyện phổ biến trong truyện ngắn Thạch Lam : tình
huống hàm chứa xung đột và tình huống thiếu vắng xung đột. Một số lượng không
nhỏ truyện ngắn của Thạch Lam được khởi đầu bằng một trạng thái thiếu vắng xung
đột. Trường hợp của những truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan hay Người bạn cũ là
những điển hình. Nếu như truyện ngắn Người bạn cũ được khởi đầu bằng một cuộc
gặp gỡ tình cờ giữa hai người bạn từng một thời gắn bó thì truyện ngắn Dưới bóng
hoàng lan được khởi đầu bằng một cuộc trở về với ngôi nhà cũ ở nông thôn của một
người thanh niên (Thanh) từ thành thị. Tự sự mở đầu bằng hành động của Thanh “lách
cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào (ngôi nhà cũ của bà). Chàng thấy mát hẳn
cả người” và toàn bộ tự sự chầm chậm trôi lặng lẽ (vì thiếu những xáo trộn, những
xung đột) trong cái thế giới thanh bình của ngôi nhà cũ, dưới bóng hoàng lan bên
những người yêu dấu của anh[10]. Chất thơ của truyện ngắn được hình thành từ chính
sự thiếu vắng những xung đột, những “độ căng” của tự sự đó. Từ góc nhìn của tình
huống, có thể so sánh Dưới bóng hoàng lan với một truyện ngắn khác của Thạch Lam
: Trở về. Cũng là những cuộc trở về nhưng nếu như Dưới bóng hoàng lan là một cuộc
trở về đầy thanh bình, như một sự trốn chạy đời sống đô thị thì cuộc trở về trong
truyện ngắn thứ hai lại chất nặng những mặc cảm của một con người muốn chối bỏ
quá khứ và chính từ trạng thái khởi điểm ấy, cốt truyện diễn ra theo hướng bùng nổ
một bất ngờ ở cuối tự sự : cuộc chạy trốn của nhân vật chính khỏi quá khứ của chính
mình.
Đối lập với dạng tình huống không hàm chứa xung đột là những tình huống
truyện xuất hiện ngay từ đầu những yếu tố tích tụ xung đột : sự bế tắc, sự cùng quẫn,
sự thất bại của nhân vật. Đói, Tối ba mươi hay Cuốn sách bị bỏ quên là những truyện
ngắn điển hình cho dạng tình huống này. Đáng chú ý là trong những truyện ngắn này
đều được mở đầu bằng hình thức in médias res. Tối ba mươi mở đầu bằng cánh cửa
của một căn buồng (buồng số 12 trong một nhà chứa vào một chiều ba mươi Tết) và
hành vi khởi đầu cũng là hành vi mở cửa vào một thế giới khép kín, chỉ có điều, nếu
như trong Dưới bóng hoàng lan, thế giới mà nhân vật bước vào là một nơi chốn hạnh
phúc như trong một giấc mơ thì cái thế giới trong Tối ba mươi lại là một không gian
mà cảm giác đầu tiên bao trùm lấy nhân vật là “vẻ lạnh lẽo của căn phòng đến ngay
bao bọc lấy Liên” (hãy so sánh với cảm giác đầu tiên khi bước vào nhà của Thanh
trong Dưới bóng hoàng lan). Một tình huống trớ trêu, hai cô gái điếm, không quê
hương, không gia đình, trơ trọi trong một căn phòng, giữa một nhà chứa hoang vắng
trong một đêm Ba mươi Tết (không khỏi gợi đến những kiếp đào nương trong Chiếc
lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân. Cũng những đêm cuối năm, cũng những cô gái
giang hồ). Đó là một kiểu trạng thái giống như bầu trời trước một cơn bão, u ám, tích
tụ những éo le và những mâu thuẫn hứa hẹn nổ ra những xung đột (giữa người với
người, giữa người với hoàn cảnh).
Nếu như tình huống là trạng thái khởi đầu của một tự sự, trạng thái quy định sự
vận động của cốt truyện thì biến cố là yếu tố quyết định sự vận động của cốt truyện.
Mượn cách hình dung của khoa học tự nhiên thì nếu như tình huống giống như một
tập hợp tính chất hình thành nên một không gian thì biến cố có ý nghĩa là một sự
kiện đặc biệt, một lực tác động vào không gian đó để tạo nên sự thay đổi (cốt truyện
chính là một chuỗi quy trình của sự biến đổi)[11]. Điều đáng lưu ý là một số lượng
(2 truyện - 8% số truyện - bao gồm các truyện Tối ba mươi, Dưới bóng hoàng lan),
dẫu nhỏ, truyện ngắn của Thạch Lam được xây dựng trên sự thiếu vắng biến cố. Nói
cách khác, tự bản thân tình huống truyện đã là một biến cố. Truyện ngắn Tối ba mươi
dựng lại một tối cuối năm trong cuộc đời của hai cô gái điếm (Liên và Huệ – tự bản
thân những cái tên đã mang một ý nghĩa biểu tượng sâu xa). Một ngày không bình
thường, ngày của sự đoàn tụ, ngày của gia đình, ngày mà chuỗi ngày sa đọa của họ
dừng lại. Họ bị dứt ra khỏi dòng sống tăm tối của cuộc đời mình để tự mình đối diện
với thân phận mình. Một thứ cảnh huống “khi tỉnh rượu lúc tàn canh / Giật mình mình
lại thương mình bấy nhiêu”. Tình huống này có lẽ làm nhớ tới thủ pháp mà nhiều lần
Nguyễn Du đã sử dụng trong Truyện Kiều mà nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã định
danh một cách độc đáo nhưng chính xác “bắt nhân vật ngồi một mình”. Và trong cái
không - thời gian bất thường đó, toàn truyện ngắn là một chuỗi những hành vi bình
thường của những con người khi tống tiễn một năm cũ : mua đồ cúng, bày hoa quả,
thắp hương khấn vái tổ tiên, tưởng nhớ đến gia đình và mong ước những điều tốt đẹp.
Một chuỗi những hành vi bình thường nhưng cũng bất bình thường bởi bị dứt ra khỏi
“văn cảnh” văn hóa thông thường (không gian gia đình, không gian đoàn tụ). Và
chính nhờ sự bất thường của tình huống ấy mà mỗi hành vi đều có tác dụng làm nhân
vật phản tư lại về bản chất cuộc đời sa đọa của chính họ đồng thời làm phát lộ phần
thiên lương và khát vọng trong sạch chân thành trong họ. Dẫu được xây dựng trên một
màu sắc thẩm mỹ khác nhưng truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan cũng được xây dựng
theo một phương pháp tương tự. Bản thân tình huống truyện đã là một biến cố : một
cuộc trở về, một hành vi chuyển từ một không gian này đến một không gian khác. Và
chính nhờ tính bất thường của tình huống đó mà mỗi hành vi, mỗi chi tiết trong chuỗi
tự sự (giấc ngủ trong căn nhà cổ, chậu nước trong sân, bữa cơm bên những ngưòi thân
yêu, bóng mát của cây hoàng lan...) đều được phủ lên một thứ ánh sáng khác. Không
còn là những hành vi của thế giới thường nhật, chúng đã trở thành những giấc mơ của
một con người thành thị về một thế giới trong lành và thanh bình[12]. Chính nhờ kiểu
tổ chức tình huống và biến cố đặc thù này mà những truyện ngắn nói trên, dù được
trình bày dưới dạng kịch hóa với sự mạch lạc trong những phân cảnh nhưng lại là
những truyện ngắn đặc biệt đậm nét chất thơ - chất thơ trong sự ngưng đọng của hành
động.
Như chúng tôi đã trình bày, nếu như thơ là một thứ ngôn ngữ của sự xảy lặp,
của những quy hồi, của những xúc cảm, những lớp hình tượng lặp đi lặp lại thì văn
xuôi là một thứ ngôn ngữ mạch thẳng – ngôn ngữ của sự vận động và sự thay đổi.
Chính vì vậy, trong tự sự, biến cố vẫn là yếu tố then chốt tạo nên sự vận động của văn
bản. Một số lượng áp đảo (21 tự sự – 91% - trong tổng số truyện ngắn của Thạch Lam
bao gồm các truyện ngắn Hai lần chết, Gió lạnh đầu mùa, Một cơn giận, Đứa con đầu
lòng, Cái chân què, Nhà mẹ Lê, Đứa con, Trong bóng tối buổi chiều, Sợi tóc, Hai đứa
trẻ, Người lính cũ, Tiếng chim kêu, Người đầm, Đói, Trở về, Người bạn trẻ, Cô hàng
xén, Tình xưa, Người bạn cũ, Một đời người, Cuốn sách bỏ quên) là được xây dựng
trên cơ sở các biến cố. Vấn đề là vai trò, chức năng của biến cố trong tổng thể cấu trúc
tự sự. Như chúng tôi đã định danh, tình huống là tập hợp những tính chất hình thành
một thứ không gian ngữ nghĩa quyết định sự tồn tại của nhân vật thì biến cố là một lực
tác động đến không gian ngữ nghĩa ban đầu đó. Có hai dạng thức biến cố chính làm
thành hai kiểu truyện ngắn trong sáng tác của Thạch Lam : truyện ngắn theo mạch
thẳng và truyện ngắn kiểu vòng tròn.
Tự sự tự bản chất là các lịch sử, các quá trình vận động và biến đổi về thân
phận của một nhân vật. Trong ý nghĩa cổ điển của thể loại thì biến cố có vai trò như
những lực tác động vào không gian ngữ nghĩa ban đầu, nó làm biến đổi không gian
đó, nó giống như những giới hạn không gian mà vượt qua những giới hạn đó, nhân vật
đạt tới một trạng thái tồn tại khác. Một số lượng không nhỏ (7 truyện – 30% - bao
gồm các truyện Hai lần chết, Gió lạnh đầu mùa, Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Đứa
con, Cô hàng xén, Trong bóng tối buổi chiều) truyện ngắn Thạch Lam được xây dựng
trên cơ sở kiểu biến cố “cổ điển” này. Tuy nhiên điều đáng chú ý là hệ quy chiếu quy
định và chức năng ngữ nghĩa của biến cố không phải là đồng nhất trong số những
truyện này. Truyện ngắn Nhà mẹ Lê là một điển hình. Truyện ngắn được xây dựng
dựa trên sự kết hợp giữa trần thuật thuần túy và trần thuật thơ hóa với ba cảnh chính :
những ngày hạnh phúc, buổi chiều bi thảm và cái chết của mẹ Lê và cảnh cuối cùng,
ngôi nhà và bầy con mất mẹ. Ba cảnh này được nhấn chìm trong dòng tự sự của nhà
văn, một thứ giọng chiếm vị trí chủ đạo trong văn bản. Truyện ngắn là một hành trình
đi dần đến một kết cục bi thảm của một gia đình với biến cố trung tâm là hành vi tàn
bạo của những người giàu trước lời khẩn cầu của người phụ nữ nghèo. Sau biến cố
trung tâm ấy, cái gia đình nheo nhóc sa vào bước đường cùng. Có thể nói đây là một
tự sự thuộc loại cổ điển theo mô hình : Trạng thái khởi đầu – Biến cố – Trạng thái kết
thúc. Trong tự sự, vai trò của biến cố là tác động, làm thay đổi tồn tại, số phận của
nhân vật. Dẫu vậy, vai trò của biến cố không phải lúc nào cũng là đồng nhất.
Trường hợp truyện ngắn Đứa con đầu lòng cho ta một ví dụ khác về vai trò của
biến cố trong truyện ngắn của Thạch Lam. Toàn bộ truyện ngắn viết về những biến
đổi nội tâm tinh tế diễn ra trong tâm hồn của một người thanh niên trẻ (Tân) khi lần
đầu tiên được làm cha. Được tổ chức theo kiểu kịch hóa, truyện ngắn bao gồm nhiều
lớp cảnh mô tả những thay đổi nội tâm của Tân trong tình cảm với đứa con đầu lòng.
Biến cố diễn ra rơi vào xung một xung đột thường nhật của Tâm với vợ, một xung đột
như có thể diễn ra trong bất cứ một gia đình trẻ nào. Nó không làm tác động đến số
phận, đến đời sống xã hội và vật chất của nhân vật. Anh ta không bị nghèo đi, không
bị mất địa vị xã hội không phải đối diện với cái chết. Chỉ có điều, trong tâm hồn anh
ta đã thay đổi. Những giờ phút đầu tiên, trong nhà hộ sinh, trong con mắt của Tân đứa
trẻ chỉ là “một vật gì đỏ nõn đang động đậy” và “cái dúm thịt động đậy, cái mầm sống
nhỏ mọn và yếu ớt kia hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả” nhưng
sau biến cố, toàn bộ thế giới tinh thần của Tân đã thay đổi, anh cảm thấy “trong lòng
một mối cảm động êm đềm và phiền phức”, cảm thấy “lần đầu cái thiêng liêng sâu xa
của sự sống”. Như vậy phạm vi ngữ nghĩa của những thay đổi ở đây không diễn ra
trong những tồn tại có tính vật chất – xã hội mà diễn ra trong đời sống nội tâm của
nhân vật – một thứ biến cố tâm trạng, biến cố nội cảm.
Chính dạng biến cố tâm trạng này là trung gian của một dạng thức biến cố đặc
sắc, là cơ sở cho một dạng thức kết cấu đặc trưng cho truyện ngắn của Thạch Lam.
Những dạng biến cố kiểu “cổ điển” nói trên, dẫu phạm vi ngữ nghĩa của những thay
đổi có thể diễn ra trong những tồn tại mang tính vật chất – xã hội hay những tồn tại có
tính nội tâm, đều gây ra một sự biến đối, nghĩa là một quá trình vận động từ một trạng
thái khởi điểm đến một trạng thái tồn tại mới. Chúng tôi gọi kiểu kết cấu này là kết
cấu theo đường thẳng. Đối lập với dạng biến cố trên, có một số lượng không nhỏ
truyện ngắn Thạch Lam được xây dựng trên cơ sở biến cố không chứa đựng yếu tố
biến đổi. 10 trên tổng số 23 truyện ngắn (43%) Thạch Lam được xây dựng trên cơ sở
dạng biến cố này bao gồm các truyện ngắn Sợi tóc, Hai đứa trẻ, Người lính cũ, Tiếng
chim kêu, Người đầm, Đói, Trở về, Người bạn trẻ, Tình xưa, Người bạn cũ. Truyện
ngắn Người bạn cũ là một điển hình của dạng truyện ngắn này. Truyện mở đầu bằng
một không gian sống ngưng đọng, một đêm tĩnh mịch ở một tỉnh nhỏ, ấm trà đã nhạt,
ngọn đèn lụi dần một cặp vợ chồng thị dân đang nói nốt những điều cuối cùng của
một ngày, một thứ “sống mòn” mà mỗi chi tiết đều toát lên cái tầm thường ngưng
đọng của đời sống thị dân no đủ. Biến cố xuất hiện dội vào cái không gian tù đọng đó.
Sự xuất hiện của một người đồng chí cũ, một hình ảnh dẫu tàn tạ của ký ức dội vào
lòng người chồng làm đánh thức trong anh ta ký ức về một quá khứ đã thành quá xa
với cuộc đời. Một người đàn bà tàn tạ, xuất hiện giữa đêm, những câu chuyện rời rạc
như một thứ tiếng vọng mong manh từ khoảng tối mà người thanh niên một thời cố
chôn dấu. Biến cố đó không đủ làm thay đổi cuộc đời anh ta, không làm tan vỡ cái gia
đình thị dân yên ổn một cách tạm bợ, cũng không làm thay đổi thế giới tâm hồn của
anh ta. Chỉ có điều, từ cuộc gặp gỡ với một con người đến từ quá khứ ấy, một thứ ánh
sáng khác lạ đã hắt lên cuộc đời anh ta. Có thể không có sự thay đổi nhưng từ cuộc
gặp gỡ ấy, tất cả cái màu sắc của một sự “sống mòn” trong cuộc đời anh ta đã được
hiện lên như tấm giấy ảnh nhúng qua một thứ thuốc hiện hình. Về cơ bản, truyện ngắn
thuộc hàng kinh điển của Thạch Lam Hai đứa trẻ cũng được xây dựng trên kiểu biến
cố này. Nhiều nhà phê bình vẫn cho rằng truyện ngắn này là tiêu biểu cho kiểu
“truyện không có chuyện” nghĩa là thiếu vắng biến cố. Nếu đặt trong văn cảnh ngữ
nghĩa của tự sự, có thể thấy, biến cố quan trọng nhất của truyện ngắn chính là chuyến
tầu chở theo ánh sáng và âm thanh vụt qua phố huyện. Nó là một biến cố vì nó đối lập
với cái không gian tù đọng, tối tăm nơi đây. Chỉ có điều, nó không gây ra sự thay đổi.
Nó chỉ là một sự đối lập để làm hiện lên một cách rõ nét cái tù đọng, mòn mỏi, tối
tăm của phố huyện và cái hy vọng không lời về một sự đổi thay của nhân vật chính.
Như vậy, có thể nói, đây là một thứ biến cố đặc biệt. Nó tác động, nó làm xáo động
trạng thái khởi đầu của tự sự nhưng nó không làm biến đổi tồn tại đó. Chỉ có điều, từ
chính linh hồn của một biến cố là sự đối lập, sự khác thường, nó dọi lên thực tại được
phản ánh một thứ ánh sáng khác và giúp người đọc nhận thức đến tận tầng sâu nhất
của thực tại đó.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày một số kiểu biến cố và những dạng kết cấu
điển hình của truyện ngắn Thạch Lam. Trên thực tế, trong một số truyện ngắn của
ông, có những dạng kết cấu nằm ở ranh giới giữa những dạng điển hình này đồng
thời, có sự kết hợp giữa những dạng kết cấu đó. Truyện ngắn Một đời người là trường
hợp điển hình cho dạng kết cấu mang tính hỗn hợp đó. Trong truyện ngắn, Thạch Lam
xây dựng lại một bi kịch vốn dĩ đã quen thuộc của Tự lực văn đoàn : bi kịch hôn nhân
của một nữ công nhân trong một gia đình nhà chồng. Không gian tồn tại của nhân vật
bị giới hạn trong thế giới của sự đau khổ và ngược đãi. Trong không gian đó, sự xuất
hiện của biến cố chính (cuộc gặp gỡ với người tình cũ) hiển hiện như một thứ ranh
giới. ở bên này của ranh giới là cam chịu và phía bến kia là dứt bỏ, tự giải phóng và đi
tìm hạnh phúc. Được xây dựng theo hình thức thơ hóa, các cảnh bị phá vụn bởi dòng
tâm tưởng của nhân vật, trong sự hỗn độn của những ký ức, của sự lựa chọn và cảm
giác đau khổ, truyện ngắn diễn tiến như một sự ngập ngừng (và cuối cùng không dám
vượt qua) bên cái ranh giới mong manh của biến cố đó. Truyện ngắn được Thạch Lam
tâm đắc Sợi tóc (ông lấy tên truyện ngắn này đặt tên cho tập truyện ngắn cuối cùng
của cuộc đời mình) cũng được xây dựng theo kiểu kết cấu tương tự.
ở phía đối lập với kiểu kết cấu nói trên là truyện ngắn Một cơn giận. Đây là một
truyện ngắn đặc biệt của Thạch Lam : đặc biệt trong sự đa tuyến nhân vật. ít nhất có
thể tính đến hai tuyến nhân vật cùng song song tồn tại trong tự sự : người khách qua
đường (người kể chuyện xưng tôi) và người phu xe. Biến cố rơi vào hành vi nhẫn tâm
một cách vô thức của người khách đi đường. Đối với người phu xe, biến cố đó đẩy
anh ta vào một tồn tại khác : tan nát nhà cửa, con chết, bản thân mang nợ còn đối với
người khách đi xe, biến cố gây ra một chấn thương tâm thần không thể chữa lành : nỗi
ân hận về sự tàn ác một cách vô thức của mình. Như vậy là đối với mỗi tuyến nhân
vật, biến cố lại có một giá trị ngữ nghĩa riêng và chính sự tương tác ngữ nghĩa của
biến cố giữa hai tuyến nhân vật đã làm nổi bật chủ đề của truyện ngắn : ranh giới
mong manh giữa sự vô tình và cái ác, một chủ đề được lặp lại không phải ít lần trong
truyện ngắn Thạch Lam (cũng cần nhớ Một cơn giận là một truyện ngắn được mở đầu
theo kiểu luận đề).
Trên đây, chúng tôi đã trình bày những hình thức kết cấu chủ yếu của Thạch
Lam dựa trên hệ tiêu chí là tình huống, biến cố và sự vận động của trục cốt truyện.
Đây là hệ quy chiếu thứ hai bên cạnh phương thức phân cảnh để làm rõ bản chất các
phương thức kết cấu trong truyện ngắn Thạch Lam.
3. Sự tổ chức các điểm nhìn tự sự – kết cấu không thời gian trong truyện
ngắn Thạch Lam.
Như giới nghiên cứu tự sự khẳng định, cho đến nay, hai mô thức phổ biến của
tự sự là trần thuật từ ngôi thứ nhất và trần thuật từ ngôi thứ ba. Mặc dù được sử dụng
trong không ít văn bản trần thuật xuất sắc (Linh sơn của Cao Hành Kiện, tiểu thuyết
được giải Nobel là một ví dụ) nhưng hình thức trần thuật từ ngôi thứ hai được sử dụng
một cách không phổ biến trong tự sự. ở Việt Nam, trần thuật từ ngôi thứ ba là hình
thức trần thuật cổ điển được sử dụng phổ biến trong tự sự trung đại (do tự sự gắn liền
với văn chép sử và truyện kể). Bước vào quá trình hiện đại hóa, cùng với việc biến đổi
của trần thuật từ ngôi thứ ba, hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất bắt đầu được các
nhà văn sử dụng ở Việt Nam. Việc lựa chọn các hình thức trần thuật gắn liền với vấn
đề tổ chức điểm nhìn (point de vue) tự sự. Tương tự như một bức tranh là sự tái hiện
lại một hiện thực từ một góc độ quan sát nhất định, trong tự sự dòng sự kiện có thể
được tái hiện lại từ điểm nhìn bao trùm toàn bộ hiện thực (point de vue omniscient)
của nhân vật người kể chuyện trung tính (trần thuật từ ngôi thứ ba) hoặc khúc xạ qua
ý thức của một nhân vật (trần thuật từ ngôi thứ nhất). Nhân vật này có thể chỉ là người
chứng kiến diễn biến chuyện (nhân vật người chứng) hoặc là một người tham gia trực
tiếp vào cốt truyện. Có thể tìm thấy tất cả những mô thức trần thuật này trong truyện
ngắn Thạch Lam. Chúng tôi đã dựng lên bảng phân loại sau :
Trần thuật từ
ngôi thứ ba
Trần thuật từ ngôi thứ nhất
Người kể chuyện –
người chứng
Người kể chuyện tham
gia vào cốt truyện
Tên truyện
ngắn
Đứa con đầu lòng , Nhà mẹ
Lê, Trở về , Đói , Một đời
người, Hai lần chết, Gió
lạnh đầu mùa, Trong bóng
tối buổi chiều , Cuốn sách
bỏ quên, Dưới bóng hoàng
lan, Tối ba mươi, Cô hàng
xén
Người bạn trẻ, Cái
chân què, Người
lính cũ, Người bạn
cũ, Người đầm,
Đứa con
Một cơn giận, Tiếng
chim kêu, Tình xưa, Sợi
tóc
Qua bảng phân loại trên, có thể thấy Thạch Lam đã sử dụng và làm chủ toàn bộ
các mô thức trần thuật phổ biến cho đến thời điểm đó. Đương nhiên, việc lựa chọn các
cách thức trần thuật cúng là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nên những
hiệu ứng thẩm mỹ của tự sự. Điển hình là dạng thức trần thuật từ ngôi thứ nhất với
kiểu nhân vật người chứng. Một số lượng không nhỏ tự sự của Thạch Lam được xây
dựng dựa trên mô thức tự sự này (6 truyện – 26%). Trong một số tự sự của ông viết
theo mô kiểu trần thuật này (Người bạn trẻ, Cái chân què, Người bạn cũ, Người đầm),
hình ảnh nhân vật người chứng không chỉ đảm nhiệm chức năng trần thuật mà còn tự
bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm, xúc cảm cá nhân của mình đã tạo nên một kiểu
nhân vật đặc biệt : con người nhạy cảm, giàu cảm xúc và suy tư lặng lẽ quan sát thế
giới. Theo chúng tôi, đây là một trong những yếu tố làm nên chất nhân đạo đậm đặc
trong truyện ngắn Thạch Lam. Sau ông, kiểu nhân vật này còn được nhiều nhà văn
như Hồ Dzếnh, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu... sử dụng một cách thành công. Tuy
vậy, cũng cần phải khẳng định, việc lựa chọn mô thức tự sự hoàn toàn không phải là
yếu tố duy nhất quyết định hiệu ứng thẩm mỹ chủ đạo của tự sự. Trong một số trường
hợp (điển hình là truyện ngắn Đứa con), do những kỹ thuật thể hiện tâm lý không
được sử dụng với nhân vật tôi – người chứng nên việc chuyển từ kể chuyện từ trần
thuật từ ngôi thứ ba sang trần thuật từ ngôi thứ nhất chỉ là chuyển từ người kể chuyện
vô nhân xưng sang người kể chuyện xưng tôi.
Trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo nên những hiệu
ứng thẩm mỹ của tự sự đó là việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích tâm lý và các loại
hình giọng trần thuật thể hiện đời sống bên trong của nhân vật. Đặc biệt là kiểu lời
gián tiếp tự do (discours indirect libre) – một hình thức pha trộn phát ngôn của nhân
vật và phát ngôn của người kể chuyện. Kỹ thuật này được sử dụng ở một dãy những
tự sự của Thạch Lam (Hai đứa trẻ, Trở về, Đói, Cuốn sách bị bỏ quên...), trong đó có
không ít truyện ngắn được coi như những tự sự “cổ điển” của Thạch Lam (Hai đứa
trẻ, Đói). Việc sử dụng những kỹ thuật nói trên đã làm thay đổi một cách bản chất trần
thuật từ ngôi thứ ba : khám phá thế giới bên trong của con người. Theo chúng tôi, việc
Thạch Lam và một số nhà văn khác (điển hình là Nam Cao) sử dụng lời gián tiếp tự
do trong trần thuật từ ngôi thứ ba giống như một giải pháp mang tính thỏa hiệp, vừa
muốn khám phá thế giới tâm lý bên trong của nhân vật nhưng chưa vượt qua ngưỡng
để sáng tác một thứ tự sự dòng ý thức (flux de conscience) thuần túy từ ngôi thứ nhất
với kỹ thuật độc thoại nội tâm (monologue intérieur) mà vẫn bảo lưu một hình thức tự
sự không quá xa lạ với truyền thống tự sự.
Việc khai triển các kỹ thuật phân tích và đặc tả tâm lý nhân vật đã hình thành
nên một hiệu ứng đặc biệt trong truyện ngắn Thạch Lam : tác động và làm thay đổi
kết cấu không thời gian của tự sự. Đương nhiên, tính chất là một thể loại ngắn, hướng
tới việc tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ tập trung, thống nhất và đơn nhất không thể
cho phép người viết truyện ngắn theo đuổi những “cuộc phiêu lưu của cái viết” như
người viết tiểu thuyết với những xáo trộn đặc biệt về không thời gian. Dẫu vậy, cũng
cần phải khẳng định ở một số truyện ngắn Thạch Lam bắt đầu có những xáo trộn lớn
của không thời gian. Chúng tôi muốn đề cập đến các truyện ngắn Một đời người,
Trong bóng tối buổi chiều, Cuốn sách bỏ quên, Hai đứa trẻ, Đứa con đầu lòng. Theo
một cách định nghĩa chung nhất, không gian là một trạng thái tồn tại của sự vật, là
môi trường tồn tại của thực thể – ở bình diện này, tồn tại đồng nghĩa với “tồn tại
trong”. Với cách hiểu như vậy, nhiều nhà nghiên cứu khi phân tích tự sự thường chỉ
quan tâm đến không gian với tư cách là bối cảnh địa lý và xã hội của cốt truyện. Điều
này, theo chúng tôi là đúng nhưng chưa đủ. Với một cách hiểu rộng hơn, còn có nhiều
chiều kích tồn tại khác của không gian mà theo chúng tôi, với sự phát triển của định
hướng phân tích tâm lý của tự sự hiện đại, hai hình thức không gian cần được lưu ý là
không gian hiện thực và không gian tâm trạng. Trong tự sự hiện đại, nhân vật
dường như tồn tại trong hai đời sống, hai trạng thái tồn tại : đời sống hiện thực, trong
thế tương tác với những nhân vật khác, trong một thời điểm và một vị trí xác định và
đời sống nội tâm bên trong. Xét về mặt lý thuyết, khi nhà văn đã triển khai những
phân tích tâm lý nhân vật thì khi đó, sự phân biệt không gian hiện thực và không gian
tâm trạng là có giá trị (điều này khác với tự sự truyền thống, chỉ tồn tại không gian
hiện thực). Vấn đề là sự phối hợp và tỷ lệ phản ánh hai hình thức không gian này sẽ
quyết định tính chất của tự sự. Trong những tự sự mà chúng tôi dẫn trên, có một sự
cân bằng giữa hai hình thức không gian nói trên. Truyện ngắn Cuốn sách bị bỏ quên
mà chúng tôi đã phân tích bên trên là một ví dụ. Trong truyện ngắn, nhân vật tồn tại
trong hai thế giới : thế giới hiện thực (chờ tàu trên sân ga, lên tàu, tìm chỗ ngồi, nhìn
thấy cô gái đối diện đọc cuốn sách do chính mình viết...) và thế giới nội tâm, bao gồm
cả những hồi tưởng (cuộc gặp gỡ với người chủ xuất bản), những suy nghĩ, băn
khoăn, những cảm xúc. Hình thức đan cài hai không gian tồn tại của nhân vật cũng
được Thạch Lam sử dụng trong những truyện ngắn mà chúng tôi đã dẫn.
Sự đan cài hai dạng thức không gian nói trên đã dẫn đến một hiệu ứng khác
trong truyện ngắn của Thạch Lam : sự đảo lộn trật tự thời gian của cốt truyện. Tồn tại
trong thế giới tâm trạng và những hồi ức vừa là một hình thức thay đổi về thời gian,
vừa là một sự thay đổi về không gian. Chính vì vậy mà thi pháp học hiện đại đã sử
dụng khái niệm không thời gian. Những truyện ngắn Cuốn sách bị bỏ quên, Một đời
người, Trong bóng tối buổi chiều cũng là những truyện ngắn điển hình cho dạng kết
cấu này. ở đây, trật tự tuyến tính thời gian của cốt truyện bị phá vỡ, nhân vật lang
thang trong dòng hồi ức trong một thứ “đi tìm thời gian bị mất”. Có thể nói, mặc dù
không được sử dụng một cách phổ biến nhưng những phương thức kết cấu nói trên
cũng chứng tỏ một nỗ lực trong truyện ngắn Thạch Lam : phức tạp hóa kết cấu truyện
kể – một khuynh hướng báo hiệu tiểu thuyết.
[1] Trên cơ sở đó mà G. Genette, nhà trần thuật học Pháp đã phân thành trật tự biến cố
tự nhiên và trật tự biến cố nhân tạo.
[2] Từ điểm nhìn thời gian, có thể phân thành ba lớp thời gian chính trong một tự sự :
thời gian của cốt truyện tự nhiên (tính bằng năm, tháng) của cuộc đời những nhân vật
chính (chẳng hạn thời gian nhiều chục năm trong cuộc đời Chí Phèo từ khi y được
sinh ra, bị bỏ rơi cho đến khi giết Bá Kiến), thời gian của cốt truyện được tái hiện
trong văn bản tự sự (chẳng hạn, trong truyện Chí Phéo là nhiều năm từ lúc Chí Phèo ở
tù về đến khi y đâm chết Bá Kiến) và thời gian của văn bản tự sự (thời gian mà người
đọc mất đẻ đọc một văn bản tự sự, được tính bằng số trang, dòng in)
[3] Chúng tôi sử dụng văn bản Tuyển tập Thạch Lam do Phong Lê sưu tầm và giới
thiệu, NXB Văn học, H, 1988. Tất cả các thống kê và khảo sát của chúng tôi đều dựa
trên văn bản này.
[4] Chúng tôi sẽ có một phần riêng về quan hệ giữa Thạch Lam và Tự lực văn đoàn nói
riêng và tự sự nghệ thuật Việt Nam trước 1945 nói chung.
[5] Xin xem thêm những phân tích về đối lập này trong Các thể loại văn học,
Dominique Combe, NXB Hachette Supérieur, Paris, 1992.
[6] Một trong những người đã hồi sinh khái niệm díeges là nhà mỹ học Anne Sourriau.
Năm 1950, trong thời gian là nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu phim thuộc Đại
học Paris, cùng các đồng sự, bà đã vay mượn khái niệm di éges từ mỹ học cổ điển để
chỉ toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật, trong thế đối lập với thế giới
thực tại. Theo Từ điển thuật ngữ mý học, Anne Souriau chủ biên, NXB Presses
Universitaires de France, Paris, 1990.
[7] Một trong những tác phẩm kinh điển của Erich Auerbach, cây đại thụ của nghiên
cứu ngữ văn phương Tây lấy tên Mimêsis (chúng tôi sở hữu bản dịch Pháp văn của
Cornélius Heim, ấn hành tại NXB Gallimard, 1996). Theo quan niệm của E.
Auerbach, toàn bộ lịch sử tự sự phương Tây được hình dung như là lịch sử của những
phương thức tái tạo hiện thực.
[8] Chính vì ý thức điều này nên trong luận văn Thạc sĩ bảo vệ năm 1998, chúng tôi đã
coi sự xuất hiện của miêu tả và ý thức miêu tả trong tư duy nghệ thuật của nhà văn
viết tự sự nghệ thuật ở Việt Nam đầu thế kỷ XX có ý nghĩa báo hiệu cho một cuộc
cách mạng của thể loại.
[9]Xin xem A. Souriau chủ biên, Từ điển thuật ngữ mỹ học, Presse universitaire de
France, Paris, 1990. Mục từ “scène”.
[10] Có thể so sánh Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam với Sông lớn có hai lòng của
E. Hemingway – câu chuyện về một thanh niên trở về từ chiến tranh, quay về với thị
trấn cũ, những dòng sông, cánh rừng, dòng suối đầy cá hồi, tìm lại những cảm giác
thanh bình một thời (đi câu, ăn, ngủ trong bóng rừng)
[11] Yu. Lotman, nhà ngữ văn học xuất sắc Xôviết đã hình dung về điều này trong
công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật, xin xem phần trích dịch trong Chủ nghĩa cấu
trúc và văn học do Trịnh Bá Đĩnh khảo luận, tuyển chọn, NXB Văn học, H, 2002.
[12] Có nhà nghiên cứu đã phân tích một cách chính xác tâm thức dùng dằng giữa nông
thôn và đô thị, giữa cái mới và cái cũ trong truyện ngắn Thạch Lam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Kết cấu truyện ngắn Thạch Lam.pdf