Abstract: The cult of fecundity is a popular phenomenon in the world. It means a noble
philosophy, a source of existence and development. But in reality, it is not interested and
researched seriously scientifically because of biased or outdated viewpoints.In order to
determine the role of the cult of fecundity aimed at leading college students to approach the
field of deep cultural philosophy is so practical. Correctly realizing the nature of the cult of
fecundity shows quality, ability of cultural subjects, help them express their opinions and selves
confidently to the cultural values which were built and fostered through many generations.
8 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 426 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hướng dẫn sinh viên tiếp cận tín ngưỡng phồn thực từ góc nhìn văn hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 01(29)/2014: tr. 47-54
HƯỚNG DẪN SINH VIÊN TIẾP CẬN TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC
TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA
DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN
Đại học Nha Trang
Tóm tắt: Tín ngưỡng Phồn thực (culte de féccodite) là một hiện tượng mang
tính phổ biến trên toàn thế giới. Nó mang một ý nghĩa triết lí cao đẹp, là
nguồn gốc của mọi sự sinh tồn và phát triển. Thế nhưng trên thực tế, do bị
chi phối bởi những quan niệm lệch lạc hoặc cổ hủ nên SV ít được quan tâm
tìm hiểu nghiên cứu. Việc xác định vị trí vai trò của Tín ngưỡng phồn thực
để từ đó định hướng cho sinh viên tiếp cận lĩnh vực kì thú này là công việc
mang ý nghĩa thiết dụng. Nhận thức đúng bản chất và nghiên cứu nghiêm túc
Tín ngưỡng Phồn thực là sự biểu hiện của phẩm chất, năng lực của các chủ
thể văn hóa, giúp họ tự tin thể hiện chủ kiến và bản lĩnh của mình trước các
giá trị văn hóa mà nhiều thế hệ cha ông đã tạo dựng, vun bồi.
Từ khóa: Tín ngưỡng, Phồn thực, ý nghĩa, sinh sôi, văn hóa, tôn thờ, phát
triển, sinh viên.
1. MỞ ĐẦU
Tín ngưỡng Phồn thực (TNPT) được đề cập trong Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
thuộc học phần Cơ sở Văn hóa Việt Nam là một hiện tượng mang tính phổ biến trên
toàn thế giới. Nó mang một ý nghĩa triết lí cao đẹp, là nguồn gốc của mọi sự sinh tồn và
phát triển. Thế nhưng trên thực tế, do bị chi phối bởi những quan niệm lệch lạc hoặc cổ
hủ, thiếu khai phóng, phần lớn các chủ thể văn hóa (trong đó có không ít học sinh sinh
viên) thường cho rằng những gì liên quan đến tình dục, đến sự “sinh sôi nảy nở” đều
xấu xa, dung tục nên ít quan tâm tìm hiểu nghiên cứu. Hoặc giả, nếu có tìm hiểu cũng
không dám công khai, có tâm lí ngượng ngùng, né tránh. Trong lúc Tín ngưỡng phồn
thực là một trong những yếu tố tinh thần khởi phát sớm nhất trong lịch sử, có vị trí quan
trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, chúng tôi nhận thấy hướng dẫn sinh viên tiếp
cận Tín ngưỡng Phồn thực từ góc nhìn văn hóa là một công việc có ý nghĩa thiết dụng.
Bởi thông qua nó, mỗi cá nhân có cơ hội hiểu biết thấu đáo hơn các phương diện, chiều
kích và tầng sâu nền văn hóa dân tộc, đồng thời thể hiện bản lĩnh, tình cảm, thái độ của
mình trước di sản văn hóa của cha ông để lại. Thực hiện tốt công việc này cũng đồng
nghĩa với việc hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà nghị
quyết đại hội XI của Đảng đã đề ra. Có nghĩa là, nhiệm vụ của người giảng viên đại học
không chỉ bồi đắp tri thức, rèn luyện kĩ năng mà còn tạo điều kiện để người học xây
dựng ý thức thái độ trân quí đối với các giá trị văn hóa dân tộc.
48 DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN
2. HƯỚNG DẪN SINH VIÊN TIẾP CẬN TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC TỪ GÓC
NHÌN VĂN HÓA
Trong giới hạn cho phép của một bài báo khoa học, chúng tôi tập trung đề cập đến việc
hướng dẫn, giúp sinh viên tiếp cận và nghiên cứu để hiểu một cách chân xác, đầy đủ về
Tín ngưỡng Phồn thực từ khái niệm, bản chất, sự tồn tại cũng như vai trò của nó trong
tâm thức dân gian Việt Nam. Từ đó khu biệt được quan niệm về Tín ngưỡng Phồn thực
giữa Phương Đông và Phương Tây; thấy được ảnh hưởng to lớn của tín ngưỡng này đối
với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Cũng cần xác định rằng: Tín ngưỡng
Phồn thực phải được tìm hiểu nghiên cứu như đối với bất kì đơn vị kiến thức khoa học
nào là nhiệm vụ của tất cả những giảng viên mà hoạt động dạy học có liên quan đến lĩnh
vực văn hóa. Vì nó góp phần bồi dưỡng tri thức, điều chỉnh thế giới quan cũng như giáo
dục thái độ ứng xử đối với các di sản văn hóa nhân loại cho người học, giúp người học
tự hoàn thiện mình. Quá trình đó được xác định thông qua ba nội dung chính định danh,
định vị và định hướng. Tức là đi từ việc tìm hiểu tên gọi TNPT đến xác định vị trí vai
trò của nó trong đời sống văn hóa – xã hội và cuối cùng là phương cách tiếp cận mà
chúng tôi đề xuất, thực hiện nhằm hướng dẫn giáo dục cho người học động cơ, ý thức
nghiên cứu về TNPT.
2.1. Định danh
Tín ngưỡng Phồn thực là gì?
Thực ra không phải đợi đến khi hướng dẫn Sinh viên tìm hiểu về Tín ngưỡng Phồn thực
TNPT mới đề cập đến việc định danh nó. Các tài liệu nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra một
cách khái quát, cô đọng khái niệm TNPT. Có điều từ những vấn đề mang tính phổ quát
đó làm sao để sinh viên hiểu đúng, hiểu rõ và hiểu sâu các phương diện liên quan đến
Tín ngưỡng Phồn thực. Bởi khi nghiên cứu bất kì đối tượng nào cũng nên bắt đầu từ
việc định danh nó. Do vậy, trước hết:
* Cho sinh viên tìm hiểu và phân tích để hiểu được khái niệm Tín ngưỡng:
Theo Từ điển tiếng Việt: tín ngưỡng là một hiện tượng lịch sử thuộc lĩnh vực tinh thần của
đời sống xã hội; là lòng tin và sự tôn thờ về một tôn giáo. Tín ngưỡng là biểu hiện đầu tiên
của sinh hoạt văn hóa nhằm mục đích tìm về cội nguồn của con người Có ba nhóm tín
ngưỡng: sùng bái tự nhiên, sùng bái con người và tín ngưỡng phồn thực [2, tr.131].
Thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng dân cư sinh sống bằng nghề
nông luôn mong có mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi. Ngoài triết lý Âm
Dương được kiến tạo bởi những bộ óc thông thái thì người bình dân thường gửi gắm
niềm tin của mình vào một sức mạnh siêu nhiên rồi sùng mộ tôn thờ nó như thần thánh
để xây dựng nên Tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nảy nở). Tín ngưỡng phồn
thực ở nước ta từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, được thể hiện ở cả hai dạng: thờ cơ
quan sinh dục của nam lẫn nữ và thờ cả hành vi giao phối.
HƯỚNG DẪN SINH VIÊN TIẾP CẬN TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC... 49
* Theo đó Tín ngưỡng Phồn thực là thờ sự sinh sôi nảy nở. Tín ngưỡng này xuất phát từ
nhu cầu duy trì và phát triển sự sống của con người. Khi hướng dẫn sinh viên tìm hiểu
các khái niệm cần lưu ý:
- Nhất thiết phải có sự giải thích cặn kẽ thấu đáo. Sau đó bằng những hình thức khác
nhau khảo sát để nắm được sinh viên nhận thức đến đâu, đúng hướng hay lệch lạc. Từ
đó điều chỉnh, bổ sung, giúp sinh viên hiểu đúng bản chất vấn đề. Có như thế mới đào
sâu nghiên cứu các phương diện khác của TNPT.
- Một khâu quan trọng nữa là cần nêu vấn đề giúp sinh viên xác định rõ Tín ngưỡng
phồn thực là một hiện tượng tôn giáo mang tính phổ biến trên toàn thế giới. Yêu cầu
sinh viên tìm đọc nghiên cứu tư liệu để làm sáng tỏ luận điểm quan trọng này. Chẳng
hạn (gợi ý): những hình vẽ trong hang động, những tượng đá cổ sơ nhất đào được ở
miền nam nước Pháp, bắc Tây Ban Nha... là những người đàn bà đầu nhỏ, mặt mũi
không rõ nét, nhưng các bộ phận sinh dục thì rất to. Các cơ quan sinh sản của các nàng
vệ nữ thường được đặc tả để nói về sự mắn đẻ. Tục thờ sinh thực khí và những gì nhắc
đến sinh thực khí là ước vọng phồn vinh. Ngay cả trong các đền thờ của đạo Hindu có
rất nhiều bức tượng đẹp thể hiện hình ảnh những cặp tình nhân đang say sưa tình tứ,
vui thú ái ân, thể hiện bản chất hoan lạc của xứ sở thiên đàng và nguồn gốc của sự
sống, nguồn năng lực của vũ trụ qua một thế giới phồn thực [3, tr. 205, 206].
- Bổ sung thông tin: Người cổ sơ tin rằng, năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con
người có khả năng truyền dẫn sang vật nuôi và cây trồng. Điều này có sự tương đồng
giữa Phương Đông và Phương Tây. Tuy nhiên người Phương Tây thường cởi mở hơn,
tự nhiên hơn khi tiếp cận. Họ cho đó là lẽ thường như một qui luật tất yếu nên hoàn toàn
thoải mái công khai. Trong lúc người phương Đông lại dè dặt, kín đáo. Và, giữa các nền
văn hóa phương Đông cũng có những quan niệm khác nhau. Chẳng hạn: Tục thờ Linga-
yoni (dương - âm vật) ở Ấn Độ, Nêpan rất phổ biến. Đó là hai vị thần, hai nguyên lý
khởi nguyên của vũ trụ, phân biệt và hòa hợp với nhau để sinh ra vạn vật. Ở các ngôi
đền Ần giáo, Phật giáo, Mật tông, trên mặt tiền, dưới chân cột hoặc trong nội điện đầy
các tượng thần nam, nữ đang ở trạng thái cương cứng hoan lạc. Tuy không giàu chất
tâm linh như dân Ần, nhưng với đầu óc khái quát cao, người Trung Hoa nâng yếu tố
đực - cái thành hai nguyên lý phổ quát là âm và dương với lí giải sự kết hợp âm dương
sinh thành mọi vật.
- Ngoài ra, bằng những cách thức khác nhau như phát vấn, tổ chức trao đổi phản biện,
giảng viên còn phải giúp SV khu biệt được: TNPT ở Việt Nam thể hiện sự biến cải rõ
rệt do sự chi phối của tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của người Việt. Cụ thể là người
Việt Nam không chỉ thờ sinh thực khí - biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra
muôn loài mà còn thờ cả hành vi giao phối. Bởi TNPT Việt Nam không mang tính vũ
trụ luận, cao và xa như ở Trung Hoa và Ần Độ. Nó còn ở trạng thái tự nhiên như cây cỏ,
bò lan trên mặt đất và cắm sâu rễ vào lòng đất. Mảnh đất gió mùa nhiệt đới, tuy được lợi
về ánh sáng và độ ẩm, nhưng không hẳn đã màu mỡ. Hơn nữa, hệ sinh thái tiền sử xứ
này, thực vật nhiều hơn động vật, số lượng loài nhiều và số lượng cá thể trong mỗi loài
50 DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN
thì ít . Đặc điểm thiên nhiên ưu đãi thường trộn lẫn với tai ương khiến đa phần người
Việt chỉ mong ước sống được, sống tốt. Coi nó như một nguyên tắc thiết cốt, như là
"đạo sống", "đạo sinh tồn". “Tâm thức đó là nền móng vững chắc của tín ngưỡng phồn
thực trong một vũ trụ quan đậm màu sắc vật linh luận, dẫu được gói kỹ bằng các lớp
phủ như của lễ thức, lễ nghi Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo” (Wikipedia tiếng Việt).
2.2. Định vị
Vai trò, vị trí của Tín ngưỡng Phồn thực
Xuất phát từ quan niệm Tín ngưỡng Phồn thực là một bộ phận của văn hóa nên quá
trình nghiên cứu phải được tiến hành theo đúng với những đặc tính tự nhiên mang tính
quy luật của nó. Xác định được vị trí của nó sẽ giúp sinh viên tiếp cận thuận lợi hơn do
được gợi mở, khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo. Nếu không với tâm lí e ngại như đã
nêu trên sinh viên sẽ bỏ qua hoặc chỉ đọc lướt mà không có ý thức nghiên cứu nghiêm
túc một bộ phận văn hóa tinh thần có từ lâu đời của dân tộc. Trong lúc với bản chất của
nó, tín ngưỡng Phồn thực, hiểu theo khía cạnh tình dục học thì nó là một nhu cầu mang
tính bẩm sinh, tự nhiên, có di truyền từ đời này sang đời khác nhằm đạt được những
cảm giác dễ chịu, sung sướng, những khoái cảm cho tất cả mọi người, không trừ một ai
[4, tr. 70].
Trong quá trình tổ chức dạy học chúng tôi thường đặt ra yêu cầu sinh viên phải tìm
kiếm những thông tin liên quan đến tất cả các đơn vị kiến thức thuộc học phần Cơ sở
Văn hóa Việt Nam trong đó có TNPT. Tùy theo điều kiện về thời gian, đặc điểm đối
tượng và kế hoạch, tiến độ của quá trình dạy học mà yêu cầu sinh viên thảo luận, thuyết
trình, bày tỏ sự hiểu biết hay bộc lộ quan niệm của mình về vì trí vai trò của TNPT. Sau
đó kiến giải, điều chỉnh, bổ khuyết để sinh viên thấy được những nét cơ bản sau về vị trí
vai trò của TNPT:
- Vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức chiếc
trống đồng - biểu tượng của sức mạnh, quyền lực Việt Nam cũng đồng thời biểu tượng
toàn diện cho tín ngưỡng phồn thực [5, tr. 131]. Cách đánh trống đồng theo lối cầm chày
dài mà đâm lên mặt trống được khắc trên chính các trống đồng và còn được bảo lưu ở
người Mường hiện nay là mô phỏng động tác giã gạo - động tác giao phối. Trên tâm
mặt trống đồng là hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, và
giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung
quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc "cậu ông trời", mang theo mưa cho mùa
màng tốt tươi, một dạng biểu trưng của TNPT.
- TNPT thể hiện hầu hết ở những di chỉ nổi tiếng trong kiến trúc đình chùa miếu mạo
trên khắp đất nước Việt Nam. Ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất xa xôi như
chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm), tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở
cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho
sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu vv..., cũng
đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở các nơi thờ
cúng thường gặp thờ ở bên trái là cái mõ và bên phải là cái chuông: Sự việc đơn giản
HƯỚNG DẪN SINH VIÊN TIẾP CẬN TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC... 51
này là biểu hiện của cả lí luận "Ngũ hành" lẫn tín ngưỡng phồn thực - cái mõ làm bằng
gỗ (hành Mộc) đặt ở bên trái (phương Đông) là dương, cái chuông làm bằng đồng (hành
Kim) đặt ở bên phải (phương Tây) là âm. Tiếng mõ trầm phải hòa với tiếng chuông
thanh. Nếu không có nam nữ, âm dương hòa hợp sẽ không có cuộc sống vĩnh hằng. Cột
đá chùa Dạm ở Hà Bắc là biểu tượng của linga. Cây cột đá ở Vũ Ninh tương truyền nơi
Thánh Gióng buộc ngựa cũng là linga. Các giếng nước ở đền, chùa như giếng Tiên ở
Lạng Sơn, giếng Ngọc ở đền Hùng đều là hình tượng yoni.
- Linga-yoni thấp thoáng có mặt ở khắp nơi: Tháp Bà Ponaga ở Nha Trang là địa chỉ nổi
tiếng với các biểu tượng độc đáo của đàn ông đàn bà mà người Chăm để lại. Cây gậy
chọc lỗ để gieo hạt, cái cày cày xuống lòng đất mẹ, chày và cối, bánh chưng (gói vuông)
và bánh tét, chiếc chìa vôi cắm vào bình vôi, đũa bông cắm vào bát cơm quả trứng trên
quan tài người chết, cái roi ngựa (cái hoa tre) của Phù Đổng trong ngày hội Gióng...
Mỗi biểu tượng này đều có những ý vị riêng biệt, nhưng chung một triết lý phồn thực.
Cái cày (tục ngữ: ngủ ngày "cày" đêm) là biểu tượng dương vật giao hợp với đất mẹ để
sinh sản ra hoa trái. Bình vôi cắm chìa có mặt trong mỗi gia đình là biểu hiện của sự hòa
hợp, động tác rút ra đút vào khi lấy vôi tiêm trầu nhất là trầu cưới, chỉ sự giao hợp năng
sinh năng bản.
- Tục thờ sinh thực khí ở Việt Nam còn liên quan đến các hành vi tính giao. Trên thạp
đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có 4 khối tượng nam nữ đang giao phối. Khối tượng dài
8cm, cao 3,5cm tạc hình đôi nam nữ chồng lên nhau, tư thế điển hình nhất của con
người. Người đàn bà vú nhọn, hai tay ôm đỡ người đàn ông. Người đàn ông hay tay ôm
quấn lấy bạn tình, dương vật lớn quá cỡ. Người xưa tin rằng, hành động giao phối của
con người sẽ gây cảm ứng sang muôn vật. Bởi vậy, có nơi vào ngày gieo trồng, họ
mang nhau ra bờ bãi để giao hợp. Ở Bắc bộ đàn bà khi cấy lúa thường kể chuyện tục.
Gầm giường các cặp vợ chồng mới cưới thường để khoai giống, thóc giống... Mùa trồng
trọt thường được bắt đầu bằng hội xuống đồng hoặc lễ tịch điền, trong đó nhà vua cày
những luống đầu tiên.
Trên thực tế, dưới sự chỉ dẫn cụ thể của giảng viên, sinh viên đã tìm kiếm thu thập được
những thông tin tri thức rất thú vị mà nhiều khi chính Giảng viên cũng chưa có điều
kiện tiếp cận. Trong quá trình cập nhật kiến thức cho bài giảng chúng tôi đã sử dụng
những tư liệu ấy với đầy đủ chỉ dẫn cần thiết. Điều này tạo được hiệu ứng tốt và tác
động tích cực đến SV do khơi gợi cảm hứng tìm tòi sáng tạo, khích lệ họ bỏ công sức
tìm hiểu nghiên cứu với tất cả niềm vui và sự say mê.
Ý nghĩa của việc tìm hiểu nghiên cứu Tín ngưỡng Phồn thực
- Nghiên cứu giá trị giá trị thực tiễn của TNPT cũng đồng nghĩa với việc hướng sinh
viên tìm đến với những giá trị của lòng tin. Đó là: con người rất mực chân thành đối với
điều mình ngưỡng mộ và phải có lòng tin đó thì con người và cộng đồng mới có một
cuộc sống bình thường. Con người thời xưa tự hình thành các tín ngưỡng dân gian và
lấy những điều tự đặt chân thành đó làm đòn bẩy tinh thần cho cộng đồng của mình.
52 DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN
- Như vậy, từ cách nhìn biện chứng, người Việt thời xa xưa đã “gieo trồng” ý nghĩa
Phồn thực trên mọi mặt của đời sống. Từ đặc điểm trong lối kiến trúc thấm đẫm triết lí
Âm dương Ngũ hành đến các vật dụng trong sản xuất sinh hoạt hay các thú chơi lễ
hội tất cả đều giúp chúng ta hiểu rằng TNPT thuở nguyên sơ vốn là một quan niệm
gắn bó rất chặt chẽ với quan niệm tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng cơ bản nhất của
cư dân trồng trọt, rất phong phú và đã ảnh hưởng sâu đậm tới sinh hoạt xã hội ở nông
thôn.
- Tìm hiểu rút ra được những luận điểm nêu trên là cơ sở để giảng viên hướng sinh viên
đi đến kết luận một nội dung mang tính cốt lõi: Tín ngưỡng phồn thực hoàn toàn không
phải là hiện tượng dâm tục mà là ước vọng cơm no áo ấm ngàn đời của cư dân nông
nghiệp luôn phải “nhờ trời” để sản xuất, sinh sống.
2.3. Định hướng
Xuất phát từ quan niệm Tín ngưỡng Phồn thực là một bộ phận của văn hóa nên quá
trình nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành theo đúng với những đặc tính tự nhiên
mang tính quy luật của nó. Và, chúng tôi thường tổ chức cho sinh viên trải qua quá trình
tiếp cận TNPT bài bản bằng tinh thần bình đẳng, trách nhiệm như đối với bất kì một
hiện tượng khoa học nào.
Theo chúng tôi, tiến trình tổ chức dạy Tín ngưỡng Phồn thực cần được tiến hành
nghiêm túc thấu đáo và có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học với nghệ thuật. Khoa
học trong nhận diện đánh giá phân tích và nghệ thuật trong tiếp cận so sánh. Và, để có
thể cung cấp cho sinh viên những hiểu biết như đã trình bày ở trên, ngoài việc yêu cầu
sinh viên tìm đọc nghiên cứu một số tài liệu có trong danh mục được nêu ngay từ buổi
học đầu tiên, trong quá trình tổ chức dạy học TNPT chúng tôi lại một lần nữa giới thiệu
những tài liệu liên quan được cập nhật đồng thời với việc nêu một số tình huống vấn đề
để sinh viên chuẩn bị nghiên cứu trước. Chẳng hạn:
- Bạn hiểu thế nào về khái niệm Phồn thực?
- Hãy nêu những nét tương đồng, dị biệt trong quan niệm phồn thực giữa phương
Đông và phương Tây.
- TNPT có vị trí như thế nào trong đời sống tinh thần người Việt?
- Lí giải mối quan hệ giữa TNPT với văn hóa Chăm.
- Có những chuyển biến nào về tư tưởng, thái độ của bạn sau khi nghiên cứu về
TNPT? Bạn rút ra bài học gì cho bản thân?
- Ranh giới giữa TNPT, một tín ngưỡng dân gian với quan niệm nhục dục tầm
thường, thông tục?
- Yêu cầu các nhóm thi đua sưu tầm những hình ảnh, hiện vật, tư liệu mới lạ, kì thú
về TNPT để giới thiệu trình bày trước lớp. Sau đó giảng viên tập hợp công bố thứ
tự xếp hạng cũng như công khai điểm đánh giá. Đồng thời xin phép và thông báo
HƯỚNG DẪN SINH VIÊN TIẾP CẬN TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC... 53
rõ quyết định những tư liệu nào sẽ được giảng viên sử dụng đưa vào nội dung dạy
học cho khóa sau, lí do của việc sử dụng đó.
Trên thực tế SV không những rất vui vẻ sẵn lòng chia sẻ thông tin với tập thể lớp, với
giảng viên mà còn tỏ vẻ tự hào khi được thừa nhận, đánh giá tốt, thậm chí còn hào hứng
sưu tầm cung cấp thêm. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa. Bởi ngoài việc thể hiện ý
thức động cơ học tập còn giúp sinh viên cải thiện kết quả học tập. Và, mỗi cá nhân có
cơ hội bộc lộ năng lực còn các nhóm chứng tỏ tinh thần hợp tác để góp phần rèn luyện,
phát triển kĩ năng toàn diện.
Vấn đề cuối cùng là: mỗi khi đã có sự quan tâm nhất quán, sự chuẩn bị đầy đủ cho quá
trình dạy học cùng với việc khuyến khích động viên đúng hướng, kịp thời từ giảng viên
thì những thông tin liên quan đến TNPT từ đặc điểm kiến trúc, các hình thức sản xuất,
sinh hoạt đến nghệ thuật diễn xướng, tổ chức lễ hội...đều được sinh viên tìm hiểu nghiên
cứu nghiêm túc, đầy đủ với tinh thần học hỏi cầu thị. Hiệu quả dạy học môn học nhờ đó
sẽ có chiều sâu và chất lượng được nâng cao hơn. Được vậy chắc chắn phần lớn sinh
viên không còn thụ động khi tiếp cận tri thức, tâm lí rụt rè e ngại cũng được phá bỏ. Từ
đó có cái nhìn trân trọng hơn trước mọi giá trị văn hóa và chính các thế hệ sinh viên sẽ
tự đảm nhận lấy sứ mệnh giữ gìn phát huy các di sản vô giá của cha ông, góp phần xóa
bỏ mọi hủ tục, nhân rộng những nét đẹp độc đáo của thuần phong mà biết bao thế hệ
người Việt Nam đã dày công vun đắp.
3. KẾT LUẬN
Tín ngưỡng phồn thực có một sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm linh người Việt. Nó
không chỉ hóa thân vào Thần, Phật để tồn tại mà còn hóa giải buộc Thần, Phật cũng phải
thay đổi. Dưới bất kì quan niệm hay hình thức hoạt động nào: từ công cụ sử dụng trong
lao động sản xuất đến hội hè đình đám trong sinh hoạt văn hóa; từ đặc điểm kiến trúc đến
những tập tục hay trò chơi thấm đẫm chất dân gian của người Việt, tất cả đều mang đậm
dấu ấn của Tín ngưỡng Phồn thực. Không đất nước nào có các lễ hội đa dạng phong phú
như ở Việt Nam. Phần lớn đằng sau các lễ hội ấy dẫu có chính thức đến đâu, người ta
cũng thấy dấu tích của sự sinh sôi mà hạt nhân của nó là Tín ngưỡng Phồn thực.
Nhìn nhận đúng bản chất và nghiên cứu nghiêm túc Tín ngưỡng Phồn thực là sự biểu
hiện của phẩm chất, năng lực của các chủ thể văn hóa. Mỗi sinh viên cần phải tự bồi đắp
tri thức khoa học, vốn hiểu biết về văn hóa xã hội để có đủ bản lĩnh tự tin đối diện với
nhu cầu ngày càng cao của xu thế hội nhập toàn cầu. Một trong những nhiệm vụ cơ bản
của giáo dục là giáo dục có hệ thống các giá trị văn hóa dân tộc nhằm thay đổi dần tình
trạng nhận thức về các giá trị văn hóa dân tộc sơ sài, hụt hẫng, ít có chiều sâu trong
học sinh sinh viên hiện nay [1, tr.78,79]. Tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu, nghiên
cứu về Tín ngưỡng Phồn thực là cách mà mỗi giảng viên giúp cho những “sứ giả văn
hóa” tương lai tự bắc những nhịp cầu để sải những bước vững vàng trên con đường
khẳng định vị thế của mình trước nhu cầu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
54 DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Bá Thâm (2003). Bản sắc văn hóa dân tộc, tr 78,79, NXB Văn hóa – Thông tin.
[2] Nguyễn San – Phan Đăng (2007) Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam (dùng cho hệ
đào tạo từ xa), tr, 131, NXB Đại học Sư phạm.
[3] Lương Duy Thứ (chủ biên), Phan Nhật Chiêu, Phan Thu Hiền (2000). Đại cương văn
hóa phương Đông, NXB Giáo dục.
[4] Trần Thanh Hà (2008). Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt
Nam, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội.
[5] Trần Ngọc Thêm (1999). Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân,
NXB Giáo dục.
Title: LEADING COLLEGE STUDENTS APPROACHINGTHE CULT OF FECUNDITY IN
CULTURE ASPECT
Abstract: The cult of fecundity is a popular phenomenon in the world. It means a noble
philosophy, a source of existence and development. But in reality, it is not interested and
researched seriously scientifically because of biased or outdated viewpoints.In order to
determine the role of the cult of fecundity aimed at leading college students to approach the
field of deep cultural philosophy is so practical. Correctly realizing the nature of the cult of
fecundity shows quality, ability of cultural subjects, help them express their opinions and selves
confidently to the cultural values which were built and fostered through many generations.
Keywords: Belief, fertility, mean(sense), to multiply, culture, worship, to develop, student.
ThS. DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN
Bộ môn KHXH & NV, Đại học Nha Trang
ĐT: 0989 685 296; Email: huyen.dhnt@yahoo.com.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 22_355_duongthithanhhuyen_09_duong_thi_thanh_huyen_9839_2020418.pdf