The grave and soil landslide is a kind of the natural calamities which often happens in
the hill and mountain region in Vietnam, especially along to the streets built or repaired recently
and has serious results. The reason of the landside is the multi effect of the natural elements and
the human life. Among them, the natural elements play a dominant role. Based on the reality
results of the landslide situation along to the Ho Chi Minh Street, the stretch of road goes
through the Quang Tri province, the article not only analyzed the reasons of the landslide in the
research area, but also proposed the solution to prevent and reduce the damage of the landslide.
8 trang |
Chia sẻ: huongnt365 | Lượt xem: 501 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiện trạng trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh QuảngTrị, nguyên nhân và biện pháp khắc phục, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 04(16)/2010: tr. 56-63
HIỆN TRẠNG TRƯỢT LỞ ĐẤT DỌC HÀNH LANG
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THUỘC ĐỊA PHẬN TỈNH QUẢNG TRỊ,
NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
NGUYỄN THÁM - PHAN VĂN TRUNG
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Trượt lở đất là một dạng tai biến tự nhiên thường xuyên xảy ra ở
các vùng đồi núi Việt Nam, nhất là dọc các tuyến giao thông mới được xây
dựng hoặc sửa chữa và thường đưa đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
Hiện tượng trượt lở đất do tác động tổng hợp của các yếu tố tự nhiên và nhân
sinh. Trong đó các yếu tố tự nhiên đóng vai trò chủ yếu gây nên trượt lở đất.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thực tế về hiện trạng trượt lở dọc hành
lang tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, bài báo
đã phân tích các nguyên nhân gây trượt lở đất ở địa bàn nghiên cứu, đề xuất
các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất gây ra.
1. MỞ ĐẦU
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua, như
quốc lộ 1 A, quốc lộ 9, đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh mới xây dựng xong. Đây
là tuyến đường có vai trò quan trọng về quốc phòng, giao thông vận tải và giãn dân, tái
định cư. Tuyến đường Hồ Chí Minh góp phần tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh,
giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ trên quốc lộ 1 A, tạo
điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên,
đường Hồ Chí Minh chủ yếu đi qua các huyện miền núi với độ cao, độ dốc lớn, lượng
mưa cao và tập trung, lớp phủ thực vật bị suy giảm Vì vậy trong những năm qua, tình
trạng trượt lở đất đá trên đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Trị xảy ra khá phổ biến
trong mùa mưa lũ, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt
của nhân dân. Do đó, việc nghiên cứu “Hiện trạng trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ
Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân và biện pháp khắc phục” là một
vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. NỘI DUNG
2.1. Hiện trạng trượt lở đất dọc hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa
bàn tỉnh Quảng Trị
Đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Trị gồm 2 nhánh, nhánh 1: Cách Quốc lộ 1A
khoảng 10-15km, qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, còn được gọi là đường
Hồ Chí Minh nhánh Đông. Nhánh 2: đi về phía Tây chạy qua Hướng Hoá đến thị trấn
Khe Sanh (đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Chà Lỳ - Khe Sanh) theo Quốc lộ 9 tới cầu
Đa Krông. Hai nhánh này cùng theo Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Đa
Krông – Tà Rụt) đi qua huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế. Với tổng chiều dài của 3
đoạn đường qua địa phận tỉnh Quảng Trị là 166,457km.
HIỆN TƯỢNG TRƯỢT LỞ ĐẤT DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH...
57
- Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông
(Vĩnh Khê – Cam Lộ): Nhánh này kéo
dài 37,805km, bắt đầu từ km 1047+300
giáp với địa phận tỉnh Quảng Bình đến
km 1085+105 nối với quốc lộ 9 ở thị
trấn Cam Lộ. Đoạn đường này đi qua
khu vực địa hình khá bằng phẳng nên
trượt lở đất ít xảy ra. Từ km 1048+800
đến km 1067+550 có xuất hiện các
điểm trượt lở đất quy mô nhỏ và trung
bình, điểm trượt lở đất có quy mô lớn
nhất khoảng 337,5m3. Theo kết quả
khảo sát thực địa vào tháng 5 năm
2010, chúng tôi nhận thấy, cả nhánh
này chỉ xuất hiện 6 điểm trượt lở đất,
trong đó có 2 điểm quy mô nhỏ, 4 điểm
quy mô trung bình.
- Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Đa Krông – Tà Rụt): Nhánh Đa Krông – Tà Rụt
dài 64,072km, bắt đầu từ km 249+728 – km 313+800, giáp với địa phận tỉnh Thừa
Thiên Huế. Đoạn này chạy qua khu vực có độ cao địa hình trung bình từ 250–750m, độ
dốc trên 200, mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang lớn là một trong những nguyên nhân
làm cho đoạn đường này xảy ra rất nhiều điểm trượt lở đất.
Theo số liệu thống kê từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị, sau cơn bão số 9 năm
2009, trên nhánh Đa Krông – Tà Rụt có tới 121 điểm trượt lở đất lớn nhỏ, trong đó có
60 điểm làm tắc giao thông hoàn toàn. Một số điểm trượt lở đất có quy mô lớn như: ở
km 260+240, khối lượng đất đá trượt xuống đường 1.800 m3; ở km 271+600, khối
lượng đất đá trượt xuống đường 4.500m3; tại km 280+500, khối lượng đất đá trượt
xuống đường 7.100m3; tại km 313+600, khối lượng đất đá trượt xuống đường 6.000m3.
Tổng khối lượng trượt lở do cơn bão số 9 gây ra trên đoạn Đa Krông – Tà Rụt lên tới
67.515,5m3 [4].
Qua khảo sát thực địa vào tháng 5 năm 2010 nhánh Đa Krông – Tà Rụt, chúng tôi phát
hiện 55 điểm trượt lở đất, trong đó có 13 điểm trượt lở đất có quy mô lớn (chiếm
23,64%), 26 điểm có quy mô trung bình (chiếm 47,27%), 6 điểm có quy mô nhỏ và 10
điểm tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất do đốt rừng làm rẫy.
- Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Khe Sanh – Chà Lỳ): Nhánh Khe Sanh – Chà Lỳ
kéo dài 62,2km, bắt đầu từ km 175 giáp với địa phận tỉnh Quảng Bình đến km 237+200
ở thị trấn Khe Sanh. Nhánh này chạy qua khu vực có độ cao trung bình lớn nhất Quảng
Trị, từ 750-2.000m, trong đó có một số đỉnh cao vượt trên 1.200m như: động Sa Mù
(1.560m), động Vàng Vàng (1.250m)..., độ dốc trên 250, mức độ chia cắt sâu
>300m/km2, chia cắt ngang từ 1,5–3km/km2, kết hợp với nhiều yếu tố khác nên nhánh
này cũng xảy ra nhiều điểm trượt lở đất.
NGUYỄN THÁM - PHAN VĂN TRUNG
58
Từ nguồn số liệu của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị cho thấy, sau cơn bão số 9
(tháng 10 năm 2009) trên nhánh này xuất hiện 105 điểm trượt lở đất lớn nhỏ, trong đó
27 điểm làm tắc giao thông hoàn toàn, đáng kể nhất là các điểm tại: km 201+200, khối
lượng đất đá trượt xuống đường lên tới 8.190m3; km 201+350, khối lượng đất đá trượt
xuống đường 4.095m3; km 202+600, khối lượng đất đá trượt xuống đường 7.800m3.
Tổng khối lượng đất đá tràn xuống đường trên toàn nhánh Khe Sanh – Chà Lỳ vào
khoảng 57.262,7m3 [4].
Kết quả chuyến khảo sát vào tháng 5 năm 2010, chúng tôi ghi nhận được 44 điểm trượt
lở đất trên đường Hồ Chí Minh nhánh Khe Sanh – Chà Lỳ, trong đó có 1 điểm quy mô
nhỏ, 21 điểm quy mô trung bình, 18 điểm quy mô lớn, 4 điểm tiềm ẩn nguy cơ trượt lở
đất do đốt rừng làm rẫy. Đặc biệt đoạn qua đèo Sa Mù kéo dài hơn 20km có tới 26 điểm
trượt lở đất, chiếm 59,1% tổng số các điểm trượt lở đất trên đoạn Khe Sanh – Chà Lỳ,
trong đoạn này có những điểm trượt lở đất có quy mô lớn như tại km 195+150, thể tích
khối trượt có thể lên đến 98.000m3, tại km 185+600, thể tích khối trượt 64.960m3 [1].
2.2. Nguyên nhân xảy ra trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ Chí Minh, tỉnh
Quảng Trị
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ Chí Minh thuộc
tỉnh Quảng Trị. Nhìn chung có các nguyên nhân chính là: địa chất, địa mạo, khí tượng
– thủy văn, lớp phủ thổ nhưỡng, thảm thực vật, hoạt động nhân sinh.
2.2.1. Nguyên nhân địa chất
Đặc điểm thạch học và vỏ phong hóa là nguyên nhân địa chất chính liên quan đến tiềm
năng phát sinh trượt lở đất trong khu vực nghiên cứu và chúng có mối liên kết chặt chẽ
với nhau. Kết quả khảo sát trên đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng
Trị của chúng tôi cho thấy các thành tạo trầm tích lục nguyên tuổi Paleozoi và Mesozoi
với sản phẩm phong hóa từ đất đá có thành phần cát kết, bột kết, đá phiến sét, sét than,
đá phiến silic, đá phiến sét vôi, cát kết tuf, cát kết, cát kết vôi, cuội của các hệ tầng A
Ngo (J1 an), Mụ Giạ (K2 mg), Cam Lộ (P2 cl), La Khê (C1 lk), Tân Lâm (D1 tl), S2 – D1
đg, Long Đại (O3 – S1lđ) dễ tham gia vào quá trình trượt lở đất. Trong thực tế thành
phần khoáng vật của nhóm đá này là sét sericit bị nén ép, phân lớp mỏng, mặt phân lớp
nhiều nơi trùng với bề mặt dốc địa hình, vỏ phong hóa của chúng chủ yếu là vụn thô
nên khả năng trượt lở đất rất cao và xuất hiện nhiều ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây
của tỉnh Quảng Trị.
Nhóm đá gốc thứ hai tham gia vào quá trình trượt lở đất có mặt ở đường Hồ Chí Minh
tỉnh Quảng Trị là các thành tạo lục nguyên xen phun trào của hệ tầng Trà Bồng (δ - yδO
- δtb), A Vương (ε2-O1 av), phức hệ Quế Sơn (ργ PZ3bg-qs ) với các thành phần là đá
vôi đolomit, đá phiến thạch anh – fenspat, đá phiến thạch anh mica, cát kết dạng quazit,
đá granit biotit và các đá biến chất với thành phần đá hoa graphit phân giải. Vỏ phong
hóa của các thành tạo xâm nhập và biến chất này khá dày trung bình 4–5m và cho sản
phẩm phong hóa vụn thô nên cũng dễ trượt lở khi có mưa. Trượt lở đất điển hình cho
loại thạch học này bắt gặp ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua đèo Sa Mù.
HIỆN TƯỢNG TRƯỢT LỞ ĐẤT DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH...
59
Ngoài ra, trong khu vực nghiên cứu còn gặp các thành tạo đá vôi dạng khối, đá vôi xám
trắng của hệ tầng Bắc Sơn (C – Pbs), hệ tầng Cò Bai (D - cb). Vỏ phong hóa của các
thành tạo này không đáng kể, nên ít hoặc không bắt gặp hiện tượng trượt lở đất.
Hiện tượng trượt lở đất không những phụ thuộc vào thành phần, tính chất của đá gốc bị
phong hóa mà còn phụ thuộc vào thế nằm của đá gốc. Qua phân tích cho thấy hiện
tượng trượt lở đất đá xảy ra chủ yếu ở những nơi hướng đổ của mặt phân lớp hay mặt
phân phiến của đá bị phong hóa trùng với hướng dốc của địa hình.
Mức độ phá hủy của chuyển động Tân kiến tạo, đứt gãy là điều kiện thuận lợi cho quá
trình dịch chuyển trọng lực vì đó là những nơi đất đá bị vụn nát, các tính chất cơ lý, đặc
biệt là gốc nội ma sát và lực dính kết giảm đột ngột. Trên địa bàn nghiên cứu, hệ thống
đứt gãy có vai trò khá quan trọng trong quá trình trượt lở đất, nhất là các đứt gãy trẻ,
như đứt gãy Vĩnh Linh – Hải Lăng, Rào Quán – A Lưới, Linh Thượng – Hướng Lập,
Hướng Lập – Vĩnh Chấp, Đa Krông – Huế [1].
Trên cơ sở phân tích bản đồ địa chất và kết quả khảo sát trên tuyến đường Hồ Chí Minh,
chúng tôi nhận thấy: trượt lở đất xảy ra nhiều nhất trong các hệ tầng Long Đại, A
Vương, A Ngo, Cam Lộ, La Khê, Mụ Giạ, ít hoặc không xảy ra hệ tầng Bắc Sơn, hệ
tầng Cò Bai.
2.2.2. Nguyên nhân địa mạo
Trượt lở đất hầu hết xảy ra tại các khu vực địa hình cao, độ dốc và độ chia cắt lớn tạo ra
năng lượng địa hình cao thuận lợi cho trượt đất có nguồn gốc trọng lực. Đường Hồ Chí
Minh (nhất là nhánh Tây) đi qua khu vực địa hình chủ yếu là núi thấp (250–750m) và
núi trung bình (750–2.000m) thúc đẩy quá trình trượt lở đất diễn ra mạnh mẽ.
Khi các điều kiện như nhau, thì độ cao địa hình là một trong những nhân tố chủ yếu, phá
vỡ sự cân bằng của khối đất đá cấu tạo nên sườn dốc. Thực tế nghiên cứu cho thấy đặc
điểm địa hình sườn dốc có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát sinh, phát triển trượt lở
đất. Những nơi độ cao của sườn dốc càng lớn thì càng dễ phát sinh trượt lở đất. Có thể
quan sát được các điểm trượt mà nguyên nhân độ cao sườn dốc địa hình gây ra trên
tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với độ cao địa hình trên 250m, cụ thể tổng số các
điểm trượt phân bố ở độ cao tuyệt đối địa hình từ 250 đến 1.500m chiếm trên 75,0%
tổng số các điểm trượt lở đất trong khu vực nghiên cứu. Đặc biệt đoạn đi qua đèo Sa Mù
với độ cao trung bình 700 đến 1.700m, bao gồm các khối núi động Vàng Vàng, động Sa
Mù có tới 27 điểm trượt lở đất, chiếm 61% các điểm trượt lở đất trên tuyến đường Hồ
Chí Minh nhánh Tây (Khe Sanh – Chà Lỳ).
Độ dốc và độ cao của sườn dốc càng lớn thì đất đá càng dễ mất ổn định, điều này được
thể hiện rõ trên tuyến đường nghiên cứu. Các điểm trượt lở đất xảy ra nhiều nhất ở
những nơi có góc dốc địa hình từ 30 đến 650 và độ cao sườn dốc lớn hơn 15m. Những
khu vực có góc dốc mặt nằm nghiêng dưới 200 là những bề mặt thoải gần như nằm
ngang nên không hoặc rất ít xảy ra hiện tượng trượt lở đất đá. Những khu vực có góc
dốc lớn hơn 650 nhưng bề dày tầng phủ mỏng cũng rất ít xảy ra trượt lở đất.
NGUYỄN THÁM - PHAN VĂN TRUNG
60
2.2.3. Nguyên nhân khí tượng – thủy văn
Nằm trong vùng núi cao đón gió nhiều chiều nên lượng mưa ở tỉnh Quảng Trị dồi dào,
dao động trong khoảng từ 2.000–2.700mm, lớn hơn nhiều so với lượng mưa trung bình
của lãnh thổ Việt Nam. Lượng mưa lớn tập trung trong 3 tháng (IX–XI) chiếm tới 60-
65% lượng mưa cả năm, trong đó tháng X có lượng mưa lớn nhất chiếm 27-30% lượng
mưa năm và tháng IX có lượng mưa trung bình chiếm tới 20% lượng mưa cả năm. Đây
cũng là thời kỳ có độ ẩm lớn trong năm với độ ẩm tương đối thường đạt xấp xỉ 90% [2].
Lượng mưa lớn, tập trung cộng với những hiện tượng thời tiết cực đoan khác là nguyên
nhân gây ra lũ lụt và trượt lở đất ở địa bàn nghiên cứu.
Xem xét mối quan hệ giữa lượng mưa, số ngày mưa, cường độ mưa cùng với hiện tượng
trượt lở đất cho thấy mưa lớn và kéo dài là nguyên nhân chính gây ra trượt lở đất.
Cường độ mưa lớn nhất trong 24 giờ xảy ra ở các nơi ở tỉnh Quảng Trị cũng khá lớn, có
nơi lên tới 400–500mm [3]. Điều này được thể hiện rõ trong cơn bão số 9 năm 2009. Từ
19 giờ ngày 27/9/2009 đến 19 giờ ngày 01/10/2009 lượng mưa toàn tỉnh Quảng Trị phổ
biến từ 500 mm đến 600mm. Đặc biệt vùng phía Nam tỉnh có cường độ mưa rất lớn như
tại Hải Tân là 739mm, Hải Sơn 694mm. Đây là nguyên nhân làm xuất hiện hơn 200
điểm trượt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và nhiều điểm trượt lở ở các
tuyến đường khác, làm tắc giao thông nhiều ngày liền trên tuyến đường Hồ Chí Minh
nhánh Tây thuộc tỉnh Quảng Trị [4].
2.2.4. Tác động của bề dày tầng phủ
Nghiên cứu bề dày tầng phủ theo đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Trị, chúng tôi
nhận thấy bề dày tầng phủ có mối quan hệ với quá trình trượt lở đất. Các quá trình
phong hóa ảnh hưởng rất lớn đến tính chất cơ lý của đất đá ở sườn dốc. Tùy theo mức
độ phong hóa mà tính chất của đất đá (khối lượng thể tích, độ rỗng, khe nứt, độ bền, độ
hấp thụ nước...) bị biến đổi. Bề dày tầng phủ trên tuyến đường nghiên cứu biến đổi từ
dưới 1m đến trên 10 m. Ở các đỉnh núi chiều dày tầng phủ chỉ xấp xỉ 2m, ở giữa sườn
núi từ 3–7m, ở chân núi, vùng đất bazan có thể lớn hơn 10m. Qua thống kê cho thấy các
điểm trượt lở đất thường xảy ra ở những khu vực có chiều dày tầng phủ từ 1,5 đến hơn
10m chiếm tỷ lệ trên 75%. Còn những điểm trượt xảy ra ở những khu vực có bề dày
tầng phủ dưới 1,5m rất ít.
Ở tỉnh Quảng Trị các đá macma axit chiếm diện tích lớn và phân bố hầu như đều khắp
lãnh thổ. Các đá macma bazơ phun trào chủ yếu vào cuối Neogen đến kỷ Thứ tư tạo nên
các vùng đất đỏ bazan ở Vĩnh Linh, Dốc Miếu – Cồn Tiên, Tân Lâm – Cùa, Khe Sanh –
Hướng Phùng với tầng dày trung bình trên 10m. Với độ dày tầng phủ lớn tạo nên những
điểm trượt có quy mô lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
2.2.5. Tác động của thảm thực vật
Khu vực nghiên cứu có độ che phủ 38,7% diện tích tự nhiên, có tác dụng lớn trong việc
làm hạn chế trượt lở đất. Tuy nhiên trong tổng số gần 70.000 ha rừng tự nhiên ở vùng
núi chỉ có 14.324 ha rừng giàu (20,5%), 26.887 ha rừng trung bình (38,5%), còn lại là
rừng nghèo và rừng phục hồi. Ở vùng đồi núi chỉ có khoảng 11.000 ha rừng tự nhiên,
HIỆN TƯỢNG TRƯỢT LỞ ĐẤT DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH...
61
trong đó chủ yếu là rừng nghèo (66%) [1]. Rừng bị suy giảm về diện tích, chất lượng
làm tăng thêm số lượng, cường độ và quy mô trượt lở trên các tuyến đường giao thông ở
địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị.
Theo kết quả khảo sát trên tuyến đường Hồ Chí Minh, hiện tượng trượt lở đất thường
xảy ra ở khu vực rừng trung bình, rừng nghèo, cá biệt có những nơi hầu như trơ ra lớp
đất đá, không có bất cứ một vật cản nào do hoạt động đốt rừng làm rẫy, hay phá rừng để
trồng cây cao su, cà phê như ở khu vực xã Hướng Phùng. Cũng theo kết quả điều tra, có
tới 14 điểm đốt rừng làm rẫy dọc đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị đem đến nguy cơ
trượt lở đất rất cao. Có tới 75,2% các điểm trượt lở đất thuộc địa bàn nghiên cứu xảy ra
ở khu vực rừng trung bình, rừng nghèo và đất trống, đồi trọc.
Lớp phủ thực vật có vai trò quan trọng đối với quá trình phát sinh, phát triển trượt lở đất
đá trên sườn dốc. Một số nơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã trồng loại cỏ Vestiver,
cỏ tranh, cỏ lau và các loại cây bản địa khác để hạn chế quá trình trượt lở đất đá trên
sườn dốc. Tại km 204+500, km 203+150... đã trồng cỏ Vestiver để chống trượt lở và đã
có tác dụng nhất định.
2.2.6. Nguyên nhân do hoạt động nhân sinh
Ngoài các yếu tố tự nhiên, yếu tố nhân tạo cũng làm phát sinh, phát triển trượt lở đất đá
trên sườn dốc. Đó là các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người tác động lên
môi trường địa chất như: cắt xén sườn dốc, thi công mái quá dốc, khai khoáng, phá
rừng... Trên địa bàn Quảng Trị, đồng bào dân tộc ít người: Vân Kiều, Pa Cô... tập trung
chủ yếu ở các huyện miền núi Hướng Hoá và Đa Krông. Cuộc sống hằng ngày của đồng
bào dân tộc ít người ở đây phụ thuộc phần lớn vào rừng với các hoạt động khai thác
rừng, đốt rừng làm rẫy vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện tại các hoạt động khai thác đã
tiến vào các cánh rừng sâu hơn, nơi có địa hình hiểm trở, đe dọa lớn đến sự tồn tại của
các cánh rừng, làm tăng khả năng xói mòn đất, tạo điều kiện cho hiện tượng trượt lở đất
diễn ra nhanh và quy mô lớn hơn.
Tóm lại, trên tuyến đường nghiên cứu hiện tượng trượt lở đất do các nguyên nhân tự
nhiên và nguyên nhân con người, trong đó điều kiện tự nhiên đóng vai trò quan trọng và
là nguyên nhân chủ yếu gây nên quá trình trượt lở đất.
2.3. Một số giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất gây ra
dọc hành lang đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị
2.3.1. Nhóm giải pháp phi công trình
- Tăng cường giáo dục và tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết được các
nguyên nhân, hậu quả của các hiểm họa tai biến thiên nhiên nói chung và trượt lở
đất đá nói riêng để có biện pháp phòng tránh.
- Cần có những quy định bằng văn bản pháp luật nghiêm cấm hoặc hạn chế canh
tác bừa bãi, khai thác khoáng sản, đất đá không đúng quy định, không theo quy
trình, quy phạm, xây dựng các các công trình ở sườn dốc kém ổn định. Thực hiện
nghiêm các biện pháp cấm phá rừng, đốt nương làm rẫy làm giảm diện tích lớp
NGUYỄN THÁM - PHAN VĂN TRUNG
62
phủ thực vật, hoặc tạo ra đất trống, đồi trọc là những nguyên gián tiếp gây ra trượt
lở đất.
- Xây dựng hệ thống biển cảnh báo trên các đoạn đường đang có nguy cơ trượt lở
để phòng tránh. Tại các vị trí xung yếu, các điểm trượt lở cần bố trí chỉ dẫn giao
thông, bố trí các rào chắn tạm thời và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
- Khẩn trương di dời các hộ dân, các công trình xây dựng nằm trong vùng nguy
hiểm do tai biến trượt lở đất đến các vị trí an toàn. Thực hiện quy hoạch dân cư và
di cư trên cơ sở phân vùng dự báo trượt lở.
- Thành lập các đội cứu hộ cơ động nhằm ứng cứu, xử lý và khắc phục hậu quả do
tai biến tự nhiên gây ra, duy tu, bảo dưỡng ở những đoạn đường thường hay xảy
ra trượt lở đất đá.
2.3.2. Nhóm giải pháp công trình
- Đối với các vách đường có nguy cơ trượt lở, cần có biện pháp chống tác động phá
hoại của nước mặt bằng cách xây dựng hệ thống rãnh thoát nước trên sườn ở các
độ cao khác nhau, trồng cỏ Vestiver chống quá trình xói mòn đất.
- Đối với các điểm trượt lở lớn, phức tạp trên các vách ta luy dương dốc đứng, cần
giảm tải trọng trên sườn bằng cách hạ thấp các mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo
nhiều bậc thang theo sườn dốc như tại km 197+600, km 194+100, km 185+600
trên đường Hồ Chí Minh nhánh Khe Sanh – Chà Lỳ và tại nhiều điểm trượt lở đã
được xử lý trên nhánh Đa Krông – Tà Rụt. Tăng tải trọng ở phần chân của mái
dốc bằng cách xây dựng các loại tường phản áp, xây các tường chắn bê tông cốt
thép tại một số điểm trượt ở đèo Sa Mù, tại km 285+700, km 298+600 trên
nhánh Đa Krông – Tà Rụt.
3. KẾT LUẬN
Qua khảo sát, nghiên cứu trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh
Quảng Trị có thể rút ra một số kết luận sau đây:
- Trượt lở đất xuất hiện chủ yếu tại các vùng miền núi thuộc các huyện Đa Krông
và Hướng Hóa.
- Trượt lở đất xảy ra chủ yếu trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chiếm 94,28% tổng
số các điểm trượt lở đất, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông chiếm tỉ lệ nhỏ 5,72%.
- Trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, trượt lở đất thường có quy mô lớn và
trung bình. Trong tổng số 99 điểm trượt lở đất trên đường Hồ Chí Minh nhánh
Tây có 31 điểm quy mô lớn (chiếm 31,31%), 47 điểm trượt lở đất có quy mô
trung bình (chiếm 47,47%).
Kiến nghị:
- Quy hoạch lại một số điểm dân cư, di dân ra khỏi vùng đã được cảnh báo về nguy
cơ trượt lở đất. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn Đa Krông – Tà
HIỆN TƯỢNG TRƯỢT LỞ ĐẤT DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH...
63
Rụt, tại km 287 (16028’48’’B và 106059’05’’Đ) dân cư sống dọc hai bên đường,
nơi có nguy cơ trượt lở đất và lũ quét cao, cần phải di chuyển đến nơi khác.
- Tại km 266 + 370 (16035’30’’B và 106055’46’’Đ) nên thay 3 cống bi có đường
kính 1,2m bằng các cống có kích thước lớn hơn, tránh vào mùa mưa lũ, nước trên
núi chảy xuống thoát không kịp sẽ cuốn trôi cả đoạn đường này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Đức An, Uông Đình Khanh (2007). Địa mạo và địa chất tỉnh Quảng Trị. NXB
KHTN & CNHN, Hà Nội.
[2] Hoàng Đức Triêm (2003). Đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên và đề xuất hệ
thống sử dụng lãnh thổ đồi núi tỉnh Quảng Trị cho mục đích nông, lâm nghiệp trên
quan điểm phát triển bền vững. Báo cáo tổng kết đề tài cấp bộ, 103 tr & phụ lục, Tài
liệu lưu trữ, Huế.
[3] Trần Văn Ý (2008). Quy hoạch xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Quảng
Trị. Đề tài cấp tỉnh, Quảng Trị.
[4] UBND tỉnh Quảng Trị (2009). Báo cáo tổng hợp tình hình triển khai công tác phòng,
chống và các biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra. Quảng Trị.
Title: THE LANDSLIDE SITUATION ALONG TO THE CORRIDOR OF HO CHI MINH
STREET IN QUANG TRI PROVINCE, THE REASONS AND THE SOLUTION TO
SURMOUNT
Abstract: The grave and soil landslide is a kind of the natural calamities which often happens in
the hill and mountain region in Vietnam, especially along to the streets built or repaired recently
and has serious results. The reason of the landside is the multi effect of the natural elements and
the human life. Among them, the natural elements play a dominant role. Based on the reality
results of the landslide situation along to the Ho Chi Minh Street, the stretch of road goes
through the Quang Tri province, the article not only analyzed the reasons of the landslide in the
research area, but also proposed the solution to prevent and reduce the damage of the landslide.
TS. NGUYỄN THÁM
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
PHAN VĂN TRUNG
Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
ĐT: 01682.685.146. Email: phantrung77@gmail.com
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 17_251_nguyentham_phanvantrung_10_phan_van_trung_7042_2021036.pdf