Hệ giá trị gia đình Việt Nam: Truyền thống và đổi mới

Hệ giá trị gia đình Việt Nam từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội hiện nay đang biến đổi mạnh mẽ dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Các hợp phần của hệ giá trị gia đình có mức độ và cường độ biến đổi rất khác nhau: trong khi các giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất thay đổi khá triệt để, thì các giá trị trong quan hệ giữa người với người và đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng lại biến đổi dần dần, tiệm tiến; các giá trị có cội nguồn từ văn hóa bản địa có sức sống trường tồn hơn các giá trị vay mượn từ bên ngoài.

pdf9 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 10/03/2022 | Lượt xem: 274 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hệ giá trị gia đình Việt Nam: Truyền thống và đổi mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
33 Hệ giá trị gia đình Việt Nam: truyền thống và đổi mới Lê Ngọc Văn1 1 Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: lengocvan5@yahoo.com Nhận ngày 17 tháng 7 năm 2017. Chấp nhận đăng ngày 30 tháng 7 năm 2017. Tóm tắt: Hệ giá trị gia đình Việt Nam từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội hiện nay đang biến đổi mạnh mẽ dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Các hợp phần của hệ giá trị gia đình có mức độ và cường độ biến đổi rất khác nhau: trong khi các giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất thay đổi khá triệt để, thì các giá trị trong quan hệ giữa người với người và đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng lại biến đổi dần dần, tiệm tiến; các giá trị có cội nguồn từ văn hóa bản địa có sức sống trường tồn hơn các giá trị vay mượn từ bên ngoài. Từ khóa: Gia đình, hệ giá trị, đổi mới, biến đổi hệ giá trị gia đình. Phân loại ngành: Xã hội học Abstract: The Vietnamese family values have been changing dramatically from those of a traditional agricultural society to those of today under the impacts of industrialisation, modernisation and international economic integration. The components of this value system have had various extents and magnitude of change: while the values in the field of economics and material have changed rather radically, the changes in the man-to-man relationship, and their spiritual and religious life, have been gradual; and the values rooted in the indigenous culture have more lasting vitality than those imported from overseas. Keywords: Family, value system, renovation, changes in family value system. Subject classification: Sociology 1. Giới thiệu Sau 30 năm đổi mới, xã hội Việt Nam đã và đang trải qua những biến đổi cực kỳ sâu sắc trên nhiều phương diện, mà xét về bản chất, thì đó là sự chuyển đổi từ nền văn minh nông nghiệp cổ truyền sang nền văn minh công nghiệp và hiện đại, đồng thời chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Đây là một cuộc chuyển đổi kép. Cuộc chuyển đổi kép này vẫn đang còn tiếp diễn, thậm chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 - 2017 34 đang ở buổi ban đầu, khi các khuôn mẫu văn hóa của xã hội công nghiệp chưa hình thành một cách đầy đủ, và các khuôn mẫu của xã hội nông nghiệp cũng chưa mất đi. Tình trạng quá độ giữa hai thời đại đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối: tham nhũng, lãng phí, bất công, lợi ích nhóm, ô nhiễm môi trường Trong gia đình, những vấn đề nhức nhối là: ly thân, ly hôn tăng; trẻ em bị thả lỏng; người già ít được quan tâm; anh em ruột thịt tranh chấp tài sản, tôn ti trật tự trong gia tộc thay đổi... Trước thực trạng đó, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng xã hội ta đang bị rối loạn về giá trị; thuần phong mỹ tục đang đứng trước thách thức và không ít gia đình đã có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức [2, tr.51]. Một số người khác thì cho rằng, gia đình Việt Nam xuống cấp một cách khá nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế đổi mới, mở cửa [3, tr.119). Những người khác nữa thì tỏ ra tiếc nuối và hoài nhớ về những gì êm đẹp trong gia đình của một thời đã qua... Vậy, trong thực tế, gia đình Việt Nam đang sống với những giá trị nào? Hệ giá trị ấy đang vận hành và biến đổi ra sao? Điều gì chi phối sự vận hành của nó? Và, chúng ta cần làm gì để hệ giá trị gia đình Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Dựa trên kết quả điều tra xã hội học của đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học - Nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình” do Viện Nghiên gia đình và Giới thực hiện2, bài viết này góp phần trả lời các câu hỏi trên. 2. Các giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất Các giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất là tất cả những gì do con người sáng tạo, tiếp thu, lựa chọn trong mối tương quan với môi trường tự nhiên, nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh tồn hàng ngày của họ. Biểu hiện tập trung của loại hình giá trị này là ăn, mặc, ở, đi lại. Tuy nhiên, trong việc thỏa mãn các nhu cầu bất biến này, ở mỗi thời đại hay mỗi thời kỳ lịch sử, người ta lại có sự lựa chọn rất khác nhau. Ở Việt Nam trước đây, do khan hiếm các sản phẩm tiêu dùng, ước mong của đại bộ phận người dân là được ăn no mặc ấm. Phương châm được đề cao trong cách ăn mặc là “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”. Trong các thời kỳ đó, đủ ăn đủ mặc là điều được cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội theo đuổi. Con người cảm thấy hạnh phúc khi giải quyết được vấn đề ăn mặc. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cơm ba bát, áo ba manh/Đói chẳng xanh, rét chẳng cóng”. Để đối phó với tình cảnh thiếu thốn sản phẩm tiêu dùng, người ta khuyên nhủ nhau phải dự trữ lương thực, biết lo xa “(Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng)”; khéo léo trong chi tiêu “(Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm)” và tìm cách kéo dài tuổi thọ của vật dụng “(Của bền tại người)”... Do nông nghiệp gắn chặt với đất đai, vườn tược, ruộng đồng, sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi lại chỉ có thể thu hoạch theo mùa, hoặc theo năm, thậm chí là nhiều năm, cho nên chỗ ở của nông dân phải cố định lâu dài để tiến hành sản xuất. “An cư lạc nghiệp” là ước mong của các hộ gia đình. Hướng nhà cũng không kém phần quan trọng. Nó thể hiện trong câu tục ngữ: “Lấy vợ hiền hòa/Làm nhà hướng nam”. Tập quán đó được giải thích bằng các lý do vật chất: gió bắc mùa đông thường mạnh và rét, trong khi gió nồm mùa hè mát mẻ lại đến từ phương Nam và Đông - nam [5, tr.287]. Vì Lê Ngọc Văn 35 đa số các hộ gia đình chỉ sống trong những ngôi nhà tranh vách đất, chật hẹp, thiếu ánh sáng, cho nên ước mơ suốt đời của người nông dân xưa là có được “nhà ngói sân gạch” (biểu tượng của sự giàu sang, phú quý). Trong cái không gian riêng nhỏ bé ấy, các phương tiện sinh hoạt phục vụ cho đời sống con người cũng rất đơn sơ: nấu ăn bằng bếp đun rơm rạ; tắm giặt bằng nước ao hồ hay nước giếng thơi, bất luận là mùa nóng hay mùa lạnh. Việc đi lại chủ yếu bằng đôi chân trần (mà nói theo kiểu hình tượng của các nhà thơ là “bàn chân đi gót mòn sỏi đá”). Còn việc truyền tin vẫn là trực tiếp mặt đối mặt, hoặc cao hơn là chiếc loa cuốn bằng thùng sắt tây Cuộc sống ấy đã kéo dài suốt trường kỳ lịch sử, kể cả ở thời bao cấp. Nhưng từ đổi mới đến nay, đời sống kinh tế - vật chất của người dân (biểu hiện tập trung là ở các phương tiện sinh hoạt của gia đình), đã có sự thay đổi rất căn bản, nếu không muốn nói là hoàn toàn thay đổi. Ở đây, chúng tôi chỉ dẫn thêm một ví dụ nhỏ, đó là sự biến mất của cái bếp nấu ăn truyền thống. Số liệu điều tra cũng như những ghi chép và quan sát của nhóm nghiên cứu đều xác nhận, không phải chỉ ở thành phố mà cả ở khu vực nông thôn, hầu như tất cả các hộ gia đình đều không còn sử dụng các chất đốt cổ xưa như rơm, rạ, trấu, lá, mùn cưa, than, củi, dầu hỏa cho việc đun nấu, chuẩn bị bữa ăn gia đình. Thay thế cho cách đun nấu cổ truyền đó là bếp gas, bếp điện, bếp từ. Về nhà ở, không còn thấy bóng dáng của những ngôi nhà một gian hai chái hay nhà tranh tre nứa lá vốn phổ biến ở nông thôn trước đây3. Chúng được thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng chạy dọc hai bên những con đường làng rộng rãi được trải nhựa hoặc bê tông, ô tô có thể đi lại. Ở các địa phương được điều tra, đại bộ phận các hộ gia đình đều có nhà ở, chỗ ở riêng, trong đó số hộ sở hữu loại nhà kiên cố chiếm tỷ lệ rất cao (77,8%), còn lại 19,9% nhà bán kiên cố, chỉ có 2,6% chưa có nhà ở riêng. Ước mơ “nhà ngói sân gạch” của người dân trước đây đã thành hiện thực. Việc ăn uống và trang phục cũng thay đổi đáng kể. Từ chỗ quanh năm vật lộn để lo chống chọi với cái đói và cái rét, đến nay 85,8% các hộ gia đình được khảo sát cho biết “ăn uống đầy đủ”, trong đó 6,6% ở cấp độ “ăn ngon”, chỉ có 7,1% “ăn uống còn kham khổ”. Về trang phục: 46,6% hộ gia đình ăn mặc “đẹp, lịch sự”; 4,3% hộ gia đình “ăn mặc hợp thời trang; 47,5% “đủ lành, đủ ấm”; chỉ có 1,6% “còn thiếu thốn”. Về việc đi lại, từ chỗ chỉ với “bàn chân đi gót mòn sỏi đá”, đến nay (ở thời điểm của cuộc khảo sát) có 39,1% số người được hỏi ưu tiên lựa chọn giá trị “sở hữu phương tiện đi lại” (xe đạp, xe máy, ô tô). Trong bối cảnh phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu đi lại của người dân đã vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của địa phương. V́ vậy, ngoài phương tiện giao thông công cộng, phương tiện riêng phục vụ cho việc đi lại của cá nhân và gia đình đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Nếu như trong xã hội truyền thống, người dân hầu như không đi ra khỏi phạm vi làng xã của mình, càng không có thời gian và tiền bạc để đi tham quan du lịch, thì ngày nay mọi chuyện đã khác. Cụ thể là trong vòng 5 năm trước thời điểm điều tra, 73,8% số người được hỏi cho biết họ đã đi thăm người thân, bạn bè ở ngoài huyện, ngoài tỉnh; 50,3% đi tham quan trong nước; 2,5% đi du lịch nước ngoài. Đây là một bước phát triển hoàn toàn Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 - 2017 36 mới so với truyền thống, kể cả so với thời kỳ bao cấp. 3. Các giá trị trong quan hệ giữa người với người Nếu các giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất là những gì có liên quan tới mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, tới việc đáp ứng các nhu cầu sinh tồn của họ, thì các giá trị trong quan hệ giữa người với người, và ở đây là giữa các thành viên gia đình, được quan niệm là tất cả những gì thuộc về mặt tình cảm và đạo lý, các khuôn mẫu tác phong hàng ngày giữa họ với nhau. Nói cụ thể, đấy là việc ứng xử giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, ứng xử với họ hàng, láng giềng, bạn bè Trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay, hệ giá trị này bao gồm cả những giá trị đã có từ khởi thủy (như: vợ chồng chung thủy, anh em hòa thuận, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau;), cả những giá trị được vay mượn, ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo (như: cha từ con hiếu, đông con nhiều cháu, ông bà, cha mẹ sống cùng cháu con), cũng như những giá trị mới (như: bình đẳng giới, bình đẳng thế hệ, quyền tự do cá nhân). Câu hỏi đặt ra là trong sự tồn tại đan xen giữa các giá trị cũ và mới, giá trị nội sinh và giá trị ngoại sinh, thì gia đình Việt Nam đang ưu tiên cho những giá trị nào. Kết quả điều tra cho thấy, chỉ báo “ông bà, cha mẹ sống chung với con cháu” xếp ở vị trí sau cùng với chỉ 24,1% số người lựa chọn. Đây là một sự thay đổi rất lớn so với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong lịch sử. Bởi vì trước đây, việc ông bà, cha mẹ, cháu con được sống quây quần bên nhau dưới cùng một mái nhà (tam tứ đại đồng đường) là một mơ ước đối với mọi gia đình, dù họ thuộc tầng lớp hoặc nhóm xã hội nào. Thế nhưng, hiện nay ước mơ này không còn mang tính phổ biến nữa. Chỉ báo tiếp theo là “vợ chồng chung thủy”(đạt 96%). Điều đặc biệt ở đây là, nếu như chỉ báo “ông bà, cha mẹ sống chung với con cháu” có sự thay đổi mang tính đột biến thì chỉ báo “vợ chồng chung thủy” lại gần như được bảo lưu hoàn toàn so với truyền thống. Tính liên tục của chỉ báo này hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Trong xã hội hiện đại, gia đình không còn là đơn vị kinh tế khép kín, các thành viên trưởng thành có thu nhập độc lập, trẻ em vẫn có thể được nuôi dưỡng bởi người bố hoặc người mẹ khi hôn nhân tan vỡ. Điều đó có nghĩa chỉ báo về sự chung thủy vợ chồng về cơ bản không còn xuất phát từ việc bảo đảm sự sinh tồn của gia đình mà chuyển sang sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý - tình cảm của các cá nhân. Nói một cách khái quát là, trước đây chung thủy là vì sự sống còn của gia đình, còn ngày nay chung thủy là vì sự sống còn của tình yêu. Hôn nhân hiện đại là dựa trên tình yêu, thì chỉ có tình yêu mới có thể duy trì được cuộc hôn nhân đó. Điều này giải thích vì sao cả trong truyền thống và hiện đại, chung thủy vợ chồng luôn là giá trị được đề cao trong đời sống gia đình. Gia đình Việt Nam hiện nay có thể coi là một hình thái quá độ từ truyền thống sang hiện đại. Đặc điểm này làm cho sự lựa chọn giá trị cũng mang tính “quá độ”. Tại địa bàn nghiên cứu, lý do mà người dân đưa ra về việc đề cao giá trị vợ chồng chung thủy vừa thể hiện khát vọng duy trì tình yêu vợ chồng, vừa là để bảo đảm sự sống còn của gia đình, tương lai của con cái. Lê Ngọc Văn 37 Ngoài ra, cũng cần ghi nhận xu hướng tiếp nhận giá trị mới, tiêu biểu nhất là sự bình đẳng giới, bình đẳng giữa các thế hệ trong đời sống gia đình. Tỷ lệ ưu tiên lựa chọn giá trị này ở mức trung bình (51,6%), phản ánh tính chất quá độ trong sự chuyển đổi của gia đình từ truyền thống sang hiện đại. Bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại, hơn nữa, là một giá trị thuộc về chất lượng cuộc sống. Trong thời kỳ hiện đại, nhất là ở các xã hội đang chuyển đổi, người ta không thể không có sự lựa chọn giữa giá trị sinh tồn và giá trị tự biểu hiện, giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông thường, ở các xã hội đang phát triển (trong đó có Việt Nam), các giá trị sinh tồn vẫn được ưu tiên hơn các giá trị tự biểu hiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại địa bàn nghiên cứu, trên 50% số người được hỏi ưu tiên lựa chọn giá trị bình đẳng trong các mối quan hệ gia đình, theo chúng tôi, là một sự ưu tiên lựa chọn khá cao đối với những giá trị thuộc về chất lượng cuộc sống. 4. Các giá trị trong đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng Cùng với các giá trị về kinh tế - vật chất và các giá trị trong quan hệ giữa các thành viên, trong đời sống gia đình, người ta cũng không thể không nhắc tới các giá trị thuộc về tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Phân hệ giá trị này được quan niệm là tất cả những gì có ý nghĩa thuộc phương diện chủ quan mang lại niềm tin, sự yên ổn về tâm hồn, sự hứng khởi trong cuộc sống của con người. Trong gia đình Việt Nam, phân hệ giá trị này vốn mang tính bản địa, được hình thành trên cơ tầng văn hóa Đông Nam Á4. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện ở việc thờ cúng tổ tiên. Người ta tin rằng tổ tiên dù đã về thế giới bên kia, vẫn luôn hiện hữu và che chở cho cuộc sống của con cháu ở thế gian này và con cháu có thể liên hệ với tổ tiên qua việc thờ cúng. Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người ta còn tin vào sức mạnh của siêu nhiên, cho nên trong “tứ thời tiết lập”, mỗi khi thời tiết chuyển đổi, các gia đình đều khói hương thờ phụng cúng bái để cầu mong mưa thuận gió hòa, an khang, thịnh vượng. Ngoài tri thức bản địa, người Việt còn tiếp thu giá trị từ các nền văn minh khác do quá trình giao lưu văn hóa lâu dài trong lịch sử. Đó là tư tưởng Phật giáo (từ Ấn Độ), Nho giáo (từ Trung Quốc), Thiên chúa giáo (từ phương Tây) và nhiều giá trị văn hóa khác, kể cả các giá trị do toàn cầu hóa mang lại. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy thế giới nội tâm của các thành viên trong gia đình Việt là một bức tranh đa chiều, đa màu sắc. Kết quả điều tra cho thấy mức độ ưu tiên lựa chọn các giá trị trong đời sống nội tâm của gia đình Việt Nam hiện đại. Tỷ lệ ưu tiên lựa chọn cao nhất thuộc về giá trị “hiếu kính với tổ tiên” (95,2%). Trong các gia đình tại địa bàn nghiên cứu, hầu như nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên thờ cúng cha mẹ và những người thân đã mất. Mỗi họ và các chi họ lại có từ đường hay nhà thờ riêng để thờ tổ tiên chung của dòng họ. Đây là công việc chứa đựng rất nhiều ý nghĩa: nhớ ơn sinh thành, tìm về cội nguồn (con người có tổ có tông), mong tổ tiên ở thế giới bên kia phù hộ độ trì, trợ giúp cho con cháu trên dương thế... Như thế, đạo lý uống nước nhớ nguồn vẫn giữ nguyên giá trị và tiếp nối trong đời sống gia đình hiện đại. Trong khi đó, quan niệm “có con trai nối dõi tông đường” đến nay chỉ còn 25% số người được hỏi ưu tiên lựa chọn. Sự thay Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 - 2017 38 đổi này có thể bắt nguồn từ nhận thức mới về bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái, giữa nam và nữ. Khi đã đề cao sự bình đẳng thì tâm lý nhất thiết phải có con trai cũng dần thay đổi. Mặt khác, phải kể đến tác động của chính sách dân số. Cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch (với các khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1- 2 con; Dừng lại, 2 con để nuôi dạy cho tốt...”) đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân và của các cặp vợ chồng về sự phân biệt con trai, con gái. Một giá trị truyền thống nữa là “tôn trọng lễ giáo”, giá trị này cũng có xu hướng ít được ưu tiên lựa chọn (39,5%). Lễ giáo ở đây được hiểu là những quy tắc khắt khe và cứng nhắc của Nho giáo. Trong gia đình, mỗi thành viên phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc đạo đức, con cháu phải luôn lễ phép, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, ông bà và những người lớn tuổi; con gái phải tu luyện tứ đức: (Công - Dung - Ngôn - Hạnh); con trai có chí tiến thủ (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Các thành viên gia đình phải hành động theo đúng vị trí, vai trò của mình (vợ ra vợ, chồng ra chồng, cha ra cha, con ra con). Đây là mẫu hình gia ðình được đề cao theo quan điểm Nho giáo, nhưng không hoàn toàn phổ biến, vì trước đây đại bộ phận người dân đều không biết chữ, họ sống tự nhiên theo những gì do chính cuộc sống đặt ra và theo những gì mà họ thường quan niệm5. Ngày nay, 100% số người được hỏi đều biết chữ, trong đó đại bộ phận đã tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, do đó, ngoài lễ giáo phong kiến còn rơi rớt lại, họ còn tiếp thu nhiều giá trị mới nữa. Tỷ lệ thấp của chỉ báo về “lễ giáo” đã nói lên sự biến đổi trong lối sống của gia đình hiện nay. Sự phân hóa trong việc lựa chọn giá trị như trên cho thấy, dường như có một xu hướng là các giá trị có cội nguồn từ văn hóa bản địa có tính trường tồn cao hơn rất nhiều so với các giá trị vay mượn từ bên ngoài như Nho giáo, Đạo giáo. Các giá trị cổ truyền mang tính bản địa xuất phát từ nhu cầu có thực về sự sinh tồn, về mối quan hệ nhân quả trong đời sống con người, chúng như mạch ngầm không ngừng kết nối các thành viên gia đình qua thời gian. Đây là tiền đề quan trọng để gia đình Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa có thể cởi mở tiếp thu các giá trị mới nhưng vẫn không mất đi bản sắc của mình. Trong việc tiếp thu các giá trị mới, đáng chú ý là chỉ báo “có điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn” với gần một nửa số người được hỏi ưu tiên lựa chọn. Đây là một trong những giá trị được coi trọng trong xã hội hiện đại. Cũng giống như bình đẳng, có điều kiện nghỉ ngơi thư giãn là chỉ báo về chất lượng cuộc sống, nhất là chất lượng cuộc sống tinh thần. Tại địa bàn khảo sát, ngoài việc xem ti vi, nghe đài, xem video, vào mạng internet, đọc sách báo, người dân còn sử dụng thời gian rỗi để tham gia vào các hình thức nghỉ ngơi giải trí khác như đi tham quan, du lịch trong và ngoài nước, thăm người thân và bạn bè ở ngoài huyện, ngoài tỉnh 5. Kết luận Từ những mô tả, phân tích về sự vận hành và biến đổi hệ giá trị gia đình Việt Nam sau 30 năm đổi mới (trường hợp tỉnh Thái Bình), đến đây, có thể rút ra một số nhận xét sau: - Gia đình Việt Nam hiện đang sống với cả một thế giới của các giá trị. Xét về mặt loại hình, thế giới ấy không chỉ liên quan đến đời sống kinh tế - vật chất, đến quan hệ Lê Ngọc Văn 39 giữa con người với con người, mà cả trong đời sống tâm tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Xét về thuộc tính, thế giới ấy cũng thật đa dạng và phong phú, trong đó có các giá trị bản địa, các giá trị được vay mượn từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Còn xét về mặt lịch sử, thế giới ấy không chỉ có các giá trị cổ truyền, trong đó còn có các giá trị hiện đại, thậm chí có cả các giá trị hậu hiện đại do xu thế toàn cầu hóa (TCH) và hội nhập quốc tế (HNQT) vừa mới mang lại. - Sự biến đổi của các lĩnh vực trong hệ giá trị gia đình hiện nay là không đồng đều. Trong khi các giá trị về kinh tế - vật chất có sự biến đổi khá triệt để, thì các giá trị trong quan hệ giữa người với người và các giá trị về tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng lại biến đổi dần dần, tiệm tiến. Nhìn chung, các giá trị có nguồn gốc bản địa có sức sống trường tồn hơn so với các giá trị được vay mượn từ bên ngoài. Cũng như vậy, các giá trị sinh tồn, bảo đảm sự sống còn của gia đình được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn so với các giá trị tự thể hiện, các giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống. - Sự vận hành và biến đổi hệ giá trị gia đình cho thấy văn hóa gia đình Việt Nam từ trong lịch sử cho đến hiện nay là văn hóa hội nhập - hội nhập của văn hóa bản địa thuộc cơ tầng Đông Nam Á với văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, văn hóa phương Tây và ngày nay là văn hóa toàn cầu. Điều đáng nói là qua những lần hội nhập như vậy, cha ông chúng ta đã không ngừng tiếp thu các yếu tố, các giá trị mới để làm giàu cho chính mình, làm cho bản sắc gia đình Việt Nam không phải “nhất thành bất biến”, mà luôn đổi mới và phát triển. - Trở lại câu hỏi đã nêu ở đầu bài viết: có phải xã hội ta đang bị rối loạn về giá trị? Có phải luân lý, đạo đức gia đình Việt Nam đang xuống cấp? Câu trả lời được rút ra từ cuộc nghiên cứu của chúng tôi là: không. Chúng tôi cho rằng chính sự vận động đa chiều về giá trị, kể cả giá trị xã hội và giá trị gia đình như đã nêu, đã làm cho nhiều người cảm thấy bối rối. Đấy là chưa kể, trong điều kiện của một xã hội đang chuyển đổi thì tránh sao khỏi những mâu thuẫn, xung đột giữa cái cũ và cái mới. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh một điều là, tất cả những lần chuyển đổi và hội nhập văn hóa trước đây đều được bắt đầu từ trên xuống, do đó trước khi đến người dân, các giá trị ngoại sinh đã được thông qua nhiều bộ lọc. Còn ngày nay, trong bối cảnh của xu thế TCH, khi thế giới đã trở thành “thế giới phẳng”, sự tiếp thu văn hóa trực tiếp từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống như các lần hội nhập trước đây. Việc tiếp thu văn hóa từ dưới lên, một mặt làm cho lối sống Việt, trong đó có hệ giá trị gia đình, trở nên năng động, song mặt khác, cũng không tránh khỏi việc lựa chọn giá trị một cách thiếu chọn lọc và thiếu kiểm soát. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là: các cơ quan chức năng cần xây dựng và đưa ra được một bộ tiêu chuẩn với tư cách là mẫu số chung cho việc xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực gia đình trong bối cảnh TCH và HNQT, trong đó phản ánh được xu thế và nguyện vọng của đại đa số các nhóm xã hội khác nhau. Chỉ có như vậy, việc tiếp xúc và tiếp thu văn hóa, trong đó có hệ giá trị gia đình, mới có thể góp phần vào việc xây dựng gia đình bền vững, qua đó góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chú thích 2 Cuộc nghiên cứu được tiến hành ở cả hai địa bàn nông thôn và đô thị là xã An Cầu (huyện Quỳnh Phụ) và phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) với Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 - 2017 40 cả hai phương pháp định tính và định lượng. Tổng số người được phỏng vấn là 825 người chia đều cho nông thôn và đô thị, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tếTrong đó, số người được điều tra bằng bảng hỏi là 580 người; số người được điều tra bằng phương pháp phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tập trung là 245 người. Thông tin định lượng tập trung vào sự lựa chọn giá trị của người dân chia theo ba lĩnh vực: đời sống kinh tế - vật chất và thể chất; quan hệ xã hội của gia đình; đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Thông tin định tính nhằm xác định rõ hơn nhận thức, suy nghĩ và nguyên nhân lựa chọn các giá trị gia đình hiện nay của người dân, cũng như những biến đổi trong lựa chọn ấy. Thông tin định lượng được xử lý bằng chương trình SPSS 16.0. Việc triển khai đề tài dựa trên hai quan điểm lý thuyết: lý thuyết hiện đại hóa và lý thuyết tiểu văn hóa. 3 Theo mô tả của Pierre Gourou, loại nhà ở phổ biến của nhà nghèo ở châu thổ Bắc kỳ là một bộ khung đơn giản bằng gỗ xoan đỡ lấy mái rạ của ngôi nhà chính. Ngôi nhà chính chỉ có một gian với hai chái; chái bên trái làm thành một phòng kín, nơi ở của phụ nữ và chứa lương thực. Nhà mở ra ngoài bằng một cửa giữa, ngôi nhà này không có những cánh cửa và khung cửa đắt tiền bằng gỗ, người ta bịt kín hai gian bên bằng vách đất trộn rơm; còn cửa giữa thì không có cánh mà khi cần thì đóng lại bằng một tấm phên đan bằng tre [5, tr.280]. 4 Có lẽ người đầu tiên chứng minh được rằng có một cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á là học giả Pháp G. Coedès. Quan điểm của ông có cơ sở từ các thành tựu của khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, sử học, văn học nghệ thuật, v.v.. Những đặc điểm chung của khu vực Đông Nam Á mà G. Coedès đã dẫn ra gồm: i) về phương diện vật chất: làm ruộng cấy lúa, nuôi trâu bò, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền; ii) về phương diện xã hội: địa vị quan trọng của người phụ nữ, huyết tộc mẫu hệ, tổ chức xã hội theo nhu cầu tưới nước cho đồng ruộng; iii) về phương diện thần thoại: đối lập vũ trụ luận giữa núi và biển, giữa loại phi cầm với loài thủy tộc, giữa người thượng du với người hạ ban; iv) về phương diện tôn giáo: thuyết vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn), thờ phụng tổ tiên và thờ thần đất, đặt đền thờ ở những chỗ cao, chôn người chết trong các chum, vại hay các trắc thạch; v) về phương diện ngôn ngữ: dùng những tiếng đơn âm [1, tr.115]. 5 Theo Trần Quốc Vượng: chưa từng bao giờ có tình trạng độc tôn Nho giáo trong đời sống văn hóa - tư tưởng Việt Nam lịch đại, cho dù là từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Theo ông, tâm thức người dân Việt là sự cởi mở, đa nguyên, đa dạng có cái “duy lý” của Nho; có cái “tâm linh” của Phật, có cái “siêu việt” của Lão Trang và có cả cái mê tín “thần ma” của căn tính tiểu nông Còn trong đời sống gia đình, thì Nho trọng cha trong khi người Việt trọng mẹ; Nho trọng chồng trong khi người Việt trọng vợ [7, tr.510-511]. Tài liệu tham khảo [1] Mai Ngọc Chừ (2009), Văn hóa & ngôn ngữ phương Đông, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh. [2] Lê Như Hoa (2001), Văn hóa gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em, Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. [3] Đặng Cảnh Khanh (1999), Các nhân tố phi kinh tế xã hội học về sự phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [4] Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [5] Pierre Gourou (2003), Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. [6] Ronald Inglehart (2008), Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội. [7] Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội. Lê Ngọc Văn 41

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf32941_110580_1_pb_0322_2007613.pdf