Giáo trình đa dạng sinh học

Theo Công ước Đa dạng sinh học, khái niệm "Đa dạng sinh học" (biodiversity, biological diversity) có nghĩa là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, bao gồm: các hệ sinh thái trên cạn, trong đại dương và các hệ sinh thái thuỷ vực khác, cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần, .; thuật ngữ này bao hàm sự khác nhau trong một loài, giữa các loài và giữa các hệ sinh thái. Có thể coi, thuật ngữ "đa dạng sinh học" lần đầu tiên được Norse và McManus (1980) định nghĩa, bao hàm hai khái niệm có liên quan với nhau là: đa dạng di truyền (tính đa dạng về mặt di truyền trong một loài) và đa dạng sinh thái (số lượng các loài trong một quần xã sinh vật). Có nhiều định nghĩa về đa dạng sinh học được đưa ra, định nghĩa được đưa ở trên là định nghĩa được dùng trong Công ước Đa dạng sinh học. Các định nghĩa khác về Đa dạng sinh học: - toàn bộ gen, các loài và các hệ sinh thái trong một vùng hoặc trên toàn thế giới . - tính đa dạng của sự sống dưới mọi hình thức, mức độ và mọi tổ hợp, bao gồm đa dạng gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái . [FAO] - tính đa dạng, trạng thái khác nhau về đặc tính hoặc chất lượng (R.Patrick,1983) - sự đa dạng và tính khác nhau của các sinh vật sống và các phức hệ sinh thái mà chúng tồn tại trong đó. Tính đa dạng có thể định nghĩa là một số lượng xác định các đối tượng khác nhau và tần số xuất hiện tương đối của chúng. Đối với đa dạng sinh học, những đối tượng này được tổ chức ở nhiều cấp độ, từ các hệ sinh thái phức tạp đến các cấu trúc hoá học là cơ sở phân tử của vật chất di truyền. Do đó, thuật ngữ này bao hàm các hệ sinh thái, các loài, các gen khác nhau và sự phong phú tương đối của chúng. (OTA, 1987). - tính đa dạng của sự sống và các quá trình hoạt động của nó (U .S. Forest Service, 1990). - bao gồm tất cả các loài thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và quá trình sinh thái học mà chúng tham gia . Đây là khái niệm bao trùm cho mức độ phong phú của tự nhiên, bao gồm cả số lượng và tần số xuất hiện của các hệ sinh thái, các loài và các gen di truyền trong một tổ hợp xác định. (McNeely et al., 1990). - tính đa dạng của sự sống ở mọi cấp độ tổ chức, biểu hiện bởi số lượng và tần số xuất hiện tương đối của các đối tượng (gen, sinh vật, hệ sinh thái) (EPA, 1990). - toàn bộ sự đa dạng và khác nhau giữa các sinh vật sống và trong chính sinh vật đó, cũng như đối với các hệ sinh thái mà các sinh vật tồn tại trong đó; bao hàm cả đa dạng hệ sinh thái hoặc đa dạng quần xã, đa dạng loài và đa dạng di truyền (Pending legislation, U .S. Congress 1991). - tính đa dạng của sinh vật ở mọi cấp độ, từ những biến dị di truyền trong cùng một loài đến sự đa dạng của các loài, giống/chi, họ và thậm chí cả các mức phân loại cao hơn; bao gồm cả đa dạng hệ sinh thái, gồm cả các quần xã sinh vật trong các sinh cảnh cụ thể và các điều kiện vật lý mà chúng sinh sống trong đó (Wilson, 1992). - là phức hệ vượt quá sự hiểu biết và có giá trị không thể đo đếm được, đa dạng sinh học là toàn bộ tính đa dạng của sự sống trên trái đất (Ryan, 1992). - tính đa dạng về cấu trúc và chức năng của các dạng sống ở các mức di truyền, quần thể, loài, quần xã và hệ sinh thái (Sandlund et al., 1993). 1.2. Đối tượng môn học Đa dạng sinh học là một phân môn của sinh học, đa dạng sinh học lấy đối tượng là toàn bộ sinh vật sống trên trái đất làm đối tượng nghiên cứu của mình. Sự đa dạng của đời sống được làm rõ bằng nhiều cách khác nhau. Một số hướng của sự đa dạng này có thể bắt đầu được tạo nên nhờ vào phân biệt giữa các yếu tố khác nhau. Có 3 nhóm đa dạng cơ bản được tạo nên là: đa dạng di truyền; đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Đa dạng di truyền bao gồm các thành phần của các mã di truyền cấu trúc cơ thể (nucleotides, genes, chromosomes) và sự biến đổi trong cấu trúc giữa các cơ thể của cùng một quần thể và giữa các quần thể khác nhau. Đa dạng loài bao gồm các bậc phân loại và các thành phần của nó, từ các cá thể đến các loài, chi và cao hơn. Đa dạng hệ sinh thái bao gồm các mức độ sinh thái khác nhau của quần thể, thông qua nơi ở và ổ sinh thái, đến sinh cảnh. Như vậy, đa dạng sinh học sẽ tập trung nghiên cứu sự đa dạng trong sinh vật từ di truyền cho đến các hệ sinh thái. Tuy nhiên, đối với mỗi cấp độ đa dạng sẽ có những mặt thuận lợi và khó khăn riêng khi tiến hành nghiên cứu. Đối với đa dạng di truyền, các quần thể được thiết lập từ các cá thể, mỗi một cá thể có một thành phần nhiễm sắc thể, các nhiễm sắc thể được cấu thành từ các gen và gen được cấu thành từ nucleotide. Ngược lại, trong đa dạng loài, giới, ngành, họ, chi, loài, dưới loài, quần thể và cá thể hình thành nên một chuổi tổ hợp, trong đó tất cả các nhân tố ở mức thấp hơn nằm trong mỗi mức cao hơn. Cùng với quá trình tiến hoá, sự tổ chức phân loại này của đa dạng sinh học phản ánh một khái niệm tổ chức trung tâm của sinh học hiện đại.

doc88 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 3282 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Giáo trình đa dạng sinh học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ạo cơ hội cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, nhận thức và giá trị cộng đồng ·          Giảm thiểu và sau đó ngăn ngừa việc khai thác hay chiếm cứ trái ngược với mục tiêu đề ra. ·          Phân chia đến mọi cộng đồng các lợi ích phù hợp với các mục tiêu quản lý. Hướng dẫn lựa chọn: ·          Khu bảo vệ phải chứa 1 hay nhiều đặc điểm nổi bật (thích hợp với điều kiện tự nhiên như thác nước, hang động, miệng núi lửa, cồn cát, bãi biển,...cùng với các khu hệ động thực vật đặc trưng) ·          Khu bảo vệ phải lớn để bảo vệ được tính toàn bộ của các đặc trưng và vùng liên quan bao quanh Hạng IV: khu vực quản lý loài/nơi ở: khu bảo vệ được quản lý chủ yếu cho việc bảo tồn thông qua việc tiến hành một số hoạt động quản lý của con người. Định nghĩa: diện tích đất liền hay biển là đối tượng của các hoạt động can thiệp đối với mục tiêu quản lý để bảo đảm việc duy trì nơi ở hay đáp ứng các yêu cầu đặc biệt của loài Mục tiêu quản lý: ·          Đảm bảo và duy trì điều kiện nơi ở cần thiết để bảo vệ loài, nhóm loài hay quần xã sinh học quan trọng; hay các đặc điểm tự nhiên của môi trường. ·          Nghiên cứu khoa học và quản lý môi trường là các hoạt động chủ yếu liên kết với quản lý tài nguyên bền vững ·           Phát triển khu vực cho giáo dục và nhận thức cộng đồng về các đặc điểm tự nhiên về nơi ở và công việc quản lý động vật hoang dã ·          Giảm thiểu và sau đó ngăn chặn việc khai thác quá mức hay chiếm giữ có hại với mục tiêu đề ra. ·          Phân chia lợi ích cho người dân sống trong khu vực phù hợp với các mục tiêu khác của việc quản lý. Hướng dẫn lựa chọn: ·          Khu bảo vệ phải có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thiên nhiên và sự tồn tại của loài (khu vực sinh sản, đất ngập nước, rạn san hô, vùng cửa sông, đồng cỏ,...) ·          Khu bảo vệ phải là nơi mà vấn đề bảo vệ nơi ở là cần thiết cho sự phát triển của khu hệ thực vật địa phương, quốc gia hay là nơi cư trú đối với các động vật di cư. ·          Sự bảo tồn loài và nơi cư trú phải dựa vào các hoạt động can thiệp của các nhà quản lý, nếu cần thiết có các hoạt động của con người để tạo ra nơi cư trú ·          Kích thước khu bảo vệ phụ thuộc vào nhu cầu nơi cư trú của loài được bảo vệ và có thể thay đổi từ nhỏ đến rất lớn Hạng V: bảo vệ cảnh quan trên đất liền hay biển: khu bảo vệ được quản lý chủ yếu cho việc bảo tồn cảnh quan và giải trí. Định nghĩa: diện tích đất liền vùng ven bờ và biển thích hợp, nơi mà mối tương tác của con người và thiên nhiên quan thời gian đã tạo ra những đặc điểm riêng biệt có ý nghĩa về thẩm mỹ, sinh thái hay văn hoá và thường có tính đa dạng sinh học cao  Mục tiêu quản lý: ·          Duy trì mối tương tác hài hoà về thiên nhiên và văn hoá qua việc bảo vệ cảnh quan, tiếp tục sử dụng đất truyền thống, xây dựng các thực tiễn và các biểu hiện về văn hoá, xã hội ·          Hổ trợ các hoạt động kinh tế và lối sống hài hoà với thiên nhiên và bảo tồn cơ cấu văn hoá xã hội của cộng đồng liên quan ·          Duy trì sự đa dạng về cảnh quan và nơi ở và mối liên kết loài và hệ sinh thái. ·          Giảm thiểu và ngăn chặn việc sử dụng đất và các hoạt động không phù hợp với qui mô hay tính chất. ·          Tạo cơ hội thư giãn cho cộng đồng qua giải trí và du lịch với loại hình và mức độ phù hợp với đặc trưng của khu vực ·          Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục góp phần vào sự ổn định lâu dài của các quần thể và sự phát triển của cộng đồng, hổ trợ cho việc bảo vệ môi trường khu vực ·          Tạo phúc lợi cho cộng đồng địa phương qua việc cung cấp các sản phẩm tự nhiên (như các sản phẩm rừng và nghề cá) và các dịch vụ (như nước sạch hay thu nhập từ du lịch bền vững) Hướng dẫn lựa chọn: ·          Khu vực bảo vệ có vùng đất liền, vùng bờ hay vùng biển đảo có cảnh đẹp, đa dạng nơi ở, hệ thực vật, động vật, thể hiện được các mô hình sử dụng đất độc đáo và truyền thống và các tổ chức xã hội là minh chứng về sự định cư của con người và các tập tục, lối sống và tín ngưỡng địa phương ·          Khu bảo vệ phải tạo ra cơ hội thư giãn cho công chúng qua giải trí và du lịch trong lối sống bình thường và các hoạt động kinh tế Hạng VI: quản lý tài nguyên trong các khu bảo vệ: khu bảo vệ được quản lý chủ yếu cho việc sử dung bền vững các hệ sinh thái tự nhiên Định nghĩa: khu bảo vệ chứa các hệ sinh thái chủ yếu không bị biến đổi, được quản lý để bảo đảm cho việc bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học, đồng thời vẫn tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ tự nhiên đáp ứng cho nhu cầu của cộng đồng Mục tiêu quản lý: ·          Bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học và các giá trị thiên nhiên khác của khu bảo vệ trong thời gian dài ·          Khuyến khích các hoạt động quản lý hiệu quả cho các mục tiêu sản xuất bền vững ·          Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tránh khỏi các mục đích sử dụng đất khác làm huỷ hoại tính đa dạng sinh học của khu bảo vệ ·          Góp phần vào sự phát triển vùng và quốc gia Hướng dẫn lựa chọn: ·          Ít nhất 2/3 khu bảo vệ phải ở trong hay qui hoạch trong điều kiện tự nhiên; không bao gồm khu cây trồng thương mại ·          Khu bảo vệ phải đủ lớn để có thể sử dụng bền vững tài nguyên mà không tạo ra sự suy thoái giá trị thiên nhiên trong thời gian dài ·          Phải thành lập chính quyền quản lý. 5.2.1.1. Các khu bảo tồn hiện có             Khu bảo tồn chính thức đầu tiên được hình thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1872 khi tổng thống Mỹ, Ulysses Grant chỉ định 800.000 ha ở vùng đông bắc Wyoming làm Vườn Quốc gia Yellowstone. Kể từ đó, các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên là phương thức nổi trội cho việc bảo tồn thiên nhiên, cả về động vật hoang dã và toàn bộ cảnh quan. Theo danh sách của Liên hiệp quốc về các khu bảo vệ (UNEP, WCMC 2001), có 12.750 khu bảo vệ trên toàn thế giới, có diện tích lớn hơn 1.000 ha. Trung tâm Quan trắc Bảo tồn Thế giới (WCMC) ghi nhận thêm 17.600 khu bảo tồn có diện tích nhỏ hơn tiêu chí tối thiểu của UN (United Nations) là 1.000 ha, với diện tích thêm vào là 28.500 km2. Như vậy, hiện nay có cả thảy là 30.350 khu bảo tồn, với diện tích 13,23 triệu km2 (Bảng 4.2.) chiếm 8,83% diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 1,3 triệu km2 là các khu bảo tồn biển. Trong số 191 quốc gia có khu bảo tồn, 36 quốc gia có khu bảo tồn chiếm 10 - 20% diện tích đất đai, 24 quốc gia có diện tích các khu bảo tồn lớn hơn 20% diện tích lãnh thổ. Bảng 4.2. Số lượng và diện tích các khu bảo tồn trên Thế giới Châu Phi Châu Á T. B.Dương Mỹ Latinh và Caribê Còn lại trên thế giới Tổng Số khu bảo tồn Tổng 1254 3706 2362 23.028 30.350 Số khu bảo vệ I-III (các khu bảo tồn nghiêm ngặt) 346 944 936 8.478 10,704 Số khu bảo vệ  IV-VI (quản lý tài nguyên) 908 2.762 1.426 14.550 19.646 Tỷ lệ số khu bảo tồn I-III  (%) 28% 25% 40% 37% 35% Diện tích (triệu km2) Tổng diện tích 2.06 1.85 2.16 7.16 13,23 Số khu bảo vệ I-III (các khu bảo tồn nghiêm ngặt) 1.21 0.72 1.37 3.82 7.12 Số khu bảo vệ  IV-VI (quản lý tài nguyên) 0.85 1.13 0.79 3.34 6.11 Tỷ lệ số khu bảo tồn I-III  (%) 59% 39% 63% 53% 54% Nguồn: Pretty (2002) 5.2.1.2. Tính hiệu quả của các khu bảo tồn Nếu như các khu bảo tồn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên trái đất thì hiệu quả bảo tồn các loài của thế giới được đến đâu? Sự tập trung của các loài thường xảy ra ở những nơi nhất định trong toàn bộ cảnh quan: theo các độ cao khác nhau, tại những nơi giao nhau của các kiến tạo địa chất, tại những nơi có tuổi địa chất cao và những nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Một vùng cảnh quan thường bao gồm các dãi đất rộng lớn với cùng một kiểu cư trú và chỉ có một vài khu nhỏ có các kiểu nơi cư trú thuộc loại hiếm. Trong trường hợp này, việc bảo tồn đa dạng sinh học có thể sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào bảo tồn các vùng đất rộng lớn với những kiểu cư trú phổ biến mà là phải bảo tồn đại diện của các kiểu cư trú trong một hệ thống các khu bảo tồn. Các ví dụ sau đây sẽ minh hoạ hiệu quả tiềm tàng của các khu bảo tồn nhỏ. Ě        Chính phủ Indonesia có kế hoạch bảo vệ các quần thể của những loài chim và linh trưởng bản địa trong hệ thống các vườn Quốc gia và khu bảo tồn của nước này. Mục tiêu nói trên sẽ đạt được nhờ vào việc tăng diện tích các khu bảo tồn từ 3,5% lên 10% so với tổng diện tích đất đai của cả nước. Ě        Tại hầu hết các quốc gia nhiệt đới lớn vùng Châu phi, đa số quần thể của các loài chim bản địa là là nằm trong các khu bảo tồn (bảng 4.3.). Ví dụ Zaia có trên 1000 loài chim, thì 89% số loài xuất hiện trong các khu bảo tồn với diện tích chỉ chiếm 3,9% tổng diện tích đất đai của cả nước. Ě        Một ví dụ điển hình về vai trò của các khu bảo tồn nhỏ đó là Vườn Quốc gia Santa Rosa ở vùng Tây Bắc Costa Rica. Vườn này chỉ chiếm 0,2 diện tích của Costa Rica song nó đã chứa tới 55% số lượng các quần thể của 135 loài bướm đêm của nước này. Những ví dụ trên đã cho thấy rõ rằng những khu bảo tồn được lựa chọn cẩn thận thì có thể nuôi dưỡng và che chở cho rất nhiều, nếu không nói là hầu hết, các loài của một quốc gia. 5.2.1.3. Những tồn tại của các khu bảo tồn             Mặc dù đã có những hiệu quả nhất định, các khu bảo tồn hiện nay trên thế giới vẫn còn một số hạn chế như sau: ·          Hầu hết các khu bảo tồn có diện tích nhỏ, khó để duy trì sự sống còn của các quần thể động vật có xương sống kích thước lớn. Để hạn chế điều đó, có thể xây dựng các hành lang để liên kết các khu bảo tồn với nhau. Tuy vậy, trong thực tế chỉ có một số ít khu bảo tồn có các hành lang liên kết, còn phần lớn vẫn chưa thực hiện được do vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cải. Lợi ích của các hành lang cư trú bao gồm việc gia tăng tỷ lệ di cư, nhập cư; bất lợi bao gồm sự gia tăng hoả hoạn, dịch bệnh, vật dữ và làm giảm sai khác di truyền trong quần thể. ·          Các khu bảo tồn có xu hướng nghiêng về các vùng đất có giá trị kinh tế thấp, ít có sự tranh chấp về việc sử dụng đất và các đơn vị hành chính. Kết quả là các khu bảo tồn này không đại diện đầy đủ cho các hệ thực vật tự nhiên hay sự xuất hiện của loài. Các mô hình về sự thay đổi vùng phân bố của loài từ chính lý do này sẽ càng trầm trọng thêm cùng với sự thay đổi khí hậu (Erasmus, 2002). ·          Trong thực tế nhiều khu bảo tồn hoạt động rất ít hay hầu như không hoạt động (các “khu bảo tồn giấy”). Ví dụ như ở khu bảo tồn Kronne Ejland ở Greenland được công nhận là vùng đất ngập nước theo công ước Rammar vào năm 1987, liên quan đến việc  bảo vệ quần thể loài nhạn biển lớn nhất thế giới Sterna paradisaea (ước tính khoảng 50.000 đến 80.000 đôi). Mục tiêu này đã không đạt được bất kỳ ý nghĩa thực tế nào và vào mùa hè 2000 không một đôi nhạn biển nào còn sót lại (Hanson, 2002). Tính hiệu quả của một số khu bảo tồn khác vẫn còn nhiều tranh luận, điều đó phụ thuộc nhiều vào các hoạt động quản lý. Ngân quỹ của các hoạt động bảo tồn trên thế giới vẫn còn chưa đầy đủ. Hiện nay ngân quỹ cho các khu bảo vệ  toàn cầu là 6 tỷ USD, so với 2,1 tỷ USD cho việc thay thế tàu con thoi vào năm 1991; 6 tỷ USD để giải quyết những thiệt hại về tài sản từ cơn lốc Floyd vào năm 1999; 15 USD tỷ cho việc đặt hàng máy bay chiến đấu của chính phủ Anh và 50 tỷ USD hàng năm dùng vào việc cải tiến các chế độ ăn kiêng trên toàn thế giới. ·          Mạng lưới khu bảo tồn hiện nay còn quá nhỏ. IUCN 1993, chủ trương rằng ít nhất 10% diện tích của mỗi quốc gia phải được bảo tồn. Việc mở rộng mạng lưới các khu bảo tồn toàn cầu để đáp ứng mục tiêu 15% diện tích cần phải tiêu tốn từ 20 đến 28 tỷ USD/năm. Trên thực tế, ngay cả khi đạt được 15% diện tích thì vẫn chưa đủ đại diện cho tất cả các loài, đặc biệt trong vùng nhiệt đới. Cần phải có tỷ lệ lớn hơn để có thể đáp ứng cho các quốc gia có các mức độ cao về độ phong phú loài và tính đặc hữu (Rodrigues & Gaston 2001). Diện tích giành cho các khu bảo tồn biển còn thấp hơn nhiều (0,5% diện tích dại dương) mặc dù các lợi ích của các khu bảo tồn biển rất to lớn về đa dạng sinh học bên trong và bên ngoài các khu bảo tồn này cũng như việc khai thác về sau. ·          Mạng lưới bảo tồn hiện có được hình thành theo nguyên tắt hơi tĩnh, không đáp ứng được với những sự thay đổi về vùng phân bố của loài do sự thay đổi khí hậu. Sự thay đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra sự thay đổi vùng phân bố của loài, điển hình là sự mở rộng dọc theo phạm vi ranh giới vùng này và thu hẹp ở các vùng khác. Tuy nhiên, khi các khu bảo tồn trở thành các vùng biệt lập về hệ thực vật tự nhiên do môi trường biến đổi, thường cách biệt với các khu vực khác bởi một khoảng cách tương đối xa, thì khả năng di chuyển của loài trở nên càng hạn chế. 5.2.2. Các thỏa thuận Quốc tế Các công ước quốc tế về nơi cư trú sẽ bổ trợ cho các công ước về loài. Ba trong số các công ước quan trọng nhất là Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước, Công ước về bảo vệ các Di sản Văn hoá thiên nhiên Thế giới và Chương trình Bảo tồn Sinh quyển của UNESCO. Þ Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước ra đời năm 1971 nhằm ngăn ngừa việc tiếp tục phá hủy các vùng đất ngập nước, đặc biệt là những vùng có nhiều loài chim nước di cư qua lại và nhằm công nhận các giá trị về sinh thái, khoa học, kinh tế, văn hoá và giải trí của các vùng đất ngập nước. Công ước này đề cập tới những nơi cư trú như các thủy vực nước ngọt, cửa sông và ven biển gồm 590 địa điểm với tổng diện tích trên 37 triệu ha. 61 quốc gia đã ký kết nhất trí bảo tồn và gìn giữ các nguồn đất ngập nước của mình và sẽ chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế để bảo tồn. Þ Công ước bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới có liên quan đến UNESCO, IUCN và Hội đồng quốc tế về địa danh và di sản. Công ước này đã nhận được sự ủng hộ cực kỳ rộng rãi. Với sự tham gia của 109 nước, công ước này được coi là một trong số những công ước về bảo tồn được tham gia đông đảo nhất. Mục tiêu của công ước này là để bảo vệ các vùng thiên nhiên có ý nghĩa quốc tế thông qua chương trình Địa danh Di sản Thế giới. Công ước này ưu việt ở chỗ nó thừa nhận rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ hỗ trợ về tài chánh cho những nơi này. Þ Năm 1971, chương trình con người và sinh quyển của UNESCO (MAB) đã xây dựng mạng lưới quốc tế về các khu bảo tồn sinh quyển. Các khu bảo tồn sinh quyển được thiết kế thành những mô hình chứng minh sự tương ứng giữa bảo tồn và phát triển bền vững vì quyền lợi của người dân địa phương. Tới năm 1994, đã có tất cả 312 khu bảo tồn sinh quyển được ra đời tại hơn 70 nước, chiếm tổng cộng khoảng 1,7 triệu km2. 5.2.3. Thiết kế các khu bảo tồn             Kích thước và vị trí của các khu bảo tồn trên khắp thế giới được xác định qua sự phân bố dân cư, các giá trị tiềm tàng của đất đai và các nỗ lực chính trị của những công dân có ý thức bảo vệ. Mặc dù hầu hết các vườn quốc gia và các khu bảo tồn đều ra đời theo kiểu ngẫu nhiên và hoàn toàn phụ thuộc vào sự có sẵn của đất đai và kinh phí, song đã có rất nhiều tài liệu về sinh thái học đề cập đến những cách thiết kế về các khu bảo tồn có hiệu quả nhất nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Các nhà sinh học bảo tồn đã thận trọng trong việc đưa ra các hướng dẫn chung và đơn giản trong việc thiết kế các khu bảo tồn bởi vì mọi tình huống bảo tồn đều đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt. Những câu hỏi then chốt mà các nhà bảo tồn cố gắng giải quyết là: ·         Một khu bảo tồn cần rộng đến mức nào để bảo tồn được loài? ·         Tạo ra một khu bảo tồn lớn tốt hơn hay tạo ra nhiều khu bảo tồn nhỏ tốt hơn? ·         Cần phải bảo vệ trong khu bảo tồn bao nhiêu cá thể của một loài nguy cấp là đủ để ngăn cho loài đó khỏi bị tuyệt diệt? ·         Hình dạng hợp lý nhất cho một khu bảo tồn thiên nhiên là hình gì? ·         Khi một số khu bảo tồn được hình thành, chúng nên nằm gần nhau hay xa nhau, và chúng nên biệt lập với nhau hay là nên liên hệ với nhau qua những đường hành lang? 5.2.3.1. Kích thước của khu bảo tồn Các nhà bảo tồn đã tranh luận là liệu sự giàu có về loài sẽ đạt được giá trị cực đại trong một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn hay trong tập hợp các khu bảo tồn nhỏ có tổng kích thước tương ứng? Trong các tài liệu, vấn đề trên được gọi là “cuộc tranh luận SLOSS” (Single Large Or Several Small). Ví dụ nên thành lập một khu bảo tồn có diện tích 10.000 ha hay là nên thành lập bốn khu bảo tồn với diện tích 2.500 ha mỗi khu? Những người theo quan điểm khu bảo tồn lớn cho rằng chỉ có những khu bảo tồn lớn mới có thể chứa đủ số lượng các loài có kích thước lớn, có phạm vi hoạt động rộng và mật độ thấp (ví dụ các loài thú ăn thịt) để duy trì quần thể của chúng lâu dài. Đồng thời một khu bảo tồn lớn cũng sẽ giảm bớt được hiệu ứng vùng biên, chứa đựng nhiều loài hơn và có tính đa dạng nơi cư trú hơn. Những người cực đoan theo quan điểm này còn cho rằng không nên duy trì các khu bảo tồn nhỏ bởi vì các khu này không có khả năng hỗ trợ lâu dài cho các quần thể, do đó giá trị của chúng cho các mục đích bảo tồn là rất ít. Ngược lại với quan điểm trên, các nhà bảo tồn khác cho rằng các khu bảo tồn nhỏ được lựa chọn tốt có khả năng chứa đựng nhiều kiểu hệ sinh thái cũng như quần thể của các loài quí hiếm hơn là một khu vực rộng lớn có diện tích tương đương. Đồng thời việc tạo ra nhiều khu bảo tồn, dẫu cho chúng có diện tích nhỏ đi nữa, cũng sẽ tránh cho quần thể khỏi bị hủy diệt toàn bộ khi xảy ra sự cố như dịch bệnh, cháy rừng, hay sự xâm nhập của các loài ngoại lai. Ngoài ra các khu bảo tồn nhỏ nằm gần các khu dân cư sẽ là những trung tâm nghiên cứu và giáo dục lý tưởng về bảo tồn thiên nhiên. Cho đến nay, sự  thống nhất về kích thước khu bảo tồn có vẻ thiên về chiến lược là tuỳ thuộc vào nhóm loài cần được bảo tồn cũng như điều kiện khoa học. Điều được thừa nhận là những khu bảo tồn lớn sẽ có khả năng hơn những khu bảo tồn nhỏ trong việc gìn giữ các loài khác nhau bởi vì nó có thể chứa đựng nhiều kiểu hệ sinh thái và những quần thể kích thước lớn. Tuy nhiên, những khu bảo tồn nhỏ nếu được quản lý tốt thì cũng có giá trị, đặc biệt trong trường hợp bảo tồn các loài cây, các loài động vật không xương sống và những loài động vật có xương sống nhỏ. Trên thực tế, ít có khả năng lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận phải bảo tồn các loài trong những khu bảo tồn nhỏ bởi vì xung quanh các khu bảo tồn nhỏ không còn thừa đất để sử dụng vào mục đích bảo tồn. 5.2.3.2. Sinh thái học cảnh quan Mối quan hệ tương hỗ giữa các phương thức sử dụng đất thực tế và lý thuyết về bảo tồn được thể hiện rõ trong nguyên lý sinh thái học cảnh quan. Sinh thái học cảnh quan nghiên cứu các kiểu nơi cư trú ở qui mô vùng và ảnh hưởng của chúng đến sự phân bố của loài và các quá trình sinh thái. Theo định nghĩa của Forman và Godron (1986), cảnh quan là một vùng mà tại đó một nhóm các hệ sinh thái được lặp lại theo cùng một kiểu hình. Sinh thái học cảnh quan có tầm quan trọng trong việc bảo vệ tính đa dạng sinh học vì nhiều loài không chỉ sống trong giới hạn của một nơi cư trú mà chúng còn di chuyển giữa các nơi cư trú hoặc là sống tại vùng giáp ranh giữa hai nơi cư trú. Đối với các loài này, loại hình của các kiểu nơi cư trú trên qui mô vùng là đặc biệt quan trọng. Sự tồn tại và mật độ của nhiều loài có thể bị ảnh hưởng bởi kích thước của nơi cư trú và mức độ liên kết của chúng. Các cảnh quan có thể được liên kết với nhau thông qua các hành lang. Các hành lang có thể là tự nhiên hoặc là kết quả của các nhiễu động của con người đối với đất nền canh tác (ví dụ như một dãi đất  còn lại không bị cày xới giữa hai cánh đồng). Cấu trúc của hành lang có thể rất hẹp như các hàng rào, rộng hơn như hàng cây chắn gió, hoặc là các hệ thực vật ven sông. Có 5 loại hành lang:             Hành lang môi trường (environmental corridors): là kết quả của hệ thực vật phản ứng với môi trường như là hệ thực vật ven sông, theo loại đất hay theo cấu tạo địa chất. Dải quanh co của hệ thực vật ven sông chay song song các dòng suối là ví dụ điển hình cho loại hành lang này.             Hành lang sót lại (remnant corridors): là sản phẩm rõ nét nhất của việc nhiễu loạn vùng ven. Các dải thực vật ở các vùng dốc, vách đá, hoặc vùng đất ướt là phần thừa lại khi đất được khai hoang cho sản xuất nông nghiệp hay các mục đích khác. Kích thước và hình dáng của hầu hết các hành lang sót lại rất khác nhau. Các hành lang sót lại thường chứa các tập hợp cuối cùng của các loài thực, động vật bản địa.             Hành lang trồng (introduced corridors): hầu hết loại hành lang này được trồng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Trong thời gian này, các chủ đất trồng các hành lang cây quanh các khu rừng hay đồng cỏ của mình, một số trong các hành lang này vẫn còn tồn tại cho đến nay và được đánh giá là cảnh quan có giá trị quốc gia. Trong các vùng cảnh quan nông nghiệp, loại hành lang kiểu này trở nên nơi cư trú quan trọng cho nhiều loài động vật hoang dã.             Hành lang xáo động (disturbance corridors): được hình thành do hoạt động của việc quản lý đất, làm xáo động hệ thực vật trong một đường hay một dải đất. Kiểu hành lang này được tạo ra để duy trì hệ thực vật trong một giai đoạn diễn thế mong muốn. Chúng có thể đủ rộng để thiết lập một hàng rào đối với một số loài động vật hoang dã, tách quần thể thành 2 quần thể biến thái. Hành lang này thường là nơi cư trú quan trọng đối với các loài bản địa đòi hỏi nơi cư trú ở giai đoạn diễn thế sớm.             Hành lang tái sinh (regenerated corridors): là kết quả của sự tái phát triển của thực vật ở dải đất bị xáo động. Tái phát triển có thể là sản phẩm của diễn thế tự nhiên hay do nuôi trồng. Kích thước và hình dáng của hành lang này phụ thuộc vào dải đất đã bị xáo động trước đó. Thực vật ở hành lang loại này phổ biến là các loài cỏ dại trong các giai đoạn đầu của quá trình diễn thế. Trong các nơi cư trú bị cắt đoạn, hành lang tái sinh là nơi cư trú quan trọng cho các loài thú nhỏ và các loài chim hót.             * Một số nguyên lý thường được áp dụng khi thiết kế và bảo tồn hành lang:             Hành lang liên tục tốt hơn so với hành lang bị cắt đoạn: các hành lang tạo ra sự thuận tiện cho sự di chuyển của động vật qua các vùng cảnh quan. Những ngắt quãng trong hành lang sẽ làm cản trở việc di chuyển cua động vật, đặc biệt đối với những loài sống ở bên trong hành lang. Khả năng của cá thể khi vượt qua các ngắt đoạn trong hành lang phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của chúng đối với các điều kiện biên, phụ thuộc vào đặc tính di chuyển và phát tán.             Hành lang rộng thì tốt hơn hành lang hẹp: hành lang rộng giảm thiểu được những hiệu ứng biên đối với cá thể và quần thể khi di chuyển trong đường biên. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hành lang rộng quá cũng có thể gây hại cho động vật do chúng phải tốn nhiều thời gian khi vượt qua đường biên và điều đó có thể gia tăng tỷ lệ tử vong nói chung.             Nên duy trì và phục hồi các liên kết tự nhiên: Duy trì cac mối liên kết tự nhiên giữa các vùng sinh cảnh là cần thiết dể duy trì tính đa dạng loài và năng lực của quần thể. Ngăn chặn sự cắt đoạn các hành lang tự nhiên ít tốn kém hơn là phục hồi chúng.             Các liên kết nhân tạo nên có nghiên cứu kỹ càng: các quần thể của một loài sống biệt lập nhau trong thời gian dài thường phát triển các các thích ứng di truyền đặc biệt đối với môi trường sống của chúng. Việc kết nối các quần thể như thế lại với nhau có thể làm mất đi những thích ứng đó.             Hai hay nhiều các hành lang kết nối giữa hai vùng biệt lập thì tốt hơn là một hành lang: nếu có nhiều hành lang cho động vật di chuyển từ một vùng này đến vùng khác thì chúng sẽ dễ dàng thực hiện cuộc hành trình. Động vật có thể không nhận ra hành lang như là đường dẫn đến đích, chúng chỉ nhận ra đó như là một nơi cư trú liên tục và khi ở trong hành lang, sự di chuyển của chúng bị giới hạn theo đường thẳng. Thường thì tình cờ chúng đi từ đầu này tới đầu kia và càng nhiều cơ hội như vậy thì việc di chuyển của chúng sẽ dễ xảy ra hơn.             5.2.3.3. Giảm thiểu các tác động của vùng biên và những tác động gây chia cắt            Nói chung mọi người đều nhất trí rằng cần thiết kế các khu bảo tồn thế nào để giảm thiểu những nguy hại do hiệu ứng vùng biên. Những khu bảo tồn có hình tròn sẽ có tỷ lệ vùng biên nhỏ nhất, và vùng trung tâm của một khu bảo tồn như thế sẽ cách xa biên hơn là so với các khu bảo tồn có hình dạng khác. Những khu bảo tồn có hình chữ nhật và dài là có nhiều biên nhất và mọi điểm trong khu bảo tồn đều gần với biên. Áp dụng những lập luận như trên đối với các khu bảo tồn có dạng tứ giác thì sẽ thấy với cùng diện tích, một khu bảo tồn hình vuông sẽ tốt hơn một khu bảo tồn hình chữ nhật. Tuy vậy, hầu hết các khu bảo tồn đều có hình dạng không đều vì thông thường các khu đất có được là do hoàn cảnh nhiều hơn là do những tính toán về hình học. Nên tránh được càng nhiều càng tốt những chia cắt trong nội bộ các khu bảo tồn do làm đường, canh tác, đốn gỗ và các hoạt động khác của con người bởi vì sự chia cắt như vậy gây ra rất nhiều tác động xấu đến loài và quần thể. Các áp lực dẫn đến những chia cắt nêu trên là rất mạnh bởi vì các khu bảo tồn thường là những mảnh đất còn lại duy nhất cho các hoạt động phát triển mới như canh tác nông nghiệp, xây đập và lập các khu dân cư. Các nhà qui hoạch thường lập hệ thống đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng khác trong các khu bảo tồn vì họ sẽ ít dụng phải những chống đối về chính trị hơn là khi chọn địa điểm dự án tại các khu dân cư. Hiện đã có những chiến lược nhằm gắn kết các khu bảo tồn nhỏ lại thành những khu bảo tồn lớn. Các khu bảo tồn thường hay gắn liền với các khu vực được quản lý để khai thác, ví dụ như rừng khai thác gỗ, đất chăn thả hay đất canh tác. Bất cứ nơi nào có thể đều nên có trọn vẹn một hệ sinh thái trong các khu bảo tồn, ví dụ như một lưu vực sông, hồ hay một dãy núi, bởi vì hệ sinh thái là đơn vị quản lý thích hợp nhất. Một bộ phận của hệ sinh thái bị hủy hoại do không được bảo vệ sẽ đe dọa đến sức sống của toàn bộ hệ sinh thái. Việc kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái sẽ cho phép những người quản lý gìn giữ, bảo vệ một cách hiệu quả hơn khi phải đối phó với những ảnh hưởng có tính hủy hoại từ bên ngoài. 5.2.4. Quản lý các khu bảo tồn Một khi đã được thành lập một cách hợp pháp thì khu bảo tồn phải được quản lý một cách có hiệu quả nhằm duy trì đa dạng sinh học. Thế giới đã có rất nhiều những “vườn quốc gia giấy” được thiết lập bởi những qui định của chính phủ nhưng lại không được quản lý một cách có hiệu quả trên thực tế. Tại các vườn Quốc gia này, các loài đã bị thất thoát dần có lúc với tốc độ lớn trong khi chất lượng nơi cư trú cũng bị xuống cấp. Ở một số nước, con người đã không ngần ngại triển khai sản xuất nông nghiệp, chặt phá hay khai khoáng ở một số khu bảo tồn vì mọi người đều có quyền sở hữu đất đai của nhà nước và “bất cứ ai” cũng có thể lấy những gì họ muốn và “chẳng ai” muốn can thiệp vào chuyện này. Điểm mấu chốt của các vườn Quốc gia này là phải tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn sự xuống cấp. Một thực tế nữa là việc quản lý tốt nhất đôi khi lại không cần phải có hoạt động gì vì các hoạt động quản lý có lúc không hiệu quả hoặc thậm chí có hại. Ví dụ như việc quản lý tích cực để tăng thêm sự giàu có của các loài săn bắn thể thao như hươu chẳng hạn thường phải tiến hành tiêu diệt các loài săn mồi hàng đầu như chó sói và sư tử. Việc loại bỏ các loài săn mồi có thể dẫn đến sự bùng nổ các quần thể thú săn bắn (và vô tình có cả các loài gặm nhấm). Kết quả là có quá nhiều loài ăn cỏ, suy giảm chất lượng môi trường nơi cư trú và sự thất thoát các quần thể động vật và thực vật. Việc các nhà quản lý vườn quá sốt sắng trong việc dọn dẹp, thu gom cây cối bị đổ và phát quang bờ bụi để cải tiến bộ mặt cảnh quan của vườn có thể vô tình làm mất những nơi làm tổ, nguồn thức ăn của cả một tập hợp sinh vật ăn gỗ mục,... và nơi cư trú về mùa đông quan trọng của một số loài nhất định. 5.2.4.1. Các mối đe dọa đối với các vườn Quốc gia Năm 1990, Trung tâm quan trắc bảo tồn thế giới (WCMC) và UNESCO đã tiến hành khảo sát 89 vị trí được coi là di sản của thế giới để xem xét các vấn đề về quản lý ở đó. Nhìn chung, những mối đe dọa đối với các khu bảo tồn ở Nam Mỹ là lớn nhất và ở Châu Âu là ít nhất. Vấn đề các loài thực vật ngoại lai nghiêm trọng nhất ở Châu Úc, Australia, New Zealand và các đảo ở Thái Bình Dương trong khi việc khai thác bất hợp lý các loài hoang dại, nạn cháy rừng, chăn thả và canh tác nông nghiệp là những mối đe dọa lớn ở cả Nam Mỹ và Châu Phi. Quản lý chưa đúng mức các vườn là vấn đề thường xảy ra đối với các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ. Những mối đe dọa lớn nhất đối với các vườn quốc gia ở các nước công nghiệp phát triển có liên quan đến các hoạt động kinh tế như khai khoáng, chặt gỗ, nông nghiệp và các dự án thủy lợi. Việc đánh giá mối đe dọa đối với các vườn không có nghĩa là phải cố để loại trừ những mối đe dọa này, bởi vì trong nhiều trường hợp hầu như không thể nào làm như vậy được. Ở những nơi có mối đe dọa do các loài ngoại lai đối với các loài bản địa thì cần phải áp dụng các biện pháp loại bỏ các loài ngoại lai đó càng nhanh càng tốt hoặc ít nhất phải làm giảm tiềm năng phát triển của chúng. Những loài được biết là có khuynh hướng gây hại cần phải được diệt bỏ ngay từ khi chúng mới bắt đầu phát triển và khi mật độ của quần thể còn thấp. Một khi những loài ngoại lai đã sinh sống và phát triển vững chắc ở một khu vực thì việc tiêu diệt chúng có thể sẽ rất khó khăn (nếu không nói là không làm được).             5.2.4.2. Quản lý nơi cư trú Một khu bảo tồn nhiều khi phải được quản lý rất nghiêm ngặt để bảo đảm gìn giữ các nơi cư trú nguyên thủy. Nhiều loài chỉ xuất hiện ở một nơi cư trú hoặc vào một giai đoạn diễn thế nhất định nào đó. Khi một vùng đất được chọn làm nơi bảo tồn, các hình thức nhiễu động hoặc các hoạt động của con người có thể gây tác động lớn tới mức làm cho nhiều loài nguyên thủy sống ở đây đã không thể tồn tại được. Các hoạt động tự nhiên gồm hỏa hoạn, chăn thả quá mức,... là những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của một loài quí hiếm. Trong các vườn quốc gia nhỏ, có thể không có đầy đủ các giai đoạn của quá trình diễn thế và nhiều loài có thể bị mất đi vì chính lý do này. Ví dụ, tại một khu bảo tồn biệt lập có các loài cây già là chủ yếu thì những loài cây đặc trưng cho các giai đoạn diễn thế sớm như cỏ và cây bụi có thể không có ở đây. Các nhà quản lý vườn Quốc gia đôi khi cần phải chủ động quản lý những địa điểm nhằm bảo đảm cho tất cả các giai đoạn của diễn thế đều xảy ra tại đây. Cách phổ biến thường làm là thỉnh thoảng gây cháy cục bộ, có kiểm soát tại những khu vực đồng cỏ, cây bụi và những cánh rừng để khởi động lại quá trình diễn thế. Quản lý nguồn lợi thủy sản ở các vùng đất ngập nước là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Việc duy trì các vùng đất ngập nước là cần thiết để bảo tồn quần thể các loài chim nước, cá, lưỡng cư, thực vật thủy sinh và nhiều loài khác. Tuy nhiên các khu bảo tồn đất ngập nước sẽ là đối tượng tranh chấp về nguồn nước đối với các dự án tưới tiêu, các công trình chống lũ và các đập thủy điện tại những vùng đồng bằng trũng. Các khu đất ngập nước thường kết nối với nhau, do đó một quyết định có ảnh hưởng đến mực nước và chất lượng nước ở nơi này có thể gây ảnh hưởng đến nơi khác. Khi quản lý các vườn cần cố gắng bảo tồn và duy trì các nguồn vật chất quan trọng mà nhiều loài phải phụ thuộc vào. Nếu như không thể giữ các nguồn này nguyên vẹn thì cần phải cố gắng xây dựng lại chúng. Trong mọi trường hợp, cần phải tạo được sự cân bằng giữa việc hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên cách biệt khỏi những tác động của con người với việc tạo ra những khu vườn bán thiên nhiên trong đó động thực vật phụ thuộc vào con người.             5.2.4.3. Con người và việc quản lý vườn Quốc gia                    Việc con người sử dụng các cảnh quan là một thực tế mà chúng ta phải tính đến khu quy hoạch thiết kế khu bảo tồn. Con người đã là một bộ phận của tất cả các hệ sinh thái trên thế giới từ hàng ngàn năm nay, và việc loại bỏ con người ra khỏi các khu bảo tồn thiên nhiên có thể sẽ dẫn đến những hậu quả lớn. Tuy nhiên, việc đưa người địa phương ra khỏi các khu bảo tồn có thể lại là sự lựa chọn duy nhất khi mà tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác tới mức sự toàn vẹn của các quần xã sinh vật đang bị đe dọa. Tốt hơn hết là tìm ra được những giải pháp trung hoà trước khi tình hình trên xảy ra.             Trong bất kỳ một kế hoạch quản lý khu bảo tồn nào thì việc sử dụng khu bảo tồn của người dân địa phương và du khách cần phải là nội dung trung tâm, kể cả ở quốc gia phát triển lẫn quốc gia đang phát triển. Những người dân từ ngàn đời nay đã sử dụng các sản phẩm trong khu bảo tồn, nay đột nhiên không được phép vào trong đó nữa sẽ phải chịu đựng sự mất đi quyền được tiếp cận các nguồn tài nguyên cơ bản cần cho sự sinh tồn của họ. Vì thế hiển nhiên họ sẽ giận dữ và những người dân trong hoàn cảnh như vậy sẽ không thể là người ủng hộ mạnh mẽ cho công tác bảo tồn. Nhiều khu bảo tồn phát triển hay bị hủy hoại là tuỳ thuộc vào mức độ ủng hộ khai thác hay thù địch của những người sử dụng các khu vực này. Nếu nhân dân địa phương quán triệt được mục đích của khu bảo tồn và nếu mọi người đều nhất trí với các mục tiêu và quy định của các khu bảo tồn thì các cộng đồng sẽ được giữ lại trong vườn như bình thường. Trường hợp lý tưởng nhất là những người dân địa phương tham gia vào quy hoạch và quản lý khu bảo tồn, được đào tạo và tuyển vào làm trong ban quản lý và được hưởng lợi từ việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng như hoạt động bảo vệ trong khu bảo tồn. Ngược lại, nếu quan hệ giữa dân địa phương và chính phủ vốn đã không tốt và không tin nhau, hoặc nếu mục đích của khu bảo tồn không được giải thích thỏa đáng thì dân địa phương có thể không chấp nhận việc thành lập cũng như tuân thủ các quy định của vườn. Trong trường hợp này, người dân địa phương sẽ gây xung đột với những người trong ban quản lý của vườn.             Ngày nay người ta ngày càng nhận ra rằng các chiến lược quản lý và bảo tồn hầu hết đều thiếu yếu tố cực kỳ quan trọng là sự tham gia của người dân địa phương. Các chiến lược theo lối “từ trên xuống” trong đó chính phủ cố gắng thực thi các kế hoạch bảo tồn cần được kết hợp với các chương trình theo lối “từ dưới lên” trong đó các làng xã và các cộng đồng địa phương khác có khả năng tự xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển của riêng mình.             Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp  Quốc (UNESCO) đã khởi xướng một cách tiếp cận như thế với chương trình Con người và Sinh quyển (MAB). Chương trình này đã thành lập một số các khu bảo tồn sinh quyển trên khắp thế giới nhằm cố gắng đưa các hoạt động của con người, các hoạt động nghiên cứu và bảo vệ môi trường vào cùng một địa điểm. Khu bảo tồn sinh quyển bao gồm một khu trung tâm trong đó các quần xã và các hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt; xung quanh nó là vùng đệm, trong đó các hoạt động truyền thống của người dân như thu hái các loại dược liệu, kiếm gỗ củi nhỏ được giám sát và những hoạt động nghiên cứu không có tính hủy hoại cũng được tiến hành. Xung quanh vùng đệm là vùng chuyển tiếp trong đó một số hoạt động phát triển có tính bền vững như canh tác quy mô nhỏ, một số hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên như khai thác gỗ có lựa chọn và các thử nghiệm khoa học được phép tiến hành. Chiến lược tổng quát về một vùng trung tâm được bao bọc xung quanh bởi vùng đệm và vùng chuyển tiếp có thể có một số hiệu quả đáng mong ước. Thứ nhất, người dân địa phương được khuyến khích tham gia thực hiện các mục tiêu của khu bảo tồn. Thứ hai, một số đặc điểm về cảnh quan do con người tạo ra có thể được giữ gìn. Và thứ ba, vùng đệm có thể tạo điều kiện cho động vật phát tán và chuyển dịch gen giữa vùng trung tâm được bảo vệ nghiêm ngặt với các vùng chuyển tiếp có đông dân cư và không được bảo vệ. 5.2.5. Bảo tồn bên ngoài các khu bảo tồn             Khoảng 90% đất đai trên trái đất là nằm ngoài diện tích các khu bảo tồn. Đa phần các đất đai nằm ngoài các khu bảo tồn vẫn chưa bị con người sử dụng triệt để và vẫn là nơi sinh sống nguyên thủy của sinh giới. Do phần lớn diện tích đất đai ở hầu hết các nước là không thuộc khu bảo tồn nên rất nhiều loài quý hiếm vẫn xuất hiện bên ngoài các khu bảo tồn. Thành tố có tính quyết định trong các chiến lược bảo tồn là phải bảo tồn đa dạng sinh học bên trong cũng như bên ngoài các khu bảo tồn. Mối nguy hiểm của việc chỉ dựa vào các vườn hay các khu bảo tồn là chiến lược này có thể tạo nên một tâm lý “vây hãm” tức là các loài hay quần xã nằm trong vườn thì được bảo vệ nghiêm ngặt trong khi chúng lại bị khai thác tự do phía ngoài khu bảo tồn. Tuy nhiên, nếu các khu vực nằm xung quanh vườn bị suy thoái thì đa dạng sinh học bên trong vườn cũng sẽ bị suy giảm trong đó sự mất loài sẽ diễn ra nghiêm trọng nhất là trong các vườn có diện tích nhỏ. Sự suy giảm này xảy ra vì nhiều loài cần phải di chuyển ra khỏi ranh giới các khu vườn để kiếm thức ăn và các vật chất cần thiết khác mà trong vườn không có nhưng đã không thực hiện được. Đồng thời, số lượng cá thể của một loài trong phạm vi ranh giới vườn có thể thấp hơn kích thước tối thiểu có thể sống được của quần thể đó. Như Western (1989) đã nêu: ”Nếu chúng ta không thể bảo vệ thiên nhiên bên ngoài các khu bảo tồn thì thiên nhiên cũng chẳng tồn tại bao nhiêu bên trong các khu đó” 5.3. Các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học             5.3.1. Bảo tồn nội vi (in situ; on-site preservation) Chiến lược tốt nhất nhằm bảo tồn đa dạng sinh học là bảo tồn các quần xã và quần thể ngay trong điều kiện tự nhiên, một phương thức thường được nói đến là bảo tồn nguyên vị hay bảo tồn tại chổ. Chỉ trong tự nhiên, các loài mới có khả năng tiếp tục quá trình thích nghi tiến hóa đối với môi trường đang thay đổi trong các quần xã tự nhiên của chúng. 5.3.2. Bảo tồn ngoại vi (ex-situ; off-site preservation) Tuy nhiên, đối với nhiều loài hiếm thì bảo tồn nguyên vị chưa phải là giải pháp khả thi trong điều kiện những áp lực của con người ngày càng gia tăng. Nếu quần thể còn lại là quá nhỏ để tiếp tục tồn tại, hoặc nếu tất cả những cá thể còn lại được tìm thấy ở ngoài khu bảo vệ thì bảo tồn nguyên vị sẽ không có hiệu quả. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất để ngăn cho loài khỏi bị tuyệt chủng là bảo tồn các cá thể trong những điều kiện nhân tạo. Chiến lược này được gọi là bảo tồn ngoại vi hay bảo tồn chuyển vị. Thực tế có một số loài đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên song vẫn đang tồn tại trong các bầy đàn nhân nuôi, chứ không còn tìm thấy trong dạng hoang dại nữa. Các điều kiện để bảo tồn chuyển vị động vật bao gồm vườn thú, trang trại nuôi động vật, thủy cung và các chương trình nhân giống động vật. Thực vật thì được bảo tồn trong các vườn thực vật, vườn cây gỗ và các ngân hàng hạt giống. Bảo tồn chuyển vị là một bộ phận quan trọng trong chiến lược tổng hợp nhằm bảo vệ các loài đang có nguy cơ tuyệt diệt. Bảo tồn chuyển vị và bảo tồn nguyên vị là những cách tiếp cận có tính bổ sung cho nhau. Những cá thể từ các quần thể được bảo tồn chuyển vị sẽ được thả định kỳ ra ngoài thiên nhiên để tăng cường cho các quần thể được bảo tồn nguyên vị. Nghiên cứu trên các quần thể nuôi nhốt có thể cung cấp cho ta những hiểu biết về đặc tính sinh học của loài và gợi ra những chiến lược bảo tồn mới cho các quần thể được bảo tồn nguyên vị. Các quần thể chuyển vị mà có thể tự duy trì quần thể thì sẽ làm giảm bớt nhu cầu phải bắt các cá thể từ ngoài thiên nhiên để phục vụ mục đích trưng bày hoặc nghiên cứu. Cuối cùng, việc những con vật được nuôi nhốt và trưng bày sẽ góp phần giáo dục quần chúng về sự cần thiết phải bảo tồn loài cũng như bảo vệ các thành viên khác của loài đó ngoài tự nhiên. Ngược lại bảo tồn nguyên vị là không thể thiếu đối với sự sống còn của những loài không thể nuôi nhốt, cũng như để tiếp tục có các loài mới trưng bày trong các vườn thú, thủy cung hay các vườn thực vật. 5.3.2.1. Vườn thú             Các vườn thú, cùng với các trường đại học, các Cục, Vụ phụ trách về sinh vật hoang dã của Chính phủ và các tổ chức bảo tồn hiện đang nuôi giữ trên 700.000 cá thể, đại diện cho 3.000 loài thú, chim, bò sát và lưỡng cư. Các vườn thú hầu như chỉ trưng bày những loài thú lớn đầy quyến rũ như gấu trúc, hươu cao cổ, voi,... trong khi đó có xu hướng bỏ qua một số lượng không nhỏ các loài côn trùng và động vật không xương sống khác mà nhóm này tạo thành một bộ phận chủ yếu của động vật giới trên trái đất.             Mục tiêu hiện nay của hầu hết các vườn thú lớn là lập được quần thể nuôi của các loài động vật hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ khoảng 10% trong số 247 loài thú hiếm được nuôi giữ trong các vườn thú khắp thế giới là có khả năng tự duy trì quần thể ở kích thước đủ để bảo tồn tính biến dị di truyền của chúng. Để khắc phục tình trạng này, các vườn thú và những tổ chức bảo tồn có liên quan đã bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất và triển khai các công nghệ cần thiết để tạo lập được các bầy đàn có khả năng sinh sản của các loài quí hiếm và đang có nguy cơ tuyệt diệt, cũng như xây dựng chương trình và phương pháp mới nhằm tái lập các loài ngoài tự nhiên.             Một loạt các kỹ thuật cũng đang được nghiên cứu và áp dụng nhằm làm tăng tỷ lệ sinh sản của các loài động vật nuôi. Các kỹ thuật này gồm ấp và vú nuôi, tức là con mẹ của loài phổ biến nuôi dưỡng con cháu của loài quí hiếm; thụ tinh nhân tạo khi con trưởng thành tỏ ra không muốn thụ tinh hoặc chúng phải sống trong những điều kiện khác biệt, ấp trứng nhân tạo trong các điều kiện tốt nhất để trứng nở và cấy phôi tức là cấy trứng đã được thụ tinh của loài quí hiếm vào tử cung của con mẹ thay thế thuộc loài phổ biến. 5.3.2.2. Bể nuôi Để ngăn chặn các hiểm họa đối với các loài thủy sinh, những chuyên gia về cá, thú biển và san hô làm việc tại các thủy cung hay các bể nuôi đã hợp tác ngày càng chặt chẽ với các đồng nghiệp tại các Viện nghiên cứu biển, các Cục, Vụ thủy sản của chính phủ và các tổ chức bảo tồn để xây dựng các chương trình bảo tồn những loài và quần xã tự nhiên đang được quan tâm. Có khoảng 580.000 cá thể của các loài cá đang được nuôi giữ trong các bể nuôi mà hầu hết các loài đó là được thu thập ngoài tự nhiên. Hiện đang có nhiều nổ lực nhằm phát triển các kỹ thuật gây giống để có thể duy trì các loài quí hiếm trong bể nuôi, đôi khi có thể thả chúng ra tự nhiên và do đó không phải bắt giữ những mẫu vật hoang dã. Nhiều kỹ thuật được sử dụng trong việc gây giống cá có nguồn gốc từ những kỹ thuật do các nhà nghiên cứu về cá tìm ra nhằm tạo ra những đàn cá lớn có giá trị thương mại như cá hồi, cá vược,... Một số kỹ thuật khác được khám phá từ những bể nuôi cá cảnh vì những người bán cá cảnh muốn nhân giống nhiều loại cá vùng nhiệt đới để bán.             5.3.2.3. Vườn thực vật và vườn ươm cây             Vườn thực vật là nơi lưu giữ các quần thể thực vật dễ dàng hơn so với động vật. Thực vật đòi hỏi sự chăm sóc ít hơn là động vật; nhu cầu về nơi ở của chúng dễ cung cấp; không cần thiết phải nhốt lại; các cá thể có thể dễ dàng nhân giống hơn; hầu hết là lưỡng tính, trong đó có khoảng một nửa thành phần loài cần phải được lưu giữ về đa dạng di truyền. Ngoài ra, hạt giống của nhiều loại cây trong giai đoạn nghỉ dễ bảo vệ. Từ những lý do đó, các vườn thực vật là công cụ thật sự quan trọng trong việc lưu giữ đa dạng loài và di truyền.             Hiện nay 1.500 vườn thực vật trên thế giới đã có các bộ sưu tập chính của các loài thực vật, thể hiện một nổ lực lớn lao trong việc bảo tồn thực vật. Các vườn thực vật trên thế giới hiện nay đang trồng ít nhất là 35.000 loài thực vật, chiếm 15% thực vật giới toàn cầu và có thể khoảng gấp đôi số lượng đó là đang được trồng trong các nhà kính, vườn tư nhân hay các loại vườn khác. Vườn thực vật lớn nhất thế giới Vườn Thực vật Hoàng gia Anh Quốc tại Kew, có khoảng 25.000 loài cây đang được gieo trồng.             Về đặc trưng phân loại, khả năng cung cấp của các vườn thực vật là cao hơn. Có khoảng 72 trong số 110 loài thông được biết được thu thập tại California, một vườn thực vật ở Nam Phi chiếm khoảng 1/4 số loài của cả nước, một vườn ở California chiếm 1/3 số loài đặc hữu ở nước Mỹ. Trong đó có trường hợp một loài cây đã bị tuyệt chủng ở ngoài tự nhiên (Clarkia franciscana) đã được bảo tồn trong vườn thực vật và đã được tái du nhập vào thành loài đặc hữu sống ở California. Chỉ có 300 đến 400 vườn thực vật trên thế giới có thể lưu giữ các mẫu bảo tồn chủ yếu và chỉ 250 vườn trong số đó được sử dụng làm ngân hàng lưu giữ hạt giống, trong một đánh giá cho rằng các vườn thực vật có thể cứu được các quần thể của 20.000 loài thực vật tuyệt chủng. Vai trò quan trọng của các vườn thực vật trong việc bảo tồn đa dạng sinh học đã được minh họa bởi việc mở rộng mạng lưới của 19 vườn thực vật ở Mỹ với Trung tâm bảo tồn thực vật (CPC). CPC ước tính có 3.000 taxon đặc hữu ở Mỹ bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó hơn 300 loài đang được nuôi cấy ở mạng lưới các vườn. Sự đóng góp của các vườn thực vật đối với công tác bảo tồn loài mở rộng ra đối với các loài đang bị đe dọa ngoài hoang dã. Các vườn thực vật cung cấp cây cho nghiên cứu và nuôi trồng. Chúng cũng là nguồn tài nguyên quan trọng cho việc giáo dục. Mỗi năm ước tính có khoảng 150 triệu người đến thăm các vườn thực vật. Vai trò quan trọng của các vườn thực vật có thể dễ dàng được phát triển. Sự mất cân đối về vị trí địa lý của các vườn thực vật hiện nay, có thể được ngăn ngừa nếu như các vườn được thiết lập ở các nước nhiệt đới. Hiện nay các nước nhiệt đới chỉ có khoảng 230 trong số 1.500 vườn thực vật trên toàn thế giới. Trong khi hơn 100 khu vườn được thành lập và có kế hoạch thành lập trong thập kỷ qua và nhiều trong số đó ở các vùng nhiệt đới, thì vẫn còn sự mất cân đối địa lý, đặc biệt là khi xem xét về độ phong phú loài ở các vùng nhiệt đới. Với các nghiên cứu sâu hơn về các công nghệ bảo quản và với các dữ liệu tốt hơn về nơi thu thập mẫu vật và lịch sử sinh sản của chúng, các vườn thực vật có thể trở thành nơi bảo quản tính di truyền quan trọng. Ban thư ký của Hiệp hội Bảo tồn thực vật của IUCN hiện nay đang phát triển cơ sở dữ liệu máy tính về những sự có mặt của các loài ở các vườn thực vật để giúp các vườn thu thập các loài còn thiếu. Những nỗ lực của các vườn thực vật trong việc bảo tồn nguồn giống đang được phối hợp với chiến lược bảo tồn vườn thực vật của IUCN. Trong việc phối hợp với Ban quốc tề về Tài nguyên di truyền thực vật (IBPGR, International Board for Genetic Resources), IUCN cũng đã cùng phối hợp để đưa ra hướng dẫn về việc thu thập nguồn giống đối với các loài hoang dã. Cho đến nay, các vườn thực vật đã không sử dụng hết lợi ích của việc lưu giữ các loài đang bị đe dọa và bảo tồn nguồn gen. Mặc dù chứa một phần lớn khu hệ thực vật thế giới, các vườn có truyền thống không hợp tác về những tri thức bản địa. Nhờ vào những nổ lực của các tổ chức và cá nhân, vai trò của vườn trong việc bảo tồn đang được phát triển nhanh chóng.             5.3.2.4. Ngân hàng hạt giống - gen             Ngài việc trồng cây, các vườn thực vật và viện nghiên cứu đã xây dựng bộ sưu tập về hạt, như là các ngân hàng hạt giống, mà những hạt này đã được thu lượm từ các cây hoang dại và cây trồng. Hạt của hầu hết các loại cây đều có thể được lưu giữ trong điều kiện lạnh và khô trong thời gian dài và sau đó cho nẩy mầm. Khả năng tồn tại lâu dài của hạt đặc biệt có giá trị cho việc bảo tồn chuyển vị bởi vì nó cho phép bảo tồn hạt của nhiều loài quý hiếm bằng kỹ thuật đông lạnh và lưu giữ trong một không gian nhỏ, chi phí thấp và không cần giám sát nhiều. Hiện nay có hơn 50 ngân hàng hạt giống trên thế giới, trong đó có nhiều ngân hàng đặt tại các nước đang phát triển và được sự điều phối tích cực của Nhóm Tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế (CGIAR, Consulative Group on International Agricultural Research). 5.3.3. Kiểm soát ô nhiễm môi trường 5.3.4. Phát triển bền vững Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu đầu tiên của cả phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra cũng là mục tiêu cho quy hoạch phát triển và quy hoạch quản lý tài nguyên, nó cũng là mục tiêu của các tiến trình và các phương pháp thực hiện. Phát triển bền vững đòi hỏi nỗ lực của cả các chương trình ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, quy hoạch và quản lý bền vững cần phải tập trung cao độ cho các mục tiêu dài hạn. Phát triển bền vững là sự phát triển mà trong đó các giá trị kinh tế, môi trường và xã hội luôn luôn tương tác với nhau trong quá trình quy hoạch; phân bố lợi nhuận công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội và khẳng định các cơ hội cho sự phát triển kế tiếp, duy trì một cách liên tục cho các thế hệ mai sau. Nếu phát triển kinh tế hay quản lý tài nguyên được coi là bền vững, thì sự đánh giá các kế hoạch hành động lựa chọn cần phải được thông qua sự tương tác các giá trị xã hội, kinh tế và môi trường. Thách thức lớn nhất của chúng ta là xác định sự cân bằng tối ưu giữa ba giá trị này. Sự tương tác của ba giá trị này khác với sự bền vững của các chiến lược quản lý tài nguyên hoặc là phát triển kinh tế riêng biệt. Phát triển bền vững đòi hỏi sự công bằng. Bền vững được đặc trưng bởi sự phân phối quyền lợi và các cơ hội một cách công bằng giữa các tầng lớp xã hội, giới và các thế hệ. Khi sự bền vững được xác định về các hệ giá trị tương tác và tính công bằng giữa các thế hệ, nó trở nên bền vững hơn bao gồm các vấn đề sự trao quyền, đạo đức cũng như các vấn đề kinh tế và môi trường. Không có những đòi hỏi định trước cho việc đạt được sự bền vững mà điều cốt yếu là sự tương tác giữa các giá trị xã hội và người dân địa phương trong phát triển kinh tế và quy hoạch tài nguyên thiên nhiên. Quản lý bền vững đòi hỏi không được để suy giảm tổng các vốn môi trường, vốn tài nguyên con người, hay vốn mà con người tạo ra đảm bảo cho các thế hệ tương lai. Đó là sự đáp ứng tổng số vốn đại diện cho ba hệ giá trị mà nó phải được duy trì liên tục cho thế hệ mai sau. Trong nhiều hội nghị quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các khu bảo tồn với việc đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Từ ý tưởng đó đưa đến khái niệm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, làm sao phát triển được nền kinh tế xã hội trong khi vẫn có thể giữ gìn, bảo vệ được thiên nhiên. Bảo tồn là để liên kết được việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc thù với những nhu cầu phát triển có thể chấp nhận được của một bộ phận dân cư mà cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên đó.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docGiáo trình đa dạng sinh học.doc