4. KẾT LUẬN
Qua những phân tích cho thấy, biện pháp tu từ ngoa dụ được sử dụng khá nhiều trong
thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt. Từ việc khảo sát 100 câu thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán
và 100 câu thành ngữ ngoa dụ tiếng Việt, bài báo đã đưa ra được những kết quả nghiên
cứu bước đầu về sự tương đồng và khác biệt trên bình diện cấu trúc và đặc điểm ngữ
nghĩa. Điểm khác biệt lớn nhất đó là các tầng nét ngữ nghĩa trong thành ngữ ngoa dụ
tiếng Hán và tiếng Việt. Nếu như thành ngữ tiếng Việt thường dùng những từ ngữ chỉ bộ
phận cơ thể bên trong, những con số nhỏ hay những hiện tượng thiên nhiên gắn với việc
đồng áng để diễn tả ước muốn, tình cảm nội tâm của con người thì ngược lại, đa số thành
ngữ tiếng Hán luôn vận dụng những từ ngữ chỉ các bộ phận cơ thể bên ngoài, những con
số lớn hay những hiện tượng thiên nhiên hùng vĩ để thể hiện sức mạnh siêu nhiên của con
người. Tuy chưa thật toàn diện nhưng có thể xem đó là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nghiên
cứu những nội dung trên với cấp độ sâu hơn. Từ đó có thể tìm ra những nội dung mới tiếp
theo trong thành ngữ tiếng Hán, tiếng Việt nói chung cũng như thành ngữ sử dụng biện
pháp tu từ ngoa dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt nói riêng.
8 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 715 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đối chiếu biện pháp tu từ ngoa dụ trong thành ngữ Tiếng hán và Tiếng việt - Nguyễn Thị Khánh Vân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 80-87
ĐỐI CHIẾU BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ
TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT
NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
Tóm tắt: Qua khảo sát 200 câu thành ngữ sử dụng biện pháp tu từ ngoa dụ, bài
báo đã đối chiếu và đưa ra một số nhận xét về sự tương đồng và khác biệt của
biện pháp tu từ ngoa dụ trong thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt trên các bình
diện kết cấu, đặc điểm ngữ nghĩa nhằm giúp cho việc vận dụng trong nghiên
cứu, giảng dạy và học tập tiếng Trung được tốt hơn.
Từ khóa: thành ngữ, tu từ, ngoa dụ
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngôn ngữ là tài sản lâu đời và vô cùng quý báu của mỗi dân tộc. Mọi tinh hoa về văn
hóa, kinh nghiệm trong lao động sản xuất của mỗi đất nước đều được đúc kết và tái hiện
thông qua ngôn ngữ. Sự độc đáo của ngôn ngữ không chỉ thể hiện thông qua tầng nghĩa
của từng con chữ mà còn được thể hiện qua cách phối hợp sử dụng các phương tiện
ngôn ngữ hay nói đúng hơn là các biện pháp tu từ. Có rất nhiều biện pháp tu từ, có thể
kể đến như biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ, đối xứng trong đó biện pháp tu từ
ngoa dụ thường được nhắc đến như là đỉnh cao của việc sử dụng ngôn từ nhằm tạo ra tác
dụng gợi hình, gợi cảm, nhấn mạnh, nổi bật ý nghĩa của lời nói. Hiện nay có rất nhiều
công trình nghiên cứu biện pháp tu từ ngoa dụ trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày,
trong ngôn ngữ chính luận, trong ca dao hay văn thơ trữ tình; song chưa có công trình
nghiên cứu về biện pháp tu từ ngoa dụ trong thành ngữ giữa tiếng Hán và tiếng Việt
theo phương pháp đối chiếu. Vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu của bài báo này, chúng
tôi tập trung “Đối chiếu sự tương đồng và khác biệt của biện pháp tu từ ngoa dụ trong
thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt” trên bình diện cấu trúc và đặc điểm ngữ nghĩa.
2. BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ TRONG TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT
2.1. Biện pháp tu từ ngoa dụ trong tiếng Hán
Trong tiếng Hán, biện pháp này gọi là khoa trương, tức cố ý nói quá sự thật, miêu tả
khuyếch đại hay thu nhỏ đối với người hay sự vật khách quan. Biện pháp khoa trương
được phân thành 3 loại cơ bản: khuyếch đại, thúc tiểu và siêu tiền[7].
- Khoa trương khuyếch đại tức cố ý tả một sự vật bình thường trở nên lớn, nhiều, nhanh,
cao, dài, mạnh. Ví dụ:
隔壁千家醉, Cách vách thiên gia túy,
开坛十里香 。 Khai hũ thập lí hương.
(Vị rượu đậm đà đến mức khiến người ngàn nhà đều say, hương rượu thơm đến mức
vừa mở hũ đã khiến người trong mười dặm đều ngửi thấy). Như vậy, sự thơm ngon của
ĐỐI CHIẾU SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ...
81
vị rượu và hương rượu ở đây được miêu tả một cách quá lời khi chưa uống mà đã có thể
khiến người ngàn nhà đều say và người trong mười dặm đều ngửi thấy.
- Khoa trương thúc tiểu tức cố ý tả một sự vật bình thường trở nên nhỏ, ít, chậm, thấp,
ngắn, yếu. Ví dụ:
可是当兵一当三四年,打仗总打了百十回吧,身上一根汗毛也没碰断。刘白羽
《无敌三勇士》)
Làm lính đã ba bốn năm rồi, chiến đấu đã hơn trăm trận rồi, trên người một sợi lông tơ
cũng chưa hề đứt. (Lưu Bạch Vũ – Tam dũng sĩ vô địch) Cách miêu tả công cuộc đánh
trận vô cùng gian nan, hàng trăm trận mà đến một sợi lông tơ cũng chưa hề đứt thì quả
là vô cùng phi lý.
- Khoa trương siêu tiền tức trong hai sự việc, cố ý nói sự việc xuất hiện sau thành sự
việc xuất hiện trước hoặc đồng thời xuất hiện.
农民们都说:看见这样鲜绿的苗,就嗅出白面包的香味儿来了。
Người nông dân thường nói: trông thấy mạ xanh tươi như thế, đã ngửi thấy mùi thơm
của bánh bao rồi. Cây mạ đang còn xanh, chưa phát triển thành cây lúa để gặt mà người
nông dân đã ngửi thấy mùi thơm của bánh bao rồi. Đây chính là thủ pháp thể hiện cảm
xúc liên tưởng của người nông dân khi nghĩ đến thành quả sau này.
2.2. Biện pháp tu từ ngoa dụ tiếng Việt
Trong tiếng Việt, biện pháp này còn được gọi là phóng đại, khoa trương hay thậm xưng.
Tác giả Cù Đình Tú trong “Phong cách học và đặc điểm tu từ Tiếng Việt” cho rằng:
khoa trương là cách tu từ dùng sự cường điệu qui mô của đối tượng được miêu tả so với
những biểu hiện bình thường nhằm mục đích nhấn mạnh ý và làm nổi rõ bản chất của
hiện tượng [5]. Ví dụ:
“Bông chi thơm lạ thơm lùng
Thơm cây thơm rễ, người trồng cũng thơm.” (Ca dao)
Trong “Phong cách học Tiếng Việt hiện đại”, tác giả cho rằng khoa trương hay phóng
đại là biện pháp nói giảm hay nói quá sự thật nhằm diễn tả sự vật hiện tượng dưới cái
nhìn châm biếm hoặc hi vọng khách quan [2]. Ví dụ:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho (Ca dao)
Ngoa dụ có thể là nêu một sự vật, hiện tượng trái quy luật, phi thực tế để làm tăng sự
phủ định:
“Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.” (Ca dao)
Ngoa dụ được sử dụng trong một hình thức cô đúc mà nói lên được những cảm xúc
mạnh mẽ:
“Đau lòng kẻ ở người đi,
NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN
82
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm.”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Sử dụng hình thức đối lập: giọt “lệ” - một chất lỏng, mềm mà có thể ngấm được vào
“đá” – một vật rắn và cứng, tạo nên hình ảnh, sự liên tưởng mạnh mẽ về một nỗi đau
thâm trầm, không thể nói nên lời.
Ngoa dụ dùng để nói cho vui, cười trong chốc lát. Ví dụ như:
“Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tay giần,
Răng đen hạt nhót, chân đi cù lèo.
Tóc rễ tre chải lược bờ cào,
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung.
Trên đầu chấy rận như sung” (Ca dao)
Như vậy, ngoa dụ có thể được hiểu là một cách nói quá, cường điệu về quy mô, tính
chất, mức độ của sự vật, hiện tượng được miêu tả nhằm làm nổi bật ý cần diễn đạt. Tuy
phi lý nhưng vẫn có thể chấp nhận được bởi mục đích chính là nhằm biểu đạt, chuyển
tải nhận thức cũng như cảm xúc của người nói và người viết.
3. SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ
TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT
3.1. Sự tương đồng
3.1.1. Tương đồng về cấu trúc
Biện pháp tu từ ngoa dụ trong thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt có sự tương đồng khá
lớn về mặt cấu trúc. Trong thành ngữ ngoa dụ thường xuất hiện hai sự vật, hiện tượng
hay hành động trong một câu. Nếu như gọi A và B là những sự vật, hiện tượng hay hành
động không cùng loại nhưng cùng tồn tại một dấu hiệu chung nào đó, ta có một số dạng
cấu trúc mang nét tương đồng như sau:
3.1.1.1. Thành ngữ ngoa dụ sử dụng kết cấu từ so sánh
Thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Hán thường dùng các từ so sánh 如 (như) hoặc 若
(nhược), tạo thành biểu thức A 如 /若 B (A như B)
Ví dụ: 日月如梭 (Nhật nguyệt như thoi) : Ngày tháng như thoi
泪如雨下 (Lệ như vũ hạ) : Nước mắt như mưa
口若悬河 (Khẩu nhược huyền hà) : Miệng như nước chảy xiết
寥若晨星 (Liêu nhược thần tinh) : Ít/ thưa như sao hôm
Thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Việt cũng thường dùng các từ so sánh như: như, bằng
Ví dụ: Ngáy như sấm, Đẹp như tiên, Gan bằng sắt, Coi trời bằng vung
3.1.1.2. Thành ngữ ngoa dụ không sử dụng kết cấu từ so sánh
Thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán và tiếng Việt đều tồn tại loại thành ngữ mang ý so sánh
nhưng không sử dụng từ ngữ so sánh để biểu thị. Ví dụ như:
ĐỐI CHIẾU SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ...
83
Trong tiếng Hán thường có các câu như: 人山人海 (Nhân sơn nhân hải): Người nhiều
như núi cao biển lớn, 人声鼎沸 (Nhân thanh đỉnh phế): Tiếng Người như nước réo
trong vạc.
Trong tiếng Việt ta cũng thường gặp những câu như: Đau đứt ruột, Đau xé ruột. Nỗi
đau ở đây được cường điệu hóa khiến cho cảm xúc nhân lên gấp bội, ví nỗi đau tựa như
đứt ruột, xé ruột vậy.
Tuy những câu thành ngữ trên không dùng từ so sánh nhưng sắc thái ngoa dụ trong câu
vẫn không hề giảm. Ta vẫn nhận thấy như có sự ngầm so sánh ở đây đồng thời mức độ
biểu cảm vẫn được thể hiện rất cao, khiến người nghe vẫn cảm nhận được sự đau rất lớn.
3.1.1.3. A và B đều là cụm chủ vị
Ta có thể dễ dàng gặp dạng thành ngữ ngoa dụ loại này trong tiếng Hán, ví dụ: 地老天
荒(Địa lão thiên hoang), 天翻地覆”(Thiên phan địa phúc). Trong thực tế chưa ai
từng thấy đất già trời hoang hay trời chuyển đất lật. Tương tự, thành ngữ ngoa dụ trong
tiếng Việt cũng có một số câu như: Mình đồng da sắt, Non mòn biển cạn. Cơ thể con
người luôn bằng da bằng thịt chứ không thể bằng kim loại đồng hay sắt được, hay núi
không thể mòn và biển cũng không bao giờ cạn. Đây chỉ là cách nói quá về sự vật hiện
tượng nhằm truyền tải ý nghĩa của lời nói.
3.1.1.4. A và B đều là cụm động tân (trong tiếng Hán) / động bổ (trong tiếng Việt)
Một trong những dạng cấu trúc xuất hiện nhiều nhất trong thành ngữ ngoa dụ đó là dạng
động từ kết hợp với tân ngữ ở tiếng Hán hay động từ kết hợp với bổ ngữ ở tiếng Việt.
Ví dụ như: Thành ngữ tiếng Hán có các câu: 闭月羞花 (Bế nguyệt tu hoa): Trăng mờ
hoa thẹn, 沉鱼落雁 (Trầm ngư lạc nhạn): Chim sa cá lặn. Trong thành ngữ tiếng Việt
cũng thường có các câu như: Cháy ruột bầm gan, Đội mưa đội gió, Miệng ăn núi lở...
3.1.1.5. Thành ngữ ngoa dụ có sử dụng con số
Trong thành ngữ tiếng Hán có một số như: 罪该万死 (Tội cái vạn tử): Tội đáng muôn
chết, 十年树木,百年树人 (Thập niên thụ mục, bách niên thụ nhân): Mười năm trồng
cây, trăm năm trồng người Ở đây từ “Vạn tử” cho thấy sự to lớn của tội ác, “Bách
niên” cường điệu việc khó khăn “thụ nhân”. Tiếng Việt cũng có những thành ngữ tương
tự như: Xa xôi nghìn trùng, trăm phát trăm trúng,... Có thể thấy, những con số “nghìn”,
“trăm”, trong thành ngữ đa phần đều dùng để nói quá tính chất của sự vật. Ngoài ra, con
số nhỏ cũng được dùng để khoa trương, ví dụ: (Nhất tự thiên kim): Một chữ ngàn vàng,
寸步不离 (Thốn bộ bất li): Một tấc không rời. Thành ngữ tiếng Việt cũng có câu: Một
chữ ngàn vàng, Một bước khó nhích, Một tay che trời, ...
3.1.2. Tương đồng về đặc điểm ngữ nghĩa
Xét 100 câu thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán và 100 câu thành ngữ ngoa dụ tiếng Việt, ta
thu được kết quả về đặc điểm ngữ nghĩa như sau: (Xem bảng sau)
NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN
84
Bảng so sánh về tỉ lệ ngữ nghĩa của thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán và tiếng Việt
Đặc điểm ngữ nghĩa Tiếng Hán (100 câu) Tiếng Việt (100 câu)
Số lượng Tỉ lệ (%) Số lượng Tỉ lệ (%)
1. Hoạt động, hành vi 38 38 43 43
2. Trạng thái tâm lý tình cảm 40 40 48 48
3. Khác 22 22 09 9
Các phạm trù ngữ nghĩa có các yếu tố
ngoa dụ:
- Bộ phận cơ thể 15 15 56 56
- Con số 20 20 04 4
- Hiện tượng tự nhiên 31 31 19 19
Qua bảng thống kê trên, ta có thể thấy, thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán và tiếng Việt đều
có khả năng biểu thị nhiều tầng ngữ nghĩa như nhau, chủ yếu cùng biểu hiện qua 2
phạm trù ngữ nghĩa chính: thành ngữ ngoa dụ biểu thị hoạt động, hành vi như: 死去活
来 (Tử khứ hoạt lai): chết đi sống lại, 胆大包天 (Gan đại bao thiên): gan to ôm trời,
Trẻ không tha, già không thương hay Giấu voi ruộng rạ; và thành ngữ ngoa dụ biểu thị
trạng thái tâm lý tình cảm như: 十万火急 (Thập vạn hỏa cấp): vô cùng khẩn cấp, 千钧
一发 (Thiên cân nhất phát): ngàn cân treo sợi tóc, Nóng lòng sốt ruột, Tay đứt ruột xót.
Ngoài ra còn có ngữ nghĩa của các yếu tố trong thành ngữ ngoa dụ đó là: yếu tố chỉ bộ
phận cơ thể, ví dụ:, 一手遮天 (Nhất thủ già thiên): một tay che trời, 一目了然 (Nhất
mục liễu nhiên): Liếc qua hiểu liền, Bầm gan tím ruột, Gan đồng dạ sắt; yếu tố chỉ con
số như: 三头六臂 (Tam đầu lục tí): ba đầu sáu tay, 千艰万难 (Thiên gian vạn nan):
Muôn phần khó khăn, Ba bề bốn biển, Năm thê bảy thiếp; yếu tố chỉ các hiện tượng
thiên nhiên như: 山穷水尽 (Sơn cùng thủy tận): Núi dừng nước cạn, 翻江倒海 (Phiên
giang đảo hải): Lật sông đổ bể, Ăn gió nằm sương, Sông cạn đá mòn. Trong đó loại
thành ngữ biểu thị trạng thái tâm lý tình cảm trong mỗi ngôn ngữ chiếm tỉ lệ nhiều nhất
(tiếng Hán: 40%, tiếng Việt 48%), rồi đến thành ngữ biểu thị hoạt động, hành vi (tiếng
Hán 38%, tiếng Việt 43%), và sau cùng là những thành ngữ khác (tiếng Hán 22%, tiếng
Việt 9%).
3.2. Sự khác biệt
3.2.1. Sự khác biệt về cấu trúc
Bên cạnh sự tương đồng bao giờ cũng tồn tại sự khác biệt. Tuy vậy, sự khác biệt về cấu
trúc của hai loại thành ngữ ngoa dụ Hán và Việt thực tế không nhiều bởi cơ chế để tạo
ra biện pháp ngoa dụ thông thường là phóng đại sự thật. Theo kết quả khảo sát có thể
nhận thấy sự khác biệt về cấu trúc của loại thành ngữ ngoa dụ này trong tiếng Hán và
tiếng Việt đó là: thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Việt phần lớn sử dụng những từ ngữ vốn
mang ý nghĩa phóng đại, có khả năng thay thế các phó từ rất, quá, lắm mà lại có thể kết
hợp biểu thị sự đánh giá chủ quan và đồng thời gây tác động mạnh. Ví dụ như: vô cùng
khẩn cấp, quý hơn vàng, Thành ngữ ngoa dụ dùng những từ ngữ phóng đại (bao gồm
cả đặc trưng, quán ngữ) phần lớn mang nội dung miêu tả các tác động trực tiếp tới tâm
ĐỐI CHIẾU SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ...
85
lí, tình cảm và bộ phận cơ thể con người. Ví dụ: bầm gan tím ruột, sôi gan nổi mật, sốt
ruột sốt gan, Đối với hình thức sử dụng yếu tố từ ngữ phóng đại như thế này, chúng
tôi chưa khảo sát thấy trong thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán.
3.2.2. Sự khác biệt về đặc điểm ngữ nghĩa
Từ kết quả khảo sát bảng trên, ta có thể thấy, thành ngữ ngoa dụ biểu thị trạng thái tâm
lý tình cảm của tiếng Việt nhiều hơn trong tiếng Hán (8 câu, chiếm 8%); thành ngữ
ngoa dụ biểu thị hoạt động, hành vi trong tiếng Việt cũng nhiều hơn trong tiếng Hán (5
câu, chiếm 5%) nhưng các thành ngữ khác trong tiếng Việt lại ít hơn trong tiếng Hán
(13 câu, chiếm 13%); đáng chú ý là thành ngữ ngoa dụ có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể của
tiếng Việt chiếm số lượng nhiều hơn trong tiếng Hán rất nhiều (41 câu, chiếm 41%);
ngược lại, thành ngữ ngoa dụ có yếu tố chỉ con số của tiếng Việt lại ít hơn trong tiếng
Hán (16 câu, chiếm 16%) và thành ngữ có yếu tố chỉ hiện tượng thiên nhiên trong tiếng
Việt cũng ít hơn trong tiếng Hán (12 câu, chiếm 12%).
Qua khảo sát cho thấy, thành ngữ ngoa dụ có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể trong tiếng Việt
chiếm tỉ lệ rất lớn, những bộ phận cơ thể thường dùng phải kể đến: đầu, cổ, vai, chân,
tay, gan, ruột, bụng, dạ, lòng, xương, cốt, tủy, mật, mặt, da, mồm, miệng, tóc, trong đó:
gan, ruột, dạ là những bộ phận có tần số xuất hiện nhiều nhất: gan (26 lần), ruột (20 lần),
dạ (11 lần). Điều này cho thấy người Việt thường mượn những bộ phận bên trong cơ thể
để tạo nên những thành ngữ ngoa dụ thể hiện sâu hơn những suy nghĩ hay trạng thái tinh
thần của mình. Những suy nghĩ hay trạng thái tinh thần ở đây thường vượt quá sức
tượng tượng, vượt quá sức chịu đựng của con người. Ví dụ như thể hiện sự đau đớn, xót
xa tột độ: Xé ruột xé gan, Đứt ruột đứt gan, Đứt ruột cháy gan; thể hiện sự căm phẫn,
uất ức đến tột cùng: Thâm/Bầm gan tím ruột, Tím ruột tím gan, Sôi gan nổi mật; hay thể
hiện tâm trạng quá lo lắng, bồn chồn, bị giày vò trong lòng: Cháy ruột cháy gan, Cháy
gan cháy ruột, Cháy lòng cháy ruột, Nát ruột nát gan, Nẫu ruột nẫu gan; khi thể hiện
tâm địa độc ác, nham hiểm, tàn nhẫn, không có lương tâm: Lòng lang dạ sói, Lòng lang
dạ thú, Mặt người dạ thú, Mặt người dạ sói; thể hiện sự cứng rắn, kiên định, không gì
lay chuyển được: Lòng gang dạ đá, Lòng lim dạ sắt Ngược lại, thành ngữ ngoa dụ
tiếng Hán chỉ sử dụng một số ít từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể như: tay, vai, đầu, cánh tay,
tai, mắt, chân, long mày, miệng để diễn tả tài năng ngoài sức tưởng tượng của con
người. Ví dụ như: 一手遮天 (Nhất thủ giá thiên): một tay che trời, 三头六臂 (Tam đầu
lục tí): ba đầu sáu tay, 只手遮天 (Chi thủ giá thiên): cánh tay lấp trời, 一目了然 (Nhất
mục liễu nhiên): Liếc mắt hiểu liền, 不胫而走 (Bất kinh dĩ tẩu): không chân mà chạy
Qua đây cho thấy con người luôn có mong muốn có được một thế lực siêu nhiên để làm
chủ cuộc sống, để khuất phục thiên nhiên. Từ đó nhận thấy: nếu như thành ngữ ngoa dụ
tiếng Việt chú trọng sử dụng những bộ phận bên trong cơ thể thì thành ngữ ngoa dụ
trong tiếng Hán lại thích dùng những bộ phận bên ngoài cơ thể. Nếu như ý nghĩa của
thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Việt là muốn diễn tả nội tâm sâu xa của con người thì
thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Hán lại nói đến sức mạnh siêu phàm của con người. Đây
chính là những nét khác biệt chính của thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán và tiếng Việt.
NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN
86
Xét thành ngữ ngoa dụ có yếu tố chỉ con số, trong tiếng Việt ngoài những con số lớn thể
hiện qua các thành ngữ như: trăm đắng nghìn cay, trăm công nghìn việc, muôn hình vạn
trạng, hằng hà sa số, thường là những con số nhỏ kết hợp với nhau như: số 3, số 4, số
6, số 8 để nhấn mạnh sự phi lí. Thông qua sự kết hợp phi lí đó để chỉ thần thánh khó tin,
hay thể hiện sự luống cuống, hấp tấp, khó thành, ví dụ như: ba chân bôn cẳng, Ba đầu
sáu tay, Ba chân tám cẳng, Ngược lại, thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Hán vừa dùng
những con số nhỏ vừa dùng những con số lớn như: số 1, số 3, số 4, số 10, trăm, nghìn,
vạn. Trong đó, con số hàng trăm, nghìn, vạn được sử dụng nhiều nhất, thông qua những
con số lớn ấy, người dân Trung Hoa muốn tăng thêm sự phi lí, có thể là sự vĩnh cửu về
mặt thời gian, ví dụ như: thể hiện quan hệ hữu nghị bền vững có câu 万古长青 (Vạn cổ
trường thanh), hay thể hiện sự trường thọ có câu 长命百岁(Trường mệnh bách tuế), thể
hiện sự chính xác đến khó tin như: 百发百中 (Bách phát bách trúng), hoặc là sự thể
hiện tột độ của sự việc nói đến, ví dụ như vô cùng nguy hiểm: 千艰万险 (Thiên nạn vạn
hiểm); vô cùng khó khăn: 千艰万难 (Thiên nan vạn nạn), Những con số được sử
dụng ở đây thường là những con số rất lớn, điều này có tác dụng dễ dàng phóng đại sự
thật, nhằm đạt được mục đích của biện pháp ngoa dụ.
Đối với thành ngữ ngoa dụ có yếu tố chỉ hiện tượng thiên nhiên, ta thấy rõ thành ngữ
trong tiếng Hán nhiều hơn trong tiếng Việt. Điều này có thể lí giải bởi diện tích lãnh thổ
Trung Quốc rộng lớn, kéo dài từ dải cận nhiệt đới đến ôn đới, do đó những hiện tượng
thiên nhiên được phản ánh trong thành ngữ trở nên phong phú là điều dễ hiểu. Những
hiện tượng thường dùng đó là: sông, núi, biển, trời, đất, mây, mưa, trong đó yếu tố trời và
núi được sử dụng nhiều nhất: trời (12 lần), núi (12 lần). Trời và núi đều là những yếu tố
thể hiện những hiện tượng thiên nhiên to lớn, hùng vĩ nên rất phù hợp để con người vận
dụng thể hiện sức mạnh phi thường của con người như: 改天换地 (Cải thiên hóa địa):
thay trời đổi đất, 举鼎拔山 (Cử đỉnh bạt sơn): nhấc đỉnh dời núi, 怒气冲天 (Nộ khí xung
thiên): tức giận ngất trời, 怒气冲云 (Nộ khí xung vân): tức giận lên mây, 翻江倒海
(Phiên giang đáo hải): lật sông đổ bể, 顶天立地 (Đỉnh thiên lập địa): dựng trời lập đất,
Trong khi đó, thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Việt cũng sử dụng những từ ngữ chỉ hiện
tượng thiên nhiên nhưng phần lớn là: đất, gió, sương, mưa, sóng, biển, đất, trời, sông,
núi, trong đó đất, trời, gió, sương là những yếu tố được sử dụng nhiều hơn cả bởi đây là
những yếu tố rất quan trọng đối với công việc đồng áng của người nông dân. Những yếu
tố thuận lợi của đất, trời, gió, sương đều là điều mà nông dân muôn đời mong muốn. Do
vậy những yếu tố thiên nhiên này đã đi vào thành ngữ ngoa dụ Việt, cho thấy sự vất vả,
khó khăn vô cùng của người nông dân trong cuộc sống: Ăn đất nằm sương, Ăn gió nằm
mưa, Ăn gió nằm sương, Gối đất nằm sương, Gội gió tắm mưa, Nước mắt như mưa; bên
cạnh đó người dân cũng mượn những yếu tố trời, đất để thể hiện sức mạnh, sự vùng dậy
vượt qua gian khổ của cuộc sống: Đội trời đạp đất, Đạp đất đội trời , Dời non lấp biển,
Vá trời lấp biển v.v Như vậy, ngoài sự giống nhau trong việc thể hiện sức mạnh phi
thường của con người nhỏ bé trước thiên nhiên, thành ngữ ngoa dụ trong tiếng Việt còn
phản ánh sự gian khó, vất vả trong cuộc sống của người dân. Điều này chưa khảo sát
ĐỐI CHIẾU SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ NGOA DỤ...
87
thấy trong thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán. Đây chính là nét khác biệt về mặt ngữ nghĩa
đáng chú ý của thành ngữ ngoa dụ giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt.
4. KẾT LUẬN
Qua những phân tích cho thấy, biện pháp tu từ ngoa dụ được sử dụng khá nhiều trong
thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt. Từ việc khảo sát 100 câu thành ngữ ngoa dụ tiếng Hán
và 100 câu thành ngữ ngoa dụ tiếng Việt, bài báo đã đưa ra được những kết quả nghiên
cứu bước đầu về sự tương đồng và khác biệt trên bình diện cấu trúc và đặc điểm ngữ
nghĩa. Điểm khác biệt lớn nhất đó là các tầng nét ngữ nghĩa trong thành ngữ ngoa dụ
tiếng Hán và tiếng Việt. Nếu như thành ngữ tiếng Việt thường dùng những từ ngữ chỉ bộ
phận cơ thể bên trong, những con số nhỏ hay những hiện tượng thiên nhiên gắn với việc
đồng áng để diễn tả ước muốn, tình cảm nội tâm của con người thì ngược lại, đa số thành
ngữ tiếng Hán luôn vận dụng những từ ngữ chỉ các bộ phận cơ thể bên ngoài, những con
số lớn hay những hiện tượng thiên nhiên hùng vĩ để thể hiện sức mạnh siêu nhiên của con
người. Tuy chưa thật toàn diện nhưng có thể xem đó là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nghiên
cứu những nội dung trên với cấp độ sâu hơn. Từ đó có thể tìm ra những nội dung mới tiếp
theo trong thành ngữ tiếng Hán, tiếng Việt nói chung cũng như thành ngữ sử dụng biện
pháp tu từ ngoa dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Võ Bình, Lê Anh Hiền (1983). Phong cách học – Thực hành tiếng Việt. NXB Giáo
dục, Hà Nội.
[2] Hữu Đạt (2001). Phong cách học Tiếng Việt hiện đại. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội,
Hà Nội.
[3] Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1978). Từ điển Thành ngữ Tiếng Việt. NXB Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
[4] Hoàng Văn Hành (2004). Thành ngữ học tiếng Việt. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5] Cù Đình Tú (2007). Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt. NXB Giáo dục, Hà
Nội.
[6] 周斌 (2004).《成语大辞典》,商务印书馆国际有限公司、北京。
[7] 凌耀章 (2007).《学生修辞手法词典》,四川辞书出版社、四川出版集团。
Title: COMPARING THE SIMILARITIES AND DIFFERENCES OF HYPERBOLE
BETWEEN CHINESE AND VIETNAMESE IDIOMS
Abstract: Through surveying two hundred idioms using hyperbole , the article gives some
comments on the similarities and differences of the hyperbole used in the idioms of Chinese
and Vietnamese in term of structural aspects, semantic features in order to apply in researching,
teaching and learning Chinese better.
Keywords: idioms, rhetoric, hyperbole
ThS. NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN
Khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 27_442_nguyenthikhanhvan_13_le_thi_khanh_van_1206_2020370.pdf