Là nhà văn của miền sơn cước, mong muốn bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình
nên Y Phương luôn có dụng ý sử dụng câu văn bằng tiếng mẹ đẻ. Điều đó vừa tạo ra
tính địa phương, vừa tạo ra không khí nhiệm màu cổ tích cho ngôn ngữ của người Tày.
Trong nhiều câu văn, tác giả đã sử dụng thứ ngôn ngữ của người Tày Nùng: “Ai nhìn
thấy pỉ lùa, pỉ nàng đều nhâng nhâng vui” (Tết anh cả). Đó là “những người khai pác
kin gò (bán mồm nuôi cổ) hay khai slư liệng minh (bán chữ nuôi thân)” (Khai pác kin
gò) hoặc những câu như: “Lai cần liệng lai cần lẻ lỏoc. Cần tỏoc liệng cần tỏoc lẻ thai.
Nhiều người nuôi nhiều người thì sống Một mình nuôi một mình là chết” (Cha mẹ cho
ta anh em, Trời cho ta bạn). Nhà văn luôn có ý thức bảo tồn và giới thiệu đến bạn đọc
thứ ngôn ngữ của người Tày Nùng, điều này không chỉ làm phong phú thêm cho ngôn
ngữ bản xứ mà còn thể hiện niềm tự hào của tác giả khi viết về dân tộc mình.
Như vậy, dấu ấn văn hóa Tày trong tản văn Y Phương không chỉ biểu hiện ở ẩm thực, lễ
tết, tâm linh, mà còn in đậm trong phương thức thể hiện: từ ngôn ngữ, giọng điệu cho
đến hình ảnh đều mang dáng dấp lối tư duy của người vùng cao. Ở đó không có cái
giọng hoạt kê, hài hước như tản văn của Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh) [2] hay ở
Nguyễn Khắc Phê [4], cũng không đậm chất triết lý - suy tưởng như ở Hoàng Phủ Ngọc
Tường [7]. Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của Y Phương nhẹ nhàng mà
tinh tế, giản dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái, hướng người đọc tới sự thanh cao
của cái đẹp, cái thiện, cái rất thực, rất tự nhiên mang hồn cốt của người Tày.
7 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 785 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dấu ấn văn hóa tày qua tập tản văn tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của Y Phương - Trần Công Văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 01(17)/2011: tr. 65-71
DẤU ẤN VĂN HÓA TÀY QUA TẬP TẢN VĂN THÁNG GIÊNG, THÁNG
GIÊNG MỘT VÒNG DAO QUẮM CỦA Y PHƯƠNG
TRẦN CÔNG VĂN
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
HOÀNG ĐỨC KHOA
Nhà xuất bản Đại học Huế
Tóm tắt: Trong tập tản văn “Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm”
của Y Phương, mảng viết về văn hóa Tày chiếm một số lượng khá lớn. Đó là
những trang viết được chắt ra từ máu của tâm hồn nhà văn nên nó thật nặng
lòng. Bài nghiên cứu về dấu ấn văn hóa Tày trong tản văn của Y Phương,
nhằm chỉ ra và khẳng định nét độc đáo trên một số khía cạnh của văn hóa ẩm
thực, văn hóa tâm linh và hơn hết là khát vọng bảo tồn những giá trị tốt đẹp
của văn hóa Tày trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế.
Trong văn học Việt Nam hiện đại, mảng sáng tác về miền núi chiếm vị trí quan trọng.
Những nhà văn vùng cao đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại những âm điệu mới
cho nền văn học dân tộc. Y Phương là một trong số những người tiêu biểu như thế. Người
con trai làng Hiếu Lễ ấy, tên đầy đủ là Hứa Vĩnh Sước (1948). Từ cậu bé Tày chân trần,
trải qua bao giông gió cuộc đời, Y Phương đã gây sự chú ý cho người đọc. Nếu trước đây
người ta thường nhớ về Y Phương qua các tập thơ Tiếng hát tháng giêng (1987), Lời chúc
(1991), Đàn then (1996), Chín tháng (trường ca) và đặc biệt là bài thơ nổi tiếng “Nói với
con” thì nay ông lấn sang một địa hạt mới và để lại dấu ấn khá đặc biệt - đó là tản văn.
Năm 2009 tập tản văn Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm (đạt giải B của Hội
Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam) ra đời như là một phần thưởng xứng đáng
cho tinh thần sáng tạo của nhà văn miền sơn cước này.
Nếu thơ Y Phương là tiếng nói mạnh mẽ của một sức sống, một tình yêu không thể hoà
lẫn với bất kỳ ai, thì trong tản văn một lần nữa Y Phương lại tô đậm thêm bản sắc của
chính mình, của dân tộc mình. Tác phẩm của Y Phương góp phần làm giàu bản sắc văn
hóa Tày nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong thời đại mới.
Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, văn hóa “là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất
và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong
sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [6, tr. 27].
Như vậy, văn hóa chính là cái cốt tủy của mỗi dân tộc. Khai thác những nét đẹp văn hóa
dân tộc luôn là khát vọng của nhiều người cầm bút - Y Phương là một trong số đó. Với
Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, nhà văn đã khám phá nét độc đáo trong
văn hóa của người Tày Nùng.
1. VẺ ĐẸP VĂN HÓA DÂN TỘC TÀY
Trước hết là văn hóa ẩm thực. Ẩm thực là tiếng dùng khái quát nói về việc ăn và uống.
TRẦN CÔNG VĂN - HOÀNG ĐỨC KHOA
66
Văn hóa ẩm thực bao gồm cả cách chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức
uống, từ đơn giản, đạm bạc đến cầu kỳ mỹ vị. Ăn uống là một bộ phận thiết yếu cấu
thành bản sắc văn hóa dân tộc, là một trong những lĩnh vực thể hiện đặc tính của một
dân tộc. “Từ ngàn xưa, Việt Nam ăn đâu phải chỉ để ăn no mà còn để thưởng thức, ăn
ngon, mà “ngon” hay “ngon miệng” là một phạm trù lớn của nghệ thuật ẩm thực đấy
chứ. Và uống cũng vậy. Thì ai cũng biết uống ban đầu là để thỏa mãn nhu cầu của cái
khát (). Nhưng rồi với diễn trình lịch sử, uống cái gì, uống với ai, uống như thế nào,
uống lúc nào lại cũng trở thành nghệ thuật ” [3, tr. 410].
Trên phương diện mĩ học, ăn uống trong giá trị tự thân của nó đã trở thành một nét đẹp
văn hóa được lưu truyền trong mỗi cộng đồng người. Nó kết tinh tri thức về thiên nhiên,
tập quán, tính thẩm mĩ, cách ứng xử của từng vùng cư dân, từng quốc gia. Với phương
châm “dựa vào quê mình để nói về quê mình”, Y Phương nhiệt thành giới thiệu những
món ăn mang đặc trưng của vùng Tây Bắc như: vịt quay, phở chua, bánh áp chao, xôi ngũ
sắc, chân giò hầm hạt dẻ, đặc biệt là món bánh cuốn Cao Bằng “ngon không gì sánh
được có mùi thơm như cốm mới. Bánh cuốn Cao Bằng không có vị chua vì người ta
làm bánh không cho bất cứ phụ gia nào ngoài gạo” (Ăn cái tình). Còn món xôi đen “trở
thành một món ăn đặc sản không đâu có” (Dân Co Xàu hát Woàng dzà). Bên cạnh đó, có
những thức quà thật dân dã như hạt dẻ ở Trùng Khánh mà đi đâu người ta cũng không bao
giờ quên: “Hạt dẻ Trùng Khánh xịn, vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Nếu đem luộc, hấp
hoặc mang vào lò nướng chín bạn sẽ thấy có hương thơm tự nhiên. Ngọt bùi tự nhiên”
(Về Trùng Khánh mà nghe hạt dẻ). Hẳn Y Phương phải rất tự hào về quê hương Trùng
Khánh vì ẩm thực ở đây không chỉ phong phú mà còn mang những nét rất riêng, trở thành
đặc sản của vùng Tây Bắc. Thật ấn tượng khi nghe Y Phương giới thiệu cách làm món
bánh dày nhân trứng kiến: “Loại bánh mà tôi chưa từng thấy ở đâu có. Trứng kiến lấy về
làm sạch cho vào chõ hấp chín. Bỏ trứng ra cho vào chảo xào mỡ gà. Mỡ gà cho mùi
thơm, ngậy. Còn trứng kiến có màu óng vàng. Khi nặn thành bánh, người ta cho trứng
làm nhân. Khi ăn thấy bùi và có cảm giác có nóng đang bò loang ra trên mặt. Thúc hơi
cay của mùi loài kiến lên sống mũi” (Thanh minh trong tiết tháng ba).
Ngoài ra, Y Phương còn viết về nhiều món ăn mà có lẽ chỉ vùng quê nhà văn mới có,
mới độc đáo như thế. Từ món cá trầm hương rán vàng đến món gà trống thiến luộc bằng
đinh rồi thịt lợn quay nhồi lá mác mật đều gây ấn tượng với người đọc.
Khi nhắc đến văn hóa ẩm thực, ngoài cách chế biến, bày biện không thể không nhắc đến
cách thưởng thức các món ăn. Y Phương đã khám phá ra những nét đẹp trong “văn hóa
ăn” của người Tày, đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó không
có kiểu cách, ăn để được lòng người như đất Hà Thành mà với người dân bản xứ, ăn là
ăn cái tình “ăn bánh mà như xông hơi mới đã. Bao nhiêu cơn gió độc theo mồ hôi đi ra
ngoài. Bao nhiêu nỗi buồn bực cho vào lò lửa thiêu cháy rụi. Chỉ còn tiếng khà! Tiếng
rụp! Tiếng rột! Đặc biệt là tiếng cười sảng khoái của thực khách” (Ăn cái tình). Cách
ứng xử của người Tày, nhất là trong bữa ăn cũng là nét đẹp văn hoá: “Đừng thấy ghế
còn trống là bạn tự tiện ngồi. Phải nhìn trước nhìn sau. Phải biết nhường những người
già, trẻ nhỏ và người đang mang bầu. Họ là những người cần được ưu tiên ăn trước”
DẤU ẤN VĂN HÓA TÀY QUA TẬP TẢN VĂN THÁNG GIÊNG, THÁNG GIÊNG...
67
(Ăn cái tình). Người Tày Nùng rất coi trọng nghĩa tình, vì thế, họ luôn quan niệm ăn chỉ
là phụ, ăn cái tình mới là chính. Có lẽ vì thế mà các món ăn luôn được chuẩn bị một
cách tỉ mỉ, chu đáo. Họ làm bằng cả tâm hồn, cả tấm lòng thơm thảo của mình chỉ để
mong cho người ăn được vui lòng, ngon miệng.
Với đặc trưng của vùng núi cao, người Tày Nùng cũng ăn theo mùa. Mùa nóng có phở
chua, phở vịt quay, món ăn này không những mát ruột mà còn mát cả da thịt, mát cả cái
nhìn mọi người. Mùa lạnh thì ăn bánh áp chao - một thứ quà đêm không thể thiếu vào
những ngày đông lạnh giá: “Đây là một cái thú đặc biệt của nghệ thuật ẩm thực. Người
vùng cao không chỉ ăn bánh, mà còn ăn cái nhúng nhính vui trong đáy mắt Ăn bánh
áp chao là ăn cái tình của chị em gái. Nó cứ áp dính vào nhau làm một như keo. Thật
khó lòng chia lìa. Chẳng thể dùng răng nghiền nát bánh trong khoang miệng. Cái đậm
đà ngọt ngào quyện vào nhau, từ từ trôi vào cổ họng. Trôi đến đâu nóng bừng lên tới
đó. Người nhìn thấu ruột gan nhau, dường như chỉ có ở quê tôi” (Ăn bánh áp chao mà
nhìn thấu ruột).
Nói đến văn hóa ẩm thực, ngoài sự ăn còn phải nhắc đến sự uống. Tản văn của Y
Phương đã khai thác nét đẹp này, nhờ thế văn hóa ẩm thực của vùng cao càng hiện rõ
nét hơn. Trước hết là với rượu. Rượu không như người ta nghĩ theo nghĩa xấu, mà có
thể xem là văn hóa giao tiếp. “Vấn đề là nhận thức cho đúng cái ngưỡng của sự vật”
(Rượu làng Vân - Hoàng Phủ Ngọc Tường). Với suy nghĩ như thế, rượu trở thành văn
hóa, vấn đề là cách uống. Cho nên dễ thấy các dân tộc miền núi phía Bắc - đặc biệt là
người Tày, thường uống rượu lúc sinh hoạt cộng đồng, lúc đi chợ Họ thường uống
bằng bát: “Thế là toại nguyện. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đắm đuối tình người. Quyến
luyến tình duyên lắm lắm” (Đi chợ nhìn người). Uống rượu với người Tày nói riêng và
người Tây Bắc nói chung còn là để chia sẻ cái tình, uống cái cảm nhớ thương mến của
những người bạn lâu ngày gặp lại. Đó cũng là một tập tục giàu tính nhân văn, nó hướng
tới những giá trị muôn thuở. Ngoài rượu, uống trà cũng là một nét đẹp trong văn hóa ẩm
thực. Người Việt từ xưa, dù sống dưới chân núi cao, ở đồng bằng hay vùng ven biển, dù
là người sang kẻ hèn luôn giữ một tập tục quí: tục uống trà. Trà không thể thiếu vào
những ngày giỗ, tết, trên bàn thờ tổ tiên hay giao tiếp hàng ngày Trà là cái bắt đầu, là
sự kết thúc. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đấy nhiều
công phu, những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Khi khách đến chơi nhà thì chủ nhà dù
có bận đến mấy cũng dừng việc, pha trà mời khách. Người bình dân uống kiểu bình dân,
quý tộc có tiệc trà kiểu quý tộc. Tất cả đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách. Bên
tách trà nóng biết bao điều được đề cập, được thổ lộ. Cho nên cái thú “Ngồi ghế rơm
uống trà khỉ nổc” cùng Y Phương vào mùa đông lạnh giá ở Cao Bằng thật thú vị. Y
Phương rất tận tình giới thiệu nguồn gốc, công dụng và nhất là cách pha chế của loại trà
đặc biệt này: “Khách khứa vừa bước chân vào cửa liền được chủ nhà dắt tay mời vào
ghế ngồi. Họ khoanh hai chân, vo lại cho thật tròn. Câu chuyện bắt đầu nóng lên
Nước trên kiềng ba lá sôi năm lần bảy lượt. Chủ nhà nghiêng ấm pha trà mời khách”
(Ngồi ghế rơm uống trà khỉ nổc). Đúng là trong những ngày nhàn rỗi, không có gì thú
vị hơn được cùng một tri kỷ vừa hàn huyên vừa uống trà khỉ nổc trong cái dáng ngồi mà
Y Phương miêu tả.
TRẦN CÔNG VĂN - HOÀNG ĐỨC KHOA
68
Viết về văn hóa ẩm thực, tản văn của Y Phương toát ra vẻ đẹp của tình người, của cung
cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với nhiên thiên vùng cao.
Bằng sự trải nghiệm của mình Y Phương đã có cái nhìn thật thấu đáo về nét đẹp văn hóa
của người Tày Nùng, góp phần tô đậm thêm vào bảng màu văn hóa Việt Nam. Đúng
như thi hào Balzac từng nói: “Món ăn, thức uống xét bề ngoài, chỉ là cái đích của sự
thỏa mãn vật dục. Nhưng đi sâu, ta vô cùng ngạc nhiên thấy nó biểu hiện trình độ văn
hóa vật chất thì rất ít, nhưng biểu hiện trình độ văn hóa tinh thần của dân tộc thì rất
nhiều” [dẫn theo 1, tr. 5-7].
Bên cạnh những tản văn viết về văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh của người Tày cũng
được tác giả khai thác với mong muốn khám phá mạch nguồn của cuộc sống, để gửi tới
người đọc những thông điệp quý báu về giá trị lịch sử và nhân văn. Ở mảng đề tài này,
đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh văn hóa, một sự am hiểu nhất định về đặc tính dân
tộc mình. Bản lĩnh ấy phải được hun đúc từ nền tảng văn hóa nhân loại kết hợp với
truyền thống văn hóa dân tộc. Trong tâm thức của người Việt Nam, sự biết ơn không chỉ
dành cho người đang sống mà ngay cả những người đã khuất. Với tinh thần uống nước
nhớ nguồn, người Việt luôn luôn trân trọng lịch sử của cha ông để lại. Đó là dòng chảy
tâm linh - một nguồn suối nuôi sống tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỉ.
Dấu ấn văn hóa tâm linh trong tản văn của Y Phương thường nghiêng về các lễ hội, tục
thờ cúng của đồng bào dân tộc Tày Nùng. Qua những trang viết ấy, dễ nhận thấy màu
sắc huyền thoại lấp lánh trong đó. Với người Tày Nùng, văn hóa tâm linh được thể hiện
trước hết qua dịp lễ tết. Cho nên người Tày có rất nhiều lễ tết trong một năm: Tết anh
cả, Tết Slíp Sli ăn thịt vịt, Tết cốm, Tết vía trâu... trong đó đáng chú ý nhất là tết vía trâu
- cái tết thể hiện lòng biết ơn của con người đối với con vật: “Tháng sáu người ta có tết
khoăn woài, nghĩa là tết vía trâu (). Người Tày Nùng chúng tôi vốn coi trọng nghĩa
tình. Ăn lộc của ai phải biết ơn người ấy. Ăn lộc từ thiên nhiên người phải biết ơn cây
cỏ. Huống chi trâu là bạn nhà nông. Nên bà con dành hẳn cho trâu một cái tết” (Còn có
một cái tết vía trâu). Sở dĩ người Tày xem con trâu là bạn của mình vì trong tiềm thức
của họ có cả một huyền thoại về con trâu: “Người già kể rằng: Từ cổ xưa, con trâu và
những con vật khác, biết nói tiếng người. Nhưng lâu rồi. Không hiểu sao, trâu tự làm
mất tiếng. Trâu chỉ biết cười thôi Mỗi lần trâu cười, tôi thấy vui cả rừng cây, con
suối. Rừng lao xao hát. Suối rì rào kể. Hình như khi trâu cười, đất đai mộp mạp thở. Cỏ
xanh lóc léc tươi. Và lòng người hoàn toàn lâng lâng nhẹ nhõm” (Còn một cái tết vía
trâu). Tản văn Y Phương thật giàu nhạc điệu - thứ âm thanh của núi rừng, bản nhạc cất
lên từ tình yêu cuộc sống và niềm tự hào tha thiết. Y Phương khẳng định một chất giọng
riêng, kết hợp hài hòa cách nghĩ, lối nói của dân tộc Tày với khả năng biểu cảm của
tiếng Việt. Cái chất thơ ngọt ngào chắt ra từ tâm hồn nhà văn, để rồi làm nên những
trang viết mát lành “như sông như suối”.
Văn hóa tâm linh còn là đức tin, là thái độ chân thành đối với người đã khuất, điều đó
đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt như một lẽ tự nhiên. Tết tảo mộ của người Tày
Nùng mang ý nghĩa nhân văn như thế: “Đó là ngày mở cửa mồ. Người dương gặp lại
người âm, trong niềm nhớ thương vô hạn. Người âm hiện hồn lên phù hộ độ trì, ban bố
DẤU ẤN VĂN HÓA TÀY QUA TẬP TẢN VĂN THÁNG GIÊNG, THÁNG GIÊNG...
69
phúc lộc cho người dương. Hồn người âm khi là một luồng gió quẩn. Khi là một con
bướm vàng. Khi là con ong đất. Khi là con kiến nâu. Khi là làn khói trắng cuộn thành
hình ống. Tiếng người âm trầm và đục” (Thanh minh trong tiết tháng ba). Viết về văn
hóa tâm linh, tản văn Y Phương thường sử dụng những hình ảnh mang tính huyền thoại
hoặc được giải thích với sắc màu thần thoại của người dân tộc thiểu số. Đây là nét đặc
sắc trong nghệ thuật tản văn của Y Phương. Tản văn Y Phương hết sức bình dị, không
mang chiều sâu của triết lý như ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng lại rất phù hợp với lối
suy nghĩ của người vùng cao. Cái thú vị nhất nơi tản văn Y Phương chính là đã chuyển
tải được hồn cốt của người dân quê ông đến với bạn đọc. Tản văn Bà Phò là tác phẩm
tiêu biểu. Hình ảnh Bà Phò - một con người sinh ra từ núi rừng Tây Bắc, được miêu tả
hết sức gần gũi: bà trở thành “tài sản” chung của người dân nơi đây - đặc biệt là trẻ em
của bản làng. Sự chăm sóc, quan tâm của bà đến từng gia đình đã tạo nên một thứ tình
cảm thật thiêng liêng. Nhưng hình ảnh đó đôi khi cũng mang màu sắc huyền thoại: “Bà
cầm ngon tay vẽ ra trước mặt một con thuyền. Con thuyền ướt đẫm ánh trăng. Con
thuyền đưa con người lướt trong màn sương buốt giá. Còn giọng thì đầy âm sắc hú rít,
bà Phò như một ma hiện hình” (Bà Phò). Tác giả đã tài tình kết hợp yếu tố tưởng tượng
kỳ ảo với màu sắc huyền thoại của tâm linh nên tác phẩm có sức hấp dẫn riêng: “Ngày
tôi về, bà Phò đã nằm yên dưới cỏ Và như có phép lạ. Một cơn mưa sương bay qua.
Ông già bạc trắng không thấy nữa. Cả ngôi mộ bà Phò xanh rì cũng biến mất. Tạo
thành hai vệt trắng quấn quýt bện vào nhau như dây tóc đuôi sam. Dây tóc đuôi sam
lủng lẳng bay theo mây ngược mãi lên mạn Bắc” (Bà Phò). Yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo
vừa tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, vừa mở ra chiều sâu tâm linh. Điều đó rất gần
gũi với tư duy của người bản xứ, chứ tuyệt nhiên không phải là chuyện mê tín, cuồng gở
hay bịa đặt. Điều này cũng giải thích vì sao, các dân tộc thiểu số ở nước ta thường có
những bộ sử thi đồ sộ về dân tộc mình mang đầy màu sắc thần thoại nhưng vẫn được
yêu thích và phổ biến rộng rãi.
Viết về văn hóa tâm linh, tản văn Y Phương không mang đậm chất triết lý như ở tản văn
của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Song Y Phương rất tài tình đã biến cái giản dị, mộc mạc
thành những trang viết làm cho người đọc thích thú. Văn phong của Y Phương nhẹ
nhàng, ông đưa vào tác phẩm thứ ngôn từ của đời sống còn mang tính nguyên sơ bật ra
từ cảm xúc. Nó là thứ ngôn ngữ “là lạ”, “ngồ ngộ” với cách nghĩ và lối diễn đạt hết
sức chân thực, thẳng thắn của người vùng cao. Đây chính là cái cốt tử làm nên phong
cách của Y Phương.
2. KHÁT VỌNG BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC
Với Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm, nét đẹp văn hóa truyền thống, tính
cách con người vùng cao và cả những suy tư, trăn trở được bộc lộ rõ hơn hết. Y Phương
với vai trò là một hướng dẫn viên tâm huyết, đã giúp người đọc đi về với cội nguồn xa
xưa của người Tày. Ở đó có “Hồn làng Khuổi Ky” cổ kính và thanh bình: “Một ngôi
làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu,
gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc”. Để rồi bây giờ
hồn làng trở thành “dĩ vãng” trước sự xâm lăng của nền kinh tế thị trường: “Ra chợ
TRẦN CÔNG VĂN - HOÀNG ĐỨC KHOA
70
không còn thấy bóng dáng áo chàm thắt lưng bằng the. Chả thấy trai gái nấp sau mô đá
tình tự, hát lượn không còn ai trồng bông dệt vải” (Hồn làng Khuổi Ky). Thật buồn
hơn khi nghe tin làng Tày Khuổi Ky sẽ đưa về khôi phục ở Đồng Mô - gần Hà Nội với
một lời hứa: “Làng Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, sẽ được chọn để phục dựng lại toàn
bộ bối cảnh sinh hoạt văn hóa của người Tày Nùng. Sẽ không có bất cứ đồ dùng, vật
liệu hiện đại nào xuất hiện trong ngôi làng này” (Hồn làng Khuổi Ky). Thế rồi thực tế
diễn ra chua xót thay: “Du khách gật gật mấy cái, cười mấy chiếc. Rồi họ đi. Bỏ lại sau
lưng một dây một tràng nước hoa công nghiệp nồng nặc. Chỉ khổ người làng tôi hắt
hơi, xổ mũi, nhức đầu” (Hồn làng Khuổi Ky). Với giọng điệu mộc mạc và đậm chất
miền núi hồn nhiên như thế, tác phẩm của Y Phương vừa thâm hậu mà dung dị, thì thầm
mà không đơn điệu nhàm chán, lan man tý chút nhưng không cà kê vô vị. Nhà văn cứ
theo cái giọng khơi khơi mà nói, ai muốn nghe thì nghe, không bắt buộc, nghe rồi hiểu,
đừng chất vấn Sức hấp dẫn của tản văn Y Phương chủ yếu là sự chân thật: “Ông luôn
nhắc nhở tôi, mình là người Tày. Phải hiểu biết cặn kẽ, thấu đáo và chỉ viết những gì
gắn bó máu thịt với người vùng mình. Tuyệt đối không vay mượn. Ở đời có vay có trả.
Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ. Tự làm lấy. Chậm cũng được. Khắc đi khắc đến”
(Muôn năm số kiếp con người). Tản văn Y Phương vì thế bình dị, chân chất, hồn
nhiên, lặng lẽ, cứ “nhẩn nha” mà bùng nổ, mà đắm say, nhiệt thành như chính cuộc đời
ông, con người ông.
Đặc biệt, nhà văn rất tinh tế khi sử dụng thủ pháp đối lập (vốn là thủ pháp quen thuộc của
tản văn) để tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm của mình. Trong tản văn Đi chợ nhìn
người bằng cái nhìn đầy tiếc nuối, Y Phương đã có những trang viết thật nặng lòng về
phiên chợ vùng cao xưa và nay. Từ hồi ức “Tôi hay trốn mẹ, trốn bà đi chợ. Phiên nào
cũng đi”, tác giả đã khéo léo đưa người đọc từ không gian hiện tại trở về với lớp mù
sương của phiên chợ “đắp” đầy cổ kính: “Không tiếng còi, không tiếng động cơ xe máy.
Chỉ có tiếng người và tiếng cong rượu chạm nhau lum cum, lủm củm”. Người đi chợ chật
như nêm “người lèn người, chặt chẹt đến nỗi lồi cả bốn mắt cá chân. Một rừng người lao
xao vừa đi vừa chào” (Đi chợ nhìn người). Trong chợ có nhiều nghề và dường như chỉ
có ở vùng cao: nghề vá chảo, hàn nồi, đóng móng ngựa, thiến gà, hoạn lợn Tất cả diễn
ra trong một không khí rất thân mật với sự chứng kiến của nhiều người. Thế nhưng hôm
nay - một thực tế phũ phàng đang bao trùm không gian của chợ “đắp” xưa: “Tôi trở về
Co Xàu, lòng đi thật chậm. Thật chậm. Bước qua hàng hàn nồi, vá chảo. Nhưng không
còn dấu vết () Đi thật chậm qua nơi đóng móng ngựa. Những con ngựa ngày xưa giờ
đã biến thành cao”. Những câu văn có nhịp điệu chậm đồng hành với những bước chân
nặng nề, đang lê về lối cũ của nhân vật người kể chuyện làm lòng người như thắt lại: “Tôi
cứ buồn. Cái nhớ bốc ra như hơi nóng. Hơi nóng có mùi tanh cao ngựa. Mùi tanh bay ra
từ góc chợ ngày xưa ấy. Sự cô đơn trong tôi bò từ chỏm xương cụt, lên đến huyệt đỉnh
đầu” (Đi chợ nhìn người).
Là nhà văn của miền sơn cước, mong muốn bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình
nên Y Phương luôn có dụng ý sử dụng câu văn bằng tiếng mẹ đẻ. Điều đó vừa tạo ra
tính địa phương, vừa tạo ra không khí nhiệm màu cổ tích cho ngôn ngữ của người Tày.
Trong nhiều câu văn, tác giả đã sử dụng thứ ngôn ngữ của người Tày Nùng: “Ai nhìn
DẤU ẤN VĂN HÓA TÀY QUA TẬP TẢN VĂN THÁNG GIÊNG, THÁNG GIÊNG...
71
thấy pỉ lùa, pỉ nàng đều nhâng nhâng vui” (Tết anh cả). Đó là “những người khai pác
kin gò (bán mồm nuôi cổ) hay khai slư liệng minh (bán chữ nuôi thân)” (Khai pác kin
gò) hoặc những câu như: “Lai cần liệng lai cần lẻ lỏoc. Cần tỏoc liệng cần tỏoc lẻ thai.
Nhiều người nuôi nhiều người thì sống Một mình nuôi một mình là chết” (Cha mẹ cho
ta anh em, Trời cho ta bạn). Nhà văn luôn có ý thức bảo tồn và giới thiệu đến bạn đọc
thứ ngôn ngữ của người Tày Nùng, điều này không chỉ làm phong phú thêm cho ngôn
ngữ bản xứ mà còn thể hiện niềm tự hào của tác giả khi viết về dân tộc mình.
Như vậy, dấu ấn văn hóa Tày trong tản văn Y Phương không chỉ biểu hiện ở ẩm thực, lễ
tết, tâm linh, mà còn in đậm trong phương thức thể hiện: từ ngôn ngữ, giọng điệu cho
đến hình ảnh đều mang dáng dấp lối tư duy của người vùng cao. Ở đó không có cái
giọng hoạt kê, hài hước như tản văn của Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh) [2] hay ở
Nguyễn Khắc Phê [4], cũng không đậm chất triết lý - suy tưởng như ở Hoàng Phủ Ngọc
Tường [7]. Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của Y Phương nhẹ nhàng mà
tinh tế, giản dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái, hướng người đọc tới sự thanh cao
của cái đẹp, cái thiện, cái rất thực, rất tự nhiên mang hồn cốt của người Tày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Anh Động (2005). Văn hóa vùng sông nước. Tạp chí Bông Sen (45), tr. 5-7.
[2] Thảo Hảo (2009). Nhân trường hợp chị thỏ bông. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[3] Bùi Việt Mỹ (2005). Ấn tượng Thăng Long Hà Nội. NXB Lao động.
[4] Nguyễn Khắc Phê (2009). Tản văn chọn lọc. NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.
[5] Y Phương (2009). Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm. NXB Phụ Nữ.
[6] Trần Ngọc Thêm (1996). Bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB TP Hồ Chí Minh.
[7] Hoàng Phủ Ngọc Tường (1997). Nhàn đàm. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
Title: TAY CULTURE THROUGH THE PROSE TITLED JANUARY, JANUARY A CIRCLE
OF BUSH - WHACKER OF Y PHUONG
Abstract: Written essays about Tay culture are in the majority in the prose titled “January,
January a circle of bush - whacker” of Y Phuong. This article focuses on pointing out and
affirming specific features about some aspects of eating and drinking culture, spirit culture as
well as the desire to conserve noble values of Tay culture in the integrating period and
international exchanges.
TRẦN CÔNG VĂN
Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
ĐT: 0912.255.438. Email: Tranvan14284@yahoo.com
TS. HOÀNG ĐỨC KHOA
Nhà xuất bản Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 16_235_trancongvan_hoangduckhoa_12_tran_cong_van_7308_2021019.pdf