Dấu ấn đa thanh trong giọng điệu phê bình của Xuân Diệu - Phạm Diệu Linh

Trong bài Sắm tết của Tú Xương có câu thơ cuối: “ Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt / Lại rưới thêm vào tí nước hoa.” Xuân Diệu bình: “Câu thơ kết, tinh quái làm sao! Nói được cái xảo trá làm hàng làm họ, lấy nước hoa nước hoét phủ trùm lên, át hết cái dơ bẩn! Tí nước hoa; tôi đọc thì tôi thấy cả một bà hàng béo bự môi bôi son đang chúm miệng lại, nói “tí nước hoa”, và đang ra hiệu vẩy ngón tay út.” [1] Xuân Diệu bình thơ mà như đang trò chuyện, cách nói của ông cùng với lượng từ ngữ nôm na sống động, người đọc như thấy hiện ra điệu bộ cử chỉ của người bình thơ thật giản dị mộc mạc. Với cách dùng từ “nước hoa nước hoét”, Xuân Diệu không còn trong vai của một nhà phê bình mà trong vai của một người mua hàng đang đứng trước bà hàng béo bự môi bôi son đang chúm miệng lại, nói “tí nước hoa”, mà quan sát sự xảo trá của mụ ta một cách căm tức. Lối bình ấy quả đã có sự nhập thần ghê gớm. Có lẽ thế Xuân Diệu hấp dẫn người đọc bởi những cách nói mới, không dẫm chân lên lối mòn mà vẫn diễn đạt được nhận thức đối tượng, chiều sâu của ý nghĩ và tình cảm. Trong sáng tác thơ ca, Xuân Diệu đã có rất nhiều ý thơ, hình ảnh thơ rất ấn tượng (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần ), và ngay trong văn phong phê bình, Xuân Diệu cũng chứng minh được bản lĩnh của một người cầm bút, với cách diễn đạt làm cho người đọc phải bất ngờ thán phục, với một cái tâm tha thiết yêu thơ, với một đôi tai biết thẩm âm trước một áng thơ đẹp. Đúng như ai đó đã nói khi dấn vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình, Xuân Diệu đã cầm theo câu ca “Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội ”. Đến với Các nhà thơ cổ điển Việt Nam chúng ta bắt gặp một giai âm mới của phê bình văn học, đó là sự đa thanh trong giọng điệu phê bình mà không phải ai cũng có được. Vừa bình dân, vừa uyên bác, vừa dí dỏm và có thể còn nhiều giá trị khác nữa. Bởi lẽ: “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp nằm ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi.” (Hoàng Đức Lương). Bản chất của thơ văn trước hết là vẻ đẹp, không phải vẻ đẹp bình thường mà là vẻ đẹp siêu phàm. Xuân Diệu là người đã làm được điều đó nhờ vào cảm xúc tinh tế, trí tuệ và tài năng sáng tạo thơ ca của mình. 3. Thiếu một giọng điệu nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm. Đa thanh về giọng điệu là sự thay đổi biến hóa về giọng điệu, nhiều giọng điệu trong một sáng tác và phải là những nhà văn nhà phê bình có tài mới tạo nên sự “giàu có” về giọng điệu như vậy. Chính vì thế Xuân Diệu không chỉ được ngưỡng vọng ở tài năng thơ ca mà Xuân Diệu còn được kính trọng ở lĩnh vực phê bình văn học.

pdf6 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 532 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dấu ấn đa thanh trong giọng điệu phê bình của Xuân Diệu - Phạm Diệu Linh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(18)/2011: tr. 80-85 DẤU ẤN ĐA THANH TRONG GIỌNG ĐIỆU PHÊ BÌNH CỦA XUÂN DIỆU PHẠM DIỆU LINH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Tiểu luận Các nhà thơ cổ điển Việt Nam gồm hai tập, trong đó Xuân Diệu tập trung viết về tám tác giả lớn: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Đào Tấn. Với lối lập luận khúc chiết, sắc sảo, với cách thưởng thức và thẩm định đầy trách nhiệm đối với di sản văn học của dân tộc, Xuân Diệu đã tìm cho mình một cách diễn đạt riêng, một giọng điệu riêng trên hành trình phê bình văn học. Trong hai tập tiểu luận này người đọc đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhờ vào sự biến hóa phong phú trong giọng điệu phê bình của nhà thơ Xuân Diệu. Vừa dí dỏm uyên bác, vừa nôm na chủ quan, vừa liên tưởng độc đáo, cùng với lối so sánh bất ngờ, văn phê bình của Xuân Diệu đã gieo vào lòng người đọc bao tình cảm yêu mến và neo trụ lại mãi với thời gian. 1. Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu hiện diện với tư cách là một cây đại thụ mang hồn thơ nồng nàn đến si mê, ham hố đến cuồng nhiệt - Hoài Thanh từng gọi đấy là cái “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy trong thơ ca cổ điển” [3]. Sự nghiệp sáng tác văn học của Xuân Diệu khá đồ sộ. Bên cạnh thơ - địa hạt mà Xuân Diệu đã dành phần lớn bút lực của đời mình, ông còn có mảng phê bình văn học khá đặc sắc. Nhưng xét đến cùng, “Văn hay thơ thì vẫn là hình ảnh phập phồng nóng hổi của một trái tim đắm say sự sống, mùa xuân tuổi trẻ và tình yêu” (Nguyễn Đăng Mạnh). Xuân Diệu là một nhà phê bình có duyên bởi một giọng điệu đặc sắc riêng. Giọng điệu góp phần rất lớn trong sự thành công của nhà phê bình. Hồ Anh Thái có nói rằng: “Người có phong cách chính là không khư khư bám lấy một phong cách cố định, bất biến. Có phong cách tức là phải đa giọng điệu, dù anh có đổi giọng đến thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hóa của anh, trên cái tầm nhìn của anh vào thế giới và nhân sinh mà thôi” [2]. Có lẽ vậy mà nhiều nhà văn rất khổ công trong việc tìm tòi thể nghiệm tạo được phong cách độc đáo với giọng điệu khá đa dạng. Vì thế phê bình thơ của Xuân Diệu có một phong cách riêng, một dấu ấn riêng luôn mang lại những nhã thú văn chương mới mẻ và giá trị độc đáo cho văn học. 2. Trong phê bình văn học, Xuân Diệu là người thể hiện được những sắc thái đa giọng điệu. Trong tiểu luận Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, giọng điệu phê bình của ông được tổ chức một cách sinh động, ấn tượng, vừa dí dỏm hài hước, vừa uyên bác, vừa bình dân hóa tạo nên một văn phong phê bình mới lạ, hấp dẫn. Sự đa thanh về giọng điệu thể hiện một bút lực dồi dào của một quá trình không ngừng nỗ lực sáng tạo, để tự làm mới mình, tự khẳng định mình. Đến với phê bình thơ của Xuân Diệu chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước lối lập luận khúc chiết, sắc sảo. Người đọc bị lôi cuốn bởi chất văn in đậm phong cách Xuân Diệu, DẤU ẤN ĐA THANH TRONG GIỌNG ĐIỆU PHÊ BÌNH CỦA XUÂN DIỆU 81 khiến ông không lẫn với một ai khác. Dẫu cùng nghiên cứu về cùng một đề tài, một tác giả trong cùng một thời kỳ văn học, nhưng Xuân Diệu đã tìm cho mình một cách diễn đạt riêng, một giọng điệu riêng trên hành trình phê bình văn học của mình. 2.1. Giọng điệu hóm hỉnh Khi viết hay khi nói, Xuân Diệu thường “cù” cho người đọc, người nghe cười. Ông quan niệm phải khích động như thế cho người nghe, người đọc sôi nổi lên, đỡ chán. Điều này đã làm cho những bài viết của Xuân Diệu bao giờ cũng dí dỏm, đọc rất thú vị. Chẳng hạn khi đọc những câu thơ sau của Nguyễn Trãi:` Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc Thuyền chở yên hà nặng vạy then Thong thả lại toan nào của tích Bạc mai vàng cúc để cho con” Xuân Diệu hóm hỉnh bình luận rằng: “Ức Trai thật giàu có, kho của Nguyễn Trãi thu chứa gió trăng mà đầy đến nỗi vượt qua nóc, thuyền của Nguyễn Trãi chở nặng khói và ráng đến nỗi oặn vẹo cả then thuyền; Nguyễn Trãi giàu thật! Người lại còn tích trữ vàng bạc nữa, đặng để gia tài lại sau cho con cháu; vàng là vàng của hoa cúc; bạc là bạc của hoa mai, chữ thong thả đúng là để nói đùa.” [1] Xuân Diệu nhận xét Nguyễn Trãi giàu có, nhưng cái độc đáo là Xuân Diệu đã khẳng định sự giàu có ấy nhờ gió, trăng, thu, yên hà. Xưa nay mấy ai gọi đó là gia tài, thế mà Xuân Diệu đã “vui vẻ” đưa ra cách nói bất ngờ dí dỏm như thế. Đặc biệt hơn, lạ hơn là thuyền chở nặng khói và ráng đến nỗi oặn vẹo cả then thuyền mà trong lúc khói và ráng là những phạm trù thuộc về hư không, vậy mà lời bình của Xuân Diệu làm ta vẫn cảm nhận khói và ráng tạo nên sức nặng của thuyền làm cho thuyền trĩu xuống. Phải chăng sức nặng của lời bình cũng là ở đó? Tất nhiên cái dí dỏm của Xuân Diệu không chỉ là “cù người ta cười” mà thể hiện được vẻ đẹp trong cốt cách con người Ức Trai. Nguyễn Trãi là nhà thơ, gia tài của một nhà thơ phải chăng chỉ có cúc mai tùng, là thiên nhiên tinh khiết, là gia tài lớn nhất, giá trị nhất để lại cho con cháu mai sau. Nó khẳng định cái cốt cách thanh cao, không vướng bận đời sống vật chất tầm thường của ông. Tâm hồn đẹp gặp cái đẹp trong thiên nhiên và đã tạo nên những câu thơ đẹp của Nguyễn Trãi. Bằng lời bình vừa hóm hỉnh vừa sâu sắc, một lần nữa Xuân Diệu làm sống dậy những câu thơ để đời của Nguyễn Trãi. Hoặc khi đọc hai câu thơ sau của Nguyễn Khuyến: Núi sông mưa gió sắp trùng dương (9 tháng âm lịch) Nghèo ốm, về hưu, rượu lắm: cuồng! (dịch) Xuân Diệu bình: “đến nay cụ Tam nguyên cũng Việt cuồng. Cuồng chứ không điên đâu. Điên là mất trí. Cuồng thì vẫn tỉnh táo, nhưng có một thứ hơi điên nào đó bốc lên, như PHẠM DIỆU LINH 82 xáo trộn tất cả. Khi chưa đến mức nhiều là cuồng, thì đến mức ít hơn, tức là sơ cuồng, bước đầu của sự cuồng; cuồng và sơ cuồng đều cao hơn ngông. Cụ tam nguyên nói: Chư quân mạc tiếu ngã sơ cuồng, các bác đừng chê cười ta là bắt đầu cuồng!” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam) [1]. Xuân Diệu cắt nghĩa sự khác nhau giữa điên và cuồng, rồi lý giải các cung bậc của cuồng như xếp đặt cuồng là trạng thái giữa điên và ngông. Những lời lý giải lòng vòng như vậy nhằm làm nổi rõ tâm trạng phức tạp của cụ Tam nguyên- đã cáo quan về ở ẩn mà vẫn chưa yên thân. Giọng điệu bình dị mà hài hước những ẩn chứa sự thông cảm sâu sắc và xót xa cho cụ Tam nguyên Yên Đỗ, sống trong cái xã hội đương thời, trải qua nhiều cay đắng mới bảo vệ được tiết sạch giá trong “trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của mình. Hai dẫn chứng trên giúp ta cảm nhận một Xuân Diệu với lối văn phê bình độc đáo mà gần gũi, một giọng điệu dí dỏm góp phần làm nên sự đa thanh trong giọng điệu phê bình của Xuân Diệu. 2.2. Giọng điệu uyên bác Xuân Diệu là một trí thức Tây học lại từng có tới 10 năm học làm thơ cổ điển, bởi thế Xuân Diệu am hiểu tường tận các kỹ xảo thơ ca truyền thống. Sang trọng và hiện đại trên nền truyền thống, đó là cốt cách thơ ông. Cái chất trẻ trung nồng cháy, si mê và hiện đại trong thơ Xuân Diệu đã hòa mình vào dòng thơ ca dân tộc, cùng với thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, thơ là sự tiếp biến các nền văn hóa. Vì thế có những bài, đoạn bình thơ câu chữ sắc sảo, sang trọng mang một giọng điệu rất uyên bác thâm hậu. Nếu như trong sáng tác thơ ca, Xuân Diệu đã rất uyên bác trong dùng từ, dùng ngữ, hình ảnh, thanh điệu thì trong văn phê bình Xuân Diệu cũng rất “đắc đạo” trong cách chọn lựa từ ngữ độc đáo, gây được nhiều ấn tượng. Đánh giá tài năng Tú Xương, Xuân Diệu viết: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải lần trở lên Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương và thống nhất hai luồng trữ tình và trào phúng lại trong một: một trái tim, một linh hồn, một trí tuệ, một tài năng, của một thi sĩ. Và tôi gọi: Nhà thơ lớn Tú Xương.” [1] Ở lời bình trên để nhấn mạnh tài năng Tú Xương, Xuân Diệu đã không ngần ngại đặt Tú Xương cạnh các nhà thơ lớn nhằm khẳng định một cách chắc chắn dấu ấn riêng của Tú Xương. Chữ “một” lặp đi lặp lại năm lần đã khắc sâu vào tâm khảm người đọc những tài năng lớn lao của Tú Xương. Chỉ có một tấm lòng như Tú Xương, một phong cách thơ độc đáo khác người như Tú Xương. Một trái tim, một linh hồn, một trí tuệ, một tài năng, của một thi sĩ Tú Xương, duy nhất Tú Xương không lẫn vào ai được. Đó chính là điều mà Xuân Diệu muốn nói. Cách bình ấy, lối nói ấy thật thông minh và thật thấu đáo. Giọng sôi nổi nhiệt thành ấy chỉ có ở văn phong phê bình Xuân Diệu. Đánh giá cách sử dụng từ ngữ trong thơ của Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu bình luận: “Lòng Xuân Hương có lửa, tay Xuân Hương có điện, nên các chữ đều sống cả lên, nó có thể bò lổm ngổm, có thể mấp máy, có thể bay, có thể duỗi, có thể khom khom, ngửa DẤU ẤN ĐA THANH TRONG GIỌNG ĐIỆU PHÊ BÌNH CỦA XUÂN DIỆU 83 ngửa, nó có thể chũm chọe, hi ha, cốc om, khua, vỗ, nó có thể um, xoe, xóe, loét, rì; nó có thể nối nhau thành chuỗi vần vang động: bom, chòm, om, mòm, tom, hoặc ọp ẹp: heo, leo, kheo, teo, lèo; chúng ta có thể đố ai tìm được trong thơ Hồ Xuân Hương những chữ nào mà âm thanh bẹp dí, những chữ chết nào đứng trơ không cựa quậy ở trong câu. Đây không phải là kỹ thuật đâu! Đấy là tâm hồn truyền sức sống cho ngôn ngữ.” [1]. Phải nghiên cứu kỹ càng, phải đồng cảm sâu sắc Xuân Diệu mới có những phát hiện tinh tế như thế về hồn thơ Xuân Hương. Ai cũng biết, bò lổm ngổm, mấp máy, khom khom, ngửa ngửa, chũm chọe, hi ha, cốc om, khua, vỗ, um, xoe, xóe, loét, rì; bom, chòm, om, mòm, tom, hoặc ọp ẹp: heo, leo, kheo, teo, lèo; vốn dĩ là những động từ và cách gieo vần trong thơ Hồ Xuân Hương. Cái thông minh của người bình luận là đã mượn ngay chính những từ ngữ của nhà thơ Hồ Xuân Hương để khái quát đặc điểm thơ của bà, cách khái quát như thế đạt đến đỉnh cao của sự sâu sắc và chính xác. Xuân Diệu đã lựa chọn những từ ngữ tiêu biểu, ấn tượng nhất để nhằm nói cái độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương. Cách lập luận ấy của Xuân Diệu làm cho văn phê bình của ông trở nên sống động, thuyết phục và chứng minh được nhận định: “lòng Xuân Hương có lửa, tay Xuân Hương có điện”, chứng minh được chữ nghĩa của Hồ Xuân Hương quả thực luôn cựa quậy, sống động. Cái bí quyết của thơ Xuân Hương là lửa sống và ngôn ngữ là được điều khiển bởi tâm hồn. Người sáng tác thơ tài hoa, người bình thơ cũng hết sức tài hoa. Nếu không có lửa trong tâm hồn, Xuân Diệu không thể viết được những lời bình như thế. Thế là vừa hóm hỉnh trên kia, ở đây Xuân Diệu lại đưa đến một giọng điệu uyên bác hóa của một nhà thơ mới am hiểu tương tận thơ ca truyền thống. Đọc văn phê bình của Xuân Diệu không chán là vì vậy, nhiều sắc thái, nhiều tình cảm, nhiều thái độ tạo nên sự phong phú sinh động trong giọng điệu của ông. Và không chỉ hóm hỉnh hóa, uyên bác hóa, Xuân Diệu còn rất bình dân hóa. Giọng điệu mộc mạc bình dân Có khi lời bình của Xuân Diệu không cầu kỳ mà giản dị như vắt ra từ chính cuộc sống dân dã vốn có của lẽ đời vậy. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, khi Trịnh Hâm được tha, Nguyễn Đình Chiểu viết: Hâm rằng: “khỏi chết rất vui” Vội vàng cúi lạy, chân lui ra về Xuân Diệu bình: “Thật không còn gì tư thế của một con người, nó thốt ra mồm mừng rỡ: “khỏi chết rất vui!”, rồi ngoắt đuôi cút thẳng.” Từ “mồm” và từ “ngoắt đuôi cút thẳng” ở đây được dùng rất thú vị. Nó giúp ta hình dung được điệu bộ thảm hại, hèn nhát của Trịnh Hâm, thái độ khinh bỉ của Xuân Diệu cũng lộ rõ khi ông nói hắn “ngoắt đuôi cút thẳng”. Xuân Diệu giống như đang hiện diện ở thế kỷ XIX, chứng kiến tận mắt cảnh Trịnh Hâm khúm núm tháo chạy mà mắng mỏ mà phê phán một cách cay nghiệt đối với kẻ bất nhân trong xã hội. PHẠM DIỆU LINH 84 Trong bài Sắm tết của Tú Xương có câu thơ cuối: “Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt / Lại rưới thêm vào tí nước hoa.” Xuân Diệu bình: “Câu thơ kết, tinh quái làm sao! Nói được cái xảo trá làm hàng làm họ, lấy nước hoa nước hoét phủ trùm lên, át hết cái dơ bẩn! Tí nước hoa; tôi đọc thì tôi thấy cả một bà hàng béo bự môi bôi son đang chúm miệng lại, nói “tí nước hoa”, và đang ra hiệu vẩy ngón tay út.” [1] Xuân Diệu bình thơ mà như đang trò chuyện, cách nói của ông cùng với lượng từ ngữ nôm na sống động, người đọc như thấy hiện ra điệu bộ cử chỉ của người bình thơ thật giản dị mộc mạc. Với cách dùng từ “nước hoa nước hoét”, Xuân Diệu không còn trong vai của một nhà phê bình mà trong vai của một người mua hàng đang đứng trước bà hàng béo bự môi bôi son đang chúm miệng lại, nói “tí nước hoa”, mà quan sát sự xảo trá của mụ ta một cách căm tức. Lối bình ấy quả đã có sự nhập thần ghê gớm. Có lẽ thế Xuân Diệu hấp dẫn người đọc bởi những cách nói mới, không dẫm chân lên lối mòn mà vẫn diễn đạt được nhận thức đối tượng, chiều sâu của ý nghĩ và tình cảm. Trong sáng tác thơ ca, Xuân Diệu đã có rất nhiều ý thơ, hình ảnh thơ rất ấn tượng (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần), và ngay trong văn phong phê bình, Xuân Diệu cũng chứng minh được bản lĩnh của một người cầm bút, với cách diễn đạt làm cho người đọc phải bất ngờ thán phục, với một cái tâm tha thiết yêu thơ, với một đôi tai biết thẩm âm trước một áng thơ đẹp. Đúng như ai đó đã nói khi dấn vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình, Xuân Diệu đã cầm theo câu ca “Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội”. Đến với Các nhà thơ cổ điển Việt Nam chúng ta bắt gặp một giai âm mới của phê bình văn học, đó là sự đa thanh trong giọng điệu phê bình mà không phải ai cũng có được. Vừa bình dân, vừa uyên bác, vừa dí dỏm và có thể còn nhiều giá trị khác nữa. Bởi lẽ: “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp nằm ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi.” (Hoàng Đức Lương). Bản chất của thơ văn trước hết là vẻ đẹp, không phải vẻ đẹp bình thường mà là vẻ đẹp siêu phàm. Xuân Diệu là người đã làm được điều đó nhờ vào cảm xúc tinh tế, trí tuệ và tài năng sáng tạo thơ ca của mình. 3. Thiếu một giọng điệu nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm. Đa thanh về giọng điệu là sự thay đổi biến hóa về giọng điệu, nhiều giọng điệu trong một sáng tác và phải là những nhà văn nhà phê bình có tài mới tạo nên sự “giàu có” về giọng điệu như vậy. Chính vì thế Xuân Diệu không chỉ được ngưỡng vọng ở tài năng thơ ca mà Xuân Diệu còn được kính trọng ở lĩnh vực phê bình văn học. DẤU ẤN ĐA THANH TRONG GIỌNG ĐIỆU PHÊ BÌNH CỦA XUÂN DIỆU 85 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Xuân Diệu (1981, 1982). Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (Tập 1+2). NXB Giáo dục, Hà Nội. [2] Hồ Anh Thái (2004). Cõi người rung chuông tận thế. NXB Đà Nẵng. [3] Hoài Thanh (1998). Bình luận văn chương. NXB Giáo dục, Hà Nội. Title: MULTI-TONE IN XUAN DIEU’S CRITICISM Abstract: The book Các nhà thơ cổ điển Việt Nam includes two collections, in which Xuan Dieu focused on writing about eight large authors: Nguyen Trai, Nguyen Du, Ho Xuan Huong, Cao Ba Quat, Nguyen Khuyen, Tran Te Xuong, Nguyen Dinh Chieu, Dao Tan. With the precise, sharp arguments, Xuan Dieu used a particular expression, a particular tone on the journey of literary criticism. In two volumes of this book, the readers have gone from surprise to surprise by the rich variation in the tone of criticism of Xuan Dieu. Both witty and eruditely, basically and subjectively, with unexpected way, Xuan Dieu instilled in the readers the love of literature. PHẠM DIỆU LINH Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf15_224_phamdieulinh_14_pham_dieu_linh_van_117_2021008.pdf
Tài liệu liên quan