Ninh Tốn (1743-1790) tự là Khiêm Như, Hi Chi, Hiệu là Mẫn Hiên, Song An cư sĩ; là một nhà thơ, nhà sử học, và là đại thần thời Lê-Trịnh và Tây Sơn, Việt Nam.
I.Tiểu sử:
Ninh Tốn, quê ở xã Côi Trì, huyện Yên Mô, nay là xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Theo Vũ trung tùy bút thì tổ tiên ông trước ở Ninh Xá, huyện Chí Linh (Hải Dương). Khoảng năm Hồng Đức triều Lê, sau khi loạn lạc điền thổ bỏ hoang nhiều, mới có lệnh cho mọi người khi khai hoang, cho nên họ Ninh mới vào Yên Mô khai khẩn đất rồi định cư luôn ở đó.
Cha Ninh Tốn là Ninh Sản (hiệu Dã Hiên, Hy Tăng), một ẩn sĩ, là tác giả của hai tập sách: Vũ Vu thiển thuyết (Lời bàn nông cạn về thú ở ẩn) và Phong vinh tập (Tập thơ văn Vịnh gió). Chú Ninh Tốn là Ninh Địch, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1718) đời Lê Dụ Tông
12 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2209 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Danh sĩ Ninh Tốn và thi phẩm Chiêu Dương mộ bạc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Danh sĩ Ninh Tốn và thi phẩm Chiêu Dương mộ bạc
*Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu
Ninh Tốn (1743-1790) tự là Khiêm Như, Hi Chi, Hiệu là Mẫn Hiên, Song An cư sĩ; là một nhà thơ, nhà sử học, và là đại thần thời Lê-Trịnh và Tây Sơn, Việt Nam.
I.Tiểu sử:
Ninh Tốn, quê ở xã Côi Trì, huyện Yên Mô, nay là xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Theo Vũ trung tùy bút thì tổ tiên ông trước ở Ninh Xá, huyện Chí Linh (Hải Dương). Khoảng năm Hồng Đức triều Lê, sau khi loạn lạc điền thổ bỏ hoang nhiều, mới có lệnh cho mọi người khi khai hoang, cho nên họ Ninh mới vào Yên Mô khai khẩn đất rồi định cư luôn ở đó.
Cha Ninh Tốn là Ninh Sản (hiệu Dã Hiên, Hy Tăng), một ẩn sĩ, là tác giả của hai tập sách: Vũ Vu thiển thuyết (Lời bàn nông cạn về thú ở ẩn) và Phong vinh tập (Tập thơ văn Vịnh gió). Chú Ninh Tốn là Ninh Địch, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1718) đời Lê Dụ Tông.
Từ nhỏ, Ninh Tốn đã nổi tiếng là thông minh, được cha cho trọ học ở kinh đô Thăng Long. Năm 1762, ông đỗ Hương cống (tức Cử nhân),. Sau đó, ông tiếp tục theo học với Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh. Ở đây ông kết thân với hai bạn học là Phạm Nguyễn Du và Vũ Huy Tấn.
1.1 Làm quan thời Lê Trịnh (1770-1787):
Năm Canh Dần (1770), lúc 27 tuổi, Ninh Tốn có đến chơi rồi đề thơ ở núi Vân Lỗi (thuộc Thanh Hóa) [1]. Một hôm, chúa Trịnh Sâm đi xem xét phong tục, ngự chơi núi ấy, thấy bài thơ trên, liền mến tài thơ mà triệu ông vào giữ chức Thiêm tri binh phiên.
Năm Ất Mùi (1775), ông vâng lệnh vào triều nhận chức Hiệu thảo thự Sơn Nam hiến sứ. Theo Việt sử thông giám cương mục thì năm này, ông cùng với Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Sá lo việc biên soạn Quốc sử.
Năm 1776, ông có tờ khải về các tệ nạn ở vùng ven biển ven sông, cùng nạn các lại dịch lấy cớ vì việc công để thu lúa, thu thủy sản, làm cho dân khổ. Nhờ vậy, nên có lệnh cấm nghiêm.
Năm Đinh Dậu (1777), ông làm Nhập thiêm sai công phiên, nhiều lần được theo xa giá đi công cán. Trong những chuyến đi ấy, ông đã sáng nhiều thơ, sau gom lại thành tập "Tây hộ mạn hứng" (Những cảm hứng tản mạn trên đường hộ giá phía Tây), được Ngô Thì Nhậm, Phạm Nguyễn Du đánh giá cao.
Năm Mậu Tuất (1778), ông đỗ Hội nguyên tiến sĩ năm 35 tuổi, được cử làm Phụng tá quân hải lộ.
Năm 1779, ông được thăng tứ phẩm. Cha ông là Hy Tăng được phong Hàn lâm viện thị độc, mẹ là Lê Thị (không rõ tên) được tặng Nghi nhân.
Năm Canh Sửu (1781), lúc ông 38 tuổi, được giữ chức Thiêm sai tri binh phiên, làm ở Viện cơ mật kiêm Quốc sử quốc luật toản tu, Đông các đại học sĩ, Thự Hình bộ hữu thị lang. Nhân lúc mang cáo sắc phong trở về làng, ông đi chơi núi Chuyết Sơn và làm tập Chuyết Sơn thi tự.
Năm 1786, ông làm Hiệp trấn ở Động Hải (thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Khi quân Tây Sơn đoạt thành Phú Xuân (1786), tiến đánh ra các đồn Cát Thanh, Động Hải thì ông bỏ đồn mà chạy (2). Nhưng sau đó vẫn được giao chức Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng cùng với Ngô Trọng Khuê.
Năm 1787, Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê, cho Nguyễn Như Thái làm Thống lĩnh, Ninh Tốn làm Tham tán quân vụ, đem quân họp với quân của Lê Duật, chống quân Tây Sơn ở Thanh Hóa. Lê Duật bị quân Ngô Văn Sở giết chết ở Cao Lũng, Nguyễn Như Thái bị tên bắn chết sau khi thua trận ở sông Giản (thuộc Ninh Bình), còn Ninh Tốn nhờ trốn vào nhà dân được thoát nạn.
1.2 Làm quan thời Tây Sơn (1788-1790):
Năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc Hà diệt Vũ Văn Nhậm, rồi cho sắp đặt lại quan chức. Ninh Tốn được phong chức Hàn lâm trực học sĩ, để cùng với Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Du, Phan Huy Ích giúp Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm, cai quản đất Bắc.
Theo sử liệu thì Ninh Tốn làm quan nhà Lê trải đến chức Hữu Thị lang, tước Trường nguyên bá. Khi nhà Lê mất, ông tiếp tục phục vụ nhà Tây Sơn, giữ chức Thượng thư Bộ Binh, tước hầu. Và nhờ năm Canh Tuất (1790), ông có đề tựa tập thơ Hoa trình học bộ tập của thầy học là Vũ Huy Đĩnh và đề tựa cuốn sách y học Thai sản điều lý phương pháp tự của bạn là Hoàng Phong Ôn Phủ (tức Nguyễn Thế Lịch), mà người đời sau biết được vào năm đó (47 tuổi) ông đã xin về nghỉ ở quê.
Năm mất của Ninh Tốn (1790) chép theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, còn phần nhiều các sách đều ghi không rõ năm mất (3).
II. Tác phẩm:
Tác phẩm chính của Ninh Tốn là bộ Chuyết Sơn thi tập (Tập thơ Chuyết Sơn), trong đó bao gồm cả tập Tây hộ mạn hứng. Đây là bộ sách do con cháu ông sưu tập, hiện chỉ còn 275 bài thơ và 7 bài gồm văn sách, phú, tựa, văn bia...Tất cả đều bằng chữ Hán.
Phần lớn, chúng được sáng tác dưới thời Lê-Trịnh. Còn những sáng tác dưới thờ Tây Sơn, theo nhóm tác giả sách Thơ văn Ninh Tốn, thì chắc mất mát nhiều, vì con cháu không dám lưu giữ.
Hiện ở Thư viện Hán Nôm còn giữ được 3 tập của ông, đó là:
Chuyết Sơn thi tập, mang ký hiệu: A.1292.
Chuyêt Sơn thi tập đại toàn, mang ký hiệu: A.1407.
Tiền Lê tiến sĩ Ninh Tốn thi tập, mang ký hiệu: A.350.
Trong ba cuốn trên có nhiều bài trùng lập.
Năm 1984, một nhóm biên soạn (Hoàng Lê chủ biên) thuộc Viện Hán Nôm (Hà Nội) đã tuyển chọn ra 107 bài thơ và 1 bài tựa Hoa trình học bộ tự để in thành tác phẩm Thơ văn Ninh Tốn (Nxb KHXH, Hà Nội, 1984).
2.1 Sơ lược nội dung và giá trị tác phẩm
Thơ Ninh Tốn bao gồm nhiều thể loại và nhiều đề tài khác nhau, trong đó có có thể tạm chia làm 3 loại chính:
Thơ đề vịnh phong cảnh, con người, di tích lịch sử, nhân vật lịch sử.
Thơ họa đáp, tặng tiễn bạn bè.
Thơ tự thuật và cảm xúc trữ tình.
Nhìn chung trong thơ văn Ninh Tốn, có mấy điểm đáng chú ý như sau:
Khởi đầu, Ninh Tốn, vốn là người lạc quan, tích cực (bài "Tự thuật" [làm lúc trẻ], "Du học kinh sư" [Du học ở kinh đô]...). Sau khi trải qua nhiều cơn lốc xoáy của thời đại Lê mạt-đầu Nguyễn, nhà thơ đã không khỏi day dứt khi nghĩ đến chuyện hành tàng, xuất xử, họa phúc, an nguy, và lẽ phế hưng, thành bại của các triều...Cho nên trong thơ ông lúc này đã hé lộ ý muốn về ở ẩn ("Tự thuật" [làm khi đã có tuổi], "Hiệp đồng phủ thuận đạo hải đồn ngẫu hứng" [Ngẫu hứng khi làm Hiệp đồng ở đồn Động Hải]...)...
Ông không những vui buồn cùng người dân, mà cả đến ước mơ và hy vọng cũng vậy ("Tặng Ngọc Động Đinh huynh chi huyện" [Tặng ông họ Đinh ở Ngọc Động đi làm quan huyện], "Bính Thân xuân khiển Doãn tác man niết" [Năm Bính Thân được phê chuẩn làm Án sát Sơn Nam]...). Ông luôn mong ước được sống trong một triều đại thịnh vượng, mà ở đó vua tôi đều là người tài đức, đều biết yêu thương và chăm sóc việc làm ăn của dân ("Vọng Hùng Vương cố đô" [Trông kinh đô cũ thời vua Hùng], "Chương Dương mộ bạc" [Chiều đậu thuyền ở bến Chương Dương], "Ký kiến" [Ghi những điều trông thấy], "Sơn cư xuân mộ" [Chiều xuân ở núi], "Kinh thái hòa cung" [Qua cung thái hòa], "Bát tràng" [Lò bát]...).
Một điểm nổi bật nữa, đó là ông đã đánh giá lại những nhân vật phụ nữ trong lịch sử, như chuyện nàng Bích với nhà sư Huyền Quang ("Vân Bích nương" [Thương tiếc nàng Bích]), chuyện công chúa Huyền Trân với tướng Trần Khắc Chung (dưới mắt ông, Huyền Trân không hư hỏng về nhân cách, mà chỉ là một nạn nhân của một xã hội cưỡng hôn)[4]...Và họ Ninh cũng đã công khai ca ngợi tài năng của phái đẹp ("Mã thượng mỹ nhân" [Người đẹp trên ngưa], "Ký tài nữ Thụy Liên" [Gửi bậc tài nữ Thụy Liên]). Thái độ này rất hiếm thấy trong giới nhà nho lúc bấy giờ.
Nói gọn, bên cạnh những giá trị nghệ thuật, người đọc còn phần nào nhận thức được cái xã hội cuối Lê, đầu Nguyễn; phần nào hiểu được giới nho sĩ và nông dân cùng với những ước mơ, những khát vọng chân chính của họ. Bởi những giá trị ấy, các danh sĩ đương thời như Phạm Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Đĩnh, Hi Tứ, Nguyễn Quýnh...đều có thơ từ khen tặng.
Nói đến Ninh Tốn và thơ văn của ông, Từ điển Văn học (bộ mới) đã đánh giá như sau:
Phần lớn các bài thơ đều toát lên một sức sống, một dáng dấp lạc quan, vui tươi. Điều đó, một mặt phản ánh lòng yêu đời, cá tính sôi nổi, đầy tự tin, ưa hành động của con người tác giả; mắt khác cũng phản ánh phần nào cái không khí hồ hỡi, cởi mở của triều đại Tây Sơn mà tác giả ngày càng gắn bó và đem sức mình ra phục vụ. Một điểm đặc sắc nữa là trong tập có hơn ba mươi bài nói về phụ nữ, một số lượng đáng kể so với các nhà thơ đương thời. Qua đó có thể thấy được lòng trân trọng đối với phụ nữ của ông.
Về nghệ thuật: lời thơ của ông giản dị, trong sáng, ít điển cố, có lúc pha chút khôi hài; thể hiện một phong cách mới cả về nội dung lẫn hình thức. Riêng mặt này, Tiến sĩ Nguyễn Quýnh, người cùng thời, cũng đã khen rằng: Ninh Tốn là kẻ lão luyện trong văn mặc, sở trường cả thơ phú, trước thuật.
2.2 Giới thiệu thơ:
Tự thuật
Dịch nghĩa:
Kiểm điểm lại tuổi mình đà hai mươi bảy,
Lông bông phóng đãng, thẹn thùng khôn xiết.
Chẳng thấu suốt được ý tứ sâu sắc nghiệp nho,
Nên học kiểu phong lưu của hiệp khách.
Chí mạnh chưa đền, lòng thấy đắng cay,
Thù lớn còn đây, mật đắng cũng ngọt.
Hiện nay cùng mày (tác giả tự nói với mình) đính ước lâu dài,
Đã là con trai phải là con trai giỏi.
Tự thuật
Dịch nghĩa:
Nghiêu ngao nơi đồng ruộng hợp với tính nhàn
Trăng thu và gió xuân cũng nịnh tuổi già.
Râu ria lờn với sương gió quá nửa phần trắng,
Mắt vui với cảnh sơn thủy mười phần xanh.
Ngoài vòng sinh tử, cái tâm thường yên tĩnh,
Trong trường danh lợi, mộng kia đã hết mê. Ngày kia trên đầu bờ chỉ để lại một tấm bia mộ,
Đó là quan Thị lang họ Ninh, Tiến sĩ triều Lê cũ.
Vọng Hùng Vương cố đô
(Trông kinh đô cũ thời vua Hùng)
Dịch nghĩa:
Trước tầm mắt xa tít là cây cỏ xanh xanh,
Người lái thuyền bảo: Đó là kinh đô thời xưa…
Bờ cõi nước ta được mở mang từ thuở có trời đất,
Thành quách còn phảng phất trong khoảng có, không.
Làm việc đức (của vua Hùng) tưởng hơn cả vua Thuấn, vua Vũ
Truyền năm lâu dài gấp mấy lần nhà Ân, nhà Chu.
Khách tới đây, muốn hỏi lại sự việc thuở ấy,
Thắng tích riêng còn một vùng thương du.
Mã thượng mỹ nhân
(Người đẹp trên ngựa)
Dịch nghĩa:
Đúng vào lúc vung roi ngựa ở khúc đê xuân xanh rờn dương liễu,
Tình cờ lại gặp gái thiền quyên trên lưng ngựa.
Hai tay cầm cương như hai nhánh măng lộ ra vẻ ngọc,
Hai chân kẹp trên yên như hai ngó sen cong lượn tựa vàng.
Nụ cười nghiêng thành gọi người ta tỉnh giấc mộng ngàn dặm,
Sóng mắt tình đưa cho ta một cuộc tơ duyên.
Khách hồng trang này đảm đương được việc tang bồng,
Há chẳng phải là nàng tiên múa kiếm ở cung hằng hay sao?[5]
Chú thích phần Ninh Tốn:
Theo bài Tựa ở tập Chuyết Sơn thi tự do chính Ninh Tốn soạn năm 1781, thì bài thơ này có tên là Vân Lỗi sơn, làm vào năm Canh Dần (1770). Vũ Trung tùy bút (tr. 90) ghi thơ đề ở núi Dục Thúy (Ninh Bình) là không đúng.
Việc Ninh Tốn bỏ đồn tháo chạy, sách Hoàng Lê nhất thống chí (hồi thứ tư) chép: Chiếm xong Phú Xuân, Bình (tức Nguyễn Huệ) nhân đà thắng kéo quân ra lấy luôn đồn Động Hải. Tướng giữ đồn là Vị phái hầu cùng hiệp trấn là Ninh Tốn mới trông thấy bóng quân Tây Sơn đã chạy trốn. Thế là mất hết cả đất Thuận Hoá. Bấy giờ là ngày 14 tháng 5 năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng (1786).
Phần tiểu sử Ninh Tốn trước năm 1781, chủ yếu căn cứ theo thông tin trong bài Tựa ở tập Chuyết Sơn thi tự do chính ông soạn năm 1781. Sau năm này, mới phải chép theo các nguồn khác.
Ninh Tốn đã cho Huyền Trân và Trần Khắc Chung lần lượt họa đáp tất cả 6 bài thơ, cốt để nói lên tâm trạng cùng tình cảm của hai người.
Xem phiên âm Hán-Việt cả bốn bài thơ trong sách "Thơ văn Ninh Tốn".
II. Chiêu Dương mộ bạc
Chiêu Dương mộ bạc (Chiều đậu thuyền ở bến Chương Dương) là bài thơ chữ Hán, dài 40 câu, mỗi câu 5 chữ, mang tính chất vịnh sử. Ở đầu thi phẩm có lời tiểu dẫn của tác giả, nhằm nói lên mục đích và ý nghĩa của bài thơ. Phiên âm Hán -Việt như sau:
Long Bút chu bạc Chương Dương, thích tụng “ Đoạt sáo” chi thi, nhân tư Trần Trùng Hưng gian, Nguyên binh nhập khấu, tài đắc nhất Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vị quốc tận lực, vị nghĩa phân xướng, toại năng tảo thanh Hồ trần, khắc phục cương thổ. Thâm niệm[1]: Cổ kim hưng vong, toàn lại nhậm nhân nhất sự, cảm hứng nhị thập vận.
Dịch nghĩa:
Chiều ấy, Long Bút đậu thuyền ở bến Chương Dương, nhân đọc câu thơ “Đoạt sáo” bỗng nghĩ: "Khoảng niên hiệu Trùng Hưng nhà Trần, quân Nguyên sang xâm lược, may được một Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vì nước hết sức, vì nghĩa khởi xướng nên đã quét sạch bụi Hồ, khôi phục được đất nước". Nghĩ sâu thấy rằng: "Xưa nay, nước nhà hưng hay suy, toàn do ở việc “dùng người”. Nhân cảm hứng làm bài thơ hai mươi vần".
Thi phẩm Chiêu Dương mộ bạc
Phiên âm Hán-Việt:
Triêu phát Nhị Hà tân,
Mộ bạc Chương Dương[2]độ.
Chương Dương thủy thanh liên,
Thảo, thu, yên, hà cổ.
Nhân tụng “Đoạt sáo” thi[3],
Hồi tưởng Đông A[4] tộ.
Đông A Trùng Hưng [5]gian,
Nguyên binh tự phong vũ.
Tức Mặc[6] kim âu[7] thương,
Chiêu Lăng thạch mã [8]nộ.
Thao thao thực nhục nhân[9],
Ngột tọa diện như thổ
Hiền tài Hưng Đạo Vương,
Thân gia tổng bất cố.
Trừu đối[10], kiếm trung thành.
Vi kỳ ngộ công thủ.
Vận trù như Tử Phòng[11],
Thế thắng tự Tôn Vũ[12].
Nhất phiến hứa quốc tâm,
Bỉnh bỉnh anh vũ trụ.
Trung nghĩa văn phong khởi,
Mưu lục canh sơ phụ.
Ác cam [13] hoài báo ân,
Mai thán[14]thệ ngự vũ
Tề nhương sát Thát ”[15]tì,
Đại triển cầm Hồ[16]thủ.
Tảo thanh Ô Mã[17] trần.
Tùng thác cựu cương vũ.
Mông Cổ liễm binh quỉ,
Bất cảm hướng “đồng trụ” ”[18].
Trần gia lại dĩ hưng,
Sơn hà phựu như cố.
Nãi tư: bang kỳ xương,[19]
Tuyền chuyển hệ hiền phụ.
Hiền phụ năng thành công,
Tín nhiệm do nhân chủ,
Giao phu tại binh tố.
Tự cổ hoạch ngã tâm,
cảnh mệnh bút phú.[20]
Dịch nghĩa:
Buổi sáng, thuyền xuất phát từ bến Nhị Hà,
Buổi chiều, đậu lại ở bến Chương Dương.
Nước Chương Dương gợn sóng xanh,
Cây cỏ, khói, ráng, sắc xưa.
Nhân đọc câu thơ “Đoạt sáo”,
Bỗng nghĩ đến cơ nghiệp nhà Đông A.
Khoảng niên hiệu Trùng Hưng,
Quân Nguyên như gió bão ập sang.
Âu vàng Tức Mặc bị thương tổn,
Ngựa đá Chiêu Lăng phải tức giận.
Trong triều đình, đầy dẫy những người ăn thịt,
Cứ ngồi trơ như phỗng, mặt xám như đất.
Hiền tài thay! Chỉ một Hưng Đạo Vương,
Thân mình, nhà mình, đều không nghĩ đến.
Giật bỏ bịt sắt đầu gậy giải tấm lòng trung thành,
Ngồi đánh cờ vây, biết rõ thế công thủ.
Vận dụng mưu lược, giống Tử Phòng nhà Hán,
Nắm trước phần thắng tựa Tôn Vũ đời Xuân Thu.
Một tấm lòng hiến thân cho nước,
Rực rỡ chói sáng cả vũ trụ.
Người trung nghĩa nghe phong độ mà đứng dậy
Người mưu trí, dũng lực cũng đua nhau phụ theo.
Tay nắm trái cam, Quốc Toản nặng lòng báo ân,
Làm nghề bán than, Khánh Dư thề chống xâm lược.
Cánh tay thích chữ sát Thát cùng giương cao,
Sách lược “cầm Hồ” triển khai rộng khắp.
Quét sạch bụi nhơ Ô Mã Nhi,
Mở lại cương vực nước nhà xưa kia,
Quân Mông Cổ rút chạy hết,
Không dám hướng về phía “cột đồng nữa.
Nhà Trần nhờ đó được phục hưng,
Non sông lại nguyên vẹn như cũ,
Mới biết: một quốc gia hưng thịnh,
Cuộc xoay chuyển, hệ trọng ở người tôi hiền tài.
Người tôi hiền tài thành công được,
Là do sự tín nhiệm của vua chúa.
Vua chúa tín nhiệm người tôi hiền tài,
Việc tín nhiệm ấy phải thường nhật.
Ngẫm việc xưa, thật đúng với lòng ta,
Cảm cảnh, cất bút viết nên mấy vần.[21]
Trong bộ sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam ấn hành năm 1978, khi giới thiệu Ninh Tốn, nhóm biên soạn (Huỳnh Lý chủ biên) đã tuyển trong số ba trăm bài thơ của ông, chọn ra được ba bài đó là: "Đăng Thiết Giáp sơn quan hải" (Lên núi Thiết Giáp xem biển), "Mã thượng mỹ nhân" (Người đẹp trên mình ngựa) và bài thơ này. Điều đó cho thấy Chiêu Dương mộ bạc là một bài thơ tiêu biểu và có một giá trị nhất định.
Ở sách Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam thì có hẳn một bài riêng giới thiệu thi phẩm trên và có lời bình rằng: Ninh Tốn có một bài thơ rất hay, đó là bài "Chiêu Dương mộ bạc". Bởi ông là người am hiểu sâu sắc lịch sử thời Trần và ngọn bút của ông có sức khái quát cao khi vẽ lại hình ảnh Trần Hưng Đạo, linh hồn của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông...Từ thực tế lịch sử đó, Ninh Tốn đã đi đến một kết luận sâu sắc, đó là: "Trong đạo trị nước, việc dùng người là hệ trọng nhất". Đó là tư tưởng chính yếu mà ông muốn nói trong bài Chiêu Dương mộ bạc. Và đó cũng chính là cái làm nên giá trị của bài thơ.
Chú thích Phần Chiêu Dương mộ bạc:
sách Thơ văn Ninh Tốn ghi là “thâm niên”
Chương Dương: tên một bến đò, thuộc xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội). Nơi đây Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo đã phá tan quân Nguyên, khôi phục kinh thành Thăng Long.
Đoạt sáo thi: Sau khi thắng quân Nguyên, Trần Quang Khải có làm một bài thơ ngắn "Tụng giá hoàn kinh sư" (Phò giá về kinh), trong đó có câu: "Đoạt sáo Chương Dương độ, cầm Hồ Hàm Tử quan", nghĩa là: Đoạt lấy giáo (quân Nguyên) ở bến Chương Dương, bắt giặc Hồ ở cửa quan Hàm Tử.
Đông A: Theo lối chiết tự, chữ Trần còn có thể đọc là Đông A (vì được ghép từ hai chữ Đông (東) và A (阿)). Khi nhà Trần thành công trong công cuộc chống Nguyên, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần còn được gọi là "hào khí Đông A"
Trùng Hưng: niên hiệu của vua Trần Nhân Tông, đời Trần.
Tức Mặc: một xã thuộc phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam, quê gốc của nhà Trần.
Kim âu: (âu vàng) là cái bồn bằng đồng hay bằng vàng, tượng trưng cho một giang sơn toàn vẹn và vững bền. Sau nó trở thành một từ thường dùng để chỉ cơ đồ của một nước.
Chiêu Lăng thạch mã có nghĩa con ngựa đá ở lăng vua Trần Thái Tông. Tương truyền, sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Nguyên, người ta thấy chân các ngựa đá đứng trước lăng trên đều lấm bùn, nên đồn rằng các ngựa đá (là vật vô tri) đều đã đi đánh trận. Việc đến tai vua Trần Nhân Tông. Nhân lúc vui mừng, vua liền ứng khẩu ngâm hai câu thơ rằng: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu". Dịch nghĩa: Xã tắc hai phen bon ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Thực nhục nhân (người ăn thịt): nghĩa bóng chỉ những viên quan bất tài, chỉ biết ngồi không hưởng nhiều bổng lộc.
Trừu đối (giật bỏ bịt sắt đầu gậy): Trần Quốc Tuấn khi đi hầu vua, thường chống cây gỗ, đầu dưới có bịt sắt nhọn. Ngại có người nghĩ ông sẽ dùng nó để ám hại nhà vua (vì lời trăn trối của cha là Trần Liễu [ông Liễu có mối thù riêng với Trần Thái Tông, em ruột ông]), nên ông vứt bỏ cái bịt sắt ấy đi. Câu này ở sách Thơ văn Ninh Tốn ghi là: Trừu thuần hiện trung thành.
Tử Phòng tức Trương Lương, có tài mưu lược, giúp Lưu Bang lập nên cơ nghiệp nhà Hán
Tôn Vũ: người đời Xuân Thu, giỏi binh pháp, giúp vua Ngô làm bá chủ chư hầu
Ác cam (cầm trái cam): nhắc chuyện Trần Quốc Toản vì còn ít tuổi, không được dự hội bàn việc quân cơ; ông lấy làm hổ thẹn, bực tức, tay cầm quả cam tự bóp nát lúc nào không hay.
Mai thán: bán than. Nhắc chuyện tướng Trần Khánh Dư phạm tội, bị tước hết chức tước, phải về Chí Linh làm nghề bán than. Câu này ở sách Thơ văn Ninh Tốn ghi là: Mại thán thệ ngự rũ.
Thát: Thát đát (Tatar) ở trong bài dùng để chỉ quân Nguyên.
Cầm Hồ: bắt giặc Hồ, chỉ quân Nguyên.
Ô Mã tức Ô Mã Nhi, là một kiện tướng của quân Nguyên, bị Hưng Đạo Vương bắt sống ở trận Bạch Đằng.
Đồng trụ: là cây cột đồng do tướng Mã Viện đời nhà Hán sai dựng để phân định địa giới giữa Trung Quốc và nước Việt.
Câu này ở sách Thơ văn Ninh Tốn ghi là: Nãi tri bang kỳ xương.
Chép theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3), tr. 348-349.
Ở sách Thơ văn Ninh Tốn có bản dịch thơ của Hoàng Tạo (tr. 148-149), ở sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam có bản dịch thơ của Lỗ Công (tập 3, tr. 54). Cả hai sách đều không in nguyên tác "Chiêu Dương mộ bạc" bằng chữ Hán.
Lược theo Tạ Ngọc Liễn, Ninh Tốn và bài thơ “Chiều đậu thuyền ở bến Chương Dương” in trong Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam, tr. 255-260.
Sách tham khảo
Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí (2 tập). Nxb Văn học, 1984.
Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút. Nxb Trẻ & Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP. HCM hợp tác ấn hành, 1989.
Nhiều người soạn, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3). Nxb Văn học, 1978.
Nhiều người soạn, Thơ văn Ninh Tốn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984.
Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, 1992.
Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nxb Thanh Niên, 2008.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Danh sĩ Ninh Tốn và thi phẩm Chiêu Dương mộ bạc.doc