Đánh giá hiện trạng và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum

The present situation of landslide in Kon Tum province has been complicated with more loss of life and property. This article aims at assessing the situation, finding out the causes, building landslide risk map as a basis on proposing solutions to prevent and minimize damages on some major roads in Kon Tum province

pdf8 trang | Chia sẻ: huongnt365 | Lượt xem: 679 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đánh giá hiện trạng và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 44-51 ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ CẢNH BÁO NGUY CƠ TRƯỢT LỞ ĐẤT TRÊN MỘT SỐ TUYẾN GIAO THÔNG TRỌNG YẾU Ở TỈNH KON TUM NGUYỄN THÁM Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế NGUYỄN THỊ HOA MAI Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum Tóm tắt: Hiện trạng trượt lở đất ở tỉnh Kon Tum đã và đang diễn biến phức tạp gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bài báo đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân, xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum. 1. MỞ ĐẦU Kon Tum là tỉnh nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, phía Tây của dãy Trường Sơn. Khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh là đồi núi, địa hình bị chia cắt mạnh, thảm thực vật ngày càng bị suy giảm, mưa lớn tập trung theo mùa, lớp phủ thổ nhưỡng tơi xốp... là điều kiện thuận lợi cho hiện tượng trượt lở đất. Hiện trạng trượt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và trên các tuyến giao thông trọng yếu nói riêng trong thời gian gần đây đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, sinh hoạt, gây thiệt hại về kinh tế của nhà nước và nhân dân. Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Để góp phần làm giảm nguy cơ trượt lở đất cũng như có các giải pháp khắc phục hiệu quả chúng tôi tiến hành đánh giá hiện trạng và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum. 2. HIỆN TRẠNG TRƯỢT LỞ ĐẤT TRÊN MỘT SỐ TUYẾN GIAO THÔNG TRỌNG YẾU Ở TỈNH KON TUM 2.1. Hiện trạng trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum Kết quả điều tra, nghiên cứu dọc hành lang của 4 tuyến giao thông trọng yếu gồm: tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 24 (đoạn đi qua tỉnh Kon Tum), tỉnh lộ 672 và tỉnh lộ 678 chúng tôi ghi nhận được có 355 điểm trượt lở được xếp loại rất lớn,lớn, trung bình và nhỏ [1], [3], cụ thể: - Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Kon Tum có chiều dài 161 km, là tuyến đường bộ quan trọng nhất và dài nhất so với các tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh. Qua khảo sát, nghiên cứu chúng tôi ghi nhận được toàn tuyến có 169 điểm trượt lở, mật độ trung bình đạt 1,04 điểm/km; tổng diện tích và khối lượng trượt lở lớn (diện tích 25.479,0m2 và khối lượng 89.666,4m3). Các điểm trượt lở phân bố không đều, tập trung ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ CẢNH BÁO NGUY CƠ TRƯỢT LỞ ĐẤT 45 chủ yếu trong khoảng 100km, từ Km 1407+450 đến Km 1507+ 515. Đặc biệt có nhiều đoạn trượt lở cao như: Km1422+100 đến Km1428+919 chỉ có 6 km nhưng có đến 44 điểm trượt, trung bình đạt 7,33 điểm/km; hoặc từ Km1424+000 đến Km1430+850 cũng với 6km có 42 điểm trượt, trung bình đạt 7 điểm/km. - Trên tuyến quốc lộ 24 qua địa phận tỉnh Kon Tum có chiều dài 111 km, nhưng có đến 114 điểm trượt lở, mật độ trượt lở trung bình đạt 1,02 điểm/km; với tổng diện tích trượt lở là 7.830,0 m2 và khối lượng trượt lở lên đến 29.494,3m3. Các điểm trượt lở đất của tuyến này tập trung nhiều nhất từ Km 69 +200 đến Km 158 +990, đặc biệt là từ Km 121+120 đến Km122+950 có đến 21 điểm trượt lở, trung bình đạt 10,5 điểm/km, cao nhất toàn tuyến. - Tỉnh lộ 672 là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh nối với đường Hồ Chí Minh từ thị trấn huyện Đăk Tô đi về phía Đông Bắc huyện Tu Mơ Rông. Với tổng chiều dài tuyến đường là 73,8 km có đến 46 điểm trượt lở, mật độ trung bình toàn tuyến đạt 0,62 điểm/km. Tổng khối lượng trượt lở của tuyến đường này đạt 9.229,1m3 đất đá và có diện tích trượt lở là 3.984,0 m2. - Tỉnh lộ 678 chỉ có 24,4 km nhưng có 26 điểm trượt lở, mật độ trung bình đạt 1,06 điểm/km. Khối lượng và diện tích trượt lở lớn (khối lượng 17.018,2 m3 và diện tích 12.281,5m2). H. 1. Bản đồ hiện trạng trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum 2.2. Phân loại trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum Trong quá trình phân loại trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum, chúng tôi dựa vào một số tiêu chí sau: - Phân loại theo diện tích trượt lở: Được thể hiện ở các cấp độ như: trượt lở nhỏ (diện tích trượt lở dưới 10m2), trượt lở trung bình (diện tích trượt lở 10 đến dưới 50m2), trượt lở lớn (diện tích trượt lở 50 đến dưới 100m2), trượt lở rất lớn (diện tích trượt lở trên 100m2) [2]. Số lượng các điểm trượt lở trên các tuyến đường giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum được thể hiện ở bảng sau: NGUYỄN THÁM – NGUYỄN THỊ HOA MAI 46 Bảng 1. Kết quả phân loại trượt lở theo diện tích trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum TT Tuyến đường Trượt lở theo diện tích Rất lớn % Lớn % TB % Nhỏ % Tổng 1 Hồ Chí Minh 63 37.3 74 43.8 32 18.9 0 0.0 169 2 Quốc lộ 24 15 13.2 48 42.1 49 43 2 1.8 114 3 Tỉnh lộ 672 9 19.6 29 63.0 8 17.4 0 0.0 46 4 Tỉnh lộ 678 14 53.8 8 30.8 4 15.4 0 0.0 26 Tổng 101 28.5 159 44.8 93 26.2 2 0.6 355 - Phân loại theo thể tích trượt lở: Chúng tôi dựa vào cách phân loại của Lomtadze (1997), với các chỉnh lý trên số liệu quan trắc, đo đạc ở Việt Nam của tác giả Trần Trọng Huệ và nnk được thể hiện theo các cấp độ: Quy mô nhỏ có thể tích <100m3, quy mô vừa là 101 -1.000 m3, quy mô lớn là từ 1.001 -100.000 m3 và rất lớn có khối lượng trượt trên 100.000 m3 [2], [4]. Căn cứ vào tiêu chí này, kết quả chúng tôi ghi nhận được trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum ở bảng sau: Bảng 2. Kết quả phân loại trượt lở theo thể tích trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum TT Tuyến đường Trượt lở theo thể tích Lớn % Vừa % Nhỏ % Tổng 1 Hồ Chí Minh 43 25.4 104 61.5 22 13.0 169 2 Quốc lộ 24 4 3.5 66 57.9 44 38.6 114 3 Tỉnh lộ 672 1 2.2 34 73.9 11 23.9 46 4 Tỉnh lộ 678 8 30.8 11 42.3 7 26.9 26 Tổng 56 15.8 215 60.6 84 23.7 355 Như vậy, trượt lở đất ở Kon Tum phân loại theo diện tích cho thấy mức độ rất lớn và lớn chiếm tỉ lệ cao, loại trung bình ít và loại nhỏ không đáng kể; phân loại theo thể tích khối trượt cho thấy trượt lở ở đây tập trung chủ yếu loại lớn đến vừa, loại nhỏ ít. 3. NGUY CƠ TRƯỢT LỞ ĐẤT TRÊN MỘT SỐ TUYẾN GIAO THÔNG TRỌNG YẾU Ở TỈNH KON TUM 3.1. Nguyên nhân gây trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum 3.1.1. Yếu tố địa chất Các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 24 (đoạn đi qua địa phận tỉnh Kon Tum), tỉnh lộ 672 và 678 phân bố gần như bao trùm lên toàn bộ phần phía Bắc và Đông Bắc tỉnh Kon Tum. Quá trình nghiên cứu và phân tích chúng tôi nhận thấy đây là khu vực có cấu tạo ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ CẢNH BÁO NGUY CƠ TRƯỢT LỞ ĐẤT 47 địa chất rất phức tạp, chịu ảnh hưởng của các đứt gãy và có quá trình quá trình phong hoá lâu dài đã ảnh hưởng rất lớn đến trượt lở đất. Cụ thể: - Đối với các hoạt động macma: Trên đá macma axit thường có địa hình cao, độ dốc lớn, vòm nhọn nên rất dễ gây ra hiện tượng trượt lở đất. Thành phần của đá macma khác nhau dẫn đến chiều dày vỏ phong hoá cũng khác nhau; thành phần vỏ phong hoá cũng như đặc tính và độ chứa nước khác nhau làm cho vỏ phong hoá có tính không đồng nhất, dễ gây nên hiện tượng trượt lở đất. Điều này được nhận thấy dọc trên một số tuyến giao thông trọng yếu tỉnh Kon Tum như đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo đến gần trung tâm thị trấn huyện Đăk Glei với mật độ dày và khối lượng trượt lở lớn. - Đối với các chuyển động kiến tạo nâng hạ: Chuyển động nâng hạ Tân kiến tạo dẫn đến độ cao, độ dốc địa hình thay đổi, đồng thời ảnh hưởng đến chiều dày vỏ phong hoá. Ở những nơi chuyển động nâng lên có biên độ không lớn thường vỏ phong hoá dày hơn, rất dễ gây hiện tượng trượt lở đất như ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh. 3.1.2. Yếu tố địa hình - địa mạo Trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum xảy ra chủ yếu ở những khu vực có địa hình cao, độ dốc lớn, mức độ chia cắt mạnh. Trong khi đó, với dạng địa hình này ở tỉnh Kon Tum chiếm đến 62% diện tích tự nhiên, nhiều nơi độ dốc đạt trên 400, độ cao trung bình trên 1.200m-1.600m nên hiện tượng trượt lở rất phổ biến. Khu vực phía Bắc huyện Đăk Glei, phía Bắc huyện Đăk Tô, Kon Plong, Kon Rẫy là những nơi có địa hình cao, độ dốc lớn nên xảy ra trượt lở nhiều nhất, điều này được minh chứng bởi phần phía Bắc (trên đoạn đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 678, 672) và phía Đông Bắc (trên quốc lộ 24). Trên cùng một tuyến đường nhưng mật độ trượt lở cũng có sự khác nhau. Nguyên nhân, do ở những khu vực có độ dốc càng cao và độ cao của sườn càng lớn thì mối quan hệ giữa lực trượt và lực chống trượt càng chênh lệch, khối đất đá trên sườn dốc sẽ mất ổn định, điều đó sẽ làm gia tăng số lượng và cường độ của các điểm trượt lở. Thực tế cho thấy, những điểm trượt trên các tuyến giao thông thường xảy ra ở những nơi có độ dốc từ 300 đến 600 và độ cao sườn dốc lớn hơn 15m. Đây là khu vực trượt lở với mật độ cao nhất trong từng tuyến nghiên cứu. Những khu vực có góc dốc mặt nằm nghiêng dưới 200 là những bề mặt thoải gần như nằm ngang hoặc khu vực có góc dốc lớn hơn 600 nhưng bề dày tầng phủ mỏng hoặc rất mỏng cũng rất ít xảy ra trượt đất, điều này thấy rõ ở một số đoạn đường mật độ trượt thấp. Bên cạnh độ cao và độ dốc địa hình thì mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang cũng có vai trò quan trọng trong quá trình trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum. Khu vực nghiên cứu có mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang rất mạnh, tập trung nhiều nhất là ở phía Bắc, phía Tây Bắc và phía Đông Bắc của tỉnh, trùng với các tuyến giao thông có nhiều điểm trượt lở. 3.1.3. Yếu tố khí tượng - thủy văn Do yếu tố vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu Kon Tum được phân thành các tiểu vùng: NGUYỄN THÁM – NGUYỄN THỊ HOA MAI 48 - Tiểu vùng 1: Khí hậu núi cao, gồm phía Bắc, Đông Bắc gồm các huyện Đăk Glei, huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông và phần diện tích phía Bắc thị trấn Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, nơi có độ cao trung bình trên 1.500m. Khí hậu ở đây lạnh và ẩm ướt, với lượng mưa trung bình năm từ 2.000mm – 2.800mm, tập trung theo mùa (từ tháng V đến tháng X) tạo điều kiện thuận lợi cho trượt lở đất xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa. - Tiểu vùng 2: Khí hậu núi thấp và thung lũng phía Tây Nam gồm phần diện tích còn lại như: thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, phía Nam huyện Kon Rẫy. Vùng này có độ cao trung bình thấp từ 600m-700m, lượng mưa trung bình hàng năm đạt từ 1700mm - 2200mm, vì vậy mức độ và mật độ trượt lở đất các tuyến đường đi qua khu vực này thấp hơn và chỉ tập trung chủ yếu trong mùa mưa. 3.1.4. Yếu tố nhân sinh Các hoạt động nhân sinh cũng là một trong những nguyên nhân vừa tác động trực tiếp và vừa tác động gián tiếp đến trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum. Các hoạt động đó bao gồm: cắt xén sườn dốc, chất tải trên sườn dốc, nổ mìn, khai khoáng, chặt phá rừng, phá hủy dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm,... Chính các hoạt động này đã làm giảm lực chống trượt, nhất là khi trời mưa, độ ẩm của đất, đá trên sườn dốc tăng lên dẫn đến trượt hoàn toàn. 3.2. Bước đầu nhận định về nguy cơ trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum Để đánh giá nguy cơ trượt lở trên các đoạn đường cụ thể, ngoài các tiêu chí nguyên nhân và hiện trạng, chúng tôi sử dụng thêm hệ số trượt lở đất (yếu tố có tính định lượng). Hệ số được tính theo công thức: Ktl = Stl/Sđg [2]. Trong đó: Ktl: hệ số trượt lở; Stl: diện tích bị trượt lở (m2); Sđg: diện tích bề mặt taluy có điểm trượt lở (m2). Nếu: Ktl > 0,5: taluy có nguy cơ trượt lở rất cao; Ktl từ 0,3 - 0,5: taluy có nguy cơ trượt lở cao; Ktl từ 0,1 - 0,3: taluy có nguy cơ trượt lở trung bình; Ktl từ 0,01 - 0,1: taluy có nguy cơ trượt lở thấp; Ktl < 0,01: taluy có nguy cơ trượt lở rất thấp. Kết quả bước đầu đánh giá nguy cơ trượt lở đất trên một số tuyến đường giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum được tổng hợp như sau: - Trên 4 tuyến giao thông trọng yếu đã được nghiên cứu có 355 điểm có nguy cơ trượt lở, trong đó có đến 54 điểm được xếp mức rất cao, 175 điểm xếp mức cao, 104 điểm xếp mức trung bình, 22 điểm xếp mức thấp và không có điểm nào xếp ở mức rất thấp. Như vậy, số điểm có nguy cơ trượt lở được xếp ở mức rất cao và cao có đến 229 điểm (chiếm 64,5%); các mức trung bình và thấp chỉ có 126 điểm (chiếm 35,5%). ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ CẢNH BÁO NGUY CƠ TRƯỢT LỞ ĐẤT 49 - Trên từng tuyến đường, các cấp độ nguy cơ trượt lở cũng thể hiện không đồng đều, nhưng nhìn chung các cấp độ rất cao và cao chiếm tỷ trọng lớn, cấp độ nhỏ chiếm tỷ trọng thấp. Cụ thể: + Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Kon Tum có chiều dài 161 km thì có đến 105 điểm ở mức rất cao và cao, có 49 điểm ở mức trung bình và chỉ có 15 điểm ở mức thấp, không có điểm nào được xếp loại rất thấp. Hầu hết các điểm có nguy cơ trượt lở cao đến rất cao phân bố ở đoạn từ Km 1418+300 đến Km 1506+700. Nguyên nhân, do việc xây dựng các mái taluy với góc dốc quá lớn kết hợp với cấu tượng bở rời của thổ nhưỡng, lượng mưa rất lớn, lớp phủ thực vật đang bị suy giảm, đã làm cho khu vực này thường xuyên bị trượt lở, gây ách tắc giao thông trong mùa mưa. Hình 2. Bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum + Tuyến quốc lộ 24 đi qua tỉnh Kon Tum có chiều dài 114 km thì có đến 80 điểm ở mức rất cao và cao, 31 điểm ở mức trung bình và chỉ có 3 điểm ở mức thấp, không có điểm nào được xếp loại rất thấp. Nhìn chung, đây là đoạn đường có độ dốc rất cao, mức độ chia cắt sâu lớn, các vách taluy dựng đứng và hoạt động đốt rừng làm nương rẫy dọc theo các tuyến đường đã làm tăng nguy cơ trượt lở đất trong mùa mưa. + Tuyến tỉnh lộ 672, có chiều dài 73,8 km thì có đến 27 điểm ở mức rất cao và cao, 17 điểm ở mức trung bình và chỉ có 2 điểm ở mức thấp, không có điểm nào được xếp loại rất thấp. Nguyên nhân, trên tuyến đường này là do địa hình dốc, mức độ chia cắt sâu lớn, lượng mưa tương đối gây nguy cơ trượt lở. + Tuyến tỉnh lộ 678, chỉ dài 24,4 km nhưng có đến 17 điểm ở mức rất cao và cao, 7 điểm ở mức trung bình và có 2 điểm ở mức thấp, không có điểm nào được xếp loại rất thấp. Các hoạt động đốt rừng làm nương rẫy, canh tác không hợp lí trên địa hình dốc, mưa tương đối lớn khi lớp phủ thực vật đã giảm là những nguyên nhân chính gây nên trượt lở đất ở tuyến đường này. Dựa vào những cơ sở đã phân tích ở trên, chúng tôi đã xây dựng được bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất dọc hành lang trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon NGUYỄN THÁM – NGUYỄN THỊ HOA MAI 50 Tum. Trên mỗi tuyến đường chúng tôi đều xác định được vị trí điểm trượt, phân cấp nguy cơ trượt lở từ rất cao, cao, trung bình và thấp. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG TRƯỢT LỞ ĐẤT TRÊN MỘT SỐ TUYẾN GIAO THÔNG TRỌNG YẾU Ở TỈNH KON TUM Để giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất xảy ra trên một số tuyến giao thông trọng yếu ở tỉnh Kon Tum, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau. 4.1. Nhóm giải pháp phi công trình - Trên cơ sở điều tra hiện trạng trượt lở, lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở cao trên các tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh. - Trên các tuyến giao thông trọng yếu, cần xây dựng hệ thống các biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ trượt lở cao để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại. - Tuyên truyền, phổ biến nhân dân bảo vệ rừng dọc hành lang các tuyến giao thông. Khi xảy ra trượt lở, cần thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh. 4.2. Nhóm các giải pháp công trình - Những điểm trượt lở lớn trên các vách taluy dương dốc đứng, cần giảm tải trọng trên sườn bằng cách hạ thấp các mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo thành nhiều bậc thang theo sườn dốc. Đồng thời tăng tải trọng ở phần chân của mái dốc bằng cách xây dựng các loại tường phản áp, tường chắn bê tông cốt thép, tường rọ đá... - Đối với các vách taluy đường đang có nguy cơ trượt lở, cần có các biện pháp chống phá hoại của mặt đường bằng cách xây dựng rãnh thoát nước trên sườn ở các độ cao khác nhau, trồng cỏ Vertiver chống xói mòn đất. 5. KẾT LUẬN Việc nghiên cứu trượt lở đất trên một số tuyến giao trọng yếu ở tỉnh Kon Tum có ý nghĩa quan trọng góp phần đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân, xây dựng bản đồ cảnh báo, qua đó đề xuất các nhóm giải pháp giúp cho cơ quan chức năng của chính quyền địa phương đưa ra chủ trương, chính sách trong công tác phòng tránh và giảm thiểu thiên tai có hiệu quả. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum (2005 -2011), Báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra toàn tỉnh, Kon Tum. [2] Nguyễn Hoàng Sơn (2011), Phân loại trượt lở đất đá và đánh giá nguy cơ trượt lở dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 27, Số 4S, 2011. [3] Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum (2011), Báo cáo khắc phục hậu quả sau mưa bão, trong các năm 2009, 2010 và 2011, Kon Tum. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ CẢNH BÁO NGUY CƠ TRƯỢT LỞ ĐẤT 51 [4] Nguyễn Thám, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Đăng Độ (2010), Hiện trạng tai biến trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Hội nghị Địa lí toàn quốc lần thứ V, Hà Nội. Title: ASSESSMENT OF LANDSLIDE RISK SITUATION AND WARNING ON SOME MAJOR ROADS IN KON TUM PROVINCE Abstract: The present situation of landslide in Kon Tum province has been complicated with more loss of life and property. This article aims at assessing the situation, finding out the causes, building landslide risk map as a basis on proposing solutions to prevent and minimize damages on some major roads in Kon Tum province. PGS. TS. NGUYỄN THÁM Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ThS. NGUYỄN THỊ HOA MAI Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf7_86_nguyentham_nguyenthihoamai_09_nguyen_tham_4847_2020907.pdf