KẾT LUẬN
Bằng những trích dẫn, cắt dán, ám gợi trên cơ sở liên kết các văn bản và văn cảnh văn
hóa xã hội Nga, và bằng sự kết hợp các biện pháp đa dạng, tiểu thuyết của Bulgakov đã
tạo nên hệ thống cốt truyện đa tuyến độc đáo, đã khái quát hóa những vấn đề muôn thủa
của nhân loại một cách sâu sắc mới mẻ: Tình yêu, cái Thiện - cái Ác như là căn bản cốt
lõi trong sự tồn tại của con người.
Như tiếng hót hân hoan vượt lên nỗi khổ đau của con chim trong bụi mận gai, tiếng hót
ấy khiến cho sơn ca và họa mi phải ghen tỵ [4], là tiếng ca đa thanh sắc, vừa bi ai vừa
trong sáng, bất diệt của Bulgakov. Nghệ nhân và Margarita không chỉ kết tinh tư tưởng,
tài năng và kinh nghiệm sáng tạo của riêng nhà văn mà còn đúc kết những tinh hoa
khám phá nghệ thuật của cả nhân loại.
Nghiên cứu tiểu thuyết từ phương diện cốt truyện đa tuyến một mặt, giúp chúng ta thấy
được sự tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực tổ chức cốt truyện của tác giả trong tiểu thuyết;
mặt khác, nắm bắt được những nét đặc sắc, độc đáo trong thế giới nhân vật khác thường
của ông. Qua đó, ta thấy được quan điểm nhân sinh sâu sắc, tầm triết mĩ rộng lớn của
tác phẩm. Chính vì thế, một nhà văn nổi tiếng người Gruzia đánh giá Bulgakov “đã là
người đương thời của cha ông chúng ta, đang là người đương thời với chúng ta và sẽ là
người đương thời của con cháu chúng ta”.
7 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 653 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cốt truyện đa tuyến trong tiểu thuyết nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov - Phạm Xuân Hoàng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 04(20)/2011: tr. 51-57
CỐT TRUYỆN ĐA TUYẾN TRONG TIỂU THUYẾT
NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA CỦA MIKHAIL BULGAKOV
PHẠM XUÂN HOÀNG - NGUYỄN THỊ TUYẾT
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Bằng việc xây dựng cốt truyện đa tuyến phức tạp, độc đáo với cấu
trúc chặt chẽ, đặc sắc trong Nghệ nhân và Margarita, M. Bulgakov đã
chuyển tải thông điệp tác phẩm một cách kín đáo, sâu sắc về cái Thiện – cái
Ác, về quyền tự do sáng tạo của người nghệ sỹ và sự bất tử của nghệ thuật
chân chính cũng như giá trị của con người. Tác phẩm cũng là cách “giải hiện
thực” độc đáo bằng cảm quan kì ảo cho ta cái nhìn đa chiều về cuộc sống.
MỞ ĐẦU
Văn học Nga là nền văn học có nhiều thành tựu to lớn, vĩ đại không chỉ đối với nước
Nga mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với thế giới. Bước sang thế kỷ XX, với sự phát triển
phong phú và phức tạp của thời đại, nền văn học ấy phân chia một cách tự nhiên thành
nhiều khuynh hướng khác nhau như: kế thừa, phát triển khuynh hướng sử thi tâm lý
(Gorki, Sôlôkhôp); khuynh hướng hiện thực tâm lý trữ tình (Êxênhin, Pastexnak);
khuynh hướng hiện thực hài hước viễn tưởng (Bulgakov); khuynh hướng triết lý đạo
đức (Aimatop). Trong đó, khuynh hướng hiện thực hài hước viễn tưởng được kế thừa
từ Gogol và phát triển đến đỉnh cao Bulgakov với tác phẩm Nghệ nhân và Margarita.
Đây là tác phẩm mang tính tổng kết sâu sắc đối với hiện thực đời sống cũng như quan
niệm của nhà văn về ý nghĩa cuộc sống, về con người, về cái chết và sự bất tử, về cuộc
đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác trong lịch sử và trong thế giới đạo đức của con
người. Cái hấp dẫn và bí ẩn của Nghệ nhân và Margarita trước hết nằm ở sự độc đáo,
phức tạp và mới mẻ ở cấu trúc nội tại. Nổi bật nhất là kết cấu cốt truyện của tác phẩm.
Đó là thiết chế hoàn hảo về cách tổ chức, sắp xếp các tuyến sự kiện, nhân vật, mô típ
kết tinh tài năng bậc thầy của Bulgakov trong việc xây dựng thành công công trình nghệ
thuật thiên tài.
1. TÌM HIỂU CHUNG VỀ CỐT TRUYỆN
Vấn đề cốt truyện trong truyện kể từ lâu đã được ngành Tự sự học coi là một trong
những yếu tố cơ bản để tìm ra cấu trúc đích thực của tác phẩm văn xuôi, một mắt xích
quan trọng tạo nên kết cấu tác phẩm tự sự.
Trong nhiều công trình nghiên cứu triển khai khá công phu như: Nghệ thuật thi ca
(Aristote), Dẫn luận nghiên cứu văn học (G. N. Pospelov), Cấu trúc văn bản nghệ thuật
(J. Lotman)... cốt truyện luôn là một yếu tố cần khảo sát. Trên cơ sở những công trình
đã được dịch và giới thiệu ở trong nước, chúng ta có thể khái quát việc tiếp nhận và
nghiên cứu cốt truyện được hiểu như một khái niệm dung chứa những yếu tố, những
khả năng để có thể tạo ra tính nghệ thuật (tính văn) cho một tác phẩm văn học, làm lộ
diện dụng ý của nhà văn. Đó phải là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu
PHẠM XUÂN HOÀNG – NGUYỄN THỊ TUYẾT
52
tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản quan trọng nhất trong hình
thức động của tác phẩm kịch và tự sự.” [1].
Có rất nhiều loại cốt truyện khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau: [2]
Tiêu chí Các loại cốt truyện
Sự kiện
(Event)
Cốt truyện phân đoạn (chương hồi) (Episodic plot)
Cốt truyện liền mạch (Chronological plot)
Cốt truyện huyễn ảo (Supernature plot)
Cốt truyện ghép mảnh (Fragment plot)
Thời gian
(Time)
Cốt truyện tuyến tính (Linear plot)
Cốt truyện khung (Frame plot)
Cốt truyện gấp khúc (Zigzag plot)
Nhân vật
(Character)
Cốt truyện đơn tuyến (Simple plot)
Cốt truyện đa tuyến (Complex plot)
Cốt truyện hành động (Active plot)
Cốt truyện tâm lí (Psychological plot)
Cốt truyện dòng ý thức (Stream of consciousness plot)
Đều xuất phát từ tiêu chí nhân vật song cốt truyện đơn tuyến chỉ có một nhân vật chính,
hướng đến một chủ đề trong khi đó cốt truyện đa tuyến có ít nhất từ hai nhân vật chính
(trung tâm) trở lên. Những nhân vật này đảm đương những tuyến cốt truyện nhằm thể
hiện một hay nhiều chủ đề nhất định nào đó của tác phẩm. Ví như Chiến tranh và hòa
bình (Tônxtôi), Anh em nhà Karamazop (Đôstôievki).
2. CÁC TUYẾN CỐT TRUYỆN TRONG NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA
Nghệ nhân và Margarita là một kiệt tác độc đáo, phức tạp và đa tuyến truyện. Các sự
kiện được đưa vào tác phẩm rất đa dạng, nhiều tầng lớp, các tuyến nhân vật, chủ đề đan
chéo tương nhập và phản chuyển lẫn nhau nhằm chuyển tải tầm triết mỹ lớn lao, sâu
sắc.
Theo các nhà nghiên cứu, ở Bulgakov tồn tại tài năng của nhà văn trào phúng, nhà văn
giả tưởng và nhà văn hiện thực. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong đỉnh cao tuyệt diệu
Nghệ nhân và Margarita. Tác phẩm có số lượng nhân vật đông đảo (506 nhân vật trong
đó 156 nhân vật có tên riêng, 249 nhân vật vô danh và hơn một trăm nhân vật tập thể).
Số lượng đó được ví với Chiến tranh và hòa bình của Tônxtôi.
Ở cấp độ cốt truyện, Nghệ nhân và Margarita là tiểu thuyết “kép”, như nhà phê bình G.
Lesskis nhận xét, “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” [3]. Nếu Bọn làm bạc giả (Gide) là tiểu
thuyết soi gương, tiểu thuyết là đề tài của tiểu thuyết - ghi lại quá trình sáng tạo tác
CỐT TRUYỆN ĐA TUYẾN TRONG TIỂU THUYẾT NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA...
53
phẩm của nhà văn thì trong tác phẩm của Bulgakov có hai cuốn tiểu thuyết đan cài gắn
kết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất.
Tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita là một tác phẩm phức tạp, đa sắc thái, tuy nhiên,
có thể nhận ra trong kết cấu của nó có sự song chiếu, giao cắt của các tầng không gian,
các kiểu nhân vật và các lớp cốt truyện. Ta có thể tạm chia tác phẩm ra ba cốt truyện
tương ứng với ba nhóm sự kiện và ba không gian – ba thế giới với những ám gợi, giễu
nhại: không gian thực của thủ đô Moskva trong những năm ba mươi của thế kỷ trước,
không gian huyễn tưởng của bọn quỷ Voland và không gian huyền thoại - lịch sử thành
Yershalaim của Ponti Pilat.
2.1. Tuyến truyện về lịch sử cổ đại - câu chuyện về Ponti Pilat
Đây là cuốn tiểu thuyết của Nghệ nhân, trong đó có hai tuyến truyện: tuyến thiện (Iesua,
Matvei) và tuyến ác (Pilat, Giuda). Pilat là nhân vật trung tâm song chiếm số trang
văn bản ít, và mâu thuẫn trong tiểu thuyết về Pilat được gợi mở không phải từ Pilat mà
từ Iesua - đây là nguyên nhân của mọi hành động trong tiểu thuyết: Iesua bị dẫn đến hỏi
cung chỗ Pilat - quan tổng trấn tàn bạo xứ Giudea, một chiến tướng không hề biết run
sợ trong trận mạc, một lần lại tỏ ra hèn nhát trước hoàn cảnh vì con đường công danh
của mình nên đã tuyên án tử hình Iesua. Song hành vi của Iesua đã đánh thức lương tâm
Pilat, làm nảy sinh xung đột tinh thần trong con người ông ta. Vì vậy Pilat gây mâu
thuẫn với Kaifa, trả thù Giuda và luôn dằn vặt vì sự hèn kém của mình về mặt đạo đức.
Iesua và Pilat có quan điểm sống trái ngược nhau, là những con người của những thái
cực đối lập: một người đại diện cho triết mĩ tình thương của con người (Iesua) và một
người là cái ác đại diện cho quyền lực thống trị trong xã hội (Pilat).
Iesua luôn tâm niệm: trên đời này không có người ác, chỉ có những người nhân từ [3].
Anh đi hành hương nhiều nơi để truyền bá về chân lý của điều thiện, để chăn dắt những
con người nhân từ. Đó là người không biết run sợ trước cường quyền, bạo lực; và chính
sức mạnh ấy đã cảm hóa được những tâm hồn tưởng như không thể cảm hóa: kẻ thu
thuế Levi Matvei đã ném tiền xuống đường cái [3] để đi theo Iesua, tên tổng trấn tàn bạo
Pilat phải khâm phục và thừa nhận con người và nhân cách tốt đẹp của Iesua. Người là
kết tinh chân lý của điều thiện, của tình thương và lòng bắc ái. Đó là nhịp cầu kết nối
con người với nhau trong cuộc sống này.
Trái lại, Pilat cho rằng trên đời này không có những con người nhân từ, chỉ có những con
người ác. Con quái vật điên cuồng [3] ấy đã cố tỏ ra xứng đáng với biệt danh này bằng
mệnh lệnh hành hạ Iesua một cách vô nghĩa chỉ vì Iesua gọi ông ta là người nhân từ. Tên
đao phủ lạnh lùng Mark Kưssoboi và kẻ tổ chức sáng suốt các vụ giết người bí mật về
chính trị Afarani là chỗ dựa cần thiết và là nguồn quyền lực của Pilat. Biểu tượng cho
quyền lực, đứng ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng chính Pilat là sự thể nghiệm câu nói của
Iesua: Quyền lực nào cũng là sự cưỡng bức đối với tất cả mọi người. Phải chăng vì thế
mà lương tâm ông luôn đau đớn dằn vặt suốt hai nghìn năm [3].
PHẠM XUÂN HOÀNG – NGUYỄN THỊ TUYẾT
54
2.2. Tuyến truyện hiện đại - câu chuyện về Nghệ nhân
Đây là tuyến truyện chiếm số lượng nhân vật đông đảo nhất, có tới 261/352 nhân vật có
tên, bên cạnh hàng trăm nhân vật vô danh khác: các cộng tác viên của một trong những
cơ quan của Moskva, những nhân vật tập thể, khán giả nhà hát Tạp kĩ, những người đầu
cơ ngoại tệ, những người hành hương Bằng ngòi bút trào phúng, Bulgakov đã lột tả
bản chất xã hội hiện đại với những gì trần trụi nhất, đầy đủ mọi giai tầng, mọi phẩm
chất và nhân cách. Tất cả hiện lên thật sinh động như bản chất xã hội Nga những năm
20, 30 của thế kỷ XX.
Trước hết, đó là giới văn chương MASSOLIT. Đứng đầu là Berlioz - chủ tịch hiệp hội
văn học lớn nhất Moskva, tổng biên tập tờ tạp chí lớn nhất, học nhiều, biết rộng, nhưng
chính hắn đã góp phần biến văn học thành một thứ văn hóa khẩu hiệu, thô thiển như
Riukhin, đồng thời hắn đã dung túng, khuyến khích các nhà phê bình đồ tể kiểu
Latunsky, Ariman và lũ vu khống Aloizi Mogarut. Với thái độ tự mãn phủ nhận một
cách mù quàng, thô bạo và ngu dốt, Berlioz và Bezdomnưi phủ nhận sự tồn tại của
Giesu và quỷ dữ, đó thực chất là xóa bỏ các giá trị đạo đức và thẩm mỹ truyền thống
của nhân loại. Chính bọn chúng đã giết chết nghệ thuật chân chính và gây ra bi kịch đau
đớn cho Nghệ nhân.
Chân lý nghệ thuật của Nghệ nhân chỉ là chân lý của một sự kiện lịch sử. Sự kiện đó
liên quan đến ngày tồn tại cuối cùng của Iesua. Quá trình tìm kiếm quên mình và việc
phục hồi chân lý của anh cũng là sự thể hiện cái thiện chí mà Kant khẳng định, chân lý
bí ẩn và tuyệt đối đã đẩy Nghệ nhân vào tình thế xung đột với quyền lực và hệ tư tưởng
quyền lực của xã hội, đẩy anh vào bi kịch cô đơn, bi kịch của con người điên.
Bên cạnh đó, Bulgacov còn phản ánh thế giới quan chức Moskva ngu ngốc, tham lam,
nhũng nhiễu, đục khoét: Chủ tịch hội đồng nhà cửa Boiso thiển cận ăn hối lộ; giám đốc
nhà hát Tạp kĩ ăn chơi nhậu nhẹt ngủ dậy trong trạng thái không nhớ được người đàn bà
mà ông ta muốn hôn là ai [3]; những nhân vật chủ chốt khác của nhà hát Tạp kĩ như phó
giám đốc tài chính Rimky, trưởng phòng quản trị nhà hát Vasenuka, trưởng phòng tài
vụ Vasiki, chủ nhiệm ủy ban biểu diễn mỗi người hiện lên một vẻ, một sở thích riêng,
tính cách riêng. Bằng ngòi bút tinh tế, Bulgakov đã lột tả được bản chất của từng nhân
vật. Rimky, Vasenuka làm việc thiếu trách nhiệm, ông chủ nhiệm ủy ban biểu diễn chi
nhánh thành phố lại thích công tác tổ chức và hội đồng ca, các nhân viên bị quay cuồng
trong các thứ mà ông ta đề xướng ông chủ nhiệm ủy ban biểu diễn làm việc máy móc,
công thức như một cái xác không hồn. Hình ảnh bộ comple là sự châm biếm sâu cay
nhất, thâm thúy nhất.
Ngoài ra, các quan chức khác như ngài nam tước Maighet - người chuyên trách giới
thiệu với khách nước ngoài những danh lam, thắng cảnh của đất nước thì có hành động
rình rập khi nghe tin nhà Hắc ảo thuật đến thủ đô, ngài xin đến thăm tôi với mục đích là
để rình xem và nghe trộm (lời của Voland). Nhà kinh tế học Poplavski, dượng của
Berlioz, đến Moskva không phải vì cái chết của cháu, mà vì căn hộ số 50 ở Moskva
CỐT TRUYỆN ĐA TUYẾN TRONG TIỂU THUYẾT NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA...
55
Đó còn là đám khán giả - dân chúng Moskva trong nhà hát Tạp kỹ đã tự nguyện tung
hô, phơi bày sự hám khát lối sống phè phởn, tham lam, trụy lạc. Đó là những quí bà hư
hỏng, những quí ông vụng trộm, lén lút Xã hội ấy đã mất hết mọi kỷ cương và phép
tắc, đạo đức bị băng hoại, con người sống chỉ hưởng lạc, giả dối, ghen ghét độc địa với
nhau. Trong xã hội, ấy tình thương, chân lý không thể tồn tại. Vì vậy, những người có
phẩm chất tài năng chỉ có thể được bình yên trong bệnh viện tâm thần của bác sĩ
Stravinsky.
2.3. Tuyến truyện huyễn tưởng.
Đây là tuyến truyện trung gian nối kết hai tuyến truyện trên. Voland và đoàn tùy tùng
(mèo Behemoth, Azazello, Koroviep) vừa lật tẩy, vạch trần bộ mặt giả dối của những
nhân vật “sáng giá” đồng thời giúp đỡ những người lương thiện bằng những trò ảo thuật
hấp dẫn.
Nghệ nhân, Margarita là những nhân vật vừa thuộc tuyến truyện hiện đại vừa thuộc
tuyến truyện huyễn tưởng. Nghệ nhân là người nghệ sĩ chân chính đam mê hứng thú với
công trình nghệ thuật của mình. Nhưng bất hạnh cho anh là xã hội đương thời đang
thoái hóa, biến chất, giới quan chức chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, không có thời gian để
thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chân chính nên tác phẩm của anh bị ban biên
tập và giới xuất bản thờ ơ, lãnh đạm. Không những thế, cuốn tiểu thuyết chưa đến được
với độc giả và điều thiện thì đã bị phủ những đòn chí tử, những bài báo liên tiếp vu
khống, xuyên tạc bị cho là đề tài kì quặc, còn tác giả thì bị cho là một tín đồ cựu giáo
gây gổ [3]. Trước những lời công kích đó, Nghệ nhân rơi vào trạng thái khủng hoảng về
tâm lý một cách trầm trọng, cuối cùng anh phải vào bệnh viện tâm thần để trốn tránh tất
cả. Tình yêu của Margarita cũng không thể cứu nổi anh.
Khi chân lý nghệ thuật, chân lý cuộc sống mâu thuẫn với quyền lực chính trị thì quyền
tự do sáng tạo của người nghệ sỹ rơi vào bi kịch bi thảm nhất. Cuộc đời của Nghệ nhân
cũng chính là số phận của Bulgakov. Nhưng với niềm tin vào cái Đẹp, cái Thiện trong
cuộc sống, người nghệ sỹ luôn khẳng định nghệ thuật chân chính sẽ chiến thắng cái
Xấu, cái Ác. Các bản thảo sẽ không cháy [3] tài năng của Nghệ nhân sẽ được khẳng
định và tác phẩm của anh cũng sẽ được khôi phục lại bởi giá trị chân - thiện - mỹ tự
thân của nó.
Margarita là người phụ nữ có vẻ đẹp tuyệt vời và tình yêu cao cả. Nàng là một trong
những hình tượng người phụ nữ kết tinh vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của dân tộc Nga.
Vì tình yêu với Nghệ nhân nàng chấp nhận tất cả, sẵn sàng đi với quỉ sứ để cứu người
tình và khẳng định nghệ thuật chân chính.
Gắn liền với tuyến truyện này là các nhân vật huyễn tưởng: chúa quỉ Voland và đoàn
tuỳ tùng. Đó là những nhân vật gắn bó với cái ác nhưng muôn đời lại làm điều lợi ích.
Voland được miêu tả như là quỷ Satan, là chúa tể của Tội ác và Bóng tối, song ông ta
cũng đồng thời là kẻ có chức năng thực hiện mệnh Trời (B. Sokolov). Tác giả đã tiến
hành “đổi vai” một cách táo bạo và ngoạn mục vai trò, chức năng của các nhân vật
trong tiểu thuyết. Chỉ ba ngày đến Moskva, Voland và đoàn tùy tùng đã quấy đảo dồn
PHẠM XUÂN HOÀNG – NGUYỄN THỊ TUYẾT
56
hút lên bề mặt cuộc sống tất cả những gì xấu xa nhất, độc ác nhất, rọi vào đó luồng ánh
sáng khuyếch đại gay gắt nhất đến mức không phải người đọc nào cũng chấp nhận, bởi
họ sợ thấy chính mình trong ánh phản quang của nó.
Ở phần cuối tác phẩm, Voland xuất hiện như một vị quan toà cao cả, vô tư của nhân
loại: định đoạt số phận của Nghệ nhân và Margarita, chấp nhận ước nguyện của Natasa,
biến “con lợn đực thiến” Nicôlai Ivanôvits thành người, trừng phạt Varênukha, Alôydi
Môgarưt, ban thưởng cho Nghệ nhân... sự thưởng phạt công minh này vốn chỉ thuộc
quyền năng của chúa Trời. Hình tượng Voland - ác quỷ - người thực hiện mệnh Trời, do
đó, chuyển hẳn sang thái cực khác trong cảm nhận của độc giả.
Các tuyến cốt truyện của tác phẩm kết thúc trong một điểm không gian, thời gian, ở đó
Pilat và Nghệ nhân cùng được giải phóng. Sự phát triển song song các xung đột, các
tình huống, các nhân vật của thế giới cổ đại và hiện đại đưa đến sự kết thúc thống nhất
của cốt truyện. Từ đó mở ra nhiều ý tưởng mới mẻ cho tác phẩm. Việc Nghệ nhân và
Margarita giã từ cuộc đời, đi tìm cuộc sống ở một thế giới khác, dẫu cay đắng chua chát,
vẫn không làm chúng ta mất lòng tin vào bản chất tốt đẹp của cuộc sống, ngược lại, nó
nuôi dưỡng kích thích con người vươn tới sự hoàn thiện từ bản thân những sự thật tàn
nhẫn, phũ phàng nhất.
Với ba hệ thống nhân vật cổ đại, hiện đại và hoang đường, Nghệ nhân và Margarita của
M. Bulgakov được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết có thế giới nhân vật đặc biệt
và phức tạp nhất trong văn học thế giới.
KẾT LUẬN
Bằng những trích dẫn, cắt dán, ám gợi trên cơ sở liên kết các văn bản và văn cảnh văn
hóa xã hội Nga, và bằng sự kết hợp các biện pháp đa dạng, tiểu thuyết của Bulgakov đã
tạo nên hệ thống cốt truyện đa tuyến độc đáo, đã khái quát hóa những vấn đề muôn thủa
của nhân loại một cách sâu sắc mới mẻ: Tình yêu, cái Thiện - cái Ác như là căn bản cốt
lõi trong sự tồn tại của con người.
Như tiếng hót hân hoan vượt lên nỗi khổ đau của con chim trong bụi mận gai, tiếng hót
ấy khiến cho sơn ca và họa mi phải ghen tỵ [4], là tiếng ca đa thanh sắc, vừa bi ai vừa
trong sáng, bất diệt của Bulgakov. Nghệ nhân và Margarita không chỉ kết tinh tư tưởng,
tài năng và kinh nghiệm sáng tạo của riêng nhà văn mà còn đúc kết những tinh hoa
khám phá nghệ thuật của cả nhân loại.
Nghiên cứu tiểu thuyết từ phương diện cốt truyện đa tuyến một mặt, giúp chúng ta thấy
được sự tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực tổ chức cốt truyện của tác giả trong tiểu thuyết;
mặt khác, nắm bắt được những nét đặc sắc, độc đáo trong thế giới nhân vật khác thường
của ông. Qua đó, ta thấy được quan điểm nhân sinh sâu sắc, tầm triết mĩ rộng lớn của
tác phẩm. Chính vì thế, một nhà văn nổi tiếng người Gruzia đánh giá Bulgakov “đã là
người đương thời của cha ông chúng ta, đang là người đương thời với chúng ta và sẽ là
người đương thời của con cháu chúng ta”.
CỐT TRUYỆN ĐA TUYẾN TRONG TIỂU THUYẾT NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA...
57
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999). Từ điển thuật ngữ văn học, NXB
Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 88.
[2] Lê Huy Bắc (2008). Vấn đề cách dịch thuật ngữ trong tự sự. Trong Tự sự học – Một
số vấn đề lý luận và lịch sử (Trần Đình Sử chủ biên). NXB Đại học Sư phạm, tr. 185-
186.
[3] M. Bulgakov (2006). Nghệ nhân và Margarita. NXB Lao động, Trung tâm Văn hoá
Ngôn ngữ Đông – Tây, tr. 735, 49, 43, 38, 55, 136, 261, 793.
[4] Coleen Mc Cullough (2002). Tiếng chim hót trong bụi mận gai. NXB Phụ nữ, tr. 9.
Title: COMPLEX PLOT IN THE MASTER AND MARGARITA OF MIKHAIL BULGAKOV
Abstract: By creating multi-line and complex plot, brilliant tight structure of The Master and
Margarita, M. Bulgakov transfered the message of the work secretly, profoundly about the
Good - the Evil; about artist's freedom to create and immortality of real art as well as values of
human being. The work is also an unconventional answer to the reality with miraculous
perception giving us multi – dimension view about the life.
TS. PHẠM XUÂN HOÀNG
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
NGUYỄN THỊ TUYẾT
Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
ĐT: 0979.228.003. Email: nguyentuyet87na@yahoo.com.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 11_142_nguyenthituyet_phamxuanhoang_10_nguyen_thi_tuyet_van_6469_2020926.pdf