Chính sách “ngoại giao kinh tế” ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh. Khu vực được hướng đến là Đông Nam Á, Nhật Bản nhằm vào một thị trường rộng lớn, nguyên liệu phong phú giá nhân công thấp. Với các hình thức: bồi thường chiến tranh, viện trợ, đầu tư, quan hệ mậu dịch Nhật Bản vừa có thể củng cố uy tín cũng như phát triển kinh tế ở khu vực đầy tiềm năng này.
Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 60 và đầu những năm 70 chứng tỏ chính sách ngoại giao kinh tế là một sự điều chỉnh đúng đắn, mà vị trí thứ hai của Nhật Bản trong thế giới tư bản là một bằng chứng. Sự phát triển về kinh tế kéo theo địa vị chính trị của Nhật Bản cũng được nâng cao (Chính phủ Nhật Bản thăm các nước Đông Nam Á để mở rộng quan hệ trong những năm 60, 70).
11 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 487 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chính sách “ngoại giao kinh tế” Nhật Bản với Đông Nam Á những năm 50-70 của thế kỷ XX và tác động của nó, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHÍNH SÁCH “NGOẠI GIAO KINH TẾ” NHẬT BẢN
VỚI ĐÔNG NAM Á NHỮNG NĂM 50-70 CỦA THẾ KỶ XX
VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ
HOÀNG THỊ MINH HOA
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế
Tóm tắt: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với những nhân tố trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, Nhật Bản đã đưa ra “Chính sách ngoại giao kinh tế”. Bài viết này khái quát “chính sách ngoại giao kinh tế” của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai; cụ thể hóa chính sách này đối với Đông Nam Á trong những năm 50-70 của thế kỷ XX và nêu những tác động của nó đối với Nhật Bản và Đông Nam Á.
Sau sự thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản kiệt quệ. Vì vậy, khôi phục kinh tế là một yêu cầu bức thiết. Và để làm được điều này, về mặt đối ngoại, đòi hỏi Nhật Bản phải có chính sách đối ngoại và lựa chọn những đối tác quan hệ kinh tế phù hợp. Đông Nam Á là khu vực đầu tiên mà Nhật Bản hướng đến để thực hiện sự điều chỉnh chính sách sau chiến tranh mà “chính sách ngoại giao kinh tế” là một điển hình.
1. KHÁI QUÁT CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA NHẬT BẢN
* Nhân tố trong nước
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (1945), Nhật Bản là nước bại trận, sụp đổ về vật chất và tinh thần, chịu sự chiếm đóng của lực lượng Đồng minh, đứng đầu là Mỹ. Mục đích của lực lượng Đồng minh là “phi quân sự hoá” và “dân chủ hoá” Nhật Bản nhằm thay đổi tính chất xã hội của Nhật Bản từ “quân chủ” sang “dân chủ”, từ “quân phiệt hiếu chiến” sang “hoà bình” [2, tr. 46].
Sau chiến tranh, Nhật Bản bị chiếm đóng bởi quân Đồng minh, quan hệ của Nhật Bản với bên ngoài hoàn toàn bị cắt bỏ “thuộc địa bằng 45% diện tích Nhật Bản bị mất hoàn toàn Đội thương thuyền bị phá huỷ, mậu dịch quốc tế bị ngưng lại và bị đặt vào sự quản thúc hết sức khó khăn của quốc tế” [4, tr. 46]. Việc buôn bán của Nhật Bản được thực hiện thông qua các tổ chức buôn bán đa chính phủ của Mỹ.
Với thực tế như vậy, Chính phủ Nhật Bản nhận thức rằng “di sản của sự thất bại của Nhật Bản trong chiến tranh đã bó buộc đất nước này và không cho phép một con đường nào khác ngoài việc tập trung phục hồi và phát triển kinh tế. Vì vậy, Nhật Bản đã chuyển sang đường lối đối ngoại hoà bình phát triển kinh tế”. Và chính sách “ngoại giao kinh tế” được đưa ra để vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ sau chiến tranh.
Ngoài ra, một nhân tố quan trọng giữ vai trò kim chỉ nam của chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản là nguyên tắc “kinh tế trên hết” bởi từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất cho đến các kế hoạch tiếp theo của Nhật Bản đều tập trung vào nguyên tắc số một là nguyên tắc “kinh tế trên hết” để phát triển thật nhanh nền kinh tế đất nước.
* Nhân tố quốc tế
Hiệp ước Postdam (7/1945) buộc Nhật Bản đầu hàng Đồng minh không điều kiện (14/8/1945), bồi thường chiến phí và chịu sự kiểm soát của quân đội Mỹ. Sau sáu năm kể từ ngày đầu hàng quân đội Đồng minh, tháng 9 năm 1951, tại nhà hát kịch San Francisco, hiệp định hòa bình Nhật Bản được kí kết (có hiệu lực vào tháng 4 năm 1952). Cũng trong thời gian này, Nhật Bản đã kí với Mỹ “Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật”. chấp nhận dưới “ô bảo vệ hạt nhân” của Mỹ. Theo hiệp ước, Nhật Bản cam kết cho Mỹ quyền duy trì các lực lượng hải, lục, không quân của Mỹ ở Nhật và một liên minh quân sự được hình thành nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc và vùng Viễn Đông. Với hiệp ước San Francisco, Nhật Bản đã kí kết với 48 nước không cộng sản [7, tr. 22], và được sự bảo trợ của Mỹ trong Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật, đã biến Nhật Bản thành một căn cứ chống cộng ở châu Á và điều này phù hợp với chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Có thể thấy hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau chiến tranh bởi hiệp định là sự cam kết giữ gìn an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản nhưng có một điều kiện đổi lại là sự phát triển của Nhật Bản bị “trói buộc vào phe tư bản chủ nghĩa” [8, tr. 59] mà Mỹ là người đứng đầu. Nhật Bản dựa vào Mỹ để phòng thủ đất nước và tập trung sức phát triển kinh tế. Vì vậy, Nhật Bản và Mỹ trở thành đồng minh quan trọng của nhau trong các mối quan hệ. Thỏa thuận an ninh song phương Mỹ- Nhật được giới cầm quyền Nhật cho rằng đó là “hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản”. Như vậy, về chính trị và quân sự, Nhật Bản hoàn toàn dựa vào Mỹ.
Nhật Bản đã lợi dụng liên minh quân sự-chính trị này để tránh những khoản chi phí quân sự khổng lồ, có điều kiện tập trung mọi khả năng cho sự phát triển kinh tế và bành trướng thế lực ra bên ngoài. Với việc bãi bỏ những ràng buộc của chính sách chiếm đóng của Mỹ thông qua Hiệp ước San Francisco và Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, Nhật Bản phục hồi nhanh chóng nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, khi Mỹ tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (6/1950), Mỹ thay đổi chính sách đối với Nhật Bản, thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng nhảy vào Đông Nam Á, hòng giảm bớt gánh nặng viện trợ mà Mỹ đang cáng đáng. Vì vậy, hai Hiệp ước này “được coi như là cơ sở chính trị đầu tiên của chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản” [5, tr. 124].
2. CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA NHẬT BẢN NHỮNG NĂM 50-70 CỦA THẾ KỶ XX
2.1. Chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản đối với Đông Nam Á
* Chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản
Đối với Nhật Bản, Đông Nam Á là thị trường gần gũi, là cái kho khổng lồ về tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự phát triển kinh tế Nhật Bản. “Đông Nam Á có thể cung cấp cho Nhật Bản: 100% cao su, 74% quặng sắt, 18,6% dầu thô, 85% vật liệu gỗ, 49% kim loại màu, 88,5% bôxít, 77,4% than mỏ”, là nơi có nhu cần lớn về trang bị kỹ thuật công nghiệp mà Nhật Bản có thể cung cấp.
Quay trở lại Đông Nam Á, Nhật Bản muốn mở rộng phần nhập khẩu nguyên liệu và lương thực thực phẩm nhằm cải thiện cán cân thương mại thâm hụt quá lớn với Mỹ. Đường lối ngoại giao kinh tế được thực hiện để phục hồi nền kinh tế trong nước và được xem như là “một chính sách quốc gia”. Mục đích của chính sách này là đảm bảo lợi ích trong các hoạt động kinh tế của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Chính sách “ngoại giao kinh tế” đã giúp cho các công ty độc quyền Nhật Bản xâm nhập vào các nước Đông Nam Á và khẳng định vị trí của họ ở khu vực này. Đây “được coi là thay đổi quan trọng trong quan hệ kinh tế-xã hội của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai” [5, tr.49].
Vào tháng 12 năm 1952, Chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố chính sách của họ đối với Đông Nam Á - “một chính sách mạng đậm màu sắc kinh tế”. Thủ tướng Yoshida đã nhấn mạnh: “Nhằm thúc đẩy mậu dịch, chính phủ sẽ thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế tiến hành ký kết các hiệp ước thương mại, mở rộng và phát triển các cơ hội buôn bán, cũng cố các ngành công nghiệp xuất khẩu Để làm được điều đó, chúng ta đặc biệt phát triển các mối liên kết kinh tế với các nước Đông Nam Á” [1, tr. 26] và “Tôi không thấy cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ chúng ta đối với Đông Nam Á, vì chúng ta không thể trông đợi nhiều ở mậu dịch Trung Quốc. Chính phủ mong muốn mở rộng mọi sự hợp tác có thể vì sự phồn vinh của các nước Đông Nam Á dưới hình thức vốn, kỹ thuật, dịch vụ hoặc các hình thức khác để nhờ đó thúc đẩy hơn nữa các quan hệ cùng có lợi và thịnh vượng chung” [3, tr. 6].
Chính phủ Nhật Bản xác định một trong những trọng tâm của chính sách ngoại giao mới của Nhật Bản là bình thường hoá và thúc đẩy các quan hệ hữu nghị với các nước Đông Nam Á, cụ thế là liên kết kinh tế với các quốc gia ở khu vực này. “Quả là có lý khi nói chính sách ngoại giao kinh tế với Đông Nam Á chiếm 1/3 tầm quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản bởi vì phương hướng đó là một trong ba phương hướng cơ bản của chính sách đối ngoại Nhật Bản thời kỳ này”.
Để thực hiện và mở rộng chính sách ngoại giao kinh tế, tháng 12 năm 1966, Nhật Bản có ý định thành lập “Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương” không chỉ bao gồm Đông Nam Á mà cả Canada, Australia, New Zealand. Nhật Bản tuyên bố rằng “sẽ tạo lập một vùng ảnh hưởng kinh tế và chính trị” như “một vùng đất cấm của chủ nghĩa tư bản Nhật” [3, tr. 7], đó là Thái Bình Dương - Đông Nam Á.
Năm 1977, Nhật Bản cho ra đời học thuyết Fukuda, với nội dung chủ yếu:
Nhật Bản - một quốc gia tôn trọng hoà bình, không chấp nhận vai trò của một cường quốc quân sự và quyết tâm đóng góp vào hoà bình và thịnh vượng của Đông Nam Á và cộng đồng thế giới.
Nhật Bản sẽ nỗ lực để củng cố mối quan hệ bè bạn và tin cậy trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội với các nước trong khu vực.
Nhật Bản sẽ là một bạn hàng bình đẳng, hợp tác tích cực với các nước ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-viết tắt là ASEAN, ra đời năm 1967) và các nước khác, tăng cường các mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau với các nước Đông Dương và sẽ góp phần vào việc xây dựng hoà bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Sự ra đời của học thuyết này đánh dấu bước chủ động của Nhật Bản trong việc coi trọng hàng đầu thị trường Đông Nam Á. Học thuyết này lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng rõ rệt của Nhật Bản trong quan hệ đối ngoại từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm tăng cường vai trò chính trị của Nhật thông qua đòn bẩy kinh tế ở khu vực Đông Nam Á.
2.2. Chính sách “ngoại giao kinh tế” của Nhật Bản ở Đông Nam Á trong những năm 50 - 70 của thế kỷ XX
Chính sách “ngoại giao kinh tế” của Nhật Bản đối với Đông Nam Á do Chính phủ Yoshida đề xướng vào những năm 50, được thực hiện bằng các công cụ: bồi thường chiến phí, buôn bán mậu dịch, đầu tư và viện trợ.
* Bồi thường chiến tranh
Bước đi đầu tiên trong chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản là bồi thường chiến tranh và việc bồi thường được trả bằng hàng hoá và các loại dịch vụ khác. Việc bồi thường được Nhật Bản xúc tiến từ đầu những năm 50. Năm 1951, Nhật Bản thương lượng với Indonesia, năm 1952 thương lượng với Philipinnes. Nhưng phải đến năm 1954 trở đi, việc thương lượng bồi thường mới được kí kết giữa các bên. Nhật Bản bồi thường cho Myanmar 200 triệu đôla, được trả trong thời hạn 20 năm, được thực hiện thông qua các chương trình hàng hoá và dịch vụ. Philipinnes là nước thứ hai trong khu vực đạt được hiệp định bồi thường với Nhật Bản, và Nhật phải bồi thường 500 triệu đôla cộng với chương trình tín dụng dài hạn 20 năm. Đối với Indonesia, Nhật Bản phải bồi thường 230 triệu đôla và 400 triệu đôla tín dụng [1, tr. 38]. Việc thương lượng thành công với 3 nước Myanmar (12/1954), Philipinnes (4/1956) và Indonesia (11/1957) trong bồi thường chiến tranh chứng tỏ chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản do Thủ tướng Yoshida khởi xướng bước đầu được thực thi trong thực tế. Năm 1959, việc Nhật Bản kí hiệp định bồi thường chiến tranh cho miền Nam Việt Nam (Nhật Bản bồi thường cho miền Nam Việt Nam tổng số 55,6 triệu đôla, được chi trả trong thời hạn 5 năm, bao gồm 39 triệu bồi thường chiến tranh, 7,5 triệu viện trợ kinh tế và 9,1 triệu tín dụng [1; tr.41]) cho thấy Nhật Bản đã hoàn thành căn bản giai đoạn bình thường hóa quan hệ với các nước Đông Nam Á. Rõ ràng, bồi thường chiến tranh được xem là một công cụ hữu hiệu của Nhật Bản trong những năm 50 để thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế.
Đến năm 1965, về cơ bản Nhật Bản đã thanh toán xong những khoản bồi thường chiến tranh với các nước có liên quan ở Đông Nam Á.
* Thương mại mậu dịch
Đầu những năm 50, khi bắt đầu xác định chính sách đối với Đông Nam Á, tỷ lệ xuất khẩu của Nhật sang các nước Đông Nam Á đạt 41% trong tổng số xuất khẩu ra thế giới. Thời kỳ này, Đông Nam Á luôn bị thâm hụt trong cán cân thanh toán ngoại thương với Nhật Bản, cụ thể là năm 1951, các quốc gia Đông Nam Á thâm hụt thương mại 61,9 triệu đôla, năm 1954 thâm hụt 88,3 triệu đôla [5, tr. 46]. Nhìn chung, thời kỳ này (1950-1954), Đông Nam Á trở thành thị trường cho hàng xuất khẩu của Nhật.
Sang những năm 60, chính sách “ngoại giao kinh tế” mang đậm tính thương mại. Ở khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản phát triển mạnh mục tiêu giữ sự phụ thuộc của các nước này trong quan hệ thương mại với Nhật ở lĩnh vực tài nguyên và năng lượng. Kết thúc năm 1969, Nhật Bản đã đạt được số dư là 850 triệu đôla trong việc buôn bán với 9 nước vùng Đông Nam Á. Máy móc, thiết bị, vật liệu là những mặt hàng xuất khẩu ngày càng tăng, 40% tổng số hàng xuất khẩu trong thập kỷ 60 là các mặt hàng chế biến công nghiệp. Cũng trong thập kỷ này, Nhật Bản thu lãi lớn: tổng giá trị xuất khẩu về hàng hóa là 926,7 triệu đôla năm 1960 đến năm 1969 tăng lên 6.164 triệu đôla.
Cơ cấu mậu dịch giữa hai bên trong giai đoạn này có những đặc điểm nổi bật: hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản là những mặt hàng từ tài nguyên của các nước đang phát triển ASEAN, đổi lại phần xuất khẩu từ Nhật nhằm vào các sản phẩm công nghiệp của các nước phát triển. 80% tổng số xuất khẩu từ Nhật vào các nước ASEAN là các mặt hàng công nghiệp nặng, máy móc thiết bị, kim loại, hóa chất, ngược lại các mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN nhập vào Nhật là nhiên liệu khoáng sản, nguyên liệu, lương thực thực phẩm, kim loại, các mặt hàng chế biến Năm 1975, xuất khẩu từ Nhật sang các nước ASEAN đạt tổng số là 5.980 triệu đôla và hàng nhập khẩu từ các nước này vào Nhật Bản đạt tổng số 6.860 triệu đôla. So với những năm 70 thì hoạt động này phát triển khá mạnh, tổng giá trị hàng nhập vào Nhật là 1.870 triệu đôla và đến năm 1975 là 6.860 triệu đôla, tổng giá trị hàng xuất khẩu từ Nhật là 1.810 triệu đôla năm 70 so với 5.980 triệu đôla năm 1975. Như vậy, trong những năm 70-75 tổng giá trị nhập khẩu của Nhật nhiều hơn tổng giá trị xuất khẩu. Người Nhật giải thích rằng các nước ASEAN quan trọng đối với Nhật là ở “tư cách một nguồn hàng nhập khẩu hơn là tư cách một địa bàn tiêu thụ các hàng xuất khẩu” [5, tr. 109] của họ. Điều này là phù hợp với tình hình thực tế đầu những năm 70 với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, các nước ASEAN là nguồn đáp ứng nhu cầu năng lượng của Nhật Bản.
* Viện trợ ODA
Kế hoạch Ki-si ra đời năm 1957 đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế xuống khu vực Đông Nam Á, thành lập “Quỹ phát triển Đông Nam Á” nhằm cung cấp tài chính cho việc khai thác tài nguyên ở các nước Đông Nam Á. Năm 1958, Nhật Bản đã trích 5 tỷ yên đưa vào quỹ dưới danh nghĩa viện trợ các nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Trong những năm 50 và 60, viện trợ của Nhật Bản không chỉ là tiền mà được thực hiện dưới các chương trình viện trợ thiết bị giúp đỡ kỹ thuật. Các hình thức này đã giúp Nhật Bản thâm nhập vào thị trường các nước Đông Nam Á.
Viện trợ của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á bao gồm cho vay chính thức và viện trợ không hoàn lại. Từ năm 1960 đến năm 1976, tổng số viện trợ và chi viện cho việc hợp tác với các nước ASEAN của Nhật Bản đã đạt hơn 28 tỉ đôla, chiếm 27,4% trong tổng số viện trợ phát triển chính thức ở nước ngoài (viết tắt là ODA) của Nhật Bản. Năm 1977, viện trợ cho các nước ASEAN chiếm 29,9% tổng viện trợ phát triển chính thức ở nước ngoài.
Nước
ODA 1977
Viện trợ chính thức và tư nhân khác
Tổng cộng chung từ 1960-1975
Phần viện trợ không hoàn lại
Cho vay chính thức
Tổng cộng
Indonesia
Malaisia
Philipinnes
Singapore
Thái Lan
2.420
534
1.378
209
1.533
12.415
2.411
1.683
674
3.630
14.835
2.945
3.061
883
5.183
20.017
1.656
9.150
8.939
2.020
444.018
68.033
166.571
51.858
55.764
ASEAN
6.075
(25,7%)
20.833
(31,4%)
26.907 (29,9%)
41.782
(11,5%)
786.244
(27,4%)
Tổng ODA cho các nước
28.668
(100%)
66.257
(100%)
89.925
(100%)
363.640
(100%)
2.871.983
(100%)
Nguồn: Bộ ngoại giao Nhật Bản. “Các nền kinh tế đang phát triển và Nhật Bản” [5, tr. 101]
* Đầu tư kinh tế
Những năm đầu trở lại thị trường Đông Nam Á, việc đầu tư tư bản của Nhật chưa đáng kể, từ 5 triệu đôla năm 1951 lên 9,5 triệu đôla năm 1954 nhưng đến cuối năm 1956 vốn đầu tư của Nhật ở Đông Nam Á đã lên 18 triệu đôla. Tư bản tư nhân Nhật đầu tư vào các nước Đông Nam Á dưới các hình thức: mua chứng khoán hoặc cổ phẩn để thành lập những công ty hỗn hợp tại Đông Nam Á có sự tham gia của tư bản Nhật. Hoặc giúp đỡ kỹ thuật dưới hình thức đầu tư ngoại hối, gửi chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản đến giúp đỡ, đào tạo sinh viên hay bán bằng phát minh sáng chế của Nhật.
Một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nhận xét: “Kiểu đầu tư của Nhật Bản được coi là một cách tiếp cận các khoáng sản và nông sản cần cho Nhật Bản với giá rẻ”.
Đầu tư của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á đạt tới 1,3 tỉ đôla tính đến cuối năm 1964, đầu năm 1965. Vốn đầu tư của Nhật Bản được thực hiện thông qua các hình thức như: “Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế”, “Tổ chức sản xuất châu Á”. Việc đẩy mạnh chính sách ngoại giao kinh tế thông qua các chương trình như: “Hợp tác quốc tế và giúp đỡ kỹ thuật”, “Quỹ phát triển Đông Nam Á” cộng với cho vay vốn chính phủ Nhật đã nhanh chóng đầu tư tư bản Nhà nước vào các nước Đông Nam Á đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tư bản tư nhân trong việc chuyển vốn vào các ngành khai thác tài nguyên ở khu vực này.
Để thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế ở Đông Nam Á, Nhật Bản đã từng bước tham gia vào các tổ chức của khu vực như “Ngân hàng phát triển châu Á” được thành lập và khai trương vào tháng 12 năm 1966 tại Manila, trong đó đóng góp đầu tiên của Nhật Bản ngang bằng với Mỹ tức là 200 triệu đôla trên tổng số vốn 1.100 triệu đôla của ngân hàng, rồi “quỹ phát triển nông nghiệp Đông Nam Á” được thành lập năm 1966, đầu tư của Nhật Bản chiếm 1/3 (tức 100 triệu đôla), mục đích của Nhật Bản là đảm bảo ổn định về lương thực và mở rộng xuất khẩu.
Mặc dù gặp khó khăn trong tình hình kinh tế, chính trị do “cú sốc Nixon” (1971) và “cơn khoáng dầu mỏ” (1973) nhưng Nhật Bản vẫn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, càng đẩy mạnh đầu tư hơn bởi vì một vài nước trong ASEAN sẽ là những nguồn đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết cho Nhật Bản. Vào đầu những năm 70 các nước ASEAN bước đầu thực hiện “Chiến lược phát triển công nghiệp hướng về xuất khẩu” trong đó nhu cầu về thu hút vốn đầu tư của tư bản nước ngoài rất lớn, cộng thêm nhu cầu về đa dạng hóa quan hệ kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, Nhật Bản đã tận dụng được cơ hội khi các nước ASEAN thi hành chính sách rộng rãi, ưu đãi vốn đầu tư và nguồn viện trợ của tư bản tư nhân. Trong khoảng từ năm 1971 đến 1975, số vốn đầu tư của Nhật Bản cho việc khai thác nguồn tài nguyên ở nước ngoài tăng đều đặn. Năm 1970, số đầu tư đạt 1.092 triệu đôla, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư tư nhân ở nước ngoài, đến năm 1975, con số này đã lên tới 4.075 triệu đôla, chiếm 32%. Theo số liệu do Bộ ngoại giao Nhật Bản công bố, các nguồn đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào các nước ASEAN từ năm 70 đến năm 76 như sau.
Đầu tư của Nhật Bản ở ASEAN (nghìn đôla)
Nước
1970
1972
1974
1976
Tổng cộng
Indonesia
44.750
124.800
231.270
784.770
2.113.464
Malaisia
12.690
21.050
68.720
45.160
303.092
Philipinnes
28.770
12.920
71.640
56.290
323.445
Singapore
59.120
55.570
312.966
Thái Lan
13.790
25.060
40.550
7.710
190.499
Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản - 1975 [5, tr. 103]
Nguồn vốn đầu tư của Nhật tập trung vào các ngành khai thác mỏ quặng, nguồn khí đốt tự nhiên, các ngành khai thác hải sản và lâm sản nhiệt đới và các khu công nghiệp xuất khẩu. Với việc đầu tư này, Nhật Bản nhằm chiếm độc quyền thị trường nguồn hàng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, Nhật Bản còn hùn vốn vào các công ty hỗn hợp với tư bản các nước sở tại và đầu tư vào dự án cùng với các nước tư bản công nghiệp khác. Mục đích đầu tư của Nhật là đầu tư vào thế mạnh của từng nước Đông Nam Á để có thể nhập về Nhật đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng đồng thời từng nước trong khu vực lại là một thị trường tiêu thụ các mặt hàng thích hợp của Nhật.
Như vậy, có thể thấy rằng, chính sách ngoại giao của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới hai chỉ nhằm vào mục đích kinh tế trên hết mà chính sách “ngoại giao kinh tế” là một minh chứng cụ thể, nó chỉ thay đổi hình thức cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á trong từng giai đoạn.
3. TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO KINH TẾ CỦA NHẬT BẢN VỚI ĐÔNG NAM Á
* Đối với Nhật Bản
Chính sách ngoại giao kinh tế đã giúp Nhật Bản phục hồi nền kinh tế trong nước, đặc biệt trong những năm 60, 70, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ hai trong thế giới tư bản, sau Mỹ. Năm 1950, tổng sản phẩm quốc dân của Nhật Bản mới đạt 24 tỉ đôla nhưng sang những năm 60, Nhật Bản đã vượt qua Canada, Anh, Pháp và Tây Đức. Năm 1973, tổng sản phẩm quốc dân Nhật Bản đạt khoảng 360 tỉ [6, tr. 177].
Sự phát triển của nền kinh tế giúp Nhật giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường vai trò, vị trí trên thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á. Nhật Bản tham gia các “Đại hội vì sự phát triển vùng Đông Nam Á”, “Hội đồng châu Á và Thái Bình Dương” (ASPAC) và tham gia vào việc thành lập “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1967)” (ASEAN). Hay nói cách khác, chính sách “ngoại giao kinh tế” giúp Nhật Bản độc lập hơn với Mỹ trong các quan hệ kinh tế.
Chính sách ngoại giao kinh tế là một phương cách để Nhật Bản mở rộng thị trường, làm cho các nước Đông Nam Á quen dần với các loại hàng hóa của mình thông qua các hình thức viện trợ, đầu tư, mậu dịch hay bồi thường cả tiền lẫn hàng hóa Nhật Bản; là cơ sở để Nhật Bản vươn lên từ cường quốc kinh tế trở thành cường quốc chính trị ở khu vực và thế giới.
Tác động quan trọng về chính trị là thông qua việc bồi thường chiến tranh đã cải thiện được hình ảnh của Nhật Bản trong con mắt của cộng đồng Đông Nam Á vốn đã từng bị Nhật Bản xâm lược và nô dịch trong chiến tranh.
Một tác động quan trọng là giúp Nhật Bản trở về với cộng đồng thế giới và khu vực khi Nhật Bản đã vươn lên sau đống đổ nát của chiến tranh, trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, có quan hệ buôn bán, viện trợ, đầu tư với các nước trong khu vực. Chính việc thực hiện khéo léo chính sách “ngoại giao kinh tế” mà Nhật Bản đã giữ được vị trí là “người cung cấp những mặt hàng nhập khẩu quan trọng của các nước ASEAN”.
* Đối với các nước Đông Nam Á
Chính sách “ngoại giao kinh tế” của Nhật Bản ngoài tác động tích cực cho Nhật Bản còn giúp các nước Đông Nam Á có bước phát triển mới trong nền kinh tế. Nhờ nguồn vốn từ việc bồi thường, viện trợ, đầu tư và mở rộng quan hệ buôn bán mà trong những năm 60, 70, các nước Đông Nam Á đã phát triển nền kinh tế của mình. Đây là điều không thể phủ nhận (ví dụ: Indonesia trong những năm 60, đạt mức phát triển bình thường. Sang thập niên 70, tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh, từ 2,5% những năm 60 lên 7-7,5%).
Không những phát triển về kinh tế mà các nước ASEAN còn học tập được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm trong đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những vùng có nguồn nhân công rẻ; đầu tư vào các ngành khai thác mỏ quặng, nguồn khí đốt tự nhiên; hay hùn vốn vào các công ty hỗn hợp với tư bản các nước sở tại
của Nhật Bản. Việc Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN trong những năm 70 cộng với “chiến lược phát triển công nghiệp hướng về xuất khẩu” đã đem lại kết quả khả quan cho các nước ở khu vực này, đưa một số kỹ thuật mới vào nền sản xuất, bước đầu đi vào công nghiệp hóa, tạo một sức bật mới cho nền kinh tế.
Để đối trọng với các nước bên ngoài trong hợp tác, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành lập năm 1967 chứng minh cho sự phát triển và đoàn kết các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ chính sách ngoại giao kinh tế thì Đông Nam Á vẫn bị thâm hụt trong cán cân thanh toán ngoại thương với Nhật Bản, bởi Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Nhật Đông Nam Á là nơi giải quyết những khó khăn trong nền kinh tế của Nhật Bản như “cú sốc Nixon”, “cơn choáng dầu mỏ”. Vì vậy, xét trên quan hệ kinh tế thì mối quan hệ này không cân xứng, bởi Nhật là người thu được nhiều lợi nhuận, người đóng vai trò chủ đạo còn các nước Đông Nam Á thì phải chịu thâm hụt. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì các nước Đông Nam Á cũng thu được những thành quả không nhỏ đó là bước đầu thực hiện tốt “chiến lược phát triển công nghiệp hướng vào xuất khẩu”.
4. KẾT LUẬN
Chính sách “ngoại giao kinh tế” ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh. Khu vực được hướng đến là Đông Nam Á, Nhật Bản nhằm vào một thị trường rộng lớn, nguyên liệu phong phú giá nhân công thấp. Với các hình thức: bồi thường chiến tranh, viện trợ, đầu tư, quan hệ mậu dịch Nhật Bản vừa có thể củng cố uy tín cũng như phát triển kinh tế ở khu vực đầy tiềm năng này.
Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 60 và đầu những năm 70 chứng tỏ chính sách ngoại giao kinh tế là một sự điều chỉnh đúng đắn, mà vị trí thứ hai của Nhật Bản trong thế giới tư bản là một bằng chứng. Sự phát triển về kinh tế kéo theo địa vị chính trị của Nhật Bản cũng được nâng cao (Chính phủ Nhật Bản thăm các nước Đông Nam Á để mở rộng quan hệ trong những năm 60, 70).
Chính sách ngoại giao kinh tế đã giúp các nước Đông Nam Á khôi phục đất nước, cải thiện nền kinh tế, góp phần thay đổi cơ cấu công - nông nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh “cái được” là “cái mất”, đó là sự cạn kiệt dần nguồn nguyên nhiên liệu, sự thâm hụt trong cán cân thương mại. Nhật Bản thu được nguồn lợi lớn từ mối quan hệ này. Đây là giai đoạn tiền đề, mở đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa Nhật Bản và Đông Nam Á trong những giai đoạn tiếp sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Xuân Bình (cb) (1999). Quan hệ Nhật Bản – ASEAN - chính sách và tài trợ ODA. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Hoàng Thị Minh Hoa (1999). Cải cách dân chủ Nhật Bản trong những năm 1945-1951. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Hoàng Thị Minh Hoa (1998). Chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với các nước Đông Nam Á giai đoạn 1975 đến nay. Tóm tắt đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Huế.
Hoàng Thị Minh Hoa (2003). Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai dưới góc độ đặc thù dân tộc. Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 3, trang 41-49.
Dương Lan Hải (1992). Quan hệ của Nhật Bản với các nước ĐNÁ sau chiến tranh thế giới thứ 2 (1945-1975). Viện Châu Á và Thái Bình Dương, Hà Nội.
Phan Ngọc Liên (cb) (1997). Lịch sử Nhật Bản. NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
Masaya Shiraishi (1994). Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam 1951-1987. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Trần Anh Phương (2005). Tìm hiểu chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1, trang 59-68.
Title: JAPAN’S ECONOMIC FOREIGN POLICY TO THE SOUTHEAST ASIA IN THE 50-70s OF THE 20TH CENTURY AND ITS IMPACTS
Abstract: After the Second World War, with the changed domestic and international factors, Japan brought out the “Economic Foreign Policy”. This article generalises the “economic diplomacy” of Japan after the Second World War; concretises this policy for the Southeast Asia in the 50-70s of the twentieth century and its effects onto Japan and Southeast Asia.
PGS. TS. HOÀNG THỊ MINH HOA
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
Học viên Cao học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 6_60_hoangthiminhhoa_nguyenthilanhuong_18_nguyen_thi_lan_huong_su_6897_2020898.doc