Bạo lực trở thành một cảnh quan thường nhật của đời sống, đặc biệt là thời kỳ cách
mạng văn hóa. Từ đó, có thể nhìn thấu ẩn ý của nhà văn Dư Hoa: lịch sử Trung Quốc
đầy rẫy những bạo lực, máu me. Bạo hành và bị bạo hành trở thành tiêu chí phân loại
con người trong xã hội: Tôn Quang Lâm (Gào thét trong mưa bụi) lớn lên bằng những
trận đòn của anh trai và cha, Gia Trân (Sống) bị Phú Quý hành hạ, anh em Tống Cương
(Huynh đệ), Hứa Ngọc Lan (Chuyện Hứa Tam Quan bán máu) bị hồng vệ binh đánh
đập liên tục, Tống Phàm Bình (Huynh đệ) bị đánh cho đến chết giữa thanh thiên bạch
nhật Nỗi sự hãi vì bị bạo hành và khoái cảm được bạo hành trở thành hai thứ cảm xúc
chế ngự con người. Vì vậy đây là một dạng thức “chấn thương tinh thần” rất đặc biệt,
nó khiến trẻ thơ từ những nạn nhân của bạo lực trở thành người kế thừa bạo lực.
Phân tích những chấn thương tinh thần của các nhân vật, người đọc có thể nhận ra tinh
thần phản tư của tác giả. Và sự phản tư/phản tỉnh đó đã mở ra những chân trời tiếp nhận
khác nhau, làm dày thêm những tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm.
4. KẾT LUẬN
Con người chấn thương là kiểu nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Dư Hoa và cũng là
của văn chương hậu hiện đại. Mỗi người là một thực thể bơ vơ, một hành tinh cô đơn
chằng chịt vết thương tâm hồn. Đi qua những mất mát đau thương, những cuồng phong
của định mệnh và lịch sử, chấn thương tinh thần vẫn còn lưu dấu trong kí ức, dằn vặt
họ, khiến họ không được sống thanh thản, bình yên. Chấn thương tinh thần của nhân vật
Dư Hoa cũng chính là chấn thương tinh thần của dân tộc Trung Hoa thời hiện đại. Vì
vậy, kiểu nhân vật chấn thương này cũng là một biểu hiện cho sự thành công của
khuynh hướng tiểu thuyết đời tư – thế sự. Có thể thấy Dư Hoa đã lấy nỗi đau cá thể làm
cơ sở cho việc tái hiện hiện thực, lấy đời sống cá nhân làm con đường nhận thức thế
giới. Đó là cách “hoàn nguyên hiện thực” đầy hấp dẫn của lối tư duy nghệ thuật hậu
hiện đại kiểu Trung Hoa.
10 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 466 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chấn thương tinh thần trong tiểu thuyết của Dư Hoa - Nguyễn Thị Tịnh Thy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 5-14
CHẤN THƯƠNG TINH THẦN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA
NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Chấn thương tinh thần trong tiểu thuyết của Dư Hoa là tổ hợp
những mặc cảm, sợ hãi, ám ảnh, cô đơn... Mặc cảm bị bỏ rơi, mặc cảm cô
đơn, mặc cảm tội lỗi và sự sợ hãi; ám ảnh về máu me, bạo lực và chết chóc
bao phủ, vây bủa nhân vật từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Chấn thương
tinh thần khiến họ đều rơi vào trạng thái đau khổ, tủi hận, trầm uất. Đằng sau
chấn thương tinh thần của nhân vật, đằng sau những “thế hệ mất mát” ấy là
cả một “hiện thực thậm phồn” của “thân xác xã hội”. Dư Hoa đã lấy nỗi đau
cá thể làm cơ sở cho việc tái hiện hiện thực, lấy đời sống cá nhân làm con
đường nhận thức thế giới. Đó là cách “hoàn nguyên hiện thực” đầy hấp dẫn
của lối tư duy nghệ thuật hậu hiện đại. Phân tích những chấn thương tinh
thần của các nhân vật, người đọc có thể nhận ra tinh thần phản tư của tác giả.
Và sự phản tư/phản tỉnh đó đã mở ra những chân trời tiếp nhận khác nhau,
làm dày thêm những tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm.
Từ khóa: chấn thương tinh thần, mặc cảm, “hiện thực thậm phồn”, “thân
xác xã hội”, phản tư
1. MỞ ĐẦU
Dư Hoa là nhà văn tiên phong, tài hoa, cá tính, lạnh lùng và bạo liệt bậc nhất trong văn
đàn Trung Quốc đương đại. Với bốn tiểu thuyết Gào thét trong mưa bụi, Sống, Chuyện
Hứa Tam Quan bán máu và Huynh đệ, Dư Hoa đã thể hiện được nét riêng biệt của mình
qua phong cách sáng tác mang cảm quan hậu hiện đại. Cảm quan ấy chi phối mọi yếu tố
nghệ thuật của các tác phẩm, trong đó, sinh mệnh cá nhân là vấn đề đau thương nhất,
nhức nhối nhất và cũng ám ảnh nhất đối với người đọc. Sinh mệnh cá nhân với những
chấn thương thể xác và tinh thần đã khiến tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa
đều có một kết cục đáng buồn. Đặc biệt, chấn thương tinh thần là nguyên nhân của
những nỗi đau dai dẳng đeo bám suốt cuộc đời các nhân vật. Với họ, cuộc sống là một
chuỗi chịu đựng, con người sinh ra là đã mang tội và phải tồn tại một cách gian nan từ
trong dằn vặt, đau khổ, bạo lực và tử vong.
2. CÁC DẠNG THỨC CHẤN THƯƠNG TINH THẦN
Chấn thương tinh thần trong tiểu thuyết của Dư Hoa là tổ hợp những mặc cảm, sợ hãi,
cô đơn... Mặc cảm bị bỏ rơi, mặc cảm cô đơn, mặc cảm tội lỗi và sự sợ hãi; ám ảnh về
máu me, bạo lực và chết chóc bao phủ, vây bủa nhân vật từ lúc sinh ra. Và cứ thế,
chúng kéo lê nhân vật theo bước chân đáng sợ của chúng cho đến điểm cuối cùng của
hành trình làm người đầy đau khổ và nhọc nhằn.
2.1. Mặc cảm bị bỏ rơi
Nhân vật bị bỏ rơi hiện diện trong tất cả các tác phẩm của Dư Hoa, trở thành một motif
nhân vật thân phận “bị thực tại chối bỏ”. Mà đó là những “thực tại” thuộc về những đại
6 NGUYỄN THỊ TỊNH THY
tự sự vốn tồn tại trong cuộc sống và thế giới tinh thần của người Trung Quốc từ xa xưa:
gia đình, luân lí, đạo đức. Việc xây dựng các nhân vật bị bỏ rơi cho thấy sự đổ vỡ của
các đại tự sự trong cảm quan hậu hiện đại của nhà văn.
Tôn Quang Lâm, Quốc Khánh (Gào thét trong mưa bụi), Nhất Lạc (Chuyện Hứa Tam
Quan bán máu) là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôn Quang Lâm ba lần bị bỏ rơi. Lần thứ
nhất, cậu bị bố mẹ đẻ cho đôi vợ chồng hiếm muộn là Vương Lập Cường và Lý Tú Anh
làm con nuôi. Lần thứ hai, sau khi bố nuôi chết, cậu lại bị mẹ nuôi bỏ lại trên một
chuyến phà. Lần thứ ba, cậu tìm về được nhà bố mẹ đẻ, nhưng lại sống một cuộc đời bị
ghẻ lạnh cho đến lúc ra đi. Lần bị bỏ rơi nào cũng đều đột ngột đối với Tôn Quang Lâm.
Sáu tuổi, cậu bị một người đàn ông cao lớn kéo tay lôi đến một chiếc tàu thủy nổ máy
xình xịch trên dòng sông rộng dài. “Tôi không biết mình đã bị bố mẹ đem cho người
khác. Tôi cứ tưởng nơi mình đến là một cuộc đi chơi thú vị” [2, tr. 22]. Bố mẹ nuôi của
Tôn Quang Lâm đều không thích trẻ con, nên đã chọn cậu bé lên sáu này làm con nuôi,
vì nó có thể làm được việc. Hai ông bà cho cậu ăn no mặc ấm, cho đi học, nhưng không
cho cậu có một tuổi thơ tự nhiên, hồn nhiên như những đứa trẻ khác. “Ông Vương Lập
Cường bận bịu suốt ngày ở bên ngoài... Bà Lý Tú Anh không coi trọng sự tồn tại của
tôi,... rất ít quan tâm đến tôi. Bà luôn mồm ca cẩm chỗ này đau, chỗ kia khó chịu,
nhưng khi tôi lo lắng xuất hiện trước mặt bà, mong mình có thể làm cho bà việc gì đó,
bà lại nhìn mà không thấy tôi...” [2, tr. 276]. Ngày qua ngày, suốt năm năm, Tôn Quang
Lâm sống lặng lẽ như cái bóng nhỏ bé bên cạnh cái bóng gầy guộc, yếu ớt của mẹ nuôi.
Cậu thường giật mình thon thót trong tiếng rên hừ hừ của bà và tiếng thở dài não ruột
của bố nuôi. Lẻ loi, lạc lõng, chiếc khăn đội đầu của mẹ đẻ chập chờn bay trong giấc mơ,
việc nhìn nhầm một cậu bé là anh trai mình và được đáp trả bằng một cái nhìn lạnh
lùng... tất cả khiến cậu buồn thương, lo lắng và bật khóc.
Ông Vương Lập Cường tự sát, đau buồn khiến bà Lý Tú Anh quên tất cả. Bà bỏ quên
cậu bé Tôn Quang Lâm trên bến tàu thủy. Sau những “bần thần”, “nức nở khóc muốn
chết”, cậu vay tiền một người bạn để mua vé tàu về lại nhà bố mẹ đẻ. Và cậu tiếp tục
một cuộc sống nặng nề ngay chính trong ngôi nhà của mình, bên cạnh những người thân
của mình.
Quốc Khánh (Gào thét trong mưa bụi) mất mẹ, bố lấy vợ khác. “Đứng trước gian nhà
trống rỗng, cậu đột nhiên chảy nước mắt và òa khóc”. Bị bố vứt bỏ, cậu bé chín tuổi
phải tự tổ chức cuộc sống cho riêng mình trên một căn gác nhỏ. Cậu sống bằng tiền trợ
cấp của những người họ hàng bên ngoại. Quốc Khánh tìm niềm an ủi từ những hồi ức
về mẹ. Trong lúc bơ vơ không nơi nương tựa, cậu bé chín tuổi đã biết tưởng tượng về
quá khứ để sống.
Bị bố ruồng bỏ nhưng trong lòng Quốc Khánh lại “không ruồng bỏ bố”. Làm điều gì sai
trái, cậu cũng lo lắng sợ bố trách phạt. Khi chơi trò ném vỡ đèn đường, thấy bố đi tới,
Quốc Khánh sợ sệt gọi một tiếng: “Bố”. Nhưng bố cậu bực tức nói: “Ai là bố của mày?”.
Người đàn ông này đã bỏ cả cái quyền xử phạt con trai. “Đối với Quốc Khánh, đòn này
còn đau hơn nhiều việc vứt bỏ sự chăm sóc đối với cậu” [2, tr. 306]. Với dáng vẻ hết
sức đáng thương, cậu cắn rách môi, cố sức chịu đựng không để trào nước mắt. Mặc dù
CHẤN THƯƠNG TINH THẦN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA 7
vậy, cậu vẫn vững tin là bố sẽ quay về. Cậu mong bố ốm, vì khi bị ốm, bị ho, bố cậu sẽ
tìm cậu bởi một lí do duy nhất: cậu có một lọ thuốc ho. Với niềm tin ngây thơ đó, dù có
bị ho liên tục, cậu cũng không dám mở lọ thuốc cho mình. Nhưng cuối cùng, cậu hụt
hẫng khi nhìn thấy bố đi vào bệnh viện. Cậu khóc hu hu: “Bố mình ốm mà không đến
tìm mình. Bố chẳng bao giờ đến tìm mình nữa”. Bị ruồng bỏ, Quốc Khánh sống cùng
với bà già cô độc ở gác dưới căn nhà.
Nhất Lạc (Chuyện Hứa Tam Quan bán máu) bị bố bỏ rơi từ trong bụng mẹ. Nó là kết
quả của mối tình của Hứa Ngọc Lan – Hà Tiểu Dũng. Nhưng Hứa Ngọc Lan không
cưới Hà Tiểu Dũng mà cưới Hứa Tam Quan. Nhất Lạc chín tuổi, Hứa Tam Quan mới
xác định được nó không phải là con đẻ của mình. Vậy là sau một lần bán máu kiếm tiền
để đãi cả nhà “một bữa no”, anh quyết định không cho Nhất Lạc được ăn từ máu của
mình. Buồn bã, tủi thân, Nhất Lạc đi tìm bố đẻ của mình. Nhưng cậu bé chỉ nhận được
những câu nói phũ phàng: “Ai là bố mày?... Nếu mày còn lải nhải tao là bố mày, tao sẽ
đấm, sẽ đá cho một trận nhừ đòn... Cút xéo!... Nếu mày còn đến tao sẽ chém chết” [3, tr.
227-230]. Nhất Lạc đói khát lang thang cho đến khi bố nuôi tìm thấy. Từ đó về sau,
Nhất Lạc còn bị chính gia đình bố đẻ hành hạ về mặt tinh thần khiến cậu rất tội nghiệp.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi đều mang vết thương lòng sâu nặng trong suốt cuộc đời và
chính mặc cảm bị bỏ rơi là một trong những nguyên nhân dẫn đến mặc cảm cô đơn.
2.2. Mặc cảm cô đơn
Con người bị bỏ rơi là do “bị thực tại chối bỏ”, phức tạp hơn thế, con người cô đơn vừa
“bị thực tại chối bỏ” vừa “chối bỏ thực tại”. Họ cô đơn do định mệnh, do hoàn cảnh, và
cũng do chính mình muốn trốn chạy thế giới này, không “mở lòng ra đón lấy những vang
động cuộc đời”. Các thực thể cô đơn chìm đắm trong thế giới của riêng mình, quay lưng
với tất cả những bộn bề, hỗn độn của thế giới hiện đại/hậu hiện đại rộng lớn ngoài kia.
Lần thứ ba bị bỏ rơi của Tôn Quang Lâm rất đặc biệt. Dù vẫn sống trong ngôi nhà của
mình, bên cạnh những người thân của mình nhưng cậu lại là con người thừa, là kẻ bỏ đi
trong mắt họ. Bố cậu ghét cậu, anh trai cũng ghét theo vì ảnh hưởng từ bố. Bọn trẻ trong
thôn thường chơi với anh trai nên Tôn Quang Lâm cũng bị bọn chúng xa luôn. Chìm
đắm trong nỗi cô đơn, cậu thường ra ngồi một mình bên bờ ao và tự an ủi bằng hoài
niệm về những tháng ngày sống với bố mẹ nuôi rồi “cười một mình mà nước mắt rưng
rưng”. Cậu bị đứng ngoài mọi sự kiện, biến cố của gia đình, bơ vơ đến cùng cực. Ngay
trong đám tang của em trai bị chết đuối, cậu cũng “luôn đứng ở xa”. Cô đơn và ghẻ lạnh
khiến cậu có cảm giác dường như mình không còn tồn tại ở trên đời.
Chính nỗi cô đơn đã khiến Tôn Quang Lâm bắt gặp nỗi lòng của người bạn học là Tô
Vũ. Tô Vũ cô đơn, buồn bã vì chán nản với thế giới đầy dục vọng của người lớn và
ngổn ngang trăm mối tơ lòng của tuổi dậy thì. Đồng bệnh tương liên, vẻ cô đơn của tô
Vũ đã khiến Tôn Quang Lâm “cảm thấy vô cùng thân thiết”. Có Tô Vũ, chia sẻ với
nhau những điều thầm kín nhất, Quang Lâm cảm thấy nhẹ nhõm phần nào nỗi u hoài
trong tâm can. Nhưng rồi, định mệnh lại trả Quang Lâm về với nỗi cô đơn gấp bội khi
Tô Vũ vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống vì bị xuất huyết não.
8 NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Lý Trọc trong Huynh đệ là “vua” của thị trấn Lưu. Vượt qua bao gian khó, bằng sự
thông minh, nhanh nhạy, liều lĩnh và may mắn, anh đã có tất cả: tiền, tình, quyền hành,
sự ngưỡng mộ... Tuy nhiên, tổng kết cuộc đời mình, Lý Trọc cay đắng thừa nhận: “ta là
kẻ mồ côi”. Không cha mẹ, không anh em, không vợ con; cô đơn vây bủa lấy cuộc đời
anh. Ôm một đống tài sản, Lý Trọc muốn được du lịch trong con tàu không gian cùng
hộp tro tàn từ xác của người anh em kết nghĩa là Tống Cương đã chết vì sự phản bội của
Lý Trọc. Một người sống, một người chết, một phi thuyền, một hành tinh khác là sự cô
độc, cô đơn đến tận cùng. Không có ai có thể chia sẻ nỗi đau buồn và hối hận của Lý
Trọc, anh muốn mang nó bay vào không gian, chôn kín tận đáy lòng.
Phú Quý trong Sống mới là người cô đơn nhất trong những người cô đơn của tiểu
thuyết Dư Hoa. Kéo cày cùng với con trâu già giữa cánh đồng. Ông gọi tên nó là Phú
Quý, là Hữu Khánh, Gia Trân, Nhị Hỷ, Phượng Hà, Khổ Căn. Vì sao trâu lại có tên
người? Mà lại nhiều cái tên thế? Bởi vì đó là cái tên của những người thân yêu mà Phú
Quý đã một tay chôn họ trên mảnh đất làng quê. Con trai, vợ, con rể, con gái, cháu
ngoại đều lần lượt bị thần chết mang đi. Số phận thật nghiệt ngã với Phú Quý. Ông chỉ
còn biết khỏa lấp nỗi cô đơn bằng cách làm bạn, nói chuyện với con trâu, gọi nó bằng
tên những người thân cho vơi bớt muộn phiền.
Mỗi con người cô đơn trong tiểu thuyết của Dư Hoa là “một tinh cầu giá lạnh”. Cô đơn
như một dòng xoáy của định mệnh nhấn chìm họ trong buồn bã, khổ đau.
2.3. Mặc cảm tội lỗi và sự sợ hãi
Trong sự cô đơn của Tôn Quang Lâm và Tô Vũ còn hàm chứa mặc cảm tội lỗi về giới
tính. Khi phát hiện “một cử chỉ thần bí trong đêm tối” với cao trào hưng phấn, Tôn
Quang Lâm giật mình hoảng sợ. Từ đó, niềm hoan lạc của cậu luôn đi kèm với sự run
rẩy. Cảm giác tội lỗi khiến cậu đau khổ, “thù hận bản thân”, “tâm linh rối bời”. Ngày
qua ngày, mặc cảm tội lỗi khiến Tôn Quang Lâm càng xa lánh mọi người, càng chìm
sâu vào nỗi cô đơn. Mãi cho đến khi được Tô Vũ giải thích, cậu mới rũ bỏ mặc cảm.
Nhưng tâm hồn cậu lại tiếp tục chịu sự tra tấn của một nỗi sợ hãi mới. Người bạn học là
Trịnh Lượng vô tình nói rằng: “Cái thứ ấy trên cơ thể con người giống như nước trong
phích nước nóng, chỉ có ngần ấy thôi, anh nào chăm dùng đến ba mươi tuổi sẽ hết” [2, tr.
131]. Câu nói ấy khiến Quang Lâm “rơi vào sự căng thẳng và nỗi sợ hãi cực độ đối với
sinh lý”. Nỗi sợ hãi này khiến cậu “lo nơm nớp trong khi thực hiện mơ ước về cuộc
sống tương lai” và “càng tin chắc vào sự cô độc sau này của mình”, “buồn thương vô
hạn cho cảnh thê thảm của mình”. Vậy là tuổi thiếu niên của Quang Lâm trôi qua trong
âu lo và dằn vặt. Ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, cậu lại chôn mình trong
sầu muộn và già nua. Nỗi cô đơn, sợ hãi của cậu đã khiến cho kiếp nhân sinh trong Gào
thét trong mưa bụi nặng nề, u ám, trầm luân.
Lý Trọc (Huynh đệ) theo đuổi Lâm Hồng. Lâm Hồng lại yêu và cưới người anh em của
Lý Trọc là Tống Cương. Tống Cương đi làm ăn xa, hoàn cảnh đưa đẩy, Lý Trọc và Lâm
Hồng lại dan díu với nhau. Bao nhiêu năm bươn chải trở về, biết được sự thật, Tống
Cương nằm lên đường ray, “đoàn tàu nghiến qua bụng anh”. Anh ra đi lúc hai người thân
CHẤN THƯƠNG TINH THẦN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA 9
yêu nhất của anh đang trong cơn ân ái cuồng nhiệt thủng trống long chiên. Thi thể đứt lìa
của anh được đưa về nhà, cửa đóng then cài vì vợ còn ở với người tình, bạn bè đặt anh
nằm trên một chiếc xe kéo, ngửa mặt chờ đợi trước hiên nhà cho đến quá nửa đêm.
Qua cao trào hoan lạc điên dại, Lý Trọc nhận được tin Tống Cương tự sát. Lý Trọc thét
lên đau đớn, tự chửi rủa mình: “Mẹ kiếp, ta sẽ phải chết một cách khốn khổ khốn nạn, ta
không chết xe đâm, cũng sẽ chết cháy, cũng sẽ chết đuối,... Ôi, ta là kẻ khốn nạn...” [5,
tr. 631]. Lý Trọc và Lâm Hồng vừa chửi bới nhau, vừa nguyền rủa chính mình bằng
những lời cay độc nhất. “Mày là con đĩ thối tha... Ngươi là kẻ khốn nạn, mất dạy... Mày
là con mụ dâm đãng... Ngươi là kẻ không bằng loài cầm thú... Mày là con mụ giết
chồng!... Ngươi là kẻ giết chết người anh em của mình... Ta sẽ có báo ứng, mày cũng sẽ
có báo ứng” [5, tr. 362-363]. Từ đó về sau, cái chết của Tống Cương trở thành nỗi ám
ảnh tội lỗi của họ. Họ sợ hãi nhau, nhìn thấy thú tính trong nhau, sợ hãi vì chính những
hành động tội lỗi của mình và của người. Hai người đoạn tuyệt với nhau. Cơn chấn
động tinh thần khiến Lý Trọc bị liệt dương từ đó, anh ta cũng từ bỏ mọi tiền tài, danh
vọng, ôm nỗi đơn côi chờ đợi ngày lên phi thuyền bay vào không gian cùng hộp tro cốt
của Tống Cương.
2.4. Ám ảnh về máu me, bạo lực và chết chóc
Văn chương của Dư Hoa ngập tràn máu me, bạo lực và chết chóc. Xét từ tâm lí học
sáng tạo và phân tâm học của Freud, “tuổi thơ dữ dội” của Dư Hoa gắn với phong trào
cách mạng văn hóa, gắn với căn nhà tập thể của gia đình ông trong bệnh viện gần khu
nhà xác. Lớn lên, Dư Hoa lại từng là nha sĩ. Tất cả những điều đó quyện lại trong kí ức,
trong tiềm thức khiến cho sáng tác của Dư Hoa luôn có những trường đoạn khiến độc
giả cảm thấy rùng rợn, kinh hãi.
Máu và bán máu là những từ ngữ gây ám ảnh đối với nhân vật Hứa Tam Quan (Chuyện
Hứa Tam Quan bán máu) và cả độc giả. Vẫn biết nhục thể, tinh huyết của con người là
do cha mẹ sinh ra, do tổ tông truyền lại; máu là mạng sống của mỗi người, là thứ quý
giá vô song. Tuy nhiên vì quý giá mới được tiền nên mỗi khi túng thiếu, Hứa Tam Quan
lại đi bán máu. Anh đã 14 lần bán mạng sống, “bán tổ tông” để lo liệu những việc lớn
trong đời. Để cưới vợ, để cứu đói cho con, để đãi cơm thủ trưởng của con, để hối lộ cho
con được chuyển về thành phố, để chữa bệnh cho con... Hứa Tam Quan phải bán máu.
Mỗi khi gặp khó khăn, anh nghĩ ngay đến việc bán máu. Sau mỗi lần bán máu, anh lại bị
ám ảnh bởi tác hại của việc mất máu. Vì vậy, máu luôn là niềm hi vọng lẫn nỗi tuyệt
vọng của Hứa Tam Quan. Máu trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời cơ cực của anh. Cho
đến lúc già, con cái đã trưởng thành, kinh tế đã khấm khá, không cần phải bán máu để
giải nguy cho gia đình nữa. Vậy mà Hứa Tam Quan lại đau khổ nói với vợ: “Bà ơi, tôi
già rồi, từ nay trở đi tôi không bán máu được nữa, không ai cần máu của tôi, ngộ sau
này nhà mình gặp tai họa sẽ biết làm thế nào?” [3, tr. 409]. Máu trở thành biểu tượng
của tác phẩm, máu là khổ đau của con người, là bất công của xã hội, là sai lầm của lịch
sử... 538 lần từ máu xuất hiện khiến trang viết của Dư Hoa lóa một màu đỏ đau thương.
10 NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Với Sống, nhan đề của tác phẩm là sự sống, nhưng nội dung lại là sự chết. Bị bắt đi lính,
Phú Quý lăn lóc ngoài chiến trường lửa đạn, anh chứng kiến một sự thật kinh hoàng.
Mấy ngàn thương binh bị vứt thành đống, thành bãi lớn. Tuyết rơi suốt đêm, tiếng khóc
hu hu, tiếng kêu thảm thương, tiếng cười man dại, tiếng thét kinh hoàng vang lên từng
chuỗi như từng cơn nước thủy triều. Sáng ra, những những người thương binh gào khóc
đêm qua đều chết cóng, tuyết phủ một lớp mỏng lên xác họ. “Thảm quá!”. Đó là tiếng
than của đồng đội Phú Quý, đồng thời cũng là cảnh tượng nặng nề bám riết lấy tâm trí
ông. Trở về nhà sau khi “giã từ vũ khí”, người thân lại lần lượt rơi vào lưỡi hái của tử
thần. Bao nhiêu người chết đi, chỉ còn một mình ông già Phú Quý sống trơ trọi cùng với
con trâu – người bạn – nông cụ của mình. Từng người thân ra đi, từng niềm hi vọng tắt
ngấm. Cái chết từ chỗ là nỗi tiếc thương, đau khổ quằn quại đã dần trở thành một điều
tự nhiên, bình thản với ông bởi ông đã đi quá giới hạn nỗi đau khổ của một con người.
Bạo lực, máu me, chết chóc lại cùng hội tụ trong Huynh đệ với cảnh Tống Phàm Bình bị
hồng vệ binh đánh chết. Sáu người đeo băng đỏ cầm gậy gỗ đánh anh ở bến xe. “Mấy
chiếc gậy tới tấp giáng xuống... đập chan chát vào đầu anh... vụt đen đét lên người anh
như điên loạn cho tới khi chiếc gậy gỗ đua nhau gãy rau ráu... Sau đó mười hai cái
chân của sáu hồng vệ binh lại thi nhau vừa giẫm, vừa đá, vừa dọi liên tục... còn có cả
hai đoạn gậy bị gãy sắc nhọn như lưỡi lê đâm vào cơ thể anh, sau khi đâm lại rút ra,
thân thể Tống Phàm Bình chỗ nào cũng phun ra máu tươi như đã bị dò thủng” [5, tr.
133,135]. Hai đứa con trai của Phàm Bình là Tống Cương và Lý Trọc đến bến xe đón
mẹ, chúng bước qua cái xác bê bết máu bị ruồi nhặng bâu kín của anh nhưng không thể
nhận ra bố. Xác anh khô dần dưới cái nắng như thiêu đốt, máu của anh từ màu đỏ đã
chuyển qua màu đen. Sau một hồi hoài nghi, tìm tòi, hai đứa con mới nhận ra Tống
Phàm Bình.
Vợ của Phàm Bình là Lý Lan từ Thượng Hải trở về. Trong tột cùng đau khổ và uất hận,
chị lau máu cho thi thể anh, đi thuê người chở quan tài về khâm liệm anh. Phàm Bình
cao lớn, quan tài thì nhỏ (vì tiền nhỏ) nên Lý Lan phải chấp nhận để người ta đập vỡ hai
chân Phàm Bình nhét vào quan tài. Chị run lẩy bẩy ôm chặt hai con trong tiếng đập vỡ
xương vang lên nện vào sự sợ hãi và đau đớn. Tất cả những bi thương đó ám ảnh tâm
hồn ba mẹ con chị, khiến sự chết của chị và sự sống của hai con chị sau này đều chứa
đầy bi kịch.
Từ lí thuyết biểu tượng, có thể thấy việc trần thuật về máu me, bạo lực và chết chóc còn
là một cách để nhà văn ngụ ý về sự tái sinh chất hoang dã, man rợ trong con người và xã
hội đương đại. Sự châm biếm ẩn giấu đằng sau những biểu tượng bạo liệt khiến tiểu
thuyết của Dư Hoa chất chứa lắm nỗi niềm về nhân sinh, về thế sự.
Máu me, bạo lực và chết chóc đều đổ ập xuống, bao phủ cuộc đời các nhân vật; nỗi cô
đơn, mặc cảm, sự sợ hãi chiếm ngự tâm can họ. Chấn thương tinh thần khiến họ đều rơi
vào trạng thái đau khổ, tủi hận, trầm uất. Từ lí thuyết hiện sinh, có thể thấy Dư Hoa
đang đau khổ thay cho con người. Cuộc sống quá nặng nề, nhân sinh quá khổ ải; làm
người – con người trong vòng xoáy của định mệnh và lịch sử - thật khó biết bao.
CHẤN THƯƠNG TINH THẦN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA 11
3. TỪ CHẤN THƯƠNG TINH THẦN ĐỂ HIỂU “THÂN XÁC XÃ HỘI”
Dĩ nhiên, Dư Hoa không phải là dạng nhà văn ưa thích thể hiện bệnh lý tinh thần của
nhân vật đơn thuần như một kiểu trò chơi của văn bút. Đằng sau chấn thương tinh thần
của nhân vật, đằng sau những “thế hệ mất mát” ấy là cả một “hiện thực thậm phồn” của
“thân xác xã hội”.
3.1. Bóc trần hiện thực từ chấn thương tinh thần
Mỗi bất hạnh, bi kịch của nhân vật của Dư Hoa đều là những mảng màu tạo nên bức
tranh hiện thực phức tạp của các tác phẩm. Những cuộc đời tang tóc của Phú Quý, u uất
của Tôn Quang Lâm, bất hạnh của Tống Phàm Bình, nhố nhăng của Lý Trọc, trớ trêu
của Tống Cương, nhọc nhằn của Hứa Tam Quan đã tái hiện một Trung Quốc của thế
kỷ XX đầy đói khát, bạo lực, chết chóc, lừa lọc và kệch cỡm. Nỗi buồn chung thân của
Tôn Quang Lâm, Tô Vũ, Lý Trọc; nỗi bơ vơ với thời thơ ấu lạc loài của Hứa Nhất Lạc,
Quốc Khánh là diễn ngôn của quan niệm “văn hóa giết cha” trỗi lên ở Trung Quốc hiện
nay. Quan niệm này thể hiện bi kịch tinh thần của thế hệ trẻ và hiện thực đáng buồn của
Trung Quốc đương đại khi các giá trị gia đình, nhân luân đang dần bị mai một, đổ vỡ.
Cái chết của con trai Phú Quý là Hữu Khánh và cuộc đời bán máu của Hứa Tam Quan
lại là sự phản ứng với một hiện thực khác. Vợ chủ tịch huyện sinh khó, cần tiếp máu,
người ta đến huy động học sinh của trường tiểu học. Nhóm máu của bệnh nhân rất
hiếm, chỉ có Hữu Khánh phù hợp. Cậu bé mừng rỡ vì thắng được các bạn, được làm
một việc tốt, và tự hào mình sẽ được khen ngợi. Nhưng người ta lấy nhiều máu, lấy hết
máu nên Hữu Khánh không còn cơ hội được nhận sự tuyên dương nữa. Mặt em trắng
bệch dần, nụ cười biến dạng trên môi, em chết vì mất máu.
Hứa Tam Quan và những người cùng cảnh ngộ như anh muốn được bán máu của chính
mình thì phải hối lộ cho trưởng phòng y tế. Bán máu là cách kiếm tiền cơ cực đến tận
cùng, nhưng để thực hiện hành động ấy, “những người khốn khổ” phải có hành động
trích máu trước cho cán bộ nhà nước. Hiện thực này là một minh chứng cho sự gan góc
trong sáng tác của Dư Hoa.
Dư Hoa từng nói: “quan hệ giữa tôi và hiện thực là mối quan hệ căng thẳng; nói nặng
nề hơn một chút, tôi luôn luôn nhìn nhận hiện thực bằng thái độ đối địch...” [4, tr. 183].
Chính thái độ đối địch ở chi tiết hiến máu (hay chính xác hơn là bị hút máu) của Hữu
Khánh đã khiến đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu phải tránh né. Trong phim, vị
đạo diễn này chọn giải pháp để cho Hữu Khánh chết vì tai nạn!
Một trong những nguyên nhân gây nên chấn thương tinh thần của Lý Trọc và Lâm
Hồng (Huynh đệ), của Tôn Quang Lâm và Tô Vũ (Gào thét trong mưa bụi) là dục vọng.
Qua dục vọng của cá nhân, có thể nhận ra dục vọng của xã hội, của thời đại. Sự cấm dục
của thời kỳ cách mạng văn hóa và sự túng dục của thời cải cách mở cửa đã khiến con
người rơi vào sự tha hóa, mất mát và tội lỗi như nhau. Dù kìm nén dục vọng hay theo
đuổi dục vọng, buông thả vì dục vọng, kết cục cũng đều bất hạnh như nhau. Những vấn
đề riêng nhất, người nhất lại là chung nhất, đời nhất. Thế giới hiện thực nhiều lúc có khả
năng hiện ra từ một chấm nhỏ đau thương của sinh mệnh con người.
12 NGUYỄN THỊ TỊNH THY
3.2. Chấn thương tinh thần với cái nhìn phản tư
Các nhân vật trong Gào thét trong mưa bụi, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, Sống,
Huynh đệ đều phải đối mặt với sự nghiệt ngã của cuộc sống với sự tùy ý, ngẫu nhiên
của định mệnh. Phú Quý (Sống) từ một công tử phá gia đã hoàn lương, muốn sống một
cuộc đời bình dị, có một hạnh phúc bình thường, nhỏ nhoi nhưng không thể thỏa ước.
Ông đành/phải/bị chấp nhận tai ương mà không có một lối thoát nào, một niềm tin nào
để bám víu. Nếu nói rằng Phú Quý vẫn còn sống được nhờ tinh thần lạc quan là hơi
khiên cưỡng, bởi vì Phú Quý cam chịu hơn là lạc quan. Định mệnh đã quá nghiệt ngã
với ông, ông là người phải sống, bị sống chứ không phải được sống. Sống đối với ông là
sự trừng phạt chứ không phải là ân huệ của tạo hóa. Từ góc nhìn này, có thể thấy nỗi bi
thương của phận người, và Sống chính là một khúc bi ca về thân phận con người. Chết
chóc liên tục ập đến khiến con người không còn kinh sợ cái chết, biết chấp nhận cái phi
lý, làm quen với sự thất vọng đối với nhân sinh. Đó vừa là bi kịch vừa là sự “bừng ngộ”
của con người.
Tôn Quang Lâm (Gào thét trong mưa bụi) phải chứng kiến cảnh ông nội bị bố mình tìm
mọi cách hành hạ vì là kẻ ăn bám. Ông nội thường cúi gằm mặt trong bữa ăn, run lẩy
bẩy trong từng bước đi, câu nói của con trai. Bố của Quang Lâm lại tằng tịu với bà góa
trong làng khiến mẹ cậu chết trong uất hận. Ông còn hai lần sàm sỡ con dâu khiến con
trai tức giận cầm dao chém đứt tai ông... “Không có vua”, không tôn ti trật tự, không cả
tình thương; mỗi người trong gia đình Tôn Quang Lâm là một cá thể lạc loài. Gia đình
không còn là bến đỗ bình yên cho con thuyền vốn đã chòng chành của những phận
người. Giá trị gia đình, nhân luân bị chà đạp, thế hệ trẻ như Tôn Quang Lâm phải đặt
đôi chân của mình trên mảnh đất đạo đức nào đây?
Bị vùi dập bởi sự tàn khốc của lịch sử, những giáo điều của lý tưởng chính trị không
còn ý nghĩa gì đối với các nhân vật. Lý tưởng chung của họ là đồng tiền, đồng tiền trở
thành một yếu tố “phì đại” của hiện thực. Lý Trọc xác lập giá trị của mình bằng đồng
tiền, các nhân vật khác đánh mất giá trị làm người vì đồng tiền. Lý Trọc tin rằng càng
có nhiều tiền, anh càng có cơ hội để xóa đi những chấn thương tinh thần thời thơ ấu.
Trớ trêu thay, chấn thương cũ không mất đi, chấn thương mới lại chồng chồng lớp lớp.
Suốt cuộc đời, không có một giá trị tinh thần nào có thể khiến Lý Trọc hướng thượng.
Anh là doanh nhân nhưng cũng là kẻ lưu manh, là người lừa đảo nhưng cũng là kẻ bị
lừa đảo, là người đa tình nhưng cũng là kẻ thất tình. Mọi giá trị trong Lý Trọc đều bị
đảo lộn, lật nhào. “Tuổi thơ bị đánh cắp”, kế thừa “di sản của mất mát” khiến tỉ phú Lý
Trọc chưa một lần thốt lên được một lời tử tế. Thật đáng cười và cũng thật đáng thương
khi Lý Trọc lúng ta lúng túng rồi bất lực về ngôn từ trước một “người đẹp trinh tiết”:
“Mẹ kiếp! Ta chỉ biết làm tình, không biết tỏ tình”.
“Bán tổ tông”, “giết cha”, giễu nhại Mao Trạch Đông, giễu cợt các ngày lễ truyền thống
và hiện đại của dân tộc; các nhân vật chấn thương chênh vênh giữa cuộc đời này. Tất cả
họ đều mất niềm tin, mất điểm tựa tinh thần và điểm đến tương lai.
CHẤN THƯƠNG TINH THẦN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA 13
Bạo lực trở thành một cảnh quan thường nhật của đời sống, đặc biệt là thời kỳ cách
mạng văn hóa. Từ đó, có thể nhìn thấu ẩn ý của nhà văn Dư Hoa: lịch sử Trung Quốc
đầy rẫy những bạo lực, máu me. Bạo hành và bị bạo hành trở thành tiêu chí phân loại
con người trong xã hội: Tôn Quang Lâm (Gào thét trong mưa bụi) lớn lên bằng những
trận đòn của anh trai và cha, Gia Trân (Sống) bị Phú Quý hành hạ, anh em Tống Cương
(Huynh đệ), Hứa Ngọc Lan (Chuyện Hứa Tam Quan bán máu) bị hồng vệ binh đánh
đập liên tục, Tống Phàm Bình (Huynh đệ) bị đánh cho đến chết giữa thanh thiên bạch
nhật Nỗi sự hãi vì bị bạo hành và khoái cảm được bạo hành trở thành hai thứ cảm xúc
chế ngự con người. Vì vậy đây là một dạng thức “chấn thương tinh thần” rất đặc biệt,
nó khiến trẻ thơ từ những nạn nhân của bạo lực trở thành người kế thừa bạo lực.
Phân tích những chấn thương tinh thần của các nhân vật, người đọc có thể nhận ra tinh
thần phản tư của tác giả. Và sự phản tư/phản tỉnh đó đã mở ra những chân trời tiếp nhận
khác nhau, làm dày thêm những tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm.
4. KẾT LUẬN
Con người chấn thương là kiểu nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Dư Hoa và cũng là
của văn chương hậu hiện đại. Mỗi người là một thực thể bơ vơ, một hành tinh cô đơn
chằng chịt vết thương tâm hồn. Đi qua những mất mát đau thương, những cuồng phong
của định mệnh và lịch sử, chấn thương tinh thần vẫn còn lưu dấu trong kí ức, dằn vặt
họ, khiến họ không được sống thanh thản, bình yên. Chấn thương tinh thần của nhân vật
Dư Hoa cũng chính là chấn thương tinh thần của dân tộc Trung Hoa thời hiện đại. Vì
vậy, kiểu nhân vật chấn thương này cũng là một biểu hiện cho sự thành công của
khuynh hướng tiểu thuyết đời tư – thế sự. Có thể thấy Dư Hoa đã lấy nỗi đau cá thể làm
cơ sở cho việc tái hiện hiện thực, lấy đời sống cá nhân làm con đường nhận thức thế
giới. Đó là cách “hoàn nguyên hiện thực” đầy hấp dẫn của lối tư duy nghệ thuật hậu
hiện đại kiểu Trung Hoa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân... (sưu tầm và biên soạn) (2003). Văn học hậu hiện
đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội nhà văn - Trung tâm văn hoá ngôn ngữ
Đông Tây, Hà Nội.
[2] Dư Hoa (2008). Gào thét trong mưa bụi, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[3] Dư Hoa (2006). Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[4] Dư Hoa (2005). Sống, NXB Văn học, Hà Nội.
[5] Dư Hoa (2012). Huynh đệ, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[6] Liviu Petrescu (2013). Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại (Lê Nguyên Cẩn dịch), NXB
ĐH Sư Phạm, Hà Nội.
[7] Phương Lựu (2011). Lí thuyết văn học hậu hiện đại, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[8] 马跃琍 (2010). 余华小说中人学主题的研究, 南京师范大学.
[9] 惠 静 (2012). 余 华 小 说 的 死 亡 叙 事 及 其 转 变 , 2012-8-24,
[10] 朱 春 雷 (2012). 论 余 华 书 写 暴 力 的 叙 事 策 略 及 其 原 因 , 2012-6-12,
14 NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Title: MENTAL TRAUMA IN YU HUA’S NOVELS
Abstract: Mental trauma in Yu Hua’s novels is a combination of complex, fear, obsession,
loneliness The complex of abandonment, of loneliness, of sin and fear; obsession with gore,
violence and death cover, beset characters from birth to death. Mental trauma drives them to the
state of distressed , pity, depression. Behind the mental trauma of character and “the lost
generation” is a “hyper-reality” of “social body”. Yu Hua took the personal pains as a basic for
reconstituting the reality and took the personal life for perceiving the world . That is the way of
attractively "Reconstituting the reality" of post modern art thinking. Analyzing the mental hurt
of the characters, readers can realize the spirit of criticism of the author. And that spirit has
opened different ways of receptions and has increased the layers of meaning of the work.
Keywords: mental trauma, complex , “hyper-reality”, “social body”, criticism
TS. NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 27_433_nguyenthitinhthy_04_nguyen_thi_tinh_thy_2022_2020361.pdf